ThS. LÊ NGỌC NGHĨA(*)

(*) Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Tỉnh Bình Phước là nơi sinh sống của 43 dân tộc anh em. Những năm qua, tỉnh Bình Phước luôn chú trọng thực hiện các chính sách dân tộc về kinh tế để giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Trên cơ sở đánh giá thực trạng thực hiện chính sách dân tộc trên lĩnh vực kinh tế ở tỉnh Bình Phước hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên lĩnh vực kinh tế trong thời gian tới.
Từ khóa: chính sách dân tộc; kinh tế; Bình Phước

1. Đặt vấn đề
Hiện nay, khái niệm “chính sách dân tộc” được lý giải đa dạng và có nhiều cách hiểu khác nhau. Dưới góc độ chính trị – xã hội, chính sách dân tộc được hiểu là tập hợp các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được đưa ra tác động trực tiếp đến dân tộc và quan hệ giữa các dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bảo đảm bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc, các vùng trên lãnh thổ Việt Nam.
Chính sách dân tộc được thể hiện đa chiều với nhiều cách tiếp cận để phân loại chính sách: (1) Theo chủ thể (chính sách của Trung ương, chính sách của địa phương); (2) Theo lĩnh vực (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh – quốc phòng); (3) Theo ngành (chính sách nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ); (4) Theo phạm vi và đối tượng tác động (chính sách chung của quốc gia, chính sách cho đối tượng dân tộc thiểu số và chính sách vùng cụ thể(1).
Chính sách dân tộc trên lĩnh vực kinh tế là tổng hợp những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước được đề ra tác động trực tiếp đến dân tộc và quan hệ dân tộc trên lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số. Chính sách dân tộc trên lĩnh vực kinh tế gồm: định canh, định cư; hỗ trợ sản xuất, vốn tín dụng, khoa học – công nghệ, việc làm; xóa đói giảm nghèo; đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển ngành nghề nông thôn.
Thực hiện chính sách dân tộc trên lĩnh vực kinh tế là việc thực hiện các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của vùng, địa phương, từng bước xóa bỏ sự chênh lệch đáng kể về tăng trưởng kinh tế giữa các vùng, giữa các dân tộc với nhau. Thực hiện chính sách dân tộc trên lĩnh vực kinh tế vừa bảo đảm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và công bằng xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, vừa thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cả nước đối với những đóng góp của đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng giành và giữ nền độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Thực trạng thực hiện chính sách dân tộc về kinh tế ở tỉnh Bình Phước hiện nay
– Khái quát về đặc điểm các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước
Bình Phước là tỉnh có 41 dân tộc thiểu số và 01 thành phần người nước ngoài. Tổng số người dân tộc thiểu số là 195.635 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh trong đó: 09 thành phần dân tộc thiểu số có dân số từ 1000 người trở lên, (chiếm 98,12%) và 32 thành phần dân tộc thiểu số khác là 3.678 người, (chiếm 1,88%); 10 dân tộc thiểu số có dân số từ 10 người trở xuống là: Giẻ Triêng 10 người, Cơ Tu 06 người, Phù Lá 06 người, Pu Péo 03 người, 04 dân tộc đều có 02 người là Chu Ru, Lào, La Chí, Pà Thẻn và 03 dân tộc có 01 người là Xinh Mun, Lự và Chứt(2). Đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước chủ yếu sống tập trung ở vùng miền núi và biên giới, đời sống còn nhiều khó khăn.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước. Đồng bào dân tộc thiểu số luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể và các ngành, các cấp ở địa phương phát động. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số dần được ổn định, sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh, phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
– Thành tựu đạt được
Thứ nhất, chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư. Nhà nước triển khai công tác định canh định cư, di dời các hộ về sinh sống tại nơi ở mới đã giúp cho hàng nghìn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước có cuộc sống ổn định, không còn phải sống du canh, du cư, ở những nơi thiên tai xảy ra thường xuyên, điều kiện kinh tế khó khăn. Đặc biệt, để bà con được an cư lạc nghiệp, hằng năm, các cấp, các ngành của tỉnh đã lồng ghép nhiều chương trình, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 về hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 – 2010 và Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 22/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư đến năm 2012. Các quyết định này đều nhằm tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh, du cư có nơi ở ổn định, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Tính đến hết năm 2022, dự án hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư trên địa bàn xã Đắk Ơ, xã Phú Văn, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập; xã Lộc An, Lộc Thành, huyện Lộc Ninh và xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp; thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn từ thôn Cây Da, xã Phú Văn đến thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập; xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Lộc An, huyện Lộc Ninh… với nguồn vốn đã phân bổ thực hiện là 85.731 triệu đồng, góp phần ổn định tại chỗ cho gần 1.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh(3).
Thứ hai, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất. Các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; công tác phòng, chống dịch, bệnh trên gia súc, gia cầm…, cho đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ngành quan tâm thực hiện. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi gà, heo, bò, trồng lúa lai, ngô lai, trồng cây đậu xanh xen cây ngô nếp, mô hình thâm canh, xen ghép, cải tạo vườn điều cho đồng bào dân tộc thiểu số được tiến hành thường xuyên. Các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo cán bộ xã nghèo, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn được ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cho đồng bào cách làm ăn mới, như Chương trình thủy sản hỗ trợ cá giống kết hợp tập huấn kỹ thuật cho 107 hộ trong đó có 23 hộ dân tộc thiểu số thuộc 11 xã trên địa bàn tỉnh; thực hiện hỗ trợ 1.500 kg cá giống cho 150 hộ/15 xã, phường, trong đó có 15% hộ người dân tộc thiểu số(4).
Thứ ba, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả khả quan khi tỉnh triển khai thực hiện lồng ghép các nguồn lực chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. “Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số” của Tỉnh đã giảm được 4.687 hộ nghèo dân tộc thiểu số, góp phần giảm trên 72% tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số so với đầu năm 2016 (từ 6.490 hộ nghèo giảm còn 1.803 hộ nghèo). Năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình giảm 1000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, trong đó hỗ trợ phát triển sản xuất cho 1.654 con giống, kinh phí 30.680 triệu đồng, nông cụ 604 cái, kinh phí 273.020 triệu đồng(5).
Thứ tư, chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện xây dựng nông thôn mới những năm gần đây đã thay đổi diện mạo cảnh quan, môi trường tạo nên nhiều vùng quê đáng sống trên địa bàn tỉnh. Tháng 6/2022, toàn tỉnh có 60/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 08 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao; 02 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 17 thôn, ấp được công nhận đạt chuẩn. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 17,47 tiêu chí, trong đó: hạ tầng về điện, có 85/92 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; hạ tầng y tế 88/92 xã; hạ tầng thủy lợi 90/90 xã; hạ tầng thông tin và truyền thông 90/90 xã; Hạ tầng thương mại nông thôn 87/90 xã; hạ tầng giao thông 64/90 xã; hạ tầng trường học 61/90 xã; cơ sở vật chất văn hóa 73/90 xã; nhà ở dân cư 74/90 xã; thu nhập 74/90 xã; hộ nghèo 82/90 xã; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 89/90 xã; hình thức tổ chức sản xuất 84/90 xã; văn hóa 88/90 xã; môi trường và an toàn thực phẩm 84/90 xã; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật 89/90 xã; an ninh quốc phòng 90/90 xã(6).
– Hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách dân tộc về kinh tế ở tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn.
Một là, chính sách định canh, định cư còn hạn chế. Chính sách định canh, định cư chỉ mới dừng lại ở “định cư” mà chưa kết hợp rộng với “định canh”. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cấp nhà tái định cư nhưng lại không có đất sản xuất. Vì thói quen sống với núi rừng, không gian thoáng mát nên họ vẫn tiếp tục du canh du cư, đốt nương làm rẫy, đi sâu vào trong rừng ở. Đồng bào dân tộc thiểu số ở một số xã vẫn tự ý sang nhượng diện tích đất đã được Nhà nước cấp với hình thức mua bán bằng giấy tay. Loại đất được chuyển nhượng chủ yếu là Chương trình 134, 135, đất sản xuất, từ đó đã phát sinh tình trạng một bộ phận người dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu đất sản xuất, trở thành người làm thuê hoặc phải phá rừng làm rẫy hoặc được cấp đất sản xuất nhưng lại không sử dụng mà cho thuê đất theo hình thức tự thỏa thuận không qua giấy tờ, không theo hợp đồng, không thông qua chính quyền địa phương gây nên khó khăn trong công tác quản lý.
Hai là, một số chương trình, chính sách của Trung ương khi áp dụng vào địa phương khó thực hiện. Việc cấp đất sản xuất cho các đối tượng thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 chưa thực hiện được do không còn quỹ đất để cấp, việc chỉ đạo đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, việc xây nhà cho hộ nghèo theo các chương trình, dự án khó thực hiện do định mức đầu tư thấp…
Ba là, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thách thức, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cao, đến năm 2023, toàn tỉnh còn 2.879 hộ nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 1.696 hộ(7). Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế nên năng suất và chất lượng nông sản thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Việc cầm cố đất, bán đất, bán điều non, vay tiền lãi suất cao còn diễn ra lén lút, phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện tượng phổ biến hiện nay trong đồng bào dân tộc thiểu số ở một số huyện là vay tín dụng đen, vay nóng, vay điều non, vay tiêu xài, vay trước, làm trả sau…“Lãi mẹ đẻ lãi con”, nhiều hộ mất khả năng thanh toán, phải gán nhà, gán đất. Vì vậy, hiện nay đồng bào dân tộc không chỉ rơi vào cảnh đói nghèo, mà còn lâm vào cảnh nợ nần vì không có khả năng trả nợ.
Bốn là, cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu kém. Nhiều tuyến đường giao thông kết nối với các vùng phát triển, vùng sản xuất hàng hóa chưa được đầu tư xây dựng. Đến nay, vẫn còn 51 xã chưa có đường ô tô kết nối Ủy ban nhân dân xã với Ủy ban nhân dân huyện, 187 xã chưa có đường đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa(8).
– Nguyên nhân của hạn chế
Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân. Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chủ yếu là đồi núi, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu đất canh tác và nước sạch phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Nguồn ngân sách hằng năm chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương, nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn vốn đầu tư hằng năm ít và không kịp thời, không đáp ứng đủ nhu cầu vốn của các đề án, dự án dẫn đến tiến độ triển khai chậm. Các chương trình giảm nghèo đang được triển khai nhưng chưa bao quát toàn diện công tác giảm nghèo; các chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo được ban hành nhiều nhưng mang tính ngắn hạn, chồng chéo, chưa tạo sự gắn kết chặt chẽ nên chưa tác động tích cực vào đời sống. Một số chương trình, dự án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn dở dang, nhiều năm nay không phát huy hiệu quả, như các dự án ổn định dân cư tập trung và dự án định cư tập trung cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo còn phân tán và chưa tập trung ưu tiên để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất và địa bàn trọng điểm nhất. Thiếu giải pháp cụ thể trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc về kinh tế kinh tế ở tỉnh Bình Phước
Hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa; cơ sở hạ tầng thấp kém, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn; trình độ nhận thức cũng như khả năng tiếp thu kiến thức khoa học – công nghệ để áp dụng vào cuộc sống và sản xuất còn nhiều hạn chế. Đa số đồng bào thiếu tư liệu sản xuất. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía các cấp chính quyền nhà nước, chưa có ý thức tự vươn lên trong cuộc sống. Do đó, để khắc phục những hạn chế, cần triển khai một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tập trung đầu tư phát triển toàn diện cho thôn, ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Tiếp tục huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, ưu tiên đường giao thông, thủy lợi nhỏ và vừa để phục vụ phát triển sản xuất. Tập trung rà soát, bổ sung, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với tiềm năng, lợi thế của xã và đặc điểm tập quán văn hóa của từng dân tộc; quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến gắn với quy hoạch dân cư và quy hoạch kết cấu hạ tầng kỹ thuật; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Quy hoạch quỹ đất để thực hiện các dự án định canh, định cư gắn việc giao đất với tăng cường công tác quản lý đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Xây dựng mô hình hợp tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hai là, xây dựng kế hoạch khuyến khích phát triển ngành, nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu cần…) tạo điều kiện phân công lao động, làm giảm nhu cầu giải quyết đất sản xuất nông nghiệp; giải quyết việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Địa phương cần khuyến khích các cơ sở thuộc làng nghề đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, hiện đại hóa công nghệ sản xuất. Phát triển dịch vụ du lịch gắn với làng nghề truyền thống, vừa mở ra cơ hội cho việc phát triển sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống, vừa góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mỗi làng nghề. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của các làng nghề cùng với sự quan tâm đầu tư đúng hướng, chính sách phù hợp, sát thực tiễn sẽ giúp những làng nghề, ngành, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Phước vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần đưa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh về đích đúng kế hoạch đề ra.
Ba là, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là “chìa khóa” để các địa phương mở những nút thắt lâu nay trong việc thực hiện mục tiêu ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, gắn trách nhiệm các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nông – lâm nghiệp của Nhà nước và sử dụng lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Bốn là, triển khai hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước định hướng đến năm 2022” và những năm tiếp theo. Triển khai thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh, trong đó ưu tiên bố trí nguồn tiết kiệm chi ngân sách, nguồn vượt thu ngân sách tỉnh hằng năm (nếu có) để đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lồng ghép thực hiện hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương đầu tư hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhất là chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân vùng khó khăn; các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Năm là, tăng cường hoạt động ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội ở các xã, thôn. Điều này thúc đẩy sự chuyển biến nhanh chóng trong sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Bảo đảm sản xuất và cung ứng cây con giống có năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu về sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện thực tế của vùng./.

——————————-

(1) Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị, Lý luận dân tộc và quan hệ dân tộc, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2019
(2) https://binhphuoc.gov.vn, Tình hình dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Phước, ngày 23/12/2021
(3), (4) và (6) Ban Dân vận, tỉnh Bình Phước, Báo cáo số 240/BC-UBND ngày 10/5/2023 về một số kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Phước
(5) Ban Dân vận, tỉnh Bình Phước, Báo cáo số 88/BC – UBND ngày 31/01/2023 về công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020 – 2022
(7) và (8) Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, Báo cáo số 731/BC – UBND ngày 10/12/2022 tổng kết công tác dân tộc năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023

(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 07_2023)