ThS. TRẦN THỊ THU HÀ(*)

(*) Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tóm tắt: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến tự phê bình và phê bình trong Đảng. Người luôn coi tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng. Để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, trước hết, mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong tổ chức và hoạt động của đảng bộ, chi bộ. Bài viết phân tích những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, đề xuất một số giải pháp để tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.
Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; tự phê bình và phê bình; thực hiện

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình
Trong bài báo “Tự phê bình, phê bình và sửa chữa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm.
Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ”(1).
Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí để rèn luyện đảng viên nhằm làm cho mỗi người tốt hơn, tiến bộ hơn và tăng cường đoàn kết nội bộ. “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ.
Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”(2). Trong tự phê bình và phê bình, Người nhấn mạnh tự phê bình trước, “mọi người, trước hết là mọi cán bộ, mọi cơ quan và đoàn thể cần phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; có như vậy mới tiến bộ được”(3) và khi phê bình phải xuất phát từ tâm nhằm mục đích “Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(4). Nếu đoàn kết làm nên sức mạnh của Đảng thì tự phê bình và phê bình được coi là cội nguồn sức mạnh bậc nhất của Đảng. Với các đảng viên, tự phê bình và phê bình “một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau”(5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những căn bệnh mà người cán bộ thường mắc phải cần phê bình và sửa chữa. Đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Mỗi chứng bệnh ấy là một kẻ thù nguy hiểm. Nó có thể phá chúng ta từ trong phá ra. Vì vậy, chúng ta phải hết sức đề phòng, nếu mắc phải nên ra sức sửa chữa ngay nếu để nó lây ra “thì có hại vô cùng”. Đặc biệt, Người cảnh báo hiện tượng cấp trên, cấp dưới tách biệt nhau, quần chúng xa rời Đảng, các đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng “không dám nói”, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình vì “vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác”(6). Còn quần chúng không dám nói ra, để trong lòng, rồi sinh uất ức dẫn đến “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng” hoặc “thậm thà, thậm thụt” và hàng loạt thói xấu khác.
Tại buổi lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp (tháng 10/1947), Hồ Chí Minh đã nói: “tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người”(7).
Thông qua tự phê bình và phê bình, tìm ra những nguyên nhân dẫn tới sai lầm, khuyết điểm và đề ra biện pháp khắc phục, qua đó, giáo dục, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, đồng thời giúp những cán bộ, đảng viên khác tránh những sai lầm, khuyết điểm tương tự. Theo Người, tự phê bình là phương thuốc trị bệnh cứu mình, phê bình là phương thuốc trị bệnh cứu người. Vì vậy, mỗi tổ chức đảng, đảng viên phải có hình thức và phương pháp tự phê bình và phê bình phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”(8). Nếu không kiên quyết sửa chữa giống như bệnh để lâu ngày, càng thêm nặng.
Tự phê bình và phê bình phải thành thật, thẳng thắn, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; phải chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm. Theo Người, thực chất của tự phê bình và phê bình là phải nhìn nhận, chỉ ra cả mặt ưu điểm và khuyết điểm, tự phê bình mình trước, phê bình người sau, bản thân tự nhìn nhận hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, phê bình đồng chí, đồng nghiệp nhằm giúp mọi người phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Để các tổ chức đảng và toàn Đảng ngày càng lớn mạnh, ngày càng phát triển, khi thực hiện phê bình phải dựa trên nguyên tắc “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc”(9). Từ đó Người khẳng định Đảng sẽ vững mạnh nếu trong Đảng ai cũng “thiết thực phê bình” và “thiết thực sửa đổi”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương pháp tự phê bình và phê bình phải cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành, thể hiện rõ những đặc tính cơ bản của tự phê bình và phê bình của Đảng. Việc khéo léo sử dụng tự phê bình và phê bình sẽ mang lại chất lượng, hiệu quả thiết thực. Phê bình người nào, khi nào, nói những gì, bằng cách nào… phải biết xử trí một cách rất tế nhị, không được làm cho người được phê bình khó chịu và nản lòng thì họ mới dễ tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm nhanh chóng. Ngược lại, sử dụng không khéo tự phê bình và phê bình thì hiệu quả thu được thấp, thậm chí còn gây tác hại. Nếu né tránh, lựa chiều khi tự phê bình và phê bình tác hại sẽ lớn hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán những người hay dùng phương pháp hành chính, mệnh lệnh, không biết sử dụng những phương pháp thích hợp để giải quyết công việc. Người đã nói một cách hình ảnh rằng: “bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán!”(10). Đối với tự phê bình và phê bình lại càng không nên dùng phương pháp hành chính, mệnh lệnh. Nếu cứ dùng phương pháp đó thì tự phê bình và phê bình thường đem lại hiệu quả thấp, nhiều khi còn phản tác dụng. Người yêu cầu: khi thực hiện phê bình phải “phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”(11), đồng thời “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng”(12). Người cũng chỉ rõ: “Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”(13).
Kết hợp chặt chẽ phê bình với tự phê bình; tự phê bình và phê bình với sửa chữa khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”(14). Phê bình phải đúng lúc, đúng chỗ, có cách nói thích hợp để người đuợc phê bình dễ tiếp thu, sửa chữa.
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình là biện pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa, nội dung, hình thức, phương pháp tự phê bình và phê bình, đồng thời nghiêm túc, kiên trì thực hiện thường xuyên, như “rửa mặt hằng ngày” để giữ vững tính tiên phong, gương mẫu của Đảng, của những người đảng viên.
2. Tình hình thực hiện tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong những năm qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở thấm nhuần và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng đã nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII, khóa XIII. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc tự phê bình, đồng thời thành tâm chỉ ra những ưu, khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp, mở rộng dân chủ, khích lệ đảng viên phát huy được tính chủ động, mạnh dạn đóng góp ý kiến, phê bình sự lãnh đạo của tổ chức đảng cũng như tự phê bình và phê bình lẫn nhau một cách rất thẳng thắn, mang tính xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ, hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Tự phê bình và phê bình được tiến hành một cách kịp thời không để những hạn chế, khuyết điểm tái diễn, kéo dài. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đánh giá kết quả thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình: “Các cấp ủy, tổ chức đảng đã dành thời gian thỏa đáng để kiểm điểm ở cấp mình, trực tiếp dự, chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý, coi trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình”(15). Những kết quả trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thông qua tự phê bình và phê bình, các tổ chức đảng thường xuyên giáo dục cho đảng viên thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng để tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động, khắc phục những biểu hiện buông lỏng sinh hoạt đảng, coi nhẹ tự phê bình và phê bình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên còn hạn chế nhất định. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực sự nghiên cứu, vận dụng và thực hiện tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Một số cán bộ, đảng viên chưa xác định rõ nội dung, hình thức, phương pháp, tính chất của tự phê bình và phê bình. Việc tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi hiện nay còn mang tính hình thức, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm trong công việc được giao. Trong sinh hoạt đảng, tính chiến đấu cao chưa cao, việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình có biểu hiện qua loa, đại khái, dĩ hòa vi quý,… Thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa tạo chuyển biến tích cực, chưa lan tỏa sâu rộng trong cơ quan, đơn vị. Hiệu quả thực hiện tự phê bình và phê bình còn thấp. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng thẳng thắn đánh già: “tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”(16). “Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”(17). Thực trạng đó ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên, thậm chí làm suy yếu Đảng, mất niềm tin của nhân dân đối với các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.
Nguyên nhân của những yếu kém trong tự phê bình và phê bình trước hết là do nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Tính tự giác, gương mẫu và quyết tâm trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình chưa cao. Mặt khác, việc thực hiện các nội dung, quy trình tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức đảng chưa thực sự nghiêm túc. Một số cấp ủy, trước hết là bí thư, chưa coi trọng và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện tự phê bình và phê bình; chưa nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Còn có những “vùng cấm”, “vùng tránh” trong đấu tranh phê bình hoặc lợi dụng đấu tranh phê bình để “hạ bệ”, “thanh trừng” lẫn nhau, gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết. Một số tổ chức đảng, đảng viên gương mẫu, tích cực, có nhiều thành tích trong công tác chưa được động viên khen thưởng kịp thời dẫn đến tư tưởng chán nản, nhụt chí, thiếu ý chí phấn đấu. Trong khi đó, người có nhiều khuyết điểm không nghiêm túc tự phê bình và không được phê bình thẳng thắn dẫn đến kết quả đánh giá không thực chất, thậm chí được khen thưởng, đưa vào quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý, được bổ nhiệm, luân chuyển hay giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn. Việc tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội ở nhiều nơi còn mang tính hình thức. Có nơi còn vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, thờ ơ, phớt lờ những ý kiến của nhân dân dẫn đến tâm lý bàng quan, thờ ơ, vô cảm với công tác xây dựng Đảng, thậm chí né tránh, e ngại trong việc góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên, không dám, không muốn tố giác tham nhũng, tiêu cực.
3. Giải pháp thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay
Trong giai đoạn hiện nay, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình. Để tự phê bình và phê bình ngày càng thực hiện có hiệu quả, các đảng bộ, chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy cần nâng cao nhận thức về vai trò, tính chất của tự phê bình và phê bình trong Đảng; xác định đúng nội dung, lựa chọn đúng hình thức và phương pháp tự phê bình và phê bình
Các đảng bộ, chi bộ cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về nguyên tắc tự phê bình và phê bình bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực, như thông qua sinh hoạt chi bộ, thông qua phổ biến nội dung các nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng Đảng, thông qua những tấm gương điển hình, tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình… Qua đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình không phải là “bới lông tìm vết”, mà là “trị bệnh cứu người”, giúp tổ chức đảng và đảng viên thấy rõ ưu điểm để phát huy; sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, bao che cho thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức và đồng chí mình. Mỗi cán bộ, đảng viên khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải có động cơ, thái độ và phương pháp đúng; phải trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng thời luôn gương mẫu trong thực hiện tự phê bình và phê bình, phê bình sao cho “thấu lý, đạt tình”.
Hai là, các đảng bộ, chi bộ cần thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình
Thường xuyên tổ chức cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt và vận dụng thực hiện sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, giúp họ nhận thức đúng về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, trong đó có nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải duy trì và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tránh thái độ “dĩ hòa vi quý”, nể nang, che giấu khuyết điểm, ngại đấu tranh phê bình. Định kỳ tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những sai sót, lệch lạc như: phê bình mang tính hình thức, qua loa, đại khái hoặc lợi dụng tự phê bình và phê bình để nói xấu, bôi nhọ, đả kích và hạ bệ lẫn nhau, phê bình mang tính chất nịnh nọt, tâng bốc lãnh đạo nhằm mục đích vụ lợi…
Phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong các chi bộ, đảng bộ trên tinh thần: thực hiện từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ cấp ủy, người đứng đầu đến cán bộ, đảng viên. Theo đó, cấp trên phải nêu gương, mẫu mực tự kiểm điểm trước để cấp dưới tích cực, tự giác noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp ủy viên và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau. Các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng, để tự phê bình và phê bình bảo đảm tính dân chủ, khách quan, trung thực, đạt chất lượng, hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, làm cho các tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn giữ vững tính tiên phong, gương mẫu.
Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tự phê bình và phê bình
Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu phải xác định đúng nội dung, hình thức, phương pháp tự phê bình và phê bình. Nội dung tự phê bình và phê bình phải trên nội dung hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên. Các tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở và đảng viên phải nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, cấp trên phải tự phê bình trước cấp dưới và tổ chức tốt việc phê bình từ dưới lên. Tự phê bình và phê bình phải thành thật, thẳng thắn và nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng tổ chức, giúp đỡ nhau tiến bộ. Nghiêm cấm những hành động trấn áp phê bình, trù dập cá nhân và có thái độ nghiêm khắc đối với bất cứ cán bộ, đảng viên và tổ chức nào phạm các khuyết điểm ấy.
Tự phê bình và phê bình được thực hiện bằng lời nói hoặc văn bản trong hội nghị chi bộ, đảng bộ, đại hội đảng các cấp; các đợt sinh hoạt chính trị tập trung; các báo cáo; qua các phương tiện thông tin đại chúng… Khi tiến hành phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên phải bình tĩnh, lời lẽ rõ ràng, nhẹ nhàng, tinh tế. Bất kỳ cán bộ cấp nào, khi tiến hành phê bình cũng không được dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc và phải chú ý chỉ phê bình việc làm sai, chứ không phê bình con người theo đúng tinh thần của nguyên tắc tự phê bình và phê bình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy. Đặc biệt, trong tiến hành phê bình, kiên quyết phản đối thái độ thiếu xây dựng, thái độ “đao to búa lớn”, “quy chụp vu cáo”, lợi dụng phê bình để moi móc, công kích. Mỗi cán bộ, đảng viên cần chú ý chỉ rõ nguyên nhân thiếu sót, khuyết điểm; đồng thời, nêu rõ những biện pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục. Trên cơ sở thực hiện được tự phê bình và phê bình như vậy, nhất định đảng viên sẽ tiến bộ, tổ chức đảng sẽ trưởng thành, trong sạch, vững mạnh.
Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên
Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định đến việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tấm gương mẫu mực về tự phê bình và phê bình của Người. “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”(18). Bên cạnh đó, từng cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Năm là, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm, hiệu quả tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở cần chủ động xây dựng kế hoạch, duy trì, thực hiện nghiêm nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình để đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên. Người đứng đầu phải công minh, không để công tư lẫn lộn, không dung túng, bao che; phải tạo được chỗ dựa tin cậy, khơi dậy được không khí dân chủ, thẳng thắn; không để tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành trong hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị; không tùy tiện gặp đâu nói đó, việc bé xé ra to. Sau phê bình phải có biện pháp cụ thể, sát thực để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; kết hợp giữa “xây” với “chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm nhất trong tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Đồng thời, thực hiện tốt việc gắn tuyên truyền, biểu dương gương “người tốt, việc tốt” với công tác phát hiện, phê phán, lên án các hành vi sai trái, nhận thức lệch lạc của cán bộ, đảng viên.
Sáu là, phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình, và phê bình
Các đảng bộ, chi bộ cần có biện pháp để cán bộ, đảng viên tự phê bình trước quần chúng nhân dân, để nhân dân chỉ ra những hạn chế, thiếu sót từ đó tìm cách khắc phục ngày càng xứng đáng với sự tin tưởng của quần chúng nhân dân. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự gắn bó với quần chúng thì mới khuyến khích, cổ vũ quần chúng phê bình cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Do đó, để tự phê bình và phê bình đạt chất lượng thì từng cấp ủy viên và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải mạnh dạn tự phê bình trước quần chúng gắn với việc tổ chức cho quần chúng thẳng thắn tham gia phê bình mình. Cấp ủy, tổ chức đảng ở đơn vị cơ sở phải khắc phục tư tưởng, tâm lý e ngại quần chúng, không công tâm, không khách quan khi phê bình. Trước khi tổ chức cho quần chúng phê bình, cấp ủy, tổ chức đảng cần phải thông qua các tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ ở cơ sở phổ biến cho hội viên, đoàn viên nắm vững và hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương châm của tự phê bình và phê bình để mọi người có thái độ phê bình đúng đắn, nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm, tránh hiện tượng phê bình thiếu xây dựng.
Bảy là, xử lý kiên quyết, thích đáng những người lợi dụng phê bình để vu khống, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ và trả thù cá nhân
Hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên có nhận thức và thực hiện không đúng, thậm chí làm biến dạng, méo mó nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đó cũng chính là cơ hội để cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá, phủ nhận nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Chính vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, học tập và thực hiện đầy đủ nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình để xây dựng nội bộ tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, quy luật phát triển của Đảng. Thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần phát triển khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự là đạo đức, văn minh, giữ vững vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, khơi dậy và phát huy vai trò của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

————————–

(1) và (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.386 và 386
(2), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13) và (14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Sđd, tr.272, 272, 279, 283, 260, 273, 272, 286, 272, 279, 305 và 272
(15), (17) và (18) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.175-176, 179 và 237
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Sđd, tr.91

(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 03/2023)