TS. VÕ CÔNG KHÔI(*)

(*) Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Những thập niên qua, chủ nghĩa bá quyền trên thế giới không ngừng can thiệp vào công việc mang tính chất nội bộ của các quốc gia có chủ quyền dưới những hình thức can thiệp nhân đạo, hoặc đệ trình các báo cáo về tình hình vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo. Đây là các chiêu bài hết sức tinh vi và nguy hiểm, cần nhận diện đúng và đầy đủ trong bối cảnh chính trị thế giới đang có những diễn biến phức tạp.
Từ khóa: can thiệp nhân đạo; chủ quyền; nhân quyền; tự do tôn giáo

Bá quyền thường được hiểu là quốc gia có: (1) Khả năng và ý chí của nước có sức mạnh vượt trội (về tài chính – vật chất, tài nguyên thiên nhiên, quân sự, khoa học công nghệ…); (2) Khả năng tạo ra trật tự kinh tế thế giới và an ninh quốc tế, thông qua một hệ thống thể chế pháp lý và nguyên tắc ứng xử chung; (3) Sự chấp nhận và tham gia của các nước khác vào trật tự thế giới và hệ thống thể chế quốc tế đó; (4) Khả năng thưởng và phạt các nước khác nếu các nước không theo “luật chơi” mà quốc gia bá quyền lập ra để đảm bảo trật tự quốc tế được giữ vững(1).
Bá quyền là hiện tượng chính trị đặc biệt trong quan hệ quốc tế. Sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, nhiều quốc gia phương Tây đã điều chỉnh chính sách đối ngoại, dựa vào hình thái ý thức và các tiêu chuẩn giá trị, lấy sức mạnh kinh tế và quân sự làm sức ép, vận dụng nhiều thủ đoạn khác nhau gây ảnh hưởng và làm thay đổi cục diện chính trị của nước khác để thực hiện âm mưu bá quyền. Đặc biệt, với âm mưu “Diễn biến hòa bình”, các nước bá quyền tiến hành các hoạt động can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, nhưng được ngụy trang, núp bóng dưới các chiêu bài “dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo” nhằm gây sức ép về chính trị, kinh tế, ngoại giao hòng đưa Việt Nam vào quỹ đạo ảnh hưởng, từng bước chuyển hóa chế độ chính trị, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa; gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ nội bộ và tiến tới hình thành lực lượng đối lập…
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đang có những diễn biến phức tạp, việc nhận diện đầy đủ âm mưu, nội dung, phương thức, thủ đoạn can thiệp của các quốc gia bá quyền có ý nghĩa quan trọng trong giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh xã hội và an ninh con người ở Việt Nam hiện nay.
1. Chiêu bài “can thiệp nhân đạo”
Quan niệm về “can thiệp nhân đạo” được Hugo Grotius (1583 – 1645) chính thức đầu tiên nêu lên với nội dung cốt lõi là mọi hình thức sử dụng lực lượng vũ trang của một quốc gia nhằm bảo vệ cuộc sống và sự tự do của công dân nước mình đang cư trú trên lãnh thổ của quốc gia khác do quốc gia đó không tự nguyện và không có khả năng để làm việc đó một mình(2). Đến thế kỷ XIX, tính hợp pháp của hoạt động can thiệp nhân đạo được nhìn nhận như là tập quán quốc tế và theo đó, các hoạt động mang danh nghĩa nhân đạo được tiến hành tương đối phổ biến(3). Tuy nhiên, ở thế kỷ XX, lý thuyết can thiệp nhân đạo mất dần cơ sở thực tiễn trong quan hệ quốc tế và cơ sở pháp lý trong luật pháp quốc tế. Đặc biệt, Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 nêu ra các nguyên tắc nền tảng như cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không can thiệp vào công việc của quốc gia khác, hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế… tạo ra rào cản pháp lý đối với các hoạt động can thiệp nhân đạo. Tuy nhiên, nhân loại vẫn chứng kiến sự tồn tại thực tế của can thiệp nhân đạo, nhất là sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, hoạt động can thiệp vẫn được thực hiện ngày càng nhiều(4).
Ở phương diện pháp luật quốc tế, can thiệp nhân đạo bao gồm hai hình thức cơ bản: (1) Can thiệp nhân đạo trên cơ sở thẩm quyền của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (được sự cho phép hoặc do chính Hội đồng Bảo an thực hiện). Theo đó, hoạt động can thiệp có cơ sở pháp lý tại Hiến chương Liên hợp quốc. Cụ thể, trong những tình huống có sự đe dọa hòa bình và an ninh thế giới hoặc có sự xâm lược, Hội đồng Bảo an có quyền hạn lớn để chọn lựa biện pháp cần thiết (Điều 39 – Hiến chương Liên hợp quốc); hoặc Hội đồng Bảo an có quyền tiến hành các biện pháp quân sự khi xét thấy cần thiết nhằm hiện thực hoá chức năng duy trì hòa bình và an ninh quốc tế (Điều 42 – Hiến chương Liên hợp quốc); (2) Can thiệp nhân đạo không trên cơ sở quyết định của Hội đồng Bảo an (do một hoặc nhiều quốc gia, hoặc tổ chức quốc tế đơn phương tiến hành). Hành động can thiệp này đã và đang gây ra hai luồng quan điểm trái chiều.
Các nước lớn theo chủ nghĩa bá quyền ủng hộ hình thức này và cho rằng đây là tập quán quốc tế và phù hợp với mục tiêu của Hiến chương Liên hợp quốc: “Thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo, trong việc khuyến khích phát triển và sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam, nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo” (Khoản 3 – Điều 1 – Hiến chương Liên hợp quốc). Họ viện dẫn mục đích nhân đạo là cơ sở để thực hiện can thiệp nhân đạo. Trong trường hợp xảy ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo khi một quốc gia rơi vào nội chiến hoặc tình trạng vô chính phủ hoặc chính phủ sở tại áp bức người dân của chính nước họ, các quốc gia khác không thể coi các nguyên tắc cơ bản của trật tự pháp lý quốc tế về tôn trọng chủ quyền và không can thiệp là bất khả xâm phạm. Nói cách khác, sự can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền với mục đích ngăn ngừa hoặc ngăn chặn tội ác diệt chủng, các hành vi vi phạm quyền con người trên quy mô lớn và các thảm hoạ nhân đạo khác, duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực. Khi xảy ra các trường hợp này, các quốc gia khác có nghĩa vụ can thiệp nhằm chấm dứt thảm họa nhân đạo hoặc các hành vi vi phạm nhân quyền. Thực chất đây là quan niệm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” hay “chủ quyền hạn chế”, đã được một số tổ chức quốc tế như NATO và các quốc gia phương Tây sử dụng như tấm bình phong can thiệp vào chủ quyền của quốc gia khác. Đặc biệt, với chính quyền Hoa Kỳ, can thiệp nhân đạo được áp dụng như là công cụ gây ảnh hưởng đến chính sách của nước bị coi là mục tiêu trong các vấn đề đi ngược lại giá trị của Hoa Kỳ hoặc gây nên những thảm họa nhân đạo mà Hoa Kỳ cần có trách nhiệm can thiệp. Trường hợp điển hình nhất là lôi kéo các đồng minh sử dụng “can thiệp nhân đạo” để can thiệp thô bạo vào Nam Tư. Mặc dù Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây đều tuyên bố với cộng đồng thế giới việc họ tiến hành can thiệp nhân đạo vào Kosovo để bảo vệ nhân quyền cũng như chống lại sự thanh trừng sắc tộc. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, Kosovo nằm ở khu vực chứa đựng những lợi ích quan trọng mang tính sống còn đối với Hoa Kỳ. Hơn nữa, đây là một khu vực rất đặc biệt vì bao gồm những quốc gia đồng minh chiến lược quan trọng của Hoa Kỳ, cũng là những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng lâu dài lại cũng vừa có những quốc gia vốn là kẻ thù trước đây mà Hoa Kỳ cần tìm cách kìm chế, cụ thể là Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Như vậy, những tính toán về lợi ích chính trị và an ninh chính là nhân tố chi phối quyết định can thiệp của chính quyền Hoa Kỳ và các nước phương Tây, dù động cơ của hành động can thiệp nhân đạo thường được vin cớ vào “mục đích nhân đạo”, nhưng nhân tố này chỉ là một “vỏ bọc” khéo léo nhằm che đậy những ý đồ chính trị, kinh tế liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia của họ.
2. Chiêu bài xuyên tạc tình hình nhân quyền ở các quốc gia khác
Lâu nay, các nước phương Tây thường rêu rao cái gọi là “nhân quyền phổ quát”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích quốc gia”, “quyền lực nhà nước ở một quốc gia không được đàn áp nhân quyền”; cổ xuý cho những giá trị nhân quyền phương Tây, áp đặt các “chuẩn mực” nhân quyền đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Các nước bá quyền phương Tây cùng với một số tổ chức phi chính phủ quốc tế, như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Ngôi nhà Tự do (FH)… thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, bằng việc ra bản phúc trình hằng năm về nhân quyền. Báo cáo Nhân quyền Việt Nam năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tiếp tục lặp lại những luận điệu cũ, kiểu như “Việt Nam đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống”; hay “các thành viên của lực lượng an ninh đã thực hiện nhiều vụ lạm dụng, can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp quyền riêng tư gia đình, nhà riêng hoặc thư từ”; hoặc quy kết việc “bắt bớ và giam giữ tùy tiện những người thực thi các quyền được quốc tế công nhận, chẳng hạn quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội”(5). Những nhận định này không dựa trên các sự kiện, dữ liệu và chứng cứ khách quan thu thập được; trái lại, thường dựa trên những thông tin được thu thập theo kiểu cóp nhặt, cắt xén rời rạc, hoặc nghiên cứu không sâu nên phiến diện và xuyên tạc.
Trong một thông cáo phát đi ngày 08/6/2023 (một ngày trước cuộc đối thoại nhân quyền Liên hiệp châu Âu – Việt Nam tại Hà Nội), tổ chức HRW đã vu cáo rồi lấy cớ kêu gọi châu Âu gây áp lực để buộc Việt Nam chấm dứt các hành động “vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống”. Trước đó, ngày 26/5/2023, tổ chức này đã gửi đến Liên hiệp châu Âu một “tờ trình” (submission) về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, yêu cầu EU gây sức ép để chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị. Tổ chức này còn lên tiếng đòi sửa đổi hoặc hủy bỏ một số điều khoản trong Bộ luật Hình sự mà họ cho rằng “thường được viện dẫn để đàn áp các quyền dân sự và chính trị, hạn chế quyền tự do đi lại đối với các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ”. Trên thực tế, các phúc trình về nhân quyền của HRW thường sai sự thật, thiên vị, mang màu sắc chính trị và chủ quan áp đặt, do đó các cáo buộc của HRW gặp sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới. Sau mỗi phúc trình, tổ chức này thường bị chỉ trích chịu quá nhiều tác động bởi các nước phương Tây. Chẳng hạn, Liên bang Nga đã nhiều lần chỉ trích HRW về những động thái tuyên truyền xuyên tạc, kích động tạo cớ can thiệp vào những vấn đề nội bộ của nước này. Tương tự, do có những hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế cũng như can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc nên chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với HRW. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà website của HRW lại bị cấm hoạt động tại Thái Lan. Chính phủ nước này buộc phải cấm là vì thông qua website, HRW thường xuyên đội lốt “theo dõi nhân quyền” để tuyên truyền xuyên tạc, tán phát những nội dung thông tin sai lệch, kích động, vi phạm các quy định về an ninh quốc gia của họ. Ngoài ra, HRW còn bị nhiều quốc gia như Cuba, Sri Lanka, Triều Tiên, Ethiopia, Syria… chỉ trích, phản đối những nội dung và mức độ khác nhau vì HRW đã can thiệp làm phức tạp tình hình, gây khó khăn cho việc bảo đảm nhân quyền ở các nước này. Điều đó cho thấy, mặc dù mang danh nghĩa là tổ chức hoạt động về nhân quyền nhưng hoạt động của HRW luôn thể hiện ý đồ, động cơ chính trị. Nhìn vào hoạt động của tổ chức này cho thấy sự bất hợp lý và ý đồ bôi nhọ, hạ uy tín, hình ảnh của Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Trái với những luận điệu cáo buộc, xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam, trên thực tế Việt Nam đã và đang chứng thực sinh động sự tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy nhân quyền trong điều kiện tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước quốc tế cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người(6); phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến về quyền con người khi dành trọn vẹn 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; cùng với các luật, bộ luật được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Điều này không chỉ xác lập cơ sở pháp lý về các quyền của chủ thể hưởng quyền (cá nhân, công dân, các nhóm yếu thế trong xã hội) mà còn đặt nghĩa vụ, trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, công chức và các tổ chức xã hội tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân (Điều 3 và khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013).
Một trong những thành tựu nổi bật về nhân quyền là Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành hơn 100 chính sách liên quan đến việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống và bảo đảm an sinh cho nhóm người dễ bị tổn thương và đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đó, tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 4,3% (năm 2022) theo chuẩn nghèo đa chiều mới(7). Đặc biệt, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” trong những năm qua đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng, hiệu quả của toàn xã hội. Ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (lần đầu là nhiệm kỳ 2014 – 2016). Lá phiếu của mỗi quốc gia bầu chọn Việt Nam trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là minh chứng rõ ràng nhất và là sự khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam đối với quốc tế trong việc đảm bảo quyền con người. Sự ghi nhận của quốc tế không chỉ với những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người trên toàn cầu, mà là sự ghi nhận đối với những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm các quyền con người ở ngay trong nước.
3. Chiêu bài vu cáo vi phạm quyền tự do tôn giáo
Với cái nhìn thiếu thiện chí, một số quốc gia phương Tây vu cáo Việt Nam đàn áp, kiểm soát, giới hạn tự do tôn giáo thông qua các điều luật “mơ hồ”. Trong các báo cáo thường niên của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ và Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, từ góc nhìn thiên lệch và thiếu khách quan, thường đưa ra nhiều nhận định chủ quan rằng “chủ nghĩa vô thần chống tôn giáo”, quyền tự do tôn giáo bị vi phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, báo cáo thường niên mới nhất của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế vẫn cho rằng tình trạng vi phạm tự do đức tin và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam chưa được cải thiện, rằng việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là trái với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và vi phạm có hệ thống tự do tôn giáo(8). Họ cho rằng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo duy trì một quy trình đăng ký và công nhận với nhiều giai đoạn áp dụng cho các nhóm tôn giáo, đặc biệt là với các nhóm tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số và nhóm tôn giáo mới(9).
Có thể thấy, các luận điệu xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam chủ yếu dựa vào một số hiện tượng, nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo, chưa được công nhận, có hiện tượng hoạt động vi phạm pháp luật để quy kết Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, chẳng hạn: nhóm bất hợp pháp Dương Văn Mình (Tây Bắc), Hà Mòn (Tây Nguyên), Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Pháp luân công (không được thừa nhận là hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo). Các hiện tượng (nhóm) đó chưa đủ điều kiện để được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung hay công nhận tư cách pháp nhân tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (giáo lý, giáo luật, lễ nghi, tôn chỉ, mục đích, điều lệ, tổ chức, nhân sự). Thậm chí có một số nhóm lợi dụng hoạt động tôn giáo chống Nhà nước Việt Nam, như Văn phòng Công lý và hòa bình (do một số giáo sĩ, tu sĩ cực đoan của tỉnh dòng Chúa Cứu thế Việt Nam); nhóm Hội đồng Liên tôn (gồm một số giáo sĩ cực đoan thuộc 05 tôn giáo tham gia: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo); nhóm Liên đoàn dân chủ Công giáo Việt Nam; nhóm Phật giáo Việt Nam thống nhất; nhóm Phật giáo Hòa Hảo thuần túy và Phật giáo Hòa Hảo truyền thống; nhóm Khối Nhơn sanh (Cao Đài); nhóm Tin lành Đấng Christ, Tin lành Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ (trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; nhóm Giê-sùa, Bà Cô Dợ (Tin lành ở Tây Bắc)…
Dựa vào các nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo cực đoan, chưa được chính quyền công nhận, lấy đó làm cơ sở để phê phán “đàn áp tôn giáo” là cách thức mà USCIRF và một số quốc gia phương Tây sử dụng để áp đặt một cách vô lý quan điểm của họ, không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Trên thực tế, nhiều quốc gia có những biện pháp cứng rắn, kiên quyết dẹp bỏ các hiện tượng tôn giáo mới cực đoan để bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, như Trung Quốc đối với Pháp luân công, Nga đối với giáo phái Hội anh em trong trắng (The White Brotherhood), nhân chứng Giê-hô-va, Nhật Bản đối với phái Chân lý tối thượng (Aum Shirikyo), kể cả Pháp đối với các giáo phái cực đoan cũng bị Hoa Kỳ xếp vào diện các nước hạn chế quyền tự do tôn giáo.
Bức tranh khởi sắc về đời sống tôn giáo ở Việt Nam là minh chứng sống động nhất cho quyền tự do tôn giáo. Trước năm 1990, Nhà nước mới công nhận 03 tổ chức (gồm Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc, năm 1958), Hội đồng Giám mục Việt Nam (năm 1980), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 1981)). Từ năm 1990 đến năm 2004 (trước khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) công nhận 06 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Islam giáo (Hồi giáo)), và 12 tổ chức tôn giáo. Từ năm 2004 đến năm 2017 (thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) có 15 tôn giáo, 37 tổ chức tôn giáo được công nhận. Từ năm 2018 đến năm 2021 (thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo) có 01 tổ chức tôn giáo được công nhận, 03 tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động. Đến năm 2021, cả nước có 16 tôn giáo với 41 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân hay đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, còn có hàng nghìn tổ chức tôn giáo trực thuộc, 3.803 điểm, nhóm đã được cấp giấy đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung(10).
Sau khi được công nhận tư cách pháp nhân, các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh hoạt động củng cố tổ chức giáo hội, đẩy mạnh đào tạo chức sắc, xây dựng cơ sở vật chất. Trước năm 1990, cả nước có 06 cơ sở đào tạo tôn giáo (Phật giáo: 02, Công giáo: 04), đến năm 2021, cả nước có đến 63 cơ sở (Phật giáo: 46; Công giáo: 11; Tin lành: 03; Cao Đài: 02; Phật giáo Hòa Hảo: 01). Số chức sắc, nhà tu hành tăng rất nhanh, từ 31.548 người năm 1995, hiện cả nước có trên 108.770 chức sắc, nhà tu hành(11). Công tác xây dựng cơ sở thờ tự được các tôn giáo quan tâm. Năm 2000, cả nước có 18.474 cơ sở thờ tự, đến năm 2021 tăng lên 30.047 cơ sở (tăng 11.573 cơ sở trong 20 năm, bình quân mỗi năm có thêm 579 cơ sở thờ tự)(12). Hầu hết các cơ sở thờ tự được xây dựng mới, sửa chữa khang trang to lớn. Bên cạnh đó, các tôn giáo còn đẩy mạnh việc in ấn, xuất bản, dịch thuật một khối lượng lớn kinh sách. Trong 05 năm (2000 – 2004), Nhà xuất bản Tôn giáo đã in ấn, xuất bản được 719 ấn phẩm tôn giáo với số lượng 4,2 triệu bản, trong đó có nhiều kinh sách được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, như Ba-na, Ê-đê, Gia-rai. Đó là chưa kể một số lượng rất lớn kinh sách in ấn thông qua xuất bản khác hoặc được in ấn ở các cơ sở khác. Ngoài ra, tài liệu và báo chí điện tử rất đa dạng, phong phú với số lượng không hạn chế cấp không cho tín đồ và những người quan tâm qua các phương tiện truyền thông xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tìm hiểu về tôn giáo. Năm 2022, Bộ Công an cung cấp 17 đầu sách (09 đầu kinh sách, 08 đầu sách tìm hiểu về tôn giáo) với 4.418 cuốn cho 54 trại giam, tạm giam trong cả nước(13).
Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế, chính sách tôn giáo của Việt Nam ngày càng thông thoáng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo trong nước quan hệ giao lưu với các tổ chức tôn giáo quốc tế(14). Nhiều hoạt động nghi lễ tôn giáo mang tầm khu vực và quốc tế được Nhà nước tạo điều kiện tổ chức như Đại lễ Phật đản Vesak của Phật giáo năm 2008, 2014 và 2019; Lễ Năm thánh năm 2010 và Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu năm 2012 của Công giáo; Lễ kỷ niệm 500 năm Tin lành cải chính năm 2017 của Tin lành… 
Những số liệu nêu trên là minh chứng sinh động và rõ nét nhất về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho mọi người dân là chính sách nhất quán luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam nỗ lực thực hiện./.

————————————

(1) Robert Gilpin, War and Change in World Politics (The University of Cambridge Press 1981) 34
(2) Trần Thị Vân Trà, Luật Quốc tế và học thuyết can thiệp nhân đạo (Luận văn Thạc sĩ Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010)
(3) Năm 1820, cuộc tấn công Hy Lạp của các cường quốc phương Tây để bảo vệ người Hy Lạp theo đạo Cơ đốc giáo khỏi sự đàn áp, khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ; năm 1860, Pháp tấn công Syria với lý do quốc gia này đàn áp những người theo đạo Cơ đốc; năm 1877, Nga can thiệp vào Bosnia, Herzegovina và Bulgaria cũng cùng lý do tương tự; năm 1898, Hoa Kỳ can thiệp vào Cuba vì lý do muốn chấm dứt những hành động dã man, những cuộc đổ máu, sự chết đói và cảnh nghèo khổ tồi tệ ở nơi đây.
(4) Tháng 8/1990, quân đội Iraq tấn công Kuwait. Được sự đồng ý của Liên hợp quốc, ngày 17/01/1991, quân đội của 30 quốc gia đồng minh đồng loạt tấn công vào Iraq; những năm 1992 – 1993, được sự uỷ thác của Liên hợp quốc, quân đội Hoa Kỳ tiến hành can thiệp Somali; năm 1999, lực lượng NATO do Hoa Kỳ dẫn đầu đã tấn công Kosovo; năm 2003, Hoa Kỳ tấn công Iraq với lý do bảo vệ người Kurd đang bị diệt chủng bất chấp sự phản đối của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế…
(5) Nguồn https://www.state.gov/reports/2022-country-reports-on-human-rights-practices/
(6) Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng; Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác A-pac-thai; Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước về không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với tội phạm chiến tranh và tội phạm chống lại nhân loại; Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW))
(7)https://nhandan.vn/toan-quoc-co-43-ho-ngheo-da-chieu-theo-chuan-ngheo-moi-post751051.html
(8) United States Commission on International Religious freedom: 2021 annual report, https://www.uscirf.gov.
(9) United States Department of State: 2021 Report on International Religious Freedom, https://www.state.gov.
(10), (11) và (12) Ban Tôn giáo Chính phủ: Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo (ban hành kèm theo Quyết định số 1158/QĐ-TGCP ngày 29/9/2021 của Ban Tôn giáo Chính phủ).
(13) Nguyễn Thanh Xuân, Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2020, tr.436 – 438
(14) Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, Hội thảo quốc tế Tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á, Hà Nội, tháng 9/2006

(Tạp chí Số 8_2023)