PGS, TS. NGUYỄN TẤT VIỄN(*)

(*) Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Tóm tắt: Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11), bài viết làm rõ nguồn gốc hình thành và ý nghĩa của Ngày Pháp luật, sự cần thiết phải sử dụng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiện có thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và chuyển đổi số để đạt hiệu quả cao hơn. Từ thực tiễn ứng dụng công nghệ thông tin, tác giả đề xuất một số giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII.
Từ khóa: công nghệ thông tin; chuyển đổi số; phổ biến, giáo dục pháp luật

1. Ngày Pháp luật Việt Nam, một kênh phổ biến, giáo dục pháp luật hình thành từ sáng kiến của địa phương
Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên tầm cao mới với nhiều sáng kiến của các cấp, các ngành, các địa phương trong đó tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) là nơi có sáng kiến hay về ngày pháp luật. Theo đó, mỗi tháng các cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức một ngày sinh hoạt pháp luật tập trung để tìm hiểu, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật mới được ban hành trong lĩnh vực quản lý, hoạt động của mình(1). Qua kinh nghiệm bước đầu của Hà Tây, ngày pháp luật sau đó được thực hiện thí điểm ở các địa phương. Năm 2010, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đã hướng dẫn việc nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Đến tháng 5/2012 đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 06 bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện hiệu quả mô hình này. Năm 2012, khi thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Quốc hội đã nhất trí lấy ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam. Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Từ một sáng kiến của địa phương, Ngày Pháp luật đã trở thành một “kênh” mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần tôn vinh và giữ gìn những giá trị của Hiến pháp và pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 có hiệu lực, ngày 04/4/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định Ngày Pháp luật được tổ chức dưới các hình thức, như mít tinh; hội thảo; tọa đàm; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm và các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đến nay, Ngày Pháp luật đã được bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật trong xã hội.
Để người dân và cán bộ hưởng ứng ngày càng đông đảo Ngày Pháp luật Việt Nam, ngoài việc sử dụng các kênh phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống, như tuyên truyền miệng, trên các phương tin thông tin đại chúng, tài liệu, câu lạc bộ pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ… thì việc ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện thành công chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ đạt hiệu quả cao.
2. Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi quá trình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, tác động mạnh mẽ đến không gian truyền thống của pháp luật. Các giao dịch dân sự, thương mại, kể cả tội phạm đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Những hành vi pháp lý mới có thể xuất hiện như việc các doanh nghiệp công nghệ kinh doanh trên thông tin cá nhân, các giao dịch ảo, kinh doanh trên môi trường ảo, mà chưa có pháp luật điều chỉnh… Trong lĩnh vực tư pháp, cách thức điều tra, thu thập chứng cứ, xét xử cũng phát triển tương thích với công nghệ 4.0; tòa án đã xét xử trực tuyến.
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cũng không nằm ngoài tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 20/6/2020 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX yêu cầu: đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thuận lợi rất lớn là Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia (Quyết định số 479/QĐ/TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”) với tầm nhìn 10 năm đặt ra các mục tiêu rất cụ thể để mỗi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh để tiếp cận thông tin về chính sách và pháp luật. Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực triển khai. Ủy ban Dân tộc đã vận hành Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã vận hành Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2021, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đã biên soạn và đăng tải 199.292 loại tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật lên cổng/trang/chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt là tin bài về chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 chiếm tỷ lệ khá lớn. Trong năm 2020 – 2021, bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến chưa từng có về dịch COVID-19 ở Việt Nam và toàn cầu đã được tái hiện cụ thể, chân thực và ấn tượng với mật độ dày đặc các tin, bài tuyên truyền trên loại hình báo chí: ấn phẩm in, điện tử, phát thanh, truyền hình. Các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã mở các chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống dịch COVID-19, đăng tải hàng chục nghìn tin, bài, hình ảnh về công tác phòng, chống dịch của cả nước, cung cấp thông tin kịp thời về tất cả các hoạt động phòng, chống dịch để nâng cao tính tự giác, chấp hành nghiêm các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng… Tính trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 tin, bài phản ánh về dịch bệnh ở cả trong nước và trên thế giới.
Các địa phương cũng ban hành nhiều văn bản yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luậtnhư tập trung xây dựng cổng/trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; cập nhật, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; đổi mới, cải tiến các chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật trên cổng/trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương. Từ năm 2019 đến năm 2021 đã có 601.936 tin bài, bài viết, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật được đăng tải trên internet. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, đến tháng 11/2021, các tỉnh: Bắc Kạn, Hậu Giang, Quảng Nam, Thái Nguyên, Vĩnh Long và Thành phố Hồ Chí Minh đã vận hành cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã vận hành trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật(2). Các tỉnh còn lại đang vận hành chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc cổng/trang thông tin điện tử của ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể(3). Tài liệu được biên soạn và đăng tải dưới nhiều hình thức như: sổ tay hỏi – đáp, tờ gấp, video, tiểu phẩm pháp luật, chương trình phóng sự, tọa đàm; các tin, bài viết phản ánh các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có nhiều chương trình, bài viết bằng tiếng dân tộc. Các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí là lực lượng nhanh chóng nắm bắt và sớm tiến hành chuyển đổi số về truyền thông. Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo hướng cần đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Ngành Tòa án nhân dân cũng có nhiều cố gắng trong ứng dụng công nghệ thông tin, công khai các bản án, văn bản hướng dẫn thi hành luật, các án lệ… tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Ngày 12/11/2021, Quốc hội ra Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Từ tháng 01/2022, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao và 66 trang thông tin điện tử thành phần đã cập nhật đầy đủ thông tin của 63 trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và 99 chi nhánh trợ giúp pháp lý nhà nước tại mục Chỉ dẫn người dân.
3. Yêu cầu khách quan của chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật và một số giải pháp
– Yêu cầu khách quan phải chuyển đổi số trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật
+ Trước đây, chúng ta sử dụng nhiều phương pháp, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính truyền thống, một số hình thức mang tính thủ công phù hợp với tình hình lúc đó. Trong giai đoạn nay, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã có sự thay đổi với các hình thức mới như tuyên truyền thông qua các trang thông tin điện tử, các hội nghị phổ biến pháp luật trực tuyến, giải đáp pháp luật qua hộp thư điện tử. Theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đòi hỏi ứng dụng công nghệ số để giúp các cơ quan và người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp cận được nhiều đối tượng theo chiều sâu, hiệu quả, chi phí tiết kiệm hơn. Khi công nghệ số được ứng dụng, bất kỳ khi nào người dân có nhu cầu tìm hiểu pháp luật đều có thể đáp ứng kịp thời do cơ quan, cá nhân làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiểu được nhu cầu đích thực của người muốn tìm hiểu pháp luật, cung cấp ngay được những thông tin pháp luật mà người dùng cần và cá thể hóa đến từng người muốn tiếp cận pháp luật trong một lĩnh vực hay một tình huống cụ thể.
+ Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số mở ra cơ hội nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận thông tin pháp luật, thu hẹp khoảng cách văn hóa pháp lý. Cách đây 10 năm, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ra đời (năm 2012) ghi nhận 08 nhóm hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, trong số đó duy nhất có một hình thức ứng dụng công nghệ thông tin là qua internet, trang thông tin điện tử (Điều 11). Trong khi đó đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật rất đa dạng, từ cán bộ, công chức, viên chức đến người lao động, doanh nhân, hoặc các đối tượng đặc thù như người có công, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người khuyết tật, người đang chấp hành hình phạt tù, người tái hòa nhập cộng đồng… Điều đó đòi hỏi phải cá thể hóa sâu hơn nữa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng đối tượng. Việt Nam có những nền tảng công nghệ mạng xã hội phổ biến như zalo hiện có hơn 60 triệu người dùng nên có nhiều thuận lợi để triển khai.
+ Khi làm chủ được công nghệ số, xây dựng được các quy trình ứng dụng công nghệ số vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ tăng tốc độ cung cấp thông tin pháp luật, mà còn tăng khả năng tổng hợp, phân tích, đánh giá và kiểm soát nội dung khi khối lượng thông tin lớn như hiện nay.
+ Công nghệ số được ứng dụng sẽ chuyển dần từ mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo (mô hình đẩy) sang mô hình người dân tự tìm hiểu pháp luật (mô hình kéo). Khi đó người dân tự tìm hiểu pháp luật thông qua tự học và bằng sự trải nghiệm của chính mình.
– Khó khăn và thách thức của chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật
+ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi lĩnh vực luật học sẵn sàng chấp nhận loại bỏ cái cũ không còn phù hợp, hoặc tạo ra không gian thử nghiệm cho cái mới chưa có tiền lệ, chưa được quy định. Chuyển hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật lên môi trường số chưa có tiền lệ là thay đổi một thói quen có từ nhiều năm nay nên sẽ khó và lâu dài.
+ Hệ thống kết cấu hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của cả nước còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển internet vạn vật, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh. Việc tiếp cận dịch vụ băng rộng ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế; hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia chậm được triển khai; cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ. Việc cung cấp giới thiệu và tương tác thông tin pháp luật vẫn thực hiện theo kiểu “nửa hiện đại, nửa thủ công”. Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia đã được xây dựng và vận hành thử nghiệm nhưng cấu trúc dữ liệu thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật để xây dựng dữ liệu dùng chung chưa được hoàn thiện; vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa được thực hiện thường xuyên, rộng khắp; nền tảng số hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu.
+ Nguồn nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, hầu hết các bộ, ngành, địa phương thiếu cán bộ có chuyên môn về công nghệ thông tin đảm nhiệm. Công tác đào tạo lại đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gặp khó khăn về chương trình đào tạo cũng như chuyên gia giảng dạy, huấn luyện có kinh nghiệm để chuyển đổi số trong lĩnh vực này nhanh chóng và hiệu quả.
– Một số giải pháp
Để thực hiện chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, trước mắt cần thực hiện một số giải pháp sau:
+ Về thể chế pháp lý: Cần khẩn trương rà soát các quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, sửa đổi bổ sung Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng tạo hành lang pháp lý rộng và phù hợp cho chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật, với những dự báo cơ bản, sâu hơn về tác động của công nghệ 4.0 đối với lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật.
+ Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuyển đối số, trên cơ sở kết quả thực hiện Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 – 2021, Bộ Tư pháp với sự cộng tác của Bộ Thông tin và Truyền Thông cần sớm xây dựng Đề án tổng thể chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng số cho phổ biến, giáo dục pháp luật. Cần xác định công nghệ số chủ yếu trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như các nền tảng cần có để hỗ trợ việc chuyển đổi. Từ đó, xây dựng năng lực số, gồm đào tạo nhân lực số, xây dựng thói quen, hình thành văn hóa đổi mới với mô hình hoạt động mới và thực hiện chuyển đổi số. Bởi chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, mà còn thay đổi cả quy trình làm việc và tư duy về tiếp cận pháp luật.
+ Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp cần tăng cường tích hợp, liên kết thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa cơ quan nhà nước với các cơ quan báo chí… để xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung trên toàn quốc; hướng dẫn các sở thông tin và truyền thông phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với sở tư pháp trong tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật.
+ Tiến hành đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có chuyên môn, nắm vững kỹ năng tác nghiệp trên môi trường số. Phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng bảo đảm thành công của quá trình chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật. Cần thực hiện đào tạo bổ sung kiến thức về công nghệ thông tin để đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để chủ động ứng dụng các công nghệ số trong hoạt động. Trước mắt, nên hình thành đội ngũ cán bộ giỏi công nghệ làm hạt nhân để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật ở mỗi cơ quan, đơn vị.
+ Chủ động tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu: ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo trong hành chính công, dịch vụ công trực tuyến; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính nhà nước trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, quản lý xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phổ biến, giáo dục pháp luật, thúc đẩy nhanh khả năng tiếp cận pháp luật của người dân. Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã áp dụng công nghệ AI để tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã giúp hiệu quả tuyên truyền đạt mức cao. Đây là lợi thế mà công nghệ số có thể mang lại cho phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở./.

———————————————————-

(1) Xem: Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tây về tăng cường lãnh đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến năm 2010 và những năm tiếp theo; Quyết định số 1908/QĐ-UBND ngày 18/10/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây ban hành Kế hoạch về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến năm 2010 và những năm tiếp theo.
(2) An Giang, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái.
(3) Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thái Bình.

(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 09/2022)