TS. ĐỖ VĂN BIÊN(*)
ThS. TRẦN VĂN THUYÊN(**)

(*) Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
(**) Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Đồng chí Nguyễn Văn Linh là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của dân tộc và có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí được Đảng giao nhiều trọng trách quan trọng để lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội. Bài viết tập trung làm rõ và khẳng định những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế – xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 10 năm trước đổi mới, từ năm 1975 đến năm 1986.
Từ khóa: nhà lãnh đạo; Nguyễn Văn Linh; Thành phố Hồ Chí Minh

1. Nhà lãnh đạo gắn bó mật thiết với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Đồng chí Nguyễn Văn Linh (1915 – 1998) tên thật là Nguyễn Văn Cúc xuất thân từ một gia đình trí thức công chức nghèo yêu nước ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân đô hộ và cai trị, đồng chí đã sớm giác ngộ và đi theo cách mạng khi mới 15 tuổi và từng bước được tôi luyện, trưởng thành trong phong trào đấu tranh. Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách quan trọng, như: Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn; Bí thư Đặc Khu ủy Sài Gòn – Gia Định; Bí thư Xứ ủy Nam Bộ; Bí thư Trung ương Cục miền Nam; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương; Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương; Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1986 – 1991).
Là người có nhiều thời gian gắn bó máu thịt với đồng bào, chiến sĩ miền Nam, từng phụ trách trực tiếp địa bàn Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong thời kỳ kháng chiến, đồng chí Nguyễn Văn Linh nắm rõ đặc điểm địa lý, thổ nhưỡng, văn hóa, xã hội và con người Thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, khi Thành phố đứng trước những khó khăn về kinh tế – xã hội sau năm 1975, trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, bất cập, đồng chí đã sớm nhận ra 05 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế trong phân phối hàng hóa, trong các khâu sản xuất, cải tạo sản xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, đó là: “Thứ nhất, chúng ta không đủ bình tĩnh để nhìn Thành phố một khi được giải phóng hiển nhiên trở thành tài sản của chính chế độ ta, dù cho các loại kẻ thù xây dựng Thành phố nhằm mục đích gì và làm gì ở đây; thứ hai, chúng ta chưa nhận thức được thực trạng kinh tế – xã hội của Thành phố qua 21 năm sống dưới chế độ thực dân mới đã là một khu vực có trình độ phát triển tư bản chủ nghĩa nhất định; thứ ba, không đủ hiểu biết về lịch sử của quá trình hình thành và vai trò của nền công nghiệp Thành phố trong cơ cấu công, nông nghiệp của khu vực; thứ tư, chưa đánh giá chặt chẽ những tồn đọng mà chế độ mới phải giải quyết; thứ năm, chưa xác định thật rõ hai mục tiêu của hoạt động kinh tế Thành phố đó là mở rộng, nâng cao sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân”(1). Từ đó, đồng chí trăn trở, “muốn tháo gỡ khó khăn, phải tìm cách làm ăn mới, hợp quy luật, hợp lòng dân”(2), “mọi chủ trương, biện pháp của Thành ủy đề ra phải xuất phát từ những đặc điểm của Thành phố, thoát ly nó sẽ không tránh khỏi những sai lầm”(3).
Từ những trăn trở này, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tính hiệu quả của các mô hình sản xuất tiên tiến trên cả nước. Đồng chí cũng là người trực tiếp đi đến nhiều nơi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp xúc với nhiều thành phần lao động để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, thấy rõ những khó khăn trong đời sống và sản xuất. Đồng chí day dứt tự hỏi: “Tại sao một thành phố có cơ sở vật chất, có truyền thống cách mạng, bất khuất, kiên cường như Thành phố Hồ Chí Minh mà trong nhiều năm xây dựng sau chiến tranh vẫn không tự nuôi nổi mình?”(4). Đây chính là động lực thôi thúc đồng chí Nguyễn Văn Linh đi tìm lời giải để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Lãnh đạo tháo gỡ khó khăn, từng bước phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ trước đổi mới
Bước sang năm 1979, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước lâm vào khủng hoảng kinh tế – xã hội. “Khủng hoảng có nguyên nhân khách quan là hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh; sự cấm vận của Mỹ và các nước khác; chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây – Nam và biên giới phía Bắc; sự phá hoại của thế lực thù địch. Nguyên nhân chủ quan, đó là những khuyết điểm trong cơ chế, chủ trương, chính sách từ căn bệnh chủ quan duy ý chí, giáo điều, nóng vội. Để khắc phục những khuyết điểm đó, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, Đảng đã thấy rõ sự cần thiết phải đổi mới, cơ chế, chính sách… Bước đột phá đầu tiên là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (8/1979) với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất và thành phần kinh tế làm cho sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển”(5). Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV là cơ sở tạo bước ngoặt trong quản lý kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh.
Nắm bắt tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành nghị quyết khuyến khích các doanh nghiệp quốc doanh phát huy tinh thần tự chủ, tự lực tự cường. Từ đó, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một số mô hình công nghiệp đã “tự cởi trói”, “phá rào, bung ra”, nhằm tháo gỡ khó khăn và bước đầu đạt được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, như Công ty Bột giặt miền Nam, Dệt Thành Công, Dệt Phong Phú, Dệt Phước Long, Dệt Thắng Lợi, Dệt đay 13, Xí nghiệp Liên hiệp thuốc lá II, Bia Sài Gòn, Xí nghiệp Dược phẩm 2/9, Xí nghiệp Cơ khí Caric, Silico, Vinappro… Bên cạnh đó, ở Thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất dưới hình thức liên doanh, liên kết giữa các ngành công – nông – ngư nghiệp, ngoại thương – ngân hàng. Thành phố cũng tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh bung ra đẩy mạnh phát triển kinh tế, mạnh dạn cho phép tư nhân bỏ vốn đầu tư được thuê lao động (ban đầu cho phép thuê 10 lao động, sau tăng lên 20 lao động) nhằm tăng cường sản xuất để có sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (tháng 8/1979), với tinh thần chủ động, sáng tạo, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng tập thể Đảng bộ Thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương khắc phục những mặt hạn chế, “bật đèn xanh” cho “mô hình tháo gỡ khó khăn” từ cơ chế cũ, do đó, tình hình sản xuất công nghiệp của Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi, công tác chỉ đạo, lãnh đạo vẫn chưa được đồng đều, thông suốt, để xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, gây ra tổn thất cho nền kinh tế, điển hình cho tình trạng này là đợt điều chỉnh giá bán buôn xí nghiệp năm 1981. Trong quá trình triển khai Nghị quyết ở Thành phố đã xuất hiện hai khuynh hướng trái ngược nhau: “có khuynh hướng cho rằng cứ để sản xuất bung ra, rồi có gì uốn nắn sau, nhưng lại có khuynh hướng sợ, lệch lạc không dám mạnh dạn bung ra để sản xuất, bung ra một cách cầm chừng, nửa vời. Từ đó nhiều vấn đề nảy sinh, cái gì được phép bung ra, bung ra với kế hoạch nào, thị trường nào”(6). Mặc dù phải đối diện với những khó khăn này, nhưng Đảng bộ và chính quyền Thành phố vẫn tiếp tục kiên trì tìm kiếm phương án phát triển tối ưu, phù hợp để phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân.
Tháng 12/1981, đồng chí Nguyễn Văn Linh (lúc này là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng) được phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho đến tháng 6/1986. Lần thứ hai nhận trọng trách Bí thư Thành ủy Thành phố với bao nhiệm vụ nặng nề, nhất là khi có Nghị quyết số 01-NQ/TW ngày 14/9/1982 của Bộ Chính trị về công tác của Thành phố Hồ Chí Minh, xác định Thành phố “là một trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch… có vị trí chính trị quan trọng sau thủ đô Hà Nội”(7), đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Thành phố chú trọng khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là kinh tế công – nông nghiệp, giải quyết vấn đề khan hiếm nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư thay thế làm cho sản xuất đình đốn…; phải “trả về cho sản xuất sự vận hành đúng quy luật của nó”(8), muốn phát triển sản xuất, thì trước tiên các doanh nghiệp phải được giao quyền tự chủ, phá bỏ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp. Qua thí điểm thành công mô hình Dệt Thành Công, đồng chí cho rằng: “Chỉ có một Thành Công không đủ, mà phải cả trăm nghìn cơ sở thành phố tiến mạnh vào mặt trận chống quan liêu bao cấp, tháo gỡ để sản xuất bung ra…”(9). Từ đó, trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh áp dụng cơ chế khoán sản phẩm, đồng thời sản phẩm làm ra không chỉ được Nhà nước bao tiêu, mà còn bán tự do trên thị trường theo giá phù hợp.
Trước tình trạng nguyên liệu, nhiên liệu cạn kiệt, sản xuất đình đốn, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng với tập thể lãnh đạo đã mạnh dạn chỉ đạo thí điểm thu mua nông sản ở Thành phố và khu vực với giá thỏa thuận, bán ra thị trường tiểu ngạch lấy ngoại tệ mua nguyên liệu để cung cấp cho sản xuất công nghiệp. Theo đó, Thành phố đã chấp thuận cho Công ty Xuất nhập khẩu trực tiếp của Thành phố (Direximco) và Công ty Xuất nhập khẩu Chợ Lớn (Cholimex) huy động vốn của nhiều đơn vị, hợp tác xã, tổ hợp của tư nhân để mua nông sản ở Thành phố và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu tiểu ngạch sang Singapore, Hồng Kông… lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu vật tư cho sản xuất công nghiệp thành phố. Với cách làm hiệu quả này, Thành phố đã nhân rộng ra nhiều mặt hàng và nhiều ngành, bước đầu giải quyết được khâu nguyên liệu, vật tư khan hiếm trong sản xuất công nghiệp, sản phẩm bán ra đã sinh lợi nhuận, đồng thời giải quyết được tình trạng thất nghiệp cho công nhân. Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của nhiều ngành Trung ương, Thành phố còn tổ chức một đợt khui kho, mở khu triển lãm giới thiệu mua bán vật tư, tận dụng phế liệu, tăng quyền chủ động cho cơ sở, hợp tác kinh doanh giữa các đơn vị, ngành trên địa bàn Thành phố và khu vực. Chính điều này đã mở ra khả năng hợp tác giữa các xí nghiệp Trung ương và Thành phố, giữa Thành phố với các tỉnh, giúp cơ sở sản xuất xây dựng kế hoạch sản xuất phụ và các khung giá hợp lý, nắm lại nguồn nguyên liệu nông nghiệp cho xí nghiệp quốc doanh. Thể theo nguyện vọng của nhiều giám đốc xí nghiệp muốn có một diễn đàn chung để trao đổi kinh doanh, thảo luận về đổi mới, hợp tác sao cho làm ăn sinh lợi nhuận mà vẫn chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Linh cho phép thành lập “Câu lạc bộ Giám đốc”. Năm 1985, Thành phố vận dụng kinh nghiệm của Long An thí điểm “bù giá vào lương” trên mặt hàng gạo ở Quận 10 và huyện Thủ Đức, thực hiện dần chế độ một giá có kết quả và mở rộng các mặt hàng cung cấp khác.
Nhờ mạnh dạn thay đổi, cùng với những chủ trương đúng đắn của Thành phố, chỉ sau thời gian ngắn, nền kinh tế Thành phố đã có những chuyển động tích cực, mang tính đột phá, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất trước đó đình trệ đã được khôi phục hoạt động trở lại, kinh doanh có hiệu quả. Những năm 1984 – 1985, tổng sản lượng công nghiệp Thành phố tăng lên 78% so với năm 1976, dù rằng phát triển công nghiệp của Thành phố “chỉ mới sử dụng trung bình được trên dưới 50% công suất thiết kế”(10).
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III (tháng 4/1983) xác định nhiệm vụ nông thôn ngoại thành có vị trí quan trọng trong việc bảo đảm đủ lương thực và thực phẩm cho nhân khẩu nông nghiệp, bảo đảm một phần nhu cầu thực phẩm cho nội thành, một phần nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tham gia xuất khẩu. Đi vào thực tiễn, Thành phố đã tiến hành cải tạo nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn và gắn cải tạo công thương nghiệp để sản phẩm nông nghiệp không qua tay tư thương, đưa công nghiệp và khoa học – kỹ thuật đến với nông nghiệp, hình thành mối liên kết công – nông.
Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh và Đảng bộ Thành phố, trong những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, cùng nhau gắng sức “tạo nên những bước phát triển nhảy vọt cho nền kinh tế quốc dân với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,17% năm. GDP bình quân đầu người đạt 586 USD”(11), kinh tế từng bước được ổn đinh, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện tốt hơn.
3. Bám sát thực tiễn, chỉ đạo Đảng bộ và chính quyền Thành phố từng bước xây dựng cơ chế mới
Thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh giữa bảo thủ, trì trệ với đổi mới cách nghĩ, cách làm diễn ra khá phức tạp. “Thực tế đã chứng minh rằng trong cuộc đấu tranh giằng co giữa cái mới và cái cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu, những cái phù hợp quy luật, có sức sống thường xuất hiện ở cơ sở, ở những nơi khó khăn phức tạp nhất”(12). Mặc dù kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thời gian này đã bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đã mắc một số sai lầm nhất định. Điều này khiến cho các quan điểm bảo thủ, cũ kỹ có cơ hội trở lại để phê phán những ý tưởng đổi mới, sáng kiến tháo gỡ của Thành phố và cho rằng, Thành phố chạy theo cơ chế thị trường, “phát triển tư bản chủ nghĩa”, “bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã nghe sặc mùi Nam Tư”….
Trước nhiều nguồn thông tin và những báo cáo chưa đúng về kinh tế, xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn này, Trung ương đã tổ chức đoàn kiểm tra các công ty, xí nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh (lần 2) vào cuối năm 1982, đầu năm 1983. Chỉ trong vòng 01 tháng đã có 06 đoàn kiểm tra của Trung ương vào Thành phố, nhiều vấn đề bị nêu ra phê phán, như: “Direximco, Cholimex không phải là công ty quốc doanh, do huy động vốn từ tư nhân, nên thực chất là tư sản. Để cho tư sản làm xuất nhập khẩu là trái với nguyên tắc quản lý ngoại thương xã hội chủ nghĩa. Mở xuất nhập khẩu lung tung không kiểm soát được, cần lập lại trật tự trên mặt trận ngoại thương; Phải làm ăn trong khuôn khổ thị trường xã hội chủ nghĩa là thị trường có tổ chức để ngày càng thu hẹp thị trường tự do, chứ không được làm ngược lại, phát triển kinh tế nhiều thành phần là trái với nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, đi theo con đường tư bản…”(13). Chính vì vậy, mặc dù các mô hình kinh tế của Thành phố phát huy hiệu quả rõ rệt, nhưng phải ngưng lại vì trái với cơ chế “hành chính bao cấp”, nhiều xí nghiệp sản xuất lại lâm vào tình trạng khó khăn, bế tắc, ở một số nơi đã xuất hiện những tư tưởng buông xuôi “không dám tìm tòi làm theo cách mới nữa”.
Trước những khó khăn và thách thức đó, với ý trí quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh cho rằng: “Cái mới không dễ được sớm chấp nhận. Còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để bằng thực tế với cung cách làm ăn có hiệu quả, mới có thể thuyết phục nhằm thay đổi dần được cách nghĩ, cách điều hành đất nước theo lề lối cũ”(14). Việc “bật đèn xanh” cho “mô hình tháo gỡ khó khăn” từ cơ chế cũ của Thành phố đã nhanh chóng phát huy tác dụng và đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần giải phóng sức sản xuất, động viên tinh thần lao động của quần chúng nhân dân. Hồi tưởng lại điều này, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã viết: “Chúng tôi tiến hành làm thử một số việc như lập hợp tác xã công, nông, thương, tín, cho sản xuất và cho xuất khẩu một số mặt hàng tiêu dùng sang các nước Đông Nam Á, cho xí nghiệp vay vốn để tự mua nguyên liệu, tự cân đối sản xuất; hủy bỏ việc bán gạo hai giá, bỏ luôn cả cách phân phối gạo bao cấp… Các công việc này có tiếng vang ra ngoài Thành phố”(15).
Sau nhiều lần tổ chức họp bàn, cuối cùng lãnh đạo Thành phố thống nhất phải cố gắng thông tin, báo cáo đầy đủ, chi tiết với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng về hướng đổi mới đã xuất hiện từ thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh để các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Trung ương hiểu và nắm rõ những gì đang diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 7/1983, nhân dịp một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung ương, như đồng chí Trường Chinh (Chủ tịch Hội đồng Nhà nước), đồng chí Phạm Văn Đồng (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), đồng chí Võ Chí Công (Thường trực Ban Bí thư) tham dự hội nghị tại Đà Lạt, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Thành phố mời một số giám đốc xí nghiệp làm ăn có hiệu quả theo mô hình quản lý mới của Thành phố, như Lê Đình Thụy – Giám đốc Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội, Trần Tựu – Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2/9, Nguyễn Quang Lộc – Giám đốc Công ty Bột giặt Viso, Bùi Văn Long – Tổng Giám đốc Liên hiệp Dệt, Lê Thị Lý – Giám đốc Xí nghiệp Dệt Phước Long…, lên Đà Lạt gặp và báo cáo trực tiếp về cách làm ăn, đổi mới có hiệu quả của Thành phố: “Hiện nay có các đồng chí trong Bộ Chính trị đang ở Đà Lạt. Thành phố chúng ta đã đăng ký xin được báo cáo về những việc đã làm của chúng ta trong thời gian qua, cũng như những khó khăn, tồn tại để Bộ Chính trị có thêm cơ sở thực tế mà đề ra đường lối chính sách mới”(16). Tại buổi báo cáo, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công đã lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các giám đốc công ty, xí nghiệp, đồng thời đã đưa ra các câu hỏi thảo luận về nhiều vấn đề có liên quan đến cơ chế và việc tháo gỡ cơ chế cũ… Sau khi nghe báo cáo và thảo luận, đồng chí Trường Chinh có nói đại ý: “Nếu đúng như các đồng chí trình bày, thì hóa ra từ trước đến nay, tôi nhận được những thông tin không đúng sự thật”(17). Sau đó, đồng chí Trường Chinh đã yêu cầu Thành phố tổ chức đến thăm các nhà máy, đơn vị “xé rào”, đồng thời trực tiếp đến thị sát tại các phân xưởng, cơ sở sản xuất, thăm hỏi và tìm hiểu kỹ lưỡng đời sống cán bộ công nhân, về cơ chế khoán sản phẩm, tiền lương… Thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của các đơn vị, cùng với hướng đi đúng quy luật của Thành phố bắt đầu có sức thuyết phục đối với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương, trong đó có Chủ tịch nước Trường Chinh.
Sự kiện Hội nghị “Đà Lạt” với những ý tưởng và cách làm ăn mới mẻ của Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với các cuộc tiếp cận từ thực tiễn của các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã tác động lớn đến Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 7 (khóa V) cuối năm 1984, mở đầu giai đoạn đấu tranh sôi nổi cho quan điểm đổi mới trong Đảng từ Trung ương đến địa phương và trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Tạo tiền đề quan trọng cho công cuộc đổi mới của dân tộc đã được nghị quyết hóa tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986).
Tóm lại, có thể khẳng định, thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975 luôn có dấu ấn rõ nét của đồng chí Nguyễn Văn Linh, với vai trò là người lãnh đạo cao nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ở những thời điểm thành phố còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trở lực do cơ chế cũ. Những tìm tòi thử nghiệm, những mô hình mới có hiệu quả từ thực tiễn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị quyết tâm xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới, mở ra công cuộc đổi mới.
Những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 – 1986 càng khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sự sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù ở đâu, trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí luôn thể hiện là một người cộng sản kiên trung, sáng tạo, hết lòng vì dân vì nước, là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của dân tộc và có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Đánh giá về đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Linh với sự nghiệp đổi mới của Thành phố Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Anh là một trong những người có công đầu đề ra và thực hiện một số chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong quản lý kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lúc bấy giờ chưa được lãnh đạo nhất trí. Cho đến khi Trung ương cử anh Trường Chinh vào kiểm tra tình hình thực tiễn, trực tiếp nghe ý kiến một số giám đốc xí nghiệp, đi nghiên cứu một số cơ sở thấy tình hình đúng như Thành phố báo cáo. Anh Trường Chinh kết luận cần phải đổi mới, dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Từ thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi khác, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã phát biểu ý kiến với Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội và sửa lại báo cáo chính trị trình ra Đại hội toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới. Ý kiến của anh Nguyễn Văn Linh đã được lãnh đạo chấp nhận”(18)./.

—————————————-

(1) và (8) Nguyễn Văn Linh, Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.95-98 và 105
(2) Nguyễn Văn Linh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.252
(3) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Nguyễn Văn Linh: cuộc đời và sự nghiệp, Đề tài khoa học cấp Bộ, do GS. Trần Thành chủ nhiệm, Hà Nội, 2002, tr.19
(4) Những nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, t.1, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.358
(5) Nguyễn Trọng Phúc, Đồng chí Nguyễn Văn Linh với sự nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/dong-chi-nguyen-van-linh-voi-su-nghiep-doi-moi-cua-dang-cong-san-viet-nam-309743.html, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 29/6/2015
(6), (11), (13), (16) và (17) Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr 602-603, 588, 604, 547 và 605
(7) Nghị quyết số 01-NQ/TW ngày 14/9/1982 của Bộ Chính trị về công tác của Thành phố Hồ Chí Minh, tr.1
(9), (10), (12), (14) và (15) Ngô Thị Huệ, Trần Bạch Đằng, Dương Đình Thảo, Nguyễn Văn Linh – hành trình cùng lịch sử, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 142-143, 106, 104, 165 và 143
(18) Nguyễn Văn Linh – nhà lãnh đạo kiên định sáng tạo (Hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.33-34

(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 10_2022)