TS. VŨ HỒNG VẬN(*)

(*) Trường Đại học Giao thông vận tải

Tóm tắt: Tai nạn giao thông là một trong những chủ đề “nóng” ở Việt Nam và trên toàn cầu. Tai nạn giao thông đã và đang đe dọa đến tính mạng của người tham gia giao thông và những hao tổn mà xã hội phải gánh chịu, trong đó có rất nhiều tai nạn xảy ra đối với sinh viên. Do vậy, hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên hiện nay là việc làm cần thiết. Đây được xem là một giải pháp hữu hiệu, lâu dài, có ý nghĩa thực tiễn, góp phần hạn chế những tổn thất về tính mạng và tài sản.
Từ khóa: an toàn giao thông; các trường đại học, cao đẳng; Thành phố Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề
Trong năm 2022, trên cả nước xảy ra hơn 11,4 ngàn vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.384 người, bị thương 7.804 người(1). Riêng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022 ghi nhận 2.017 vụ tai nạn giao thông (tăng 243 vụ so với cùng kỳ năm 2021); làm chết 635 người (tăng 159 người chết) và bị thương 1.321 người (tăng 277 người bị thương)(2). Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tại Việt Nam, trung bình hằng ngày có khoảng 30 – 35 người chết vì tai nạn giao thông, chủ yếu là tai nạn giao thông đường bộ với trên 90%; trên 85% tai nạn do lỗi của người tham gia giao thông(3).
Quyền Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, ông Jeffery Kobza đã từng nhấn mạnh: “Thương tích và tử vong do tai nạn giao thông đường bộ là một vấn đề y tế ngày càng đáng quan tâm. Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em từ 10 đến 19 tuổi ở Việt Nam, lấy đi khoảng 2.000 mạng sống mỗi năm”(4). Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình tai nạn giao thông trong cả nước nói chung, tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là do “ý thức tự giác chấp hành kỷ luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn yếu kém”(5).
Từ hiện trạng trên cho thấy, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu để góp phần thực hiện an toàn giao thông là nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông, trong đó có sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Việc giáo dục cho sinh viên quy định của pháp luật về giao thông và các quy tắc an toàn giao thông sẽ trang bị cho sinh viên sự hiểu biết về an toàn giao thông, những tình huống nguy hiểm thường gặp, giúp sinh viên tự tin khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay chính là việc tổ chức hoạt động giáo dục an toàn giao thông trong trường học. Nói một cách khác, việc giáo dục an toàn giao thông trong trường học còn tồn tại nhiều vấn đề, khiến cho hoạt động giáo dục an toàn giao thông chưa đạt được kết quả như mong muốn.
2. Thực trạng giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên của các trường đại học, cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh
Trong nghiên cứu này, tác giả tiến hành khảo sát nhận thức của sinh viên về an toàn giao thông và hoạt động giáo dục an toàn giao thông tại các trường đại học, cao đẳng ở Thành phố Hồ Chí Minh bằng phương pháp điều tra xã hội học, nhằm đánh giá thực trạng hoạt động giáo dục an toàn giao thông của sinh viên. Tác giả đã phát 500 phiếu điều tra tại 07 trường đại học, cao đẳng ở Thành phố Hồ Chí Minh: Phân hiệu Trường Đại học Giao thông vận tải tại Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Kinh tế – Luật; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Số liệu thu thập được từ cuộc điều tra cho thấy:
Thứ nhất, một số cơ sở giáo dục mới chỉ chú trọng đến việc hướng dẫn kiến thức an toàn giao thông cho sinh viên thông qua một số buổi giảng dạy của công an địa phương; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong quá trình định hướng, quản lý, giám sát hoạt động giáo dục an toàn giao thông; hình thức giáo dục an toàn giao thông còn mang tính phong trào, thời điểm, nặng thành tích; việc lồng ghép giảng dạy nội dung về an toàn giao thông rất ít, các hoạt động ngoại khóa (semina, tọa đàm, diễn đàn) gần như không có, thời gian thực tập của sinh viên chỉ chiếm 1,83%. Đây là con số rất ít so với nhu cầu của đa số sinh viên.
Thứ hai, một bộ phận sinh viên còn thiếu hiểu biết, nhận thức kém về an toàn giao thông, biểu hiện ở sự thờ ơ, thiếu quan tâm đến các vấn đề an toàn giao thông. Kết quả qua khảo sát cho thấy, có 4,2% sinh viên cho là “bình thường”, 23,8% đánh giá “có nơi nghiêm trọng, có nơi không” khi được hỏi về mức độ và quy mô tai nạn giao thông hiện nay (xem Bảng 1).
Bên cạnh đó, có 7,2% sinh viên đánh giá “bình thường” vấn đề an toàn giao thông (xem Bảng 2). Bởi vì, sinh viên vẫn nghĩ an toàn giao thông không phải là vấn đề cá nhân. Một phần nguyên nhân của vấn đề này là do hoạt động giáo dục về an toàn giao thông chưa tốt.
Ngoài ra, còn một số sinh viên tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức về an toàn giao thông với mục đích tăng điểm rèn luyện, chứ không vì an toàn của chính bản thân và của xã hội. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 12,4% sinh viên trả lời tại các trường đại học, cao đẳng không có môn học nào mà nội dung liên quan đến vấn đề an toàn giao thông (xem Bảng 3).
Trước thực trạng này, việc nghiên cứu và tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần xây dựng và hình thành một lực lượng xã hội tích cực trong lĩnh vực an toàn giao thông. Kết quả điều tra của nghiên cứu này cho thấy, có đến 66,6% lượt trả lời khẳng định sự cần thiết phải nâng cao ý thức an toàn giao thông thông qua việc tăng cường giáo dục ý thức an toàn giao thông (xem Bảng 4). Điều này càng chứng minh ý nghĩa và sự cần thiết phải tăng cường giáo dục ý thức an toàn giao thông cho sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng trong cả nước nói chung, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Thực tế cho thấy, giáo dục ý thức an toàn giao thông cho sinh viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành thái độ, tinh thần, hành vi, thói quen khi tham gia giao thông, từ đó biến thành ý thức chung tay hành động vì cộng đồng. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ, có đến 63,4% sinh viên “sẵn sàng hành động” vì giao thông an toàn. Tuy nhiên, còn 2,6% sinh viên có ý kiến khác về vai trò của giáo dục an toàn giao thông trong việc hình thành ý thức an toàn giao thông cho sinh viên (xem Bảng 5).
Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới thực trạng nhận thức về an toàn giao thông của sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thấp không hoàn toàn nằm trong nhận thức của chính sinh viên, mà chủ yếu đến từ công tác giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng chưa được chú trọng đúng mức. Điều này thể hiện ở 12,2% số sinh viên được hỏi trả lời có học các môn chuyên ngành và 37,6% sinh viên được trả lời là có được tìm hiểu nhưng chỉ dừng lại ở mức “giới thiệu” thông qua các buổi tuyên truyền giao thông chứ không phải là đào sâu nghiên cứu, tìm hiểu và đề ra các giải pháp cụ thể (xem Bảng 3).
Bên cạnh đó, công tác giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ được thực hiện chủ yếu thông qua các hoạt động mang tính chất phong trào của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên (31,2%) và các hoạt động cao điểm tại địa phương (56,2%). Mặc dù, với mục đích tuyên truyền, giáo dục, nhưng các hoạt động này chỉ mang tính chất thời vụ, nhỏ lẻ, không xuyên suốt, chưa thật sự có chỉ tiêu cụ thể và mang lại những giá trị thiết thực trong việc nâng cao nhận thức an toàn giao thông cho sinh viên. Đồng thời, những chương trình hoạt động này chỉ có thể lan tỏa được tới những sinh viên trực tiếp tham gia chương trình mà không phải là mọi đối tượng sinh viên trên địa bàn (xem Bảng 6).
Từ những thông tin và số liệu thu thập được, quá trình phân tích đã chỉ ra thực trạng đáng lo về công tác giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên, từ đó hình thành ý thức, tinh thần trách nhiệm của sinh viên trong việc bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cho thấy sự cần thiết phải có những biện pháp đẩy mạnh công tác giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố
Một là, kế hoạch hóa quá trình giáo dục an toàn giao thông phù hợp với sinh viên, điều kiện thực tế của nhà trường và hạ tầng giao thông địa phương
Đổi mới việc lập kế hoạch là sợi chỉ xuyên suốt trong hoạt động, giúp cho các khâu đi theo mục tiêu đã định, nhằm nâng cao ý thức thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của chủ thể tham gia vào quá trình giáo dục an toàn giao thông. Điều này giúp cho hoạt động giáo dục an toàn giao thông đối với sinh viên đi vào nền nếp, kỷ cương; làm cho mọi thành viên trong tập thể sư phạm nhà trường nhận thức việc thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch là điều kiện bắt buộc. Để thực hiện kế hoạch, Ban giám hiệu các trường đại học, cao đẳng cần:
Bước 1: Đánh giá thực trạng hoạt động giáo dục an toàn giao thông;
Bước 2: Xây dựng kế hoạch quản lý hoạt động giáo dục an toàn giao thông trong kế hoạch tổng thể năm học;
Bước 3: Phổ biến tới tất cả giảng viên, sinh viên; phát huy tinh thần dân chủ, huy động sự tham gia của giảng viên, cán bộ quản lý vào quá trình xây dựng kế hoạch.
Tóm lại, xây dựng được một bản kế hoạch giáo dục an toàn giao thông cụ thể, chi tiết, khoa học, sát hợp với điều kiện hoàn cảnh nhà trường, với thực tế địa phương, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ năm học sẽ giúp cho Ban giám hiệu tránh được nhiều bất cập trong quá trình quản lý; đồng thời, quá trình tổ chức, chỉ đạo thực hiện giáo dục an toàn giao thông sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn, có căn cứ và cơ sở để đánh giá, kiểm tra.
Hai là, tổ chức bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho giảng viên
Các hoạt động giáo dục an toàn giao thông phải làm cho sinh viên hiểu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục về an toàn giao thông, nhằm hình thành cho sinh viên kỹ năng tham gia giao thông an toàn, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong xã hội. Giáo dục an toàn giao thông là tuyên truyền sâu rộng quy định của pháp luật về an toàn giao thông trong nhà trường, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, thái độ tham gia giao thông trong sinh viên, góp phần giảm thiểu vi phạm giáo dục an toàn giao thông, tai nạn giao thông liên quan đến sinh viên. Hình thành thói quen, thái độ và hành vi đúng đắn khi tham gia giao thông. Bởi lẽ, chỉ khi sinh viên hình thành được thói quen, thái độ và hành vi tốt, đúng đắn, chuẩn mực thì mới có những hành động đúng đắn trong quá trình tham gia giao thông. Để làm tốt điều này, các trường đại học, cao đẳng, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên về vai trò của hoạt động giáo dục an toàn giao thông đối với quá trình giáo dục toàn diện ở trường đại học, cao đẳng. Trang bị kiến thức và kỹ năng tổ chức cho giảng viên khi tổ chức hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên. Khơi dậy ý thức trách nhiệm, sự tích cực tham gia của đội ngũ giảng viên trong hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên.
Ba là, chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên vào các bộ môn
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nội dung, hình thức giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên còn nghèo nàn, đơn điệu. Vì vậy, việc tích hợp giáo dục an toàn giao thông vào quá trình giảng dạy là rất quan trọng và cần thiết. Bởi lẽ, tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên vào các bộ môn, để mỗi ngày, mỗi tiết sinh viên đều được nhắc nhở, ghi dấu về việc tham gia giao thông an toàn.
Ban giám hiệu các trường đại học, cao đẳng cần chỉ đạo tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện bài dạy có tích hợp giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên, chỉ đạo giảng viên soạn bài, lên lớp, theo kế hoạch tích hợp đã đề ra, tích cực sử dụng nhiều phương pháp linh hoạt, như phương pháp xây dựng tình huống, phương pháp đàm thoại, làm việc nhóm, thảo luận, trò chơi,… Tổ chức giờ dạy mẫu có tích hợp giáo dục an toàn giao thông; lựa chọn những giảng viên có kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục an toàn giao thông đã được tham dự các chương trình tập huấn ở cấp trên. Tổ chức giờ dạy mẫu cấp trường, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm và bổ sung ý kiến, tạo bước khởi đầu cho giảng viên tiếp cận với hoạt động giáo dục an toàn giao thông. Tiếp đến, triển khai thao giảng cấp trường, góp ý, đánh giá xếp loại và đề cử giáo viên tham gia thao giảng các cấp. Điều này sẽ góp phần hình thành được thói quen trong các tổ, nhóm chuyên môn.
Ban giám hiệu các trường cao đẳng, đại học chỉ đạo tổ chuyên môn cùng giảng viên họp bàn, xây dựng bài học tích hợp cho phù hợp. Chỉ đạo giảng viên cốt cán hỗ trợ giảng viên tích hợp bài dạy có đưa giáo dục an toàn giao thông vào trong bài học. Sau mỗi học kỳ hoặc sau mỗi năm học, ban chỉ đạo tổ chức, đánh giá các nội dung đã thực hiện tích hợp vào các môn học, các đề xuất, kiến nghị của các tổ nhóm chuyên môn, từ đó rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh để xây dựng kế hoạch năm sau. Nội dung giáo dục an toàn giao thông được lồng ghép, tích hợp trong các môn học một cách phù hợp sẽ đảm bảo cho việc giáo dục an toàn giao thông được liên tục, đa dạng và tránh cho sinh viên bị quá tải.
Bốn là, chỉ đạo thực hiện giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên thông qua giáo dục ngoài giờ lên lớp
Hoạt động ngoài giờ lên lớp là bộ phận của quá trình giáo dục ở nhà trường. Đó là sự tiếp nối, bổ sung, hỗ trợ hoạt động dạy học trên lớp; là con đường gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo nên sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, góp phần hình thành tình cảm, niềm tin đúng đắn ở sinh viên, góp phần hoàn thiện kỹ năng sống cho sinh viên.
Ban giám hiệu các trường đại học, cao đẳng cần phát huy vai trò, trách nhiệm của Phòng Công tác chính trị và sinh viên, Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trong công tác giáo dục an toàn giao thông, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học. Chỉ đạo thực hiện giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên thông qua giáo dục ngoài giờ lên lớp sẽ giúp các em tiếp cận với kiến thức, kỹ năng, thái độ tham gia giao thông trong những hoàn cảnh, tình huống cụ thể trong mỗi bài học. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp với chủ đề về an toàn giao thông sẽ phù hợp với tâm sinh lý của sinh viên, giúp các em tiếp nhận sự giáo dục một cách tự nhiên và hào hứng nhất.
Tổ chức các cuộc thi cấp trường: Phòng Công tác chính trị và sinh viên triển khai 02 hướng thi đua an toàn giao thông cấp trường theo kế hoạch đầu năm: Một là, cuộc thi “sinh viên hiểu an toàn giao thông” xuyên suốt năm học, sinh hoạt thi 04 tuần/01 lần giữa các em của các khóa với nhau. Hai là, thi đua giảng dạy, sáng kiến an toàn giao thông giữa các giảng viên. Bản thân mỗi cuộc thi sẽ kích cầu phát triển và cả hai cuộc thi tương tác nhau cùng phát triển.
Năm là, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng
Kiểm tra kết quả giáo dục an toàn giao thông để đo lường chất lượng giáo dục an toàn giao thông. Dựa trên kết quả kiểm tra để thực thi đánh giá và rút kinh nghiệm sai sót, từ đó, đề xuất khen thưởng và xử phạt nhằm mục đích khuyến khích kêu gọi tinh thần thi đua nâng cao chất lượng giáo dục an toàn giao thông của nhà trường.
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả công tác giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên phải đạt được các yêu cầu chính xác, chân thực và gắn với thực tiễn giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên; có tác dụng trực tiếp đến việc xác định trình độ tiếp nhận kiến thức, phẩm chất và năng lực thực sự của sinh viên; là biểu hiện cụ thể của chất lượng và hiệu quả giảng dạy của giảng viên; hiệu quả của công tác, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo giáo dục an toàn giao thông.
Tóm lại, an toàn giao thông hiện nay là vấn đề nghiêm trọng, đe dọa đến sự phát triển của đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Trước những thách thức về tai nạn giao thông, việc giáo dục nhận thức về an toàn giao thông cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Thành phố Hồ Chí Minh được coi là một biện pháp hiệu quả lâu dài trong hạn chế tai nạn giao thông; đồng thời, góp phần hình thành, phát triển ý thức an toàn giao thông cho sinh viên, giúp cho sinh viên có khả năng thực hiện các hoạt động thực tiễn một cách mạnh mẽ trong an toàn giao thông, phát huy tính sáng tạo, tích cực của sinh viên, rèn luyện nên những thế hệ lao động tương lai có trách nhiệm cao với tính mạng tài sản của cá nhân và của xã hội./.

———————————————

(1) PV, Năm 2022, tai nạn giao thông trên cả nước giảm sâu cả 3 tiêu chí, https://dangcongsan.vn/xa-hoi/nam-2022-tai-nan-giao-thong-tren-ca-nuoc-giam-sau-ca-3-tieu-chi-628377.html, ngày 22/12/2022
(2) Tâm Linh, 30 tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông trong năm 2022 ở Thành phố Hồ Chí Minh /Báo Dân trí (dantri.com.vn)
(3) 90% vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ – (hanoimoi.com.vn)
(4) WHO, Việt Nam tham gia Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ lần thứ Ba do Liên hợp quốc phát động nhằm bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông, https://www.who.int/vietnam/vi/news/detail/05-05-2015-viet-nam-marks-third-un-global-road-safety-week-to-keep-children-safe-on-roads (truy cập ngày 26/12/2022)
(5) Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông