ThS. PHẠM THỊ THU SƯƠNG(*)

(*) Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Sự đóng góp của quy mô kinh tế số vào GDP Việt Nam ngày càng tăng cho thấy tiềm năng và triển vọng rất lớn của lĩnh vực này. Do đó, việc tham khảo kinh nghiệm phát triển kinh tế số của một số quốc gia châu Á có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách phát triển nền kinh tế số. Bài viết phân tích kinh nghiệm của hai nước ở châu Á có nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ là Trung Quốc và Hàn Quốc; khái quát tình hình phát triển kinh tế số của Việt Nam thời gian qua, từ đó, rút ra giá trị tham khảo đối với phát triển nền kinh tế số Việt Nam.
Từ khóa: kinh tế số; Trung Quốc; Hàn Quốc; Việt Nam

1. Đặt vấn đề
Nền kinh tế số phát triển với tốc độ cấp số nhân, chủ yếu ở các quốc gia đang phát triển. Công nghệ số, điển hình là internet, big data, 5G, trí tuệ nhân tạo, đẩy nhanh quá trình hội nhập sâu rộng với các ngành công nghiệp, đưa thế giới bước vào kỷ nguyên kinh tế số. Nền kinh tế số có thể tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp và tăng việc làm thông qua công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), internet và các phương tiện thông minh khác. Đặc biệt, nền kinh tế số đóng vai trò tích cực trong việc giảm thiểu thiệt hại kinh tế và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 mới nhất do Google, Temasek và Bain & Company vừa phát hành, dự đoán thị trường kinh tế số của Đông Nam Á có thể đạt tới 01 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nền kinh tế số của sáu quốc gia trong khối ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng 6% mỗi năm. Tổng giá trị hàng hóa (GMV) trên nền tảng kinh tế số tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28% so với năm 2021, từ 18 tỷ USD lên 23 tỷ USD. Báo cáo này dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế số tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực, ở mức 31%/năm giai đoạn 2022 – 2025. Do đó, tổng giá trị hàng hóa dự báo kinh tế số Việt Nam sẽ chạm mốc 49 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 120 – 200 tỷ USD vào năm 2030(1). Dự báo này cho thấy, xây dựng nền kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích to lớn về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế số của Việt Nam hiện nay còn một khoảng cách khá lớn so với các quốc gia phát triển có sẵn tiềm lực khoa học công nghệ mạnh. Vì vậy, việc học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia châu Á đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển nền kinh tế số sẽ mang lại những bài học giá trị cho quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số của Việt Nam.
2. Thực tiễn phát triển kinh tế số của một số quốc gia châu Á
– Tại Trung Quốc
+ Về quy mô nền kinh tế số
Những năm gần đây, nền kinh tế số của Trung Quốc đã phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Theo báo cáo của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc công bố vào tháng 4/2023, giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc năm 2022 đạt 6,9 nghìn tỷ USD và chỉ đứng thứ hai trên toàn cầu sau Mỹ(2). Bất chấp đại dịch COVID-19, nền kinh tế số của Trung Quốc vẫn tăng trưởng và đạt được những đột phá mới. Đặc biệt, quy mô nền kinh tế số của đất nước này đã tăng lên gấp đôi từ năm 2016 đến năm 2021 (từ 22,6 nghìn tỷ nhân dân tệ lên 45,5 nghìn tỷ nhân dân tệ)(3). Quy mô nền kinh tế số của Trung Quốc đạt 50,2 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2022 và chiếm 41,5% GDP của Trung Quốc(4).
+Về thương mại điện tử
Trung Quốc có thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới với các giao dịch trị giá 13,8 nghìn tỷ NDT (2,0 nghìn tỷ USD) vào năm 2022(5). Tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc được ước tính lớn hơn tổng giá trị giao dịch ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ cộng lại. Từ 242,02 triệu người mua sắm trực tuyến vào năm 2012 lên 845,29 triệu người mua sắm trực tuyến vào năm 2022 cho thấy sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của thị trường thương mại điện tử Trung Quốc(6).
Nhờ có ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ và sự hỗ trợ của chính phủ, Trung Quốc vẫn là thị trường thương mại điện tử B2B lớn nhất thế giới. Thương mại điện tử B2B xuyên biên giới đã trở thành bộ phận quan trọng trong nền kinh tế B2B của Trung Quốc.Hơn 70% thương mại B2B xuyên biên giới của Trung Quốc tập trung vào xuất khẩu. Hoa Kỳ, Singapore và Nga là những điểm đến hàng đầu của các nhà xuất khẩu B2B Trung Quốc.
Theo eMarketer, các giao dịch bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đã đạt hơn 710 triệu người mua kỹ thuật số và các giao dịch đạt 2,29 nghìn tỷ USD vào năm 2020, với dự báo sẽ đạt 3,56 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Thị trường thương mại điện tử Trung Quốc có các nền tảng thương mại điện tử chiếm ưu thế, thống trị 80% thị trường: Tập đoàn Alibaba (Taobao & Tmall), PinDuoDuo, Xiaohongshu và JD.com(7).
+ Về xây dựng chính phủ điện tử
Năm 2004, Trung Quốc chủ trương thành lập chính phủ điện tử bằng việc phát triển chữ ký điện tử. Các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương thiết lập website riêng, cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho công việc của người dân. Chính phủ điện tử giúp nâng cao hiệu quả của các dịch vụ công thông qua số hóa. Theo chỉ số Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, năm 2022, số hóa dịch vụ công ở Trung Quốc đứng thứ 43/193 quốc gia được khảo sát(8).
+Về hạ tầng số
Trung Quốc dẫn đầu về công nghệ, công nghiệp, mạng và ứng dụng 5G, 6G đang được đẩy mạnh nghiên cứu phát triển. Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc đã xây dựng 2,312 triệu trạm gốc 5G và có 561 triệu người dùng 5G (chiếm hơn 60% tổng số người dùng trên thế giới). Số lượng người dùng thiết bị đầu cuối IoT di động ở Trung Quốc đạt 1,845 tỷ, khiến nước này trở thành quốc gia đầu tiên trong số các nền kinh tế lớn có số lượng kết nối IoT di động vượt qua số lượng người dùng điện thoại di động. Sản lượng dữ liệu của Trung Quốc chiếm 10,5% tổng sản lượng toàn cầu và đứng thứ hai trên thế giới. Năm 2022, tổng vốn đầu tư vào R&D của 100 công ty internet hàng đầu Trung Quốc tính theo giá trị thị trường đạt 338,4 tỷ NDT. Nền tảng dịch vụ chính phủ trực tuyến tích hợp quốc gia của Trung Quốc có hơn 01 tỷ người dùng. Số lượng cư dân mạng Trung Quốc đạt 1,067 tỷ và tỷ lệ truy cập internet đạt 75,6% tổng dân số(9).
+ Về đổi mới sáng tạo
Trung Quốc xếp thứ 11 về Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2022. Trong số các cụm đổi mới khoa học và công nghệ hàng đầu trên thế giới, Thâm Quyến – Hồng Kông – Quảng Châu đứng thứ hai và Bắc Kinh đứng thứ ba.
Đến cuối năm 2021, số lượng bằng sáng chế phát minh hợp lệ trong các ngành công nghiệp cốt lõi của nền kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc đã lên tới 977.000, tăng hơn gấp đôi so với năm 2016 và chiếm 35% tổng số bằng sáng chế hợp lệ của cả nước. Trung Quốc đã nộp hơn 30.000 đơn đăng ký quốc tế để xin cấp bằng sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT), chiếm hơn 1/3 tổng số đơn đăng ký của thế giới. Đặc biệt, có tổng cộng 440.000 đơn xin cấp bằng sáng chế về trí tuệ nhân tạo (AI) đã được Trung Quốc nộp từ năm 2018 đến năm 2021, khiến nước này trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng nộp đơn xin cấp bằng sáng chế(10).
Trung Quốc đã và đang tăng cường khả năng trong R&D số độc quyền và dành những nỗ lực to lớn để thúc đẩy công nghiệp hóa số. Theo báo cáo 06 tháng đầu năm 2022 về Chỉ số kỳ lân toàn cầu do Viện nghiên cứu Hurun công bố, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới sau Mỹ với 316 kỳ lân, hầu hết thuộc lĩnh vực AI, thương mại điện tử và các ngành công nghiệp bán dẫn(11).
Tóm lại, những thành tựu của nền kinh tế số Trung Quốc đạt được là do nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các chính sách của Chính phủ Trung Quốc.
Một là, Trung Quốc ưu tiên nền kinh tế số làm động lực tăng trưởng kinh tế hàng đầu trong những thập kỷ tới và nhấn mạnh dữ liệu là yếu tố sản xuất mới, cùng với đất đai, lao động, vốn và công nghệ.
Hai là, chính sách kinh tế số của Trung Quốc tập trung vào cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bao gồm mạng 5G, đường sắt cao tốc liên thành phố, trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu và internet vạn vật; tăng cường an ninh mạng, ban hành luật và quy định để loại bỏ các mối nguy tiềm ẩn về an ninh mạng để đảm bảo nền kinh tế số hoạt động ổn định.
Ba là, thúc đẩy tích hợp sâu rộng công nghệ số trong các ngành và tổ chức truyền thống là một phần quan trọng trong chính sách kinh tế số của Trung Quốc. Số hóa sản xuất và nông nghiệp, chính phủ số và thành phố thông minh là ưu tiên trong các chính sách kinh tế số của chính phủ.
Bốn là, Trung Quốc tích cực tham gia hợp tác toàn cầu về kinh tế số, đặc biệt với ASEAN, châu Phi và một số nước châu Âu.
Năm là, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và các dự án hướng tới số hóa nhằm khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.
– Tại Hàn Quốc
Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về Chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) toàn cầu, nơi tập trung các công ty điện tử và công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, như Samsung, LG, SK và KT. Tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đạt được chủ yếu nhờ công nghệ số. Hàn Quốc có tốc độ internet nhanh nhất thế giới và đang trong cuộc đua giành vị trí dẫn đầu với 5G. Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về sử dụng internet, gần như mọi hộ gia đình đều trực tuyến. Đây là lý do Hàn Quốc được xếp hạng trong nhómj 03 về Chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) toàn cầu (IDI) của ITU trong 05 năm qua. Ngoài ra, quốc gia này đứng đầu trong Chỉ số Bloomberg về “Các nền kinh tế sáng tạo nhất”.
+Về thương mại điện tử
Thương mại điện tử là một thành phần quan trọng của thị trường tiêu dùng tổng thể ở Hàn Quốc, quốc gia có 99,7% hộ gia đình truy cập internet thông qua PC, thiết bị di động hoặc thiết bị khác (OECD, năm 2020). Mua hàng trực tuyến trong nước, năm 2020 đạt 135,1 tỷ USD đến năm 2021 tăng lên 168,5 tỷ USD. Trong khi mua hàng trên PC tăng từ 43,4 tỷ USD năm 2020 lên 47,8 tỷ USD năm 2021, thì mua hàng trên thiết bị di động đã tăng từ 91,8 tỷ USD năm 2020 lên 120,7 tỷ USD năm 2021. Thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới tại Hàn Quốc không ngừng tăng trưởng, từ 2,0 tỷ USD năm 2017 lên 4,5 tỷ USD năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 23%(12). Các nhà bán lẻ trực tuyến đa thương hiệu như Amazon.com và eBay là những trang mua sắm trực tuyến nước ngoài được người Hàn Quốc sử dụng thường xuyên nhất.
+ Về xây dựng chính phủ điện tử
Những nỗ lực đầu tiên trong việc xây dựng chính phủ điện tử được thực hiện vào cuối những năm 1980 với việc triển khai dự án Hệ thống thông tin cơ bản quốc gia (NBIS), trong đó, tập trung triển khai các ứng dụng điện tử công nghệ thông tin trên toàn quốc. Các sáng kiến chính phủ điện tử của Hàn Quốc tập trung vào 03 lĩnh vực dịch vụ chính: (1) Chính phủ vì công dân (G4C); (2) Chính phủ với doanh nghiệp (G2B); (3) Chính phủ với Chính phủ (Dịch vụ liên chính phủ – G2G). Hệ thống chính phủ điện tử ưu việt của Hàn Quốc là hình mẫu để nhiều quốc gia khác tham khảo và học hỏi. Từ năm 2010, Hàn Quốc đã ký các hợp đồng trị giá lên tới 73 triệu USD với Indonesia, Sri Lanka và một số nước đang phát triển khác để xuất khẩu bí quyết và công nghệ xây dựng hệ thống chính phủ điện tử(13).
+Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số
Tháng 4/2019, Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ mạng 5G thương mại trên toàn quốc. Nhờ mạng 5G, Hàn Quốc đứng thứ hai thế giới về tốc độ kết nối di động theo Speedtest Global Index vào tháng 8/2021. Tính đến tháng 12/2021, quốc gia này có hơn 20 triệu thuê bao 5G; 49,75 triệu người sử dụng internet; 45,79 triệu người dùng mạng xã hội; 60,67 triệu kết nối di động tại Hàn Quốc vào tháng 01/2021. Số lượng kết nối di động tại Hàn Quốc tương đương với 118,3% tổng dân số(14).
+Về thanh toán trực tuyến
Với sự phát triển không ngừng của mua sắm trực tuyến, các dịch vụ thanh toán điện tử qua PC và di động ngày càng gia tăng. Đối với dịch vụ Cổng thanh toán (PG) dựa trên thẻ tín dụng, mức sử dụng trung bình hằng ngày đã vượt quá 21 triệu và số tiền thanh toán trung bình hằng ngày đạt 790 triệu USD vào năm 2021. Ngoài ra, dịch vụ thanh toán di động và ví kỹ thuật số đang thu hút nhiều người dùng hơn. Theo khảo sát của Economist, những người được hỏi đã chọn Kakao Pay (78,8%), Naver Pay (72,2%) và Toss (59,3%) là hệ thống thanh toán kỹ thuật số được sử dụng thường xuyên và tốt nhất. Năm 2021, trung bình 14,5 triệu giao dịch mỗi ngày được thực hiện bằng dịch vụ thanh toán kỹ thuật số và doanh thu hằng ngày lên tới 392 triệu USD tại Hàn Quốc(15).
Thành công của Hàn Quốc trong phát triển nền kinh tế số là nhờ các yếu tố sau:
Thứ nhất, Chính phủ Hàn Quốc có chính sách đúng thời điểm và triển khai nhanh chóng; có cam kết chính trị mạnh mẽ và bền vững đối với việc tin học hóa và phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông từ cấp cao nhất trong chính phủ.
Thứ hai, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ về mọi mặt từ hành lang pháp lý, quy định thúc đẩy tiêu dùng trực tuyến nhằm hỗ trợ vốn đầu tư cho doanh nghiệp; duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích đổi mới, sáng tạo.
Thứ ba, đặc trưng văn hóa Hàn Quốc coi trọng đạo đức và tính kiên trì. Một khi đã đặt mục tiêu phát triển công nghệ, người Hàn Quốc sẽ không lùi bước. Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực quảng bá internet như một công cụ cho giáo dục và tiến bộ, tập trung kết nối giáo dục với internet và coi đây là phương thức hữu ích để phát triển tư duy trong thế kỷ XXI.
Thứ tư, Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy triển khai các quy hoạch tổng thể về công nghệ thông tin thông qua Quỹ Xúc tiến công nghệ thông tin được thành lập năm 1996. Quỹ này được hình thành từ sự đóng góp của ngân sách Chính phủ, các nhà khai thác dịch vụ viễn thông và đấu giá tần số vô tuyến, cũng như cổ tức từ Korea Telecom. Chính phủ đã đầu tư tối thiểu từ 0,7 tỷ USD đến tối đa 1,5 tỷ USD hằng năm cho R&D công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, tiêu chuẩn hóa, tạo môi trường R&D và cho vay các dự án công nghệ thông tin(16).
Thứ năm, ban hành cơ chế tài trợ độc đáo để các kế hoạch tổng thể về công nghệ thông tin và truyền thông hoạt động một cách bền vững và có tính phối hợp; cung cấp nguồn tài trợ bền vững để phát triển các sản phẩm, dịch vụ và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên cả nước.
Thứ sáu, đẩy mạnh các chương trình đào tạo về tin học hóa đại chúng nhằm thu hẹp khoảng cách số, thúc đẩy nhu cầu tự duy trì của một bộ phận lớn dân chúng.
3. Giá trị tham khảo trong phát triển kinh tế số đối với Việt Nam
– Tình hình phát triển kinh tế số ở Việt Nam thời gian qua
Việt Nam hiện là nước có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2022” của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép từ năm 2019 đến năm 2021 khoảng 15%, năm 2021-2022 là 28%(17). Sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề đã góp phần làm tăng GDP, bao gồm thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, du lịch, công nghiệp và nông nghiệp, trong đó, thương mại điện tử đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Thương mại điện tử đã tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế số ở Việt Nam. Trong thời gian qua thị trường thương mại điện tử nước ta đạt nhiều kết quả ấn tượng: năm 2015, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2018, đạt mức 8,06 tỷ USD; năm 2019, vượt mốc 10 tỷ USD; năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD; năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD; năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới(18). Việt Nam có khoảng 51 triệu khách hàng sử dụng mua sắm trực tuyến, chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện 75% người Việt đã dùng internet. Trong số đó, có 74,8% mua sắm trực tuyến và có đến 91% người dùng điện thoại di động để đặt hàng trực tuyến(19). Tỷ lệ người mua hàng trực tuyến trên website và sàn giao dịch thương mại điện tử chiếm tỷ lệ cao nhất.
Những năm qua, Việt Nam đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, nhiều văn bản đã được ban hành tạo nền tảng và động lực để kinh tế số phát triển. Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm “mục tiêu kép” vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực toàn cầu và Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cho thấy nhiệm vụ phát triển kinh tế số được Chính phủ Việt Nam đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.
Bên cạnh những thành công đạt được, phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, môi trường pháp lý và thể chế cho phát triển kinh tế số chưa hoàn thiện; thiếu quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quản lý dữ liệu xuyên biên giới; thiếu công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh và bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trên không gian mạng. Công tác quản lý, thu thuế đối với hoạt động thương mại trực tuyến chưa hiệu quả; quyền lợi của người lao động và người tiêu dùng thông qua thế giới trực tuyến chưa được bảo đảm; chưa có chế tài cụ thể quy định việc xử lý, giải quyết tranh chấp, xung đột lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh, thương mại, dân sự trên môi trường số.
Thứ hai, chuyển đổi số ở mọi cấp độ, các ngành, địa phương và doanh nghiệp còn chậm. Giai đoạn 2007 – 2021, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng nhưng tốc độ rất chậm so với giai đoạn trước. Năm 2022, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu cao nhất trong số các nước đang phát triển, xếp thứ 48/132 quốc gia và nền kinh tế, giữ vị trí thứ 04 tại Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7), Malaysia (thứ 36) và Thái Lan (thứ 43). Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu có cải thiện nhưng chỉ số “Sản phẩm tri thức và công nghệ” bị đánh giá giảm liên tục từ năm 2020 đến năm 2022(20).
Thứ ba, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối dữ liệu gặp nhiều khó khăn. Tốc độ hạ tầng internet của Việt Nam chậm so với nhiều nước tương đương. Chất lượng truy cập chưa đồng đều do tín hiệu 3G/4G21 đến các hộ nghèo ở miền núi còn yếu, từ đó hạn chế lợi ích mà dịch vụ số và tiền di động mang lại. Số hộ nông thôn sở hữu máy tính thấp hơn nhiều so với thành thị, số hộ nghèo sở hữu máy tính thấp do chi phí cao…(21)
Thứ tư, tỷ trọng thanh toán điện tử trong giao dịch còn thấp; khả năng tiếp cận tài chính đặc biệt hạn chế ở khu vực nông thôn. Theo báo cáo của công ty xử lý thanh toán và ngân hàng FIS có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong số giá trị giao dịch trực tiếp của khu vực vào năm 2022, tỷ trọng giao dịch tiền mặt ở Thái Lan cao nhất ở mức 56%, tiếp theo là Nhật Bản với 51% và Việt Nam là 47%(22).
Thứ năm, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thứ sáu, vấn đề đảm bảo an ninh mạng, an ninh thông tin, bảo mật tài chính, dữ liệu cho các chủ thể tham gia nền kinh tế số hiện nay đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2021, Việt Nam nằm trong top 03 quốc gia xảy ra nhiều vụ tấn công mạng nhất thế giới với tổng số 70,7 triệu máy tính bị virus tấn công, gây thiệt hại khoảng 24.400 tỷ đồng; Hơn 1,8 triệu máy tính bị mất dữ liệu do lây lan ransomware, ảnh hưởng tiêu cực, làm gián đoạn hoạt động của nhiều cơ quan, doanh nghiệp(23).
– Giá trị tham khảo về phát triển kinh tế số đối với Việt Nam
Để hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đến năm 2025 nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh. Vì vậy, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm phát triển kinh tế số của Trung Quốc và Hàn Quốc để bắt kịp với xu thế của khu vực và thế giới là thiết thực và rất hữu ích đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể:
Một là, nâng cao nhận thức về kinh tế số ở mọi cấp độ, các ngành, doanh nghiệp và người dân thông qua các cơ quan, doanh nghiệp và trường học. Cơ quan báo chí, truyền thông cần định hướng dư luận, giúp doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội nhận thức đúng về nền kinh tế số, tạo sự chuẩn bị tốt nhất để thích ứng xu hướng phát triển này.
Hai là, Chính phủ cần ưu tiên phát triển kinh tế số làm động lực tăng trưởng kinh tế; xây dựng nền tảng, thể chế mô hình kinh doanh kinh tế số, bao gồm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật cho các ngành có nhiều mô hình kinh doanh mới, như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng… Trên cơ sở nền tảng viễn thông mạnh tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu khác, song song với phát triển các công nghệ đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên không gian mạng.
Ba là, Chính phủ cần tạo không gian thử nghiệm cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là SEMS, tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bốn là, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số cũng như các giải pháp công nghệ số hiện đại để triển khai các ứng dụng số kết nối thông minh, đẩy nhanh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hoàn thiện chính phủ điện tử… Nâng cấp hạ tầng số, chính phủ và các doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện các phương án triển khai dịch vụ 5G để theo kịp xu hướng thế giới.
Năm là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực để hình thành đội ngũ chuyên trách về thương mại điện tử, an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông… ; đẩy mạnh chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là cập nhật giáo trình đào tạo công nghệ thông tin gắn với các xu thế công nghệ mới, như internet kết nối vạn vật (IoT), AI, công nghệ robot, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này càng sớm càng tốt, đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin./.

———————————————

(1) và (17) Google, Temasek và Bain & Company, E-conomy sea 2022 report, Through the waves, towards a sea of opportunity, tr.83-85 và 122.
(2) https://www.scmp.com/economy/economic-indicators/article/3231926/chinas-digital-economy-major-driver-2022-growth-beijing-pledges-seize-opportunity
(3) và (4) China Academy of Information and Communications Technology (CAICT), White Paper on Global Digital Economy, http://www.caict.ac.cn, tháng 02/2022
(5) Banking (2023), China continues to lead global e-Commerce market with expected $2.2 trillion sales in 2023, says GlobalData, https://www.globaldata.com/
(6) Yihan Ma (2023), Number of online shoppers in China from 2012 to the first half of 2023, https://www.statista.com/
(7), (12) và (15) https://www.trade.gov/country-commercial-guides/china-ecommerce
(8) UN E-Government Survey 2022, https://publicadministration.un.org/
(9) The Cyberspace Administration of China, The Digital China Development Report 2022, 6th Digital China Summit https://www.businesswire.com, 27/4/2022.
(10)https://research.hktdc.com/en/article/MTI4OTE5MTYwMg
(11) Global Unicorn Index 2023, https://www.hurun.net/en-US/Info/Detail?num=3OEJNGKGFPDS
(13) và (16) Dongcheol Kim (2009), Korean Experience of Overcoming Economic Crisis through ICT Development, UNESCAP Technical Paper, tr.11
(14)https://datareportal.com/reports/digital-2023-south-korea?rq=china
(18)https://vtv.vn/kinh-te/thuong-mai-dien-tu-xep-thu-5-the-gioi-ve-toc-do-tang-truong-2023010210114727.htm
(19) và (22) https://ictvietnam.vn/viet-nam-thai-lan-va-nhat-ban-co-ty-le-giao-dich-tien-mat-cao-nhat-chau-a-57032.html
(20) WIPO, Global Innovation Index 2022
(21) Ngân hàng Thế giới, Việt Nam số hóa: con đường đến tương lai, 2021, tr.47
(23) Thanh Bình, ThS. Vũ Nhật Quang, Giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong bối cảnh COVID-19, 2022, https://tapchinganhang.gov.vn/

(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 08_2023)