LÊ THỊ BÌNH(*)

(*) TS, Học viện Chính trị khu vực II,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Bối cảnh khu vực Đông Á là chủ đề rất rộng và phức tạp, bao gồm nhiều khía cạnh, như lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh. Năm 2023, khu vực Đông Á tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang có nhiều thay đổi. Đây là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các cường quốc, thông qua các sáng kiến và một số chính sách khác nhau, nhằm không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực Đông Á đang tác động khá mạnh mẽ đến quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Việc phân tích bối cảnh cũng như những tác động đến quan hệ hai nước sẽ góp phần vào quá trình nghiên cứu sâu rộng về mối quan hệ giữa hai chủ thể chính trị này.
Từ khóa: khu vực Đông Á; Nhật Bản; Việt Nam

1. Bối cảnh khu vực Đông Á hiện nay
Đông Á là dải đất chạy dài từ Bắc xuống Nam nằm ở rìa phía Đông lục địa châu Á với hai khu vực là Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Đây là khu vực rộng lớn gồm 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, diện tích tự nhiên khoảng 11.640 nghìn km², chiếm 15% diện tích châu Á; dân số khoảng 2,15 tỷ người (chiếm 1/3 dân số thế giới, 40% dân số châu Á). Đây là một trong những khu vực đông dân nhất thế giới, mật độ dân số khoảng 230 người/km², gấp 05 lần mật độ bình quân của thế giới(1).
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đông Á đã có bước thay đổi ngoạn mục với việc xuất hiện các nền kinh tế được ví như con rồng, con hổ của khu vực. Đầu tiên, Nhật Bản bước ra khỏi chiến tranh với chính sách “ngoại giao kinh tế” đột phá bắt đầu từ những năm 1950, bước vào giai đoạn phát triển thần kỳ đưa Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới sau Mỹ và chủ nợ lớn nhất của thế giới vào giữa thập niên 70 của thế kỷ XX. Sau đó, bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX, lần lượt các nước và vùng lãnh thổ, gồm Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore, đã trỗi dậy mạnh mẽ và được tôn vinh là 04 “con rồng” của châu Á. Thập niên 1970 cũng là giai đoạn trở mình rất ấn tượng của các quốc gia được ví như “con Hổ” tại Đông Nam Á, như Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia. Năm 1978, Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa và hồi sinh mạnh mẽ sau thời kỳ khủng hoảng bởi ảnh hưởng của cuộc Đại cách mạng văn hóa. Việt Nam là quốc gia mở cửa chậm (bắt đầu từ năm 1986) so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, với công cuộc đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt đã giúp Việt Nam đạt được thành tựu quan trọng. Qua đó, thực lực, uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định và đánh giá cao trên trường quốc tế, trở thành một biểu tượng của sự phát triển và đổi thay tại khu vực. Cuối cùng, các nước như Campuchia, Lào và Myanmar cũng từng bước đổi mới, mở cửa hội nhập, góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế cao của toàn bộ khu vực Đông Á.
Trong bối cảnh đó, Đông Á với tư cách là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, nhưng cũng chứa đựng nhiều nhân tố gây mất ổn định. Các nguy cơ, mâu thuẫn đan xen, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, Đông Á đang trở thành tâm điểm mà các nước lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, ráo riết cạnh tranh cả về lợi ích và phạm vi ảnh hưởng. Điều đó vô hình trung tác động rất lớn đến an ninh, chính trị của khu vực. Có thể điểm qua một số vấn đề nổi bật của khu vực Đông Á hiện nay như sau:
Một là, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn
Trong chiến lược của các nước lớn, Đông Á được nhìn nhận như một khu vực có giá trị về mặt địa chiến lược đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, các nước đều ráo riết tìm cách hiện diện tại khu vực với những cách thức và con đường khác nhau, dẫn đến môi trường an ninh tại khu vực có nhiều biến động, cục diện khu vực diễn biến rất phức tạp và khó lường.
Trước hết, với chủ trương “nước Mỹ trở lại” thay cho “nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Joe Biden đã tăng cường trở lại khu vực với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được tuyên bố ngày 11/02/2022, tái khẳng định mục tiêu thúc đẩy “một khu vực tự do, rộng mở cũng như củng cố địa vị lâu dài của Mỹ ở khu vực”. Theo đó, Mỹ không chỉ nhấn mạnh việc thúc đẩy một quá trình tự do và rộng mở tại khu vực, xây dựng một khu vực Thịnh vượng chung với khả năng chống chịu tốt về mặt an ninh mà Mỹ còn mạnh mẽ tăng cường và kết nối 05 liên minh (Mỹ – Australia, Mỹ – Nhật Bản, Mỹ – Hàn Quốc, Mỹ – Philippines, Mỹ – Thái Lan) và tăng cường quan hệ với đối tác trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Mục đích của Mỹ ở đây là sẽ cùng đồng minh mở rộng không gian ảnh hưởng tại khu vực để cạnh tranh với Trung Quốc và Nga từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương.
Đối với Ấn Độ, Đông Á luôn có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh hàng hải của quốc gia này. Vì vậy, Ấn Độ từ chính sách “hướng Đông” sang chính sách “Hành động hướng Đông” thể hiện sự quyết liệt của Ấn Độ trong việc phải xác định chỗ đứng tại Đông Á, tích cực hiện diện tại vịnh Bengal (Ấn Độ Dương); tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, coi trọng quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Nhật Bản, gìn giữ quan hệ với Australia… và coi đó là trụ cột trong việc định hình một cấu trúc kinh tế và an ninh trong khu vực có lợi nhất cho Ấn Độ.
Đối với Nhật Bản, tháng 8/2007, trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhắc đến khu vực Đông Á là “nơi hợp lưu của hai đại dương”. Năm 2016, Nhật công bố chiến lược “khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Rộng mở và Tự do (FOIP)”. Từ đó, Nhật Bản nỗ lực một cách có chiến lược nhằm hiện thực hóa FOIP với sự hợp tác của các quốc gia có chung quan điểm với Nhật Bản. Vào tháng 4/2017, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe xác định Tokyo sẽ mở rộng vai trò chiến lược và tầm nhìn của mình, “đóng góp tích cực cho hòa bình” trong khu vực rộng lớn này. Mục tiêu chính của Nhật Bản là củng cố hình ảnh, tăng cường vị thế toàn cầu của Nhật Bản với vai trò là một nước lớn đồng thời thắt chặt thêm quan hệ đồng minh với Mỹ và cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc(2). Điều này đã thể hiện rất rõ tham vọng xác lập vị trí của Nhật Bản trong cấu trúc quyền lực ở Đông Á.
Điều đáng chú ý, sự trỗi dậy mạnh mẽ và tham vọng của Trung Quốc thời gian qua đã làm dịch chuyển sự quan tâm và ảnh hưởng của các nước lớn theo hướng từ Tây sang Đông. Công cuộc cải cách thành công và việc nỗ lực hội nhập vào mạng lưới sản xuất khu vực, toàn cầu đã dẫn đến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ suốt hơn 03 thập kỷ. Trung Quốc cũng đang tích cực đẩy mạnh mở rộng tầm ảnh hưởng và vai trò đối với các nước đang phát triển ven biển khu vực châu Á cũng như không gian lục địa Á – Âu(3), đã dần định hình vai trò dẫn dắt toàn cầu hóa và liên kết kinh tế quốc tế của quốc gia này nhằm hướng tới vị thế trong trật tự quốc tế mới.
Xuất phát từ lợi ích và tư duy chiến lược cho nên trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn đã dẫn đến các yếu tố tác động đến hòa bình và sự ổn định của khu vực Đông Á, đòi hỏi mỗi quốc gia phải cân nhắc các giải pháp và đối sách hợp lý. Trong quá trình cạnh tranh, các cường quốc không chỉ sử dụng những chính sách cứng rắn nhằm răn đe, ngăn chặn đối thủ, mà cũng rất coi trọng việc tăng cường sức mạnh mềm dưới các hình thức khác nhau như thông qua các dự án về kinh tế, quốc phòng, an ninh cho các đồng minh, đối tác truyền thống, các nước bản địa, nhằm tập hợp lực lượng, mở rộng ảnh hưởng và giành ưu thế có lợi cho mình trong cuộc đua. Những hoạt động này đã tạo cho các quốc gia trong khu vực Đông Á có những cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực quốc phòng, quân sự và bảo đảm an ninh quốc gia, nâng cao giá trị mặc cả của mình trên bàn cờ chính trị của các nước lớn. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa an ninh và sự phát triển của các nước.
Hai là, diễn biến các điểm nóng ở khu vực Đông Á
Các “điểm nóng” ở khu vực Đông Á trong những năm gần đây tiếp tục căng thẳng và diễn biến phức tạp. Cụ thể:
– Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn còn bỏ ngỏ với sự thận trọng của cả hai bên: Năm 1993, cuộc khủng hoảng hạt nhân bắt đầu khi Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân(4) và bắt đầu tích trữ Plutinium để phát triển chương trình hạt nhân. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực với các lần đàm phán ba bên, năm bên, sáu bên(5), đặc biệt là hai cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều (ngày 02/6/2018 tại Singapore và ngày 27, 28/02/2019 tại Hà Nội) đều không đi đến kết quả. Việc Triều Tiên chính thức thông qua đạo luật về quyền sử dụng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để tự bảo vệ đất nước (ngày 09/9/2023) đã đẩy vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lên tầm mức nguy hiểm mới. Tại cuộc họp Quốc hội ngày 15/01/2024, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un kết luận việc thống nhất với miền Nam là điều không khả thi, đồng thời khẳng định hiến pháp cần được sửa đổi để giáo dục người dân Triều Tiên rằng, Hàn Quốc là “kẻ thù chính và kẻ thù bất biến”, xác định lãnh thổ của Triều Tiên tách biệt so với Hàn Quốc đã làm quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên và Mỹ – Triều rơi vào bế tắc.
Sự cứng rắn của Mỹ, lo ngại và phản ứng mạnh mẽ từ Nhật Bản, Hàn Quốc… đe dọa rất lớn đến nền hòa bình khu vực nếu các nước lớn và Triều Tiên không tìm được một tiếng nói chung trong việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân này.
– Tình hình biển Đông có chiều hướng phức tạp cả trong chính trị – ngoại giao và trên thực địa. Các nước, như Nhật Bản, Australia, Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch…, tăng cường can dự, đồng loạt lên tiếng quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc. Bước sang năm 2023, khu vực biển Đông chứng kiến nhiều chuyển động chiến lược mới với những động lực, xu hướng cùng sự tác động cả thuận chiều lẫn trái chiều đối với hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực. Ngay từ đầu năm 2023, Biển Đông đã “nóng lên” bởi các cuộc tập trận thực binh: Ngay đầu tháng 4/2023, hải quân 03 nước (Nhật – Mỹ – Hàn) diễn tập tác chiến chống tàu ngầm, cùng với diễn tập tìm kiếm và cứu nạn ba bên được nối lại sau 07 năm gián đoạn. Trong khi đó, tình hình eo biển Đài Loan cũng nóng lên với cuộc tập trận có tên “Liên Hợp Liên Kiếm” của Trung Quốc. Cuộc tập trận này tập trung nhiều vào sức mạnh không quân, với 200 lượt máy bay chiến đấu, bao gồm máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, máy bay cảnh báo sớm, máy bay vận tải quân sự… và hàng chục lượt tàu chiến diễn tập tấn công các mục tiêu giả định. Ngoài ra, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận này(6). Sau đó, Mỹ và Philippines đã thực hiện cuộc tập trận chung lớn nhất của 02 nước trong vòng 30 năm mang tên Balikatan (vai kề vai) diễn ra từ trung tới hạ tuần tháng 4/2023. Cuộc tập trận có hơn 17.000 binh sĩ của 02 nước tham gia, nhiều quốc gia cũng gửi lực lượng tham gia với tư cách quan sát viên. Đây là lần đầu tiên 02 nước đưa vào nội dung tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông(7). Cũng trong tháng 4/2023, Philippines và Mỹ đã nhất trí khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở biển Đông và đạt được thỏa thuận mở rộng sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại các vị trí chiến lược ở Philippines và khu vực. Những hoạt động này được đánh giá là sự nỗ lực của Mỹ trở lại tìm kiếm và thúc đẩy đồng minh tại châu Á – Thái Bình Dương.
Tại nhiều diễn đàn khác nhau, Mỹ và đồng minh chỉ trích Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, có yêu sách và hành động vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 tại biển Đông. Thế nhưng, Trung Quốc lại cho rằng, Mỹ đang gây bất ổn tại khu vực và cần đấu tranh để loại trừ chủ nghĩa cường quyền đang lên ngôi tại khu vực này. Vì thế, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai hoạt động ở biển Đông để gia tăng sức ép đối với các nước trong khu vực đồng thời thể hiện rõ sự phản ứng với sự hiện diện của Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Australia… tại Biển Đông.
– Tại Đông Bắc Á, tình hình eo biển Đài Loan căng thẳng trở lại sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh tại Mỹ vào tháng 3/2023 và cũng trở nên khó đoán định hơn khi ông Lại Thanh Đức lên nắm quyền lãnh đạo sau kết quả cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan ngày 13/01/2024.
– Tiểu vùng Mekong cũng dần trở thành tâm điểm mới trong cạnh tranh nước lớn. Mỹ, do thời gian qua chưa tập trung nhiều cho khu vực này dẫn đến sự lấn át của Trung Quốc tại khu vực. Để khắc phục điều đó, Mỹ đang tập trung triển khai cơ chế Quan hệ đối tác Mekong – Mỹ (MUSP), đầu tư nguồn lực để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới vốn đã nhạy cảm, chứa đựng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước hạ nguồn sông Mekong. MUSP khẳng định việc đề cao những giá trị minh bạch, cạnh tranh tự do và bình đẳng, góp phần hạn chế những thách thức, thúc đẩy sự ổn định, phát triển bền vững và đem lại sự thịnh vượng cho khu vực(8).
Có thể nhận thấy rằng, cạnh tranh nước lớn tại Tiểu vùng Mekong tuy chưa căng thẳng và khốc liệt như tại Biển Đông, song với sự “thức tỉnh” trong chiến lược của Mỹ, chính sách “xoay trục” đã kéo mối quan tâm trở lại khu vực thể hiện rõ qua các tập hợp lực lượng mới, như Quad (Tứ giác kim cương – Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), AUKUS (Hiệp ước an ninh giữa Úc, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh) sẽ khiến Tiểu vùng Mekong nhiều khả năng sẽ dần trở thành điểm nóng về an ninh ở khu vực Đông Á.
– Khủng hoảng chính trị tại Myanmar từ đầu năm 2021 đến nay tiếp tục làm thay đổi sự cân bằng chiến lược nước lớn khi Trung Quốc triệt để tận dụng thời cơ để gia tăng ưu thế chiến lược so với Mỹ tại Tiểu vùng Mekong và toàn bộ khu vực Đông Nam Á.
Ba là, một số vấn đề an ninh phi truyền thống
Những năm trở lại đây, việc bảo đảm an ninh ngày càng trở nên cấp thiết đối với môi trường an ninh ở khu vực Đông Á. Những vấn đề mới xuất hiện như việc gia tăng dân số, nhu cầu phát triển kinh tế đã gia tăng tình trạng phá rừng, suy giảm nguồn nước, khai khoáng trái phép làm môi trường sống ngày càng suy thoái nghiêm trọng. Với năng lực quản trị còn hạn chế của mình, đa số các quốc gia ở khu vực Đông Á đã và đang gặp khó khăn trong ứng phó một cách chủ động, hiệu quả các vấn đề này.
Bên cạnh đó, tại Tiểu vùng Mekong và khu vực Đông Nam Á, nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông theo trục Bắc – Nam, Đông – Tây đang ngày càng được đẩy mạnh. Cùng các cơ chế thông thoáng tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy hội nhập quốc tế ở khu vực giáp biên đã làm xuất hiện và phát triển các vấn đề an ninh phi truyền thống với diễn biến ngày càng phức tạp. Điển hình như hoạt động thâm nhập nội địa của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, vấn đề di dân, dịch bệnh…
Đặc biệt, những năm gần đây, các nước trong khu vực Đông Á liên tục phải đối phó với nhiều dịch bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh, như MERS-CoV (năm 2012), cúm A-H5N1, A-H7N9 (năm 2013) và SARS-Covid-2 với nhiều biến chủng (từ năm 2019 đến nay). Đông Á trở thành tâm dịch phức tạp của thế giới và hậu quả là song hành cùng với dịch bệnh, các nước Đông Á chịu thêm những hậu quả nặng nề về kinh tế – xã hội, kéo theo sự gia tăng xung đột xã hội và bất ổn chính trị. Đây là nguyên nhân làm sự phân tuyến trở nên rõ ràng hơn giữa các nước phát triển và chậm phát triển ở khu vực Đông Á, là mối đe dọa tiềm tàng đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia ở khu vực.
2. Tác động bối cảnh khu vực đến quan hệ Việt Nam – Nhật Bản
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia gần gũi nhất với khu vực Đông Bắc Á, không chỉ về mặt địa lý, mà xét cả trên các góc độ lịch sử văn hóa. Thực tế, đã có những ghi chép về sự giao lưu trực tiếp giữa Việt Nam và Nhật Bản từ thế kỷ VIII. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, hoạt động thương mại Châu ấn thuyền(9) đã kết nối sâu sắc hai quốc gia. Bên cạnh lịch sử giao lưu lâu đời như vậy, sự gần gũi giữa hai nước còn được thể hiện ở nền văn hóa tinh thần chịu ảnh hướng mạnh mẽ của Nho giáo hay Phật giáo Đại thừa, hay một kho từ vựng có nhiều từ bắt nguồn từ chữ Hán(10). Tuy nhiên, do tác động của nhiều nhân tố, quan hệ giữa 02 nước có những bước thăng trầm nhất định.
Vượt qua những trở ngại, ngày 21/9/1973, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản mới bắt đầu phát huy hiệu quả thì lại rơi vào tình trạng “lạnh” trong suốt thập niên 80 của thế kỷ XX do những khác biệt về ý thức hệ và quan điểm trong giải quyết vấn đề Campuchia. Khi Chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1991 và “vấn đề Campuchia” được giải quyết đã tạo cơ hội thuận lợi để hai nước nối lại mối quan hệ và tiếp tục phát triển như ngày nay.
Hiện nay, quan hệ Nhật Bản – Việt Nam đang ở mức độ cao nhất lịch sử trên tất cả các phương diện, tiêu biểu là chính trị – kinh tế.
Từ khi công bố “Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Rộng mở và Tự do (FOIP)” năm 2016 cho đến nay, để hiện thực hóa FOIP, Nhật Bản coi Việt Nam là “đối tác chiến lược sâu rộng” cùng chia sẻ lợi ích chiến lược và là quốc gia đóng vai trò là chìa khóa trong việc giải quyết các mối quan ngại trong khu vực.
Với những diễn biến của tình hình khu vực Đông Á, đồng thời xuất phát từ thực trạng và nhu cầu tự thân của hai nước nên quan hệ Nhật – Việt hiện nay không tránh khỏi sự ảnh hưởng, tác động thuận và ngược chiều, cụ thể:
Một là, hình thành cục diện một thị trường, hai chế độ, ba loại quốc gia, nhiều tầng kỹ thuật cùng tồn tại và cạnh tranh nhau(11). Xu thế này phù hợp với mục tiêu và lợi ích của cả Việt Nam, Nhật Bản cũng như quan hệ Việt – Nhật.
Hai là, tuy khu vực đan xen lợi ích, ảnh hưởng của nhiều nước lớn nhưng nhìn chung, các mối quan hệ quốc tế ở Đông Á phát triển trong hòa bình và ổn định tương đối, các hình thái quan hệ hợp tác, liên kết, hội nhập khu vực ngày càng phong phú, đa dạng, điều này tác động thuận chiều đến hai nước Việt Nam – Nhật Bản nói riêng và quan hệ Việt Nam – Nhật Bản nói chung.
Ba là, cơ chế hợp tác và cấu trúc của khu vực Đông Á đã định hình tương đối về chính trị, an ninh và kinh tế, trong đó vai trò trung tâm của ASEAN được thể hiện rõ nét nhất, còn Nhật Bản và Việt Nam đều là những thành viên quan trọng, tích cực và có trách nhiệm.
Bốn là, Đông Á trở thành khu vực có sự hợp tác, liên kết và hội nhập (đồng thời với cạnh tranh) diễn ra sôi động, quyết liệt với nhiều tầng nấc khác nhau. Hầu hết cơ chế hợp tác này đều có sự tham gia của Nhật Bản và Việt Nam, nhất là vai trò của Nhật Bản với tư cách là nước khởi xướng và chủ đạo trong nhiều cơ chế hợp tác, liên kết khu vực.
Năm là, trong bối cảnh những thách thức tiềm ẩn và những khác biệt giữa một số nước ở khu vực Đông Á tiếp tục nổi lên, ngày càng diễn biến phức tạp, quan hệ giữa một số nước có dấu hiệu xấu đi, thậm chí có những thời điểm căng thẳng. Tuy nhiên, Nhật Bản và Việt Nam đều là những chủ thể bị ảnh hưởng bởi vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông, đặc biệt là những thách thức chung của hai nước liên quan đến những tham vọng chủ quyền biển, đảo của Trung Quốc ở hai vùng biển chiến lược này, do vậy, có chung lợi ích trong việc đối phó với Trung Quốc(12).
Ngoài ra, có thể thấy rằng, từ khi thành lập đến nay, ASEAN đã luôn chú trọng tăng cường các quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực trong và ngoài hiệp hội. Sau Chiến tranh lạnh, trong bối cảnh ASEAN đang cố gắng xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nhu cầu đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế lại càng trở nên bức thiết, trong đó ASEAN+3, ASEAN+1 là những đối tác quan trọng và Nhật Bản không thể “chậm chân” so với Trung Quốc và cả Hàn Quốc. Điều này đã góp phần tạo nên những thuận lợi cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những thập niên qua.
3. Một số giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh mới
Để thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh mới, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau đây:
Một là, Việt Nam cần bám sát đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở đã được xác định tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó tập trung làm sâu sắc và thực chất hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã xác định với Nhật vào ngày 27/11/2023, trên tinh thần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, củng cố và tăng cường “thế” và “lực” của đất nước, nâng cao vị thế chiến lược và giá trị của Việt Nam trong quan hệ với Nhật Bản. Tiếp tục, kiên trì “phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”(13). Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định, việc định vị đúng vị trí của Việt Nam trong chính sách của Nhật Bản có vai trò hết sức quan trọng, qua đó có thể dự báo được các kịch bản, chủ động nắm bắt, đánh giá được các tính toán của họ, chủ động xây dựng và thực hiện được các đối sách trên các phương diện, vấn đề nhằm bảo đảm quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản không bị chệch quỹ đạo mà hai nước đã xác định, tạo dư địa để thúc đẩy quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Hai là, cần duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nhà nước, hai chính phủ, hai quốc hội nhằm tăng cường hiểu biết, phát huy những tác động tích cực từ bối cảnh chung của khu vực Đông Á. Đồng thời, chia sẻ, giải quyết những khúc mắc nảy sinh. Các kênh ngoại giao mới, như ngoại giao kênh II, ngoại giao giới học giả…, cần được chú trọng để làm đa dạng hóa nguồn hợp tác, thúc đẩy hiệu quả các kênh ngoại giao “truyền thống” như Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán. Hơn thế, Việt Nam phải tích cực tranh thủ sự ủng hộ của Hoàng gia Nhật Bản – biểu tượng quyền lực đã tồn tại hàng nghìn năm của xứ sở “mặt trời mọc”, để quan hệ chiến lược Việt Nam – Nhật Bản được bảo đảm và phát triển chủ động hơn trước bất cứ thay đổi nào của tình hình khu vực và thế giới.
Ba là, đối với lĩnh vực kinh tế, để tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách kinh tế theo hướng tinh gọn, phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm tốt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về luật kiểm dịch động thực vật chuẩn quốc tế. Bởi lẽ, Nhật Bản là thị trường khá “khó tính”, một số tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản mang tính đặc trưng, không tuân theo tiêu chuẩn quốc tế thông dụng. Chính điều này cũng là thách thức đối với các công ty sản xuất của Việt Nam, song cũng là cơ hội giúp chúng ta từng bước chuẩn hóa quy trình sản xuất theo thông lệ, quy chuẩn quốc tế.
Bốn là, trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, Nhật Bản đang từng bước xây dựng hình ảnh cường quốc trách nhiệm, có vai trò chính trị xứng đáng với tiềm lực kinh tế sẵn có. Chính vì vậy, Việt Nam cần thể hiện sự ủng hộ tích cực về lập trường, quan điểm trên các diễn đàn quốc tế và hành động trên thực tế đối với nỗ lực của Nhật Bản.
Năm là, tranh thủ những điều chỉnh trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh của Nhật Bản, Việt Nam sẽ có cơ hội để củng cố năng lực quốc phòng. Bởi lẽ, đây là một điều chỉnh có lợi cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chính trị – an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương và biển Đông đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Là cường quốc biển, Nhật Bản nổi tiếng với kỹ thuật đóng tàu hiện đại như tàu ngầm, tàu khu trục, tàu đổ bộ xe tăng…, nhưng giá thành của các khí tài quân sự này tương đối cao so với khả năng chi trả của các quốc gia châu Á như Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhờ sự giúp đỡ từ nước bạn qua cơ chế chuyển giao công nghệ đóng tàu, cùng những chế tài quân sự phía Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam thông qua hợp tác quốc phòng hai nước, giúp chúng ta tự tin hơn trước những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các cường quốc khác trong khu vực.
Tóm lại, tình hình khu vực Đông Á hiện nay và dự báo trong thời gian tới diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó dự báo. Tình hình trên sẽ tiếp tục tác động trực tiếp, gián tiếp đến đời sống quốc tế, khu vực, trong đó có quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Những vận động địa chính trị của cục diện khu vực sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, vừa mang đến những khó khăn, thách thức lớn đối với quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, đòi hỏi phải luôn theo dõi, bám sát tình hình, vận dụng phương pháp khoa học để đánh giá đúng bối cảnh quốc tế. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam tháng 01/2017 đã nhấn mạnh: “Dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội, hướng ra biển Đông, tới biển Hoa Đông rồi nối vào dòng với vịnh Tokyo. Không gì có thể ngăn sự tự do qua lại trên dòng chảy này. Để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dựa trên nền tảng “bình đẳng, cùng nhìn nhận và tôn trọng nhau”, quan hệ hợp tác chiến lược Việt – Nhật không ngừng được củng cố và phát triển. trở thành hình mẫu cho mối quan hệ “thấu hiểu, đồng hành và phát triển”(14)./.

—————————————

(1)http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/2009-dong-a-va-viet-nam-dia-chinh-tri-va-van-hoa-tu-lich-su-den-hien-dai.html
(2) Duy Hoàng, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Tầm nhìn và thực tiễn, tapchicongsan.org.vn, ngày15/12/2020
(3) Trần Khánh, Bàn về hành động địa – chiến lược của Trung Quốc từ khi thực hiện cải cách mở cửa, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10-2020, tr.3-21
(4) Theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, chỉ có 05 quốc gia được phép sở hữu vũ khí hạt nhân là Pháp, Trung Quốc, Nga, Anh và Mỹ (do các quốc gia này có vũ khí hạt nhân trước thời điểm ký Hiệp ước)
(5) Đàm phán 03 bên (Mỹ, Nhật, Hàn); 05 bên (Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Hoa Kỳ và Nhật Bản); 06 bên (Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Hoa Kỳ, Nga và Nhật Bản)
(6) và (7) Toàn cảnh thế giới: “An ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp”, https://vtv.vn/the-gioi/an-ninh-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-tiem-an-nhieu-nguy-co-phuc-tap, Chủ nhật, ngày 16/04/2023
(8) Bùi Thanh Tuấn, Quan hệ Đối tác Mê Công – Mỹ: nền tảng và hướng phát triển đối với Tiểu vùng sông Mê Công, Tạp chí Cộng sản, số 960 (2-2021), tr.104
(9) Châu Ấn Thuyền (朱印船 Shuinsen) là loại thuyền buồm thương mại của Nhật Bản có trang bị vũ trang, được cấp châu ấn trạng (shuinjô) của Mạc phủ Tokugawa cho phép họ xuất ngoại sang các thương cảng Đông Nam Á vào đầu thế kỷ 17 khi Nhật Bản chủ trương kiểm soát ngoại thương chặt chẽ hơn.
(10) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản 50 năm nhìn lại và tầm nhìn, định hướng phát triển mới, Hà Nội, tháng 01/2024, tr.2
(11) Nguyễn Hoàng Giáp, Cạnh tranh chiến lược ở khu vực Đông Nam Á giữa một số nước lớn hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.49
(12) Nguyễn Văn Tuấn, Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam giai đoạn 2002 – 2018, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, 2023, tr.38-40
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.29-30
(14)https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/quan-he-viet-nam-nhat-ban-50-nam-thau-hieu-dong-hanh-va-phat-trien-20230918071529870.htm

(Tạp chí Khoa học chính trị Số 02/2024)