TS. NGUYỄN THỊ THÙY LINH(*)
(*) Học viện Chính trị khu vực I,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, được quy định trong Điều lệ Đảng: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(1). Đây là nguyên tắc có vai trò, tác dụng to lớn trong giáo dục và rèn luyện cán bộ, đảng viên và là biện pháp căn bản để xây dựng và củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Thời gian qua, trong bối cảnh Đảng ta đang tiến hành việc tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến cơ sở, từ trong cấp ủy đến từng cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII, các thế lực thù địch liên tục chống phá, xuyên tạc nguyên tắc tự phê bình và phê bình hòng làm suy yếu Đảng. Chúng lợi dụng những hạn chế từ quá trình thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong một số cấp ủy, tổ chức đảng, phủ nhận hoàn toàn vai trò, ý nghĩa, bản chất của nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Chúng cho rằng việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình hiện nay hoàn toàn mang tính hình thức, hoặc đó là công cụ để bợ đỡ, nịnh nọt cấp trên hoặc bôi nhọ, trù dập người khác nên không có tác dụng đáng kể đối với tổ chức đảng và đảng viên, thậm chí làm cho Đảng yếu đi…
Những luận điểm trên thực chất là thổi phồng hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng. Việc đấu tranh, phản bác những quan điểm, luận điệu trên là cần thiết; cần kiên quyết, kiên trì, không mơ hồ, thỏa hiệp, đồng thời phải vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay. Cụ thể:
Một là, kiên định quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về sự cần thiết của nguyên tắc tự phê bình và phê bình đối với sự phát triển của Đảng
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tự phê bình và phê bình được coi là quy luật phát triển của đảng cộng sản. C.Mác khẳng định: “Những sai lầm về sách lược là lúc nào cũng có thể có”, do vậy “sự phê phán là yếu tố sống còn của nó”(2). Kế thừa tư tưởng của chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin khẳng định vai trò của tự phê bình và phê bình đối với đảng cách mạng: “Tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn”(3). Ông chỉ rõ: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao, tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục”(4).
Theo V.I.Lênin, cán bộ, đảng viên của đảng cũng là con người, họ “không phải là thiên thần, không phải là thánh, không phải là anh hùng, mà cũng là người như tất cả mọi người khác. Họ cũng có khuyết điểm. Đảng sửa cho họ”(5). Người viết: “Bất luận thế nào nữa chúng ta cũng phải hết sức cố gắng… Hãy can đảm phơi bày những mụn nhọt của chúng ta để tiến hành chẩn đoán chúng và điều trị chúng một cách đúng đắn, không giả dối, không hình thức giả tạo”(6).
Toàn đảng cũng như các đảng viên, nếu không có thái độ đúng đắn với khuyết điểm của mình thì sẽ dẫn đến vi phạm những khuyết điểm lớn hơn, V.I.Lênin đã khẳng định điều đó khi nói: Cứ giữ mãi sai lầm, đi sâu thêm để bào chữa nó, đưa nó đến chỗ tột cùng, thì từ một sai lầm nhỏ, người ta luôn luôn có thể làm cho nó thành một sai lầm lớn ghê gớm, và “nếu chúng ta cho rằng thừa nhận một thất bại cũng giống như từ bỏ một vị trí, sẽ gây ra tâm trạng chán nản và làm nhụt chí đấu tranh, thì phải nói rằng những nhà cách mạng như thế không đáng giá một đồng xu”(7), “Những sai lầm thường khi lại bổ ích, nếu người ta học tập được về những sai lầm đó, nếu những sai lầm đó tôi luyện con người”(8).
Hai là, cần thực hiện tự phê bình và phê bình một cách thực chất, đấu tranh chống lại các biểu hiện hình thức, biến dạng của tự phê bình và phê bình có thể xảy ra trong thực tiễn
Những biểu hiện tự phê bình và phê bình hình thức, các biến dạng của tự phê bình và phê bình có thể xảy ra trong thực tiễn nhưng không thể trở thành lý do để từ bỏ nguyên tắc. Kiên định thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để chứng minh ý nghĩa, tác dụng thiết thực của tự phê bình và phê bình.
Khi trở thành đảng cầm quyền, V.I.Lênin đã đặt ra yêu cầu: “Đảng công nhân phải đưa ra cho toàn thể nhân dân và nhất là cho toàn thể quần chúng vô sản một mẫu mực về sự phê bình có tính tư tưởng, cương quyết và dũng cảm. Như vậy và chỉ như vậy, chúng ta mới lôi cuốn được quần chúng tham gia thật sự vào cuộc đấu tranh cho tự do, chứ không phải vào cái trò chơi chủ nghĩa tự do của Đảng dân chủ ‐ lập hiến phản bội tự do”(9).
Thực tiễn đã khẳng định, trong thời gian qua, tự phê bình và phê bình trong Đảng đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, bài bản và đạt được nhiều kết quả tích cực, “Các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã dành thời gian thỏa đáng để kiểm điểm ở cấp mình, trực tiếp dự, chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý; coi trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình”(10). Kết quả đó góp phần đấu tranh với những quan điểm và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “Việc xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác”(11).
Tuy nhiên, thực tiễn việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình cũng tồn tại những hạn chế. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thẳng thắn thừa nhận tính hình thức là một trong những mặt hạn chế trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình: “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”(12). Điều này đã khẳng định tinh thần cầu thị, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, tinh thần tự phê bình và phê bình của Đảng. Trên cơ sở đó, Đảng ta cũng đề ra những giải pháp, nhiệm vụ để khắc phục tính hình thức trong thực hiện nguyên tắc.
Ngoài tính hình thức, trong Đảng cũng xuất hiện các biến dạng của tự phê bình và phê bình. Ở một số tổ chức đảng, có trường hợp lợi dụng phê bình để bợ đỡ, nịnh nọt, bôi nhọ, trù dập người khác, biến phê bình thành những cuộc tranh cãi, nặng lời với nhau, xúc phạm danh dự và thành cuộc trả thù cá nhân… Tuy nhiên, những biến dạng này khác hoàn toàn về bản chất so với nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Nguyên nhân của những biến dạng này là do nhận thức của cá nhân chưa đầy đủ, tâm lý e ngại từ thói quen, tập quán cũ “xấu che, tốt khoe”, và nguy hiểm hơn và phổ biến hơn, là do mục đích cá nhân vụ lợi, do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ của một số tổ chức đảng và đảng viên.
Biến dạng này đã xuất hiện từ rất sớm gắn với chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, xét lại. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, V.I.Lênin đã kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, lợi dụng cái gọi là “tự do phê bình” để phá hoại tổ chức đảng. Người khẳng định: “Ai không cố ý nhắm mắt lại thì không thể không thấy rằng, khuynh hướng “phê bình” mới trong chủ nghĩa xã hội, chẳng qua chỉ là một loại hình mới của chủ nghĩa cơ hội mà thôi”(13).
Việc đấu tranh xoá bỏ những biến dạng này từ trước đến nay luôn được Đảng ta thực hiện thường xuyên. Từ rất sớm, qua các bài viết, bài nói về tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, đảng viên phải thực hiện đúng mục tiêu và phương châm của nguyên tắc tự phê bình và phê bình nhằm tránh những biến dạng nói trên: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ”(14); “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”(15). Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình phải chú ý: quán triệt rõ mục đích, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình trong hoạt động lãnh đạo và xây dựng nội bộ Đảng cho tất cả cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng; cá nhân, tổ chức tự giác, nghiêm túc tự phê bình trước tập thể đảng viên; tổ chức đảng tham gia đóng góp ý kiến cho cá nhân và tập thể, kết luận những ưu điểm và khuyết điểm của đối tượng tự phê bình; cấp ủy và lãnh đạo cấp trên gợi ý những vấn đề cần làm rõ bằng văn bản hoặc cử cán bộ xuống dự trực tiếp cấp dưới tự phê bình và phê bình; tự phê bình và phê bình từ trên xuống và từ dưới lên trên… Đồng thời, Đảng cũng có nhiều nghị quyết nhằm phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; phát hiện, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Ba là, phát huy vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, nguyên tắc tự phê bình và phê bình có vai trò hết sức thiết thực đối với tổ chức đảng, không chỉ là để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, yếu kém, kịp thời phát hiện và sửa chữa những biểu hiện sai lầm mà còn là phương thức để giáo dục và rèn luyện đảng viên của Đảng. V.I.Lênin viết: “Giai cấp công nhân biết giáo dục và rèn luyện tổ chức của mình, bằng cách công khai phê bình những đại biểu của mình”(16). Kế thừa những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “tự phê bình và phê bình là một quy luật phát triển và tiến bộ của Đảng, cũng là một phương pháp căn bản để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng”(17); “Về luật phát triển, Đảng Lao động Việt Nam dùng lối tự phê bình và phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng”(18);…
Bên cạnh đó, thực chất tự phê bình và phê bình chính là giải quyết sự mất đoàn kết trong nội bộ tổ chức đảng dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc và Điều lệ Đảng, trong mối quan hệ của những người đồng chí cùng mục đích, lý tưởng, bởi lẽ “Mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ”(19). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”(20); “Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên – mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng, càng chắc chắn thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(21).
Ý nghĩa, tác dụng to lớn của nguyên tắc tự phê bình và phê bình đã được thực tiễn chứng minh. Nguyên tắc này cũng trở thành một tiêu chí đánh giá một chính đảng, rằng một Đảng công khai thừa nhận và nghiêm túc sửa chữa lỗi lầm mới là “một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(22). Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: đẩy mạnh tự phê bình và phê bình là vấn đề cấp bách, đòi hỏi mỗi cấp ủy, chi bộ cần giáo dục cho cán bộ, đảng viên nắm vững các chế độ, quy định, trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện tự phê bình và phê bình, nhất là những nội dung biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII đã đề ra.
Đảng Cộng sản Việt Nam có truyền thống tự phê bình và phê bình nghiêm túc đối với toàn bộ các mặt hoạt động của Đảng và cán bộ, đảng viên. Thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình là phù hợp với quy luật phát triển của Đảng, là cách tốt nhất để giáo dục, rèn luyện đảng viên và là vũ khí sắc bén của Đảng để chống lại sai lầm, tả khuynh, hữu khuynh trong nội bộ Đảng. Đề cao cảnh giác, nhận diện rõ và chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc và hoạt động tự phê bình và phê bình trong Đảng của các thế lực thù địch, phản động là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Những ý kiến nhằm phản bác nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng đã có từ lâu, và sẽ còn tồn tại cùng với sự tồn tại của những “kẻ thù” của Đảng, V.I.Lênin đã nhận định “những kẻ thù của Đảng dân chủ ‐ xã hội… reo mừng và múa may quay cuồng khi thấy chúng ta tranh cãi với nhau; hiển nhiên là để phục vụ cho mục đích của chúng”(23). Nhưng với những cơ sở lý luận và thực tiễn chắc chắn, những người đảng viên “đã được tôi luyện khá nhiều trong chiến đấu”, các đảng cộng sản sẽ “không để cho những lời châm chọc ấy làm cho mình bối rối,… bất chấp những lời châm chọc ấy, họ vẫn cứ tiến hành công tác tự phê bình của mình và tiếp tục bóc trần một cách không khoan nhượng những thiếu sót của bản thân mình, những thiếu sót ấy nhất định và chắc chắn sẽ được khắc phục với phong trào công nhân đang lớn lên”(24). Như vậy, vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và kiên định thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
—————————————-
(1) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.5
(2) Các Mác – Phri-đrích Ăngghen, Tuyển tập, t. 6, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.707
(3) V.I.Lênin, Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.395
(4) V.I.Lênin, Toàn tập, t.45, Sđd, tr.141-142
(5) V.I.Lênin, Toàn tập, t.21, Sđd, tr.524
(6), (23) và (24) V.I.Lênin, Toàn tập, t.8, Sđd, tr.191, 220 và 220
(7) và (8) V.I.Lênin, Toàn tập, t.44, Sđd, tr.255 và 576
(9) V.I.Lênin, Toàn tập, t.14, Sđd, tr.301
(10), (11) và (12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.175, 175 và 179
(13) V.I.Lênin, Toàn tập, t.6, Sđd, tr.11
(14), (15) và (22)Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.272, 272 và 301
(16) V.I.Lênin, Toàn tập, t.17, Sđd, tr.176
(17) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.604
(18) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.37
(19) và (21) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, Sđd, tr.386 và 387
(20) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.15, Sđd, tr.622
(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 02/2023)