TS. TRẦN MINH TÂM(*)
ThS. ĐẶNG THỊ YẾN(**)

(*) và (**) Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Trong hoàn chiến tranh vô cùng khó khăn, ác liệt, Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam đã đào tạo hàng nghìn lượt cán bộ cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Quá trình phát triển và hoạt động của Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam trong giai đoạn này đã để lại nhiều bài học có giá trị lịch sử đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay.
Từ khóa: đào tạo, bồi dưỡng; Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam; cán bộ

1. Vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn coi trọng công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1). Bởi vì, cách mạng là sự nghiệp chung, để thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng phải có đội ngũ cán bộ làm nòng cốt. Muốn có đội ngũ cán bộ tốt, ngoài năng lực tự thân, quá trình rèn luyện qua thực tiễn thì yêu cầu cần thiết là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo phong trào.
Trong quá trình tìm con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xây dựng một Đảng cách mạng chân chính và đào tạo đội ngũ cán bộ của Đảng. Ngay sau khi xác định giải phóng dân tộc theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga, Người nhận định: “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(2). Xác định nhiệm vụ của cách mạng lúc bấy giờ là huấn luyện, trang bị lý luận cho cán bộ, Hồ Chí Minh bắt đầu gây dựng cơ sở, tổ chức cách mạng và đào tạo cán bộ. Người trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu và lựa chọn, cử những thanh niên ưu tú sang học tập tại Liên Xô. Những hoạt động này đã đào tạo ra nhiều lớp cán bộ với tri thức cách mạng vững vàng, lãnh đạo và tổ chức thành công các phong trào cách mạng. Với sự chỉ đạo sâu sắc của Người, Đảng đã mở nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của cách mạng. Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng và khởi đầu sự nghiệp đào tạo cán bộ của Đảng – xây dựng trường đào tạo cán bộ của Đảng.
Trong thời kỳ kháng chiến, kiến quốc, Đảng khẳng định: đào tạo, huấn luyện cán bộ là một nhiệm vụ cấp bách, cần kíp trong điều kiện có nhiều công việc nặng nề, phức tạp. Công tác huấn luyện của Đảng góp phần quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, khắc phục những hạn chế về chất lượng đội ngũ cán bộ không theo kịp với đà phát triển của cách mạng. Từ quan điểm đó, Đảng đã mở nhiều khóa huấn luyện cán bộ chất lượng, như khóa Nguyễn Ái Quốc (năm 1946), Tô Hiệu (năm 1947), Trần Phú (năm 1948)…
Tại Hội nghị Cán bộ Trung ương lần thứ sáu (tháng 01/1949), Đảng chỉ rõ: “Phải ra sức đào tạo cán bộ về mọi ngành, để có đủ người gánh vác công việc ngày một nhiều, một nặng”(3). Hội nghị đã đề ra chủ trương mới về công tác đào tạo cán bộ, về mở trường đào tạo cán bộ, lập trường Đảng. Ở Trung ương, trường Đảng mang tên Nguyễn Ái Quốc được thành lập và mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ. Ở Nam Bộ, trường lý luận chính trị chính quy đầu tiên của Trung ương ra đời mang tên Trường Đảng miền Nam – “Trường Trường Chinh”.
Mục đích đào tạo và học tập tại trường Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong lời ghi trang đầu Sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc nhân dịp Người tới thăm trường (tháng 9/1949): “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(4). Lời dạy Người là định hướng cho công tác đào tạo cán bộ của Đảng. Sự kiện Người đến thăm Trường đã trở thành ngày truyền thống của Trường Đảng.
Sau Hiệp định Giơnevơ (tháng 7/1954), Đảng chỉ rõ đế quốc Mỹ là kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Nam chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ; đồng thời, giữ gìn lực lượng cán bộ, đảng viên làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh mới. Từ cuối năm 1956 đến đầu năm 1969, Mỹ – Diệm công khai xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ, ra sức lùng bắt, tra tấn, tù đày, giết hại cán bộ cách mạng và quần chúng yêu nước. Chúng mở rộng chiến dịch tố cộng, diệt cộng trong toàn miền Nam, ban hành luật “Cải cách điền địa” lập các “Khu dinh điền”, “Khu trù mật”, thi hành luật 10-1959, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, đẩy phong trào cách mạng miền Nam vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Trước sự đàn áp tàn bạo của địch, lực lượng cách mạng chỉ đối phó bằng đấu tranh chính trị nên bị tổn thất nặng nề. Hàng chục vạn người bị bắt và bị giết. Nhiều nơi, cán bộ, đảng viên bị tàn sát, tổ chức cách mạng bị phá vỡ. Tức nước vỡ bờ, nhân dân miền Nam thấy không thể dùng tay không mà chống lại súng đạn. Nhiều nơi quần chúng cùng cán bộ, đảng viên đã tự động vũ trang để tự vệ, diệt ác, trừ gian. Dưới sự lãnh đạo, tổ chức của các chi bộ cộng sản, được động viên bằng những tấm gương hy sinh trung kiên của những chiến sĩ cộng sản, phong trào cách mạng được tái lập dần.
Tháng 01/1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) đã đánh giá tình hình miền Nam và xác định rõ con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến. Dưới ánh sáng của Nghị quyết số 15, từ cuối năm 1959 đầu năm 1960 cách mạng miền Nam có bước phát triển nhảy vọt. Tháng 8/1959, nhân dân huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi vùng lên quét sạch ngụy quyền ở 16 xã. Ngày 17/01/1960, Tỉnh ủy Bến Tre phát lệnh “Đồng Khởi” và thắng lợi của phong trào “Đồng Khởi” nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam. Chính quyền cách mạng được thành lập trên nhiều vùng rộng lớn nối liền từ Tây Nguyên đến các tỉnh liên khu V và Nam Bộ.
Trong khí thế đó, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, trở thành ngọn cờ tập hợp mọi tầng lớp nhân dân yêu nước miền Nam chống Mỹ – Diệm. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng miền Nam, tháng 01/1961, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam và cử đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Trung ương Cục. Tổ chức đảng từ Trung ương Cục đến cơ sở được sắp xếp trở lại. Những chi bộ, cán bộ, đảng viên còn lại ở miền Nam vượt qua mọi thử thách, khó khăn trở thành lực lượng lãnh đạo phong trào. Nhiều người yêu nước, chí cốt với cách mạng đã trở thành cán bộ, đảng viên đảm trách những chức vụ quan trọng trong các tổ chức đảng, mặt trận và lực lượng vũ trang quân giải phóng. Sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ đã khẳng định năng lực, vai trò lãnh đạo của các tổ chức cách mạng. Song, để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi cán bộ phải được trang bị lý luận cách mạng, kinh nghiệm công tác để nâng cao bản lĩnh, năng lực hoạt động cách mạng trong thực tiễn.
Nhận thức được đây là nhu cầu cấp bách, tháng 10/1961, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập lại trường Đảng miền Nam, lấy tên là trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam, mở các khóa đào tạo cán bộ chính quy ở vùng giải phóng. Kế thừa kinh nghiệm và nhiệm vụ của trường Trường Chinh, trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam được Trung ương Cục giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực công tác và bản lĩnh chiến đấu cho đội ngũ cán bộ cốt cán cấp tỉnh ủy, khu ủy, lực lượng vũ trang từ Ninh Thuận, Bình Thuận trở vào Nam Bộ và các ban, ngành thuộc Trung ương Cục miền Nam.
Những ngày đầu thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục trực tiếp lãnh đạo trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam. Từ đầu năm 1962, Trung ương Cục cử đồng chí Phan Văn Đáng (Hai Văn), Phó Bí thư Trung ương Cục giữ chức Trưởng Ban lãnh đạo Trường (đến năm 1973). Cán bộ khung, đội bảo vệ, hậu cần của Trường,… được tuyển chọn từ các ban thuộc Trung ương Cục cùng với những đồng chí từng công tác ở trường Trường Chinh được bổ sung về Trường. Hoạt động của Trường luôn được duy trì và phát triển cho đến ngày cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ hoàn toàn thắng lợi.
2. Tình hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam
Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi (năm 1960), cách mạng miền Nam đã chuyển sang bước ngoặt phát triển mới. Bộ Chính trị xác định phương hướng và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam: “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự”(5). Sự chuyển biến này đòi hỏi cán bộ phải được trang bị lý luận cách mạng, kinh nghiệm công tác, nâng cao bản lĩnh, năng lực hoạt động cách mạng trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong điều kiện bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt, Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam vẫn tổ chức ngay việc đào tạo cán bộ cho tỉnh ủy hoặc tương đương thuộc các khu VI, VII, VIII, IX và Đặc Khu Sài Gòn – Gia Định. Khóa đầu tiên của Trường chính thức khai giảng vào tháng 01/1962, với hơn 80 đại biểu và 300 học viên, đồng chí Nguyễn Văn Linh với tư cách là Bí thư Trung ương Cục đã đến dự và phát biểu ý kiến(6). Trong thời gian 04 tháng, học viên được học các môn, như Triết học Mác – Lênin; một số vấn đề cơ bản về chủ nghĩa xã hội; đường lối, phương pháp cách mạng miền Nam; Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II), Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng; công tác vận động quần chúng; chính sách mặt trận; chính sách tôn giáo; chính sách dân tộc; vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng; một số báo cáo thời sự, báo cáo điển hình về “chống dồn dân lập ấp chiến lược”. Trong quá trình học tập, giảng viên đã tổ chức nhiều buổi thảo luận về các phương án, phương pháp đấu tranh nhằm thực hiện nhiệm vụ chính của cách mạng miền Nam là “chống quốc sách lập ấp chiến lược của Mỹ – Diệm”. Qua đó, học viên đã tự vận dụng, liên hệ với quan điểm lập trường tư tưởng bản thân, phương hướng công tác của địa phương, gắn học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.
Đầu năm 1963, trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam chuyển tới Sa Mát, vùng giáp biên giới giữa huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh với Campuchia và mở khóa II, III với tổng số gần 200 học viên, phần lớn học viên là tỉnh ủy viên, khu ủy viên, thường vụ tỉnh ủy, phó ban ngành của Trung ương Cục. Thời gian học tập tăng lên 06 tháng và học viên học thêm một số môn học, như Kinh tế chính trị học (Kinh tế tư bản chủ nghĩa, Kinh tế xã hội chủ nghĩa…), công tác tư tưởng, công tác binh vận. Công tác đào tạo tại Trường đã giúp cán bộ xác định đúng tình hình nhiệm vụ, giải quyết được vấn đề tư tưởng, góp phần củng cố quan điểm lập trường, niềm tin vào đường lối của Đảng.
Từ năm 1965, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trên chiến trường Đông Nam Bộ diễn ra ngày càng ác liệt, Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa tiến hành mở hai cuộc phản công mùa khô năm 1965 – 1966 và 1966 – 1967. Để tăng cường đội ngũ cán bộ cho các địa phương tổ chức đánh Mỹ, Trung ương Cục miền Nam chủ trương tạm ngừng mở lớp đào tạo lý luận chính trị. Nhiều cán bộ được đào tạo tại Trường đã nhanh chóng hòa nhập vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và lập được nhiều thành tích góp phần đánh bại hai cuộc phản công của đế quốc Mỹ.
Sau thắng lợi trong hai mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967, cục diện chiến trường Đông Nam Bộ tuy diễn biến phức tạp nhưng có lợi cho ta. Trên cơ sở thế và lực mới hình thành, Bộ Chính trị đã quyết định “dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”(7). Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Cục đã ban hành Nghị quyết về Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa lấy miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn làm trọng điểm, hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam, học viên từ khóa I đến khóa III đã cùng cán bộ của trường Đảng miền Nam góp phần không nhỏ vào thành quả của cuộc Tổng tiến công Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Cuộc Tổng tiến công đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược từ “Chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiếp tục thi hành quốc sách “bình định”, tiến hành cuộc phản công quyết liệt, tàn khốc bằng sức mạnh toàn diện từ giữa năm 1968 đến cuối năm 1969.
Năm 1969, do yêu cầu mở lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ ở vùng giải phóng trở nên cấp thiết, Trung ương Cục miền Nam đã quyết định mở lại trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam (tháng 8/1969). Khóa VI của Trường được khai giảng vào tháng 12/1969 với 36 học viên và học trong thời gian 03 tháng. Học viên được học các bài lý luận, thực tiễn: phương pháp tư tưởng; đấu tranh giai cấp; đường lối cách mạng miền Nam; đường lối quân sự; công tác kinh tế – tài chính; công tác xây dựng Đảng và đạo đức cách mạng.
Cuối năm 1970, đầu năm 1971, trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, Trường đã khai giảng khóa V trên đất bạn Campuchia, với 61 học viên và chỉ sau 114 ngày học tập, lớp học bế giảng(8). Các đồng chí học viên được lệnh nhanh chóng trở về đơn vị, sẵn sàng bước vào cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Đặc biệt, cuối năm 1972, theo đề nghị của Khu ủy khu IX, trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam, phân hiệu miền Tây đã được mở để đào tạo cán bộ cho các tỉnh thuộc khu IX. Lớp học được tổ chức theo cách thức tại chức, tập trung, với gần 100 học viên.
Từ năm 1973 đến năm 1975, Trường đã mở thêm 03 khóa, với trên 300 học viên là lãnh đạo các cấp khu, tỉnh và quân đội tương đương. Chương trình học tinh gọn gồm các bài về Triết học; Kinh tế chính trị học; Đường lối cách mạng miền Nam; Công tác quân sự; Công tác dân vận; Công tác xây dựng Đảng; Công tác lãnh đạo của tỉnh ủy; tu dưỡng đạo đức cách mạng; Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 (khóa III) của Đảng và nhiệm vụ mới.
Trong hơn 14 năm hoạt động (1961 – 1975), Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam đã đào tạo được 08 khóa với 1200 cán bộ(9) lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quá trình hoạt động của trường Đảng miền Nam trong giai đoạn này đã góp phần quan trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ trở thành những cán bộ kiên trung của Đảng. Có thể khẳng định, hoạt động đào tạo cán bộ của Trường Đảng miền Nam giai đoạn 1961 – 1975 đã cung cấp đội ngũ cán bộ chất lượng, phẩm chất tốt đáp ứng tốt yêu cầu cách mạng, góp phần đắc lực trong sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975. Trong đó có nhiều đồng chí học viên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
3. Một số bài học rút ra từ công tác đào tạo cán bộ giai đoạn 1961 – 1975
Trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng khó khăn, ác liệt, Trường Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành sứ mệnh, đào tạo hàng nghìn lượt cán bộ phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quá trình phát triển và hoạt động của Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam trong giai đoạn 1961 – 1975 đã để lại nhiều bài học giá trị lịch sử đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng hiện nay.
Một là, kiên định việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng là nhiệm vụ quan trọng của Trường
Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam ra đời và hoạt động trong giai đoạn chiến tranh hết sức ác liệt, Trường vừa tiến hành xây dựng tổ chức bộ máy, xây dựng cơ sở vật chất; vừa xây dựng nội dung chương trình và tiến hành công tác đào tạo; đội ngũ giảng viên của Trường chủ yếu dựa vào các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và các ban ngành Trung ương Cục… Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng các lớp học vẫn được mở đều đặn, theo đúng kế hoạch. Điều này cho thấy, Trường luôn xác định nhiệm vụ quan trọng nhất mà Đảng giao phó là dạy tốt, học tốt để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Với việc kiên định nhiệm vụ quan trọng nhất, Trường đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh tất cả để làm tốt hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng.
Hai là, cần đào tạo cán bộ ở nhiều loại hình để đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp cách mạng trong mỗi giai đoạn
Để thích ứng với yêu cầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Trường đã thực hiện nhiều loại hình đào tạo kết hợp giữa chính quy và tại chức, thời gian đào tạo linh hoạt. Thời gian học tập của các khóa đào tạo khác nhau, trong đó thời gian học tập dài nhất là 06 tháng và ngắn nhất là 03 tháng. Bên cạnh việc đào tạo chính quy tại các địa điểm của Trường, Trường phối hợp mở các lớp đào tạo theo nhu cầu của địa phương. Năm 1972, Trường phối hợp với khu IX xây dựng trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam, phân hiệu miền Tây, mở lớp đào tạo cán bộ cho các tỉnh thuộc khu IX theo hình thức tại chức, tập trung.
Ba là, phương pháp đào tạo phải phù hợp với hoàn cảnh cách mạng ở từng thời kỳ
Với mục tiêu nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực công tác và bản lĩnh chiến đấu cho đội ngũ cán bộ cốt cán cấp tỉnh ủy, khu ủy, lực lượng vũ trang, vì vậy, trong quá trình giảng dạy, Trường luôn chú trọng phương pháp “lấy người học làm trung tâm”, gắn “lý luận với thực tiễn”. Các hoạt động đào tạo của Trường được tiến hành trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nên việc học lý luận phải gắn chặt với thực tiễn cách mạng lúc bấy giờ. Trong quá trình học tập, học viên được trao đổi, thảo luận các phương án, phương pháp đấu tranh nhằm thực hiện nhiệm vụ chính của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Đặc biệt, học viên còn được trực tiếp tham gia các phong trào cách mạng, các chiến dịch công tác của Đảng. Đây là những điều kiện quý báu để gắn liền công tác đào tạo với thực tiễn cách mạng của đất nước. Từ những bài học lý luận, đường lối, chủ trương của Đảng, học viên đã tự vận dụng, liên hệ với quan điểm lập trường tư tưởng bản thân, phương hướng công tác của địa phương.
Bốn là, Trung ương, các cấp ủy đảng cần quan tâm, chỉ đạo sâu sát hoạt động đào tạo để đạt hiệu quả cao
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam trong thời kỳ 1961 – 1975 luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam và lãnh đạo nhà trường. Các cấp lãnh đạo luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng miền Nam trong từng thời kỳ, từ đó xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tình hình thực tiễn cách mạng. Nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục đã trực tiếp tham gia giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Trung ương Cục đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của Trường. Sự quan tâm của Trung ương Cục là nguồn động viên học viên tích cực học tập, tự giác tu dưỡng rèn luyện đạo đức, tác phong cách mạng, góp phần đắc lực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước./.

—————————

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.309
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.1, Sđd, tr.209
(3) Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (từ 14 -18/01/1949)
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, Sđd, tr.208
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nộị, 2002, tr.158
(6) Theo Lịch sử Biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền nam (1954 – 1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.294
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, t.29, Sđd, tr.50-51
(8) và (9) Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh, 50 năm Trường Đảng miền Nam, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 37 và 42