TS. TRẦN THỊ THÚY VÂN(*)
(*) Học viện Chính trị khu vực II,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Tôn giáo là một trong những nguồn lực quan trọng, có nhiều đóng góp đối với sự phát triển đất nước, là một bộ phận trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong thời kỳ hội nhập và giao lưu quốc tế hiện nay, các tôn giáo ở Việt Nam đang phát huy các giá trị văn hóa đạo đức và các nguồn lực khác để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp vào mục tiêu chung trong sự phát triển bền vững của đất nước. Bài viết phân tích vai trò của tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tôn giáo trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: tôn giáo; đại đoàn kết; dân tộc; vai trò
1. Đặt vấn đề
Đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết rộng rãi, mọi thành phần, quy mô, lực lượng, trong đó, tôn giáo chính là thành tố rất quan trọng cần được quan tâm phát huy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ “đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam; không ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo”(1).
Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần coi trọng đoàn kết tôn giáo. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết tức là lực lượng; chia rẽ tức là yếu hèn”(2). Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược và là động lực chủ yếu, quyết định bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có vai trò của tôn giáo. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo đã chỉ rõ “Tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”(3). Vì vậy, nhận diện và phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Vai trò của tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc
Trong toàn bộ quá trình phát triển đất nước, tôn giáo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, phát huy. Nhờ đó, “các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hoạt động theo hướng gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước”(4). Vai trò của tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc được thể hiện trong những phương diện cụ thể sau:
Thứ nhất, văn hóa, đạo đức của tôn giáo cùng với các lĩnh vực khác của văn hóa dân tộc đã góp phần thúc đẩy xây dựng đạo đức, lối sống
Theo quan điểm của các nhà kinh điển Mác – Lênin, tôn giáo có những chức năng nhất định, trong đó có chức năng điều chỉnh, liên kết xã hội. Tôn giáo cùng với những giá trị văn hóa, đạo đức của mình góp phần xây dựng lối sống, đạo đức của các tầng lớp nhân dân. Theo tác giả Nguyễn Tài Thư: “Thực tế cho thấy quan niệm đạo đức của hầu hết các tôn giáo, ngoài những giá trị đặc thù bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng còn đề cập đến những chuẩn mực đạo đức nhân loại như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác(5). Ngày nay, những giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo cùng với các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam tạo nên bản sắc trong cách nghĩ, cách cảm, cách nói và cách làm của người dân nói chung và tín đồ tôn giáo nói riêng. Những lời khuyên làm điều lành, tránh điều dữ, yêu thương tha nhân cùng với sức mạnh của tính thiêng sẽ chi phối, định hướng lối sống của tín đồ. Song song với các chế định khác (luật pháp, đạo đức), chế định tôn giáo có vai trò nhất định và góp phần khắc phục, loại trừ những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện lối sống đạo đức con người Việt Nam. Điều này cũng được chứng minh rõ trong kết quả của một công trình nghiên cứu, các tín đồ Tin Lành có sự thay đổi lối sống khi tham gia sinh hoạt tôn giáo, đối với giáo dục con cái, 75,7% tín đồ có sự thay đổi theo hướng tích cực; 69,1% tín đồ có sự thay đổi trong hôn nhân hướng tới sự chung thuỷ; trong ma chay, cưới hỏi là 68,5%(6).
Hiện nay, mặt trái của lối sống thị trường đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền tảng tinh thần của xã hội, là nhân tố gây cản trở đối với sự phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế. Tôn giáo cùng các lĩnh vực văn hóa đạo đức của dân tộc đã phát huy vai trò theo tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”(7).
Thứ hai, tôn giáo tích cực, tự nguyện tham gia vào hoạt động xã hội, giáo dục và từ thiện
Hệ thống giáo lý, giáo luật của tôn giáo chứa đựng các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp hướng về sự yêu thương tha nhân, trách nhiệm, chia sẻ, bác ái, biết ơn, hiếu thuận… Dù biểu hiện cách này hay cách khác thì các giá trị văn hóa, đạo đức đã được hiện thực hóa thành các hoạt động cụ thể, góp phần vào sự phát triển đất nước. Bên cạnh đó, đường hướng phát triển của các tôn giáo cũng thể hiện những giá trị tốt đẹp nhất định. Phật giáo với đường hướng là “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”; Công giáo “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc cho đồng bào”; Tin “Sống Phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”; Cao Đài “Nước Vinh, Đạo sáng”; Phật giáo Hòa Hảo “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”,… Từ đường hướng đó, chức sắc, nhà tu hành, các tín đồ tôn giáo luôn ý thức giữ gìn, tu dưỡng đạo pháp gắn với hành thiện, có trách nhiệm với dân tộc. Hiện nay, các tổ chức tôn giáo đã thành lập 12 cơ sở dạy nghề trong cả nước; 185 cơ sở khám chữa bệnh; 113 cơ sở trợ giúp xã hội(8). Đặc biệt, các tôn giáo cùng với tinh thần bác ái, bao dung, yêu thương tha nhân đã và đang hiện thực thành các hoạt động cụ thể, đồng hành cùng với đất nước để phòng, chống dịch COVID-19. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 6/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ trên 225 tỷ đồng, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo ủng hộ trên 209 tỷ đồng và các tổ chức Tin lành ủng hộ trực tiếp 3.000 liều vắc xin, 3.000 bộ kít xét nghiệm COVID; Hội đồng Giám mục Việt Nam trực tiếp trao tặng 03 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin do Thủ tướng thành lập; các tổ chức tôn giáo khác cũng tích cực, tình nguyện đóng góp tiền tài, vật lực, vật tư y tế cũng như các loại hình hoạt động thiện nguyện cùng chính quyền nhà nước chăm sóc người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19(9).
Thứ ba, tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường của địa phương
Các chính sách phát triển của đất nước được quán triệt tới các địa phương đã được triển khai sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân. Các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở các địa phương đã được đồng bào tôn giáo thực hiện nhiệt thành, trong đó, nhiều tôn giáo tham gia làm cầu, đường, khu sinh hoạt văn hóa, hiến đất làm các công trình góp phần xây dựng nông thôn mới, các khu cơ sở thờ tự văn minh sạch đẹp, thân thiện môi trường tự nhiên… Điều đó đã thể hiện những đóng góp rất lớn của tôn giáo cho xã hội, địa phương phát triển.
Thứ tư, các tôn giáo đóng vai trò trong xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo trật tự xã hội
Ở nước ta hiện nay, tôn giáo theo tinh thần của giáo lý, giới luật, hiến chương điều lệ tổ chức và dựa trên những hệ thống giá trị và chuẩn mực có ý nghĩa nhân văn của tôn giáo đã góp phần củng cố nền tảng văn hóa tinh thần của dân tộc. Tác giả Nguyễn Tài Thư cho rằng: “Ở các tôn giáo những lời răn dạy, cấm đoán ngoài sự chế ước bởi những hình phạt nhất định, nó còn được chế ước bởi một đức tin vô hình giữa hy vọng và sợ hãi, điều này phần nào giải thích được một thực tế rằng, những vùng có đồng bào theo tôn giáo thì các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, đánh chửi nhau…giảm hẳn so với các vùng khác. Nét đặc thù này của tôn giáo ngăn chặn các hành vi xấu xa, góp phần ổn định đời sống xã hội”(10). Tôn giáo đã phát huy vai trò củng cố và liên kết xã hội, là nhân tố tạo sự ổn định trật tự xã hội, góp phần duy trì, bảo vệ những trật tự xã hội hiện hành.
Thứ năm, đồng bào tín đồ tôn giáo tích cực tham gia bảo vệ quốc phòng và an ninh quốc gia
Tôn giáo ở Việt Nam mang tinh thần nhập thế rõ nét, thăng trầm cùng với vận mệnh quốc gia dân tộc. Trong quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, nhiều nhà tu hành, tín đồ tôn giáo đã trở thành những vị quốc sư trong lịch sử, là chiến sĩ, bộ đội tăng già, người công giáo yêu nước, là đại biểu quốc hội trong giai đoạn hiện nay… Vai trò của đồng bào tôn giáo đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong cuộc kháng chiến nhiều đồng bào Công giáo đã hăng hái hy sinh”(11) hay “Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều”(12). Tín đồ tôn giáo cũng là những người dân đất Việt, có chung giá trị văn hóa là lòng yêu nước, ý chí tự cường, đoàn kết, yêu thương, nhân ái, khoan dung, cần cù, giản dị… Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn lợi dụng lĩnh vực tôn giáo với nhiều âm mưu “diễn biến hòa bình” ngày càng phức tạp, tinh vi nhằm chống phá khối đại đoàn kết dân tộc và thành quả cách mạng Việt Nam. Do đó, tôn giáo vẫn tiếp tục là một thành tố quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành được độc lập dân tộc và tự do cho tôn giáo.
Như vậy, trong thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia của các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các tôn giáo đã đẩy mạnh hơn lối sống “tốt đời, đẹp đạo”, hưởng ứng các cuộc vận động, tham gia phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa địa phương, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, đấu tranh cảnh giác trước các âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc còn một số hạn chế nhất định trong nhận thức về vai trò của tôn giáo; công tác vận động tuyên truyền; một số tín đồ tôn giáo chưa tích cực tham gia các hoạt động và sự phát triển của địa phương, của đất nước…; các thế lực thù địch và cực đoan vẫn lợi dụng tôn giáo để kích động ly khai dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, cần có những giải pháp để tiếp tục phát huy vai trò của tôn giáo trong tình hình mới.
3. Giải pháp phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Hiện nay, khi cả nước đang nỗ lực đoàn kết để xây dựng phát triển, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng tôn giáo để phá hoại thành quả cách mạng, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, vu cáo tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như của chính quyền nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, tiếp tục thực hiện quan điểm của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(13), góp phần phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Tiếp tục vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”(14). Theo đó, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự chỉ đạo, định hướng của Đảng về công tác tôn giáo nhằm quán triệt toàn diện, nhất quán quan điểm về phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức và các nguồn lực khác của tôn giáo góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Quán triệt quan điểm của Đảng trong Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”(15), đồng thời ,“Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(16).
Hai là, nâng cao nhận thức của xã hội và cả hệ thống chính trị về vai trò của tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc nhằm góp phần khắc phục định kiến trong nhìn nhận giá trị tích cực của tôn giáo. Cần quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu rõ những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo. Thông qua các chương trình bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn về công tác tôn giáo để có sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và xã hội về phát huy vai trò của tôn giáo và ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, nghiên cứu học tập kinh nghiệm một số nước đã vận dụng thành công sự đồng hành nguồn lực tôn giáo trong hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam.
Ba là, tăng cường công tác quản lý tôn giáo để phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ chính sách pháp luật nhằm phát huy vai trò của tôn giáo khi tổ chức hoạt động từ thiện, an sinh xã hội cũng như các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý để các tôn giáo phát huy vai trò trong thực tế cũng như ngăn chặn việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân được tham gia hoạt động y tế, giáo dục, xã hội một cách hiệu quả, theo quy định Hiến pháp và pháp luật. Tiếp tục tăng cường đấu tranh với các âm mưu lợi dụng các hoạt động tôn giáo, trong đó có hoạt động lợi dụng từ thiện xã hội để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Bốn là, tăng cường công tác vận động quần chúng, trong đó có đồng bào tôn giáo để tín đồ tôn giáo phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức và các nguồn lực khác nhằm xây dựng phát triển đất nước. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo phải sâu sát với tín đồ để nhận diện và phát huy giá trị tích cực của tôn giáo bảo đảm các hoạt động của tôn giáo theo quy định pháp luật, hiến chương, điều lệ, không ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia; đồng thời kiên quyết đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Giữ mối quan hệ với đội ngũ chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo và phát huy vai trò thủ lĩnh tinh thần, chức sắc tôn giáo định hướng tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, có trách nhiệm, làm điều thiện, yêu thương tha nhân, yêu lao động, gương mẫu, đạo đức, bác ái để song hành cùng dân tộc khắc phục khó khăn. Vận động quần chúng tín đồ tôn giáo đẩy mạnh tham gia phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa với nhiều mô hình phù hợp như: “Xây dựng cảnh chùa tinh tiến, gương mẫu”. “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến”, “Hạn chế sử dụng vàng mã trong các cơ sở thờ Phật giáo”, “Giáo xứ an toàn, sáng, xanh sạch đẹp” hay tham gia tích cực các quy ước khu dân cư, các phong trào chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội…
Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tôn giáo cần trau dồi bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kiến thức quản lý nhà nước, phương pháp vận động và phải thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt nhu cầu của đồng bào tôn giáo để động viên tín đồ phát huy ý thức công dân, tinh thần yêu nước, đoàn kết, yêu thương, trách nhiệm, phát huy vai trò trong đại đoàn kết dân tộc. Ngoài ra, cán bộ làm công tác tôn giáo cần có khả năng tham mưu các vấn đề từ thực tiễn nảy sinh khi phát huy vai trò của tôn giáo; đề xuất các phương án hỗ trợ thủ tục hành chính và các vấn đề vướng mắc khác liên quan. Quá trình xây dựng đại đoàn kết dân tộc và phát huy vai trò của tôn giáo liên quan đến nhiều lĩnh vực nên cần có quy chế phối hợp, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể về tôn giáo, văn hóa, giáo dục, đất đai, xây dựng, y tế, xã hội…
4. Kết luận
Với tư cách là một thực thể xã hội, tôn giáo đã và đang phát huy vai trò của mình, song hành trong khối đại đoàn kết cùng dân tộc trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với sự điều chỉnh của pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội thì những giá trị, chuẩn mực tôn giáo cũng góp phần xây dựng lối sống, định hình củng cố hệ giá trị con người mới dân tộc Việt Nam; tham gia vào các họat động xã hội, từ thiện; bảo vệ đất nước, đáp ứng được những yêu cầu mới của sự phát triển, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay. Để đạt được mục tiêu đó, toàn hệ thống chính trị nói chung và đội ngũ làm công tác tôn giáo nói riêng cần quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(17)./.
———————————————-
(1) và (14) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.29
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.471
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.165
(4) Ban Tôn giáo Chính phủ, Tăng cường đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, 2019 http://btgcp.gov.vn/Pirus.aspx/vi/News
(5) và (10) Nguyễn Tài Thư, Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1997, tr.104 và 104
(6) Đỗ Lan Hiền, Những biến đổi trong đời sống tôn giáo hiện nay và sự tác động của nó đến lối sống người Việt, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.302
(7), (13), (15), (16) và (17) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.272, 171, 272, 171 và 171
(8) https://dangcongsan.vn/thoi-su/phat-huy-vai-tro-cua-cac-ton-giao-tham-gia-hoat-dong-bao-tro-xa-hoi-va-day-nghe-427975.html
(9) Ban Tôn giáo chính phủ, Báo cáo sơ kết tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, tr.3.
(11) và (12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Sđd, tr.373 và 228