TS. NGUYỄN ANH HÙNG(*)
(*) Viện Nghiên cứu châu Mỹ
Tóm tắt: Tiến trình cách mạng Cuba đã trải dài qua nhiều thành công, nhưng hiện gặp phải những thách thức không nhỏ, cả từ tình hình trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba đang thực hiện đổi mới định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bài viết này nhìn nhận, phân tích, đánh giá một số đổi mới cơ bản trong định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay tại Cuba.
Từ khóa: chủ nghĩa xã hội; Cuba; đổi mới định hướng; xã hội cộng sản
1. Về đổi mới định hướng tiến tới xã hội cộng sản
Có hay không tiến tới xã hội cộng sản được đánh giá là một vấn đề định hướng tư duy chính trị cơ bản ở Cuba hiện nay! Thực tế, Cuba, cũng như Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác trước đây, khi tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân/cách mạng vô sản thành công, đều bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với mục đích gắn kết rõ ràng: xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và tiến tới xã hội cộng sản. Mục tiêu kép này được ghi nhận trong văn bản chính trị của đảng cộng sản cầm quyền và trong hiến pháp, pháp luật của nhà nước; được công bố, phổ biến qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền, cập nhật tới mọi người dân, mọi cộng đồng trong xã hội. Nó được quan niệm và thực hiện với những lý giải: (1) Chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, khi vận dụng triệt để vào việc làm cách mạng và xây dựng xã hội mới tiến bộ, phải áp dụng đồng thời phương thức, mục tiêu của cả chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; (2) Xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và tiến tới xã hội cộng sản là hai quá trình nối tiếp nhau, không thể tách rời của tiến trình chung hướng đến một xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ, văn minh nhất của loài người, vậy phải đặt chúng trong cùng một mục tiêu tổng thể; (3) Xã hội cộng sản văn minh là xã hội ưu việt, hoàn hảo nhất và thực trạng của nó được quyết định bởi cơ sở, thành quả của xã hội xã hội chủ nghĩa trước đó.
Ở Cuba, công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và tiến tới xã hội cộng sản là mục tiêu chung được thực hiện trong suốt giai đoạn đấu tranh cách mạng (1953 – 1962) và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa (1963 – 1991) của đất nước. Về hình thức cao nhất, nó cũng được khẳng định và ghi nhận (xã hội xã hội chủ nghĩa và tiến tới xã hội cộng sản) trong văn kiện các đại hội của Đảng Cộng sản Cuba và Hiến pháp của Nhà nước Cuba. Tuy nhiên, khi kết thúc thời kỳ Chiến tranh lạnh, từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, xuất hiện quan điểm nên từ bỏ việc tiến tới xã hội cộng sản trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba. Xu hướng quan niệm này ngày càng lan rộng trong Đảng, Nhà nước và xã hội Cuba với niềm tin chắc chắn là không hoặc rất khó thể xây dựng được chế độ cộng sản văn minh của loài người, bởi: (1) Mỗi thực thể cá nhân con người, cả về mặt tự nhiên và xã hội, đều khác biệt hoàn toàn so với những thực thể khác. Trình độ tri thức càng cao, phương tiện, công cụ hỗ trợ càng hiện đại, thì mỗi người càng ý thức rõ hơn về điều đó và càng khó chấp nhận mình bị/được coi như giống những người khác, bị/được đối xử như nhau trong một thế giới đại đồng, không phân biệt; (2) Bản thân mỗi con người, khi được sinh ra và trong quá trình trưởng thành, đều không thể sống một mình, đơn độc. Họ phải có quan hệ, tương tác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau – trước hết là với những người thân thuộc và/hoặc có nhiều đặc điểm tương đồng, từ đó tạo ra những hội nhóm. Những hội nhóm này phát triển quy mô thành các tầng lớp, giai cấp trong xã hội (mỗi tầng lớp, giai cấp đều có cơ sở, đặc điểm và mục đích của riêng mình). Nhà nước ra đời, tồn tại là tất yếu khách quan, với quyền lực do tầng lớp, giai cấp có ưu thế nhất nắm giữ, điều chỉnh quyền lợi của các tầng lớp, giai cấp khác và quản lý, điều hòa hoạt động xã hội nói chung. Như vậy, không thể có được loại hình xã hội tiến bộ, văn minh, mà trong đó lại không có giai cấp, không có nhà nước; (3) Nguyên lý lao động và hưởng thụ của mỗi người trong xã hội cộng sản văn minh là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Đây là chuyện bất khả thi vì dù phương tiện hỗ trợ có tân tiến, hữu ích, hiệu quả đến đâu, thì năng lực làm việc của mỗi người đều có giới hạn nhất định, nên chỉ làm ra một sản lượng nhất định, trong khi đó nhu cầu hưởng thụ lại gần như vô hạn. Hơn nữa, bản tính tự nhiên của mỗi người thường là thích, là muốn sử dụng, hưởng thụ hơn là mất công sức, thời gian để lao động, làm việc.
Đến những năm cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, sự gia tăng quan điểm bỏ mục tiêu hướng tới xã hội cộng sản ở Cuba đã thúc đẩy chính thức đưa quy định này vào Hiến pháp – đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định những vấn đề chủ yếu, quan trọng của quốc gia. Với sự ủng hộ của đông đảo người dân, Đảng Cộng sản và Ủy ban Cải cách Hiến pháp (do Chủ tịch Raul Castro đứng đầu) quyết định không đưa quy định “tiến tới xã hội cộng sản” vào Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba. Nếu trong Hiến pháp ban hành năm 1976 (cả các lần sửa đổi, bổ sung năm 1992, 2002) đưa ra quy định Cuba đồng thời tiến hành “xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và tiến tới xã hội cộng sản”, thì trong Dự thảo Hiến pháp mới chỉ còn giữ quy định “xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”. Ngày 14/7/2018, bản Dự thảo Hiến pháp mới được đội ngũ chuyên gia trong Đảng Cộng sản Cuba soạn thảo, rồi trao cho Ủy ban Cải cách Hiến pháp. Dự thảo Hiến pháp mới (trong đó bỏ quy định “tiến tới xã hội cộng sản”) đã được Thư ký Hội đồng Nhà nước Homero Acosta trình bày vào ngày 21/7/2018 trước khi Quốc hội phê chuẩn lần đầu vào ngày 22/7/2018. Trả lời việc bỏ đi quy định “tiến tới xã hội cộng sản” trong Dự thảo Hiến pháp mới, Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo lúc bấy giờ đã khẳng định: “Điều này không có nghĩa là chúng tôi đang từ bỏ lý tưởng của mình… Cuba đơn giản bước sang một thời đại khác sau sự sụp đổ của Liên Xô… Chúng tôi tin vào một nước xã hội chủ nghĩa, độc lập, thịnh vượng và bền vững”(1).
Tuy nhiên, sau đó đã nảy sinh nhiều tranh luận gay gắt về việc bỏ đi hay vẫn đưa vào quy định “tiến tới xã hội cộng sản” trong Hiến pháp mới của Cuba. Tại Hội nghị Trung ương 8 Đảng Cộng sản Cuba (ngày 12-13/12/2018), việc vẫn duy trì quy định này được ủng hộ hơn – với tinh thần như lời phát biểu của nhà lập pháp Yusuam Palicios trước toàn thể Quốc hội sau đó: “Nhà cách mạng thực sự là người luôn tìm cách vượt qua giới hạn của những điều có thể và đó là lý do tại sao chúng ta phải duy trì khát vọng này (đối với chủ nghĩa cộng sản)”(2) – và được Quốc hội phê chuẩn ngày 20/12/2018. Ngày 24/02/2019, bản dự thảo Hiến pháp mới đã thu được 86,85% người ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân quy mô toàn quốc. Ngày 10/4/2019, Quốc hội phê chuẩn lần cuối Dự thảo Hiến pháp, chính thức thông qua và công bố Hiến pháp mới (năm 2019).
Đa số giới quan sát và nghiên cứu về Cuba cho rằng, những lời phát biểu trên của Chủ tịch Quốc hội, của nhà lập pháp và việc vẫn giữ quy định “tiến tới xã hội cộng sản” trong Hiến pháp mới (năm 2019) chỉ là hình thức pháp lý, còn thực tế Cuba đã từ bỏ mục tiêu đó. Quan điểm này được củng cố hơn khi trong Báo cáo chính trị và các văn kiện quan trọng khác tại Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba (tháng 4/2021) đã không hề nhắc tới “chủ nghĩa cộng sản” hay việc “tiến tới xã hội cộng sản” như tại các đại hội trước, trong khi lại nhấn mạnh và khẳng định nhiều lần tiếp tục “công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” và “xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa” ở Cuba.
2. Chuyển đổi mô hình nguyên thủ quốc gia tập thể thành mô hình nguyên thủ quốc gia cá nhân
Thay chế độ nguyên thủ quốc gia tập thể bằng chế độ nguyên thủ quốc gia cá nhân cũng là một đổi mới định hướng quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba. Nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu nhà nước, lãnh đạo và đại diện cho đất nước trong đối nội, đối ngoại. Từ khi có nhà nước, lịch sử phát triển thế giới trải qua các hình thái kinh tế – xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản và hệ thống chính trị của tuyệt đại đa số nước đều áp dụng chế độ nguyên thủ quốc gia cá nhân (rất hiếm gặp chế độ nguyên thủ quốc gia tập thể). Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XX, cách mạng dân chủ nhân dân/cách mạng vô sản thành công ở nhiều nước, hình thái kinh tế – xã hội xã hội chủ nghĩa ra đời với một trong các nguyên tắc bao trùm, chủ đạo là “nguyên tắc tập thể”. Hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa vì thế đều tổ chức, thiết lập mô hình nguyên thủ quốc gia tập thể – ở Liên Xô gọi là “Xô viết Tối cao”, ở Việt Nam (giai đoạn 1980 – 1992) và các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu gọi là “Hội đồng Nhà nước”. Cuba cũng theo xu hướng này khi thành lập Hội đồng Nhà nước. Hiến pháp năm 1976 quy định: Hội đồng Nhà nước Cuba là nguyên thủ quốc gia tập thể, do Quốc hội bầu ra, gồm 01 Chủ tịch, 01 Thư ký, 01 Phó Chủ tịch thứ nhất, 05 Phó Chủ tịch và 23 ủy viên; Ban lãnh đạo Hội đồng Nhà nước còn là ban lãnh đạo Hội đồng Bộ trưởng (Điều 74 và 96). Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số (Điều 89 và 91). Chủ tịch là đại diện của Hội đồng.
Lãnh đạo theo cơ chế tập thể có một số ưu điểm, nhưng cũng bộc lộ không ít nhược điểm: bộ máy tổ chức cồng kềnh, hoạt động mất nhiều thời gian, ít khi đạt được sự thống nhất tuyệt đối, dễ nảy sinh trì trệ, mâu thuẫn, bè phái, chối bỏ trách nhiệm cá nhân, mất đoàn kết nội bộ… Nhìn nhận thực tế đó và tham khảo thực trạng phát triển chế độ nguyên thủ quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa (Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác có mô hình nguyên thủ quốc gia tập thể đều tan rã, sụp đổ trong giai đoạn 1989 – 1991; một số nước có mô hình nguyên thủ quốc gia cá nhân (Trung Quốc, Triều Tiên, Lào) đã vượt qua được khủng hoảng và Việt Nam cũng vậy khi áp dụng trở lại mô hình nguyên thủ quốc gia cá nhân từ năm 1992), Đảng Cộng sản và Nhà nước Cuba đã quyết định chuyển mô hình nguyên thủ quốc gia của mình từ chế độ tập thể sang chế độ cá nhân qua các quy định liên quan của Hiến pháp năm 2019. Theo đó, nguyên thủ quốc gia Cuba sẽ là Chủ tịch nước (được Quốc hội bầu theo nhiệm kỳ 05 năm, không được giữ chức quá 02 nhiệm kỳ và khi ra ứng cử lần đầu tuổi không quá 60). Hội đồng Nhà nước mới vẫn giữ nguyên tên gọi, nhưng quy mô và chức năng bị thu hẹp, thay đổi, trở thành cơ quan thường trực/thường vụ của Quốc hội chứ không còn là nguyên thủ quốc gia tập thể (Chủ tịch, Thư ký, các Phó Chủ tịch và một số đại biểu Quốc hội cũng sẽ là Chủ tịch, Thư ký, các Phó Chủ tịch và các ủy viên khác của Hội đồng này).
3. Xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa thực tế, mang bản sắc Cuba
Nặng tính lý thuyết giáo điều, rập khuôn máy móc theo chủ nghĩa Mác – Lênin và mô phỏng chế độ xã hội chủ nghĩa của Liên Xô là hai nguyên nhân cơ bản khiến hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ từ đầu những năm 1990. Ngược lại, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, luôn bám sát những thay đổi thực tế và chú trọng bản sắc quốc gia đã giúp các nước xã hội chủ nghĩa châu Á vượt qua thách thức, tồn tại và thành công (đặc biệt là Trung Quốc). Đó là những bài học kinh nghiệm hữu ích mà Cuba đã và đang tham khảo, lĩnh hội, áp dụng.
– Xây dựng tư tưởng chủ nghĩa xã hội quốc gia Cuba
Ngay trong thời kỳ đấu tranh cách mạng (1953 – 1962), tên tuổi, phong cách, chiến lược và tư tưởng của cố lãnh tụ Jose Marti đã trở thành động lực và kim chỉ nam của các chiến thuật, tổ chức, hoạt động cách mạng, dưới sự chỉ huy của Fidel Castro. Bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội (1963 – 1991), chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá và vận dụng phổ biến. Cả hai hệ tư tưởng này (Marti và Mác – Lênin) đều được Hiến pháp năm 1976 ghi nhận, trở thành tư tưởng chính trị cốt lõi ở Cuba. Năm 2016, Fidel Castro qua đời và gần 03 năm sau, Hiến pháp năm 2019 chính thức bổ sung tư tưởng của ông vào hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa quốc gia Cuba.
Các nhà nghiên cứu còn đánh giá hình thức việc coi trọng, phát triển tư tưởng chính trị quốc gia Cuba qua thứ tự ghi nhận trong Hiến pháp. Nếu như tại Hiến pháp năm 1976, chủ nghĩa Mác – Lênin được ghi nhận trước, rồi mới đến tư tưởng Marti, thì tới đợt sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vào năm 2002, tư tưởng Marti đã được đưa lên sát trước chủ nghĩa Mác – Lênin, và Hiến pháp năm 2019, thứ tự tư tưởng các lãnh tụ Cuba được đưa lên trước, lần lượt là: tư tưởng Marti – tư tưởng Fidel – chủ nghĩa Mác – Lênin.
– Tăng cường vai trò của Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba
Ở mỗi nước xã hội chủ nghĩa, trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, thường có một ủy ban/hội đồng cách mạng giữ vai trò chủ đạo. Khi cách mạng thành công, ủy ban/hội đồng này hoặc là giải thể, hoặc thay đổi tên gọi, vị thế, chức năng, vai trò thành một cơ quan khác (như Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam hay Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân ở Trung Quốc). Tuy nhiên, Ủy ban Bảo vệ cách mạng (Comités de Defensa de la Revolución – CDR) của Cuba thì khác. Nó được thành lập năm 1960, sau khi cách mạng Cuba thành công (năm 1959) và trước khi Cuba bắt đầu bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (năm 1963) như “một hệ thống cảnh giác cách mạng tập thể” (lời Fidel Castro). Ủy ban Bảo vệ cách mạng không đổi tên, liên tục phát triển, trở thành “tai mắt của cách mạng”, hoạt động để thúc đẩy an sinh, phúc lợi xã hội và báo cáo về những hoạt động “phản cách mạng”. Ngày nay, nó là tổ chức chính trị – xã hội có quy mô lớn nhất ở Cuba với lượng thành viên chiếm 3/4 dân số (8,4 trong 11,2 triệu người(3). Ngoài chức năng chính là giám sát lý lịch chính trị và đạo đức cá nhân, Ủy ban Bảo vệ cách mạng còn có nhiều nhiệm vụ, hoạt động rất đa dạng, thiết thực, hữu ích khác: chuẩn bị những lễ hội cộng đồng; quản lý các dự án công cộng tình nguyện; tổ chức mít tinh biểu tình; giải quyết vấn đề thất nghiệp; hỗ trợ những chiến dịch tiêm phòng; đóng góp vào ngân hàng máu; tái chế; tiến hành sơ tán khi thiên tai dịch bệnh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng… Mặc dù phải nhận một số chỉ trích về vi phạm tự do cá nhân, gây mất niềm tin giữa nhiều người và tạo sự bất hòa trong các gia đình, các cộng đồng, Ủy ban Bảo vệ cách mạng vẫn được đánh giá là thiết chế có vị thế, vai trò quan trọng và cần tiếp tục được củng cố, mở rộng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba.
– Trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo đất nước Cuba
Đến hết thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, Cuba vẫn được lãnh đạo bởi những thành viên kỳ cựu mà lúc đó đã trên 75 tuổi: Fidel Castro, Raul Castro và các nhân vật chủ chốt từ thời đấu tranh cách mạng (1953 – 1962). Nhu cầu trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo quốc gia được cấp bách đặt ra. Raul Castro cho rằng, bên cạnh thành tích, năng lực, kinh nghiệm, thời cơ…, thì sức khỏe và tuổi tác cũng là hai yếu tố rất quan trọng của đội ngũ lãnh đạo. Từ năm 2011, ông đã nhiều lần đề nghị và đưa ra mức tuổi thích hợp cho giới lãnh đạo quốc gia Cuba: quan chức lãnh đạo nhà nước và Ủy viên Trung ương Đảng không quá 60, Ủy viên Bộ Chính trị không quá 70 tuổi khi nhậm chức lần đầu. Vấn đề này được xem xét, tranh luận trong Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Cuba (tháng 4/2016) và bắt đầu triển khai thực hiện sau đó. Tháng 4/2018, Raul Castro (87 tuổi) trao chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cho Miguel Diaz-Canel (58 tuổi) và tháng 7/2018, Diaz-Canel bổ nhiệm 05 Phó Chủ tịch, trong đó có 02 người là nữ và đều ở độ tuổi 50: Beatriz Johnson 48 và Ines Maria Chapman 52 tuổi. Tại Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba (tháng 4/2021), Raul Castro thôi chức Bí thư thứ nhất của Đảng khi tuổi đã gần 90, Diaz-Canel (61 tuổi) kế nhiệm. Nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị cùng thời Raul Castro với độ tuổi trên 75 cũng thôi chức trong đợt này (như nguyên Bí thư thứ hai Jose Ramon Machado Ventura lúc đó đã ở tuổi 91, nguyên Phó Chủ tịch nước Ramiro Valdes Menendez – 89 tuổi, nguyên Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Leopoldo Cintra Frias – 80 tuổi…). Bộ Chính trị khóa VIII được trẻ hóa khá mạnh khi Đại hội bầu ra 14 thành viên với độ tuổi trung bình 61,6 (so với Bộ Chính trị khóa VII năm 2016 bầu ra 17 thành viên có độ tuổi trung bình 67). Ban Bí thư khóa VIII gồm 06 thành viên cũng rất trẻ so với khóa trước (người ít tuổi nhất 46, cao tuổi nhất 54, độ tuổi trung bình chỉ khoảng 51, trong khi Ban Bí thư khóa VII có độ tuổi trung bình 64)(4). Như vậy, độ tuổi đội ngũ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba hiện nay đã được trẻ hóa mạnh mẽ, đa số ở độ tuổi 50 – 60 (so với đội ngũ lãnh đạo tiền nhiệm ở độ tuổi 80 – 90).
– Chuyển dần nền kinh tế sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Cuba
Mặc dù luôn giữ quy định và hình thức tổ chức của một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhưng từ cuối thế kỷ XX, thực tế kinh tế Cuba đã bắt đầu chuyển dần sang kinh tế thị trường, nhất là sau Đại hội lần thứ V Đảng Cộng sản Cuba (tháng 10/1997). Điều này thể hiện ở việc tạo ra không gian ngày càng lớn cho các hình thức sở hữu và các loại hình kinh doanh phi xã hội chủ nghĩa, cho phép cạnh tranh, chú trọng các quy luật của thị trường tự do, điều chỉnh hệ thống tài chính – tiền tệ theo biến động trong nước và thế giới, thu hút và mở rộng đầu tư nước ngoài…
Hiến pháp năm 2019 đã chính thức công nhận thị trường và các hình thức sở hữu mới, trong đó có sở hữu tư nhân. Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba (tháng 4/2021) đã đặt ra yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện về cơ chế, chính sách kinh tế để thích ứng với nền kinh tế thị trường, cụ thể hóa các biện pháp chuyển đổi sâu rộng nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tăng cường sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu, cải cách tiền lương, xóa bỏ dần bao cấp với các dịch vụ không thiết yếu, phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, chấp nhận và tham gia cạnh tranh kinh tế quốc tế…
Như vậy, cơ sở chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường ở Cuba hiện nay đã rất sâu rộng và thuận lợi, nhưng giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa khi chuyển dịch lại khó khăn hơn, có thể chệch hướng nếu không xem xét, cân nhắc và thực hiện kỹ lưỡng. Lý do là cơ sở kinh tế của Cuba trước cách mạng đã là nền kinh tế tư bản khá phát triển (trong khi ở những nước xã hội chủ nghĩa khác là nền kinh tế phong kiến lạc hậu) và ngày nay sức ép của thực trạng biến động kinh tế thị trường toàn cầu đối với nền kinh tế mỗi quốc gia rất lớn. Hai nguyên nhân chính này sẽ làm tiến trình chuyển dịch sang kinh tế thị trường của Cuba sẽ nhanh và phức tạp hơn nếu không được điều chỉnh, quản lý chặt chẽ, từ đó tạo nguy cơ thay đổi đối với định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế.
– Chú trọng củng cố, phát triển chế độ an sinh và phúc lợi xã hội Cuba
Cuba đã và đang được đánh giá là một trong các quốc gia hàng đầu thế giới về thành tích giáo dục, y tế với chế độ giáo dục và bảo hiểm y tế miễn phí toàn dân, cùng nhiều thành quả giáo dục, y tế nổi trội khác. Cuba cũng phát triển tốt, toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực an sinh, phúc lợi còn lại: đảm bảo công bằng xã hội, thực hiện bình đẳng giới, giải quyết công ăn việc làm, ổn định chế độ hưu trí, tăng lương cho người lao động (nhất là công chức, viên chức), hỗ trợ người già, trẻ em, người tàn tật, người thất nghiệp, đảm bảo nhà ở và điện nước, vệ sinh môi trường, phòng chống hiệu quả các tệ nạn xã hội… Tất cả những kết quả đó đã tạo đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Cuba và luôn cần phải được duy trì, phát huy.
– Khẳng định vai trò, vị thế và chính sách đối ngoại phù hợp, hiệu quả của Cuba
Những năm gần đây, đặc biệt qua Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản (tháng 4/2021), Cuba đã điều chỉnh, khẳng định mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, cùng tồn tại, cùng có lợi, cùng phát triển, không can thiệp hoặc xâm phạm đến vấn đề nội bộ của nhau; đặc biệt duy trì, thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước xã hội chủ nghĩa và sớm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Hoa Kỳ. Cụ thể là: (1) Chính sách đối ngoại phải bảo vệ độc lập trọn vẹn, thể hiện đầy đủ các quyền chủ quyền, đáp ứng những nhu cầu, khát vọng về đoàn kết và hội nhập của đất nước, của nhân dân; (2) Tôn trọng nguyên tắc và quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp; tuân thủ nguyên tắc không can thiệp (trực tiếp và gián tiếp) vào công việc nội bộ của các nước khác và tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc; cam kết thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các nước trong khu vực, cũng như với các quốc gia khác, bất kể những khác biệt về hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội hay trình độ phát triển; phát huy tinh thần khoan dung và chung sống hòa bình; tôn trọng đầy đủ quyền bất khả xâm phạm của tất cả các nước trong việc lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa như là điều kiện cơ bản để đảm bảo sự chung sống hòa bình giữa các nước(5); (3) Tăng cường đoàn kết và hợp tác, chia sẻ với những quốc gia có chính quyền cánh tả ở Mỹ Latinh, đặc biệt với Venezuela, Nicaragua, Bolivia, Mexico, Argentina, Chile và cổ vũ, hợp tác, ủng hộ lực lượng cánh tả ở khu vực này; (4) Tiếp tục cổ vũ, ủng hộ công cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập của các dân tộc, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Palestine và Tây Sahara (Sahrawi); (5) Coi trọng sự hợp tác với các cường quốc và những nước đang phát triển lớn mạnh – đặc biệt là các quốc gia trong Khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Quan hệ mật thiết, gắn bó với các nước xã hội chủ nghĩa châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Triều Tiên); (6) Mong muốn thúc đẩy đối thoại mang tính tôn trọng và xây dựng “quan hệ kiểu mới” với Hoa Kỳ(6) (xác định những lý do Hoa Kỳ vẫn chần chừ như hiện nay: thứ nhất, chính quyền tiền nhiệm Donald Trump của Hoa Kỳ đã siết chặt bao vây cấm vận Cuba nên để lại hệ lụy là chính quyền kế nhiệm Joe Biden chưa thể thay đổi đột ngột ngay được; thứ hai, ý thức hệ chính trị và kinh tế của Cuba với Hoa Kỳ rất khác biệt, mâu thuẫn; thứ ba, Hoa Kỳ nếu bình thường hóa hoàn toàn với Cuba sẽ phải mất một khoản bồi thường rất lớn (Cuba đòi Hoa Kỳ bồi thường 302 tỷ USD do chính sách bao vây cấm vận gây ra – trong đó 181 tỷ USD về thiệt hại con người và 121 tỷ USD về thiệt hại kinh tế, còn Hoa Kỳ chỉ đòi Cuba bồi thường 8 tỷ USD về thiệt hại vì Cuba đã quốc hữu hóa một số công ty tư nhân Mỹ(7)); thứ tư, Hoa Kỳ phải trả lại Guantanamo cho Cuba là mất đi một căn cứ/cơ sở địa chiến lược quan trọng(8); thứ năm, khó có giải pháp xử lý phù hợp đối với khá đông người Cuba lưu vong chống chính quyền Cuba đang cư ngụ trên đất Mỹ); (7) Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) trên cơ sở tôn trọng và tương trợ lẫn nhau, phát triển đặc biệt quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp và năng lượng tái tạo; (8) Nâng cao vị thế Cuba trong các tổ chức ở khu vực Mỹ Latinh (ALBA, CELAC, OAS…); củng cố, phát triển quan hệ của Cuba với những nước láng giềng vùng Trung Mỹ và Caribe; sớm đưa Cuba gia nhập Khối Cộng đồng Caribe (CARICOM)./.
—————————————-
(1) An Nhi, Chung một con đường, Chuyên đề An ninh thế giới cuối tháng, Báo Công an nhân dân, ngày 13/08/2018, https://antgct.cand.com.vn/So-tay/2GITHANG – Chung-mot-con-duong-i486686/
(2) Reuters Staff, Cuba reinserts “communism” in draft of new constitution, Reuters, 20/12/2018, https://www.reuters.com/article/us-cuba-constitution-communism-idUSKCN1OJ2YB
(3) Isabel Sanchez, Cuba’s neighborhood watches: 50 years of eyes, ears, AFP, 27/09/2010, http://www.google.com/hostednews/afp/article/ALeqM5gq3GU2QzFyRWT84_YNvI3mgOy7tg?docId=CNG.cd0ab416a2c7901c0abb23f392c5057d.ad1
(4) Vũ Trung Mỹ, Đại hội toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba: Củng cố mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội phồn vinh và bền vững, Tạp chí Cộng sản, số 967 (6-2021), tr. 111
(5) Raun Castro, Báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba (Phần cuối), Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 28/4/2021, http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan—thuc-tien/bao-cao-chinh-tri-cua-dai-hoi-lan-thu-viii-dang-cong-san-cu-ba-phan-cuoi.html
(6) Raun Castro, Báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba (Phần 1), Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 23/4/2021, http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan/bao-cao-chinh-tri-cua-dai-hoi-lan-thu-viii-dang-cong-san-cu-ba-phan-1.html
(7) Võ Anh Tuấn, Cuba đổi mới không ngừng, không vội vàng, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, 22/4/2021, https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/cuba-doi-moi-khong-ngung-khong-voi-vang-1491876921
(8) Theo một thỏa thuận mà Hoa Kỳ ký với Cuba từ năm 1934, căn cứ Guantanamo của Hoa Kỳ tại vùng biển, đảo Cuba sẽ tồn tại vô hạn dưới hình thức thuê đất, hằng năm, Hoa Kỳ sẽ trả bằng séc cho 2.000 USD tượng trưng tiền thuê