TS. LÊ BÁ TÂM(*)
NGUYỄN HẢI LÝ(**)
(*) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(**) Trường Chính trị Lê Duẩn, tỉnh Quảng Trị
Tóm tắt: An ninh năng lượng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Quảng Trị có khí hậu khắc nghiệt, chịu hậu quả nặng nề của gió Tây Nam khô nóng. Tuy nhiên, tỉnh đã biến những bất lợi từ điều kiện tự nhiên trở thành điểm lợi thế trong phát triển điện gió. Những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước, tỉnh đã khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và đạt được những kết quả rõ rệt. Song, trong những năm tới tỉnh Quảng Trị cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển bền vững năng lượng tái tạo của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Từ khóa: chính sách; năng lượng tái tạo; Quảng Trị
1. Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển năng lượng tái tạo ở tỉnh Quảng Trị
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1382/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 về việc phê duyệt Dự án Năng lượng tái tạo cho cộng đồng nghèo, dân tộc thiểu số ở 03 xã miền núi tỉnh Quảng Trị do tổ chức Norwegian Church Aid (NCA) tài trợ. Đến năm 2017, Quảng Trị có dự án điện gió đầu tiên Hướng Linh 2, thuộc xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa được khởi động xây dựng vào năm 2015 với công suất 30MW và tổng kinh phí 1.420 tỷ đồng, chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2017.
Từ năm 2018 đến năm 2022 đã có nhiều chủ trương, cơ chế khuyến khích phát triển điện gió từ Trung ương đến địa phương được ban hành, như Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Biểu giá theo cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo với mức giá FIT được hưởng 20 năm cho điện gió trên bờ là 8,5 cent/kWh, tương đương 1.928 đồng/kW; điện gió ngoài khơi là 9,8 cent/kWh, tương đương 2.223 đồng/kW (theo tỷ giá năm 2018) và được áp dụng cho một phần, hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021. Sau khi có Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành điện gió bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 31 dự án được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng cổng suất 1.190MW(1).
Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, tỉnh Quảng Trị đã chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu. Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/12/2018 về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó xác định phát triển năng lượng là một trong năm trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Trị. Để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo theo hướng mở rộng cả về số lượng và chất lượng, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 quy định thực hiện dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió, có cơ chế khuyến khích dự án điện tái tạo nối lưới về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, sử dụng đất, phí bảo vệ môi trường, ưu đãi về đầu tư.
Với phương châm “hỗ trợ tối đa – hợp tác để cùng phát triển” quyết tâm bứt phá để trở thành tỉnh phát triển trong vùng Bắc Trung Bộ, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp điện gió. Nghị quyết số 25/2019/NQ-HĐND ngày 18/8/2019 về chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019 – 2025 xác định: Giảm tối đa 50% số tiền ký quỹ đất so với mức chung cả nước đã đề ra; các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định hiện hành; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng bên ngoài hàng rào dự án năng lượng tối đa lên đến 05 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tối đa 300 triệu đồng/dự án. Đặc biệt, các dự án năng lượng tái tạo có tổng mức đầu tư từ 10 tỷ trở lên được hỗ trợ 02% tổng vốn đầu tư dự án. Ngoài ra, tỉnh còn tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư công để hoàn thiện, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phục vụ phát triển các dự án năng lượng tái tạo(2). Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các dự án năng lượng.
Năm 2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu nâng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15% – 20% vào năm 2030; 25% – 30% vào năm 2045 đã chỉ đạo trong phát triển năng lượng quốc gia: Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch(3).
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng… năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh,…”(4).
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Kế hoạch số 167-KH/TU ngày 17/9/2021 về việc phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Ngày 03/10/2022, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT về quy định phương pháp xác định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 ban hành khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương, giá điện tái tạo mới sẽ thấp hơn so với Fit khoảng 23%. Tính đến tháng 3/2023, tỉnh Quảng Trị có 19 dự án điện gió đã vận hành thương mại với tổng công suất trên 671MW (công suất quy hoạch hơn 723MW). Tại khu vực huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (áp dụng giá Fit theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9/2018), 12 dự án điện gió với tổng công suất 454MW đã được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư (áp dụng theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023). Như vậy, có thể thấy vấn đề phát triển năng lượng tái tạo nhận được sự quan tâm rất lớn từ Trung ương đến địa phương.
2. Phát triển năng lượng tái tạo ở tỉnh Quảng Trị những năm qua – Kết quả và hạn chế
Phát triển năng lượng tái tạo ở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 – 2022 đã mang lại những kết quả tích cực.
– Số lượng các dự án và sản lượng điện gió có xu hướng tăng lên
Năm 2018, tỉnh Quảng Trị chỉ có 01 dự án điện gió với quy mô công suất 30MW đi vào hoạt động (nhà máy điện gió Hướng Linh 2 với công suất 30MW), sản lượng trung bình năm khoảng 75 triệu kWh, doanh thu 01 năm khoảng 150 tỷ đồng, 1 MW đóng góp vào ngân sách khoảng 500 triệu đồng. Năm 2019, tỉnh Quảng Trị có 03 dự án điện gió tham gia vận hành thương mại chiếm 1,57 % số dự án cả nước (cả nước có 127 dự án điện gió). Cụ thể, dự án điện gió Hướng Phùng 1 với công suất lắp máy 30 MW, sản lượng điện hằng năm 81,1 triệu KWh và dự án điện gió Hướng Tân với công suất lắp máy 46,2 MW, sản lượng điện hằng năm 126,3 triệu KWh. Nhà máy điện gió Hướng Linh mở rộng quy mô công suất tăng gấp đôi (Hướng Linh 1 và 2, mỗi dự án 30MW) sản lượng điện hằng năm 244,7 triệu KWh. Năm 2020, tỉnh Quảng Trị có 04 nhà máy điện gió đi vào vận hành thương mại. Toàn tỉnh có tổng số dự án vận hành thương mại là 08 dự án với công suất 321,4 MW. Đến ngày 01/11/2021, tỉnh Quảng Trị đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch 84 dự án điện gió, với tổng công suất trên 4.030 MW. Trong đó, 31 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất trên 1.177 MW, 19 dự án điện gió với tổng công suất đặt 714 MW, đưa vào vận hành thương mại 671,1 MW và 12 dự án điện gió với tổng công suất 454 MW được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư. Đến ngày 25/12/2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 77.800 MW, trong đó, tỉnh Quảng Trị không có nhà máy điện gió đi vào vận hành thương mại(5). Trong 12 dự án điện gió với tổng công suất 454 MW được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư đã có cơ chế chuyển tiếp, giá thấp hơn so với Fit khoảng 23% theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công thương ban hành khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. 67 dự án mới đang xây dựng cơ chế, trong đó 65 dự án trên bờ (58 dự án bổ sung quy hoạch với công suất 3,104.15 MW, 09 dự án điện gió đang nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ trình bổ sung quy hoạch với công suất 2,890.00) và 03 dự án điện gió ngoài khơi(6).
– Các dự án điện tái tạo đã tạo được việc làm và sinh kế cho người dân
Các dự án điện gió đã góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Theo Báo cáo số 29/BC-SCT ngày 20/5/2021 về Báo cáo tình hình hoạt động điện gió trong 31 dự án điện gió của tỉnh đang trong quá trình xây dựng đã giải quyết khoảng 500 lao động trong và ngoài tỉnh đem lại thu nhập cho người lao động 10.000.000 đồng – 15.000.000 đồng/tháng. Nhiều hộ gia đình được hỗ trợ đền bù trong giải phóng mặt bằng, nên có điều kiện phát triển kinh tế; một số hộ đã mua máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra 247 hộ (thuộc 10 xã) gần các khu vực dự án điện gió cho thấy, một số dự án có tuyển người địa phương làm các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng và bảo vệ còn hạn chế, những công việc liên quan đến dịch vụ phục vụ cho công nhân dự án trong giai đoạn thi công tăng lên, nhưng chỉ là tạm thời.
– Các dự án điện gió đã sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường
Đến nay, diện tích đất phân bổ cho 19 dự án ở Quảng Trị là 217 ha. Trong đó, diện tích đất sử dụng nhiều nhất là đất rừng sản xuất 120 ha (57 ha có thời hạn và 63 ha tạm thời), tiếp đến là đất rừng phòng hộ 80 ha (60 ha có thời hạn và 20 ha tạm thời), đất chưa sửa dụng 65 ha (30 ha có thời hạn và 35 ha tạm thời), 48 ha đất nương rẫy (30 ha có thời hạn và 18 ha tạm thời). Diện tích đất sản xuất mất đi chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 0,14% diện tích đất nông nghiệp toàn huyện.
Giai đoạn 2018 – 2022, tỉnh Quảng Trị có 31 dự án điện gió được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 1.177,2 MW, trong đó có 19 dự án đã đi vào hoạt động và 12 dự án đang triển khai xây dựng. Khi phát triển các dự án điện gió ở Quảng Trị đã giúp giảm mức phát thải CO2eq/năm lên đến 115 lần (= (1)/(2))(7). Do đó, việc phát triển điện gió sẽ đóng góp tích cực vào chương trình giảm phát thải carbon của quốc gia. Hoạt động của 19 điện gió trên địa bàn tỉnh không phải là nguyên nhân chính làm giảm chất lượng nguồn nước mặt và trầm tích, mà chỉ đóng góp vào làm tăng nồng độ một số tác nhân ô nhiễm nước như các chất rắn lơ lửng (TSS), tổng sắt tan (Fe) và các chất hữu cơ (COD) trong nguồn nước, như hồ Rào Quán, hồ Vĩnh Tân, suối La La, sông Sê Pôn. Vào mùa mưa lũ do xói mòn và rửa trôi từ các khu vực dự án điện gió, đặc biệt là từ các bãi chất thải (đất, đá, sỏi…) ở các khu vực dự án cả trong giai đoạn thi công và vận hành đã lôi cuốn các chất rắn lơ lửng vào nước làm tăng nồng độ TSS và tổng sắt tan (Fe) trong một số nguồn nước mặt ở khu vực lân cận. Hoạt động của các dự án điện gió ảnh hưởng không đáng kể đến chất lượng trầm tích của các nguồn nước mặt và môi trường đất trong khu vực. Các khu vực dự án điện gió đi vào hoạt động đã làm diện tích rừng trồng tăng lên như ở dự án Hướng Linh, Phong Nguyên, Phong Huy góp phần làm tăng độ che phủ, tạo môi trường sống cho nhiều loài động vật, hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực. Bên cạnh đó, việc xây dựng đường đi nội bộ ở các khu vực dự án điện gió đã làm mất khoảng 330 ha diện tích đất lâm nghiệp (chiếm tỷ lệ 0,45% diện tích đất lâm nghiệp bao gồm rừng sản xuất và rừng phòng hộ) của huyện Hướng Hóa(8).
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình phát triển năng lượng tái tạo ở tỉnh Quảng Trị tồn tại một số hạn chế.
Thứ nhất, các dự án điện gió trong giai đoạn chuẩn bị và thi công dự án (như đền bù, giải phóng mặt bằng) chưa tạo được sinh kế mới cho cộng đồng bản địa.
Thứ hai, quá trình thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn vướng mắc do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ và chưa phù hợp, (quy định về đơn giá đền bù tại một số địa phương chưa phù hợp).
Thứ ba, mạng lưới giao thông liên thôn, liên xã vẫn chưa hoàn thiện, gây khó khăn trong việc vận chuyển các thiết bị siêu cường, siêu trọng phục vụ phát triển điện gió.
Thứ tư, sự phát triển các dự án điện gió gây ra một số tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên. Vấn đề tiếp cận tài chính của các dự án điện gió sau khi giá Fit hết hạn ngày 01/11/2021 trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: (1) Nhận thức về phát triển năng lượng tái tạo trong đời sống xã hội của bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa đầy đủ; (2) Quá trình giải quyết vướng mắc về đầu tư của các cơ quan có thẩm quyền còn kéo dài; (3) Việc huy động nguồn vốn (trong nước và nước ngoài) còn gặp nhiều khó khăn; (4) Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch chưa hiệu quả; (5) Quá trình thực hiện các dự án điện gió còn chồng chéo; (6) Chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đặc biệt là người dân trong vùng dự án. Nguyên nhân khách quan: (1) Do quy mô kinh tế của tỉnh Quảng Trị còn nhỏ nên việc hoàn thiện và phát triển hạ tầng về giao thông, văn hóa xã hội trong vùng dự án còn thấp ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển các dự án điện gió tại địa phương; (2) Khu vực để phát triển các dự án điện gió có địa hình hiểm trở, giao thông không thuận lợi.
3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phát triển năng lượng tái tạo ở tỉnh Quảng Trị những năm tới
Một là, nâng cao nhận thức về phát triển năng lượng tái tạo
Trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người dân và các doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của phát triển các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm bảo đảm an ninh năng lượng.
Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trong việc giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền liên quan đến các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong khu vực và địa phương trong giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng, giá cả và các thủ tục khiếu nại liên quan đến đất đai.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, thôn bản, các tổ chức chính trị xã hội, người dân và doanh nghiệp về phát triển các dự án điện gió tại địa phương để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an toàn môi trường sinh thái. Tổ chức hội nghị, hội thảo, kênh báo chí tuyên truyền về phát triển năng lượng tái tạo hoặc tuyên truyền gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử hoặc qua zalo, facebook, tiktok)… để nâng cao trình độ nhận thức của toàn xã hội về phát triển năng lượng tái tạo và những lợi ích mang lại từ phát triển các dự án năng lượng tái tạo cho người dân địa phương trong vùng dự án và các địa phương khác.
Thúc đẩy xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn về hiệu quả của các dự án điện gió qua đó đẩy mạnh việc nhân rộng, giới thiệu các mô hình phát triển điện gió thành công đến các doanh nghiệp và người dân để họ hiểu được những lợi ích mà điện gió mang lại cho người dân và địa phương; đồng thời khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm và nâng cao hiệu quả các nguồn năng lượng gắn với bảo vệ môi trường.
Hai là, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo
Hoàn thiện, nghiên cứu, ban hành quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Nghiên cứu sớm ban hành Luật Năng lượng tái tạo, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm để góp phần tháo gỡ chồng chéo về thủ tục giữa các luật liên quan nhằm rút ngắn thời gian và chi phí cho nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy khai thác năng lượng tái tạo một cách hiệu quả. Hoàn thiện các văn bản, chính sách về thuế bảo vệ môi trường của các dự án điện gió để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.
Xây dựng quy định về thu hút đầu tư phát triển các dự án điện gió. Xây dựng chính sách phù hợp song song với những chủ trương tiếp tục phát triển các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, chủ động kết nối với các nguồn vốn phát triển xanh của quốc gia và các tổ chức tài chính xanh quốc tế để có thể nhận được gói hỗ trợ trong chuyển dịch năng lượng.
Xây dựng và ban hành các văn bản, quy định liên quan đến khâu chuẩn bị đất đai, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân trong vùng dự án để hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Hoàn thiện quy định pháp luật, thúc đẩy xã hội hóa lưới điện truyền tải để nâng cao chất lượng nguồn điện nối lưới góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tỉnh Quảng Trị cần ban hành quy định thống nhất để ràng buộc chủ đầu tư các dự án điện gió phải sớm sửa chữa, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường giao thông bị hư hỏng, sụt lún do quá trình vận chuyển trang thiết bị thi công dự án gây ra.
Ba là, chính sách nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của các doanh nghiệp ngành điện gió
Các chủ đầu tư dự án điện gió phải thực hiện nghiêm các cam kết theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Kế hoạch bảo vệ môi trường. Yêu cầu chủ dự án phải sớm hoàn thổ mặt bằng, trồng cây xanh, gia cố các điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở và phối hợp với cán bộ quản lý địa phương giám sát tiếp theo.
Nâng cao năng lực quản lý phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở các cấp, các ngành tại địa phương thông qua những hoạt động, như khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở đào tạo tại địa phương giảng dạy các môn học mới liên quan tới năng lượng tái tạo. Chú trọng đào tạo nghề để xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật, nghiệp vụ đủ khả năng nắm bắt và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cần khuyến khích và hỗ trợ phát triển các dịch vụ và tổ chức tư vấn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở huyện Hướng Hóa và Cam Lộ.
Hỗ trợ hình thành thị trường và công nghệ năng lượng tái tạo. Sở Công thương xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo nhằm khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới sử dụng năng lượng tái tạo. Sở Công thương và Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp hình thành và phát triển thị trường công nghệ năng lượng tái tạo, tạo sự bình đẳng trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, quan tâm đầu tư dài hạn cho các dự án nghiên cứu nguồn năng lượng gió ngoài khơi để thay thế năng lượng truyền thống.
Các doanh nghiệp cần chủ động tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và thành tựu khoa học mới trong lĩnh vực phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Bốn là, hoàn thiện chính sách giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển điện tái tạo
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cần xây dựng hành lang pháp lý để chủ đầu tư dự án điện gió có trách nhiệm với sinh kế và việc làm của các hộ dân trong vùng dự án bị thu bồi đất và ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ.
Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 165/2019/NQ-HĐND khuyến khích một số chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi ở các khu vực dự án điện gió trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND Quy định nội dung, mức hỗ trợ trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất các khu vực dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 – 2025 nhằm tạo điều kiện nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cần xây dựng quy định thống nhất từ cấp tỉnh, huyện và xã về quản lý và giám sát, các thủ tục hành chính, lộ trình và thời gian thực hiện, phương thức thanh toán, khiếu nại… trong thu hồi và đền bù đất đúng quy định theo nguyên tắc rõ ràng và minh bạch.
+ Người bị thu hồi, được đền bù đất phải di chuyển chỗ ở được bồi thường đúng thời hạn và thời gian quy định tránh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án điện gió trên địa bàn. Đặc biệt, những khu vực đã được quy hoạch phục vụ cho xây dựng và phát triển điện theo quy hoạch điện VIII.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cần quy hoạch và xây dựng khu tái định cư trước khi thực hiện thu hồi đất phục vụ phát triển các dự án điện gió nhằm sớm ổn định chỗ ở cho các hộ dân phải di dời. Đồng thời, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo và giám sát quá trình di dời để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho người dân trong vùng dự án./.
————————–
(1) Sở Công thương tỉnh Quảng Trị (2022), Báo cáo số 267/SCT-QLNL ngày 15/9/2022 về tình hình thực hiện các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
(2) Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị (2019), Nghị quyết số 25/2019/NQ-HĐND ngày 18/8/2019 về chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019 – 2025
(3) Bộ Chính trị (2020), Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.244 – 245
(5) Hải An (2021), 84 dự án điện gió kịp vận hành thương mại với tổng công suất hơn 3.980 MW, https://moit.gov.vn
(6), (7) và (8) Sở Công thương tỉnh Quảng Trị (2022), Báo cáo số 125/BC-SCT, ngày 15/12/2022 về tình hình thực hiện các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 08_2023)