GS, TS. TRẦN VĂN PHÒNG(*)

(*) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác là một thành tựu vĩ đại của tư tưởng khoa học nhân loại. Mặc dù, đã 175 năm kể từ khi ra đời, nhưng quan niệm duy vật về lịch sử vẫn có sức sống trường tồn. Bởi lẽ, quan niệm duy vật về lịch sử bản thân nó là thế giới quan khoa học duy vật biện chứng; là một nguyên tắc phương pháp luận khoa học mà hạt nhân của nó là phương pháp biện chứng duy vật; về bản chất có sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng duy vật, giữa lý luận và thực tiễn, giữa khoa học và cách mạng.
Từ khóa: chủ nghĩa Mác – Lênin; C.Mác; Ph.Ăngghen; quan niệm duy vật về lịch sử

Quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác được Ph.Ăngghen coi là hai phát minh khoa học vĩ đại thế kỷ XIX. Cùng với sự thay đổi của thực tiễn phong trào công nhân, sự biến động nhanh chóng của khoa học và công nghệ trong nền sản xuất vật chất của nhân loại, nhưng cả học thuyết giá trị thặng dư và quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác đều còn nguyên giá trị khoa học, đều mang sức sống trường tồn. Mặc dù, các loại kẻ thù tư tưởng luôn tìm mọi cách xuyên tạc, đổi trắng, thay đen, bôi nhọ, nhưng chúng không thể phủ định bản chất khoa học, cách mạng, giá trị khoa học bền vững của hai phát minh khoa học này của C.Mác. Điều này thể hiện ở những nội dung sau:
Một là, bản chất của quan niệm duy vật về lịch sử là khoa học và cách mạng. Ph.Ăngghen trong Lễ an táng Các Mác đã chỉ rõ “cái sự thật giản đơn đã bị những tầng tầng lớp lớp tư tưởng phủ kín cho đến ngày nay là: con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và v.v..; vì vậy, việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và chính, mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta, cho nên phải xuất phát từ cơ sở đó mà giải thích những cái này, chứ không phải ngược lại, như từ trước đến nay người ta đã làm”(1). Trước khi C.Mác phát minh ra quan niệm duy vật về lịch sử thì người ta toàn đi từ tư tưởng, tinh thần, từ nhà nước, pháp quyền, tôn giáo, nghệ thuật,… để giải thích việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt trực tiếp của xã hội loài người. Chính vì vậy, các nhà tư tưởng đó không bao giờ lý giải được một cách khoa học, khách quan những quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người. Ngay cả những nhà duy vật trước C.Mác cũng không hiểu và không lý giải được một cách thực sự khoa học, duy vật quy luật của lịch sử, xã hội, tinh thần. Sau này, trong tác phẩm Chống Đuy-rinh, Ph.Ăngghen lần nữa nhắc lại: “tóm lại là sản phẩm của những quan hệ kinh tế của thời đại của các giai cấp ấy; rằng do đó kết cấu kinh tế của xã hội, của mỗi thời đại nhất định tạo nên cái cơ sở hiện thực mà xét đến cùng, phải bằng cái cơ sở hiện thực ấy mà giải thích toàn bộ thượng tầng kiến trúc bao gồm những thể chế pháp luật và chính trị, cũng như những quan niệm tôn giáo, triết học và các quan niệm khác của mỗi thời kỳ lịch sử nhất định”(2). Trên cơ sở đó, Ph.Ăngghen nêu rõ: “Quan niệm duy vật về lịch sử xuất phát từ luận điểm cho rằng sản xuất và tiếp theo sau sản xuất là trao đổi sản phẩm của sản xuất, là cơ sở của mọi chế độ xã hội, rằng trong mỗi xã hội xuất hiện trong lịch sử, sự phân phối sản phẩm, và cùng với sự phân phối ấy là sự phân chia xã hội thành giai cấp hoặc đẳng cấp, đều được quyết định bởi tình hình: người ta sản xuất ra cái gì và sản xuất ra bằng cách nào và những sản phẩm của sản xuất đó được trao đổi như thế nào. Do đó, phải tìm những nguyên nhân cuối cùng của tất cả những biến đổi xã hội và những đảo lộn chính trị không phải trong đầu óc người ta, không phải ở nhận thức ngày càng tăng thêm của người ta về chân lý vĩnh cửu và chính nghĩa vĩnh cửu, mà là trong những biến đổi của phương thức sản xuất và phương thức trao đổi; cần phải tìm những nguyên nhân đó không phải trong triết học, mà là trong kinh tế của thời đại tương ứng”(3). Vì vậy, xét về bản chất quan niệm duy vật về lịch sử là khoa học. Tính khoa học này dẫn đến việc ủng hộ, bảo vệ những cái mới, cái tiến bộ, cái chân – thiện – mỹ cho nhân loại. Đó chính là cách mạng. Chính vì vậy, quan niệm duy vật về lịch sử đấu tranh chống bất công, áp bức, bóc lột, nô dịch người và ủng hộ việc xây dựng một xã hội mới mà ở đó không còn người bóc lột người, không còn người nô dịch người.
Hai là, phương pháp mà C.Mác vận dụng nghiên cứu xã hội để đi đến quan niệm duy vật về lịch sử là khoa học, khách quan. V.I.Lênin, trong tác phẩm Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ – xã hội ra sao?, chỉ ra rất rõ: “Vậy Mác đã xây dựng tư tưởng cơ bản đó bằng cách nào? Bằng cách là trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, ông đã làm nổi bật riêng lĩnh vực kinh tế, bằng cách là trong tất cả  mọi quan hệ xã hội ông đã làm nổi bật riêng những quan hệ sản xuất, coi đó là những quan hệ cơ bản, ban đầu và quyết định tất cả  mọi quan hệ khác”(4). Chính “bằng cách tách riêng những quan hệ sản xuất, với tư cách là cơ cấu của xã hội, và bằng cách cho chúng ta có khả năng ứng dụng vào những quan hệ ấy cái tiêu chuẩn khoa học chung về tính lặp lại, tiêu chuẩn mà phái chủ quan chủ nghĩa cho là không thể đem ứng dụng vào xã hội học được”(5) đã làm cho quan niệm duy vật về lịch sử có căn cứ khoa học, khách quan. Phương pháp của C.Mác thể hiện ở chỗ: “chỉ có đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên. Và dĩ nhiên là không có một quan điểm như thế thì không thể có một khoa học xã hội được”(6). Với phương pháp khoa học như vậy nên C.Mác đã đánh đổ quan niệm cho rằng xã hội là một tổ hợp có tính chất máy móc gồm những cá nhân, một tổ hợp mà nhà cầm quyền có thể tùy ý biến đổi theo đủ mọi kiểu, một tổ hợp sinh ra và biến hóa một cách ngẫu nhiên(7). Chính vì vậy, theo V.I.Lênin: “Mác cũng là người đầu tiên đã làm cho xã hội học có một cơ sở khoa học, bằng cách xác định khái niệm coi hình thái kinh tế  ‐ xã hội là một toàn bộ những quan hệ sản xuất nhất định, bằng cách xác định rằng sự phát triển của những hình thái đó là một quá trình lịch sử ‐ tự nhiên”(8). Như vậy, quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác có căn cứ là các phương pháp nghiên cứu khoa học, khách quan.
Ba là, đúng như Ph.Ănghen khẳng định, giống như Đác-uyn đã phát hiện ra quy luật của thế giới hữu cơ, C.Mác đã phát hiện ra quy luật phát triển của xã hội loài người bằng quan niệm duy vật về lịch sử(9). V.I.Lênin sau này đã đánh giá: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện, vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị; lý luận đó chỉ cho ta thấy rằng, do chỗ lực lượng sản xuất lớn lên, thì từ một hình thức tổ chức đời sống xã hội này, nảy ra và phát triển lên như thế nào một hình thức tổ chức đời sống xã hội khác, cao hơn; chẳng hạn, chủ nghĩa tư bản đã nảy sinh như thế nào từ chủ nghĩa phong kiến”(10).
Bốn là, quan niệm duy vật về lịch sử có vai trò quan trọng trong nghiên cứu đời sống xã hội. Chính quan niệm duy vật về lịch sử này đã chấm dứt sự lộn xộn và tùy tiện vẫn thống trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị. Các quan niệm về lịch sử trước đây thường không thấy được tính quy luật khách quan của sự vận động phát triển của lịch sử; nhiều lắm cũng chỉ mới xem xét động cơ tư tưởng trong hoạt động lịch sử của con người; chưa thấy được vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử.
Với quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác, lần đầu tiên trong lịch sử đã thấy được căn nguyên của những động cơ kinh tế, động cơ lợi ích, đặc biệt là động cơ lợi ích kinh tế trong hoạt động lịch sử của con người. Quan niệm duy vật về lịch sử cũng xuất phát từ trình độ phát triển của nền sản xuất vật chất xã hội để lý giải những quan niệm, tư tưởng cũng như những điều kiện xã hội trong đời sống của quần chúng nhân dân cùng vai trò của họ trong lịch sử. Hơn nữa, quan niệm duy vật về lịch sử đã xem xét xã hội một cách chỉnh thể, toàn diện quá trình phát sinh, phát triển và suy tàn của các hình thái kinh tế – xã hội, bằng cách xem xét toàn bộ các xu hướng mâu thuẫn khác nhau, tác động lẫn nhau và tìm ra cơ sở của chúng chính là các điều kiện sinh hoạt và sản xuất vật chất – tinh thần của xã hội.
Quan niệm duy vật về lịch sử xuất phát từ đời sống vật chất để lý giải đời sống tinh thần của xã hội. Tuy nhiên, quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác khác với chủ nghĩa duy vật kinh tế cũng như khác với chủ nghĩa duy vật tầm thường – chỉ thấy duy nhất yếu tố kinh tế, yếu tố vật chất, không thấy sự tác động trở lại của các yếu tố tinh thần đối với các yếu tố vật chất, yếu tố kinh tế. Quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác trong khi khẳng định vai trò quyết định của đời sống vật chất đối với đời sống tinh thần, kinh tế đối với chính trị,… đã không hề hạ thấp, mà còn nhấn mạnh sự tác động trở lại của đời sống tinh thần đến đời sống vật chất, của chính trị đối với kinh tế. Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, “theo quan niệm duy vật về lịch sử, nhân tố quyết định trong quá trình lịch sử xét đến cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực. Cả tôi và Mác chưa bao giờ khẳng định gì hơn thế. Còn nếu có ai xuyên tạc luận điểm này theo ý nghĩa nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất, thì người đó biến lời khẳng định này thành một câu trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa”(11). Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu William L.McBride của Trường đại học Purdue, Indiana (Hoa Kỳ) cũng thừa nhận: “Mác với tư cách là nhà duy vật chủ nghĩa và hẳn là nhà phân tích xã hội có thái độ khoa học,… Ông không cho rằng mình cần phải viện tới bất kỳ sự giải thích siêu hình nào, hay thứ ma quỷ tồn tại dưới dạng thực thể, hoặc phần xấu xa nào của nhân tính để nói rõ sự thật… Mác cũng đồng thời kiên định sức mạnh của phép biện chứng và sự thật tận cùng của tiến bộ lịch sử”(12).
Năm là, quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác về bản chất cũng là quan niệm duy vật biện chứng, nhưng đó là quan niệm duy vật biện chứng về xã hội. Trong lĩnh vực xã hội có những yếu tố đặc thù khác trong thế giới tự nhiên. Trong thế giới tự nhiên, các quy luật diễn ra một cách tự phát, nhưng trong xã hội, các quy luật chỉ tồn tại, vận động, phát triển thông qua hoạt động có ý thức của con người. Nghĩa là, chỉ có thông qua tổ chức thực tiễn của con người thì các quy luật xã hội mới nảy sinh, tồn tại, phát triển. Chẳng hạn, quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất chỉ có thể nảy sinh, tồn tại, phát triển thông qua hoạt động sản xuất vật chất của con người. Mặc dù, con người không thể tùy tiện sáng tạo ra quy luật, cũng như không thể tùy tiện xóa bỏ các quy luật, nhưng thông qua thực tiễn của mình, con người có thể tác động làm cho quy luật xã hội có thể diễn ra nhanh hơn hoặc chậm hơn theo mục đích của mình. Do đó, các quy luật xã hội mang tính xu hướng. Như vậy, quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác đánh giá cao vai trò thực tiễn của con người. Không có thực tiễn không có quy luật xã hội, không có lịch sử, xã hội.
Quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác có sức sống trường tồn, bởi lẽ:
Thứ nhất, xét về bản chất, quan niệm duy vật về lịch sử bản thân nó là thế giới quan duy vật biện chứng. Đồng thời, nó dựa trên thế giới quan duy vật biện chứng về xã hội. Khác với các quan niệm triết học duy tâm, duy vật siêu hình khác, quan niệm duy vật về lịch sử xuất phát từ chính xã hội, từ chính hoạt động tổ chức thực tiễn của con người để giải thích xã hội. Quan niệm duy vật về lịch sử không giải thích xã hội từ các lực lượng siêu nhiên ở bên ngoài xã hội, hay từ đầu óc chủ quan của con người mà từ chính hoạt động sống căn bản của con người. Đó là hoạt động lao động sản xuất vật chất. Bởi lẽ, chính lao động sản xuất vật chất là phương thức tồn tại cơ bản của con người, là hoạt động đặc trưng bản chất người của con người. Không có hoạt động lao động sản xuất vật chất thì không có xã hội loài người, không có lịch sử. Trong lao động sản xuất vật chất, con người có quan hệ với tự nhiên biểu hiện ở lực lượng sản xuất và quan hệ với nhau trong sản xuất vật chất, đó là quan hệ sản xuất. Giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó xét đến cùng lực lượng sản xuất quy định quan hệ sản xuất. Trên cơ sở tổng thể các quan hệ sản xuất của một thời đại hình thành cơ sở hạ tầng nhất định và tương ứng với cơ sở hạ tầng này sẽ có một kiến trúc thượng tầng tương ứng với các quan điểm và thiết chế, như nhà nước, đảng phái, giáo hội,… Rõ ràng, C.Mác đã xuất phát từ chính bản thân xã hội hiện thực với những kết cấu vật chất hiện thực của nó để nghiên cứu xã hội loài người. Đó là cách tiếp cận khách quan, khoa học đúng đắn dựa trên tồn tại xã hội hiện thực của chính xã hội. Do vậy, quan niệm duy vật về lịch sử có giá trị bền vững, có sức sống trường tồn là vậy.
Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, chính C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Hoàn toàn trái với triết học Đức là triết học từ trên trời đi xuống đất, ở đây chúng ta từ dưới đất đi lên trời, tức là chúng ta không xuất phát từ những điều mà con người nói, tưởng tượng, hình dung, chúng ta cũng không xuất phát từ những con người chỉ tồn tại trong lời nói, trong ý nghĩ, trong tưởng tượng, trong biểu tượng của người khác, để từ đó mà đi tới những con người bằng xương bằng thịt; không, chúng ta xuất phát từ những con người đang hành động, hiện thực và chính là cũng xuất phát từ quá trình đời sống hiện thực của họ mà chúng ta mô tả sự phát triển của những phản ánh tư tưởng và tiếng vang tư tưởng của quá trình đời sống ấy”(13). Như vậy, quan niệm duy vật về lịch sử “xác định tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người, và do đó là tiền đề của mọi lịch sử, đó là: người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể làm ra lịch sử”(14); “nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất. Hơn nữa, đó là một hành vi lịch sử, một điều kiện cơ bản của mọi lịch sử mà (hiện nay cũng như hàng nghìn năm về trước) người ta phải thực hiện hằng ngày, hằng giờ, chỉ nhằm để duy trì đời sống con người”(15). Trên cơ sở đó, quan niệm duy vật lịch sử xuất phát từ việc xem xét ba lĩnh vực sản xuất cốt yếu của con người. Đó là sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần và sản xuất ra sức sản xuất. Trong ba hình thức sản xuất ấy thì sản xuất vật chất đóng vai trò quyết định hai hình thức sản xuất kia. Tuy nhiên, hai hình thức sản xuất tinh thần và sản xuất ra sức sản xuất có ảnh hưởng quan trọng tới sản xuất vật chất. Đây chính là cách tiếp cận duy vật biện chứng khoa học của quan niệm duy vật về lịch sử về xã hội.
Thứ hai, bản thân quan niệm duy vật về lịch sử là một nguyên tắc phương pháp luận khoa học mà hạt nhân lõi bên trong của nó là phương pháp biện chứng duy vật. Đúng như V.I.Lênin trong tác phẩm Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ-xã hội ra sao? đã chỉ rõ: “Cái mà Mác và Ăng-ghen gọi là phương pháp biện chứng – để đối lập với phương pháp siêu hình – chẳng qua chỉ là phương pháp khoa học trong xã hội học, phương pháp coi xã hội là một cơ thể sống đang phát triển không ngừng (chứ không phải là một cái gì được kết thành một cách máy móc và do đó, cho phép có thể tùy ý phối hợp các yếu tố xã hội như thế nào cũng được), một cơ chế mà muốn nghiên cứu nó thì cần phải phân tích một cách khách quan những quan hệ sản xuất cấu thành một hình thái xã hội nhất định, và cần phải nghiên cứu những quy luật vận hành và phát triển của hình thái xã hội đó”(16). Trên cơ sở đó, “Mác coi sự vận động xã hội là một quá trình lịch sử ‐ tự nhiên chịu sự chi phối của những quy luật không những không phụ thuộc vào ý chí, ý thức và ý định của con người, mà trái lại, còn quyết định ý chí, ý thức và ý định của con người”(17). Quan niệm duy vật về lịch sử coi sự vận động xã hội là một quá trình lịch sử ‐ tự nhiên là bởi chính sự vận động của những quy luật khách quan của xã hội, như: quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng; tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội; kinh tế quyết định chính trị,… đã làm cho xã hội loài người vận động, phát triển theo một quy luật khách quan không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, khách quan là vậy. Tuy nhiên, như trên chúng ta đã rõ, các quy luật mang tính xu hướng, hơn nữa, sự vận động của quy luật xã hội còn ít nhiều bị tác động bởi văn hóa, điều kiện kinh tế – chính trị cụ thể của từng quốc gia – dân tộc. Do đó, quy luật xã hội mặc dù diễn ra một cách tự nhiên, khách quan nhưng cũng mang tính lịch sử. Nghĩa là, sự vận động xã hội là một quá trình lịch sử ‐ tự nhiên. Tự nhiên nghĩa là khách quan, lịch sử nghĩa là mang tính đặc thù. Thế nhưng, lịch sử cũng phải tuân theo quy luật chứ không thể tùy tiện chủ quan được. Chính vì vậy mà nhà nghiên cứu William L.McBride của Trường Đại học Purdue, Indiana (Hoa Kỳ) thừa nhận: “Mác với tư cách là nhà duy vật chủ nghĩa và hẳn là nhà phân tích xã hội có thái độ khoa học, […] Ông không cho rằng mình cần phải viện tới bất kỳ sự giải thích siêu hình nào, hay thứ ma quỷ tồn tại dưới dạng thực thể, hoặc phần xấu xa nào của nhân tính để nói rõ sự thật. […]. Mác cũng đồng thời kiên định sức mạnh của phép biện chứng và sự thật tận cùng của tiến bộ lịch sử”(18).
Thứ ba, quan niệm duy vật lịch sử xét về bản chất có sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng duy vật, giữa lý luận và thực tiễn, giữa khoa học và cách mạng. Do vậy, nó có căn cứ khoa học để trường tồn và phát triển. Trong quan niệm duy vật về lịch sử, thế giới quan duy vật được làm giàu, được bổ sung bằng phương pháp biện chứng, còn phương pháp biện chứng được đặt trên nền thế giới quan duy vật. Nếu quan niệm duy vật biện chứng xuất phát từ chính thế giới tự nhiên để giải thích thế giới thì quan niệm duy vật lịch sử xuất phát từ chính xã hội hiện thực để giải thích xã hội. Nếu phương pháp biện chứng trong quan niệm duy vật biện chứng xuất phát từ biện chứng khách quan của tự nhiên, do biện chứng khách quan của thế giới tự nhiên quy định thì phương pháp biện chứng trong quan niệm duy vật về lịch sử do biện chứng khách quan của xã hội quy định. Bản thân xã hội loài người luôn vận động, biến đổi, phát triển, do vậy, quan niệm duy vật về lịch sử cũng không đứng im, luôn vận động, biến đổi, phát triển. Hơn thế, quan niệm duy vật về lịch sử luôn được những người cộng sản chân chính bổ sung, phát triển. Chính vì vậy, 175 năm trôi qua kể từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, quan niệm duy vật về lịch sử vẫn tồn tại và tiếp tục được bổ sung, phát triển. Khi quan niệm duy vật về lịch sử phản ánh đúng biện chứng khách quan của xã hội thì cũng có nghĩa là nó phản ánh đúng thực tiễn vận động của xã hội. Trên cơ sở đó, nó chỉ ra sự ra đời của một xã hội mới từ trong lòng xã hội cũ là một quy luật khách quan nội tại của lịch sử xã hội loài người do chính sự vận động của lịch sử xã hội quy định. Do vậy, xét về bản chất quan niệm duy vật về lịch sử luôn có sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa khoa học và cách mạng. Cũng nhờ sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, khoa học và cách mạng mà quan niệm duy vật về lịch sử có sức sống trường tồn, có giá trị bền vững. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin có sức sống trường tồn.
Qua phân tích trên chúng ta thấy, dù kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin có tìm mọi cách phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, phủ nhận quan niệm duy vật về lịch sử nói riêng thì chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, quan niệm duy vật về lịch sử nói riêng vẫn là một phát minh khoa học của C.Mác – một thành tựu tư duy của nhân loại trong nghiên cứu lịch sử xã hội loài người. Có thể đánh giá quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác bằng nhận định của Ph.Ăngghen. Trong bài Các Mác (viết tháng 6/1877), Ph.Ăngghhen đánh giá: “Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới. Trước kia toàn bộ quan niệm về lịch sử đều dựa trên quan điểm cho rằng, xét đến cùng thì phải đi tìm nguyên nhân của mọi biến đổi lịch sử ở tư tưởng đang luôn luôn thay đổi của con người, và cho rằng trong tất cả những chuyển biến lịch sử, những chuyển biến chính trị là những chuyển biến quan trọng nhất chi phối toàn bộ lịch sử”(19). Nhưng, với quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác thì “cả những quan niệm và tư tưởng của mỗi thời đại cũng vậy đều giải thích được một cách dễ dàng bằng những điều kiện sinh hoạt kinh tế của thời đại ấy và bằng những quan hệ xã hội và chính trị bắt nguồn từ những điều kiện ấy”(20). Một trăm bốn mươi sáu năm đã trôi qua, nhưng đánh giá này của Ph.Ăngghen về quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác vẫn giữ nguyên giá trị khoa học. Sau này, V.I.Lênin khi đánh giá về chủ nghĩa Mác nói chung đã khẳng định: “Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế  giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản. Nó là người thừa kế chính đáng của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX, đó là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp”(21).
Cũng giống như chủ nghĩa Mác, quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác đã kế thừa toàn bộ những tinh hoa trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, nhưng trực tiếp nhất là là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho quan niệm duy vật về lịch sử của Mác có sức sống trường tồn, giá trị bền vững./.

————————
(1), (19) và (20) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.500, 164 và 166
(2) và (3) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.20, Sđd, tr.43-44 và 371
(4), (5), (6), (8), (16) và (17) V.I.Lênin, Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.159, 162, 163, 166, 198 và 200
(7) V.I.Lênin, Toàn tập, t.1, Sđd, tr.165-166
(9) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.19, Sđd, tr.499
(10) và (21) V.I.Lênin, Toàn tập, t.23, Sđd, tr.53 và 50
(11) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.37, Sđd, tr.641
(12) và (18) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Thông tin khoa học, Thông tin tư liệu chuyên đề: Lý luận và thực tiễn thế giới (Lưu hành nội bộ), số 02/2018, tr.93 và 93
(13), (14) và (15) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.3, Sđd, tr.37-38, 39-40 và 40

(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 7_2023)