TS. NGUYỄN PHƯƠNG AN(*)
ThS. ĐINH VĂN CHÍ(**)
(*) Học viện Chính trị khu vực II,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(**) Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Tóm tắt: Với tất cả tiềm năng, lợi thế, vị thế hiện có của Thành phố Hồ Chí Minh, việc hoạch định và thực thi hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển là yêu cầu vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 để Thành phố tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. Nhằm bảo đảm đạt được yêu cầu đặt ra, quá trình hoạch định, sau đó là thực thi nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù cần quán triệt phương châm “Tầm nhìn toàn cầu – Tư duy quốc gia – Hành động địa phương”.
Từ khóa: Thành phố Hồ Chí Minh; cơ chế, chính sách; đặc thù
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là chính sách công được ban hành bởi Nhà nước, bao gồm các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo, quản lý tác động vào những yếu tố đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện, đồng bộ và bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ thể ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chức năng ở Trung ương, song, đối tượng tác động chính, không gian và chủ thể thực hiện chủ yếu là ở một địa phương – Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh không phải là “chính sách địa phương” với chủ thể ban hành là chính quyền địa phương. Đó là “chính sách quốc gia” được ban hành bởi “chính quyền Trung ương” nhưng đối tượng hướng đến và phạm vi tác động chính yếu là một địa phương đặc thù. Mục tiêu phát triển địa phương, kết quả đạt từ thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, đặt trong tổng thể mục tiêu của vùng và cả nước, hướng đến tầm quốc tế. Yếu tố “quốc gia” và “địa phương” quyện chặt trong cơ chế, chính sách đặc thù. Đó là tiền đề tất yếu để quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Tầm nhìn toàn cầu – Tư duy quốc gia, hành động địa phương” trong quá trình hoạch định và thực thi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
1. “Tầm nhìn toàn cầu – Tư duy quốc gia – Hành động địa phương” – Nội hàm cơ bản
Tư duy là một trong các đặc tính vật chất phát triển đến trình độ tổ chức cao. Tư duy có nhiều cấp độ khác nhau, trong đó tư duy lý luận là hình thức cao nhất. Ph.Ăngghen khẳng định, một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận. Tư duy là sự giải quyết vấn đề thông qua tri thức đã nắm được. Tư duy lý luận thể hiện bản lĩnh trí tuệ của chủ thể ban hành và thực thi chính sách công, đồng thời ảnh hưởng to lớn đến kết quả của quá trình thực thi chính sách công. Hoạch định cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là kết quả của quá trình tư duy lý luận gắn liền với tổng kết thực tiễn. Tư duy ấy “dẫn dắt” quá trình tổ chức thực thi cơ chế, chính sách. Có thể nói, tư duy nào thì chính sách đó, diễn biến và kết quả cũng tương ứng. Do vậy, trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách công, tư duy đúng đắn, phù hợp là điều kiện tiên quyết, bao trùm để chính sách đúng đắn và quá trình thực hiện chính sách hiệu quả.
Những năm gần đây, “Tầm nhìn toàn cầu – Tư duy quốc gia – Hành động địa phương” là một trong những phương châm được nhắc đến nhiều trong những đề cập về đường hướng và tổ chức thực tiễn phát triển đất nước nói chung, các ngành, lĩnh vực và địa phương nói riêng. Từ góc nhìn chính sách phát triển các địa phương, có thể khái quát phương châm này trên những nét chính yếu sau:
Tầm nhìn toàn cầu: Hoạch định và thực thi chính sách phát triển các địa phương phải phù hợp với xu thế vận động và phát triển của khu vực và quốc tế. Nhận thức rõ thời cơ, thuận lợi cùng những khó khăn, thách thức đến từ tình hình quốc tế tác động đến quá trình phát triển của địa phương để đưa ra các bước đi, biện pháp phù hợp. Huy động nguồn lực quốc tế để phát triển địa phương. Xác định mục tiêu phát triển địa phương theo xu thế phát triển của thế giới.
Tư duy quốc gia: Hoạch định và thực thi chính sách phát triển các địa phương không phải là công việc của nội bộ địa phương mà là một bộ phận trong đường lối, chính sách phát triển đất nước. Chính sách phát triển các địa phương phải được ban hành bởi chủ thể quản lý ở tầm quốc gia, với tư duy hệ thống đặt địa phương mà chính sách hướng đến trong mối quan hệ với hệ thống phát triển của đất nước. Do vậy, nguồn lực huy động thực hiện chính sách phát triển địa phương cũng phải được huy động từ phạm vi quốc gia, thay vì chỉ khép kín trong phạm vi địa phương.
Hành động địa phương: Địa phương tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách công. Đối với quá trình hoạch định chính sách, địa phương tham mưu, kiến nghị, cung cấp “chất liệu” để Trung ương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển địa phương. Đối với quá trình thực thi, địa phương đóng vai trò chủ đạo trực tiếp cụ thể hóa, hiện thực hóa cơ chế, chính sách đặc thù phát triển địa phương bằng quá trình triển khai và những kết quả đạt được.
Như vậy, phương châm “Tầm nhìn toàn cầu – Tư duy quốc gia – Hành động địa phương” chính là việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố quốc tế – quốc gia – địa phương trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát triển địa phương ở Việt Nam. Việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ này là tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và liên kết, phát triển vùng đang ngày càng trở nên đậm nét trong quá trình phát triền của thế giới và mỗi quốc gia hiện nay.
2. Sự cần thiết hoạch định và thực thi chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị có quy mô lớn nhất Việt Nam, “đầu tàu” kinh tế, trung tâm văn hóa – xã hội, khoa học – công nghệ của cả nước; là “cửa ngõ” hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nơi có nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, do đó, là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn. Giai đoạn 2015 – 2020, dù có nhiều khó khăn, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (2016 – 2019) tăng bình quân 7,72%, tỉ trọng kinh tế đóng góp trên 22,2% kinh tế của cả nước. Năng suất lao động bình quân cao hơn 2,6 lần so với mức bình quân của cả nước. Năm 2019, thu ngân sách đứng đầu cả nước, chiếm 27%. Giáo dục – đào tạo phát triển mạnh về quy mô và có sự nâng lên về chất lượng. Tỉ lệ lao động qua việc làm cao hơn 80%. Y tế, khoa học công nghệ đều có quy mô và trình độ phát triển dẫn đầu cả nước. Văn hóa và con người Thành phố Hồ Chí Minh được chú trọng phát triển. Môi trường văn hóa lành mạnh, đảm bảo an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều đột phá tiên phong trong đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị với nhiều nỗ lực, quyết tâm và kết quả trong xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai mạnh mẽ cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và thực hiện dịch vụ công; xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh(1).
Những năm qua, Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phấn khởi với việc ban hành và thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trên 18 nội dung thuộc 05 lĩnh vực: đất đai; đầu tư; tài chính – ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý. Điều đó đáp ứng mong mỏi về sự phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh những kết quả ban đầu, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy: “việc triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội có nội dung còn chậm so với dự kiến. Một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách như: bổ sung nguồn vốn từ cổ phần hóa, thưởng vượt thu, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, tiền sử dụng đất do bán tài sản của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thực tế chưa có điều kiện thực hiện. Việc thí điểm cơ chế thi tuyển rộng rãi chức danh lãnh đạo cấp phó sở, ngành; chức danh trưởng phòng thuộc quận, huyện chưa được thực hiện; chưa đề xuất triển khai thí điểm cử tri bầu trực tiếp một số chức danh ở quận – huyện, phường – xã, thị trấn”(2). Theo nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo: “Nhiều năm qua, cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh luôn đặt ra, bởi trong thực tế, cơ chế quản lý đối với Thành phố Hồ Chí Minh chưa phù hợp với tính chất và đặc điểm của một đô thị đặt biệt. Mặc dù, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được Trung ương xem xét có cơ chế đặc thù nhưng “chiếc áo vẫn chật” so với sự đòi hỏi của thực tiễn”(3). Qua 05 năm thực hiện, nhiều nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 trở nên không phù hợp hoặc chưa được thực hiện.
Trước thực trạng trên, cùng với những yêu cầu của thực tiễn đặt ra, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 theo hướng kế thừa và tích hợp tất cả cơ chế, chính sách mà thành phố cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước. Yêu cầu đó đặt ra cho cả Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh nhận thức rõ “Phải có tầm nhìn toàn cầu và tư duy quốc gia và hành động của địa phương phải rất cụ thể, dựa trên vị thế, tiềm năng, lợi thế cụ thể để lựa chọn cách đi”(4).
3. Quán triệt phương châm “Tầm nhìn toàn cầu – Tư duy quốc gia – Hành động địa phương” trong hoạch định và thực thi chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
Trước mắt, việc quán triệt phương châm này trong hoạch định cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện ở những nội dung chính yếu sau:
– Tầm nhìn toàn cầu
+ Xác định phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh sát hợp, kịp thời, thậm chí có thể đi trước xu thế vận động và phát triển của khu vực và thế giới. Trong những năm sắp tới, cần quan tâm đến xu thế kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ cao vốn đang là xu thế tất yếu và chủ đạo mà thế giới đang trải qua và đi đến.
+ Xác định mục tiêu phát triển vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh ra ngoài phạm vi quốc gia, vươn tầm khu vực và quốc tế. Do đó, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phải xác định mục tiêu vươn tầm quốc tế để nâng cao vị thế của đô thị đặc biệt này. Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030: “Thành phố là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á”; “Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu”(5). Các mục tiêu này thể hiện tầm nhìn toàn cầu và cần trở thành “chất liệu” để Trung ương hoạch định cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Xác định nguồn lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh nội lực là ngoại lực, bao gồm các nguồn lực đến từ ngoài nước, từ các quốc gia khác đến cơ chế, tổ chức quốc tế. Điều này hoàn toàn phù hợp với một đô thị cửa ngõ, đang có thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế sôi động, tích cực và sâu rộng như Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Dự báo và nhận thấy những yếu tố tiêu cực, khó khăn, thách thức đến từ khu vực và thế giới tác động đến Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đối diện với những tác động tiêu cực đến từ bên ngoài là điều không thể tránh khỏi trên tiến trình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, đòi hỏi phải được thể hiện trong chính sách phát triển như là đối sách.
– Tư duy quốc gia
+ Nhất quán quan điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ cho riêng địa phương này. Với vị thế đặc biệt quan trọng và những đóng góp to lớn của Thành phố Hồ Chí Minh đối với cả nước, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh chính là góp phần phát triển vùng Nam Bộ và cả nước. Mỗi bước phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh đều góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển của cả nước, trước hết là các mục tiêu phát triển đất nước được xác định tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
+ Huy động nguồn lực quốc gia tham gia hoạch định và thực thi cơ chế, chính sách phát triển lực lượng tham gia phải bao gồm nhiều cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương; Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác có liên quan trực tiếp trong cả nước. Từ các liên kết này, tháo gỡ những điểm nghẽn về tài chính, giao thông – vận tải,… để thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh không tách biệt, trái lại phải được xác định rõ ràng là thành tố bộ phận trong tổng thể đường lối, chính sách phát triển đất nước; có mối liên quan gắn kết với cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực và địa phương khác, đặc biệt là liên quan trực tiếp với Thành phố. Chú ý đến tăng cường liên kết vùng để gắn cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương khác ở vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương khác ở Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Xác định rõ tư duy: Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là góp phần phát triển vùng và các địa phương khác; phát triển các địa phương khác trong vùng làm gia tăng các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
– Hành động địa phương
+ Thành phố Hồ Chí Minh không “đứng ngoài” quá trình hoạch định cơ chế, chính sách đặc thù phát triển; không thụ động, trông chờ Trung ương ban hành chính sách. Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tích cực vào quá trình hoạch định cơ chế, chính sách đặc thù phát triển. Nhu cầu hoạch định cơ chế, chính sách đặc thù phải xuất phát từ “tiếng nói”, nguyện vọng kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh với Trung ương cùng tầm nhìn của Trung ương đối với sự phát triển của Thành phố. “Tiếng nói” ấy phải hàm chứa những luận cứ khoa học và thực tiễn thuyết phục để thúc đẩy quá trình hoạch định cơ chế, chính sách đặc thù. Các luận cứ này sẽ trở thành “chất liệu” cho Trung ương hoạch định cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với các kiến nghị, Thành phố Hồ Chí Minh tham gia cùng với Trung ương trong toàn bộ quá trình hoạch định cơ chế, chính sách – từ khởi thảo đến ban hành. Gần đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh, bổ sung, ban hành văn bản mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14.
+ Thành phố Hồ Chí Minh đóng “vai chính” trong thực thi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển. Sau khi Trung ương chính thức ban hành văn bản về cơ chế, chính sách đặc thù, Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng quán triệt và cụ thể hóa bằng các quyết định lãnh đạo, quản lý, các chương trình, kế hoạch, tinh thần quyết tâm cao gắn với hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả và hệ thống. Để làm tốt những điều này, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển xác định trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 – 2025. Thành phố Hồ Chí Minh chủ động tranh thủ các nguồn lực tại chỗ gắn với nguồn lực từ Trung ương và liên kết vùng để tận dụng tối đa cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy sự phát triển; chủ động tổng kết thực tiễn để phát hiện những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhằm tạo lập những chất liệu cho việc kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù sau một thời gian thực hiện mà thực tiễn đặt ra.
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ quốc tế – quốc gia – địa phương là yêu cầu tất yếu đặt ra cho các địa phương trong quá trình phát triển. Trước yêu cầu mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh – địa phương có tầm quan trọng đặc biệt đối với cả nước, việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ này thể hiện qua quán triệt phương châm “Tầm nhìn toàn cầu – Tư duy quốc gia – Hành động địa phương” trong quá trình hoạch định và thực thi. “Đây là thời điểm chúng ta rất cần có tư duy quốc gia và hành động địa phương để định vị được mình trong sự phát triển chung của đất nước, có chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược tổng thể quốc gia. Từ đó khắc phục được tình trạng cát cứ, mạnh ai nấy làm; đẩy mạnh kết nối và liên kết vùng, biến áp lực cạnh tranh trở thành cơ hội và động lực phát triển; phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện đặc thù để có đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cùng nhau nhịp bước trên con đường đi đến phồn vinh, hạnh phúc”(5)./.
—————————————-
(1), (2) và (5) Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025
(3) Phạm Phương Thảo, Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tăng tốc phát triển, https://www.hcmcpv.org.vn
(4) Trích bài phát biểu của GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tại Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 3 năm 2022
(6) Trích bài phát biểu khai mạc của GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tại Diễn đàn Đối thoại địa phương năm 2021
(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 03/2023)