ThS. BÙI PHƯƠNG THẢO(**)

(*) Bài viết trong khuôn khổ thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2023: Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, Mã số đề tài: B.23 – 05 do TS. Quách Thị Minh Phượng chủ nhiệm
(**) Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Từ ngày 01/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức vận hành mô hình chính quyền đô thị theo tinh thần của Nghị quyết số 131/2020/NQ/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Nghị quyết 131/2020/NQ/QH14, Thành phố Hồ Chí Minh không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường (cơ quan dân cử ở địa phương) sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác giám sát ở cơ sở. Bài viết phân tích rõ những kết quả và hạn chế, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị.
Từ khóa: chính quyền đô thị; Hội đồng nhân dân; hoạt động giám sát; Thành phố Hồ Chí Minh

1. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị
Từ ngày 01/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức vận hành mô hình chính quyền đô thị theo tinh thần của Nghị quyết số 131/2020/NQ/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh sau một thời gian dài thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường và rút kinh nghiệm trước đó. Nghị quyết quy định rõ về cơ chế hoạt động cũng như chính sách đặc thù của bộ máy chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; huyện, xã, thị trấn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở quận, phường tại Thành phố Hồ Chí Minh là Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường. Riêng thành phố Thủ Đức vẫn tổ chức Hội đồng nhân dân nhưng các phường thuộc thành phố Thủ Đức cũng không tổ chức Hội đồng nhân dân. 
Kết quả của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức, huyện, xã, thị trấn nhiệm kỳ 2021 – 2026 như sau: 30 đại biểu Quốc hội; 94 đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (khuyết 01 đại biểu); 209 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức và 05 huyện (khuyết 01 đại biểu); 1.822 đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn (khuyết 15 đại biểu)(1). Đối với thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân Thành phố. Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Các ban của Hội đồng nhân dân Thành phố gồm Trưởng ban, 02 phó trưởng ban và các ủy viên. Trưởng ban của Hội đồng nhân dân Thành phố có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân Thành phố là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố có 01 ủy viên hoạt động chuyên trách.
Kể từ khi thực hiện chính quyền đô thị, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thay đổi về số lượng và cơ cấu nhân sự. Cụ thể, ở nhiệm kỳ mới từ năm 2021 (thời gian Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131/2020/NQ/QH14), số đại biểu Hội đồng nhân dân giảm 11 đại biểu (từ 105 xuống còn 94 đại biểu). Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang khuyết 01, chỉ bầu 01 đồng chí và Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng thay đổi khi Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân Thành phố không còn là Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh như nhiệm kỳ trước. Ngoài ra, đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố tăng từ 16 lên 19 đại biểu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố hiện nay. Như vậy, nhân sự được điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị ngoài Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 còn được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị quyết 131/2020/NQ/QH14: “Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thuộc quận, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận; lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; trường hợp có từ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Hội đồng nhân dân Thành phố đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền; thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận được thực hiện theo quy định của Quốc hội; đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Chánh án Tòa án nhân dân quận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận. Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn”.
Có thể thấy, những hoạt động trước đây khi chưa tổ chức chính quyền đô thị, cấp chính quyền địa phương được tổ chức đầy đủ tại ba cấp của Thành phố thì hoạt động giám sát đối với Ủy ban nhân dân quận, phường, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận sẽ do Hội đồng nhân dân cùng cấp thực hiện. Tuy nhiên, khi tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường nhưng vẫn phải bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn nên Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ đảm nhận thêm những nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân quận, phường như Điều 2 Nghị quyết số 131/2020/NQ/QH14 quy định.
Bên cạnh đó, khi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường, một số nhiệm vụ, quyền hạn trước đây thuộc về Hội đồng nhân dân quận, phường thì hiện nay được giao về cho Ủy ban nhân dân quận, phường. Ủy ban nhân dân quận, phường chịu trách nhiệm về các vấn đề tại địa bàn trước người dân địa phương. Cụ thể, Điều 5 Nghị quyết số 131/2020/NQ/QH14 xác định: Ủy ban nhân dân quận quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách quận, phường trực thuộc theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019; tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà Luật Đầu tư công quy định phải có sự tham gia ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp huyện; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của Ủy ban nhân dân phường trực thuộc; quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội cho Ủy ban nhân dân phường trực thuộc. Điều 9 Nghị quyết số 131/2020/NQ/QH14 xác định: Ủy ban nhân dân phường đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước với Ủy ban nhân dân quận hoặc Ủy ban nhân dân thành phố thuộc Thành phố để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà Luật Đầu tư công quy định phải có sự tham gia ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp xã; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý.
2. Thực trạng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị
– Một số thành tựu đạt được
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14, Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; là năm diễn ra bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Hoạt động giám sát là một trong những nhiệm vụ song song với rất nhiều nhiệm vụ quan trọng của Thành phố, những kết quả bước đầu đã đạt được. Cụ thể:
+ Trong thời gian đầu tổ chức chính quyền đô thị, chịu sự tác động nặng nề của đại dịch COVID – 19, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã được Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố và các ban Hội đồng nhân dân Thành phố tập trung thực hiện với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn, như giám sát qua báo cáo; họp trực tuyến và khảo sát trực tiếp trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Trong năm 2021, Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức 11 đoàn giám sát với 211 cuộc, nội dung giám sát được chọn đều xuất phát từ tình hình, yêu cầu thực tiễn và lắng nghe ý kiến của cử tri thành phố, như tổ chức giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân Thành phố về hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố; Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19. Thực hiện 03 nội dung giám sát theo phân công của ban Thường vụ Thành ủy. Ngoài ra, Thường trực và các ban của Hội đồng nhân dân Thành phố cũng đã tổ chức 86 cuộc khảo sát với nhiều nội dung quan trọng khác(2). Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân được duy trì thường xuyên, đúng luật định. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố (HTV) tổ chức 03 chương trình “Lắng nghe và trao đổi”; 05 chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” và phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố (VOH) tổ chức 07 chương trình “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố”. Đây là những diễn đàn đối thoại trực tiếp của chính quyền Thành phố với cử tri được cử tri thành phố quan tâm theo dõi, đánh giá cao và có tác động lan tỏa tích cực, tạo cầu nối giữa chính quyền và nhân dân Thành phố. Ngoài ra, Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức Hội nghị tiếp xúc trực tiếp với 100 cử tri thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh tại hội trường Thành ủy và hơn 1.000 cử tri qua 12 điểm cầu vệ tinh, tiếp xúc cử tri là nữ công nhân, viên chức, lao động chủ đề “Chính sách an sinh xã hội – nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động” với 1.000 cử tri trực tiếp và 400 cử tri tại 4 điểm cầu(3).
+ Phát huy những thành tựu đạt được trong năm 2021, năm 2022, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố tiếp tục phát huy vai trò trong việc điều hòa phối hợp hoạt động giữa các ban Hội đồng nhân dân Thành phố với Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; tập trung giám sát, hỗ trợ chia sẻ với hoạt động của Ủy ban nhân dân Thành phố giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường tiếp xúc cử tri theo giới, ngành, lĩnh vực để lắng nghe, trao đổi, chia sẻ thông tin; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc; tăng cường công tác tiếp công dân, giám sát việc giải quyết đơn thư của các cơ quan nhà nước có liên quan và của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố. Cụ thể: “Trong năm 2022, Hội đồng nhân dân Thành phố, Thường trực và các ban của Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức 134 cuộc giám sát: Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức 15 cuộc giám sát với 02 chuyên đề (giám sát về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14). Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức 26 cuộc giám sát (09 cuộc giám sát về tình hình triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025; 10 cuộc giám sát về việc thực hiện Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2025; 07 cuộc giám sát việc triển khai, thực hiện chủ đề năm 2022 thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp). Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức 02 phiên họp giải trình: “Kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” và “Hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố”, ban hành kết luận phiên họp. Các ban Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức 93 cuộc giám sát: Ban Kinh tế – Ngân sách tổ chức 22 cuộc giám sát, Ban Văn hóa – Xã hội tổ chức 30 cuộc giám sát; Ban Đô thị tổ chức 09 cuộc giám sát; Ban Pháp chế tổ chức 32 cuộc giám sát. Bên cạnh đó, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố tham gia giám sát cùng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố và các Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thành phố”(4).
Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân Thành phố thực hiện “Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thuộc quận, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận” – những hoạt động trước đây khi chưa tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân quận, phường. Qua đây cho thấy vai trò, trách nhiệm giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố được nâng cao, mở rộng thành phần các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Ngoài ra, Hội đồng nhân dân Thành phố đã xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị, nhiệm kỳ 2021 – 2026 với mục đích đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố; nâng cao chất lượng công tác giám sát và khảo sát, góp phần đưa hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân sát cơ sở và sát dân.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố, điểm mới là đã phát huy vai trò của 04 ủy viên chuyên trách các ban của Hội đồng nhân dân thành phố, tăng cường trách nhiệm của đại biểu qua hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý cập nhật hoạt động của từng đại biểu và chia sẻ kinh nghiệm kịp thời các hoạt động của đại biểu. Hội đồng nhân dân Thành phố cũng tập trung nâng cao chất lượng hoạt động các ban, từng thành viên các ban; chịu trách nhiệm về các nghị quyết Hội đồng nhân dân ban hành thuộc lĩnh vực Ban phụ trách để theo dõi kết quả thực hiện và kịp thời báo cáo tính hiệu quả của nghị quyết, đánh giá tác động của nghị quyết vào đời sống nhân dân. Các ban của Hội đồng nhân dân Thành phố xây dựng quy chế hoạt động của nhiệm kỳ 2021 – 2026, trong đó xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng đồng chí trưởng, phó ban, ủy viên chuyên trách và các thành viên; đồng thời xây dựng chương trình hoạt động theo từng năm của mỗi ban Hội đồng nhân dân Thành phố(5).
Nhìn chung, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố đã góp phần thúc đẩy hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm phát triển kinh tế, ổn định xã hội, dù trong điều kiện dịch bệnh diễn ra căng thẳng và khó khăn nhất. Các nội dung giám sát đã bám sát yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội, đẩy lùi thiên tai dịch bệnh, khắc phục những tồn đọng, khó khăn của Thành phố, đảm bảo đúng quy định pháp luật, chất lượng và hiệu quả. Các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ của người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động nghiên cứu các nội dung chủ đề của các cuộc giám sát nhằm đưa ra ý kiến, góp ý và phát biểu trong các phiên họp giám sát đem lại lợi ích cho nhân dân.
– Một số tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, chất lượng một số hoạt động giám sát chưa cao, chưa đáp ứng được mục đích và yêu cầu của công tác giám sát, còn dàn trải và chưa giải quyết được vấn đề đặt ra.
Thứ hai, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách còn thấp (19/94 đại biểu, chiếm 20%), dẫn đến chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố nói chung và chất lượng giám sát nói riêng không đáp ứng được như yêu cầu. Kiến nghị của đại biểu tại nội dung các chuyên đề giám sát chung chung, mang tính hình thức, vì đại biểu kiêm nhiệm có ít thời gian cho hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố, ít thời gian nghiên cứu, ít tham gia chất vấn, khó sắp xếp thời gian cho hoạt động giám sát,…
Thứ ba, khi không còn tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường nên nhiệm vụ về giám sát trước đây của Hội đồng nhân dân quận, phường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện phần lớn bởi Hội đồng nhân dân Thành phố. Tuy nhiên, với 16 quận và hơn 200 phường trực thuộc, thì số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố chưa đáp ứng đủ. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động chất vấn, giám sát trên địa bàn Thành phố.
Thứ tư, một số cơ quan, đơn vị là đối tượng bị giám sát chưa thực sự coi trọng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Cụ thể, có rất nhiều trường hợp thuộc đối tượng bị giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố nhưng không tuân thủ quy định về giám sát, chậm báo cáo chính thức, thậm chí có trường hợp lãnh đạo cơ quan, đơn vị, sở, ngành có lịch họp đột xuất nên buộc Hội đồng nhân dân Thành phố phải hủy buổi giám sát do không có đủ thành phần theo quy định, mặc dù trước đó lịch giám sát đã được lên cụ thể. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giám sát, không đảm bảo đúng tiến độ, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị là đối tượng bị giám sát.
3. Giải pháp tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khi tổ chức chính quyền đô thị
Một là, nâng cao chất lượng giám sát bằng cách tổ chức hiệu quả các hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các ban và Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố theo đúng quy định pháp luật. Cần quyết định chủ đề giám sát một cách khoa học, những vấn đề cần thiết và cấp bách phải xử lí trước, nội dung giám sát cần được chuẩn bị cụ thể, rõ ràng; đề xuất, kiến nghị và kết luận phải chất lượng, gạt bỏ những kiến nghị chung chung, không mang tính chất xây dựng cho nội dung giám sát. Sau mỗi cuộc giám sát cần có quy định cụ thể về thời gian nộp lại đề xuất, kiến nghị và các kết luận của đại biểu. Bên cạnh đó, cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế về giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố Trung ương khi thực hiện chính quyền đô thị.
Hai là, cần có cơ chế đặc thù về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cho Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dânThành phố cần nâng cao chất lượng bộ máy đủ mạnh, năng động, sáng tạo, chất lượng. Để nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố, cần có chính sách về bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ này. Cần có những hoạt động trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trên thế giới để học hỏi và phát huy năng lực cho các đại biểu, đặc biệt là đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân Thành phố. Ngoài ra, những chính sách về cải thiện tiền lương, một số đãi ngộ cho các đại biểu cũng là hoạt động rất cần thiết để nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Ba là, tăng cường, phối hợp với các cơ quan, tổ chức. Trong điều kiện hiện nay có 16 quận không tổ chức Hội đồng nhân dân quận và hơn 200 phường thuộc quận cũng không tổ chức Hội đồng nhân dân phường làm tăng thêm nhiệm vụ cho Hội đồng nhân dân Thành phố. Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, chất lượng hoạt động của Thường trực và các ban của Hội đồng nhân dân Thành phố, còn cần tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, Đoàn đại biểu Quốc hội để học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thông tin về kiến thức pháp luật,… Ngoài ra, cần tăng cường vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường chất vấn đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân quận, Chánh án Tòa án nhân dân quận tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố để nắm rõ tình hình quản lý nhà nước tại địa phương.
Bốn là, cần có chế tài phù hợp, nghiêm khắc để xử lý những trường hợp tắc trách trong hoạt động giám sát, không coi trọng hoạt động giám sát. Đối tượng bị giám sát cần có văn bản giải trình cụ thể khi không tham dự công tác giám sát hoặc báo cáo giám sát chậm trễ.
Năm là, tăng cường công nghệ thông tin phục vụ hoạt động giám sát. Cụ thể, mở đường dây nóng nhằm thu nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Hội đồng nhân dân Thành phố ngay tại kỳ họp để hoạt động chất vấn sôi nổi hơn. Thường xuyên, định kỳ thực hiện các diễn đàn đối thoại với người dân theo tháng, như Chương trình đối thoại cùng chính quyền thành phố, Dân hỏi – Chính quyền trả lời,… Ngoài ra, Hội đồng nhân dân Thành phố nên thiết lập trang fanpage trên nền tảng công nghệ số nhằm tạo sự tương tác cao của người dân thành phố và đây cũng là một kênh giám sát, công khai, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần thực hiện số hóa hoàn toàn 100% dữ liệu về kết quả báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố phục vụ tái giám sát, tổng hợp, theo dõi thông tin, lưu trữ thông tin, gắn kết thông tin giữa các ban và Tổ đại biểu.
Như vậy, để triển khai tốt các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị cần sự tham gia, phối hợp, quan tâm và tạo điều kiện kịp thời của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và sự hợp lực, đồng lòng của nhân dân Thành phố trong việc thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án mà cấp ủy đảng, chính quyền Thành phố ban hành. Từ đó, tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả các cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tích cực tham gia vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và toàn xã hội giàu mạnh, phát triển phồn vinh./.

—————————————–

(1) và (3) Báo cáo số 128/BC-UBND ngày 15/7/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về sơ kết 01 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ
(2) Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị nhiệm kỳ 2021 – 2026 ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 07/4/2022
(4) Báo cáo số 1046/BC-HĐND ngày 06/12/2022 về hoạt động của Thường trực và các ban của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023
(5) Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nâng cao chất lượng công tác giám sát và khảo sát, đưa hoạt động của Hội đồng nhân dân sát cơ sở và sát dân, ngày 21/3/2022

(Tạp chí Khoa học chính trị Số 04/2023)