PGS,TS. NGUYỄN NGỌC HÒA(*)

(*) Học viện Chính trị khu vực III,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng. Tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật đang đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật đòi hỏi phải có định hướng đúng và yêu cầu đồng bộ, toàn diện và quyết liệt.
Từ khóa: Văn học, nghệ thuật; thể chế, cơ chế; quan điểm sai trái, thù địch

1. Những yêu cầu trong xây dựng thể chế đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã khẳng định: văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Hiện nay, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong đời sống văn hóa tinh thần đang đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó không chỉ xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật phong phú, mà còn đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái. Thời gian qua, các thế lực thù địch, phần tử chống đối, phản động luôn khuyến khích khuynh hướng đòi văn hóa, văn nghệ hoạt động độc lập với chính trị, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với văn hóa, văn nghệ, tìm cách lôi kéo các văn nghệ sĩ sáng tác theo khuynh hướng văn hóa, nghệ thuật phương Tây; hạ thấp, coi rẻ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, khuyến khích các giá trị văn hóa cá nhân cực đoan, đề cao giá trị “dân chủ”, “tự do” tư sản; làm tha hóa thế hệ trẻ bằng “văn hóa, tư tưởng, lối sống Mỹ” nhằm tạo ra một thế hệ “mất gốc”, phủ nhận các giá trị truyền thống dân tộc. Thông qua các quan hệ giao lưu văn hóa, chúng tìm mọi cách để xuyên tạc làm cho tư tưởng, lối sống tư sản xâm nhập vào đời sống xã hội, lấn át các giá trị truyền thống dân tộc tốt đẹp của ta. Các lực lượng phản động bên trong và bên ngoài phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa một số lớn tài liệu, sách báo, truyền đơn, băng hình, băng nhạc tán phát trên internet có nội dung phản động, đồi trụy. Chúng đưa nhiều thông tin sai lệch, độc hại lên internet, tác động xấu tới nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ, văn hóa, lối sống của nhân dân ta(1).
Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, Đảng đã xây dựng nhiều văn kiện, nghị quyết, chỉ thị về nhiệm vụ đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực văn hóa, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Cụ thể: Thông báo Kết luận số 94-CT/TW ngày 30/12/2002 của Ban Bí thư về nhiệm vụ tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa.
Tiếp đến là Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới đã đề ra một trong các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng là triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; thường xuyên cảnh giác, chủ động phòng, chống nguy cơ tự diễn biến ở cả Trung ương và các ngành, các cấp.
Ngày 17/4/2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Đây là yêu cầu cấp thiết để góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ X và phục vụ triển khai hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp quan trọng của Nghị quyết Trung ương 5 khoá X.
Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới xác định rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị – xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, trước hết là trong xây dựng đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể chế, nguyên tắc tổ chức hoạt động của toàn hệ thống chính trị,…
Từ những nội dung cốt lõi đó, việc xây dựng thể chế, cơ chế đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật cần tập trung giải quyết những yêu cầu sau:
Một là, cần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương về âm mưu, thủ đoạn mới trong chiến lược “diễn biến hòa bình” và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở nhận diện, đánh giá thực trạng âm mưu, thủ đoạn ngày càng nham hiểm, tinh vi của các thế lực thù địch cần xây dựng thể chế, cơ chế phù hợp, kịp thời, hiệu quả, cụ thể trong từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Hai là, trong quá trình xây dựng thể chế, cơ chế phải gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, tạo ra sức đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch; chủ động đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Ba là, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể; giữa Trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng trên mặt trận văn học, nghệ thuật trong cuộc đấu tranh chống các hoạt động “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
2. Giải pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật
Là một trong nhiều hình thái ý thức xã hội, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Văn học là loại hình quan trọng của nghệ thuật. Tác động của văn học, nghệ thuật đối với sự vận động và phát triển luôn có ý nghĩa rất lớn nếu như biết sử dụng văn học, nghệ thuật như là một trong những động lực của sự phát triển. Trong các loại hình nghệ thuật, văn học có chỗ đứng khá quan trọng trong quá trình làm thay đổi nếp nghĩ, nhân cách, đạo đức của con người. C.Mác và Ph.Ăngghen đánh giá cao về ảnh hưởng cũng như dấu ấn của nghệ thuật đối với lịch sử phát triển nhân loại.
Những đóng góp to lớn của nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam thời gian qua đã khẳng định vai trò, vị trí to lớn của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng con người Việt Nam. Ngày nay, với tư cách là một trong những thành tố đặc thù của văn hóa, nghệ thuật được nhìn nhận là động lực của sự phát triển, là hệ điều tiết của quá trình phát triển mà ở đó những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường luôn là rào cản trong xây dựng nhân cách con người Việt Nam.
Từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay, nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tầm vóc lịch sử của dân tộc, chưa có nhiều tác phẩm lớn mặc dù kinh tế luôn đạt mức tăng trưởng cao. Sự thay đổi không gian, môi trường, thời điểm và nhân cách nghệ sĩ đã làm cho văn học, nghệ thuật thay đổi phương pháp tư duy nghệ thuật. Thực tiễn thay đổi dẫn đến thay đổi trong tư duy nghệ thuật. Một số văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, một số phần tử chống đối đã có những quan điểm nghệ thuật lệch lạc. Sự lệch lạc đó càng nguy hiểm hơn khi thể hiện công khai các quan điểm sai trái về văn học, nghệ thuật trên các phương tiện báo chí, truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội.
Do đó, để xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho văn học, nghệ thuật, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch. Một trong nhiều giải pháp lớn là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Thứ nhất, tiếp tục phát huy sức mạnh của thể chế, cơ chế về văn học, nghệ thuật
Có thể nói rằng, những thành tựu trong đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, giữ vững ổn định môi trường nghệ thuật phần lớn xuất phát từ hiệu quả của các thể chế, cơ chế hiện hành. Từ Điều lệ Đảng, quy định đối với đảng viên cho đến những điều luật liên quan đến văn học, nghệ thuật hiện nay đều chặt chẽ, ràng buộc rõ ràng, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động chống phá Đảng, chống phá chế độ. Chúng ta đã sử dụng, phát huy tốt Luật Báo chí, Luật Xuất bản… để ngăn chặn, vô hiệu hóa, thậm chí kỷ luật, nghiêm trị những kẻ phản động, âm mưu chống phá.
Tuy nhiên, cũng có lúc một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản mất cảnh giác, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng một số tác phẩm nguy hại được xuất bản, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chẳng hạn, gần đây, truyện ngắn lịch sử Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga, chỉ thấy các “thánh phán”, “thánh chửi”, “thánh biết tuốt” lên facebook tung tác, “chém gió”, ít thấy tiếng nói “chính thức” có trọng lượng, có sức thuyết phục cao của các nhà nghiên cứu phê bình”(2).
Song, thời gian gần đây, Luật An ninh mạng năm 2018 có hiệu lực đã phát huy được công cụ lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh thông tin mạng đang phát triển. Với thể chế này, chúng ta chủ động trong mọi tình huống để ngăn chặn kịp thời những quan điểm sai trái chống phá Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật
Xuất phát từ thực trạng triển khai thể chế, cơ chế trong đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể hóa bằng mức độ dân chủ trong các thể chế nhưng vẫn quản lý, kiểm soát được các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Thực tế cho thấy, các thể chế, cơ chế về đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật hiện nay còn chung chung, một số văn bản pháp luật chưa bám sát thực tiễn. Cho đến nay, chúng ta chỉ mới có Luật Điện ảnh năm 2022 mà chưa thể xây dựng được các luật về các nghệ thuật khác, bởi lẽ đây là lĩnh vực không hề dễ dàng. Khi thể chế, cơ chế về lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa đầy đủ, bao quát được tất cả các lĩnh vực thì không thể đấu tranh một cách quyết liệt và rõ ràng. Chính vì vậy, hoạt động lãnh đạo, quản lý đối với lĩnh vực này thường có tính hành chính, thiếu tính khoa học và thuyết phục.
Mặt khác, điều quan trọng và cần tập trung nhất là xây dựng hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế quyền lợi và trách nhiệm trong đấu tranh của đội ngũ nghiên cứu, văn nghệ sĩ trong “xây” và “chống” trên lĩnh vực, văn học nghệ thuật. Trong thời gian qua, chúng ta đã chú trọng “xây” nhiều hơn “chống”. Chúng ta có đội ngũ nghiên cứu, văn nghệ sĩ đông đảo nhưng thường “im hơi lặng tiếng” trước những quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Chính vì vậy, nếu phát huy được quyền lợi và trách nhiệm của đội ngũ nghiên cứu, văn nghệ sĩ thì việc đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và tăng thêm tinh thần học thuật cho đội ngũ phê bình, văn nghệ sĩ.
Có thể nói rằng, để ngăn chặn, vô hiệu hóa các quan điểm sai trái, thù địch thì thể chế hiện tại của chúng ta phát huy khá tốt. Song, để phát huy mặt trận đấu tranh trên diễn đàn văn học, nghệ thuật thì cơ chế vẫn còn nhiều bất cập cần hoàn thiện, bổ sung kịp thời.
Thứ ba, phát huy sức mạnh của báo chí truyền thông trong đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật
Có thể nói rằng, sức mạnh của thể chế, cơ chế đấu tranh nằm trong giải pháp quan trọng này. Với lực lượng báo chí hùng hậu và mạng lưới báo chí từ Trung ương đến địa phương, chúng ta có thể phát huy tốt ưu thế này trong đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch. Tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó có 114 báo thực hiện hai loại hình, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép phát thanh truyền hình với 02 đài quốc gia (Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam), 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, 64 đài địa phương, 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng (Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an nhân dân, Truyền hình Quốc hội(3).
Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông cần phát huy tốt vai trò của báo chí trong đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Phát huy ưu điểm của mạng xã hội để đấu tranh kịp thời với những quan điểm sai trái, thù địch. Trong bối cảnh hiện nay, mạng xã hội có sức tác động vô cùng lớn. Phần lớn các quan điểm sai trái, thù địch về văn học, nghệ thuật đều xuất hiện trên các trang cá nhân của nhiều nhà phê bình, nhà văn… Vì vậy, cần xây dựng một lực lượng những nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, những người am hiểu văn học, nghệ thuật tác nghiệp trên diễn đàn mạng xã hội để phản biện, làm lu mờ, ngăn chặn sự lây lan các quan điểm tiêu cực.
Thứ tư, xây dựng cơ chế đầu tư cho văn học, nghệ thuật, đặc biệt là đội ngũ lý luận phê bình, văn học, nghệ thuật
Đầu tư cho văn học, nghệ thuật không phải là vấn đề mới nhưng vô cùng nan giải. Văn học, nghệ thuật có 2 lĩnh vực chủ yếu là sáng tác và phê bình.
Đội ngũ lý luận phê bình văn học, nghệ thuật có vai trò to lớn trong đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái thù địch. Đây là đội ngũ có vốn hiểu biết về học thuật cao nhất về lý luận nghệ thuật, được đào tạo và trải nghiệm nhiều nhất trong môi trường nghệ thuật.
Song, thực tế cho thấy, đội ngũ lý luận phê bình văn học nước ta hiện nay khá bàng quan, im lặng với hoạt động chống phá của một số cá nhân, tổ chức trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Không ít văn nghệ sĩ né tránh, lảng tránh những vấn đề bức xúc, gay cấn nóng bỏng của phê bình văn nghệ. Đáng chú ý, không ít cơ quan báo chí và cán bộ biên tập các chuyên trang trên các báo hiện nay chưa được đào tạo chuyên môn lý luận phê bình văn nghệ, thiếu kiên định đường lối văn nghệ của Đảng, thiếu hụt nhiều về vốn văn hóa, thiếu chuyên nghiệp, thiếu bản lĩnh, ngại va chạm phiền phức, có một số tin, bài phê bình văn nghệ theo hướng quảng cáo cho một số tác giả, tác phẩm. Văn hóa phê bình trên không ít tờ báo, tạp chí còn bị hạ thấp, đang có sự nhiễu loạn, “mù mờ” về chuẩn, thậm chí “lệch chuẩn”(4).
Cái khó ở đây là đòi hỏi của cuộc sống, của thời đại đối với người cầm bút. Cái khó còn là đòi hỏi của Đảng đối với trách nhiệm của người cầm bút với chế độ, với nhân dân và dân tộc. Hiện nay, hầu hết nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ đều là viên chức, công chức nhà nước và việc đầu tư cho văn học, nghệ thuật là điều hiển nhiên. Song, để văn học, nghệ thuật phát triển cần đầu tư phù hợp để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các quan điểm sai trái.
Thứ năm, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống thông qua sức mạnh của dư luận xã hội
Thể chế dưới hình thức là các luật, quy định thành văn có tính ràng buộc hành chính, ràng buộc chính trị. Cá nhân và tổ chức hoạt động trong xã hội buộc phải tuân theo, dù muốn hay không muốn. Mỗi chế độ chính trị đều sử dụng khung pháp lý để quản lý và phát triển xã hội.
Song, để xã hội ổn định và phát triển bền vững không thể không phát huy các thể chế bất thành văn như phong tục, tập quán, quy tắc đạo đức được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Chính những giá trị truyền thống trong văn hóa, đạo đức, tập tục có sức cảm hóa sâu sắc con người, chỉ ra cái đúng, cái đẹp, cái tốt để con người lấy đó làm cái đích trong hành động, ứng xử. Các thể chế bất thành văn này đánh thức lương tâm con người, tính tự giác của con người hướng về lẽ phải. Lẽ phải đó không gì khác là dân tộc, là đất nước, là Tổ quốc thiêng liêng. Vì vậy, để phát huy sức mạnh này, giá trị này, chúng ta cần dùng mạng lưới báo chí truyền thông, dùng sức mạnh của dư luận xã hội để đấu tranh với những ai đi ngược lại lợi ích dân tộc, gây bất ổn xã hội, chia rẽ phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc./.

———————————-

(1)http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/khong-de-cac-the-luc-thu-dich-tao-khoang-trong-ve-tu-tuong-van-hoa-117028
(2)Hoàng Phước Lộc, Về phê bình văn học hôm nay, Báo Văn nghệ ngày 26/10/2018
(3)https://vietnamnet.vn/bao-cao-cong-tac-bao-chi-nam-2021-va-phuong-huong-muc-tieu-nhiem-vu-giai-phap-nam-2022-803901.html, ngày 24/12/2021
(4) Đào Duy Quát, Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Tạp chí Tuyên giáo Điện tử, ngày 09/12/2018