TS. QUÁCH THỊ MINH PHƯỢNG(*)
(*) Học viện Chính trị khu vực II,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam(1). Bài viết làm rõ bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và phương hướng tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Từ khóa: phát huy dân chủ; xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền
1. Dân chủ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
C.Mác, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ “đặc trưng chủ yếu nhất của nền dân chủ chân chính là nó phải phủ nhận lịch sử của nước nó, nó phải từ bỏ mọi trách nhiệm đối với cái quá khứ đầy dẫy cảnh nghèo khổ, nền thống trị bạo tàn, ách áp bức giai cấp và mê tín dị đoan”(2). C.Mác đã cho rằng: Chế độ dân chủ xuất phát từ con người và biến nhà nước thành con người đã khách thể hóa… không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân, mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước… Trong chế độ quân chủ, chúng ta có nhân dân của chế độ nhà nước, trong chế độ dân chủ chúng ta có chế độ nhà nước của nhân dân… Chế độ này ngày càng hướng tới con người hiện thực, nhân dân hiện thực và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân. Chế độ nhà nước ở đây xuất hiện đúng chân tướng của nó với tính cách là sản phẩm tự do của con người(3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, ngay từ những ngày đầu bắt tay vào xây dựng đất nước, đã khẳng định: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(4). Giá trị cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là công bằng, bình đẳng, bác ái, độc lập, tự do, hạnh phúc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia phải gắn liền với nhau.
Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng luôn nhất quán quan điểm về dân chủ, chủ quyền nhân dân, ý Đảng là lòng dân, “dân là gốc”. Từ năm 1930 đến nay, trải qua những thăng trầm trong lịch sử đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, đổi mới xây dựng và phát triển ở Việt Nam, với sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị được xây dựng với vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân chính trị, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là trung tâm, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được thể hiện trong việc khẳng định và liên tục phát huy hình thức thực hiện chủ quyền nhân dân. Trong tất cả các bản Hiến pháp đều ghi nhận nhân dân có quyền bầu đại biểu (đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp) đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình để giải quyết, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời cũng quy định quyền phúc quyết, quyền tham gia trưng cầu ý dân để nhân dân trực tiếp quyết định những vấn đề quan trọng; quyết định thực hiện việc trưng cầu ý dân. Đây chính là hai hình thức nhân dân sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước của mình: dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Nhân dân cũng là chủ thể bầu ra Quốc hội – cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín (ngay sau khi tuyên bố độc lập, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã được diễn ra năm 1946 mặc dù bối cảnh kẻ thù quyết liệt chống phá bầu cử). Quyền lực nhà nước là thống nhất, thuộc về nhân dân nhưng vì nhân dân ủy quyền cho Nhà nước nên quyền lực này có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 khẳng định dân chủ được coi là một trong sáu đặc trưng và bảy phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong đó chỉ rõ dân chủ xã hội chủ nghĩa là bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân. “Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa là thực chất của việc đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới”(5). Việc đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị được Đảng ta đặt ra như một tất yếu để thực hiện và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. “Điều kiện quan trọng để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”(6). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội XI đã khẳng định mục tiêu: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ;…”(7). Cương lĩnh đã xác định lại vị trí của việc thực hiện dân chủ trong mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, phương hướng cơ bản để thực hiện mục tiêu dân chủ, cũng như xác định bản chất và những phương thức cụ thể trong việc xây dựng và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong điều kiện mới.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm những đặc trưng: một là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; hai là, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; ba là, quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật; bốn là, Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; năm là, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; sáu là, hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán; bảy là, độc lập tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tám là, tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế(8).
Đặc trưng quan trọng tất cả quyền lực thuộc về nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cách thức cơ bản để phát huy dân chủ và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Phát huy dân chủ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là biểu hiện trình độ phát triển cao hơn của dân chủ xã hội chủ nghĩa với việc bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Điều này có thể hiểu, dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, phải bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân. Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ mà ở đó Nhà nước phải bảo đảm hiện thực hóa quyền con người cho tất cả mọi người, không ai bị bỏ lại phía sau. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Điều 3 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc có điều kiện phát triển toàn diện”.
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, với tính cách là một nấc thang phát triển cao hơn xã hội tư bản, dân chủ trong xã hội xã hội chủ nghĩa khác hẳn về chất so với dân chủ trong xã hội tư bản. Nền dân chủ đó, lấy tiêu chí cốt lõi để khẳng định bản chất nhà nước của mình đó là nhân dân là chủ và làm chủ(9). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo dảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam(10).
Như vậy, dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện trên những nội dung cốt lõi là: nền dân chủ của nhân dân lao động, vì nhân dân lao động, thể hiện ở việc bảo vệ quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân lao động; thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do được bảo đảm về mặt pháp lý để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; có nội dung toàn diện, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ý thức – tư tưởng, trong đó nội bật là sự tham gia một cách bình đẳng và ngày càng rộng rãi của những người lao động vào công việc quản lý nhà nước và xã hội thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện(11).
2. Một số hạn chế trong phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa
Với sự kiên định giữ vững bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa qua các kỳ đại hội Đảng, hệ thống pháp luật được xây dựng, là công cụ hiện thực hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng. Thời gian qua, đặc biệt từ khi Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 được ban hành, thực hành, phát huy dân chủ, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở đã đem lại nhiều thành tựu không thể phủ nhận. Quyền làm chủ thực sự của nhân dân ngày càng được mở rộng và phát huy. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2022), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 443/455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, nhằm góp phần hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa và thể chế hóa quan điểm của Đảng.
Tuy nhiên, thời gian qua việc phát huy dân chủ cũng bộ lộ một số hạn chế như:
Thứ nhất, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là quyền làm chủ thực sự của nhân dân trong xã hội chưa đồng đều. Còn tình trạng cán bộ, đảng viên chuyên quyền, độc đoán, lạm quyền, bao biện trong lãnh đạo, quản lý ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của Nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Một bộ phận nhân dân không hiểu hoặc hiểu không đúng về quyền làm chủ của mình (quyền bầu cử, quyền tự ứng cử, quyền trưng cầu dân ý…), về tính ưu việt của dân chủ xã hội chủ nghĩa so với dân chủ của chế độ tư bản chủ nghĩa, về mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương, kỷ luật dẫn đến tình trạng “dân chủ quá trớn”, coi thường kỷ cương, pháp luật. Vì vậy, họ dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Thứ hai, sự am hiểu nội dung các văn bản, chính sách pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (Quy chế dân chủ ở cơ sở và các văn bản pháp luật liên quan khác…) của một bộ phận người dân ở không ít địa phương còn hạn chế. Theo một nghiên cứu, có 27,5% người dân được hỏi cho biết họ chỉ nắm bắt được một số nội dung mà nhân dân được bàn, quyết định, tham gia ý kiến hoặc được giám sát; 13,54% người dân chỉ nắm được một số ít nội dung mà nhân dân được bàn, quyết định trực tiếp; 3,38% nhân dân hầu như không nắm được nội dung của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở(12). Chính một số cán bộ, công chức cũng thiếu hiểu biết hoặc chưa gương mẫu chấp hành những quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo một điều tra, có tới 23,1% số cán bộ, công chức được hỏi cho biết họ chỉ biết sơ qua về quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị mình(13).
Thứ ba, thể chế phát huy dân chủ chưa hoàn thiện. Một số văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý để phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong những vấn đề quan trọng của đất nước… chưa đầy đủ và lan tỏa rộng rãi đến nhân dân. Chẳng hạn, vấn đề giám sát và phản biện xã hội của nhân dân chưa được thể chế thành Luật Giám sát và phản biện xã hội, mà mới chỉ là Quy chế; Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai rộng rãi… Các nghị định, pháp lệnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số địa phương được thực hiện chưa tốt(14).
Thứ tư, việc thực hành dân chủ trực tiếp và dân chủ đại điện của nhân dân còn hạn chế, mang tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả. Đơn cử như khi thực hiện hình thức dân chủ đại diện – cuộc bầu cử đại biểu, nhưng vẫn còn tình trạng người dân thờ ơ, không quan tâm, nhờ bỏ phiếu hộ, lựa chọn đại biểu ngẫu nhiên, không theo tiêu chuẩn, năng lực… Hoặc khi thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp, người dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa thực sự hiệu quả. “Việc phát huy vai trò của nhân dân khi tham gia giám sát, góp ý xây dựng Ðảng, chính quyền, hoặc bàn và quyết định các vấn đề của địa phương ở một số nơi còn hạn chế… Việc thực hiện dân chủ trong nhiều cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nhất là ý kiến của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học khi xây dựng một số văn bản pháp luật, đề án, dự án quan trọng còn chưa thực sự hiệu quả, làm cho chất lượng văn bản pháp luật chưa cao, thậm chí có những dự án, quy định gây bức xúc dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và những người ra quyết định”(15).
3. Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định “Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế”(16). Đại hội cũng nêu quan điểm, giải pháp để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa: “Tiếp tục cụ thể hoá, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng””(17).
Về phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Việc bổ sung “dân giám sát, dân thụ hưởng” thể hiện vai trò và quyền của người, dân trở thành chủ thể giám sát và có quyền thụ hưởng, hoàn toàn phù hợp và logic với giá trị chủ thể tối cao của quyền lực nhà nhân dân, nhân dân ủy quyền quản lý cho Nhà nước. Cán bộ, công chức là những người thi hành quyền lực của nhân dân, là “công bộc” của nhân dân. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước kiến tạo, nhà nước phục vụ. Vì vậy, chủ thể giám sát sự ủy quyền đó là nhân dân, chủ thể thụ hưởng thành quả hoạt động của bộ máy nhà nước chính là nhân dân. Việc bổ sung phương châm này là phù hợp và lấy lại được niềm tin; khẳng định rõ hơn quan điểm nhất quán của Đảng là nhân dân là chủ thể tối cao. Đảng phụng sự nhân dân, Nhà nước phục vụ nhân dân. Tất cả đều vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời xác lập mối quan hệ: Lấy con người làm trung tâm, bảo đảm quyền con người (là khâu trung gian, kết nối) và phát triển con người toàn diện. “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(18).
Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần dựa trên cơ sở quan trọng: (1) Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ(19); (2) Thiết chế (chủ thể) thực hiện: cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội trong thực hành dân chủ, trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị(20); (3) Cơ chế thực hiện: xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị – xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân(21).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”(22); có cơ chế để nhân dân thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội(23); nước ta là một nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều ở nơi dân; dân chủ là của quý báo nhất trên đời của dân; thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn, phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân, lấy dân làm gốc, “đem tài dân, sức dân làm lợi cho dân”(24).
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định, một trong những nhiệm vụ, giải pháp là: Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân(25). Trong đó, nhấn mạnh tới giải pháp nhằm thể chế hóa đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Việc Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để hiện thực hóa yêu cầu về dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt trong thời gian tới, cần tổng kết việc thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân (hoàn thiện về mặt thể chế); đồng thời tạo cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của nhân dân tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế và có cơ chế phát huy dân chủ trực tiếp là một trong những điểm mới, đặt ra cho Nhà nước cần nhanh chóng thể chế hóa, hiện thực hóa chủ trương của Đảng về phát huy dân chủ trong giai đoạn mới.
Với bản chất dân chủ đặc thù trong biểu hiện quyền làm chủ của nhân dân ở nước ta, quan điểm về tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân không ngừng được hoàn thiện qua mỗi kỳ đại hội. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa vẫn cần tiếp tục thực hiện, đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục hoàn thiện nhằm hiện thực hóa quan điểm: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
————————————–
(1), (10), (22), (23) và (24) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.28, 28, 21-22, 28-29 và 236
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.546
(3) C.Mác, Ph.Ăngghen, Tuyển tập, t.1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.333
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.64
(5) và (6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.116 và 116
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70
(8) và (25) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
(9) và (11) GS.TS. Vũ Văn Hiền (Chủ biên), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.193 và 193-194
(12) Nguyễn Tiến Thành, Hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2016, tr.109
(13) Trần Thị Thơ, Thực trạng về thực hiện dân chủ cơ sở ở cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của nước ta hiện nay (Qua số liệu điều tra xã hội học), Trang thông tin điện tử của Viện Khoa học tổ chức nhà nước-Bộ nội vụ, http://isos.gov.vn, ngày 20/3/2020
(14) và (15) Ngô Thị Nụ, Thực hành dân chủ cần phát huy hiệu quả trong thực tiễn, https://nhandan.vn/thuc-hanh-dan-chu-can-phat-huy-hieu-qua-trong-thuc-tien-post703899.html, ngày 05/7/2022
(16), (17), (18) và (21) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.167, 172-173, 173 và 174
(19) và (20) Hội đồng Lý luận Trung ương, Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.212 và 212-213
(Tạp chí Khoa học chính trị Số 01/2023)