TS. PHẠM VĂN GIANG(*)

(*) Học viện Chính trị khu vực III,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Kể từ khi ra đời cho đến nay, chủ nghĩa xã hội khoa học luôn bị các thế lực thù địch, cơ hội xuyên tạc và phủ nhận. Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, các loại quan điểm sai trái, thù địch lại càng có dư địa phát tán. Lần này, thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch âm mưu đánh thẳng vào tận gốc rễ của toàn bộ lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, tiến tới lật đổ và xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Vì vậy, việc nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái, thù địch góp phần quan trọng bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời đại ngày nay.
Từ khóa: chủ nghĩa Mác – Lênin; chủ nghĩa xã hội khoa học; phê phán; phủ nhận

Chủ nghĩa xã hội khoa học hiểu theo nghĩa rộng là chủ nghĩa Mác – Lênin, ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, gắn với quá trình phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Từ đó đến nay, các thế lực thù địch chống cộng luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa xã hội khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Trong khoảng hơn 30 năm qua, nhất là sau biến cố dẫn đến sự đổ vỡ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước lại càng có cơ hội tấn công chủ nghĩa xã hội khoa học một cách toàn diện, bằng nhiều phương thức, vừa trắng trợn, vừa tinh vi, hết sức hiểm độc. Điều đáng nói là, ngoài kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa Mác từ trước tới nay, thật ngạc nhiên khi có những người chỉ mới đây thôi còn tự coi mình là những người mác-xít, thì nay quay lại phê phán chủ nghĩa Mác – Lênin một cách điên cuồng, phủ nhận giá trị và sức sống của chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời đại ngày nay.
Trên các diễn đàn, phương tiện truyền thông, trong hàng loạt sách, báo, tạp chí, bài viết, bình luận trên internet, các trang mạng xã hội của các thế lực thù địch, có thể dễ dàng nhận thấy người ta đưa ra vô số luận điệu, đủ mọi màu sắc. Trong đó, họ thường cho rằng: (1) Chủ nghĩa xã hội khoa học là sản phẩm chủ quan, tư biện của C.Mác và Ph.Ăngghen, không bao giờ trở thành hiện thực, cũng chỉ là chủ nghĩa xã hội không tưởng mà thôi. (2) Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời từ giữa thế kỷ XIX, nay đã thế kỷ XXI, trong điều kiện của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nên chủ nghĩa xã hội khoa học không còn phù hợp với thực tiễn ngày nay. (3) Chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã sụp đổ, điều đó cho thấy chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết sai lầm. (4) Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ khi ra đời cho đến nay chưa bao giờ phát triển được như chủ nghĩa tư bản. Vì thế, chủ nghĩa tư bản mới là mục tiêu của nhân loại, chứ không phải chủ nghĩa xã hội. (5) Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên chủ nghĩa Mác – Lênin, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới?!
Để đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội khoa học trên, cần dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn để cung cấp luận cứ thuyết phục:
Thứ nhất, phê phán quan điểm “chủ nghĩa xã hội khoa học là sản phẩm chủ quan, tư biện của C.Mác và Ph.Ăngghen, không bao giờ trở thành hiện thực, cũng chỉ là chủ nghĩa xã hội không tưởng mà thôi?!”
Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời là kết quả của sự kế thừa những giá trị của lịch sử tư tưởng nhân loại và được luận chứng trên cơ sở hiện thực của đời sống xã hội. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bước sang giai đoạn phát triển mới. Sự xuất hiện của nền sản xuất đại công nghiệp đã làm cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Lực lượng sản xuất phát triển nhanh, đạt trình độ xã hội hóa ngày càng cao, mâu thuẫn với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Chính “mâu thuẫn giữa sản xuất xã hội và sự chiếm hữu tư bản chủ nghĩa biểu hiện ra thành sự đối kháng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản”(1). Phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản ngày càng rộng lớn, nhưng cuối cùng đều thất bại, do thiếu một hệ tư tưởng tiên tiến soi đường. Từ thực tiễn đó, chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời đã đáp ứng yêu cầu của phong trào, chấm dứt khủng hoảng về đường lối, đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân chuyển từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác. Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời là kết quả của quá trình nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn của C.Mác và Ph.Ăngghen, dựa trên những điều kiện kinh tế – xã hội cụ thể.
Vào đầu thế kỷ XIX, trong khoa học (bao gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) có những phát hiện vượt thời đại, đã phá tan màn đêm của các quan niệm thần học phủ bóng đời sống xã hội suốt mấy nghìn năm. Trước khi chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời, chủ nghĩa xã hội không tưởng cũng đã có mấy trăm năm lịch sử. Những nhà xã hội không tưởng chủ nghĩa đầu tiên xuất hiện từ thế kỷ XVI – XVII, thời kỳ tích lũy tư bản ban đầu. Thế kỷ XVIII, đêm trước của cuộc cách mạng tư sản, ở Pháp đã xuất hiện hàng loạt những học giả khai sáng. Đến đầu thế kỷ XIX, ở Anh và Pháp xuất hiện những nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán tiêu biểu, như Saint Simon, Charles Fourier và Robert Owen. Họ đã phê phán mạnh mẽ và đả kích không thương tiếc tất cả những gì là cũ kỹ của xã hội tư bản và yêu cầu phải loại bỏ nó để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Mặc dù vậy, chủ nghĩa xã hội không tưởng thế kỷ XIX còn chưa chín muồi và “cũng như những bậc tiền bối của họ, không thể vượt qua những khuôn khổ mà thời đại của họ đã quy định cho họ”(2). Chính những tư tưởng của các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán là tiền đề khoa học trực tiếp cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học. Ph.Ăngghen chỉ rõ: chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời không phải trên “mảnh đất hoang”, mà “cũng như mọi học thuyết mới, trước hết phải xuất phát từ những tư liệu tư tưởng đã tích lũy từ trước”(3), và ông đặc biệt nhấn mạnh: “Chủ nghĩa xã hội lý luận Đức sẽ không bao giờ quên rằng nó là sự tiếp nối Xanh-Xi-mông, Phu-ri-ê và Ô-oen”(4).
Như vậy, chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời không phải là sản phẩm chủ quan, tư biện của C.Mác và Ph.Ăngghen, mà là sự kế thừa, phát triển những giá trị tư tưởng của nhân loại, được luận chứng từ điều kiện kinh tế – xã hội cụ thể. Dĩ nhiên, bất kỳ một học thuyết khoa học nào ra đời, bên cạnh những điều kiện, tiền đề khách quan, thì không thể thiếu vai trò chủ quan. Sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học có công lao to lớn của C.Mác và Ph.Ăngghen, đó là “lý luận lần đầu tiên đã biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học”(5). Sau đó, V.I.Lênin, các đảng cộng sản và công nhân vận dụng, tiếp tục bổ sung, phát triển và hiện thực hóa trong thực tiễn.
Thứ hai, phê phán quan điểm “chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời từ giữa thế kỷ XIX, nay đã thế kỷ XXI, trong điều kiện của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nên chủ nghĩa xã hội khoa học không còn phù hợp với thực tiễn ngày nay”
Học thuyết Mác – Lênin là học thuyết luận giải về quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy; quy luật về cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản; sự ra đời, phát triển của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Là học thuyết mở, được bổ sung, phát triển không ngừng, do đó nó không bị hạn chế bởi thời gian, không gian, nên không thể lỗi thời.
Nghiên cứu lịch sử và từ việc phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác chỉ rõ: xét đến cùng, nguyên nhân của mọi biến đổi lịch sử là do sự phát triển của lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất càng phát triển, tính xã hội hóa càng cao, mâu thuẫn với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ tư hữu ngày càng gay gắt, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp. Trong xã hội có giai cấp đối kháng, đấu tranh giai cấp đến giai đoạn nhất định tất yếu dẫn đến cách mạng xã hội, một chế độ xã hội mới ra đời thay thế chế độ xã hội cũ đã lỗi thời lạc hậu để mở đường cho xã hội phát triển. Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản cũng ra đời theo quy luật đó. Với quan niệm này, C.Mác đã phát hiện ra “điều bí ẩn của lịch sử” mà trước đó các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng chưa lý giải được.
Đây là cách tiếp cận khoa học, cho phép chủ nghĩa Mác luận giải quy luật vận động và phát triển của lịch sử nhân loại. Nhiều nhà xã hội học nổi tiếng ở phương Tây thừa nhận rằng: “C.Mác đã cung cấp cho xã hội học và chính trị học hiện đại những tiếp cận lý thuyết bao quát và mạnh mẽ nhất” và “điều chắc chắn bất cứ lý thuyết phân tầng nào đều vay mượn của Mác cách lý giải về giai cấp, ngay dù nhà xã hội học đó kết thúc bằng cách bài bác Mác như là sai lầm và bị lịch sử vượt qua. Lý do món nợ là ở chỗ học thuyết Mác về xã hội chủ yếu dựa trên sự nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế và các quan hệ kinh tế này lại tạo thành nền tảng của giai cấp”(6).
Ngày nay, lịch sử nhân loại có nhiều đổi thay so với thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã có sự điều chỉnh quan hệ sản xuất để tiếp tục tồn tại, phát triển trong điều kiện mới. Tuy nhiên, điều đó không làm cho chủ nghĩa tư bản thay đổi bản chất và nằm ra ngoài quy luật mà chủ nghĩa Mác đã chỉ ra, trái lại càng chứng minh tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay.
Cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản ngày càng được mở rộng ra ngoài chính quốc. Chỉ có điều, khác với trước đây, hình thức bóc lột được che đậy dưới lớp vỏ hào nhoáng, “văn minh” và “tinh vi hơn”. Càng phát triển, các thế lực tư bản càng hung hăng và hiếu chiến, với mục đích không gì khác hơn là vơ vét tài nguyên của các nước nghèo và “yếu thế”, tranh giành thị trường và sự ảnh hưởng địa kinh tế, chính trị, quân sự; gây hấn chiến tranh trên khắp thế giới, chạy đua vũ trang nhằm mục đích buôn bán vũ khí để phục vụ cho lợi ích chính mình; can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền bằng những lý lẽ và chứng cứ hết sức vô lý, từ đó đã gây ra các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, Libya, Syria, hay như chiến tranh giữa Nga và Ukraina hiện nay,… đều do bàn tay của các thế lực tư bản đạo diễn. Chiến tranh đã làm hàng trăm triệu người dân vô tội không có chốn dung thân, gia đình ly tán, sống trong những điều kiện hết sức tồi tệ, hàng chục triệu người dân thường bị chết, hàng vạn thanh niên là con em dân thường đã bỏ xác ở lại chiến trường một cách vô nghĩa. Tất cả tội ác đó đã phơi bày bản chất của chủ nghĩa tư bản, đi ngược lại với chủ nghĩa xã hội, với khát vọng, mong muốn hòa bình của nhân dân và các lực lượng tiến bộ trên thế giới.
Cần lưu ý rằng, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học chưa bao giờ coi học thuyết của mình như là một tín điều cứng nhắc, siêu hình, bất khả xâm phạm. Trái lại, C.Mác, Ph.Ăngghen và sau này là V.I.Lênin đã rất nhiều lần nhắc nhở những người cộng sản trong quá trình vận dụng phải biết sáng tạo, bảo vệ và phát triển. Trong lời tựa viết cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1872 của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh rằng: “Chính ngay “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”(7). Và “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(8).
Hiện nay, trước những biến đổi nhanh chóng của thế giới, sẽ có những vấn đề mà thời đại C.Mác và Ph.Ăngghen chưa đặt ra, chúng ta có thể bổ sung và phát triển. Vậy, tại sao có thể nói chủ nghĩa xã hội khoa học đã lỗi thời? Chủ nghĩa xã hội khoa học không hề lỗi thời, mà chính những người cố tình xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa xã hội khoa học mới lỗi thời, đố kỵ, hoặc không nhìn thấy bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác.
Thứ ba, phê phán quan điểm “chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã sụp đổ, điều đó cho thấy chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết sai lầm”
Trước hết, cần thấy rằng, trước khi sụp đổ, Liên Xô và các nước Đông Âu đã từng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực. Điều đó chứng tỏ rằng, sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu không phải bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác – Lênin. Vấn đề cần phải làm rõ ở đây là từ khi nào và vì sao mô hình này thất bại? Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra. Trong đó, nguyên nhân sâu xa của vấn đề là trong quá trình đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết bên cạnh những thành tựu vĩ đại đạt được, thì đã có những hạn chế, khuyết điểm chậm được phát hiện và sửa chữa, dẫn đến xơ cứng, giáo điều, thiếu sáng tạo, phát triển phù hợp với bối cảnh mới.
Từ những năm 1970 trở đi, trình độ sản xuất của thế giới bước vào giai đoạn phát triển mới, dựa trên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và toàn cầu hóa. Trong khi đó, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tỏ ra xơ cứng, trì trệ, khép kín, không bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của thời đại. Hậu quả là trình độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ ngày càng tụt hậu so với các nước tư bản phát triển, năng suất lao động giảm sút, kinh tế – xã hội rơi vào khủng hoảng ngày càng trầm trọng, buộc phải cải tổ. Tuy nhiên, trong cải tổ lại lúng túng, muốn đốt cháy giai đoạn, không nhận thấy rõ nguyên nhân thực sự của khủng hoảng để đề ra biện pháp cải tổ đúng hướng. Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp là trong cải tổ Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu đã mắc phải những sai lầm, khuyết điểm rất nghiêm trọng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ.
Nhân danh dân chủ hóa, một số nhân vật lãnh đạo cao nhất đã từng bước từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản xét lại và cuối cùng phản bội chủ nghĩa Mác – Lênin.̉ Cùng với đó, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ, ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” cực kỳ thâm độc, vừa trắng trợn, vừa tinh vi, nhằm chống phá Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Cuối cùng, chủ nghĩa đế quốc không đánh mà thắng. Tất nhiên, chúng không thể làm được điều này nếu như có sự đoàn kết, cảnh giác của Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Liên Xô. Không để cho bọn xét lại và phản bội thao túng cơ quan lãnh đạo của Đảng, tiếp tay cho các lực lượng thù địch, cơ hội chủ nghĩa.
Thực tế cũng đã và đang chứng minh, chủ nghĩa xã hội hiện thực rơi vào khủng hoảng đâu chỉ có ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba,… đều rơi vào khủng hoảng cùng thời điểm, nhưng quá trình cải cách mở cửa ở Trung Quốc, đổi mới ở Việt Nam, Lào, cập nhật hóa mô hình kinh tế – xã hội ở Cuba đã và đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Có được những thành công đó là nhờ vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp với điều kiện thực tế của từng quốc gia – dân tộc và xu thế phát triển của thời đại.
Tất cả những điều đó cho thấy, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội cụ thể. Nguyên nhân là do vận dụng sai, giáo điều, xét lại và cuối cùng phản bội lại chủ nghĩa Mác – Lênin. Tuyệt nhiên, đó không phải là sụp đổ của một học thuyết khoa học và cách mạng. Chủ nghĩa Mác – Lênin tiếp tục là kim chỉ nam cho các đảng cộng sản cầm quyền lãnh đạo đất nước phát triển, khẳng định vị thế, uy tín trên trường quốc tế.
Thứ tư, phê phán quan điểm “chủ nghĩa xã hội hiện thực từ khi ra đời cho đến nay chưa bao giờ phát triển được như chủ nghĩa tư bản. Vì thế, chủ nghĩa tư bản mới là mục tiêu của nhân loại, chứ không phải chủ nghĩa xã hội”
Điều mà không ai có thể phủ nhận, đó là chủ nghĩa tư bản từ khi ra đời và phát triển đến nay đã đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ. Chính từ đó mà không ít người ngưỡng mộ, tán dương và xem đó là mô hình phát triển cần hướng đến xây dựng. Vậy, chủ nghĩa tư bản có quá trình phát triển như thế nào? Những thành tựu đạt được đó là do đâu? Cần nhớ rằng, chủ nghĩa tư bản đã có hơn 500 năm ra đời và phát triển. Trong suốt quá trình đó, chủ nghĩa tư bản đã xâm lược, chiếm đoạt, vơ vét tài nguyên khắp toàn cầu. Lật giở lại lịch sử phát triển của các nước tư bản, như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,… chúng ta thấy, trên con đường phát triển của họ ngập ngụa máu và nước mắt của nhân dân cần lao chính quốc và thuộc địa. Chính Terry Eagleton – một học giả người Anh cũng phải chua chát thừa nhận rằng: “Những nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm”(9). Chỉ từng đó thôi cũng đủ để thấy được bản chất và nguồn gốc giàu có của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời và phát triển đến nay mới chỉ hơn 100 năm, nhưng đã đạt được những thành tựu hết sức vĩ đại. Trong đó, Liên Xô có khoảng hơn 70 năm tồn tại và phát triển, nhưng chỉ mất khoảng 20 năm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biến nước Nga kém phát triển trở thành một Liên Xô có công nghiệp hùng mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được bảo đảm ở mức cao, là quốc gia đi đầu trong các phát minh khoa học và chính phục vũ trụ. Chưa kể, nhờ Liên Xô hùng mạnh đã chặn đứng được chủ nghĩa phát xít, cứu nhân loại khỏi thảm họa diệt chủng. Sự ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội hiện thực đã giúp các dân tộc thuộc địa trên thế giới tự đứng lên giải phóng khỏi sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc.
Hiện nay, các nước phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội tiếp tục cải cách mở cửa, đổi mới, cập nhật hóa, đã và đang đạt được những thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Kinh tế phát triển, chính trị, xã hội ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Tiềm lực, vị thế, vai trò của các nước xã hội chủ nghĩa được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Còn đối với chủ nghĩa tư bản hiện nay thì sao? Dù có cố gắng điều chỉnh thế nào đi chăng nữa, thì chủ nghĩa tư bản hiện vẫn không khắc phục được khuyết tật vốn có, đó là bất bình đẳng. Càng phát triển hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu sắc hơn. Trong đó, “một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội”(10).
Bên cạnh những nhà tư bản giàu sang, thì có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu người thất nghiệp, sống dưới mức nghèo khổ, vô gia cư, không được học hành và chắm sóc y tế đầy đủ. Nhiều tệ nạn xã hội đang làm suy thoái đạo đức, tha hóa con người. Cũng cần phải nói thêm rằng, hiện nay, ngoài vài ba chục nước tư bản phát triển, thì không phải bất kỳ quốc gia nào đi theo con đường tư bản chủ nghĩa đều là nước phát triển. Ngược lại, chính chủ nghĩa tư bản đang tạo ra một “châu Á nghèo”, “một châu Phi đói” và “một châu Mỹ nợ nần chồng chất”. Tất cả sự thật đó đang phơi bày bản chất thực sự của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Vậy, phải chăng đó là mong muốn, mục tiêu nhân loại hướng đến? Câu trả lời chắc chắn là không. Chỉ có chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin mới giải quyết triệt để những khuyết tật vốn có của chủ nghĩa tư bản. Đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thật sự cho tất cả mọi người, mọi dân tộc.
Thứ năm, phê phán quan điểm “Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên chủ nghĩa Mác – Lênin, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới”
Dân tộc Việt Nam vào cuối của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chịu thân phận một cổ hai tròng của chế độ thuộc địa nửa phong kiến. Trước thực tế đó, có rất nhiều phong trào yêu nước theo những khuynh hướng chính trị khác nhau: dân chủ tư sản, phong kiến, nông dân. Tuy nhiên, tất cả các phong trào đó cuối cùng đều thất bại, vì thiếu đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bối cảnh lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc. Người đã đến những nước tư bản phát triển và những nước thuộc địa của họ. Qua khảo nghiệm thực tiễn, cuối cùng Người kết luận: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã bốn lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy”(11).
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (năm 1917) đã mở ra một thời đại mới. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc mới tìm đến và tin theo Cách mạng Tháng Mười, tin theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Như vậy, không phải ngay từ đầu Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa cộng sản, mà phải mất gần 10 năm Người mới tìm được chân lý. Vì vậy, khi chủ nghĩa xã hội khoa học truyền bá vào Việt Nam, được nhân dân lựa chọn như là hệ quả tất yếu. Đó là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển khách quan của thời đại.
Con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đến nay đã hơn 75 năm, trong điều kiện phải trải qua các cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, chống chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Trên thực tế, dân tộc Việt Nam mới có khoảng 30 năm bình yên để tái thiết và xây dựng lại đất nước. Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chính trị – xã hội ổn định, kinh tế không ngừng tăng trưởng. Theo đó, quy mô kinh tế từ 6,3 tỷ USD năm 1989, đến năm 2020 đạt 343,6 tỷ USD. Năm 1989, tổng thu nhập bình quân đầu người là 98 USD/năm, đến năm 2020 là 3.521 USD/năm. Hiện nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thứ tư trong ASEAN. Nhờ kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. “Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển”(12). Những thành tựu đạt được đã làm cho thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam không chỉ chủ động, tích cực hội nhập, mà còn là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như tham gia vào các tổ chức quan trọng khác, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 254 chính đảng ở 114 quốc gia trên thế giới. Có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước; đối tác toàn diện với 13 nước. Đã ký hơn 90 hiệp định thương mại, có quan hệ thương mại với hơn 220 nước và vùng lãnh thổ. Đó là hiện thực không ai có thể phủ nhận, và “với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng: Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(13).
Không tô hồng và cũng không che dấu hạn chế, khuyết điểm. Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng thẳng thắn thừa nhận: “kinh tế – xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong Chiến lược 2011 – 2020 và việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đề ra. Công cuộc đổi mới tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là việc nhận thức, giải quyết đúng, hiệu quả các mối quan hệ lớn”(14).
Con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trái lại, đây là sự nghiệp khó khăn, nhiều thử thách, trải qua nhiều bước thăng trầm, thậm chí có lúc thất bại. Nhưng, với sự quyết tâm không gì lay chuyển, nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng, quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Đó là con đường duy nhất đúng đắn.
Tóm lại, mặc dù các thế lực thù địch luôn tìm và làm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận, nhằm tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội trên thế giới, nhưng cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy giá trị và sức sống của chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời đại ngày nay. Vì vậy, chúng ta phải vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phản bác hiệu quả. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học trong điều kiện mới. Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang xây dựng là chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ nghĩa xã hội đổi mới đúng đắn trên tinh thần phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn đất nước./.

———————————

(1), (2) và (3) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.377, 31 và 30
(4) và (7) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.18, Sđd, tr.698 và 128
(5) và (8) V.I.Lênin, Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.230 và 232
(6) Dẫn theo: Nguyễn Trọng Chuẩn, Phạm Văn Đức, Hồ Sĩ Quý (đồng chủ biên), Những quan điểm cơ bản của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.229-230
(9) Terry Eagleton, Tại sao Mác đúng?, Nxb Chính trị – Hành chính, Hà Nội, 2012, tr.34
(10) và (12) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.21 và 32-33
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.296
(13) và (14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.25 và 103