TS. NGUYỄN ĐỨC TOÀN(*)
PGS, TS. ĐOÀN THẾ HÙNG(**)
ThS. NGUYỄN VIỆT NAM(***)

(*) và (**) Trường Đại học Quy Nhơn
(***) Trung tâm Chính trị quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Quan hệ Trung Quốc – ASEAN kể từ khi hai bên xác lập (tháng 7/1991) đến nay đã trải qua chặng đường hơn 30 năm. Mối quan hệ này được khẳng định là năng động và thực chất nhất, hợp tác bền vững cùng có lợi. Trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, quan hệ Trung Quốc – ASEAN trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao không ngừng tăng cường, củng cố và có nhiều bước tiến mới. Điều đó được xây dựng trên cơ sở sự tin cậy, hợp tác hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau. Đây chính là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – ASEAN tiếp tục phát triển hơn trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Từ khóa: ASEAN; chính trị – ngoại giao; Trung Quốc

Kể từ tháng 7/1991, khi Trung Quốc và ASEAN khởi động quá trình đối thoại hữu nghị và hợp tác, cho đến nay đã trải qua chặng đường hơn 30 năm. Điều này được định hướng bởi Tuyên bố chung năm 1997; Tuyên bố chung về đối tác chiến lược năm 2003; Tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược đến năm 2030 (thông qua vào năm 2018); đặc biệt, tháng 10/2021, hai bên đã nhất trí nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc và ASEAN được đánh giá là một trong những mối quan hệ đối tác cùng có lợi, “năng động và thực chất nhất”. Trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, cùng với những nền tảng xây dựng vững chắc trước đó, hai bên ngày càng ưu tiên phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính trị – ngoại giao, làm cơ sở phát triển hợp tác trong những lĩnh vực khác.
1. Quan hệ Trung Quốc – ASEAN trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao tiếp tục được tăng cường, củng cố bằng sự tin cậy, hợp tác hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau
Trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN tiếp tục duy trì những cuộc họp thường kỳ trong tiến trình ASEAN + Trung Quốc và các tiến trình đa phương khác. Từ năm 2012 đến năm 2018, Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ song phương với hầu hết các quốc gia là thành viên ASEAN thành “quan hệ đối tác chiến lược” hoặc “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”(1). Trong thập kỷ này, gần như mỗi năm đều được đánh dấu bằng một số sự kiện hợp tác giữa Trung Quốc – ASEAN. Thông qua nhiều diễn đàn quan trọng, có thể nhận thấy một thực tế khách quan là Trung Quốc luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN. Trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh Trung Quốc – ASEAN lần thứ 9 và Diễn đàn Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN (tại Nam Ninh ngày 21/9/2012) đã nhấn mạnh rằng: “Với sự tin cậy chính trị của chúng ta ngày càng được củng cố, thương mại phát triển nhanh chóng, tốc độ kết nối tăng lên, hợp tác Trung Quốc – ASEAN hứa hẹn một tương lai tươi sáng… Lãnh đạo Trung Quốc và các nước ASEAN thăm hỏi lẫn nhau như thành viên trong một gia đình, và chuyến thăm các nước ASEAN của lãnh đạo Trung Quốc gần như là sự kiện thường niên”(2).
Không những vậy, vào các dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên ASEAN – Trung Quốc, Trung Quốc liên tục đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác mới nhằm khích lệ ASEAN, tạo động lực tăng cường hơn nữa trong quan hệ hai bên. Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc ở Nay Pyi Taw, Myanmar (tháng 8/2014), Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh: “Trung Quốc và ASEAN cùng chia sẻ những lợi ích và vận mệnh chung. Bất kể tình hình quốc tế có nhiều biến động, Trung Quốc vẫn tiếp tục coi ASEAN là ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ một ASEAN hùng mạnh, thịnh vượng và vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực cũng như việc hoàn thành xây dựng AC vào năm 2015”(3). Bên cạnh đó, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 17 ở Nay Pyi Taw, Myanmar (ngày 13/11/2014), Thủ tướng Lý Khắc Cường một lần nữa tuyên bố: “Mối quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN đã bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới. Chính phủ Trung Quốc coi ASEAN là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao láng giềng… Trung Quốc sẽ cùng với các nước ASEAN mở rộng hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực có chiều sâu, gắn kết lợi ích giữa hai bên nhằm đưa quan hệ Trung Quốc – ASEAN lên một tầm cao mới”(4). Cũng trong bài phát biểu này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra 06 đề nghị hợp tác mới với ASEAN nhằm thúc đẩy sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN, bao gồm: “Thứ nhất, phát triển một chiến lược lớn cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc – ASEAN; Thứ hai, xây dựng một FTA nâng cấp và kết thúc đàm phán trước cuối năm 2015; Thứ ba, đẩy nhanh xây dựng mạng lưới kết nối cơ bản; Thứ tư, thúc đẩy trong hợp tác biển; Thứ năm, bảo đảm “an ninh kép” trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống; Thứ sáu, tích cực tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác mới như giao lưu nhân dân, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường”(5). Có thể nói, những đề nghị trên của Trung Quốc vừa phù hợp với tình hình quốc tế và khu vực, vừa đáp ứng thực tiễn phát triển mối quan hệ hai bên, do vậy đã nhận được sự phản hồi tích cực của các nhà lãnh đạo ASEAN.
Ở chiều ngược lại, các nhà lãnh đạo ASEAN rất coi trọng tiềm năng hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, nhất là khai thác thế mạnh của hai bên. Do vậy, trong tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 17 ở Nay Pyi Taw, Myanmar, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định “cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc, đặc biệt là trong 11 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, thông tin và công nghệ truyền thông, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư, phát triển hạ lưu Mekong, giao thông vận tải, năng lượng, văn hóa, du lịch, y tế công cộng và môi trường”(6).
Đặc biệt, trong năm 2016, Trung Quốc và ASEAN đã tổ chức nhiều hoạt động để kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại giữa hai bên. Có thể thấy, cho dù tình hình thế giới và khu vực có những biến đổi, song quan hệ chính trị – ngoại giao giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn không ngừng được tăng cường và phát triển. Vượt qua nhiều thử thách, đây được xem là một trong những mối quan hệ phát triển nhanh nhất trên thế giới(7). Kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại vào năm 1991, Trung Quốc và ASEAN đã cam kết tôn trọng, tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau. Điều này thúc đẩy cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển trong khu vực. Phát biểu trong Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 19 tại Vientiane, Lào (ngày 07/11/2016), Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định: “Chỉ bằng cách duy trì sự tin tưởng lẫn nhau, chúng ta mới có thể củng cố nền tảng cho các mối quan hệ của mình. Nếu chúng ta so sánh quan hệ Trung Quốc – ASEAN như một cái cây lớn, thì sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị chính là gốc rễ của nó. Ngạn ngữ Lào có câu nói rằng, cây nào bén rễ sâu thì cành lá mới có thể đung đưa”(8). Trong khi đó, các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục nhấn mạnh rằng: quan hệ ASEAN – Trung Quốc là một trong những quan hệ thực chất và năng động nhất, mang lại lợi ích chung, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực; đồng thời khẳng định sự phát triển của Trung Quốc là một cơ hội quan trọng đối với khu vực(9).
Mặt khác, tại cuộc gặp giữa Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và Ngoại trưởng Vương Nghị tại Brunei (ngày 14/01/2021), hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Đồng thời, khẳng định rằng, đây là mối quan hệ “sôi động nhất và đem lại nhiều kết quả nhất trong các mối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và đã phát triển thành một trụ cột quan trọng trong hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở khu vực”(10). Tiếp đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 25 ở Phnom Penh, Campuchia (ngày 11/11/2022), hai bên đã ra Tuyên bố chung thừa nhận: “Tầm quan trọng của hợp tác ASEAN – Trung Quốc trong việc thúc đẩy một môi trường toàn cầu và khu vực lành mạnh cho sự phát triển, duy trì hòa bình ổn định và an ninh… Đồng thời nhấn mạnh hợp tác hai bên sẽ thuận lợi cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững trong và ngoài khu vực”(11).
Bên cạnh những hoạt động trên, Trung Quốc thường xuyên tham gia đầy đủ vào các cơ chế khu vực do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, như ASEAN – Trung Quốc, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), cũng như các cơ chế chuyên ngành khác trong lĩnh vực này. Thông qua đó, Trung Quốc luôn ủng hộ một cấu trúc khu vực với ASEAN là trung tâm, đồng thời ủng hộ ASEAN phát huy vai trò lớn hơn tại các diễn đàn đa phương trên thế giới.
Ngoài ra, trong thập niên này, những chuyến thăm giữa Chính phủ Trung Quốc và các nước ASEAN thường xuyên diễn ra, nhằm tăng cường sự tin cậy và hợp tác lẫn nhau. Chẳng hạn, trong năm 2013 đánh dấu kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đón tiếp các chuyến thăm nhà nước của 08 nhà lãnh đạo các nước ASEAN, trừ Thái Lan và Philippines(12). Tháng 10/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến công du Đông Nam Á với điểm đến là Indonesia và Malaysia. Ngày 03/10/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu tại Quốc hội Indonesia với tựa đề “Chung tay xây dựng Cộng đồng Trung Quốc – ASEAN với một tương lai chung”, trong đó ông kêu gọi nỗ lực chung với ASEAN trong việc xây dựng một Trung Quốc – ASEAN trên cam kết quan hệ chân thành và hữu nghị với các nước ASEAN, nâng cao sự tin cậy lẫn nhau về chiến lược và chính trị. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất khái niệm “xây dựng cộng đồng cùng chung tương lai”, minh chứng cho ưu tiên của ASEAN trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc(13).
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc ở Brunei (ngày 09/10/2013), Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra “khuôn khổ hợp tác 2+7” – một tuyên bố chính sách mới về phát triển quan hệ ASEAN – Trung Quốc trong thập kỷ tới, bao gồm hai điểm đồng thuận chính trị và bảy đề xuất hợp tác. Tiếp đó, tháng 11/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm chính thức Việt Nam, thể hiện sự coi trọng của Trung Quốc và cá nhân Chủ tịch đối với quan hệ Việt – Trung, định hướng và dẫn dắt quan hệ đối tác hợp tác chiến lược này lên một tầm cao mới.
Có thể nói, những hoạt động đó của Trung Quốc cùng với các cam kết được thông qua trong khuôn khổ chuyến thăm là cơ sở quan trọng tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa các nhà nước Đông Nam Á với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Những ghi nhận tích cực và nhất quán của các nhà lãnh đạo khẳng định thành quả của quá trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là về chính trị – ngoại giao, vì lợi ích to lớn của nhân dân Trung Quốc và các nước ASEAN.
2. Quan hệ Trung Quốc – ASEAN trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao tiếp tục được tăng cường hợp tác, đạt những kết quả bước đầu trong đàm phán thực hiện DOC và thỏa thuận về COC
Trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, chứng kiến các hoạt động vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đặc biệt là Trung Quốc, khiến tình hình trở nên căng thẳng, đe dọa phá vỡ môi trường hòa bình, ổn định ở vùng biển này. Nhận thức được nguy cơ đó, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc tăng cường các hoạt động đối thoại và tham vấn, tìm những giải pháp mang tính đồng bộ nhằm mang lại kết quả tích cực. Một trong những nguyên nhân là do cả hai bên đã tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cởi mở, toàn diện, hợp tác cùng có lợi; tôn trọng các lợi ích chung và các mối quan tâm chính của nhau, từ đó thực hiện cho phù hợp. Trong Kế hoạch Hành động thực hiện Tuyên bố chung về đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc vì Hòa bình và Thịnh vượng (2011 – 2015), cả hai bên cùng cam kết: “Thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC ở biển Đông để duy trì ổn định và thúc đẩy hợp tác thông qua tổ chức đều đặn hội nghị quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc (SOM) về DOC và Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC, đồng thời tiếp tục những nỗ lực chung để soạn thảo các nguyên tắc hướng dẫn thực hiện DOC trong khi làm việc để hướng tới việc ký kết, trên cơ sở tham khảo và đồng thuận về Bộ luật ứng xử ở biển Đông; Thúc đẩy lòng tin và xây dựng lòng tin thông qua các hoạt động hợp tác, phù hợp với các nguyên tắc của DOC(14).
Bên cạnh đó, nhằm làm dịu tình hình ở biển Đông, trong Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC ở biển Đông (2002 – 2012) tại Phnom Penh, Campuchia (ngày 19/11/2012), ngoài nhấn mạnh ý nghĩa của DOC trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và tin tưởng lẫn nhau ở biển Đông, các nhà lãnh đạo hai bên còn “cam kết đối với các nguyên tắc của DOC bằng việc quyết tâm: tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC. Thực hiện các dự án và hoạt động hợp tác chung đã thỏa thuận trên cơ sở phù hợp với Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC”(15). Bởi lẽ, thực hiện được điều này góp phần củng cố lòng tin, sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác ở biển Đông; tăng cường quan hệ và đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Cùng với việc đưa ra những biện pháp trên, ASEAN và Trung Quốc đang hợp tác với nhau để soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử về biển Đông (COC).
Tại cuộc họp Quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 19 được tổ chức ở Bắc Kinh trong ngày 01 và ngày 02/4/2013, hai bên đã khẳng định việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các nước ở khu vực, góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc và cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC. Tiếp tục các hoạt động nhằm giảm căng thẳng ở biển Đông và khởi động tham khảo về COC, từ ngày 14 đến ngày 15/9/2013, Hội nghị lần thứ 9 của Nhóm công tác về thực hiện DOC đã được tổ chức tại Tô Châu, Trung Quốc. Hai bên thống nhất một danh sách các điểm chung để bắt đầu tham khảo về COC(16).
Quyết tâm thực hiện DOC tiếp tục được các nhà lãnh đạo hai bên khẳng định lại trong các tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 17 (năm 2014) và lần thứ 18 (họp tháng 11/2015). Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 19 tại Vientiane, Lào (tháng 9/2016), hai bên đã thông qua Tuyên bố chung về việc áp dụng Bộ quy tắc về các cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES)(17) ở biển Đông và Hướng dẫn về đường dây nóng thông tin liên lạc giữa các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc ứng phó với các trường hợp khẩn cấp hàng hải trong thực hiện DOC. Đến tháng 02/2017, tại cuộc họp lần thứ 19 Nhóm làm việc chung ASEAN – Trung Quốc về việc thực hiện DOC (JWG-DOC), Nhóm đã đạt được đề cương cơ bản của khung dự thảo cho COC(18). Dự thảo được tiếp tục chỉnh sửa trong các cuộc họp song phương sau đó trước khi được thông qua chính thức. Trong cuộc họp vào ngày 06/8/2017 tại Manila, Philippines ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử về biển Đông (COC), mở đường cho các cuộc đàm phán thực tế về Bộ Quy tắc này diễn ra(19). Mặc dù còn tồn tại những bất cập, song khuôn khổ này là cơ sở quan trọng cho việc quản lý, giải quyết các tranh chấp, xung đột trên biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, nhằm hướng tới một COC hiệu quả và ràng buộc pháp lý. Đây cũng là mong muốn chung của các quốc gia thành viên ASEAN, góp phần duy trì nền hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trong thông cáo chung của hai bên, các ngoại trưởng ASEAN cho biết, việc thông qua khung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công việc để đi đến một COC hiệu quả theo mốc thời gian được các bên thống nhất. Tổng Thư ký ASEAN ông Lê Lương Minh hy vọng khung này sẽ “mở đường cho các cuộc đàm phán có ý nghĩa và thực chất hướng tới việc ký kết COC”(20) và lưu ý nó sẽ phải ràng buộc về mặt pháp lý. Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh: “Khuôn khổ cuối cùng của COC về biển Đông mang lại sự ổn định cho vấn đề. Điều này cho thấy mong muốn chung của hai bên là bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông… Nó thúc đẩy sự tin tưởng, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, ngăn ngừa và quản lý sự cố nếu xảy ra, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”(21). Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 20 (tháng 11/2017), thành viên ASEAN, Mỹ và Trung Quốc chính thức khởi động đàm phán COC với đề xuất của Trung Quốc hoàn tất trong 03 năm, tức là vào năm 2021.
Tiếp đó, ngày 03/8/2018, một bước tiến đáng kể đã được thực hiện khi ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc thông báo hai bên đã đạt được một Văn bản Dự thảo Đàm phán Duy nhất (SDNT) để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán COC. Về điều này, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định đây là một bước phát triển mới và quan trọng trong các cuộc đàm phán COC: “Từ những bước tiến trước đây cho thấy rằng Trung Quốc và các nước ASEAN có khả năng duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông, đồng thời thông qua các cuộc đàm phán sẽ đạt được một bộ quy tắc ứng xử khu vực mà tất cả chúng ra sẽ tuân thủ… Bây giờ, chúng tôi đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản, giống như các trụ đỡ cho một ngôi nhà được thiết kế bởi một nền móng vững chắc”(22). Ngoại trưởng Singapore, Balakrishnan cho rằng, đây là “một cột mốc quan trọng khác” trong tiến trình COC: “Khi thỉnh thoảng có những bất đồng, song điều quan trọng là ASEAN và Trung Quốc đã tìm kiếm tiếng nói chung, tập trung vào hợp tác thiết thực để giải quyết những khác biệt một cách hòa bình và trên tinh thần thiện chí”(23). Lần gần đây nhất, tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 24 (ngày 26/10/2021), hai bên cùng khẳng định môi trường hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, trong đó có biển Đông, là quan tâm và lợi ích chung của các nước.
Như vậy, trong quan điểm của Trung Quốc và ASEAN về vấn đề biển Đông, mặc dù vẫn còn một số trở ngại, nhưng có thể thấy, chính sự tin cậy và hợp tác hữu nghị, hai bên đều hướng tới việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC cũng như sớm đạt được COC thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế trong thời gian tới. Điều đó sẽ đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông.
3. Kết luận
Quan hệ Trung Quốc – ASEAN trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao đã được xác lập kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại và không ngừng tăng cường trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, con đường mà Trung Quốc và ASEAN đã đi cùng nhau không phải là một sự dễ dàng. Dẫu vậy, mỗi khi quan hệ Trung Quốc – ASEAN gặp khó khăn, hai bên luôn sát cánh cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau, giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn. Việc Trung Quốc coi trọng quan hệ và duy trì hợp tác chặt chẽ với ASEAN là động lực to lớn thúc đẩy quan hệ của ASEAN với các nước phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của ASEAN. Hợp tác chính trị – ngoại giao giữa Trung Quốc và ASEAN không chỉ góp phần giúp đôi bên cùng có lợi, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác khu vực và hội nhập kinh tế ở Đông Á, cũng như sự phát triển chung của châu Á. Sau tất cả, cho dù còn những khác biệt, cả Trung Quốc và ASEAN đều vì lợi ích chung lớn là hòa bình, ổn định và thịnh vượng, hai bên sẽ vượt qua những thăng trầm, cùng nhau kiến tạo tương lai./.

—————————–

(1) Rakhahari Chatterji (2021), China’s Relationship with ASEAN: An Explainer, Issue Brief, Issue No.459, April 2021, Observer Research Foundation, p.8
(2) Work Together Towards Deeper Cooperation and Sustained Development tại http://ag.china-embassy.gov.cn/eng/zgxw/201210/t20121009_3471182.htm, ngày 21/9/2012
(3) Nguyễn Thu Mỹ, Đàm Huy Hoàng, Trần Xuân Hiệp, 25 năm quan hệ ASEAN – Trung Quốc: quá trình, thành tựu và vấn đề, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2016, tr.98
(4) và (5) Excerpts from the Remarks by H.E. Li Keqiang, Premier of the State Council of the People’s Republic of China at the 17th ASEAN-China Summit on 13 November 2014 in Nay Pyi Taw, Myanmar tại https://www-asean–china–center-org.translate.goog/english/2014-11/10183.html?, ngày 13/11/2014
(6) Chairman’s Statement of th 17th ASEAN – China Summit, 13 November 20 14 Nay Pyi Taw, Myanmar, tại https://asean.org/wp-content/uploads/images/Chairmans_statement_of_17th_ASEAN-China_Summit.pdf, ngày 29/12/2014
(7) Hà Thắng, Lê Bảo, Tuần lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc, https://vov.vn/the-gioi/tuan-le-ky-niem-25-nam-quan-he-doi-thoai-asean-trung-quoc-513688.vov, ngày 24/5/2016
(8) Remarks at the 19th China-ASEAN Summit to Commemorate the 25th Anniversary of China-ASEAN Dialogue Relations, http://english.www.gov.cn/premier/speeches/2016/09/09/content_281475437552250.htm, ngày 09/9/2016
(9) Joint Statement of the 19th ASEAN-China Summit to Commemorate the 25th Anniversary of ASEAN-China Dialogue Relations, https://www.chinadaily.com.cn/world/liattendsasean/2016-09/07/content_26730785.htm, ngày 09/7/2016
(10) ASEAN, China vow to boost ties, https://en.vietnamplus.vn/asean-china-vow-to-boost-ties/194790.vnp, ngày 15/01/2021
(11) https://asean.org/wp-content/uploads/2022/11/FINAL-ASEAN-China-Joint-Statement-on-Strengthening-Common-and-Sustainable-Development.pdf, ngày 12/11/2022
(12) Sau khi tình hình chính trị của Thái Lan ổn định trở lại, Trung Quốc đã mời thủ tướng mới của Thái Lan là ông Prayuth Chan-o-cha thăm Trung Quốc vào cuối tháng 12/2014
(13) Yang Jian (2021), “China – ASEAN Relations at 30: Braving Ups and Downs and Creating the Future Together”, Chinese people’s Institute of Foreign Affairs, Foreign Affairs Journal, No.139, Spring 2021, p.48
(14) Plan of Action to Implement the Joint Declaration on ASEAN – China Strategic Partnership for Peace and Prosperity (2011 – 2015), tại https://asean.org/plan-of-action-to-implement-the-joint-declaration-on-asean-china-strategic-partnership-for-peace-and-prosperity-2011-2015/, ngày đăng bài 09/5/2012
(15) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/18793/tuyen-bo-chung-ky-niem-10-nam-tuyen-bo-ve-ung-xu-cua-cac-ben-o-bien-dong.aspx, ngày đăng bài 20/11/2012
(16) Tan Hui Yee, Asean urges self-restraint in South China Sea activities, no mention of tribunal ruling, https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/asean-foreign-ministers-address-south-china-sea-issue-in-communique-but-not-tribunal, ngày 25/7/2016
(17)https://news.usni.org/2014/06/17/document-conduct-unplanned-encounters-sea, ngày 17/6/2014, đã cập nhật ngày 22/8/2016
(18) Le Hong Hiep, Vietnam’s Position on the South China Sea Code of Conduct, RESEARCHERS AT ISEAS – YUSOF ISHAK INSTITUTE ANALYSE CURRENT EVENTS, ISSUE: 2019, No22, pp.3
(19) và (20) Ian Storey, Anatomy of the Code of Conduct Framework for the South China Sea, tại https://www.nbr.org/publication/anatomy-of-the-code-of-conduct-framework-for-the-south-china-sea/, ngày 24/8/2017
(21) Raul Dancel, Asean, China adopt framework of code of conduct for South China Sea, tại https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/chinas-foreign-minister-says-maritime-code-negotiations-with-asean-to-start-this-year, ngày 08/6/2017
(22) Charissa Yong, Asean, China agree on text to negotiate Code of Conduct in South China Sea, tại https://www.straitstimes.com/politics/asean-china-agree-on-text-to-negotiate-code-of-conduct-in-south-china-sea, ngày 02/8/2018
(23)https://asianews.network/asean-and-china-hail-breakthrough-in-south-china-sea-negotiations/, ngày đăng bài 03/8/2018

(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 02/2023)