PGS, TS. NGUYỄN QUỐC DŨNG(*)
TS. VŨ TRUNG KIÊN(**)
(*) và (**) Học viện Chính trị khu vực II,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Đảng Cộng sản Việt Nam quy định 05 nguyên tắc tổ chức, hoạt động là: tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Bài viết phân tích quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về đoàn kết thống nhất; nhận diện các nguyên nhân gây ra tình trạng mất đoàn kết trong Đảng hiện nay và đề xuất một số giải pháp xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng hiện nay.
Từ khóa: chủ nghĩa Mác – Lênin; Đảng Cộng sản Việt Nam; đoàn kết thống nhất; Hồ Chí Minh
1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về đoàn kết thống nhất
C.Mác và Ph.Ăngghen rất quan tâm đến xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Trong Điều lệ tạm thời Hội liên hiệp công nhân quốc tế viết năm 1864, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: “Sự thành công của phong trào công nhân trong mỗi nước chỉ có thể được bảo đảm bằng sức mạnh của sự thống nhất và sự có tổ chức”(1). C.Mác và Ph.Ăngghen cũng chỉ rõ: “Chỉ có sức mạnh đoàn kết và tổ chức mới có thể đảm bảo thắng lợi cho phong trào công nhân ở mỗi nước”(2).
Đoàn kết, thống nhất đã được C.Mác và Ph.Ăngghen thể hiện rõ khi đề ra những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng cộng sản, cụ thể: Một là, đảng cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, có lý luận cách mạng, giác ngộ và kiên quyết trong hoạt động thực tiễn. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác, Ph.Ăngghen viết: “Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên, về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”(3). Là đội tiên phong, đảng phải là tổ chức của những con người ưu tú nhất trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động, có lý luận khoa học dẫn đường; có ý chí và hành động cách mạng kiên định phù hợp với tư tưởng, lý luận; có tổ chức chặt chẽ, khoa học, dân chủ và thống nhất. Hai là, đảng cộng sản là một chính đảng độc lập, mang bản chất giai cấp công nhân rõ rệt. Theo các ông, một giai cấp có thể có nhiều đảng, nhưng một chính đảng, bao giờ cũng chỉ mang bản chất giai cấp của một giai cấp nhất định, không có chính đảng mang bản chất của nhiều giai cấp. Ba là, đảng được xây dựng trên tinh thần của nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo đó, để có một tổ chức đoàn kết thống nhất, đảng kiên quyết chống các phần tử vô tổ chức, các phần tử cơ hội, xét lại. Bốn là, người vào đảng phải thừa nhận thế giới quan cộng sản chủ nghĩa; hành động phù hợp mục tiêu, nhiệm vụ của đảng; tự giác phục tùng nghị quyết và giữ gìn bí mật của đảng. Năm là, đảng phải thường xuyên được củng cố vững chắc, thống nhất về tư tưởng và tổ chức. C.Mác và Ph.Ăngghen đòi hỏi đảng cộng sản phải được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm minh và bắt buộc đối với mọi đảng viên. C.Mác khẳng định: “thành công của phong trào công nhân mỗi nước chỉ có thể được đảm bảo bằng lực lượng đoàn kết và tổ chức”(4). Đảng là một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ; các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải được bầu cử một cách dân chủ và có thể bị những người bầu ra bãi miễn bất kỳ lúc nào nếu không hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao cho; Đảng phải thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Sáu là, Đảng phải có cơ cấu tổ chức phù hợp với điều kiện và thời gian hoạt động, với nhiệm vụ mà Đảng phải giải quyết. Để bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong phạm vi toàn đảng, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, đảng cộng sản phải được tổ chức thành hệ thống chặt chẽ, từ dưới lên và từ trên xuống. Bảy là, đảng được xây dựng trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về đảng cộng sản, V.I.Lênin đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Đảng Công nhân dân chủ – xã hội Nga (năm 1898) theo hướng xây dựng một chính đảng cách mạng thật sự của giai cấp công nhân. Đặc biệt, V.I.Lênin đã luận chứng và phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về đảng cộng sản, đề xuất những nguyên tắc về chính đảng vô sản kiểu mới của giai cấp công nhân Nga. Trong đó, để có một chính đảng tiên phong, đoàn kết thống nhất, chính đảng đó phải được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo V.I.Lênin, để có thể làm tròn vai trò đội tiên phong của giai cấp cách mạng, thì về mặt tổ chức, Đảng phải được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực hiện nguyên tắc này sẽ tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm cho Đảng vững chắc và phát huy được sức mạnh của toàn Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ bảo đảm cho Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm soát được hoạt động của toàn Đảng, phát huy được sức mạnh của Đảng, đồng thời ngăn ngừa được tình trạng phe phái phá hoại Đảng. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi việc tổ chức và hoạt động của Đảng phải dựa trên một điều lệ thống nhất; từ một trung tâm lãnh đạo thống nhất (đại hội đảng và khoảng thời gian giữa các đại hội là Ban Chấp hành Trung ương); có kỷ luật thống nhất; thiểu số phục tùng đa số; việc bầu cử các cơ quan lãnh đạo phải tiến hành từ dưới lên trên; các cơ quan lãnh đạo của đảng phải báo cáo công tác thường kỳ trước các tổ chức của mình. V.I.Lênin khẳng định: “Sự thống nhất là cần thiết cho giai cấp công nhân. Chỉ có một tổ chức thống nhất, – một tổ chức mà nghị quyết của nó được tất cả những công nhân giác ngộ chấp hành không phải vì sợ hãi, mà vì lương tâm, – mới có thể thực hiện được sự thống nhất. Thảo luận một vấn đề, phát triển và lắng nghe những ý kiến khác nhau, tìm hiểu quan điểm của đa số những người mác-xít có tổ chức, phản ánh quan điểm đó trong một nghị quyết chính xác và trung thực chấp hành nghị quyết ấy, – đó là cái mà trên khắp thế giới, trong tất cả những người có lý trí, người ta gọi là sự thống nhất”(5). Theo V.I.Lênin, đoàn kết thống nhất tức là trong nội bộ không có các phe nhóm, là sự bàn bạc, thảo luận dân chủ mọi công việc của tổ chức đó, khi nghị quyết ban hành theo đa số của những người có ý thức tổ chức thì mọi thành viên phải tự giác chấp hành vô điều kiện.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về đoàn kết thống nhất trong Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm đến khối đoàn kết thống nhất trong Đảng nói riêng và trong toàn xã hội nói chung. Người khẳng định đoàn kết trong Đảng là không có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đoàn kết thống nhất là nguồn gốc của sức mạnh, là then chốt của thành công. Người chỉ rõ: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch”(6), và khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”(7). Trong Di chúc, Người cũng không quên căn dặn: “Từ Trung ương đến chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(8).
Từ quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn, Đảng ta xác định đoàn kết thống nhất là một nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, là sinh mệnh của Đảng. Trong suốt quá trình lịch sử hơn 90 năm qua, Đảng ta luôn đề cao đoàn kết thống nhất và phát triển trên nền tảng của đoàn kết thống nhất. Đảng chỉ rõ: “Đó là sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động dựa trên đường lối cách mạng đúng đắn và những nguyên tắc tổ chức của đảng vô sản”(9). Đại hội lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: “Từng đảng bộ giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể lãnh đạo. Đối với những cấp ủy, tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm những người có khuyết điểm”(10). Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá những kết quả trong nhiệm kỳ Đại hội XII về công tác xây dựng Đảng và khẳng định Đảng đã đoàn kết hơn, thống nhất hơn: “Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới”(11).
Tuy nhiên, những năm qua, việc mất đoàn kết lớn trong các tổ chức đảng có thể chưa nhiều, nhưng việc mất đoàn kết vẫn diễn ra âm thầm ở những cơ quan, đơn vị khác nhau. Biểu hiện của việc mất đoàn kết này chính là sự đấu đá lẫn nhau, tố cáo lẫn nhau, hạ bệ nhau bằng những việc làm không trong sáng, khuất tất và mang đầy ích kỷ cá nhân. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã cảnh báo: “Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty”(12). Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mặc dù đánh giá cao tinh thần đoàn kết trong Đảng, nhưng đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, đó là: “Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm”(13).
Bất cứ lĩnh vực nào, muốn đưa ra những giải pháp mang tính khả thi cần phải xác định đúng các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân sẽ gây ra những hệ quả. Đối với việc xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng cũng cần xác định được những nguyên nhân căn bản đã và có thể sẽ gây ra tình trạng mất đoàn kết trong Đảng để kịp thời có các giải pháp phù hợp, khả thi, ngăn ngừa từ gốc.
Vấn đề đoàn kết, thống nhất trong tổ chức đảng gắn với những con người cụ thể, mà con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, vì vậy rất khó để có thể xác định chính xác nhất các biểu hiện này. Tuy nhiên, trên bình diện chung, những nguyên nhân gây mất đoàn kết hiện nay bao gồm:
Một là, lối sống chủ nghĩa cá nhân, ganh ghét, đố kỵ, so bì. Đây là một trong những biểu hiện có thể xuất hiện nhiều trong các tổ chức hiện nay. Trong các tổ chức xuất hiện tình trạng những người tài giỏi thường bị ganh ghét, đố kỵ. Thậm chí, những người có tài, có năng lực hơn thủ trưởng rất khó để có đất sống. Khi người ta ganh ghét, so bì, đố kỵ với nhau họ rất dễ “bới lông, tìm vết” để hạ bệ nhau, công kích lẫn nhau, nói xấu lẫn nhau thậm chí là vu cáo lẫn nhau. Từ những biểu hiện này sẽ xuất hiện tình trạng kéo bè kết cánh, cánh hẩu để vào hùa cùng nhau, công kích lẫn nhau và tìm cách triệt hạ nhau. Trong một tổ chức có những biểu hiện như vậy, thậm chí mỗi người chỉ lo thu mình lại, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, thậm chí tự phê bình cũng không dám vì sợ bị trù dập, bị trả thù, lâu dần sẽ làm cho tổ chức bị chia rẽ và mất đoàn kết trầm trọng.
Hai là, mất đoàn kết do mâu thuẫn về lợi ích. Con người hoạt động đều có mục tiêu vì lợi ích. Đảng Cộng sản Việt Nam không có chủ trương triệt tiêu lợi ích cá nhân mà ủng hộ và khuyến khích hài hòa lợi ích. Tuy nhiên, nếu những đảng viên của Đảng chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến lợi ích tập thể, thậm chí làm tổn hại lợi ích tập thể, đất nước thì không những chỉ gây thiệt hại cho tập thể, cho đất nước, mà còn gây mất đoàn kết ngay trong chính nội bộ. Ai là những người có thể vun vén cho lợi ích cá nhân, chắc chắn đó là những người được giao quyền quyết định các lĩnh vực liên quan đến tài chính, đầu tư, xây dựng, đất đai, công tác cán bộ, thanh tra, kiểm tra, mua sắm tài sản… Ngay trong một đơn vị, một cơ quan, không phải mọi người đều được giao những thẩm quyền này… Chẳng hạn, ngay cả những người công tác ở một phường, chỉ những ai được giao phụ trách các công việc có liên quan tới những thủ tục của người dân mới có thể tiêu cực. Nếu những người phụ trách này tiêu cực họ sẽ vun vén cho cá nhân và sẽ có mức sống quá chênh lệch với những người cùng công tác. Điều này sẽ gây sự khác biệt về tư tưởng, nhận thức và có thể dẫn tới những mâu thuẫn mất đoàn kết. Ngoài ra, khi sa vào chủ nghĩa cá nhân, những người đó có thể tạo lập các “nhóm lợi ích” và tìm cách biển thủ tài sản của cơ quan, của tập thể, của đất nước vào tay một số cá nhân. Điều này sẽ gây ra các xung đột giữa những đảng viên chân chính với các đảng viên thoái hóa, biến chất, các “nhóm lợi ích” và phá vỡ đoàn kết thống nhất.
Ba là, mất đoàn kết giữa cán bộ tại chỗ và cán bộ luân chuyển, mất đoàn kết do cục bộ địa phương. Thực hiện chủ trương trong luân chuyển, bố trí cán bộ hiện nay, Đảng ta có chủ trương thực hiện nội dung người đứng đầu không phải là người địa phương. Khi thực hiện nội dung này đương nhiên cũng có những thuận lợi cơ bản là người đứng đầu không hoặc hạn chế việc chi phối bởi các quan hệ thân tộc, gia đình vốn là truyền thống lâu đời của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương này lại gặp phải vấn đề không kém phần nan giải là tình trạng cán bộ luân chuyển tới bị bao vây, cô lập. Điều này sẽ dẫn tới xung đột và gây mất đoàn kết ngay trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, giữa người tại chỗ và người ở nơi khác chuyển tới. Ngoài ra còn tình trạng mất đoàn kết hiện nay diễn ra ở khá nhiều nơi là tình trạng cục bộ địa phương diễn ra muôn hình vạn trạng, có thể là giữa cán bộ các vùng miền, cán bộ giữa các tỉnh với nhau và có khi giữa cán bộ ngay trong mỗi địa phương kiểu như xã này với xã kia, huyện này với huyện khác…
Bốn là, do thiếu dân chủ, công khai, minh bạch. Khi những vấn đề liên quan thiết yếu đến mỗi người như chế độ lương, khen thưởng, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ không minh bạch rất dễ gây ra tình trạng nghi kỵ lẫn nhau và gây mất đoàn kết. Đó là chưa kể những biểu hiện như trên thực chất chỉ xảy ra ở những cơ quan, đơn vị mà lãnh đạo ở đó độc đoán, chuyên quyền. Việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ không đủ các điều kiện theo quy định dựa trên kiểu vây cánh, người nhà, thân quen… cũng sẽ là những nguyên nhân dẫn tới mất đoàn kết ở các địa phương, đơn vị.
Hậu quả của căn bệnh mất đoàn kết thì chắc chắn ai cũng đã rõ. Một cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng mất đoàn kết sẽ làm chính những người trong tổ chức đó nghi kỵ lẫn nhau, đề phòng lẫn nhau làm cho tổ chức rời rạc, suy yếu. Từ đó, chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng thực hiện nhiệm vụ qua loa, chiếu lệ và sẽ suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
3. Giải pháp xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin
Điều lệ Đảng hiện hành (được thông qua tại Đại hội lần thứ XI, năm 2011) nêu rõ: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(14). Việc xử lý mất đoàn kết trong nội bộ không chỉ ở việc để xảy ra mất đoàn kết rồi mới tìm cách để khắc phục, mà cần nhận diện sớm để có các giải pháp ngăn ngừa. Khi mất đoàn kết đã xảy ra cũng cần có các giải pháp đồng bộ, khéo léo để giải quyết có hiệu quả tình trạng này nhằm ổn định tổ chức, cơ quan, đơn vị. Cụ thể, cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục đạo đức và đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên để ngăn ngừa mất đoàn kết do lối sống chủ nghĩa cá nhân, ganh gét, đố kỵ, so bì. Chắc chắn sẽ có ý kiến cho rằng, chỉ cần kỷ luật Đảng và kỷ luật về hành chính nghiêm minh thì sẽ khắc phục được những biểu hiện này. Điều này cũng không hẳn không có lý, song, nếu vậy chúng ta làm sao có thể giải thích được việc hai người cùng giữ cương vị giống nhau, một người chăm lo tận tâm cho việc được giao, một người chỉ lo đục khoét, vun véo cho cá nhân. Vậy, chưa hẳn do kỷ luật nghiêm minh mà còn do cá nhân chủ nghĩa. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án gay gắt căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, theo Người, đó là căn bệnh sinh ra muôn vàn cái xấu xa. Vì vậy, để xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết phải chống chủ nghĩa cá nhân, bởi chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc tư tưởng của chủ nghĩa cơ hội. Khi một tổ chức bị những người cơ hội chi phối hoặc lấn át, chắc chắn họ sẽ tạo thành bè phái gây mất đoàn kết nội bộ. Những người cơ hội là những người mà “gió chiều nào che chiều ấy” nên hầu như họ không có chính kiến, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám phê phán, lên án. Họ chỉ hùa theo những gì mang lại lợi ích cá nhân của họ và phản ứng trước những gì gây thiệt hại đối với lợi ích cán nhân của họ. Cá nhân chủ nghĩa, bệnh cơ hội là những biểu hiện của suy thoái, vì vậy, chống chủ nghĩa cá nhân, chống các biểu hiện cơ hội chính là góp phần củng cố khối đoàn kết trong Đảng hiện nay.
Thứ hai, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng để ngăn ngừa mất đoàn kết do mâu thuẫn về lợi ích. Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm đến việc xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, vì vậy Đảng cũng có những quy định xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với những đảng viên có hành vi gây mất đoàn kết nội bộ. Điều 26 của Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định các hình thức kỷ luật từ khiển trách tới khai trừ khỏi Đảng đối với cán bộ, đảng viên có hành vi gây mất đoàn kết nội bộ. Theo đó, đảng viên lợi dụng quyền dân chủ để bè phái, lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ gây mất đoàn kết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh hoạt, công tác thì bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ. Quy định này là căn cứ để Đảng siết chặt kỷ luật, kỷ cương cũng như là cơ sở để ngăn ngừa, cảnh tỉnh đối với mỗi đảng viên để mỗi người tự soi rọi lại mình, tránh vi phạm vào các biểu hiện gây mất đoàn kết nội bộ.
Như vậy, để ngăn ngừa mất đoàn kết nội bộ, trước hết các tổ chức đảng phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Muốn vậy, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần ban hành các quy định, quy chế nội bộ, quy trình công tác chặt chẽ, rõ ràng, công khai, minh bạch. Ngoài các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay đều đang thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ở nơi làm việc. Vì vậy, tất cả các nội dung về nâng lương, khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo… đều cần phải được văn bản hóa thành những quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch. Trong sinh hoạt đảng, cần nêu cao và chú trọng tự phê bình và phê bình trên cơ sở tình đồng chí, tránh tình trạng đoàn kết xuôi chiều, nhưng cũng đặc biệt tránh tình trạng lợi dụng phê bình để nói xấu, đả kích, hạ bệ lẫn nhau.
Thứ ba, ngăn ngừa mất đoàn kết giữa cán bộ tại chỗ và cán bộ luân chuyển, mất đoàn kết do cục bộ địa phương cần giáo dục nâng cao tính đảng cho mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên và tăng cường kiểm tra, giám sát để uốn nắn kịp thời. Hiện nay, chúng ta đều nhận thấy một điều rằng, chủ trương bố trí người đứng đầu không phải người địa phương đã mang lại hiệu quả rõ nét, đặc biệt là ngành công an. Tuy nhiên, trong thực tế, có những đồng chí từ địa phương khác về nơi mới đã bị cô lập, bị vô hiệu hóa. Những nơi để xảy ra tình trạng này chủ yếu là do tính cục bộ địa phương, nhưng nguyên nhân chính vẫn là tình trạng thiếu nhất trí và đồng thuận trong các tổ chức đảng. Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, tính đảng cho đảng viên. Cần thực hiện tốt nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong các tổ chức đảng, nhất là đoàn kết thống nhất từ chi bộ. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới đã khẳng định: “Thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm(15). Đảng viên cần coi đoàn kết thống nhất là một nội dung, tiêu chuẩn, tư cách đảng viên. Để xây dựng khối đoàn kết hiện nay, các đồng chí lãnh đạo cần phải gương mẫu, phân phối hài hòa lợi ích. Đặc biệt, các cấp ủy cần tăng cường nâng cao nhận thức cho đảng viên về vấn đề này, thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện nguyên nhân tiềm ẩn gây mất đoàn kết.
Thứ tư, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình gắn với phát huy dân chủ trong Đảng. Nghị quyết số 21-NQ/TW đã nêu ra nhiều giải pháp, một trong các giải pháp đó là đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trong nội dung Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ: “Thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ”(16).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn phê bình là phê bình việc chứ không phê bình người. V.I.Lênin cũng từng nói rằng, chỉ có 02 hạng người không sai là những người mới sinh và người không làm gì cả. Vì vậy, đã làm việc ắt hẳn sẽ có sai lầm. Có những người sai lầm do cố ý, cũng có những người sai lầm do vô ý hoặc không hiểu biết. Nếu những người sai lầm do vô ý, không hiểu biết, tổ chức kịp thời phê bình sẽ giúp họ nhận ra cái sai để khắc phục. Nếu những người cố ý, phê bình sẽ giúp chỉ ra cái sai và cũng chính là ngăn ngừa trượt dài theo cái sai đó. Vì vậy, thật thà phê bình, tự phê bình sẽ giúp cho các sai lầm, sai phạm được chỉ ra sớm, hạn chế tối đa việc “tích tiểu thành đại”. Điều 9 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép đảng viên có quyền có ý kiến khác và có quyền bảo lưu, vì vậy, trong sinh hoạt đảng, ý kiến khác nhau là chuyện hết sức bình thường, chúng ta đi tìm sự thống nhất không phải là triệt tiêu các ý kiến khác biệt mà cần dân chủ, lắng nghe, giải đáp, trao đổi một cách chân thành, thắng thắn mang tính Đảng.
Hệ thống chính trị Việt Nam là đơn nhất dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất. Đây là điều kiện thuận lợi để các quyết định được thông qua một cách nhanh chóng, thống nhất. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, đơn vị, cơ quan hiện nay vẫn còn tình trạng mất đoàn kết, xung đột giữa cấp ủy và chính quyền. Có những nội dung chính quyền quyết thì cấp ủy cho rằng đã “vượt mặt”, có những nội dung cấp ủy quyết thì chính quyền lại cho rằng cấp ủy can thiệp sâu vào công việc của chính quyền… Vì vậy, các cơ quan, đơn vị rất cần ban hành các quy chế làm việc cụ thể phân định thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền./.
——————————–
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen, Tuyển tập, t.2, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.168
(2) và (4) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.707 và 615
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.4, Sđd, tr.614
(5) V.I.Lênin, Toàn tập, t.24, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1980, tr.241-242
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.177
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.13, Sđd, tr.119
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.15, Sđd, tr.622
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng (tại Đại hội IV), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.31
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.144
(11) và (13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.221 và 225
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.22
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần II (Đại hội X, XI, XII), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.518 và 518
(15) và (16) Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới
(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 02/2023)