PGS, TS. TRẦN THỊ VUI(*)
(*) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Việt Nam hiện có khoảng 5,3 triệu người đang sinh sống, học tập tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển; có nhiều người Việt Nam đã định cư và mang quốc tịch nước ngoài(1). Dù ở bất cứ nơi đâu, kiều bào vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng được củng cố. Sự nghiệp chấn hưng đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hùng cường đòi hỏi Đảng phải phát huy sức mạnh toàn dân tộc, trong đó có đông đảo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Từ khóa: đại đoàn kết toàn dân tộc; nguồn lực; người Việt Nam ở nước ngoài
1. Quan điểm, chủ trương mới của Đảng đối với người Việt Nam ở nước ngoài góp phần thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài
Do những tác động khách quan và điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể từ sau khi đất nước thống nhất đến trước thời kỳ đổi mới (1975 – 1986), một bộ phận không nhỏ những người rời Tổ quốc ra nước ngoài sinh sống có tư tưởng thù hận, chống lại chế độ mới. Vì vậy, việc ban hành và chỉ đạo thực hiện chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm, còn nhiều bất cập; có khi là sự phân biệt giữa kiều bào với đồng bào ở trong nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhận thức của Đảng và Nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều chuyển biến. Năm 1993, Bộ Chính trị khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về lĩnh vực công tác này. Năm 2004, Bộ Chính trị khóa IX tiếp tục ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, Đảng ghi nhận và đánh giá cao vai trò, vị trí và những đóng góp của kiều bào với công cuộc đổi mới, với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khi khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”(2).
Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc”(3). Ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Chỉ thị đã khẳng định Nghị quyết số 36-NQ/TW sau 10 năm được ban hành và triển khai đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng kiều bào phát triển ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại.
Trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tại Đại hội lần thứ XII, Đảng nêu rõ: “Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước”(4). Tiếp đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng chủ trương: “Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh… Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia – dân tộc, có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(5).
Ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh: Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn, qua đó phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia – dân tộc; đồng thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Có thể thấy, quan điểm, chủ trương mới của Đảng đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhất quán, thể hiện truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của Việt Nam với các nước có kiều bào sinh sống. Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của kiều bào trên cơ sở pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và luật pháp quốc tế. Nhà nước Việt Nam hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng ổn định và phát triển bền vững.
Thực hiện tốt quan điểm, chủ trương và chính sách mới của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa chiến lược, góp phần tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thu hút trí tuệ, nguồn lực của kiều bào hướng về xây dựng quê hương; tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, quảng bá văn hóa, truyền thống, hình ảnh đất nước, củng cố vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
2. Kết quả thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài
Quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, trong những năm gần đây (2010 – 2020), Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chỉ đạo thực hiện tích cực, chủ động, sáng tạo công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để bà con Việt kiều về quê hương làm ăn, sinh sống, cống hiến trí tuệ, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề được tổ chức đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc thu hút trí tuệ, nguồn lực của kiều bào, như: Hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi kiều bào về trong nước kinh doanh hoặc liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước với kiều bào ở nước ngoài; Hội nghị về giáo dục đại học; Diễn đàn góp ý cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Hội nghị về phát triển công nghệ sinh học Việt Nam; Hội thảo về giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ…, với sự tham gia của nhiều đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài.
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, Việt Nam đã thu hút mỗi năm hơn 400 lượt trí thức kiều bào(6) về nước hợp tác, đóng góp chuyên môn chủ yếu trên các lĩnh vực: tư vấn trong hoạch định chính sách phát triển đất nước, nhất là trong các ngành kinh tế, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo; trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, giáo dục – đào tạo; làm cầu nối hợp tác, tìm kiếm nguồn đầu tư quốc tế cho lĩnh vực khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước… Nhiều hoạt động đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được yêu cầu của các bộ, ngành và địa phương. Nhiều ý kiến phản biện rất tâm huyết và có giá trị khoa học thực tiễn của trí thức kiều bào về các vấn đề như khai thác bô-xít, xây dựng nhà máy điện nguyên tử, đường tầu cao tốc Bắc Nam…, đã được chuyển tới lãnh đạo cấp cao.
Công tác vận động kiều bào đã được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, như: tổ chức Chương trình “Xuân Quê hương” vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm; tổ chức các đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Quốc giỗ Vua Hùng, Quốc khánh 02/9, tham gia các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; tổ chức lấy ý kiến kiều bào đóng góp cho Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XI, XII, XIII của Đảng; giới thiệu đại biểu kiều bào tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ khóa VII) và Mặt trận Tổ quốc các địa phương. Những hoạt động trên đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, gắn bó với cội nguồn dân tộc của kiều bào, từng bước vô hiệu hóa các hoạt động đi ngược lại lợi ích cộng đồng và đất nước.
Năm 2016, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức thành công Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới lần thứ 3 với chủ đề: “Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” và Chương trình “Thủ tướng gặp gỡ chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu”, với 57 chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào tiêu biểu. Đồng thời, tổ chức 02 hội nghị chuyên đề “Kiều bào phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức của Thành phố Hồ Chí Minh” và “Kiều bào tham gia đầu tư phát triển thương mại của Thành phố Hồ Chí Minh”. Tại các hội nghị, những ý tưởng, giải pháp cụ thể, thiết thực của kiều bào đối với các vấn đề phát triển cấp bách cũng như lâu dài, bền vững của đất nước và của Thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, chỉ đạo các cơ quan xem xét, đánh giá tính khả thi để triển khai. Tổ chức thành công các đoàn đại biểu kiều bào về nước tham quan, tham dự hội nghị, hoạt động nhân dịp các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước nhằm vận động cộng đồng hướng về quê hương đất nước: Chương trình “Xuân Quê hương 2016 – Linh thiêng Hà Nội” với sự tham gia của 1.500 kiều bào.
Trong giai đoạn 2010 – 2020, các hoạt động xã hội – từ thiện ngày càng được kiều bào tích cực hưởng ứng. Riêng năm 2016, kiều bào đã đóng góp được tổng số tiền gần 03 tỷ đồng, đặc biệt là ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt (2,1 tỷ đồng), ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ khuyến học, Quỹ Vì người nghèo, tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện tại Việt Nam.
Những chuyến trở về cội nguồn với nhiều hoạt động thiết thực, đã hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm thanh thiếu nhi, thế hệ thứ hai, thứ ba hoặc thậm chí thứ tư của những người Việt Nam sống xa Tổ quốc. Nhiều nhóm thanh niên Việt kiều sau khi về thăm quê hương đã có những sáng kiến như thành lập các hội, các câu lạc bộ, tổ chức các lớp học tiếng Việt, xuất bản các ấn phẩm bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài để truyền bá và giữ gìn văn hóa Việt; đồng thời, giới thiệu cho người dân nước sở tại hiểu thêm về đất nước Việt Nam.
Thực tế, dư luận kiều bào cho rằng, những thành tựu do công cuộc đổi mới trong nước đã đem lại sự ổn định chính trị – xã hội và tăng cường vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Tâm lý, nguyện vọng chung của kiều bào là muốn ổn định cuộc sống, an phận làm ăn; đồng thời, muốn duy trì tình cảm với gia đình, quê hương, muốn được đối xử bình đẳng như người ở trong nước, cũng như quan tâm đến lợi ích trong quan hệ với đất nước.
Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đầu tư về nước là “nhất cử lưỡng tiện”, nhằm thực hiện hai mục đích: vừa đem lại lợi ích cho bản thân và gia đình, vừa đem công, đem của thúc đẩy môi trường đầu tư, tạo thế và lực cho nền kinh tế đất nước; thúc đẩy đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.Tính đến tháng 10/2020, có 362 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam của kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vấn đăng ký 1,6 tỷ USD(7). Những hoạt động đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư trong nước, tăng thêm nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội, tạo thế và lực mới cho đất nước.
Kiều hối luôn được các nước xem như là một nguồn lực quan trọng cần khai thác để tăng dự trữ ngoại hối cần thiết và góp phần phát triển đất nước. Hằng năm, người Việt Nam ở nước ngoài gửi về giúp đỡ thân nhân và đồng bào trong nước hàng tỷ USD. Lượng kiều hối gửi về nước qua hệ thống Ngân hàng Nhà nước năm sau cao hơn năm trước, trung bình khoảng 10%/năm. Lượng kiều hối lũy kế từ năm 1993 đến năm 2021 đạt khoảng 180 tỷ USD, riêng năm 2019, đạt 16,7 tỷ, cao hơn cả số vốn FDI được giải ngân trong năm đó, đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới trong những năm gần đây (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới)(8).
Từ đổi mới quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài đến những chính sách phù hợp với nguyện vọng của kiều bào và những thành tựu của công cuộc đổi mới trong nước, hằng năm, số lượng kiều bào về nước thăm thân nhân, hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học kỹ thuật, đầu tư làm ăn, du lịch, từ thiện,… không ngừng tăng. Bình quân mỗi năm (không kể năm 2020, 2021 do dịch COVID-19) có từ 400.000 – 500.000 lượt kiều bào về nước. Trí thức kiều bào về nước hằng năm đã tham gia tích cực, có nhiều ý kiến đóng góp, tư vấn sâu sắc, tâm huyết vào quá trình hoạch định các chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2020, trong tổng số 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ có 04 trí thức kiều bào từ Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Singapore; 18 kiều bào được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024(9).
Có thể thấy, tích cực đổi mới, triển khai thực hiện quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đảng và Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại; luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam; triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu hút tiềm năng kinh tế, tri thức khoa học, công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; góp phần vào sự nghiệp chấn hưng đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hùng cường của dân tộc Việt Nam.
3. Giải pháp thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp chấn hưng đất nước hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường
Để thu hút hơn nữa trí tuệ, nguồn lực của kiều bào trong sự nghiệp chấn hưng đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, cường thịnh, cần triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, như sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước. Kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức về hành động phù hợp với lợi ích quốc gia – dân tộc. Tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước sở tại và pháp luật Việt Nam; kịp thời tôn vinh, động viên, khích lệ người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại, triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh… Tăng cường lực lượng, biện pháp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, an ninh, phòng, chống tội phạm, ngăn chặn hiệu quả nạn buôn người, xuất nhập cảnh, cư trú trái phép, qua đó hỗ trợ bảo đảm an ninh trong cộng đồng; xử lý triệt để, đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật nước sở tại.
Thứ ba, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh… Giải quyết nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/TW. Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ tư, đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chú trọng hợp tác với nước sở tại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt; tập trung thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống; nghiên cứu đầu tư, xây dựng trung tâm văn hóa của người Việt Nam tại các địa bàn này. Nghiên cứu lựa chọn ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ, học tập và giữ gìn tiếng Việt.
Thứ năm, đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Kịp thời thông tin về tình hình đất nước; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước.
Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài; kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài; giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài có đủ bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tâm huyết. Trong đó, chú trọng các bộ phận làm việc trực tiếp tại nước sở tại theo hướng sâu sát, thực chất, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Ngăn chặn và phòng ngừa việc lợi dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài để trục lợi, chống phá đất nước, ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích quốc gia – dân tộc./.
———————————————–
(1), (7), (8) và (9) Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Kỷ yếu Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, tr.24, 24, 123 và 16
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.63, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.281
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.51
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.165-166
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.171-172
(6) Theo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị “về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, (Tài liệu lưu tại Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài)
(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 02/2023)