KHAM KIENG CHONG HOUA THOR(*)

(*) Văn phòng huyện Phôn Xay, tỉnh Luông Pha Bang, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Tóm tắt: Xây dựng bản phát triển là một trong những chủ trương lớn của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong những năm gần đây. Cùng với xây dựng nông thôn mới, xây dựng bản phát triển là biện pháp toàn diện để phát triển kinh tế – xã hội, nhất là vùng nông thôn Lào trong những năm tới. Hiện thực hóa chủ trương, tỉnh Luông Pha Bang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng tồn tại một số hạn chế. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao hiệu quả của chương trình xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Bang và khắc phục những tồn tại hiện nay. Bài viết trên cơ sở giới thiệu khái quát chương trình xây dựng bản phát triển để soi chiếu vào thực trạng áp dụng ở Luông Pha Bang và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình này ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Từ khóa: bản phát triển; Luông Pha Bang, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

1. Khái quát chung về chương trình xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Bang, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Luông Pha Bang là tỉnh nằm ở miền Bắc Lào, cửa ngõ nối liền Thủ đô Viêng Chăn với 09 tỉnh miền Bắc: Phía Bắc giáp tỉnh Sơn La và Điện Biên của nước Việt Nam và tỉnh Phông Xa Ly Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; phía Nam giáp tỉnh Viêng Chăn và tỉnh Xay Sôm Bun; phía Đông giáp tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Hua Phăn; phía Tây giáp tỉnh U Đôm Xay và tỉnh Xay Nhạ Bu Ly. Trong hơn 35 năm đổi mới, cùng với xu thế phát triển chung của đất nước, quá trình đổi mới về kinh tế đã và đang tạo nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng, trong đó có tỉnh Luông Pha Bang. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Bang đã và đang trở thành một phong trào rộng khắp với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân cùng sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị các cấp.
Chương trình 03 xây do Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khởi xướng là vấn đề chiến lược quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Lào. Chương trình 03 xây nói chung và việc xây dựng bản phát triển nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phong trào thi đua “yêu nước và phát triển” nhằm phát triển kinh tế – xã hội, nông nghiệp, nông thôn toàn diện, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; “là sự cần thiết khách quan trong chiến lược xây dựng bền vững chế độ dân chủ nhân dân bắt đầu từ cơ sở của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào”(1). Thời gian qua, cùng với xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bản phát triển là một trong hai chương trình quốc gia được Đại hội lần thứ IX (năm 2011) của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nhấn mạnh: “Phải đẩy mạnh việc xây dựng bản phát triển theo hướng xây dựng bản lớn thành trung tâm kinh tế – xã hội có màu sắc thị trấn nhỏ ở nông thôn”(2). Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã ban hành Nghị quyết số 03/BCTTWĐ ngày 15/02/2012 về việc xây đựng tỉnh thành đơn vị chiến lược, xây dựng huyện thành đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng bản thành đơn vị phát triển với mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy tính tự chủ và trách nhiệm của chính quyền trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội, tăng cường xây dựng cơ sở chính trị, phát triển nông thôn toàn diện, xây dựng bản phát triển theo 04 nội dung, 04 tiêu chí, thực hiện xóa đói, giảm nghèo sớm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Tiêu chí xây dựng bản phát triển ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 348/CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ Lào gồm 06 nhóm tiêu chuẩn, 88 tiêu chí(3). Cụ thể:
Thứ nhất, các tiêu chuẩn về quy hoạch đất đai và thực hiện quy hoạch đất đai. Theo đó, bản phát triển phải là bản có quy hoạch tốt; có quy định, quy chế quản lý, sử dụng đất đai và được phổ biến rộng rãi, kịp thời cho nhân dân; 03 loại đất (đất ở, đất công cộng, đất canh tác) phải được đóng cột phạm vi đầy đủ; các toà nhà được xây dựng theo quy hoạch; mỗi lô đất phải có giấy chứng nhận theo quy định.
Thứ hai, các tiêu chuẩn về cơ sở kinh tế – xã hội gồm 09 nhóm: (1) Về giao thông: đường giữa bản và huyện đi được quanh năm (mùa khô và mùa mưa); đường ở trung tâm bản được làm bằng bê tông theo tiêu chuẩn của từng khu vực; các đường ngõ của bản được trải bằng đá; đường phục vụ chính cho nơi canh tác được trải bằng đá và đi được quanh năm; có quy chế quản lý, sử dụng đường; (2) Về thủy lợi (đối với nơi có điều kiện): có mương thuỷ lợi bền vững theo tiêu chuẩn của Vụ Thủy lợi; hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và tiêu dùng; hệ thống thủy lợi đảm bảo cho việc sử dụng nước 80% của lực lượng sản xuất (địa phương quy định theo điều kiện cụ thể); có quy chế tổ chức phân phối nước công bằng và bền vững; (3) Về điện: có hệ thống điện đảm bảo kỹ thuật điện nông thôn; nguồn điện sử dụng trong bản được cấp từ nguồn điện quốc gia, địa phương hoặc nơi khác; các hộ gia đình trong bản được sử dụng điện thường xuyên, an toàn chiếm 95% trở lên; (4) Về trường học: có trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, có cơ sở hạ tầng đảm bảo tiêu chuẩn 75% trở lên theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Thể thao (địa phương quy định cụ thể cho phù hợp); (5) Về y tế: người dân trong bản được thuận lợi tiếp cận dịch vụ y tế; (6) Về văn hóa: có hội trường, nhà văn hóa có bảng thông báo để cung cấp thông tin, ảnh hoạt động việc tốt, người tốt, thông báo phổ biến các hoạt động của bản,…; (7) Về kinh tế nông thôn: có chợ hoặc nơi trao đổi buôn bán hàng hóa nông, lâm nghiệp và các đồ tiêu dùng khác mà pháp luật không cấm; có quy chế quản lý chợ hoặc nơi trao đổi buôn bán hàng hóa; (8) Về bưu điện: truyền thông và thông tin: người dân trong bản được tiếp cận dịch vụ bưu điện và thuyền thông; có mạng điện thoại; internet; có mạng đài phát thanh quốc gia và địa phương; được mạng truyền hình quốc gia và địa phương; (9) Về nơi ở: mọi hộ gia đình đều có nhà ở bền vững, an toàn.
Thứ ba, các tiêu chuẩn về kinh tế và tổ chức sản xuất có 03 nhóm tiêu chí cụ thể: (1) Thu nhập mọi công dân trong bản có thu nhập từ 5.600.000 kíp/người/năm trở lên; (2) Về việc làm: người dân trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định 80% trở lên; người lao động chính trong bản được phát triển tay nghề và trợ cấp xã hội theo quyết định của Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội; (3) Về tổ chức sản xuất: có tổ chức nhóm sản xuất hàng hóa, dịch vụ nào đó được cấp giấy chứng nhận hoạt động hiệu quả; các nhóm sản xuất hàng hóa dịch vụ có quy chế dân chủ của các thành viên trong nhóm, được công bố sử dụng, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm minh.
Thứ tư, các tiêu chuẩn về văn hóa – xã hội và môi trường. Có 04 nhóm tiêu chí: (1) Giáo dục và phát triển tay nghề: trường mầm non có các điều kiện thuận lợi về thể chất; tỷ lệ trẻ em từ 03 – 05 tuổi đi học mầm non từ 55% trở lên; tỷ lệ trẻ em 05 tuổi trở lên đi học tăng từ 80% trở lên; tỷ lệ bỏ học lớp 01 giảm dưới 8,5%; tỷ lệ trẻ em đi học cấp 01 tăng 98,5% trở lên; (2) Về y tế: là bản tiêu biểu về y tế; người dân trong bản có bảo hiểm y tế; có điều kiện, phát huy điều trị đông y kết hợp với thuốc tây; có vườn thuốc đông y; (3) Văn hóa: tỷ lệ hộ gia đình văn hóa chiếm 85% trở lên; là bản văn hóa 02 năm liền; là bản thực hiện quyền bình đẳng giới, phát huy phát triển trẻ em và tránh dùng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; (4) Về môi trường và an ninh lương thực: hộ gia đình tiêu biểu về y tế chiếm 85% trở lên; môi trường xung quanh bản, nơi ở xanh, sạch, đẹp; cơ sở sản xuất và dịch vụ nhỏ đảm bảo về môi trường và an ninh lương thực theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, các tiêu chuẩn về hệ thống chính trị. Người dân trong bản có tư tưởng chính trị vững vàng, đoàn kết hòa thuận, chấp hành luật pháp và tự giác thực hiện quyền làm chủ; tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; chính quyền bản vững mạnh; bản đoàn kết hòa thuận; bản tiêu biểu thực hiện pháp luật; bản có Hội Cựu chiến binh 03 tốt 06 giữ gìn; bản có Hội Phụ nữ 03 tốt; bản có Đoàn Thanh niên 04 tiến.
Thứ sáu, các tiêu chuẩn về quốc phòng – an ninh. Tổ chức đảng, chính quyền có phương thức lãnh đạo công tác an ninh và quốc phòng, chỉ đạo lực lượng dân quân bản huấn luyện và hoạt động có hiệu quả; người dân tự giác bảo vệ bản; lực lượng dân quân bản trong sạch, vững mạnh về tổ chức; bản có kế hoạch đề phòng thiên tai và tập huấn cho nhân dân di rời về nơi an toàn; có hộ gia đình bảo vệ Tổ quốc vững mạnh chiếm 90% trở lên; tổ chức đảng, chính quyền có phương thức lãnh đạo đội bảo vệ an ninh hoạt động hiệu quả; người dân tự giác bảo vệ an ninh, an toàn trong bản; không có tội phạm, ma túy và các hiện tượng tiêu cực khác; mọi gia đình có hộ khẩu gia đình, công dân 15 tuổi trở lên có chứng minh thư nhân dân chiếm 95%; không có tổ chức hoặc cá nhân hoạt động trái pháp luật; không có các hiện tượng làm mất trật tự, an toàn xã hội và mất đoàn kết trong bản(4).
Trên cơ sở định hướng đó, tỉnh Luông Pha Bang đã hiện thực hóa với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở. Qua thực hiện, chương trình 03 xây ở tỉnh Luông Pha Bang đã đạt được những kết quả nhất định.
2. Thực trạng xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Bang, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Trong các nhóm tiêu chuẩn xây dựng bản phát triển mà Đảng và Nhà nước Lào đã cụ thể hóa trong Nghị định số 348/CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ Lào là 06 nhóm, nhưng do sự trùng lặp của các nhóm tiêu chuẩn, các tiêu chí trong từng nhóm tiêu chuẩn, nên trong phạm vi bài viết, tác giả đánh giá, khảo sát thực trạng xây dựng bản phát triển trên 04 lĩnh vực: chính trị; kinh tế; văn hóa – xã hội và môi trường; quốc phòng – an ninh tại tỉnh Luông Pha Bang.
Thứ nhất, lĩnh vực chính trị
Xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực chính trị trong đó hướng tới các nội dung được xác định trong Nghị định số 348/CP của Chính phủ Lào “đã thay đổi lề lối làm việc theo hướng tốt hơn, làm cho nhiều đảng bộ, chi bộ vững mạnh. Tổ chức đảng có chất lượng vững mạnh, nội bộ đảng có sự đoàn kết thống nhất, là hạt nhân trong hệ thống chính trị, năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên tham gia thực hiện nghị quyết của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước, quần chúng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”(5).
Thứ hai, lĩnh vực kinh tế
Những năm qua, chính quyền tỉnh Luông Pha Bang luôn chỉ đạo ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân ở nông thôn, thu hẹp chênh lệch về điều kiện sống và lao động giữa đô thị và nông thôn, tạo dựng bộ mặt nông thôn mới văn minh, từng bước hiện đại. Chỉ đạo quy hoạch xây dựng nông thôn toàn diện, bám sát vào chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng bản phát triển. “Nhờ có chính sách ưu tiên cho các chương trình, dự án khuyến nông cho vay vốn đầu tư, Sở Nông Lâm nghiệp đã chỉ đạo phòng Nông Lâm nghiệp các huyện tích cực chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân như: kỹ thuật trồng cỏ (nuôi trâu, bò), làm vườn, nhập khẩu giống nuôi, thức ăn và tiêm thuốc phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Kết quả đạt được: sản xuất lúa trong diện tích 41.928 ha, thu hoạch được 107.809 tấn, so với kế hoạch đặt ra đạt 84%; trồng rau sạch, sản xuất hoa quả, trồng cỏ nuôi gia súc khá nổi bật; tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, như: trâu, bò, lợn, gà… Hiện tại, cả tỉnh có 125 trang trại lớn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá… thu nhập khoảng 35,65 tỷ kíp/năm”(6).
Thứ ba, lĩnh vực văn hóa – xã hội và môi trường
Những năm qua, hệ thống chính trị cấp cơ sở trong toàn tỉnh Luông Pha Bang đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực văn hóa – xã hội và môi trường, cụ thể: Hoàn thành xuất bản sổ tay đào tạo phòng ngừa tác động môi trường để phân phát cho các cộng đồng tiếp nhận dự án trong năm 2020, tổng số 54 dự án tại 54 bản của 06 huyện mục tiêu. Hoàn thành tập huấn về phòng ngừa tác động xã hội và cơ chế góp ý, giải quyết vướng mắc cho các tổ chức cấp bản và ban hòa giải cấp bản 54 bản thuộc 06 mục tiêu tiếp nhận tiểu dự án năm 2020 với tổng số 4.452 người tham gia, 2.110 phụ nữ. Hoàn thành đánh giá tác động xã hội 54 tiểu dự án thuộc 06 huyện mục tiêu được hỗ trợ hạ tầng trong năm 2020(7).
Thứ tư, lĩnh vực an ninh – quốc phòng
Trong năm qua, chính quyền các cấp tỉnh Luông Pha Bang đã chủ động phối hợp triển khai nhiều biện pháp, góp phần đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động của các loại tội phạm hình sự, nhất là tội phạm mua bán, vận chuyển chất ma túy, vũ khí, chất cháy, vật liệu nổ; tiêu thụ tiền giả; mua bán người. Các loại tội phạm này ngày càng gia tăng, tác động trực tiếp và xâm hại đến an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu Việt Nam và Lào. Đội ngũ cán bộ các cấp đã chủ động và thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, thông tin, tình hình nhất là những vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội; đảm bảo vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quản lý; tổ chức lực lượng tiến hành các mặt nghiệp vụ điều tra cơ bản địa bàn, nắm chắc đối tượng, địa bàn trọng điểm có liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy, đặc biệt là dọc hai bên biên giới với các tỉnh Điện Biên, Sơn La của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Bang vẫn còn những hạn chế nhất định:
Một là, những đề xuất, kiến nghị lên cấp trên chưa được thực hiện thường xuyên đã làm cho việc chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung các tiêu chí phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương chưa tốt, dẫn đến hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Bang những năm qua.
Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò và ý nghĩa của xây dựng bản phát triển đối với phát triển kinh tế – xã hội địa phương, cải thiện và nâng cao chất lượng sống toàn diện của các tầng lớp nhân dân trong xã hội chưa chưa tốt. Quá trình tuyên truyền, phổ biến còn hình thức, biện pháp chưa phù hợp, thiếu linh hoạt. Việc vận dụng các ưu thế của internet, mạng xã hội trong tuyên truyền, phổ biến và vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng bản phát triển chưa nhiều, chưa hiệu quả. Từ hạn chế của công tác tuyên truyền, phổ biến đã dẫn đến thực tế là nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng bản phát triển chưa tốt, chưa đủ sức bật để phát triển nhanh, bền vững. Từ đó, hiệu quả thực tế của xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Bang chưa như kỳ vọng, dẫn đến “đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc”(8).
Ba là, việc phát huy vai trò của Mặt trận Lào xây dựng Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội vẫn là khâu yếu, mặt yếu trong thực tiễn công tác của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở tỉnh Luông Pha Bang nói chung và xây dựng bản phát triển nói riêng. Đặc thù của tổ chức này là tham gia mang tính tự nguyện, do đó để phát huy tốt và đầy đủ cần có sự tự giác, tích cực tham gia của mỗi thành viên. Theo đó, Tỉnh ủy Luông Pha Bang đã đánh giá: “sự lãnh đạo, chỉ đạo của Mặt trận Lào xây dựng Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội chưa phát huy hết vai trò, chưa phát huy tốt quyền, nhiệm vụ được giao, nội dung giáo dục, rèn luyện chưa sâu… việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá thực hiện các tiêu chí xây dựng bản phát triển trong các chương trình, dự án chưa mang tính thường xuyên, có thời điểm còn không thực hiện”(9). Đây là một phần thực trạng nông nghiệp và nông thôn ở tỉnh Luông Pha Bang phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Bang, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Thứ nhất, nâng cao năng lực và phát huy vai trò nòng cốt của chính quyền cơ sở trong xây dựng bản phát triển
Để phát huy vai trò của hệ thống chính trị cấp bản trong xây dựng bản phát triển cần tăng tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý, điều hành xây dựng bản phát triển của chính quyền cấp bản ở tỉnh Luông Pha Bang. Cần phân công rõ ràng các chức năng giữa chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên Ủy ban chính quyền bản; chuyên môn hóa các chức danh của Ủy ban chính quyền bản. Đảng ủy và Ủy ban chính quyền cấp bản phải phối hợp xây dựng quy chế làm việc cụ thể dựa trên quy định của pháp luật và thực tiễn của địa phương gắn với việc triển khai các tiêu chí xây dựng bản phát triển; nâng cao trách nhiệm và năng lực của người đứng đầu, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, bảo đảm dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân. Thường xuyên hướng dẫn Ủy ban chính quyền các bản rà soát bổ sung, điều chỉnh đề án xây dựng bản phát triển bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng bản phát triển gắn với Chương trình 03 xây mà Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã ban hành. Đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền cấp bản trên địa bàn tỉnh Luông Pha Bang phải hướng đến mục đích nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý, điều hành thực hiện tiêu chí xây dựng bản phát triển. Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền trong việc thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành theo pháp luật của chính quyền bản.
Thứ hai, đổi mới phương thức hoạt động và phát huy vai trò tập hợp lực lượng của Mặt trận Lào xây dựng Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở trong xây dựng bản phát triển
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là vấn đề cần thiết, bảo đảm thực hiện vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Lào xây dựng Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng, không thể thiếu của hệ thống chính trị nói chung và ở cấp cơ sở nói riêng. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đúng đắn và hiệu quả không những bảo đảm vững chắc thành công trong hoạt động, mà còn phát triển, bổ sung, nhân lên sức mạnh, đồng thời phát hiện và khắc phục những điểm còn bất cập trong mọi hoạt động của Mặt trận Lào xây dựng Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, tạo ra tính bền vững của quá trình xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Bang hiện nay. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ khắc phục những hạn chế về vai trò của Mặt trận Lào xây dựng Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội đang gặp phải trong thời gian qua.
Thứ ba, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển
Sự thành công hay thất bại của xây dựng bản phát triển suy đến cùng là phụ thuộc vào sự tham gia của người dân ở từng địa phương, trong đó không thể thiếu được vai trò đi đầu, tiền phong về năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cấp bản ở tỉnh Luông Pha Bang. Việc nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu và tầm quan trọng của đội ngũ này trong thực hiện xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Bang. Cán bộ là đội ngũ trực tiếp cụ thể hóa, triển khai các chỉ tiêu, tiêu chí của xây dựng bản phát triển vào địa phương; là những người trực tiếp tiếp xúc với nhân dân trong quá trình xây dựng bản phát triển, do đó năng lực, ý thức trách nhiệm sẽ là điều kiện bảo đảm cho sự thành công của xây dựng bản phát triển ở mỗi địa phương.
Thứ tư, tăng cường sự tham gia của các tầng lớp nhân dân với tư cách là chủ thể quan trọng của việc xây dựng bản phát triển
Các tầng lớp nhân dân là chủ thể quan trọng của quá trình xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Bang nói riêng và nước Lào nói chung. Không chỉ riêng về xây dựng bản phát triển mà các vấn đề xây dựng kinh tế – xã hội đều có mục đích là hướng tới giải quyết, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Do đó, để phát huy vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Bang hiện nay thì đây là giải pháp quan trọng, cần thiết. Vì vậy, người dân phải được tham gia bàn luận, bởi họ là người sống và hiểu truyền thống tại cộng đồng nhất, mà các công trình được triển khai tại cộng đồng, người dân là những người được thụ hưởng kết quả từ những hoạt động và những công trình đó nên các tầng lớp nhân dân phải chủ động ra quyết định. Nhân dân phải thể hiện quyền làm chủ, tùy thuộc vào điều kiện và khả năng của chính họ, một số hoạt động tại địa phương người dân có thể đảm nhiệm để có cơ hội đóng góp công sức, tiền của vào xây dựng bản phát triển. Bên cạnh việc đóng góp cho cộng đồng, họ còn có thêm thu nhập từ những hoạt động của chương trình thay vì phải đi thuê từ bên ngoài cộng đồng.
Như vậy, xây dựng bản phát triển là nội dung quan trọng trong chương trình 03 xây của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Việc hiện thực hóa những nội dung này vào thực tiễn mỗi địa phương cần sự năng động, sáng tạo của hệ thống chính trị cơ sở. Do vậy, những giải pháp tổng thể của cả hệ thống chính nhằm thực hiện mục tiêu trên. Đảng, Nhà nước cùng với nhân dân Lào đang nỗ lực thực hiện để đưa đất nước Lào phát triển nhanh và bền vững./.

—————————-

(1) Ban Chỉ đạo Chương trình 03 xây tỉnh Luông Pha Bang, Báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình 3 xây của tỉnh Luông Pha Bang giai đoạn 2016 – 2021, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2026, 2021, tr.2
(2) Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Nhà nước, Viêng Chăn, 2011, tr.30
(3) và (4) Nghị định số 348/CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ Lào về tiêu chuẩn thoát nghèo và phát triển
(5) và (9) Tỉnh ủy Luông Pha Bang, Chương trình đánh giá kết quả hệ thống chính trị cấp cơ sở toàn tỉnh Luông Pha Bang năm 2021
(6) và (7) Chính quyền tỉnh Luông Pha Bang, Báo cáo tổng kết của năm 2021
(8) Bounmy Laofaidang, Quản lý nhà nước của tỉnh Luông Pha Bang (Lào) trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, ttps://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 26/5/2022

(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 07_2023)