NGUYỄN YẾN NGỌC(*)

(*) ThS, Báo Nhân dân

Tóm tắt: Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế phát triển nhanh, mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và ảnh hưởng đến xu thế dân chủ hóa, nhu cầu cần công khai, minh bạch các thông tin. Truyền thông đại chúng có thêm nhiều cơ hội khẳng định vai trò trong kiểm soát quyền lực nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh phát huy tính đúng đắn chức năng phản biện, dự báo và giám sát của báo chí truyền thông và dư luận xã hội, còn phải phòng ngừa, cảnh giác với việc lợi dụng, lạm dụng chức năng này để trục lợi, vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ và làm rối loạn, nhiễu thông tin và dư luận.
Từ khóa: kiểm soát quyền lực nhà nước; Thành phố Hồ Chí Minh; truyền thông đại chúng

1. Đặt vấn đề
Truyền thông đại chúng là hệ thống các phương tiện truyền thông mà hướng tác động đến là đông đảo công chúng nhằm thông tin, chia sẻ, tập hợp, giáo dục, thuyết phục và tổ chức đông đảo nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội đã và đang đặt ra. Truyền thông đại chúng là một quá trình xã hội đặc thù, bao gồm ba thành tố: hoạt động truyền thông; các nhà truyền thông; công chúng độc giả và khán, thính giả. Căn cứ vào tính chất kỹ thuật và phương thức thực hiện truyền thông, truyền thông đại chúng được chia thành các loại hình khác nhau, đó là: sách; báo in; điện ảnh; phát thanh; truyền hình; quảng cáo; internet; băng, đĩa hình và âm thanh,…
Trong kiểm soát quyền lực nhà nước, truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng, thể hiện ở: (1) cung cấp thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước tới nhân dân, công khai, minh bạch thông tin để người dân giám sát hoạt động quyền lực nhà nước; (2) giám sát và phản biện xã hội; (3) định hướng tư tưởng, hình thành công luận xã hội. Ðại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là phải “tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”(1), đồng thời coi việc “tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”(2) là một trong các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh, “tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước” là nội dung cần chú trọng để hoàn thành mục tiêu trọng tâm của quá trình đổi mới hệ thống chính trị là xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước có ý nghĩa quan trọng bảo đảm quyền lực nhà nước của nhân dân.
2. Thực trạng vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Quyết định số 1786/QĐ-UBND ngày 22/5/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh có 161 cơ quan báo chí Trung ương đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú; 10 chi nhánh đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền, 46 đơn vị hoạt động truyền hình thu qua vệ tinh; 28 cơ quan báo chí của địa phương (trong đó 16 báo, 01 đài truyền hình, 01 đài tiếng nói nhân dân và 10 tạp chí)(3). Các loại hình báo chí ở Thành phố Hồ Chí Minh đa dạng gồm: báo in, truyền hình, phát thanh, báo điện tử. Một số các sở, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức nghề nghiệp có tạp chí hoặc báo riêng, cổng thông tin điện tử. Báo chí phổ biến nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; thông tin về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; các tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư phát triển của Thành phố; thông tin về hoạt động quản lý nhà nước, các thủ tục hành chính công, thúc đẩy quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Kết quả thực hiện vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước
Một là, tuyên truyền, cung cấp thông tin hoạt động của các cơ quan nhà nước
Các cơ quan truyền thông đại chúng trên địa bàn Thành phố đã thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp tình hình thực tiễn của Thành phố và nhu cầu của nhân dân. Đây là kênh giám sát hiệu quả với người dân khi thông tin được cung cấp nhanh chóng, ngay lập tức và cập nhật. Truyền thông đại chúng trở thành cầu nối trực tiếp giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin của người dân.
Các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều loạt bài tuyên truyền việc tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, thể hiện rõ quyết tâm đổi mới phương pháp làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần phục vụ, giảm dần các biện pháp mệnh lệnh hành chính, góp phần tham gia sâu hơn vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách cho Thành phố.
Báo chí cũng đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sự chủ động, khơi dậy các tiềm năng nội lực từ gia đình, cộng đồng dân cư… tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Hai là, giám sát và phản biện xã hội
Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng không thể thiếu trong hoạt động giám sát, phản biện đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra yêu cầu: “Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân”(4).
Truyền thông đại chúng giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc phản ánh về các nội dung liên quan đến năng lực thực thi công vụ, tinh thần trách nhiệm, sự am hiểu và thực hiện đúng pháp luật, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức; từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong cán bộ, công chức, nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Quy định số 1374-QĐ/TU ngày 01/12/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã chỉ rõ thông tin phản ánh được xác định là có cơ sở theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xem xét, xử lý từ 04 nguồn, trong đó có báo chí. Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, thông tin phản ánh của báo chí “liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị nào thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó lãnh đạo, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp và ban thường vụ cấp trên; văn phòng cấp ủy cấp trên của đơn vị tổng hợp, báo cáo, đề xuất thường trực cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; ban tuyên giáo cấp các cấp tham mưu, đề xuất thường trực cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tư tưởng chính trị, bức xúc trong dư luận xã hội của Thành phố, địa phương, đơn vị”(5).
Kết quả thực hiện Quy định số 1374-QĐ/TU cho thấy, Thành phố đã tiếp nhận hơn 9.000 thông tin, trong đó thông tin từ báo chí chiếm hơn 12%. Qua xử lý thông tin phản ánh của báo chí, các cấp ủy đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy chế cho phù hợp với thực tiễn. Qua đó cho thấy, thông tin phản ánh hằng ngày của báo chí đóng vai trò rất quan trọng, trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp(6).
Vai trò của truyền thông đại chúng trong giám sát và phản biện xã hội thể hiện được những vấn đề mà xã hội quan tâm, đó là: phòng, chống các hiện tượng xã hội tiêu cực; nâng cao nhận thức cho người dân và đấu tranh cho công bằng xã hội. Đặc biệt, vai trò phòng, chống tham nhũng được các cơ quan truyền thông đại chúng tại Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm gấp nhiều lần với các tỉnh, thành trọng điểm khác, như Hà Nội, Quảng Ninh, Cần Thơ(7).
Ba là, góp phần định hướng tư tưởng, hình thành công luận
Truyền thông đại chúng chủ động tuyên truyền các chương trình của Ban Tuyên giáo Thành ủy về đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và chương trình xây dựng, hình ảnh “Công dân Thành phố” góp phần hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Thành phố bằng loại hình văn hóa, văn nghệ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, khẳng định việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một quyết sách độc đáo của Đảng bộ Thành phố, đáp ứng mong muốn của người dân trong việc thể hiện tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong năm 2021 – 2022, các cơ quan truyền thông đã thực hiện gần 200.000 tin, bài, ảnh và các sản phẩm báo chí dưới hình thức infographic, eMagazine; trên 1.000 chương trình, sản phẩm truyền hình, video clip; gần 500 chương trình, sản phẩm phát thanh; 01 hội thảo khoa học, 03 tọa đàm khoa học, 07 chuyên đề nghiên cứu, 19 hồ sơ sự kiện, sự kiện nhân chứng, 01 cuốn sách. Trong số đó, có hàng ngàn sản phẩm được thực hiện bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Khmer, Chăm (của Thông tấn xã Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh…)(8).
Hạn chế trong việc phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước
Thứ nhất, giám sát, cung cấp thông tin hoạt động của các cơ quan nhà nước
Nhiều thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước hay người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị các kênh truyền thông đại chúng đưa tin sai lệch, hay thổi phồng, làm mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền. Trong năm 2022, 24 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực hoạt động báo chí, cung cấp thông tin vi phạm pháp luật mà Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt, với tổng số tiền phạt 780 triệu đồng. Ngoài ra, có 58 tên miền bị tạm ngưng, thu hồi. Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại địa phương và cả đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nhiều phóng viên chỉ soi mói, tìm những sơ hở, hạn chế của tổ chức, doanh nghiệp, địa phương để gây áp lực với động cơ không lành mạnh(9).
Mặc dù, các kênh phản hồi chính sách đã được cải tiến và dần hoàn thiện, nhưng vẫn còn độ trễ nhất định; việc xây dựng kênh phản hồi chính sách dựa trên nền tảng internet ở nước ta vẫn còn giản đơn, chưa thực sự tạo ra kênh phản hồi thuận tiện để người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến sâu hơn, đầy đủ, toàn diện và kịp thời hơn đối với các chính sách của nhà nước. Vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xảy ra chủ yếu với báo điện tử và báo hình; tình trạng đưa tin mang tính chất giật gân, phong trào, kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến các quy định pháp luật, các kết luận của cơ quan chức năng, tình trạng “suy đoán có tội” tồn tại trong báo chí gây thiệt hại rất lớn đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, làm giảm lòng tin của công chúng và chính quyền các cấp vào báo chí và các đơn vị truyền thông.
Thứ hai, giám sát và phản biện xã hội
Không phải lúc nào, cơ quan báo chí hay nhà báo nào cũng làm đúng, làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Thực tế, đã có không ít vụ việc phản biện của báo chí chưa đúng sự thật, chưa khách quan, thiếu công tâm, phản biện sai lệch, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường cho cá nhân, tập thể, địa phương bị phản ánh. Một số cơ quan báo chí còn lợi dụng chức năng giám sát, phản biện xã hội để chạy theo sự kiện giật gân, câu view mà xem nhẹ hay bỏ qua các vấn đề trọng tâm của đời sống, thậm chí thông tin chạy theo lợi ích nhóm.
Thứ ba, định hướng tư tưởng, hình thành công luận
Truyền thông đại chúng chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ, việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp. Thông tin trên báo chí trong một số trường hợp còn chậm hơn so với tình hình diễn biến thực tế nên chưa phát huy được vai trò định hướng dư luận xã hội. 
Truyền thông đại chúng còn đưa một số thông tin chưa đúng sự thật, thiếu trung thực, khách quan, thậm chí bịa đặt, bôi đen, thổi phồng… gây hậu quả tiêu cực cho cá nhân, tập thể, địa phương bị phản ánh, đồng thời khiến cho công chúng nhận thức lệch lạc về một số vấn đề trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước… Đối với việc truyền thông thông tin, tư tưởng nói chung và truyền thông chính sách nói riêng, tình trạng dư thừa, sai lệch thông tin còn diễn ra khá phổ biến, làm tổn hại và lệch lạc thông điệp mà Chính phủ muốn gửi đến người dân, do đó, việc triển khai truyền thông chính sách không đạt được hiệu quả như mong muốn.
3. Giải pháp nâng cao vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới
Một là, đa dạng hóa phương thức tiếp cận, truyền tải thông tin về hoạt động của cơ quan nhà nước đầy đủ, kịp thời, đúng sự thật
Các cơ quan báo chí cần tăng cường tiếp cận đối với khu vực kém phát triển, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng yếu thế để các nhóm chủ thể này có được cơ hội tăng cường hiểu biết các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó, có điều kiện, cơ hội tham gia thực chất hơn vào quá trình giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Các cơ quan báo chí, truyền thông trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, như Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, báo Sài Gòn giải phóng, báo Người Lao động, báo Pháp luật Thành phố… cần tăng cường các chuyên mục về đối thoại chính sách, trong đó, đẩy mạnh hơn nữa sự tương tác sâu rộng của các tầng lớp nhân dân vào nội dung chương trình. 
Hai là, nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát, phản biện xã hội
Các cơ quan truyền thông đại chúng cần chủ động và phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách để thực hiện việc lấy ý kiến phản biện của nhân dân. Tùy theo tính chất của mỗi hoạt động để sắp xếp kế hoạch, thời gian đưa tin về quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, đưa nội dung này thành các chủ đề thường xuyên của báo chí truyền thông. Cần có các quy định chặt chẽ về chuyên môn với các nhà báo, tòa soạn khi đưa tin bài cần kịp thời, nói đúng và trúng vấn đề cần phản biện.
Ba là, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất chính trị của người làm công tác truyền thông
Cần sớm xem xét, sửa đổi Luật Báo chí cho phù hợp với thực tiễn hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa truyền thông đại chúng hiện nay. Xem xét, sửa đổi “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” thành “Quy tắc đạo đức nhà báo” với những quy định cụ thể hơn.
Xử phạt nghiêm, đúng pháp luật những cơ quan truyền thông đại chúng, nhà báo cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần những quy định của pháp luật về báo chí.
Các cơ quan quản lý báo chí cần thường xuyên rà soát nhân sự, chú trọng công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ với bố trí, bổ nhiệm, đề bạt và sử dụng cán bộ báo chí hợp lý sau khi được đào tạo một cách đúng đắn, hiệu quả. Tăng cường công tác giáo dục – đào tạo nâng cao dân trí để hạn chế tình trạng người dân vì thiếu thông tin mà bị những nhà báo thiếu đạo đức huyễn hoặc, gây bất an trong xã hội. Xây dựng “đường dây nóng” để thu nhận ý kiến phản hồi của công chúng báo chí về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đạo đức nhà báo… Qua đó, có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xấu, tiêu cực của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên trong cơ quan, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Bốn là, tăng cường đầu tư vào công nghệ thông tin và tận dụng lợi ích của mạng internet, mạng xã hội
Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách và tăng cường khả năng thực thi chính sách, cần đổi mới nội dung truyền thông. Sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh hoặc video sinh động, hoặc những tình huống cụ thể… Việc đổi mới nội dung truyền thông chính sách có thể dẫn đến rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền các cấp với công chúng. 
Việc đổi mới phương thức truyền thông chính sách cần diễn ra theo hướng đa dạng hóa. Thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan truyền thông nhằm thông tin một cách đầy đủ, minh bạch về chính sách; tạo điều kiện để người dân có thể thực hiện quyền giám sát, tiếp cận thông tin, bảo đảm các chính sách của Nhà nước phù hợp với lợi ích cộng đồng./.

—————————————-

(1) và (4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.332 và 238
(2) Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
(3) Quyết định số 1786/QĐ-UBND ngày 22/5/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025
(5) và (6) S. Hải, Thông tin phản ánh của báo chí giúp các địa phương, đơn vị nắm bắt được tình hình, chủ động giải quyết các sai sót, khuyết điểm, https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/thong-tin-phan-anh-cua-bao-chi-giup-cac-dia-phuong-don-vi-nam-bat-duoc-tinh-hinh-chu-dong-giai-quy-1491905356
(7) Đinh Văn Hường, Báo chí truyền thông thực hiện chức năng phản biện, dự báo và giám sát phục vụ phát triển bền vững, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017, tr.9-15
(8) Hồ Hiến Chương, Các cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh, https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/cac-co-quan-bao-chi-luon-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-tphcm-1491910048
(9) Cẩm Nương, TP.HCM: Vi phạm lĩnh vực báo chí, trang Vietgiaitri.com bị phạt 40 triệu đồng, https://tuoitre.vn/tp-hcm-vi-pham-linh-vuc-bao-chi-trang-vietgiaitri-com-bi-phat-40-trieu-dong-20221229094440876.htm

(Tạp chí Khoa học chính trị 03_2024)