TS. NGUYỄN MINH NHỰT(*)
(*) Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Đại biểu Hội đồng nhân dân nói chung và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nói riêng có xu hướng ngày càng được chuyên môn hóa cao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, chất vấn và tiếp xúc cử tri trong các cơ quan dân cử. Bên cạnh đó, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều thuận lợi trong quá trình đóng góp ý kiến đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em trong các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, việc phát huy vai trò của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ hết sức quan trọng và mang tính chiến lược.
Từ khóa: Hội đồng nhân dân các cấp; nữ đại biểu; Thành phố Hồ Chí Minh
1. Khái quát về công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh
Cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị quan trọng, được phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức về quyền công dân và ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử qua các nhiệm kỳ tương đối cao và có trách nhiệm trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân góp phần cho sự thành công của cuộc bầu cử; thể hiện ý thức trách nhiệm và là ngày hội của toàn dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Công tác tuyên truyền về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng để cử tri hiểu và bầu được những đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, đặc biệt ứng cử viên là nữ. Bên cạnh đó, việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho ứng cử viên là nữ về kỹ năng xây dựng và trình bày chương trình hành động trước cử tri là một trong những hoạt động nổi bật; đồng thời, hỗ trợ ứng cử viên nữ tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, nhằm nâng cao trách nhiệm và niềm tin của cộng đồng để sáng suốt lựa chọn ứng cử viên đủ tiêu chuẩn bầu vào Hội đồng nhân dân các cấp.
Thống kê kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 02 nhiệm kỳ gần đây (2016 – 2021 và 2021 – 2026) cho thấy: đại biểu nữ trúng cử ở cấp Thành phố qua 02 nhiệm kỳ liên tiếp nhau có tỷ lệ ổn định, khoảng hơn 43%, chiếm gần 1/2 tổng số đại biểu trúng cử. Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021 có 62,86% đại biểu có trình độ sau đại học và 34,29% đại biểu có trình độ đại học; so với nhiệm kỳ 2021 – 2026 có 82,98% đại biểu có trình độ sau đại học, chiếm hơn 4/5 tổng số đại biểu (cao hơn 20% so với nhiệm kỳ trước). Như vậy, có thể thấy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đại biểu nói chung và đại biểu nữ nói riêng có xu hướng ngày càng được chuyên môn hóa cao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố trong hoạt động giám sát, khảo sát và quyết định chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế – xã hội Thành phố một cách bền vững.
Trong khi đó, đại biểu nữ trúng cử ở cấp quận, huyện và thành phố Thủ Đức qua 02 nhiệm kỳ có tỷ lệ trung bình (khoảng 38,57%), chiếm hơn 1/3 tổng số đại biểu. Mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử ở nhiệm kỳ 2021 – 2026 thấp hơn so với nhiều kỳ trước (1,5%), nhưng nhìn chung, tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử vẫn ở mức tương đối cao. Xét về trình độ học vấn, nữ đại biểu trúng cử có trình độ từ đại học trở lên chiếm đại đa số ở cả 02 nhiệm kỳ (nhiệm kỳ 2016 – 2021: sau đại học là 27,89% và đại học là 59,06%; nhiệm kỳ 2021 – 2026: sau đại học là 46,89% và đại học là 51,20%), đặc biệt là tỷ lệ nữ đại biểu có học vấn sau đại học ở nhiệm kỳ 2021 – 2026 cao hơn nhiệm kỳ 2016 – 2021 (khoảng 19%). Ngoài ra, tỷ lệ đại biểu nữ trúng cử ở cấp xa có tỷ lệ tương đối cao và tương đồng so với cấp huyện (khoảng 38,4%), tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử ở nhiệm kỳ 2021 – 2026 thấp hơn so với nhiều kỳ trước (3,79%); xét về trình độ học vấn, nữ đại biểu trúng cử có trình độ từ đại học trở lên chiếm khoảng 2/3 ở nhiệm kỳ 2016 – 2021 (sau đại học là 6,17% và đại học là 51,78%), nhiệm kỳ 2021 – 2026 (sau đại học là 8,40% và đại học là 54,12%).
Từ thực tiễn và kết quả phân tích các số liệu thống kê về số lượng nữ đại biểu và chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cho thấy, sự quan tâm, nhận thức của lãnh đạo và cử tri Thành phố đối với vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là nữ đại biểu, đóng vai trò chiến lược đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Thực trạng vai trò của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh
Một là, hoạt động tiếp xúc cử tri
Tiếp xúc cử tri là hoạt động quan trọng để giữ mối liên hệ giữa đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp với cử tri và các cơ quan công quyền. Hoạt động tiếp xúc cử tri được xác lập thành trách nhiệm pháp lý và cũng là phương thức hoạt động của đại biểu. Thông qua tiếp xúc, đại biểu sẽ thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết; báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Đồng thời, phổ biến, giải thích và vận động cử tri cùng thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân(1).
Tìm hiểu các quy định của pháp luật về hoạt động tiếp xúc cử tri cho thấy, tại khoản 1 Điều 115 Hiến pháp năm 2013 quy định: Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) cũng quy định tại Điều 94 về trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân: định kỳ hằng năm, mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ tiếp xúc cử tri tại nơi mình ứng cử ít nhất 04 lần (trước và sau kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm). Bên cạnh đó, các đại biểu có thể tham gia những hoạt động tiếp xúc cử tri theo giới, theo ngành, theo chuyên đề,… để lắng nghe người dân phản ánh một cách toàn diện các mặt của đời sống xã hội.
Kết quả tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ sáu của Hội đồng nhân dân Thành phố khóa X, có 193 ý kiến của cử tri, tập trung vào các vấn đề bức xúc: về công tác quy hoạch, giải tỏa đền bù, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tiến độ thực hiện các dự án kéo dài; tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất; đầu tư công xây dựng hạ tầng cơ sở. Ngoài ra, cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị Thành phố không được lơ là, chủ quan đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; các chính sách an sinh xã hội, giáo dục đào tạo; phải kịp thời kiện toàn, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở tại địa phương, đồng thời bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tại cơ sở và quan tâm đến việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, một số ý kiến cử tri kiến nghị tiếp tục triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố: cải thiện môi trường, hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, quy hoạch không gian xanh, quy hoạch đô thị, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân Thành phố. Thực tế cho thấy, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu nói chung và hơn 40% đại biểu nữ đã phản ánh trung thực các ý kiến của cử tri về tình hình đời sống xã hội của người dân Thành phố, những vấn đề thực tiễn mới phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và kinh tế – xã hội của Thành phố; thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của đại biểu đóng góp cho sự phát triển của Thành phố(2).
Vậy, vai trò của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động tiếp xúc cử tri có gì khác biệt so với đại biểu nam, ý kiến sau đây của nữ đại biểu sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về thế mạnh của giới nữ: “Người đại biểu cần lắng nghe ý kiến cử tri một cách chủ động, tích cực và có sự thấu hiểu, trách nhiệm. Nghĩa là, người đại biểu tiếp cận bằng nhiều cách, nhiều phương thức khác nhau, chủ động tìm đến với người dân, khơi gợi để được nghe dân nói, nghe dân bày tỏ vướng mắc, tâm tư, trăn trở chất chứa trong lòng, chứ không thụ động ngồi chờ người dân tìm đến để trình bày. Muốn vậy, người đại biểu nên xây dựng và bồi đắp niềm tin từ người dân; những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim, sự chân thành sẽ chạm đến những tấm lòng chân thành; sự lắng nghe của đại biểu một khi xuất phát từ trái tim yêu thương và tôn trọng nhân dân, từ tinh thần trách nhiệm và khao khát mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn cho cử tri, thì người đại biểu sẽ xem những “vấn đề” của cử tri cũng là “vấn đề” của chính mình. Bên cạnh việc kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền, người đại biểu cần theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị này tới cùng. Vì lẽ đó, sự kiên trì, quyết liệt và dũng khí của đại biểu Hội đồng nhân dân là vô cùng cần thiết”(3). Có thể thấy, sự thấu cảm, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, giải quyết vấn đề một cách kiên trì và quyết liệt luôn là thế mạnh của phụ nữ. Chính vì điều đó mà vai trò, vị thế của nữ đại biểu luôn được người dân coi trọng và tin tưởng.
Ở một góc nhìn khác, chúng ta có thể cảm nhận được trách nhiệm, nỗi trăn trở của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân khi nhắc đến hoạt động tiếp xúc cử tri: “Đại biểu chúng tôi luôn tâm niệm là phải làm tốt nhất trách nhiệm của mình. Đó là làm sao để thực sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri; phản ánh đầy đủ, kịp thời ý chí, nguyện vọng của cử tri đến Hội đồng nhân dân; đôn đốc, nhắc nhở, giám sát các cơ quan, tổ chức về quá trình giải quyết kiến nghị của cử tri; đặt mình vào những vấn đề, vụ việc, trường hợp bức xúc của cử tri để thấu hiểu và giải quyết kịp thời, rốt ráo hơn. Đồng thời, tìm hướng ra trong tham mưu để có những giải pháp xử lý từng trường hợp thấu tình, hợp lý theo hướng mới và mở cho cử tri”(4). Thực tế, mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân đều có chung suy nghĩ và trăn trở là làm thế nào để thể hiện được trách nhiệm của mình đối với cử tri, có thể lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng, hiểu được dân và giải quyết được nhiều kiến nghị của dân. Tuy nhiên, giới nữ luôn có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề theo cách riêng, linh hoạt và chu đáo hơn.
Hai là, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
Trong mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn là phiên họp quan trọng, thu hút sự chú ý của các đại biểu, cử tri và dư luận xã hội. Chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, là diễn đàn dân chủ, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương, thể hiện quyền và trách nhiệm của từng đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan đối với những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp, thời gian qua, Hội đồng nhân dân đều dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động này. Các phiên chất vấn được tổ chức theo hướng “hỏi nhanh, đáp rõ”, khuyến khích sự tham gia của đại biểu; cấp trưởng của các cơ quan liên quan và lãnh đạo Ủy ban nhân dân trực tiếp tham gia trả lời thẳng thắn, tranh luận sôi nổi, dân chủ và trách nhiệm. Cuối mỗi phiên, chủ tọa kỳ họp dành thời gian để Chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo làm rõ các nội dung chất vấn của đại biểu và giải trình thêm những nội dung có liên quan. Kết thúc phiên chất vấn ban hành nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn để yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và cử tri theo dõi, giám sát(5).
Thực tiễn hoạt động cho thấy, trong các nhiệm kỳ đã qua và từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, các nữ đại biểu Hội đồng nhân dân đã tích cực tham gia vào các hoạt động chất vấn, đóng góp ý kiến vào việc quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của địa phương. Trước mỗi kỳ họp, các nữ đại biểu Hội đồng nhân dân đều dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu; khảo sát, thu thập thông tin liên quan đến nội dung kỳ họp. Tại các kỳ họp, nữ đại biểu đã tích cực thảo luận, chất vấn với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, mang tính phản biện sâu sắc, đề xuất được một số kiến nghị, giải pháp cụ thể, sát thực, giúp cho việc ban hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp đúng đắn và có tính khả thi.
Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được các đại biểu tích cực tham gia, trung bình mỗi phiên họp có từ 25 đến 45 lượt đại biểu tham gia chất vấn, đặt câu hỏi, trong đó có khoảng 30 – 40% lượt ý kiến của đại biểu nữ. Nội dung chất vấn, yêu cầu giải trình đều bám sát những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố và những bức xúc của người dân, như: việc khám chữa bệnh gắn với y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh; an toàn vệ sinh thực phẩm; cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; công tác phòng cháy, chữa cháy; phát triển du lịch; hoạt động các thiết chế văn hóa cấp thành phố; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân… Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành 07 nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở giám sát để nghị quyết Hội đồng nhân dân được thực thi và đi vào cuộc sống(6). Một đại biểu nữ đã chia sẻ: “Mỗi lần chất vấn là mỗi lần anh em chúng tôi cùng nhau trăn trở, làm thế nào để nhìn được vấn đề một cách rõ nhất, đúng nhất, mang lại kết quả đầy đủ nhất. Nhiều câu hỏi hóc búa được đặt ra cho các đơn vị, nhưng khi thấy được thực chất những khó khăn, những câu hỏi đó đôi khi lại trở thành những đề xuất, giải pháp”(7).
Đặc biệt, nhiều đại biểu nữ với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri đã trực tiếp chất vấn Chủ tịch và các thành viên của Ủy ban nhân dân các cấp về những hạn chế trong công tác lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ đối với những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, như tăng trưởng và phát triển kinh tế, quy hoạch, dự án treo, xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường, vấn nạn kẹt xe, ngập úng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các vấn đề về y tế, giáo dục, trật tự an toàn xã hội… Đối với các câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng, các nữ đại biểu tiếp tục chất vấn và đưa ra các minh chứng thực tế mà đại biểu ghi nhận được trong quá trình tiếp xúc cử tri và giám sát để tăng tính thuyết phục. Một đại biểu nữ khóa IX đã chia sẻ: “Tiếp cận người dân trong những lần đi giám sát, khảo sát chuyên đề, nhất là tiếp xúc cử tri – dù không ít lần nhận những lời trách móc – đã giúp tôi thấu hiểu hơn những khó khăn mà người dân đang gặp phải cùng mong mỏi, kỳ vọng của họ đã giúp tôi có dữ liệu, dẫn chứng sống để minh họa cho những ý kiến phát biểu tranh luận, chất vấn tại nghị trường và phản ánh những mong mỏi, bức xúc của cử tri ngay tại kỳ họp”(8).
Kết quả sau chất vấn đã làm rõ được trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành; hoạt động chất vấn đã góp phần khẳng định vai trò, năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của Thành phố chuyển biến theo hướng tích cực; một số vấn đề bức xúc của cử tri từng bước được công khai, dân chủ, minh bạch, khắc phục kịp thời, với mục đích phục vụ tốt cho nhân dân, cho xã hội(9).
Ba là, hoạt động giám sát tại kỳ họp
Hội đồng nhân dân luôn xem hoạt động giám sát tại kỳ họp là công cụ rất quan trọng, vì đây là diễn đàn công khai, dân chủ. Từ khi có truyền hình, phát thanh trực tiếp, cử tri Thành phố đã thấy được, cảm nhận được hoạt động của đại biểu và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đồng thời, để có nghị quyết mang tính khả thi và khoa học thì đòi hỏi chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát ngày càng được nâng cao. Vì vậy, các đại biểu luôn nắm bắt thông tin, các kiến nghị của cử tri, nhất là thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các hoạt động giám sát thiết thực mà Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức, như: giám sát hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn Thành phố, trọng tâm là tài nguyên đất công; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị và phản ánh của người dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bản Thành phố; giám sát về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn Thành phố… Kết quả giám sát được báo cáo tại kỳ họp, đồng thời là cơ sở để hoạch định các chính sách thông qua ban hành nghị quyết, nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề kinh tế – xã hội của Thành phố(10).
Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức hơn 400 cuộc giám sát, qua đó phát huy được vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, trong đó có vai trò của đại biểu nữ trong việc đề nghị chính quyền các cấp khắc phục những hạn chế để phục vụ nhân dân tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức đúng trọng tâm, kịp thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, giúp người dân giải quyết những bức xúc, khó khăn đối với các vấn đề tồn tại, hạn chế của chính quyền(11).
Bên cạnh đó, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã trực tiếp tham gia các cuộc giám sát chuyên đề trên nhiều lĩnh vực, nhất là những vấn đề bức xúc, trực tiếp liên quan đến đời sống của nhân dân. Qua hoạt động giám sát, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân đã đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp phù hợp, giúp các cơ quan, đơn vị liên quan khắc phục hạn chế, nâng cao trách nhiệm và hoạt động hiệu quả hơn. Sau giám sát, các đại biểu thường xuyên theo dõi, đôn đốc để các kiến nghị của Hội đồng nhân dân được thực thi nghiêm túc. Người dân đã đánh giá về hiệu quả của hoạt động giám sát như sau: “Qua sự việc đề nghị các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của gia đình chúng tôi mà chính quyền địa phương đã thụ lý đến gần 03 năm chưa giải quyết, thông qua kênh giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố đã thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm giải quyết và cấp giấy chứng nhận cho gia đình chúng tôi. Chúng tôi càng thêm tin tưởng vào vai trò của Hội đồng nhân dân. Bởi nơi đây, người đại biểu do nhân dân bầu chọn đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, đã lắng nghe dân, nói lên được tiếng nói của người dân, xem xét các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng và giải quyết được những vấn đề bức xúc của người dân (nữ, người dân phường 9, Quận 5).
Hoạt động giám sát tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân Thành phố trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Người dân ngày càng hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí của đại biểu và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, từng bước khắc phục tính hình thức. Đại biểu và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân ngày càng nâng cao trách nhiệm của mình trước cử tri, nghiên cứu, năm bắt tình hình, tham gia đề xuất giải pháp, biện pháp quyết định các chính sách, chủ trương. Ủy ban nhân dân và thủ trưởng các sở, ngành càng thấy trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mình, trong giải quyết kiến nghị của cử tri cũng như trong điều hành công tác quản lý nhà nước ở địa phương(12).
3. Giải pháp phát huy vai trò của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh
Một là, quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ đại biểu dân cử nói chung và nữ đại biểu nói riêng, đặc biệt là những đại biểu nữ lần đầu trúng cử, có thể phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và sự tham gia trong các hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, như: giám sát, xây dựng nghị quyết và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương; kỹ năng chất vấn trước nghị trường, kỹ năng tiếp xúc và thu thập ý kiến của cử tri. Bên cạnh đó, duy trì và đẩy mạnh hoạt động của nhóm nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường tiếng nói của phụ nữ về các vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của nữ đại biểu trong các cơ quan dân cử(13).
Hai là, tiếp tục quan tâm, phát huy vai trò của Hội nữ trí thức, đặc biệt là đại biểu Hội đồng nhân dân là thành viên của Hội; tiếp tục tổ chức các chương trình tiếp xúc cử tri với giới nữ để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của giới trong hoạch định các chính sách của Thành phố. Đồng thời, quan tâm đến công tác cán bộ nữ trong cơ quan chuyên trách Hội đồng nhân dân, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, bổ nhiệm cán bộ nữ, nhằm phát huy được thế mạnh, ưu điểm của giới. Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển.
Ba là, tăng cường công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giám sát chặt chẽ việc thực thi các chính sách từ Trung ương đến địa phương về công tác phụ nữ trong tình hình mới của các cấp chính quyền.
Bốn là, coi trọng chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử; việc xây dựng cơ cấu đại biểu cần cân nhắc vừa bảo đảm sự cân bằng về giới, tính cơ cấu, vừa bảo đảm chất lượng đại biểu, không nên nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn năng lực. Thực tế cho thấy, một số đại biểu có đạo đức, phẩm chất tốt, nhưng lại thiếu năng lực đóng góp vào những hoạt động chung của Hội đồng nhân dân. Mặt khác, có trường hợp cả năng lực và phẩm chất đều tốt, nhưng lại không có điều kiện hoạt động. Do đó, cần đặc biệt chú ý tiêu chuẩn của đại biểu có năng lực đóng góp vào hoạt động của Hội đồng nhân dân, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Đồng thời, phải tạo cho cử tri có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn được những đại biểu đủ đức, đủ tài, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử, có đủ năng lực, điều kiện và đủ dũng khí để đại diện cho họ thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu Hội đồng nhân dân.
Năm là, động viên, khuyến khích nữ đại biểu Hội đồng nhân dân năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn; có tinh thần trách nhiệm cao, nhận thức đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mình, xác định rõ trách nhiệm trước cử tri và trước tập thể Hội đồng nhân dân; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, trau dồi kiến thức, kỹ năng cần thiết; tích cực rèn luyện kỹ năng giao tiếp, vận động, thuyết trình, không chỉ trong kỳ họp Hội đồng nhân dân mà ngay trong thực tiễn cuộc sống hằng ngày.
Sáu là, tổ chức cho các nữ đại biểu Hội đồng nhân dân đi giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm hoạt động dân cử trong và ngoài nước. Qua đó giúp cho nữ đại biểu có thêm nhiều thông tin, mở rộng tầm nhìn, phương pháp tổ chức hoạt động giám sát, hoạt động nghị trường của các nơi, để nữ đại biểu mạnh dạn phát biểu, đề xuất Hội đồng nhân dân các chính sách phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
4. Kết luận
Với những kết quả đạt được qua các nhiệm kỳ, Thành phố tiếp tục giữ vững vị trí trung tâm kinh tế lớn của cả nước; các lĩnh vực văn hóa – xã hội của Thành phố không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng, bảo đảm những điều kiện tốt nhất để chăm sóc sức khỏe và thực hiện an sinh xã hội cho người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Để đạt được các kết quả nêu trên, có thể khẳng định, vai trò của phụ nữ, đặc biệt là nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh qua các nhiệm kỳ đã có sự đóng góp rất tích cực trong việc xem xét, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, tham gia, đóng góp ý kiến vào việc quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của địa phương. Do vậy, cấp ủy các cấp cần quan tâm chuẩn bị nguồn nhân sự ngay từ đầu nhiệm kỳ và có kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng, bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ để có nguồn nữ ứng cử viên đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có khả năng đóng góp, cống hiến sức lực, trí tuệ, tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp ở những nhiệm kỳ tiếp theo là công việc hết sức quan trọng và mang tính chiến lược./.
————————————————
(1) và (3) Trương Lê Mỹ Ngọc, Trao gửi của cử tri – trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021, tr.187-189
(2) Văn bản số 4030/UBND-TH ngày 31/10/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ sáu Hội đồng nhân dân Thành phố khóa X
(4) Nguyễn Thị Lệ, Dấu ấn một nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021, tr.8-14
(5) và (9) Cao Thanh Bình, Cảm nhận về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Dấu ấn một nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021, tr.193-199
(6) và (11) Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo số 190/BC-HĐND ngày 17/4/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố về tổng kết hoạt động Hội đồng nhân dân Thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, năm 2021
(7) và (8) Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Dấu ấn một nhiệm kỳ, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021
(10) và (12) Trương Lâm Danh, Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố trong nhiệm kỳ 2016 – 2021 có hiệu quả ngày càng cao, Dấu ấn một nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021, tr.41-242
(13) Hoàng Thu Hà, Đỗ Minh Thúy, Cơ hội trúng cử của nữ ứng cử viên – Phân tích từ kết quả bầu cử Quốc hội khóa XV, https://www.hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/co-hoi-trung-cu-cua-nu-ung-cu-vien-phan-tich-tu-ket-qua-bau-cu-quoc-hoi-khoa-xv-40073-6101.html, truy cập ngày 01/02/2022