TS. NGUYỄN CÔNG LẬP(*)

(*) Học viện Chính trị khu vực II,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Thanh niên là lực lượng xung kích, là chủ nhân tương lai của quốc gia, dân tộc; là hạnh phúc của mỗi gia đình nên được Hồ Chí Minh đặt niềm tin vững chắc vào khả năng cách mạng to lớn của tuổi trẻ Việt Nam. Bài viết phân tích, làm rõ vai trò của thanh niên và tầm quan trọng, nội dung, chủ thể, phương châm, phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh để thanh niên xứng đáng là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, bài viết còn rút ra giá trị định hướng cho công tác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên giai đoạn hiện nay.
Từ khoá: Hồ Chí Minh; thanh niên; bồi dưỡng; lý tưởng cách mạng

Lịch sử cận hiện đại có nhiều nhà yêu nước trông đợi đầy tâm huyết ở thế hệ trẻ Việt Nam. Cụ Phan Bội Châu thường nhắc: “Hậu sinh khả úy”, “Chúc phường hậu tử tiến mau”. Còn cụ Phan Châu Trinh luôn kêu gọi “Phát triển dân trí, chấn hưng dân khí”… Song, các cụ chưa thành công trong việc giáo dục, tổ chức đông đảo thanh niên thành lực lượng đấu tranh, nguyên nhân chủ yếu là do chưa tiếp cận, chưa nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về thanh niên trên cơ sở một học thuyết cách mạng, khoa học. Khác với các bậc tiền bối đi trước, Hồ Chí Minh nhìn nhận, đánh giá vị trí, vai trò, nội dung bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo thanh niên thành lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc với tư duy cách mạng và khoa học. Trong nội dung bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu vấn đề bồi dưỡng lý tưởng cách mạng để thanh niên xứng đáng là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên
Lý tưởng cách mạng của thanh niên được Hồ Chí Minh nhắc đến là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vì lý tưởng cao đẹp này biết bao thế hệ thanh niên không ngại hiểm nguy, gian khổ, hy sinh xương máu để đi theo Đảng và chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Hồ Chí Minh chú trọng việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng xuất phát từ vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng. Người luôn theo dõi từng bước trưởng thành và mong muốn xây dựng thanh niên trở thành “đội quân chủ lực” không chỉ trong chiến đấu, mà cả trong xây dựng đất nước. Hồ Chí Minh tâm sự rằng: “Bác rất yêu quý thanh niên. Nếu cần giải thích thì Bác nói thêm thế này, Bác rất yêu mến thanh niên”(1) vì “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”(2). Khi nước nhà vừa giành được độc lập, Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà … nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”(3).
Với tầm nhìn chiến lược cùng kinh nghiệm của một nhà lãnh đạo, quản lý đất nước, Hồ Chí Minh đã nhận thức chính xác về mô hình đội ngũ quản lý vừa hồng, vừa chuyên cho tương lai của nước nhà. Người khẳng định: “Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(4). Người đặt kỳ vọng vào tuổi trẻ, nhất là lớp tuổi trẻ có chọn lọc.
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, thanh niên là lực lượng xung kích, là tương lai của dân tộc và hạnh phúc của mỗi gia đình. Người coi tuổi trẻ là độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người, như mùa xuân trăm hoa đua nở, tràn đầy nhựa sống. Chính vì vậy, cách đây hơn 75 năm, sau gần một thế kỷ nước Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, Người xúc động lớn lao nghĩ về mùa xuân đầu tiên khi chính quyền đã về tay nhân dân và vai trò của tuổi trẻ đối với sự nghiệp kiến thiết đất nước: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(5). Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội, là chủ nhân tương lai của đất nước, Hồ Chí Minh luôn chăm lo vun trồng, bồi dưỡng mọi mặt cho người chủ tương lai. Ngoài ra, Người còn đưa ra luận điểm nổi tiếng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(6). Đây là nét đặc sắc trong tư duy Hồ Chí Minh khi gắn “lợi ích mười năm phải trồng cây” với “lợi ích trăm năm phải trồng người”. “Trồng cây” là để cho đất nước “càng ngày càng xuân”; “trồng người”, ngoài nhiệm vụ quan trọng phục vụ cho lợi ích cách mạng, còn phải đạt tới mục tiêu chiến lược để hoàn thiện mỗi con người, đạt tới giá trị chân – thiện – mỹ. Đó là tư tưởng lớn của Người khi đánh giá, quan tâm đến tuổi trẻ và chứa đựng triết lý trong chiều sâu tư tưởng của Người.
Với Hồ Chí Minh, tiền đồ của dân tộc gắn chặt, không thể tách rời với tiền đồ của thanh niên. Muốn làm tròn sứ mạng “người chủ tương lai” của đất nước, Người yêu cầu thanh niên phải có đầy đủ phẩm chất đức và tài, vừa hồng vừa chuyên. Đó là thanh niên có lý tưởng, hoài bão, đạo đức trong sáng, có sự phát triển về trí tuệ, thể lực và mỹ cảm. Do vậy, thanh niên “ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra sức làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó”(7). Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết”(8).
Bàn về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên vì đạo đức cách mạng là giá trị cốt lõi của mỗi con người. Theo Người, nếu lý tưởng cách mạng là động lực thúc đẩy con người hành động để hướng tới mục đích cao cả của cách mạng, thì đạo đức cách mạng là điều kiện để thực hiện lý tưởng, là nội dung biểu hiện của chính lý tưởng đó. Do vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu thanh niên phải “trau dồi đạo đức của người cách mạng”(9). Với Người, đức và tài, hồng và chuyên là hai yếu tố cốt yếu, có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức thì không thể đem tài để phụng sự nhân dân. Tại Đại hội sinh viên lần thứ II, Người chỉ ra: “Thanh niên phải có đức, có tài; có tài mà không đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài, như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không làm lợi gì cho xã hội”(10).
Hồ Chí Minh cho rằng, muốn giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, trước hết cần xây dựng lý tưởng và niềm tin cách mạng. Nếu thanh niên không có lý tưởng, niềm tin cách mạng thì sẽ không có ước mơ, hoài bão, không có lòng dũng cảm, kiên trì, đức hy sinh và sự định hướng hành vi của mình. Do đó, thanh niên “phải rèn luyện và thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa”(11). Đó là lý tưởng cách mạng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh”(12).
Trong công tác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xác định rõ nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Một là, bồi dưỡng thanh niên có nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, nâng cao ý chí phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Người căn dặn: “Người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”(13). Tuy nhiên, con đường đi đến lý tưởng cách mạng có nhiều khó khăn, gian khổ, phức tạp nên cần lắm một trái tim yêu nước, sự thông minh của khối óc, một nghị lực phi thường và tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cách mạng; Hai là, giáo dục thanh niên thấm nhuần lý tưởng giải phóng dân tộc, giai cấp và con người khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công để tiến lên xây dựng một xã hội mới tốt đẹp thật sự độc lập, tự do, hạnh phúc. Đây là lý tưởng cách mạng nhân văn của Hồ Chí Minh khi lấy hạnh phúc của con người làm nguyên tắc, mục tiêu cao nhất. Là người dân của nước thuộc địa bị thực dân đô hộ, cai trị, áp bức, Hồ Chí Minh ý thức rất rõ giá trị của dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc và dân trí mở mang. Người khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(14). Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khi nói chuyện với học sinh trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương, Hồ Chí Minh đã đặt câu hỏi: “Học để phục vụ ai?”. Và Người trả lời: “Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh”(15). Theo Hồ Chí Minh, thông qua nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng giúp thanh niên có niềm tin cách mạng và giác ngộ lý tưởng. Giác ngộ về lý tưởng cách mạng của thanh niên không chỉ dừng lại ở việc nhận thức về lý tưởng, mà trên hết ở tinh thần kiên quyết thực hiện lý tưởng bằng hành động cách mạng. Thông qua đó bồi dưỡng, nâng cao trình độ giác ngộ về lý tưởng cho thanh niên.
Cùng với việc xác định nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến chủ thể, phương châm và phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Người cho rằng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giữ vai trò quan trọng. Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận vai trò của thanh niên theo quan điểm toàn diện và phát triển. Người dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác thanh niên và chính Người đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là dấu mốc lịch sử quan trọng của tuổi trẻ Việt Nam. Từ đây, thanh niên có tổ chức riêng đặt dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành đội dự bị tin cậy của Đảng phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”, thực hiện tốt công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên.
Về phương châm, phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, Hồ Chí Minh đưa ra nguyên tắc phải kết hợp giáo dục với tự giáo dục. Thanh niên “phải tự giác, tự nguyện và tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình”(16). Người nêu ra công thức dễ nhớ, dễ hiểu cho thanh niên học tập, rèn luyện. Đó là lao động trí óc phải kết hợp với lao động chân tay, lý luận phải kết hợp với thực hành, học tập phải kết hợp với lao động,…; phải có sáu cái yêu: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, khoa học và yêu kỷ luật(17); phải kiên quyết chống ba kẻ thù: chủ nghĩa đế quốc, thói quen truyền thống lạc hậu và chủ nghĩa cá nhân. Ngoài ra, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên theo quan điểm phát triển cần chống lại thái độ bảo thủ, thành kiến, hẹp hòi, bởi lẽ thanh niên sống trong điều kiện mới tất yếu có những nhu cầu và lợi ích chính đáng khác với cha anh họ. Hồ Chí Minh còn yêu cầu phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm tư của thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết vấn đề một cách thiết thực.
2. Ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh nhiên trong giai đoạn hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất, đồng thời là nhà giáo dục lớn của dân tộc Việt Nam. Với cách nhìn khách quan, cách mạng và khoa học, tư tưởng của Người về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc đã trở thành một di sản vô giá đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên Việt Nam hiện nay. Kế thừa tư tưởng của Người, Đảng đặc biệt quan tâm đến giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác thanh niên. Bước chuyển biến quan trọng có tính đột phá trong công tác thanh niên của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khoá VII) đã bàn sâu về thanh niên. Nghị quyết chỉ rõ: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trên cộng đồng thế giới hay không, phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên; vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”(18). Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Coi trọng hơn nữa việc giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ về chính trị, tư tưởng, văn hóa, nghề nghiệp, đạo đức, lối sống”, “coi trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ”(19). Điều này cho thấy, việc coi trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên được Đảng đặc biệt quan tâm.
Tiếp tục khẳng định vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khoá X) ban hành đề án Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đề án khẳng định một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo là đã xây dựng được một thế hệ thanh niên thời kỳ mới vừa có đạo đức, nhân cách, vừa có tri thức, sức khoẻ, tư duy năng động và hành động sáng tạo; tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, của Đảng, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, tình nguyện vì cộng đồng; sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập và lao động, công tác, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, quyết đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; mong muốn được tin tưởng, được cống hiến cho đất nước, có việc làm, thu nhập ổn định, có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, môi trường sống an toàn, lành mạnh(20). 
Qua mỗi thời kỳ, dù bất cứ hoàn cảnh nào, thanh niên cũng hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử. Tương lai của thanh niên gắn liền với vận mệnh và tương lai của dân tộc với sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”, đây chính là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, của thế hệ đi trước đối với thanh niên, đồng thời là bảo đảm cho sự trường tồn, vững mạnh của Đảng và dân tộc. Đảng khẳng định: “Xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(21).
Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp khó lường, thời cơ và thách thức đối với thanh niên trong những tác động của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, của sự bùng nổ thông tin và phát triển nhảy vọt của khoa học – công nghệ… Vì vậy, Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(22). Điều này cho thấy, Đảng luôn khuyến khích thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng vươn lên, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại, tuổi trẻ “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn” vì ngày mai lập nghiệp, là lực lượng đi đầu, trung thành và kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng đã đưa ra nhiều quan điểm chỉ đạo, trong đó khẳng định việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài ra, sự nỗ lực học tập, rèn luyện và phấn đấu không ngừng của thanh niên theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng để xây dựng thanh niên thời kỳ mới.
Nhìn lại lịch sử cũng như hiện tại, công tác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta xác định là vấn đề trung tâm của chiến lược xây dựng con người mới quan hệ mật thiết với tương lai của dân tộc, tiền đồ của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt, trong tình hình mới hiện nay, Đảng luôn quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Điều này khẳng định Đảng luôn căn cứ vào quan điểm lịch sử – cụ thể và quan điểm phát triển để xác định cái “vạn biến” về mức độ, tầm quan trọng của nội dung lý tưởng cách mạng qua từng giai đoạn cách mạng, nhưng cái “bất biến” mang tính chiến lược của nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Giá trị định hướng của tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên giúp Đảng ngày càng làm sáng tỏ hơn cơ sở khoa học của lý tưởng đó, từng bước thực hiện lý tưởng cách mạng phù hợp với đặc điểm của từng thời kỳ để tiếp tục phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

——————————

(1), (2) và (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.298, 298 và 89
(3) và (7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Sđd, tr.216 và 216
(4) và (8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.15, Sđd, tr.617 và 622
(5) và (14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Sđd, tr.194 và 187
(6), (10), (16) và (17) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.11, Sđd, tr.528, 399, 399 và 401
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.12, Sđd, tr.19
(12) và (15) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.9, Sđd, tr.179 và 189
(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.14, Sđd, tr.467
(18) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khoá VII), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.65
(19) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.78
(20) “Công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
(21) Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 – 2030, Hà Nội, 2015
(22) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.70

(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 01/2023)