ThS. ĐẶNG THANH TUẤN – Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Tóm tắt: Singapore là đất nước của người nhập cư, là quốc gia đa sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo. Singapore đã vượt qua những khó khăn và thách thức, đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế – xã hội. Kết quả đó là do Chính phủ Singapore đã xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật hiệu quả, trong đó có chính sách đối với dân tộc thiểu số. Bài viết này tập trung nghiên cứu kinh nghiệm của Singapore về chính sách dân tộc thông qua việc lồng ghép nhiều chính sách khác nhau. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số bài học kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam.
Từ khóa: chính sách dân tộc; đa văn hóa; đa sắc tộc; Singapore

1. Mở đầu
Cộng hòa Singapore nằm ở cực Nam của bán đảo Mã Lai và là quốc gia nhỏ nhất ở Đông Nam Á (một quốc gia được tạo thành từ 63 hòn đảo với diện tích chỉ 719 km2, bao gồm cả đất khai hoang từ biển), có khí hậu nhiệt đới. Vị trí chiến lược trên các tuyến đường thương mại đường biển và hàng không đã biến quốc gia này trở thành một trung tâm vận tải và vận chuyển quan trọng trên thế giới.
Theo thống kê năm 2021, Singapore có dân số 5,9 triệu người chiếm 0,07% dân số thế giới(1), với các dân tộc: người gốc Hoa (76%), người Mã Lai (15%), người Ấn Độ (7%) và những người khác bao gồm cả người Âu – Á (2%). Một đặc điểm khác biệt của Singapore với các quốc gia đa dân tộc khác (Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia…) là phần lớn các dân tộc đều di cư từ các quốc gia khác đến, cư trú xen kẽ nhau thành một cộng đồng đa bản sắc văn hóa, nét riêng trong cộng đồng mỗi dân tộc lại là nét hiện đại của bản sắc văn hóa Singapore nói chung.
Vào năm 1965, Singapore buộc tách khỏi Liên bang Malaysia thành quốc gia độc lập thuộc thế giới thứ ba trong điều kiện hầu như không có gì, tài nguyên thiên nhiên hạn chế, kinh tế gặp khó khăn, trình độ dân trí thấp, thất nghiệp cao, bất bình đẳng xã hội nảy sinh… Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, Singapore đã phát triển rực rỡ trở thành “con rồng” của châu Á, với thu nhập bình quân đầu người (GDP) luôn trong top 10 trên thế giới (năm 2021 là 58.000 USD). Singapore là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất của thế giới, với vị thế là trung tâm tài chính lớn thứ 4 và là một trong 5 cảng biển bận rộn nhất trên toàn cầu; là thành phố công nghệ, đô thị thông minh và môi trường sinh thái hàng đầu; trung tâm văn hóa, giải trí của khu vực… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công của Singapore, trong đó chính sách dân tộc là một nguyên nhân quan trọng.
2. Chính sách dân tộc của Singapore
Tại Singapore có 30 chính đảng hoạt động, nhưng trên thực tế, Đảng Hành động nhân dân (People’s Action Party – PAP) là chính đảng cầm quyền trong thời gian dài kể từ năm 1959, nắm giữ 90% ghế trong Quốc hội Singapore. PAP phát triển đất nước theo khuynh hướng tư bản chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường tự do, mở cửa nhằm tăng trưởng kinh tế. PAP đặt ra 02 nhiệm vụ quan trọng nhất: (1) Xây dựng môi trường chính trị ổn định và (2) Tăng trưởng kinh tế nhanh. Hai nhiệm vụ này được tiến hành song song, tương tác và tạo điều kiện biện chứng tác động qua lại lẫn nhau. Để thực thi 02 nhiệm vụ đó, PAP ban hành hệ thống chính sách khác nhau, trong đó nổi lên là chính sách dân tộc(2).
Chính phủ Singapore hoạch định được chiến lược tổng thể và những bước đi cụ thể, trong đó bước đi đầu tiên là quyết định xây dựng hệ thống thể chế mang đậm nét một nhà nước đa sắc tộc và tôn giáo trước khi nghĩ đến khái niệm bản sắc dân tộc. Các chính sách tiếp theo là tạo dựng một bản sắc quốc gia – dân tộc mới, chung cho tất cả người dân Singapore, nhưng lại nhấn mạnh và tôn trọng sự phong phú, đa dạng về văn hóa, về tính đặc trưng văn hóa của mỗi cộng đồng sắc tộc khác nhau. Chủ trương xây dựng một nhà nước đa văn hóa, đa tộc người luôn là nền tảng tư tưởng chủ đạo của Singapore trong việc xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc(3).
Chính sách đa chủng tộc của Singapore đã định hình nhiều chính sách quốc gia lớn, từ giáo dục, nhà ở,… đến chính trị. Điều đó cũng có nghĩa là bảo đảm sự hài hòa xã hội giữa các chủng tộc. Để thúc đẩy sự đồng cảm và hội nhập văn hóa, điều quan trọng là những người thuộc các nền tảng khác nhau phải có đủ cơ hội để tương tác với nhau. Chính sách dân tộc Singapore có những nội dung chính như sau:
Thứ nhất, các dân tộc ở Singapore đều bình đẳng trước pháp luật
Trong khi nhiều quốc gia luôn nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc về văn hóa, thì Singapore nhấn mạnh sự phong phú, đa dạng văn hóa. Ở Singapore, trên lĩnh vực chính trị, người có trình độ, đáp ứng đủ điều kiện, bất kể dân tộc nào cũng có quyền ứng cử vào vị trí phù hợp trong bộ máy nhà nước; trên lĩnh vực kinh tế, các dân tộc dù có trình độ phát triển kinh tế – xã hội khác nhau, thì đều được tham gia mọi lĩnh vực của nền kinh tế chứ không bị giới hạn bởi yếu tố “nguồn gốc”.
Chính phủ Singapore đề cao tính công bằng giữa các dân tộc trong lãnh đạo đất nước. Các nhóm dân tộc khác nhau ở Singapore đến với nhau thành một dân tộc thống nhất, nhưng không từ bỏ tín ngưỡng, di sản văn hóa dân tộc mình, trong đó bản sắc dân tộc chung của cộng đồng sẽ được ưu tiên hơn bản sắc tôn giáo. Mọi người đều có quyền thực hành tôn giáo một cách tự do. Các tổ chức tôn giáo được tư vấn chính sách có thể tác động đến cộng đồng của họ nhưng chính phủ đưa ra quyết định cuối cùng. Cơ hội mà mọi người được ban tặng dựa trên các thành tựu cá nhân, chứ không có tính thiên vị chủng tộc, tín ngưỡng. Tất cả người dân có cơ hội công bằng để thành công theo tài năng và nỗ lực.
Thứ hai, ngay từ khi mới sinh ra, mọi công dân Singapore đều phải đăng ký với nhà nước một cách rõ ràng về thành phần tộc người và được mặc định là gắn với bản sắc dân tộc đó
Dân số của Singapore không đồng nhất. Các nhóm chính được phân biệt là người Hoa, người Mã Lai, người Ấn Độ và những người khác. Tổ tiên người Singapore đến hòn đảo này để tìm kiếm kế sinh nhai và mang theo tập quán, phong tục, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Mỗi dân tộc có nhu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa của mình cũng như đoàn kết với nhau, chung tay vì thịnh vượng của đất nước. Việc không có tài nguyên thiên nhiên càng thôi thúc các dân tộc phải gắn kết với nhau hơn. Mặc dù sự hòa nhập dân cư, hòa nhập dân tộc đã không xảy ra và các vấn đề thiểu số cơ bản của nguyên tắc phân tán và hòa nhập so với phân biệt vẫn chưa được giải quyết.
Thứ ba, tiếng Anh là ngôn ngữ hành chính của quốc gia
Sự hình thành các vùng dân tộc, giống như những vùng do Chính phủ Anh áp đặt trong thời kỳ thuộc địa, đặt ra một vấn đề nghiêm trọng đối với sự hòa nhập và hội nhập. Ngay từ những ngày đầu lập, Chính phủ Singapore đã có chính sách đa dạng văn hóa và coi đó là hòn đá tảng trong nỗ lực xây dựng một dân tộc thống nhất. Điều này có thể thấy rất rõ trong việc Singapore triển khai chính sách song ngữ. Chính phủ đã thực hiện chính sách “nhiều tiếng nói, một ngôn ngữ”, sử dụng tiếng Anh là tiếng giảng dạy và học tập, là ngôn ngữ hành chính của quốc gia. Đây thực sự là một quyết định táo bạo nhưng rất hợp lý và có ý nghĩa chính trị đặc biệt. Tiếng Anh trở thành “tiếng nói chung”, công cụ gắn kết các cộng đồng dân tộc ở Singapore(4).
Chính phủ can thiệp ở mức độ cao trong việc thực hiện chính sách này. Chính phủ thừa nhận ngôn ngữ của các cộng đồng lớn, như tiếng Malay, tiếng Hoa phổ thông và tiếng Tamil, coi ba ngôn ngữ này là ngôn ngữ chính cùng với tiếng Anh là ngôn ngữ đầu tiên. Chính phủ quy định giảng dạy kiến thức trong trường công lập bằng tiếng Anh, đồng thời dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh.
Thực thi chính sách ngôn ngữ là một yếu tố quyết định dẫn tới sự phát triển của tiếng Anh. Thông qua hệ thống giáo dục, chính sách ngôn ngữ đem lại kết quả đáng khích lệ về nhiều mặt, cơ bản đáp ứng mục tiêu đặt ra của Chính phủ. Nếu “tiếng mẹ đẻ” được xem như kho tàng bản sắc văn hóa địa phương, xác định bản sắc của quốc gia như là nguồn sáng tạo và phương tiện để biểu hiện văn hóa, thì tiếng Anh là “ngôn ngữ thương mại”, giúp Singapore hiện đại, năng động, duy trì ưu thế cạnh tranh trong phát triển kinh tế ở khu vực và thế giới. Với chính sách ngôn ngữ như vậy, Chính phủ Singapore đã tối đa hóa giá trị ngôn ngữ, khiến ngôn ngữ thực sự trở thành nguồn lực có giá trị trong phát triển kinh tế và đa dạng văn hóa(5).
Thứ tư, nhà nước cung cấp nhà ở công cộng, giá cả phải chăng cho người dân nghèo Singapore
Trước khi Singapore độc ​​lập vào năm 1959, chính quyền thuộc địa Anh đã tách các chủng tộc khác nhau thành các địa điểm cụ thể trên toàn đảo. Người Hoa sống ở khu vực trung tâm thành phố, người Mã Lai ở Kampong Glam và Geylang Serai, người Ấn Độ ở Serangoon và Sembawang. Phân biệt các chủng tộc là một phần trong chiến lược “chia để trị” của thực dân Anh. Sự phân biệt đó khiến công chúng phụ thuộc vào người Anh trong mọi vấn đề liên quan đến chủng tộc và sắc tộc, cho phép Chính phủ Anh sử dụng quyền lực của họ đối với luật pháp. Sự phân biệt đó là một trong những lý do dẫn đến bạo loạn chủng tộc xảy ra vào năm 1964(6).
Ủy ban Nhà ở và Phát triển (HDB – House Development Board) được thành lập vào năm 1960 để cung cấp nhà ở công cộng, giá cả phải chăng cho người dân Singapore, hướng đến xây dựng các nhà ở cho thuê phục vụ người nghèo. Mục tiêu của HDB là giải quyết khủng hoảng nhà ở, thúc đẩy quyền sở hữu nhà ở đối với người dân. Bằng quyền lực nhà nước, Singapore đã thay đổi môi trường sống người dân từ những ngôi nhà ổ chuột dột nát sang những khu chung cư cao tầng. Chính phủ xác định số lượng căn hộ cho từng nhóm sắc tộc chính ở trong mỗi tòa nhà. Khi đạt giới hạn được xác định số căn hộ đối với một sắc tộc, các nhà chức trách sẽ không bán tiếp cho dân sắc tộc đó. Biện pháp này nhằm ngăn chặn hình thành khu cư trú biệt lập giữa các sắc tộc. Có khoảng 4/5 dân số Singapore sống trong căn hộ của HDB. Ngày nay, với hơn 80% dân số sống trong các căn hộ HDB, nhà ở của HDB đã trở nên vô cùng quan trọng trong việc cung cấp một môi trường mà mọi người từ các nguồn gốc chủng tộc khác nhau có thể cùng tồn tại một cách hài hòa. Vì vậy, bảo đảm sự kết hợp tốt giữa các chủng tộc và nền văn hóa là điều cần thiết. Thành tựu của HDB đã đóng góp nhiều vào sự hòa hợp giữa các dân tộc. Các hộ gia đình thuộc các dân tộc khác nhau đều có quyền đăng ký mua nhà giá bao cấp và sống chung trong cùng một khu nhà chung cư với điều kiện và môi trường như nhau, giúp họ xóa bỏ những mặc cảm, thu hẹp ngăn cách(7).
Thứ năm, nhà nước và tôn giáo ở Singapore tách biệt nhau
Điều 152 của Hiến pháp Cộng hòa Singapore ghi nhận bảo đảm quyền của các cộng đồng thiểu số đối với tín ngưỡng và thực hành tôn giáo. Chính phủ có trách nhiệm quan tâm đến lợi ích của nhóm thiểu số về tôn giáo và dân tộc.
Singapore có sự hài hòa giữa các sắc tộc về tôn giáo. Hiện có khoảng 33% dân số theo Phật giáo, 18% theo Thiên chúa giáo, 13,9% theo đạo Hồi, 10% theo Đạo giáo (Taoism), 5% theo đạo Hindu và 17% dân số không theo đạo nào. Chính phủ chủ trương tách biệt nhà nước và tôn giáo, duy trì tính trung lập đối với tôn giáo. Ở Singapore, người ta có thể dễ dàng bắt gặp các ngôi chùa Phật giáo, nhà thờ Thiên chúa, nhà thờ Hồi giáo và đền thờ Đạo giáo nằm cạnh nhau. Đôi khi, người ta còn thờ tự các tôn giáo khác nhau cùng chung một địa điểm hoặc một số lễ hội các tôn giáo khác nhau cùng được phối hợp tổ chức chung. Xích mích đôi khi nổi lên giữa các nhóm tôn giáo đều được giải quyết ổn thỏa trong hòa bình. Vì là quốc gia đa tộc người, nên các lễ hội tôn giáo lớn của các tộc người đều xem là ngày quốc lễ, Nhà nước cũng tài trợ cho các hoạt động lễ hội tộc người – văn hóa đó(8).
Thứ sáu, mọi người Singapore cần có bản sắc văn hóa chung
Singapore hầu như còn giữ nguyên vẹn giá trị văn hóa khác nhau của mỗi dân tộc dưới thời cai trị của thực dân Anh. Người Malay theo Hồi giáo, nói tiếng mẹ đẻ, mang phong tục tập quán Malay. Người Ấn Độ theo Hindu giáo, nói tiếng Tamil và mang chế độ đẳng cấp. Người Hoa thờ cúng tổ tiên, thuộc thành viên của dòng họ và nói tiếng Hoa địa phương (chủ yếu là tiếng Phúc Kiến). Người Anh theo Thiên Chúa giáo, mang phong tục, luật lệ của người Anh và nói tiếng Anh.
Từ sau năm 1965, khi trở thành Thủ tướng của quốc gia độc lập, có chủ quyền, ông Lý Quang Diệu đã nhận thấy tầm quan trọng của việc tạo nên sự hài hòa xã hội trong một đất nước nhỏ bé lại đa sắc tộc và tôn giáo như Singapore. Ông đã có những nỗ lực liên tục trong việc khẳng định cá tính chung của mọi người Singapore. Ông viết: “Singapore không có người bản xứ, mọi người đều từ nơi khác đến vì nơi đây dễ kiếm tiền. Những người đến đây vì tiền thì khi không còn dễ kiếm tiền nữa họ sẽ ra đi kiếm tiền nơi khác. Nhưng quốc gia nào cũng vậy, không phải bao giờ cũng nằm trong điều kiện phát triển thuận lợi, có thuận lợi và cũng có lúc khó khăn, khúc khuỷu. Khi gặp khó khăn, nếu nhân dân cả nước không xúm vào khắc phục thì quốc gia đó sẽ bị hủy diệt. Cho nên cần thiết phải tạo nên một quan niệm, làm cho mọi người yêu mến đất nước này và tự nguyện giữ gìn đất nước, tự nguyện xây dựng đất nước tốt đẹp hơn”(9).
Thứ bảy, mọi người Singapore đều có quyền làm chủ
Chính phủ kiến tạo ra một xã hội chung cho tất cả mọi người – nơi công dân không chỉ được hưởng sự giàu có về kinh tế, mà còn có quyền làm chủ. Chính phủ Singapore cho phép người dân tham gia vào quá trình đưa ra quyết định chính sách của đất nước. Ví dụ, trước khi ban hành quyết định đưa casino vào tổ hợp kinh doanh, nghỉ dưỡng Marina Bay, Chính phủ xin ý kiến người dân về vấn đề này. Sau khi tổng hợp các phản hồi của người dân, Chính phủ mới đưa ra quyết định cuối cùng. Chính phủ coi trọng vai trò của người dân đối với đất nước, giúp họ cảm thấy gắn bó với bộ máy nhà nước, sẵn sàng ủng hộ Chính phủ và các chính sách của Nhà nước; đồng thời, Chính phủ tranh thủ được những sáng kiến của người dân trong quá trình hoạch định chính sách.
Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện chính sách liên kết và hòa hợp dân tộc một cách tự nguyện, nhưng có định hướng của nhà nước và sử dụng các biện pháp kinh tế – xã hội thay cho mệnh lệnh hành chính hay áp đặt chính trị. Trong mọi việc, nhà nước đều chú ý kêu gọi nhân dân cùng nhau hành động, ngay cả đối với những công việc đơn giản nhất như công tác vệ sinh môi trường hay an toàn giao thông(10)… Hơn nữa, Nhà nước còn thực thi những chính sách hướng tới một xã hội phát triển có công bằng, giảm bớt sự phân hóa trong xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo để mỗi công dân có thể hưởng dụng những thành quả phát triển, tiêu biểu là chính sách nhà ở, chính sách bảo hiểm, chính sách tiền lương…
Thứ tám, nhân tài được trọng dụng ở Singapore
Quốc gia này có xu hướng cộng đồng, quan tâm sự hòa hợp, chủ nghĩa bằng hữu, nhưng chính quyền thực hiện các chính sách chống chủ nghĩa bình quân, khuyến khích cá nhân phát huy hết năng lực, tài năng của mình cho công việc thông qua chế độ thù lao hợp lý, xứng đáng công sức và thành tích đóng góp của họ đã bỏ ra.
Singapore được đánh giá là quốc gia có chính sách thu hút nhân tài nước ngoài bài bản nhất thế giới. Một trong những bí quyết tạo nên thành công của quốc gia này là biết sử dụng nhân tài, không chỉ người sinh ra tại Singapore, mà cả người nước ngoài đến, không phân biệt màu da, dân tộc. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngay từ khi mới lên cầm quyền, ông Lý Quang Diệu đã xác định rõ nhân tài là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế. Chính vì thế, trong thời gian dài, chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài nước ngoài đã trở thành chiến lược ưu tiên hàng đầu của Singapore(11). Là quốc gia được tạo dựng nên từ những người nhập cư, Singapore chào đón tất cả những ai có thể đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Nhà nước thực hiện một loạt chính sách tích cực, trong đó sử dụng và đãi ngộ nhân tài là quan trọng. Chính phủ bảo đảm mọi nhân tài đều có cơ hội được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức vụ cao thông qua công khai tuyển chọn và cạnh tranh tự do, trung thực. Khuyến khích nhân tài từ bên ngoài đến, thúc đẩy lớp trẻ Singapore phát huy hết tài năng của mình. Các tài năng trẻ Singapore được đảm nhiệm những công việc thích hợp với chuyên môn và sở trường của họ, được hưởng mức lương cao, được cấp nhà ở…, đồng thời giáo dục lớp tài năng trẻ ý thức được bổn phận và nghĩa vụ của mình đối với người than, đồng bào và xã hội, đóng góp vào sự phát triển quốc gia.
Để khắc phục sự khủng hoảng dân số, thiếu nhân tài. Chính phủ Singapore tuyển chọn nhân tài dựa trên năng lực, khả năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước chứ không phân biệt quốc tịch, chủng tộc của người nhập cư. Chính vì vậy, Singapore đã thu hút được một bản danh sách ấn tượng những nhà khoa học lỗi lạc của thế giới. Với một chính sách bài bản và đúng đắn như vậy, Singapore xứng đáng với tên gọi “Trung tâm thu hút nhân tài” của thế giới.
Việc kiên trì định hướng chính sách dựa trên nguyên tắc thị trường và cách tiếp cận của chủ nghĩa quản lý (kỹ trị) đối với quản trị và cung ứng dịch vụ công là kinh nghiệm thành công giúp nền kinh tế Singapore hội nhập với thế giới. Trong đó, công tác lãnh đạo đóng vai trò quan trọng giúp phát triển hệ thống công vụ trong sạch, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hiện tại và tương lai, với những thế hệ lãnh đạo nêu gương và đội ngũ công chức đủ phẩm chất, năng lực và nhiệt huyết đổi mới; phát triển một xã hội lành mạnh và văn hóa bài trừ tham nhũng; thực hiện cách tiếp cận đồng bộ cả hệ thống chính phủ và lập kế hoạch theo kịch bản để ứng phó với các tình huống phức hợp, khó đoán định trong tương lai(12).
Nhờ chính sách dân tộc đúng đắn, Singapore đã phát huy được những tiềm năng của mỗi cá nhân, kết hợp hài hòa lợi ích của những cộng đồng sắc tộc khác nhau, xây dựng một xã hội mang tính cộng đồng cao, đa dạng về văn hóa tôn giáo, phân phối kinh tế công bằng, giữ gìn quan hệ hữu nghị của các dân tộc. Chính phủ đánh giá đúng tình trạng đất nước trong mọi hoàn cảnh; học tập sáng tạo những kinh nghiệm của những quốc gia mang đặc điểm giống mình và có cách đi riêng; xác định con người là quan trọng nhất xây dựng quốc gia đa dân tộc, tôn giáo và văn hóa; gìn giữ những giá trị văn hóa tích cực và vứt bỏ những mặt tiêu cực không thích hợp thời đại mới; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm và tri thức của các nước tiên tiến trên thế giới; có tinh thần quyết tâm đạt đến mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong xây dựng và thực thi chính sách dân tộc
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam là một khối thống nhất trong đa dạng, cùng chung vai sát cánh gắn bó trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai địch họa, xây dựng và phát triển đất nước hùng cường.
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định công tác dân tộc, chính sách dân tộc có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Nguyên tắc cơ bản bao trùm, xuyên suốt và nhất quán trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ”. Nguyên tắc này được thể hiện rõ trong Điều 5 Hiến pháp năm 2013(13). Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để vấn đề dân tộc và công tác dân tộc được thực thi; quyền và nghĩa vụ công dân cũng như đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo đảm, không ngừng được nâng lên.
Mặc dù được Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm lớn trong công tác dân tộc, đồng bào các dân tộc thiểu số đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt so với trước thời kỳ đổi mới, gặt hái nhiều thành tựu tiến bộ trên tất cả các phương diện, tuy nhiên so với sự phát triển của đất nước nói chung, đồng bào dân tộc thiếu số vẫn còn nhiều khó khăn. Điều đó cho thấy, việc hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta vẫn còn bất cập đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc. Qua sự thành công của Singapore trong hệ thống chính sách quốc gia nói chung và chính sách dân tộc nói riêng, có thể rút ra những gợi mở về chính sách dân tộc cho Việt Nam như sau:
Một là, chính sách dân tộc phải giải quyết linh hoạt quan hệ giữa tính cộng đồng và tính cá nhân, bảo đảm hài hòa giá trị lợi ích của cá nhân và cộng đồng, giữa thiểu số và đa số, giữa các nhóm thiểu số với nhau. Các tổ chức có thẩm quyền cần nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số về vai trò, trách nhiệm trong sự phát triển chung của đất nước; giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc và luôn đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết.
Hai là, tạo sự bình đẳng giữa các dân tộc. Cần khen thưởng động viên, đãi ngộ phù hợp, đồng thời có chế tài thích đáng, nghiêm minh, mang tính răn đe đối với những người có hành vi gây mâu thuẫn các dân tộc.
Ba là, tạo điều kiện để mọi người đóng góp cho cộng đồng, phát huy hết tài năng, trí tuệ, tính sáng tạo, vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, đối với dân tộc.
Bốn là, xây dựng những kế hoạch lâu dài, mang tính chủ động, sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống với tầm nhìn xa trong một thế giới đầy biến động và cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng khốc liệt.
Năm là, phát huy sức mạnh của các dân tộc thiểu số, giúp cho các dân tộc thiểu số dần vượt qua những khó khăn để phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, làm chủ công nghệ, kỹ thuật canh tác, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh tạo cơ hội phát triển, hội nhập quốc tế.
Sáu là, cần dựa trên cơ sở chiến lược tổng thể, các chương trình hay kế hoạch phát triển liên vùng, tạo ra những tác động phát triển thống nhất và bền vững, tránh chồng chéo, cục bộ, mâu thuẫn lợi ích trong việc thực hiện mục tiêu chính sách dân tộc ở các địa phương riêng biệt theo các phân chia đơn vị hành chính.
4. Kết luận
Tóm lại, Singapore là quốc gia có sự phát triển vượt bậc về kinh tế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công đó là Chính phủ Singapore đã có chính sách dân tộc đúng đắn, phù hợp, phát huy vai trò của từng cá nhân và cộng đồng các dân tộc. Chính sách dân tộc của Singapore là những kinh nghiệm quý báu và cần thiết cho Việt Nam tham khảo trong việc huy động, phát huy nguồn lực con người nói chung và nguồn lực trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nước ta nói riêng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình phát triển đất nước./.

————————————

(1) https://danso.org/singapore/
(2) Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Một số vấn đề về xung đột sắc tộc và tôn giáo Đông Nam Á. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.303-343
(3) Nghiên cứu về thực hiện các chính sách dân tộc thiểu số ở Singapore, Tạp chí Khoa học và Công nghệ (2020), Trường Đại học Duy Tân
(4) Nguyễn Thị Như, Chính sách ngôn ngữ của
Singapore, Tạp chí Khoa học (2018), Đại học Tân Trào
(5) Nguồn: L. Quentin Dixon (2005), The Bilingual Education Policy in Singapore: Implications for Second Language Acquisition, Harvard University Graduate School of Education
(6) và (7) Nguồn: https://lkyspp.nus.edu.sg/gia/article/multiracial-singapore-ensuring-inclusivity-and-integration
(8) Nguồn: Netina Tan (2013), Multiracialism and Politics of Regulating Ethnic Relations in Singapore
(9), (10) và (11) Lý Quang Diệu, Bí quyết hóa rồng – Lịch sử Singapore1965 – 2000. Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001
(12) Phạm Đức Toàn, Sẵn sàng với tương lai – Bài học kinh nghiệm từ nền quản trị công Singapore, https://cchc.bariavungtau.gov.vn, ngày 08/12/2016
(13) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2014

Tạp chí Khoa học Chính trị Số 07/2022