TS. NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG(*)

(*) Học viện Chính trị khu vực II,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Cách đây 50 năm, Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972) đã cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí kiên cường, sáng tạo, tự lực, tự cường, đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó chính là biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, tiếp tục được khơi dậy, phát huy để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Từ khóa: “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”; bản lĩnh; trí tuệ; chủ nghĩa anh hùng

1. Đế quốc Mỹ gây chiến tranh xâm lược phá hoại miền Bắc
Trong quá trình xâm lược miền Nam, đế quốc Mỹ đã nhận thấy rõ miền Bắc là căn cứ địa của cả nước, hậu phương lớn của cuộc kháng chiến cứu nước ở miền Nam. Vì vậy, ngay từ đầu và trong tất cả các thời kỳ của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chúng luôn tìm cách phá hoại miền Bắc. Trước thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam (1961 – 1965), đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965 – 1968), đưa quân viễn chinh và quân các nước chư hầu của Mỹ vào miền Nam; đồng thời âm mưu mở rộng cuộc chiến tranh leo thang phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa bằng cách dựng nên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”. Ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ huy động 64 máy bay ồ ạt, bất ngờ tấn công ném bom vào nhiều mục tiêu quan trọng ven biển Bắc Bộ: Cảng Gianh (Quảng Bình), Vinh – Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) và Bãi Cháy (Quảng Ninh), mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn vào miền Bắc Việt Nam.
Bước sang đầu năm 1965, đế quốc Mỹ sử dụng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965 – 1968). Ðây là một bộ phận khăng khít của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, hỗ trợ cho hoạt động của lục quân Mỹ trên chiến trường miền Nam. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 11 khóa III (tháng 3/1965), quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của miền Bắc từ thời bình sang thời chiến nhằm bảo đảm cho miền Bắc có đủ sức mạnh đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ và làm tròn vai trò, nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Trong hơn 04 năm (từ ngày 05/8/1964 đến ngày 01/11/1968), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi và bắn cháy 3.234 máy bay (trong đó có 06 máy bay B.52, 03 máy bay F.111), diệt và bắt sống hàng nghìn giặc lái Mỹ; bắn chìm và bắn bị thương nhiều tàu chiến và tàu biệt kích. Do bị thất bại nặng nề, buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở vào từ ngày 31/3/1968 và ngừng hoàn toàn ném bom, bắn phá miền Bắc từ ngày 01/11/1968(1).
Thắng lợi của quân dân miền Nam và miền Bắc trong việc đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải đàm phán nhằm kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ cuối năm 1968, R.Nixon đã cho ra đời “Học thuyết Nixon”, tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Đông Dương, hòng mưu toan khôi phục lại sức mạnh của Mỹ, cố giữ vai trò “sen đầm quốc tế”, cố bám lấy những lợi ích đế quốc chủ nghĩa trên thế giới và bám giữ miền Nam Việt Nam. Vì vậy, chính quyền R.Nixon đã tiến hành “Đông Dương hóa chiến tranh” trên toàn cõi Đông Dương và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở Việt Nam (1969 – 1973).
Thất bại liên tiếp tại Đường 9 – Nam Lào (năm 1971) và đặc biệt là sau cuộc tiến công chiến lược của quân và dân Việt Nam trên chiến trường miền Nam (năm 1972), chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Tháng 11 và 12/1972, cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ở Hội nghị Paris (Pháp) ngày càng căng thẳng mà không đi đến kết quả nào. Để cứu vãn tình thế, chính quyền R.Nixon đã quyết định phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai (tháng 4/1972), tiến hành “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, bằng cách huy động không quân và hải quân nhằm tàn phá hậu phương lớn miền Bắc mà đỉnh cao là mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân đánh phá Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và nhiều mục tiêu chiến lược khác trên miền Bắc. Để tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng không quân và hải quân với số lượng lớn nhất và hiện đại nhất. Về máy bay, đế quốc Mỹ huy động lúc cao nhất là 1.400 máy bay chiến thuật, chiếm 40% lực lượng không quân chiến thuật Mỹ; 193 máy bay B.52, chiếm 45% số máy bay B.52 toàn nước Mỹ (lực lượng không quân Mỹ sử dụng để đánh Việt Nam bằng lực lượng không quân ba nước mạnh nhất Tây Âu lúc đó cộng lại, gồm: Anh: 600 chiếc; Pháp: 475 chiếc; Tây Đức: 500 chiếc). Về tàu chiến, chúng huy động 14 chiếc, chiếm 3/4 số tàu chiến của Hạm đội 7(2). Trong đó, máy bay ném bom B.52 là phương tiện chủ lực mà quân đội Mỹ sử dụng để tiến hành cuộc tập kích. Chính quyền Mỹ cho rằng, loại vũ khí chiến lược như “siêu pháo đài bay B.52” có thể ép được chúng ta ký Hiệp định Paris theo những điều khoản có lợi cho Mỹ.
Ngày 14/12/1972, sau khi đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, R.Nixon chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh “Linebacker II”, nhằm đánh phá, huỷ diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản có lợi cho Mỹ; hạn chế sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam; làm tê liệt ý chí chiến đấu, giảm thế và lực của ta so với địch trên chiến trường; đe doạ phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đồng thời, Mỹ muốn chứng minh cho thế giới sức mạnh quân sự của Mỹ và răn đe các nước đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của R.Nixon đã vượt xa cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ra miền Bắc của B.Johnson cả về quy mô, tốc độ, cường độ đánh phá, nhất là Mỹ đã sử dụng một cách phổ biến, tập trung các loại máy bay hiện đại nhất, như B.52, F.111,… Trước dã tâm của đế quốc Mỹ, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chính phủ đã ra lời kêu gọi toàn quân, toàn dân ta kiên quyết chiến đấu chống lại mọi hành động leo thang chiến tranh mới của đế quốc Mỹ. Thực hiện nghị quyết của Đảng, miền Bắc đã nhanh chóng chuyển mọi hoạt động vào thời chiến. Các lực lượng vũ trang nhân dân kiên quyết đánh trả lực lượng không quân của Mỹ. Công tác phòng không nhân dân được tiến hành khẩn trương… Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào trận chiến đấu mới, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ dội bom xuống thủ đô Hà Nội bắt đầu từ ngày 18/12/1972, tinh thần anh dũng, quả cảm, sáng tạo của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chính nghĩa để bảo vệ thủ đô, bảo vệ Tổ quốc một lần nữa làm cho thế giới phải khâm phục, kẻ thù phải khiếp sợ.
2. “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không”, chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trước sức mạnh quân sự của đế quốc Mỹ
Thắng lợi của “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Từ đầu năm 1968, bám sát tình hình, đặc biệt là thái độ hiếu chiến của đế quốc Mỹ, trong lần đến thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Sớm muộn gì rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ và chuẩn bị,… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(3). Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ tháng 02/1968, với dự liệu đế quốc Mỹ có thể dùng B.52 leo thang đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến. Bản kế hoạch đánh B.52 được Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Quân chủng Phòng không – Không quân gấp rút xây dựng từ đầu năm 1969 và liên tục được bổ sung đến tháng 9/1972 hoàn chỉnh cuốn “Cẩm nang đỏ” mang tên “Cách đánh B.52 của bộ đội tên lửa”.
Tháng 10/1972, khi bản dự thảo cho một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam bị chính quyền R.Nixon lật lọng, Bộ Chính trị đã khẳng định: Mỹ đang cố giành một thắng lợi quân sự để kết thúc chiến tranh trên thế mạnh. Tuyệt đối không lơ là mất cảnh giác. Miền Bắc phải tiếp tục đánh bại chiến tranh bằng không quân và hải quân của Mỹ ở “mức độ cao hơn”. Quán triệt tinh thần đó, quân và dân Thủ đô đã chủ động bước vào cuộc đọ sức với “siêu pháo đài bay B.52” của Mỹ với sự bình tĩnh và tự tin, với một quyết tâm và sự thống nhất cao độ. 
Như vậy, ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sớm nhận rõ và dự báo chính xác tình hình, xác định quyết tâm chiến lược, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân và dân ta chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để quyết đánh, quyết thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của Mỹ.
20 giờ 18 phút ngày 18/12/1972, chiến dịch tấn công miền Bắc Việt Nam bằng pháo đài bay chiến lược B.52 của Mỹ phát hỏa. Đế quốc Mỹ sử dụng và huy động những loại vũ khí chiến lược tối tân, hiện đại, tập trung vào một thời gian ngắn, không gian hẹp làm cho tính chất ác liệt cuộc chiến tranh lên đến đỉnh cao nhất.
Trong 12 ngày đêm (từ ngày 18/12 đến ngày 29/12/1972), đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B.52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 nghìn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, đế quốc Mỹ sử dụng 441 lần chiếc B.52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng nghìn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học… Chúng đã hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt khu phố Khâm Thiên – khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội(4).
Phát huy bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử “siêu pháo đài bay B.52” thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cụ thể, có 81 máy bay các loại của Mỹ bị bắn rơi, gồm: 34 chiếc B.52, 05 chiếc F.111A, 21 chiếc F.4CE, 04 chiếc A.6A, 12 chiếc A.7, 01 chiếc F.105D, 02 chiếc RA.5C, 01 chiếc trực thăng HH.53, 01 chiếc trinh sát không người lái 147.SC(5). Phía đế quốc Mỹ phải chịu tổn thất không thể bù đắp được là mất hàng trăm phi công kỳ cựu, đã bay hàng nghìn giờ. Họ là nguồn nhân lực tác chiến bậc cao của quân đội Mỹ. Đây là lần đầu tiên, quân và dân ta tổ chức và thực hiện thắng lợi một chiến dịch phòng không – một loại hình chiến dịch của chiến tranh hiện đại – đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của địch, một chiến dịch phòng không độc nhất trong 30 năm chiến tranh giải phóng.
Trước sự thất bại liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc đã bị thất bại hoàn toàn. 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết.
Có thể nói, cuộc đối đầu lịch sử của nhân dân Việt Nam trước âm mưu và sức mạnh của cả nước Mỹ không chỉ về lực, về vũ khí, phương tiện chiến tranh, mà còn là sự thử thách bản lĩnh, lòng dũng cảm, sự đấu trí, đấu sức sáng tạo giữa hai lực lượng cách mạng và phản cách mạng; giữa chính nghĩa và phi nghĩa một cách quyết liệt nhất. Thắng lợi đó đã thể hiện bản lĩnh cách mạng, sự sáng tạo, sự dũng cảm, dám đánh và quyết thắng của quân, dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó cũng đã tô thắm thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Trong những ngày diễn ra trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, thế giới được chứng kiến sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang của một dân tộc, một Thủ đô chiến đấu có tổ chức, bình tĩnh, tự tin và lạc quan một cách lạ kỳ. Nếu không có bản lĩnh được thử thách tôi luyện trong cuộc sống, trong chiến đấu, được hội tụ trong tầng cao văn hóa giữ nước của dân tộc thì khó có thể đứng vững trước những thử thách khốc liệt như cuộc tàn phá mang tính hủy diệt của không quân Mỹ cuối năm 1972. Bên cạnh việc chiến đấu chống lại sức mạnh của không quân Mỹ, miền Bắc vẫn duy trì việc tiếp nhận viện trợ quốc tế, đẩy mạnh chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến; bảo đảm được các tuyến giao thông chiến lược để chi viện cho tiền tuyến; phát triển thắng lợi cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam.
Chứng kiến cuộc chiến đấu 12 ngày đêm kiên cường, dũng cảm của quân dân ta, chính H.Kissinger – cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã thú nhận: “Nếu Việt Nam chỉ anh hùng không thôi, thì chúng tôi sẽ đè bẹp, nhưng Việt Nam vừa anh hùng, vừa thông minh, sáng tạo nên chúng tôi đã thua”(6). Đúng như vậy, với việc đập tan cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, chúng ta đã buộc đế quốc Mỹ phải cút khỏi miền Nam Việt Nam. Từ thắng lợi có tính bản lề này, hai năm sau, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã thu non sông về một mối, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Lịch sử của dân tộc mà đế quốc Mỹ đã từng tuyên bố đưa trở về thời kỳ “đồ đá” đã bước sang kỷ nguyên mới: độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội. 
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không”, không chỉ làm nức lòng nhân dân cả nước mà còn làm cho đông đảo nhân dân yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên toàn thế giới rất đỗi vui mừng. Việt Nam trở thành tấm gương chói lọi và là biểu tượng của sức mạnh chính nghĩa thắng hung tàn, bạo ngược. Đồng thời, một lần nữa khẳng định đường lối lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng ta; sức mạnh to lớn của nhân dân ta, dân tộc ta; tinh thần sáng tạo quyết tâm làm chủ vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật; quyết tâm khai thác triệt để tiềm năng và hiệu quả của vũ khí và trang thiết bị hiện có của Quân đội nhân dân; đồng thời đã vô hiệu hoá được sức mạnh của những trang thiết bị, vũ khí, hỏa lực của đế quốc Mỹ; hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại mà địch có thể gây ra và tận dụng hết khả năng vũ khí vốn có của mình để chiến thắng. 
Trung tướng Victor Ivanovich Filippov, cựu chuyên gia quân sự Nga công tác tại Hà Nội năm 1972, trả lời phỏng vấn Đài VOV đã khẳng định yếu tố quyết định làm nên chiến thắng này chính là nhân dân Việt Nam đã anh dũng bảo vệ đất nước mình: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng và quân đội Mỹ đã không rút ra được các bài học khi vẫn âm mưu khuất phục ý chí quật cường của dân tộc các bạn bằng bom đạn. Thứ hai, cuộc đấu tranh của các bạn là chiến đấu vì độc lập, tự do của chính dân tộc mình, còn cuộc chiến của Mỹ là cuộc chiến xâm lược. Thứ ba, nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc của mình và sự nghiệp chính nghĩa ấy đã nhận được sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới cũng như ở Mỹ. Việt Nam đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến tranh giành độc lập”(7).
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta tự hào về những chiến công oanh liệt, truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc; tự hào về dân tộc ta, một dân tộc giàu lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình và công lý; tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đảng và về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, bản lĩnh, tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và nhân dân làm nên chiến thắng. Chiến thắng đó còn bắt nguồn từ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng kẻ thù của nhân dân Việt Nam cùng sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Hiện nay, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, việc phát huy bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thắng lợi của chiến tranh giải phóng dân tộc, trong đó có chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là rất cần thiết. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc, coi trọng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước trên thế giới theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng phương pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực với nước khác; thường xuyên nêu cao cảnh giác, sẵn sàng tự vệ, đập tan mọi hành động xâm lược, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ thành quả cách mạng.
Đảng tiếp tục khẳng định: “Nâng cao bản lĩnh chính trị; kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng; kịp thời tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để đổi mới sáng tạo, chống bảo thủ, trì trệ, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện cơ hội chính trị”(8). Trong đó, bản lĩnh chính trị của Đảng cần được nhận thức sâu sắc như điều kiện bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh của một Đảng chân chính cách mạng lãnh đạo đất nước, xã hội. Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh, trong điều kiện một thế giới đầy biến động, khó lường, phải nâng cao “năng lực dự báo”, phân tích, đánh giá đúng đắn thực tiễn của đất nước và “xu thế phát triển của thời đại”. Điều đó đòi hỏi nâng cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo và với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị. Những quyết sách chính trị của Đảng lãnh đạo và cầm quyền phải được bảo đảm sự đúng đắn, chính xác, chủ động, không bị động, bất ngờ trên tất cả các lĩnh vực. Bản lĩnh chính trị của Đảng đặt ra yêu cầu các tổ chức đảng, cấp ủy đảng, mỗi cán bộ, đảng viên “trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược” nâng cao tính chiến đấu. Kiên quyết phê phán, loại bỏ những sai trái, khuyết điểm, bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám vượt qua và có năng lực vượt qua khó khăn, thách thức. Ngày nay, bản lĩnh chính trị của Đảng không những là yêu cầu của sự lãnh đạo của Đảng mà còn có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng.
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là sự kiện lịch sử trọng đại và kỳ tích có một không hai – biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, góp phần rất quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cũng đã chứng minh hùng hồn chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, một nước đất không rộng, người không đông nhưng biết đoàn kết đấu tranh cho độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, với sự lãnh đạo của một đảng mácxít chân chính, với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới thì có thể chiến thắng mọi kẻ thù, dù chúng có các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Năm mươi năm sau ngày chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không”, đặc biệt sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị trí và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; thuận lợi, thời cơ đan xen với khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp, cấp bách hơn đối với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước”, cần phát huy tinh thần “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn, phấn đấu đưa nước ta đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thực hiện được tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Cách đây 10 năm, nhân kỷ niệm 40 năm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Năm tháng sẽ qua đi, chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo; là niềm tự hào của dân tộc ta, nhân dân ta, quân đội ta, là một trong những chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng; ghi đậm dấu ấn của cuộc đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh”(9) ./.

—————————————-

(1) và (2) Đại cương Lịch sử Việt Nam, t.3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.218 và 240
(3) Hồ Chí Minh – Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1990, tr.204
(4) và (5) Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” (12/1972 – 12/2022)
(6)https://www.sggp.org.vn/chien-thang-cua-ban-linh-va-tri-tue-viet-nam-491367.html, truy cập ngày 08/11/2022
(7) https://dantri.com.vn/the-gioi/ky-tich-dien-bien-phu-tren-khong-su-ngoi-ca-cua-the-gioi-20171222.htm, truy cập ngày 06/11/2022
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.225-226
(9) Trích bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân kỷ niệm 40 năm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội (12/2012) http://dukcqtw.dcs.vn/ky-niem-trong-the-40-nam-chien-thang -ha-noi-dien-bien-phu-tren-khong, truy cập ngày 08/11/2022

(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 10_2022)