TS. VŨ VĂN PHONG(*)
Tóm tắt: Internet ngày càng lan rộng và trở thành một kênh chính để hình thành và phát triển dư luận xã hội. Với sự phát triển nhanh chóng, rộng rãi của internet và các công nghệ, phương tiện truyền thông mới, dư luận xã hội trên không gian mạng ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng của dư luận xã hội trong thời đại mới và có tầm ảnh hưởng rất lớn. Điều này đòi hỏi công tác dư luận xã hội, nhất là dư luận trực tuyến, cần được ưu tiên hàng đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Từ khóa: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; dư luận xã hội; không gian mạng
1. Đặc điểm mới của hệ sinh thái dư luận xã hội trên không gian mạng hiện nay
Những năm gần đây, làn sóng dư luận trên internet đã tràn khắp mọi quốc gia trên thế giới, với hình thức đa dạng, tốc độ lan tỏa nhanh chóng và tính phức tạp chưa từng có.
Thứ nhất, hệ sinh thái của dư luận xã hội cũng như truyền thông trực tuyến đã thay đổi sâu sắc
Hiện nay, hệ sinh thái dư luận xã hội trên internet xuất hiện nhiều đặc điểm mới đã tạo ra những tác động và thách thức không nhỏ đối với công tác thông tin, tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Internet là một nền tảng thông tin xã hội lớn với sự tham gia của hàng tỷ người trên thế giới, đặc biệt là giới trẻ. Nhu cầu của người sử dụng dịch vụ internet ngày càng đa dạng, ý thức tham gia ngày càng mạnh mẽ hơn, các ý tưởng và quan niệm ngày càng đa dạng hơn. Trước tình hình đó, truyền thông thông tin ngày càng thể hiện rõ đặc điểm của truyền thông thuộc về mọi người, truyền thông đa hướng, truyền thông đại chúng với sự đối đầu ngày càng gay gắt của cộng đồng dân cư mạng. Giờ đây, mọi người đều có thể tạo ra tiếng nói và ảnh hưởng đến dư luận thông qua các phương tiện truyền thông mới nổi. Các mạng xã hội, như facebook, youtube, tiktok, instagram, zalo… và thiết bị đầu cuối di động đã thực sự trở thành “trung tâm phân phối thông tin” và “thị trường dư luận”. Trước đây, quyền phát hành thông tin về cơ bản nằm trong tay các kênh thông tin – truyền thông chính thống của nhà nước; thông tin, ý kiến chủ yếu được phổ biến từ trên xuống dưới bằng hình thức chính là thông báo hoặc phát bản tin. Hiện nay, trong thời đại của truyền thông tự do, không có ngưỡng cho “truyền thông cơ sở”, “mọi người đều là bình luận viên, phát ngôn viên”, “mọi người đều có thể là nhà sản xuất thông tin”, những cư dân mạng bình thường đã có quyền “lên tiếng” thông qua các phương tiện truyền thông cá nhân. Do đó, mô hình truyền tin lại chuyển sang hướng đi từ biên vào trung tâm với tính chất đa dạng, linh hoạt, gần gũi với đời sống, dễ tạo ảnh hưởng đến dư luận xã hội.
Với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông mới, ranh giới giữa quốc tế và quốc nội, trực tuyến và ngoại tuyến, thực tế và ảo, hệ thống bên trong và hệ thống bên ngoài ngày càng trở nên mờ nhạt, kéo theo những luồng dư luận khó phán đoán. Điều này đòi hỏi chúng ta phải duy trì một sự hiểu biết rõ ràng và có sự cảnh giác cao độ trên nền tảng mới. Những thay đổi sâu sắc của bối cảnh truyền thông và hệ sinh thái dư luận xã hội cũng đòi hỏi công tác thông tin và dư luận xã hội phải đẩy nhanh tốc độ thích ứng, xây dựng không gian truyền thông mới sao cho phù hợp với môi trường dư luận xã hội mới.
Thứ hai, không gian mạng đã trở thành mặt trận tiên phong trong cuộc đấu tranh giành dư luận giữa các hệ tư tưởng
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và ứng dụng internet đã làm thay đổi sâu sắc cách thức tạo ra dư luận, phổ biến dư luận và định hướng dư luận; đồng thời, mang lại ảnh hưởng chưa từng có đối với sự giao lưu, hội nhập của các nền văn hóa và các hệ giá trị khác nhau trên không gian mạng. Nhiều tình huống mới và vấn đề mới trong lĩnh vực tư tưởng thường nảy sinh và gia tăng trên không gian mạng; nhiều quan điểm sai trái, thù địch, nhiều tư tưởng phản động, cực đoan cũng được tạo ra và “lên men” trong môi trường không gian mạng.
Hiện nay, các thế lực thù địch không ngừng tìm cách lợi dụng tính chất tự do và rộng mở của mạng internet để kích động chủ nghĩa cực đoan, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xúi giục các hoạt động khủng bố, bạo lực và cố gắng thay đổi tư tưởng, hành động của người dân thông qua internet; làm thay đổi các giá trị, lý tưởng và niềm tin tốt đẹp trong văn hóa, tư tưởng truyền thống của dân tộc ta, làm lung lay nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phê phán con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với mục đích lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Bất cứ khi nào đất nước ta có các vấn đề nóng, nhạy cảm, thì các thế lực thù địch, phản động sẽ lập tức “nổi lên như nấm sau mưa” thực hiện hoạt động tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật và bày tỏ những suy đoán chủ quan, phản động trên internet; chúng ra sức phóng đại hoặc phân cực một quan điểm nào đó để thu hút sự chú ý, gây rối loạn dư luận xã hội, làm lòng dân dao động, giảm sút niềm tin đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc hình thành dư luận xã hội trên không gian mạng thường có tính chất tự phát, đột ngột, cởi mở, phong phú nhưng luôn ẩn danh, không có cơ sở, khó kiểm soát, dễ xảy ra xung đột. Sức lan tỏa của internet là tức thời và rộng khắp, ý kiến trên internet đa dạng và liên tục thay đổi. Chịu tác động của các yếu tố phức tạp trong nước và quốc tế, cuộc chiến tư tưởng trên không gian mạng vì thế ngày càng gay gắt. Có thể nói, internet đang thể hiện sức mạnh huy động xã hội ngày càng mạnh mẽ, không gian mạng đang trở thành kênh chủ đạo, vị trí chủ lực, chiến trường chính của dư luận xã hội, đang được các thế lực tranh giành vị thế. Môi trường internet đang là “mảnh đất màu mỡ” nuôi dưỡng cho các luồng tư tưởng, dư luận khác nhau phát triển một cách tự do, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị, an ninh tư tưởng của quốc gia.
Thứ ba, quản trị không gian mạng đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết
Không gian mạng là ngôi nhà tinh thần chung của hàng tỷ người trên thế giới và hàng chục triệu người Việt Nam. Nếu không gian mạng lành mạnh sẽ là hệ sinh thái tốt, vì lợi ích của người dân và ngược lại. Vì vậy, việc quản lý và sử dụng thật tốt mạng internet sẽ là chìa khóa để kiểm soát vị thế của dư luận trên không gian mạng trong điều kiện mới. Không gian mạng hiện là một lĩnh vực mới trong công tác thông tin và dư luận xã hội; trở thành nền tảng chính để hình thành và phát triển dư luận; có chức năng vận động xã hội mạnh mẽ. Dư luận trên không gian mạng hiện bộc lộ tính chất “dịch chuyển” ngày càng mạnh mẽ. Cụ thể là, không gian mạng có thể dịch chuyển theo hướng từ “không gian công cộng” sang “không gian riêng tư”, từ “mạng lưới những người xa lạ” trở thành “mạng lưới người thân quen”, từ “chủ đề bàn luận” thành “các cuộc livestream khiêu chiến”, từ “nơi tự do ngôn luận, chia sẻ thông tin” thành “nơi xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức hoặc tuyên truyền sai sự thật”… Các kẽ hở về quản trị thường xuất hiện do “lỗ hổng kết nối” giữa các cơ quan quản lý khác nhau của chính phủ, của xã hội và doanh nghiệp; hoặc thiếu sự giám sát của xã hội và thiếu tính kỷ luật, tự giác của một bộ phận cư dân mạng. Điều này khiến cho việc quản trị không gian mạng vốn đã khó khăn lại càng trở nên phức tạp hơn.
Trước những thay đổi do công nghệ mới, phương tiện mới như internet mang lại, đa số những người làm công tác tư tưởng, tuyên giáo, nhất là người làm công tác dư luận xã hội cần chủ động đi trước đón đầu, dẫn đường, đánh giá tình hình, tận dụng điều kiện thực tiễn, liên tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện, nắm chắc môi trường internet, sáng tạo để công tác dư luận xã hội đạt được hiệu quả cao trên nền tảng không gian mạng.
2. Nắm bắt chính xác những yêu cầu mới của công tác dư luận xã hội trên không gian mạng
Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã phân tích sâu sắc về sự phát triển của không gian mạng, đồng thời đưa ra một loạt yêu cầu về cách thức hoạt động truyền thông, thông tin trong không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong thông tin đối ngoại và đấu tranh dư luận”(1). Điều đó tạo cơ sở để chúng ta nắm bắt chính xác những yêu cầu mới của công tác định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng.
Thứ nhất, tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện công tác tư tưởng, truyền thông – thông tin và dư luận xã hội trong điều kiện không gian mạng và công nghệ truyền thông mới phát triển nở rộ
Đảng quản lý các phương tiện truyền thông là nguyên tắc cơ bản của công tác dư luận xã hội trên internet. Triển khai các phương tiện truyền thông do Đảng kiểm soát vào lĩnh vực truyền thông mới là việc phát triển và làm phong phú thêm nguyên tắc của truyền thông do Đảng lãnh đạo. Toàn bộ thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; không thể có “vùng dư luận xã hội riêng biệt” hoặc “đặc khu dư luận xã hội”. Toàn bộ hoạt động thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận trên mạng xã hội đều phải tuân thủ đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thông tin – truyền thông, tự do báo chí, tự do ngôn luận,…
Định hướng dư luận là vấn đề cơ bản, là cơ sở để hướng dẫn dư luận xã hội. Lịch sử và thực tế hiện nay đều cho thấy rằng, không được đánh giá thấp sức mạnh của dư luận xã hội, nhất là trong bối cảnh không gian mạng phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Dư luận xã hội mạng có thể trở thành “mảnh đất” nuôi dưỡng những mầm tư tưởng tốt đẹp, là “lực đẩy” của đạo đức xã hội, là “chất keo” gắn kết cộng đồng, là “bàn đạp” của sự phát triển; đồng thời, có thể là “con dao sắc” sẵn sàng giết chết đời sống tinh thần của người dân, hoặc có thể biến thành “chất xúc tác” cho tình trạng bất ổn xã hội, hoặc thậm chí có thể biến thành nơi “tập hợp lực lượng” cho những cuộc biểu tình, bạo loạn, lật đổ, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”… của các thế lực chính trị thù địch. Thực tiễn các cuộc biểu tình, “cách mạng màu” ở một số quốc gia trên thế giới như ở Pháp, Đông Âu, Hong Kong, Bắc Phi,… trong những năm qua đều được bắt đầu từ các mạng xã hội và lan truyền nhanh chóng. Mạng xã hội đã đóng vai trò là “thủ lĩnh tổ chức” của hầu hết các “cuộc nổi dậy chính trị” mà không có người lãnh đạo cụ thể(2).
Thứ hai, tuân thủ định hướng lấy con người làm trung tâm trong công tác định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng
Để làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội trên môi trường internet, chúng ta phải giải quyết được vấn đề cơ bản là “dựa vào ai, phục vụ ai? Ở đây định hướng dư luận là phải luôn lấy nhân dân làm trọng tâm phục vụ. Công tác dư luận xã hội trực tuyến cần khích lệ, cổ vũ sự sáng tạo vĩ đại của nhân dân trên môi trường internet; đồng thời, phản ánh tiếng nói, mưu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cần phải tuân thủ sự thống nhất giữa “ý Đảng” với “lòng dân” trên mọi nền tảng trực tuyến. Cần phải đi sâu phân tích việc dân nghĩ gì, lo gì, bức xúc điều gì. Cần đi theo dòng đại chúng thông qua internet, phát huy hết lợi thế của truyền thông internet, tương tác, trải nghiệm, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của quần chúng, thông tin những điều có lợi cho dân sinh, giải tỏa lo lắng của người dân, xây dựng đồng thuận xã hội, sưởi ấm lòng dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; tập hợp lòng dân, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong cả nước.
Thứ ba, tăng cường xây dựng nội dung tích cực, chân thực nhằm xây dựng một không gian mạng lành mạnh, tốt đẹp
Cần cung cấp cho cộng đồng dư luận trên không gian mạng (bao gồm: nhà sản xuất, người phổ biến và người tiếp nhận thông tin nội dung internet) sự bảo đảm về thể chế để thực hiện các quyền lợi, khả năng phòng ngừa và kiểm soát rủi ro, đủ nhận thức và kỹ năng để ngăn chặn các hành vi xâm phạm, để tiếp tục khơi dậy sức sống, tạo động lực và cải thiện năng lực của cộng đồng mạng. Cần đưa ra định hướng chính trị, tư tưởng xã hội chủ nghĩa và chỉ đạo hợp lý cho việc sản xuất và phổ biến nội dung internet. Khuyến khích và lãnh đạo các cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng nội dung internet, nỗ lực hết mình để nuôi dưỡng không gian mạng với các giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội và những thành tựu của nền văn minh nhân loại, bồi dưỡng tư tưởng chủ đạo của đất nước cũng như những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trên không gian mạng.
3. Lấy công tác dư luận xã hội trực tuyến làm trọng tâm hàng đầu của công tác tuyên truyền, tư tưởng
Hiện nay, công tác dư luận xã hội ngày càng trở thành lực lượng quan trọng tác động đến sự phát triển của đất nước và xã hội, từ đó phải căn cứ vào sự kiện, vận động theo tình hình, chuyển mình theo xu thế để đẩy nhanh việc xây dựng hình thái dư luận xã hội mới trên không gian mạng.
Thứ nhất, tăng cường trách nhiệm gìn giữ không gian mạng, nắm chắc thế chủ động của công tác dư luận xã hội trực tuyến
Cần nâng cao nhận thức về vai trò của dư luận xã hội trực tuyến. Lịch sử và thực tế đã nhiều lần chứng minh rằng, sự tan rã của một chế độ thường bắt đầu từ địa hạt ý thức hệ. Ngày nay, internet đã trở thành một biên giới mới trong quá trình giao lưu tư tưởng và văn hóa khác nhau. Internet tự nó không có nhãn mác và phe nhóm, nhưng điều cốt yếu, quyết định là ai đang sử dụng nó. Nếu giá trị của chủ nghĩa Mác không tiếp quản thì “những thứ phản Mác và phi Mác” chắc chắn sẽ tiếp quản không gian mạng; nếu năng lượng tích cực không làm chủ đạo, thì năng lượng tiêu cực sẽ tràn ngập. Chúng ta phải nắm bắt đặc điểm tâm lý của cư dân mạng và quy luật cơ bản của việc hình thành dư luận trên mạng, chủ động lên tiếng mạnh mẽ, thực hiện công khai và giáo dục sâu rộng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tăng cường xây dựng hệ thống giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, vận động, phổ biến rộng rãi truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đạo đức xã hội. Hướng dẫn cư dân mạng xây dựng vững chắc một thế giới quan đúng đắn, cái nhìn về cuộc sống và các giá trị, kiên quyết bác bỏ cái gọi là “giá trị phổ quát”, “dân chủ lập hiến phương Tây” hay “chủ nghĩa tân tự do”, “chủ nghĩa hư vô lịch sử” và các xu hướng tư tưởng sai lầm khác. Ra sức nỗ lực xây dựng sự đồng thuận giữa các ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội trực tuyến, củng cố vị trí chủ đạo của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực tư tưởng, củng cố nền tảng tư tưởng chung cho sự đoàn kết và đấu tranh của toàn dân.
Cần nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo trong thông tin định hướng dư luận. Cùng một ý nghĩa, ý tưởng phổ biến những với phương tiện biểu đạt khác nhau thì tác dụng của việc hướng dẫn dư luận trên mạng sẽ rất khác nhau. Hiện nay, từ quan điểm tư tưởng, phương pháp, cơ sở làm việc đều phải có sự thay đổi, sáng tạo theo điều kiện và tình hình mới nhằm có cách hướng dẫn, xử lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả dư luận xã hội trực tuyến. Đồng thời, thông tin nhanh, kịp thời về các sự kiện lớn và kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp; bảo đảm rằng dư luận được định hướng đúng đắn.
Trong bối cảnh môi trường dư luận trực tuyến phức tạp, lãnh đạo và cấp ủy đảng các cấp cần thay đổi quan niệm quản trị theo hướng tiệm cận dần đến cách quản trị trong không gian mạng, đồng thời thiết lập chính sách nắm tình hình chung, nắm bắt xu thế chung, tập trung vào các sự kiện lớn. Đưa công tác dư luận xã hội trực tuyến lên vị trí quan trọng, đưa vào chương trình hoạt động chính thức, xây dựng một cách khoa học mục tiêu, nhiệm vụ của công tác dư luận xã hội trực tuyến của địa phương, đơn vị, tổ chức. Đồng thời, cán bộ lãnh đạo phải đi đầu trong việc “kết nối internet”, từng bước nâng cao khả năng sử dụng internet, học sử dụng “ngôn ngữ internet” để giao tiếp với cư dân mạng nhằm hướng dẫn dư luận trực tuyến, ứng phó với các điểm nóng trực tuyến và xử lý các tình huống khẩn cấp trực tuyến.
Thứ hai, định hướng vào người dân, thiết lập và cải tiến cơ chế hướng dẫn dư luận trực tuyến
Để nắm bắt được “thủ lĩnh dẫn dắt” dư luận xã hội trên không gian mạng và chiến thắng trong công tác dư luận xã hội trực tuyến, cần tuân theo nguyên tắc hướng về con người, xác định điểm xuất phát và trọng tâm; chủ động xây dựng hệ thống hướng dẫn dư luận trực tuyến ba chiều, không ngừng nâng cao khả năng đối phó với dư luận trực tuyến, nắm chắc thế chủ động trong hướng dẫn dư luận trực tuyến. Cụ thể là:
Thiết lập cơ chế công bố thông tin định hướng dư luận xã hội
Tin đồn trên không gian mạng chỉ dừng lại khi có sự công khai, minh bạch thông tin, từ đó mới tạo được niềm tin cho dư luận. Sở dĩ một số dư luận tiêu cực trên mạng có thể nhanh chóng hình thành và lan truyền là do sự bất đối xứng giữa thông tin chính thống do Nhà nước đưa ra và thông tin mà cư dân mạng nắm giữ. Để định hướng dư luận trực tuyến một cách hiệu quả, cần phải bảo đảm rằng, các vấn đề quan trọng được thông tin đúng đắn, không để xảy ra tình trạng “im lặng” trước dư luận vào những thời điểm quan trọng và tăng cường công bố thông tin càng nhiều, càng toàn diện càng tốt. Tiếp tục đối thoại, thông tin liên tục những diễn biến mới nhất về những sự kiện, sự việc cho công chúng, để kịp thời làm rõ những nghi ngờ để tin đồn thất thiệt không thể lên ngôi.
Cải thiện cơ chế phân tích, nhận định và cảnh báo sớm dư luận xã hội trực tuyến
Trong thời đại ngày nay, mỗi người đều là “một hãng thông tấn” và ai cũng có kênh truyền thông riêng (trang mạng xã hội cá nhân, website, blog…). Lượng thông tin khổng lồ trên internet khiến việc phân biệt thật – giả, việc tổng hợp thông tin trên mạng, phân tích, nhận định khoa học về các loại thông tin dư luận mạng trở nên khó khăn. Để kịp thời phát hiện những vấn đề nhạy cảm trong dư luận xã hội trực tuyến, các cơ quan hữu quan cần đưa ra quyết định khoa học và những cảnh báo sớm, biện pháp phòng ngừa để ứng phó với các sự cố có thể xảy ra đối với cộng đồng mạng.
Thiết lập cơ chế phát hiện và đào tạo các “nhà lãnh đạo dư luận” trực tuyến
Là những nhà hoạt động trực tuyến có tầm ảnh hưởng xã hội cao, các “nhà lãnh đạo dư luận” trực tuyến có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý kiến của một số cư dân mạng và thường đóng vai trò “đầu tàu” trong việc hình thành dư luận trực tuyến. Theo quan điểm này, một mặt, cần huy động một nhóm chuyên gia vững vàng về chính trị và có trách nhiệm với xã hội, các học giả, nhà văn, những người làm truyền thông,… trở thành “đầu tàu dư luận”, khuyến khích họ tích cực viết bình luận trực tuyến, kịp thời nói lên tiếng nói tích cực và cung cấp cho cư dân mạng những ý kiến khoa học và hợp lý. Mặt khác, tích cực phát huy đội ngũ cán bộ lãnh đạo của các cơ quan đảng, chính quyền trở thành “đầu tàu dư luận”, kịp thời đưa ra các thông tin có thẩm quyền, giải đáp các vấn đề xã hội quan tâm, để họ trở thành cầu nối, liên kết giữa cấp trên với cấp dưới, và mở rộng khả năng tiếp xúc và phục vụ quần chúng. Đồng thời, có thể khuyến khích những người có uy tín trong xã hội hoặc những người có số lượng người theo dõi cao trên mạng xã hội (người của công chúng, các trí thức, văn nghệ sĩ) và thiết lập mối quan hệ tốt với họ, hướng dẫn họ bày tỏ những nhận xét có lợi cho sự phát triển đất nước, đoàn kết dân tộc và hòa hợp xã hội. Tăng cường các kênh thông tin và phương tiện để truyền đạt những phát ngôn chính thống và tránh phát ngôn không chính thống.
Thứ ba, kết hợp sự cứng rắn và linh hoạt, đồng thời kiên trì thanh lọc không gian mạng, xây dựng không gian mạng lành mạnh
Internet không chỉ là trợ thủ để xây dựng sự đồng thuận xã hội và khơi dậy nguồn năng lượng tích cực, mà còn là môi trường thúc đẩy sự lừa dối và tạo ra sự hỗn loạn. Thực tế, trong một thời gian, sự cường điệu thô tục, tin đồn lan truyền, tiếp thị ác ý và những hỗn loạn khác tràn lan trên internet, mọi người đã phải gánh chịu nhiều hậu quả khác nhau từ đó. Do đó, một mặt, cần thực hiện các biện pháp quản lý một cách chặt chẽ, cứng rắn; mặt khác, cần giáo dục các tri thức, kỹ năng nhằm kiểm soát sự hỗn loạn của mạng, ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực từ mạng và làm cho không gian mạng trở nên trong sạch, lành mạnh. Cụ thể là:
Cải thiện pháp luật về không gian mạng
Tích cực thúc đẩy pháp luật về internet là biện pháp cần thiết để ngăn chặn thông tin độc hại xuất hiện trên internet và định hướng hiệu quả xu hướng vận động của dư luận xã hội trực tuyến. Vì vậy, trên cơ sở xem xét đầy đủ trình độ phát triển của công nghệ mạng nước ta, cần tăng cường hơn việc xây dựng pháp luật và các quy định về quản lý mạng, xây dựng hệ thống pháp luật mạng kết hợp giữa luật chung, quy định hành chính và quy chế, quy định về quản lý và hướng dẫn dư luận trực tuyến ở cơ sở. Bổ sung, hoàn thiện các quyền và nghĩa vụ của chính quyền địa phương, công dân mạng và nhà khai thác mạng khi tham gia cộng đồng mạng. Đối với những đối tượng tung tin đồn trên mạng, xâm phạm đời tư cá nhân, công kích cá nhân, gây rối trật tự xã hội,… xâm phạm quyền và lợi ích của người khác, vi phạm pháp luật và kỷ luật thì phải nghiêm trị theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tăng cường kiểm soát kỹ thuật
Đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển công nghệ internet, chiếm lĩnh đỉnh cao của công nghệ mạng. Đây là điều kiện để bảo đảm cho việc thanh lọc và kiểm soát hiệu quả các loại thông tin có hại. Cần tăng cường nghiên cứu phát triển mạng công nghệ cao và quản lý phương tiện truyền thông mới, phát triển các hệ thống giám sát, như nhận dạng thông tin, lọc thông tin, tự động báo động thông tin xấu, tăng cường giám sát thông tin có hại thông qua các phương tiện kỹ thuật hiệu quả để phát hiện kịp thời, chính xác vị trí và phản hồi nhanh chóng để bảo đảm thông tin có hại nhanh chóng bị loại bỏ và phản ánh đến các bộ phận liên quan ngay từ đầu, đặc biệt là đối với các thông tin dư luận xã hội nhạy cảm.
Nâng cao kiến thức, kỹ năng, đạo đức cho cư dân mạng và toàn xã hội
Theo số liệu thống kê của tổ chức Internet World Stats, tính đến ngày 31/5/2020, Việt Nam là quốc gia có lượng người sử dụng internet cao thứ 14 trên thế giới và đứng thứ 8 trong tổng số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á(3). Tính đến tháng 01/2022, ở Việt Nam có hơn 72,1 triệu người dùng internet, tương ứng với 73,2% dân số cả nước, với khoảng có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương với 78,1% dân số(4), tăng 5,0 triệu tài khoản so với năm 2021. Tính đến tháng 01/2023, số lượng và tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam tiếp tục tăng lên, với 77,93 triệu người dùng, chiếm tỷ lệ 79,1% tổng dân số; trong đó 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% tổng dân số(5). Vì vậy, việc tăng cường xây dựng đạo đức trực tuyến cho cư dân mạng và nâng cao khả năng tự kiềm chế của cư dân mạng để sử dụng internet một cách văn minh là một khía cạnh quan trọng của việc thanh lọc không gian mạng và định hướng dư luận trên mạng.
Cần tăng cường giáo dục đạo đức trên không gian mạng và đạo đức trong toàn xã hội, làm cho khái niệm “tham gia mạng văn minh, có trật tự” ăn sâu vào lòng cư dân mạng, và từng bước hướng dẫn cư dân mạng học cáchsử dụng mạng đúng pháp luật, nói có lý, có trách nhiệm, không ngừng nâng cao khả năng nhận diện được cái đúng, cái thật, cái đẹp, cái giả dối, cái sai trái và những hiện tượng xấu, tiêu cực trên internet; có ý thức chống lại những thông tin xấu độc và những thái độ, hành vi thô tục; làm cho không gian mạng thực sự trở thành một xã hội mạng có tính mở và văn minh.
Thứ tư, nhận diện rõ những vấn đề về an ninh tư tưởng mà các thế lực thù địch thường xoáy vào để chống phá Việt Nam trên dư luận xã hội trực tuyến
Nhận diện rõ để từ đó chuẩn bị các luận cứ khoa học thuyết phục, nghiên cứu tổng kết lý luận, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bịa đặt bằng một hệ thống các phương thức đa dạng trên nền tảng mạng xã hội; làm cho mạng xã hội thực sự lành mạnh, an toàn với sự chiếm lĩnh của hệ tư tưởng chủ đạo của đất nước. Tiếp tục nghiên cứu trên quan điểm khách quan, khoa học những tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới, tiến bộ để chắt lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú đời sống tư tưởng, tinh thần của xã hội thông qua kênh mạng xã hội./.
———————————-
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.284
(2) Philip N. Howard & Muzammil, M. Hussain (2011), “The Upheavals in Egypt and Tunisia: The Role of Digital Media”, Journal of Demoracy, Vol.22, No.3
(3) Xem Digital 2021: Vietnam, http://datareportal.com/reports/digital-2021-vietnam
(4) Xem Digital 2022: Vietnam https://datareportal.com/reports/digital-2022-vietnam
(5) Xem Digital 2023: Vietnam https://datareportal.com/reports/digital-2023-vietnam