ThS. ĐỖ HUỲNH YẾN VY(*)
(*) Học viện Chính trị khu vực II,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Nhận diện các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả của dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Dân chủ là vấn đề vô cùng nhạy cảm, từ đó, các thế lực thù địch và một số phần tử chính trị đã triệt để lợi dụng nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Với mục tiêu trọng tâm là làm xói mòn lòng tin của quần chúng nhân dân và chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, các thế lực thù địch và phản động đã thường xuyên đưa ra những luận điểm xấu độc về vấn đề dân chủ ở Việt Nam. Tựu trung lại, chúng ta có thể nhận diện những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề dân chủ trên những phương diện sau:
Thứ nhất, về chủ thể chống phá
Chủ thể chống phá có thể là lực lượng cực hữu, một số nghị sĩ cực đoan phương Tây, các nhóm phản động người Việt Nam ở nước ngoài và những cá nhân người Việt ở trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc, lợi dụng, núp bóng “ngọn cờ dân chủ” chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị – xã hội tại Việt Nam. Một số tổ chức phi chính phủ quốc tế, như Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Ngôi nhà tự do (FH)… thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, bằng việc ra bản phúc trình hằng năm về nhân quyền.
Thứ hai, về nội dung chống phá
Những luận điệu phủ nhận thành quả dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam thường thấy của các thế lực thù địch được thể hiện như sau: “Một đảng lãnh đạo thì mất dân chủ, làm kìm hãm, cản trở sự phát triển thịnh vượng của đất nước”; “Việt Nam không có dân chủ và quyền con người không được bảo đảm”; “Việt Nam không có dân chủ vì thực hiện chế độ nhất nguyên, nhất đảng nên thực hiện cả hai nhiệm vụ: vừa đá bóng, vừa thổi còi, từ đó dẫn đến hiện tượng dân chủ hình thức”; “Việt Nam muốn có dân chủ thực sự thì phải đa đảng”; “Dân chủ đối lập với pháp chế, kỷ cương”… Ngoài ra, để phủ nhận những thành tựu của dân chủ xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch cũng không quên “chĩa mũi giáo” vào nguyên tắc tập trung dân chủ. Bởi, đây là nguyên tắc chủ đạo trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Từ đó, chúng đã ráo riết tung ra các luận điệu xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ, như: nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc sai lầm, sẽ dẫn đến tập trung quan liêu, chuyên chế, bảo thủ, kìm hãm tư duy sáng tạo cũng như tình trạng vô trách nhiệm; dân chủ không thể đi đôi với tập trung; dân chủ chỉ là thứ yếu, hình thức; nhân dân không được phát huy hết trách nhiệm giám sát đối với Đảng, Nhà nước; nhân dân không được phát huy quyền làm chủ; không được thụ hưởng xứng đáng những thành quả lao động làm ra; dân thụ hưởng là hình thức và mị dân… Có thể thấy, những quan điểm này đã bộc lộ dã tâm, mưu đồ đen tối là phủ nhận những thành quả của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Từ đó, tạo tâm lý hoang mang, dao động, hoài nghi trong nhân dân nhằm chèo lái Việt Nam đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa và xóa bỏ, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ ba, về mục đích và tác hại của các luận điệu xuyên tạc
Những luận điệu xuyên tạc thành quả dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam của các thế lực thù địch là một luồng thông tin độc hại đối với tiến trình phát triển của xã hội nước ta. Các thế lực thù địch xác định đây là mảnh đất màu mỡ để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta trong quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam.
Thứ tư, về phương thức lan truyền các luận điệu xuyên tạc
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 về chính sách kinh tế – xã hội, thị trường lao động, hệ thống y tế, quyền con người… Các thế lực thù địch, phản động đã tận dụng môi trường kỹ thuật số, với tốc độ lan truyền nhanh như vũ bão, đưa ra những thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc về dân chủ.
2. Một số luận cứ góp phần phê phán các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả của dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Một là, tư tưởng về dân chủ của nhân loại đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và vận dụng sáng tạo
Thuật ngữ “dân chủ” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, phiên âm theo tiếng Latinh là “demokratia”, được ghép từ hai từ demos (nhân dân) và kratos (quyền lực). Do đó, thuật ngữ “dân chủ” được hiểu là quyền lực của nhân dân hay quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ VII – V trước Công nguyên để chỉ hình thức tổ chức và hoạt động của nhà nước dân chủ chủ nô tại thành bang Aten và một số thành bang khác của quốc gia Hy Lạp cổ đại.
Khi đề cập đến dân chủ, C.Mác đã khẳng định rằng: “Chế độ dân chủ xuất phát từ con người và biến nhà nước thành con người đã khách thể hóa… không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân, mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước… Chế độ này ngày càng hướng tới con người hiện thực, nhân dân hiện thực và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân”(1). V.I.Lênin cũng nhận xét rằng: “Dân chủ là sự thống trị của đa số”(2), nghĩa là quyền lực thuộc về đa số nhân dân chứ không phải của thiểu số.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng dân chủ của nhân loại. Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(3); “bao nhiêu quyền hạn đều của dân… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(4). Trong nhà nước ta, toàn bộ quyền lực đều thuộc về nhân dân. Dân là người có địa vị cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, dân tộc. Trong Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Véc-xây, Người đặc biệt nhấn mạnh: “Bảy xin hiến pháp ban hành, Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”(5). Đây là tư tưởng rất đặc sắc của Hồ Chí Minh, biểu hiện rõ nét nội dung cốt lõi của nhà nước dân chủ mới. Đồng thời, Người đề ra một nhiệm vụ cấp thiết của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là “phải có một hiến pháp dân chủ”.
Tiếp thu những giá trị cốt lõi của dân chủ, đồng thời phát triển và hoàn thiện một cách phù hợp, dân chủ xã hội chủ nghĩa được xem như là mục tiêu, cũng là động lực để xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giá trị cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là công bằng, bình đẳng, bác ái, độc lập, tự do, hạnh phúc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia phải gắn liền với nhau.
Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về dân chủ xã hội chủ nghĩa
Dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được cụ thể hóa trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước qua nhiều kỳ đại hội. Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ IX của Đảng, nhận thức về dân chủ được bổ sung và phát triển hơn: “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”(6). Tiếp đó, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định rằng: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”(7). Trải qua các kỳ đại hội, đặc biệt là Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta vẫn tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và ngày càng mở rộng dân chủ. Có thể thấy, tầm quan trọng của dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được Đảng nhận thức sâu sắc và có bước đột phá so với trước; khẳng định dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Trên cơ sở phát huy tinh thần “lấy dân làm gốc” cùng với sự chuyển tiếp tư duy từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tại Đại hội lần thứ VI của Đảng và tiếp tục phát huy qua các kỳ đại hội, cụm từ “dân giám sát, dân thụ hưởng” được chính thức bổ sung tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Sự bổ sung này không chỉ xuất phát từ quá trình tổng kết thực tiễn sâu sắc, mà còn là bước tiến mới trong việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Xây dựng cơ chế giám sát nhằm góp phần phòng ngừa hiện tượng tham nhũng, tiêu cực của bộ máy nhà nước, chống những hành vi nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch, cửa quyền của một số cán bộ, công chức ở cơ sở, qua đó củng cố uy tín, danh dự của Đảng và Nhà nước, lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Nếu như trong thời kỳ chiến tranh, lợi ích dân tộc được đặt lên hàng đầu, thì khi hòa bình, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề lợi ích giữa Nhà nước, cộng đồng và nhân dân phải được dung hòa. Chính vì lẽ đó, cụm từ “dân thụ hưởng” được bổ sung vào Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. “Dân thụ hưởng” là đích đến cuối cùng, mục tiêu tối thượng của Nhà nước vì dân, luôn nỗ lực quan tâm nâng cao đời sống nhân dân, thể hiện rõ nét qua các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tập trung chăm lo đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách, người yếu thế. Nhân dân được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển. Đây không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và các nguồn lực trong nhân dân trong tiến trình hiện thực hóa các chủ trương, quyết sách của Đảng vào cuộc sống. Phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, giữa các vùng, miền; quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Các thế lực thù địch không am hiểu bản chất của dân chủ nên dẫn đến hệ quả “dân giám sát”, “dân thụ hưởng” là không cần thiết và mị dân. “Mị dân” có thể hiểu khái quát là nịnh dân, lợi dụng dân để củng cố địa vị của giai cấp và thu lợi cho mình. Hay nói cách khác là gieo rắc niềm tin vào bộ phận quần chúng nhân dân về một xã hội không tưởng, gây tác động đến an ninh, chính trị, kinh tế và đời sống xã hội. Tuy nhiên, cơ chế “dân giám sát”, “dân thụ hưởng” ra đời không phải nhằm mục đích như các phần tử xấu vu khống, mà “dân giám sát” và “dân thụ hưởng” hình thành trên cơ sở nền tảng của dân chủ và bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.
Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức và nắm vững nguyên tắc tập trung dân chủ
Tập trung dân chủ là nguyên tắc căn bản, quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng và bộ máy nhà nước. Nguyên tắc này được quy định tại Điều 6, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ là bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của các cơ quan nhà nước ở Trung ương đối với các cơ quan nhà nước ở địa phương, của cấp trên đối với cấp dưới; đồng thời, bảo đảm quyền chủ động sáng tạo và khả năng độc lập nhất định trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các địa phương, cơ sở, của cán bộ, nhân viên trong bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao động trong quản lý nhà nước và các công việc xã hội.
Trong nguyên tắc này, tập trung và dân chủ là hai mặt của một thể thống nhất, có quan hệ biện chứng, bổ trợ với nhau nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng, bộ máy nhà nước cần tránh khuynh hướng tuyệt đối hóa “tập trung” hoặc tuyệt đối hóa “dân chủ”, mà phải kết hợp hài hòa hai yếu tố này. Nếu không sẽ tạo thành mảnh đất màu mỡ để các phần tử xấu lợi dụng chống phá. Bởi vì, nếu tuyệt đối hóa “tập trung” mà xem nhẹ “dân chủ” sẽ tạo cơ hội cho quan liêu, cửa quyền, tham nhũng phát triển cũng như làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ, sáng tạo của cấp dưới, của địa phương và quyền làm chủ của nhân dân lao động. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa quyền tự chủ của cấp dưới, của địa phương, đơn vị cơ sở, mà hạ thấp vai trò chỉ đạo tập trung thống nhất cần thiết của cấp trên, của Trung ương, thủ trưởng thì có thể sẽ dẫn đến các hậu quả, như dân chủ quá trớn, tình trạng tuỳ tiện, vô chính phủ, cục bộ địa phương, làm cho hoạt động của bộ máy nhà nước không phát huy được hiệu lực và hiệu quả.
Thứ tư, dân chủ xã hội chủ nghĩa góp phần bảo đảm sự ổn định và khơi dậy nguồn lực phát triển của đất nước
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nấc thang tiến bộ trong lịch sử xã hội loài người. Giá trị cốt lõi mà dân chủ muốn hướng đến được thể hiện qua việc bảo vệ những quyền cơ bản cho nhân dân lao động: quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Hiến pháp năm 2013 thừa nhận các nguyên tắc bình đẳng và tự do thực hiện quyền trên tất cả các lĩnh vực (chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, ý thức – tư tưởng), đặc biệt là nhân dân có quyền tham gia một cách rộng rãi vào các công việc quản lý nhà nước và xã hội thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
Vị trí và vai trò của nhân dân cũng được đặc biệt chú trọng và nhắc đến trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ… Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(8). Đây là những điểm mới khá toàn diện và sâu sắc mà các văn kiện trước đây chưa từng đề cập về quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được mở rộng và đi vào nề nếp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quyền của nhân dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội được thể hiện thông qua các hoạt động cụ thể, như tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế; quản lý và tự quản xã hội; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hóa; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân.
Điển hình, công tác tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thể hiện đây là một cuộc vận động dân chủ sâu rộng, thiết thực và đạt hiệu quả rất cao. Công tác chuẩn bị Văn kiện Đại hội trải qua nhiều giai đoạn cũng như có sự đổi mới về phương pháp, luôn gắn lý luận với thực tiễn trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi nhằm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Trong hơn 02 năm, các tiểu ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức gần 60 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm và thành lập 50 đoàn đi khảo sát thực tế, làm việc, xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, tham vấn ý kiến các chuyên gia; tổ chức toạ đàm với Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế; tổ chức 02 đoàn đi khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài. Trên cơ sở đó, các văn kiện trình Đại hội được chỉnh sửa 80 lần, với hơn 30 lần dự thảo và được đăng toàn văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân góp ý. Bản tổng hợp góp ý của nhân dân dày hơn 1.400 trang gửi về ban biên tập(9). Điều đó cho thấy, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và thực sự dân chủ. Do vậy, khi nói rằng, Đảng không thăm dò ý kiến của dân và thiếu dân chủ trong lãnh đạo là hoàn toàn vu khống.
Nhìn từ bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa, có thể khẳng định, dân chủ chính là mục tiêu và động lực phát triển đất nước. Muốn thực hiện tốt điều này, Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh việc phải xử lý tốt: “mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”(10). Thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là vấn đề cực kỳ quan trọng, cấp bách, cấp thiết hiện nay cả về lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Dân chủ phải gắn liền với kỷ cương, kỷ luật để pháp luật thật sự đi vào đời sống và trở thành ý thức hệ của nhân dân với tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Thực tiễn đã chứng minh, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, các cấp ủy và chính quyền Việt Nam đã ứng phó bằng việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phòng, chống dịch với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị về thực hiện giãn cách xã hội phù hợp tình hình thực tế của mỗi địa phương nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Tiếp theo đó, Bộ Công thương cũng ban hành các công văn điều chỉnh những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động và lưu thông, nhằm hạn chế di chuyển cũng như bảo đảm thực hiện việc giãn cách. Mặt khác, nếu như không có sự chấp hành nghiêm túc của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cũng dẫn đến đất nước rơi vào trạng thái rối loạn, mất ổn định và là nguyên nhân tiềm tàng làm cho số ca nhiễm ngày càng tăng lên với tốc độ khó kiểm soát. Như vậy, thực tiễn đã minh chứng sắc nét cho sự thống nhất bền chặt giữa “ý Đảng” và “lòng dân”. Dân chủ càng mở rộng thì pháp chế càng được tăng cường, kỷ cương càng được giữ vững. Dân chủ nhằm phát huy trí tuệ của toàn Đảng và thắt chặt đại đoàn kết dân tộc. Đây chính là điều kiện để dân chủ được thực hành rộng rãi và thực chất trong đời sống xã hội.
Thứ năm, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay đa đảng
Hoàn toàn sai lầm khi nhận thức rằng, một đảng lãnh đạo thì đồng nghĩa với mất dân chủ và kém phát triển. Khi xem xét một quốc gia có dân chủ hay không phải căn cứ vào nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Các yếu tố ấy có thể phụ thuộc bản chất của chế độ xã hội đó, bản chất của các đảng cũng như lợi ích xã hội có được bảo đảm hay không. Do đó, dân chủ và trình độ các nước phát triển không tỷ lệ thuận với sự gia tăng về số lượng của các đảng tham gia lãnh đạo. Thực tiễn hiện thực nhiều quốc gia chỉ có một đảng cầm quyền nhưng vẫn bảo đảm dân chủ, đời sống nhân dân vẫn ấm no, hạnh phúc, kinh tế – xã hội ổn định. Trong khi, một số quốc gia có nhiều đảng nhưng vẫn mất dân chủ, tình hình trật tự bị rối loạn. Đó chính là biểu hiện sinh động khẳng định đa đảng không phải là cứu cánh và quyết định bản chất dân chủ của một quốc gia.
Từ những phân tích nêu trên có thể khẳng định: luận điệu phủ nhận những thành quả của dân chủ xã hội chủ nghĩa là hết sức hàm hồ và trơ trẽn. Các phần tử thoái hóa đã cố tình đánh tráo nhiều khái niệm, bản chất của dân chủ để hòng đưa nước ta vào bờ vực nguy hiểm. Đúng như câu nói “Cây muốn lặng, gió chẳng ngừng”, Đảng và Nhà nước ta luôn khát khao có bầu không khí hòa bình để xây dựng một dân tộc Việt Nam cường thịnh, văn minh, nhân dân hạnh phúc như Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh, thế nhưng, các phần tử xấu cố tình tung ra mọi thủ đoạn và không để chúng ta yên. Chúng thường xuyên bóp méo, rêu rao dân chủ bằng nhiều luận điệu hết sức thâm độc để gây sự chia rẽ trong xã hội và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Do đó, để có thể vạch trần những tư tưởng, quan điểm sai trái, chúng ta cần phải cảnh giác với những nhận thức sai lệch, xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin, quán triệt sâu sắc hơn những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó, “xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị – xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”(11)./.
———————————-
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen, Tuyển tập, t.1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.333
(2) V.I.Lênin, Toàn tập, t.36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.294
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.434
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, Sđd, tr.232
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.1, Sđd, tr.473
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.48
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.84-85
(8), (10) và (11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173, 119 và 174
(9)https://tuoitre.vn/toan-van-bao-cao-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-20210126103335381.htm, truy cập ngày 15/3/2022
(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 02/2023)