TS. LƯU THÚY HỒNG(*)
TS. BÙI KIM THANH(**)

(*) Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(**) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn đề cao vai trò, vị trí của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xác định báo chí là một trong bốn hệ thống giám sát hiệu quả đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh, trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; theo đó, cần tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Từ khóa: báo chí cách mạng; xây dựng; chỉnh đốn Đảng; cơ quan báo chí

1. Vai trò của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Báo chí là một loại hình phương tiện truyền thông, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với các chức năng cơ bản: thông tin – giao tiếp; tư tưởng; giám sát, phản biện; văn hóa, giáo dục và giải trí; kinh tế – dịch vụ xã hội… Ở góc độ chính trị, báo chí được tiếp cận và lý giải với vai trò là phương tiện, phương thức giao tiếp, liên kết, kết nối, giám sát và phản biện nhằm mục đích đem lại ích lợi cho xã hội. Từ khi mới ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam đã công khai thừa nhận tính giai cấp, tính Đảng, tính chính trị.
Trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 06 điểm chính của báo chí cách mạng: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung”(1); “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng… Đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta”(2); “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”(3). Trong Sắc lệnh số 282/SL ngày 14/12/1956 về việc Quy định chế độ báo chí, Người khẳng định đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặt khác, quy định báo chí phải tuân thủ pháp luật để bảo đảm quyền tự do ngôn luận được sử dụng một cách đúng đắn. Tự do báo chí gắn với pháp luật, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân trong xã hội.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), Đảng, Nhà nước đã quán triệt và cụ thể hóa nhiều luận điểm có tính nguyên tắc bằng những nghị quyết, chỉ thị và các luật về báo chí: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị – xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí”(4). Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01/8/2007, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí khẳng định: báo chí là một trong ba bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong hoạt động tư tưởng của Ðảng, “đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng”(5). Đây là quan điểm xuyên suốt, chi phối mọi hoạt động của báo chí cách mạng Việt Nam. Thực tế cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua đã chứng minh với sự lãnh đạo của Đảng, báo chí Việt Nam có những đóng góp rất to lớn, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
– Thực hiện vai trò thông tin – tư tưởng, báo chí tuyên truyền chính xác, đúng định hướng những nội dung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo sự ủng hộ, đồng thuận góp phần triển khai sâu rộng, hiệu quả, đồng bộ các nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách; đồng thời, tạo diễn đàn phản ánh kịp thời những ý kiến/vấn đề từ thực tiễn cuộc sống, góp phần quan trọng phát huy dân chủ, nâng cao dân trí, tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng, thực thi đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Thời gian qua, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương luôn chú trọng tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từ khâu tổ chức, đến xác định nội dung tuyên truyền, phương thức thể hiện, theo dõi hiệu quả tác động của báo chí. Bám sát chức năng xã hội và nhiệm vụ chính trị của báo chí, với góc nhìn đa chiều, các tác phẩm báo chí thường xuyên tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mặc dù đây là một lĩnh vực khó, không chỉ ở nội dung mà cả hình thức chuyển tải. Trên tất cả loại hình báo chí luôn có nhiều loạt bài có chất lượng về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới,… Đề cập trực diện, phong phú một số vấn đề có tính thời sự như: đổi mới công tác đánh giá cán bộ; vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; phòng chống tham nhũng; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ; cách lựa chọn người có đức, có tài; những mô hình mới thực hiện thí điểm cần tổng kết nhân rộng… Nhiều tác phẩm báo chí thực sự là “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân. Thông qua đó, Đảng tìm thấy sức mạnh để hành động dũng cảm và hợp lòng người nhất, sàng lọc những phần tử cơ hội, tham nhũng, thoái hóa, biến chất… làm cho cơ thể Đảng trong sạch và vững mạnh. Đồng thời, quần chúng nhân dân có được những thông tin chính thống, được thấy những “thông tin phản hồi” để biết Đảng, Nhà nước tiếp nhận những kiến nghị đến đâu và sửa chữa như thế nào? Từ đó, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng được củng cố và ngày càng nâng cao.
Dấu ấn nổi bật thể hiện rõ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng của báo chí, truyền thông là sự vào cuộc tích cực thực hiện các tuyến tin bài chuyên sâu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đi đầu đấu tranh trực diện phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách sắc bén, hiệu lực, hiệu quả. Tiêu biểu như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Tuyên giáo, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí ngành, địa phương… kịp thời tổ chức các chuyên mục, tin bài đấu tranh vạch rõ âm mưu, luận điệu sai trái của thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, giúp bạn đọc nhận diện hành vi đi ngược quá trình phát triển đất nước; vạch trần thủ đoạn đen tối của các tổ chức, cá nhân chống phá.
– Thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí. Những năm qua, cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân, báo chí đã thực hiện khá tốt chức năng này, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp phần đáng kể tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) khóa VIII (tháng 02/1999), khẳng định, báo chí và truyền thông đại chúng là một trong bốn hệ thống giám sát xã hội. Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng chính thức đề cập vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội của báo chí: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước…”(6). Đây là bước phát triển quan trọng về lý luận, nhận thức của Đảng về vai trò xã hội của báo chí và truyền thông đại chúng.
Trong vai trò giám sát và phản biện xã hội, báo chí không chỉ thông tin, tổng hợp, mà còn thể hiện chính kiến, quan điểm đối với các vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội; tạo diễn đàn phản ánh ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách, qua đó giúp Đảng và Nhà nước có thêm cơ sở dữ liệu, cái nhìn toàn diện, đa chiều hơn trong xây dựng, hoạch định chính sách phù hợp với thực tiễn đời sống, với lợi ích chính đáng của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Những năm qua, báo chí đã đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Điển hình như vụ việc nâng khống máy xét nghiệm COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội gần đây, từ thông tin phản ánh của báo chí, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và khởi tố các đối tượng sai phạm; đồng thời tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra việc mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 trên toàn quốc. Báo chí cũng đã phản ánh, phân tích rút ra các bài học kinh nghiệm, nhất là về vai trò của cấp ủy, về công tác cán bộ trong từng vụ việc cụ thể, như sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia, một số tỉnh ủy, thành ủy: Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… Thực tiễn cho thấy, phản biện mang tính khoa học của báo chí là kênh quan trọng giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân.
2. Những vấn đề đặt ra
Thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua cho thấy việc phát huy vai trò báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa được như kỳ vọng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kết luận số 23-KL/TW ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đều khẳng định, việc phát huy vai trò của báo chí, các cơ quan truyền thông trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và còn nhiều bất cập, hạn chế.
Thứ nhất, các tác phẩm báo chí chưa phản ánh sinh động, sát thực tiễn, tính định hướng chính trị còn mờ nhạt. Hàm lượng thông tin mới dừng ở mức nêu vấn đề, chưa đi sâu khai thác được những khía cạnh nội tại, thiếu tính gợi mở, dự báo. Các bài viết đấu tranh phản bác tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn ít và chưa thuyết phục. Mặc dù, trong những năm qua, việc tổ chức thành công giải Búa liềm vàng (giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng), đã tạo sân chơi, động lực quan trọng để nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền và phát huy hiệu quả vai trò của báo chí trong lĩnh vực công tác này. Tuy nhiên, đối với mảng đề tài vốn được cho là khó này, để có những tác phẩm báo chí thuyết phục, mang “hơi thở cuộc sống” đòi hỏi đội ngũ phóng viên, nhà báo phải là những người có kiến thức, kinh nghiệm và tâm huyết. Tuy nhiên, hệ thống báo chí có thời điểm chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch; các tuyến bài, dòng thông tin mỏng, yếu, trùng lắp, thiếu tính hệ thống, tính trường kỳ.
Thứ hai, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – kĩ thuật và công nghệ, quá trình toàn cầu hóa báo chí với nhiều xu hướng mới, như báo chí công dân, báo chí đa phương tiện, thương mại hóa báo chí… đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đối với báo chí Việt Nam hiện nay. Rõ ràng, sự phát triển của báo chí công dân đã góp phần đa dạng thông tin, khuyến khích phản biện xã hội và sự tham gia tích cực của công chúng vào đời sống báo chí, đời sống xã hội, cạnh tranh trực tiếp với báo chí chính thống. Những quan điểm, góc tiếp cận của công chúng trở nên khách quan, chân thực, phản ánh sát nhu cầu, nhận thức xã hội về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà không bị ép buộc, lệ thuộc vào sức ép nào. Tuy nhiên, xu hướng báo chí công dân còn thiếu cơ chế chặt chẽ về trách nhiệm thông tin, về khả năng nhận thức của công chúng khi tham gia vào hoạt động báo chí để bảo đảm định hướng chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, mà không bị ảnh hưởng bởi những thông tin thiếu chính xác hay bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng.
Thứ ba, sự xuất hiện của báo chí đa phương tiện với nhiều hình thức mới như podcast (các bài báo âm thanh), mega story (siêu tác phẩm báo chí), long-form (tác phẩm báo chí dài, sâu được thiết kế như một bìa tạp chí điện tử), infographics (thông tin đồ họa), videography (clip đồ họa), rap news (bản tin bằng nhạc rap)… dù giúp đa dạng hóa và làm “mềm hóa” việc truyền tải các tác phẩm báo chí về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng cũng đặt ra các vấn đề về xác định công chúng báo chí mục tiêu, về năng lực và trình độ của đội ngũ người làm báo trong việc nắm bắt và vận dụng các hình thức, phương tiện phù hợp để nâng cao hiệu quả của tác phẩm báo chí. Đặc biệt, khuynh hướng “thương mại hóa” hoặc để tư nhân đứng sau thao túng có xu hướng gia tăng trong bối cảnh áp lực cạnh tranh, “chạy đua”, giành giật thông tin và công chúng đã làm cho không ít cơ quan báo chí bị đồng tiền chi phối nội dung thông tin, ảnh hưởng lớn đến phát huy vai trò thông tin – tư tưởng, giám sát, phản biện xã hội của báo chí trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Thứ tư, cùng với sự phát triển và đổi mới không ngừng của báo chí thế giới, báo chí Việt Nam đã dành không ít “đất” cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng công tác quản lý báo chí gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến hiệu quả chưa cao, thậm chí có sản phẩm báo chí sai định hướng chính trị, tư tưởng, gây ảnh hưởng xấu tới đời sống xã hội, vi phạm chỉ đạo, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm suy giảm uy tín, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với báo chí.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí không thực hiện nghiêm công tác xây dựng Đảng, coi nhẹ sinh hoạt chính trị, tư tưởng, chưa chấp hành tốt chế độ sinh hoạt đảng. Vai trò của tổ chức đảng trong một số cơ quan báo chí mờ nhạt, cán bộ, đảng viên chưa thật sự giữ vai trò tiên phong, gương mẫu. Trách nhiệm chính trị, tính chiến đấu của một số đảng viên và người đứng đầu cơ quan báo chí chưa được đề cao. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có dấu hiệu gia tăng ngay trong đội ngũ những người làm báo. Một số tòa soạn báo xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu nhạy cảm chính trị, đưa quá nhiều thông tin tiêu cực, giật gân câu khách, không thực hiện đúng chỉ đạo định hướng thông tin; phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp… Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm 2018 đến năm 2020 “đã ban hành 56 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,256 tỷ đồng, trong đó tước quyền sử dụng có thời hạn đối với 3 cơ quan báo chí; thu hồi 10 thẻ nhà báo do có sai phạm, thông tin sai sự thật và thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động báo chí”(7).
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện
Hiện nay, để báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, để nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giải quyết những thách thức đang đặt ra cho nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay, cần đặc biệt làm tốt công tác cán bộ trong các cơ quan báo chí. Người làm báo chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ quản lý công tác báo chí, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, quần chúng nhân dân đều phải am hiểu sâu sắc về sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, các lĩnh vực của đời sống xã hội, có đam mê dấn thân vì lý tưởng cao cả, sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phải chủ động học tập lý luận chính trị, nghiên cứu các nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại để áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác.
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí trong hoạt động tác nghiệp của đơn vị, bảo đảm nền nếp sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy; kết hợp chặt chẽ công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, quần chúng với công tác kiểm tra, giám sát đảng viên trong các cơ quan báo chí. Bố trí cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí bảo đảm các tiêu chuẩn về đạo đức có bản lĩnh chính trị, am hiểu về báo chí, có kinh nghiệm công tác Đảng, kiên quyết đưa những người không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi cơ quan báo chí… Đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhà báo khai thác các chủ đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần xây dựng những tiêu chuẩn, tiêu chí đặc biệt có bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ. Để làm được điều đó cần tăng cường quan tâm, đầu tư công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ những người làm báo, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về báo chí; quy định hệ thống tiêu chuẩn chức danh, nghiệp vụ phù hợp với thực tiễn báo chí hiện nay, có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ba là, đổi mới, tinh gọn hệ thống các cơ quan báo chí. Đến cuối năm 2020, đã có 61/78 cơ quan, tổ chức, địa phương hoàn thành thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Nhiều cơ quan báo chí phát triển theo hướng báo chí hiện đại, xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, có khả năng phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều loại hình, đăng tải phát sóng trên đa nền tảng công nghệ… Tuy nhiên, theo thống kê, số lượng các cơ quan báo chí vẫn còn nhiều, chưa tinh gọn. Năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người(8). Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, công tác sắp xếp kiện toàn hoạt động cơ quan báo chí đảm bảo tiến độ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng xu thế hội tụ trên nền tảng công nghệ nhằm tăng cường sức mạnh của cơ quan báo chí đa phương tiện; khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí thời gian qua.
Bốn là, các cơ quan báo chí cần bám sát, tiếp tục phát huy hiệu quả chức năng tư tưởng; định hướng; giáo dục; quản lý, giám sát xã hội; thông tin. Thay đổi mạnh mẽ tư duy làm báo phù hợp với các xu hướng mới của báo chí hiện đại, yêu cầu đổi mới, hội nhập của đất nước và nhiệm vụ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Trên cơ sở đó, sắp xếp, thay đổi cấu trúc các ấn phẩm, cải tiến cách thông tin phù hợp mục đích, đối tượng; nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh, đẩy mạnh chất lượng và hiệu quả nội dung thông tin về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với các chuyên đề, định hướng tuyến bài mang tính sáng tạo, hấp dẫn và kịp thời. Cập nhật và làm chủ các thiết bị, công nghệ và phương thức làm báo hiện đại theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí – truyền thông đa phương tiện. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí, phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo của mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo để góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí. Tiếp tục đổi mới quan điểm, phương thức lãnh đạo sát hợp với đặc thù của báo chí và tình hình thực tiễn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với báo chí. Khẩn trương rà soát, nhận thức rõ hơn những hạn chế trong công tác quản lý báo chí hiện nay để kịp thời khắc phục, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, chế tài quản lý báo chí. Tập trung nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo chí; tăng cường xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí để kịp thời điều chỉnh những vướng mắc, phát sinh trong tình hình mới; xây dựng chế tài tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản và từng cơ quan báo chí; các quy chế về phối hợp chỉ đạo, định hướng báo chí của các cơ quan chức năng; tạo điều kiện cho các hoạt động báo chí diễn ra thuận lợi trên tinh thần tự do, dân chủ, sáng tạo. Trong bối cảnh hiện nay, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mỗi nhà báo. Xử lý nghiêm những trường hợp đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, xâm phạm và làm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, uy tín, hình ảnh của Đảng, của các cơ quan, đoàn thể. Tiếp tục đầu tư xây dựng một số đơn vị báo chí chủ lực, giữ vai trò định hướng dư luận xã hội, đủ năng lực vươn ra thế giới.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, báo chí có vai trò không nhỏ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do đó, để phát huy hiệu quả vai trò của báo chí trong đời sống chính trị nói chung, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng, cần nhận thức thấu đáo, đầy đủ, sâu sắc những vấn đề đặt ra đối với vai trò của báo chí, từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ, khả thi để giúp cho báo chí thực sự trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng./.

——————————————

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.102
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.13, Sđd, tr.463-464
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.13, Sđd, tr.466
(4) Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01/8/2007, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới
(5)https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-x/nghi-quyet-so-16-nqtw-ngay-0182007-hoi-nghi-lan-thu-nam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-x-ve-cong-tac-tu-tuong-ly-606
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 225.
(7) Báo cáo tổng hợp việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, 7, 8 Quốc hội khóa XIV (Báo cáo số 216/BC-CP ngày 14/5/2020), Hà Nội, tr.78-79
(8) Infographics, Số liệu về các cơ quan báo chí Việt Nam năm 2022 | Truyền thông | Vietnam+ (VietnamPlus), ngày 26/12/2022

(Tạp chí Khoa học chính trị số 05_2023)