ThS. NGUYỄN THỊ XUÂN(*)

(*) Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả nhấn mạnh vị trí, vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer; đồng thời, chỉ ra những ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông Khmer trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực của Phật giáo Nam tông Khmer trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ.
Từ khóa: Đời sống tinh thần; Phật giáo Nam tông Khmer; Tây Nam Bộ

1. Vị trí, vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ
Đời sống tinh thần của cộng đồng Khmer ở Tây Nam Bộ phong phú, đa dạng gắn với sinh hoạt cộng đồng và rất nhiều lễ hội, trong đó Phật giáo Nam tông Khmer có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần. Phật giáo Nam tông Khmer vốn là tôn giáo truyền thống có tính biệt truyền trong cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ và được đa số đồng bào Khmer tin theo. “Ở vùng đất Tây Nam Bộ, Phật giáo Nam tông có sự phát triển mạnh với 446 ngôi chùa với khoảng 9.000 vị sư và khoảng 1,2 triệu tín đồ, trong khi đó tổng dân số Khmer chỉ vào khoảng 1,2 triệu người, cho nên tôn giáo này chiếm gần như hầu hết dân số trong cộng đồng người Khmer”(1). Trong cộng đồng người Khmer, hầu như mọi sinh hoạt của gia đình, cộng đồng phum, sóc đều đều dựa trên triết lý của Phật giáo Nam tông Khmer. Các sự kiện mang ý nghĩa vòng đời của mỗi con người Khmer từ khi sinh ra, lớn lên, đi tu, cưới vợ, lấy chồng và mất đi đều được tổ chức theo tập tục riêng và mang đậm dấu ấn của Phật giáo Nam tông Khmer. Người Khmer dù tu ở nhà hay ở chùa đều tự nhận mình là con của Phật. Trong cộng đồng người Khmer, các nhà sư có vai trò rất quan trọng đối với đồng bào Khmer. Mọi sinh hoạt, nghi lễ, lễ hội cộng đồng đều có sự tham gia của các nhà sư và các thành viên trong cộng đồng đều tôn thờ Đức Phật, kính trọng nhà sư. Đức Phật là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là đấng thiêng liêng nhất, nhà sư là người thay Đức Phật để hoằng hóa độ chúng sinh.
Phật giáo Nam tông có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer nên hầu hết mỗi phum, sóc đều xây dựng một ngôi chùa trên những khuôn đất cao, thoáng, ở vị trí trung tâm và là niềm tự hào của mỗi con dân trong phum, sóc. Mỗi người Khmer đều tâm niệm rằng, sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt. Ngôi chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa cộng đồng, mà còn là trường học, bảo tàng lưu giữ các giá trị văn hóa vật chất của cộng đồng người Khmer. Đồng thời là biểu tượng đời sống tinh thần của người Khmer.
Phật giáo Nam tông Khmer chính là trụ cột, nền tảng, là căn tính trong bản sắc văn hóa Khmer góp phần xây dựng, bổ sung, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Khmer. Phật giáo Nam tông là nơi thể hiện sâu đậm bản sắc văn hóa Khmer trên cả giá trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần. Giá trị văn hóa vật chất của Phật giáo Nam tông Khmer biểu hiện rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Giá trị văn hóa tinh thần của Phật giáo Nam tông Khmer biểu hiện sinh động trong các lễ hội dân tộc, lễ hội tôn giáo của cộng đồng người Khmer. Hầu hết các lễ hội đều gắn liền với sự tích của Phật giáo Nam tông, như lễ hội Chôl Chnăm Thmây, Lễ Đolta, Ok Om Bok nhằm giáo dục con người hướng thiện, giữ đạo lý trong cuộc sống. “Hình dáng Đức Phật luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất, tồn tại trong kí ức của người Khmer Nam bộ từ lâu đời, vì vậy, các phong tục, tập quán, lễ hội dân gian cho đến các sinh hoạt tinh thần trong đời sống xã hội đều có ít nhiều mang màu sắc Phật giáo”(2).
Phật giáo Nam tông Khmer là tôn giáo chủ lưu gắn bó chặt chẽ, lâu bền và ảnh hưởng đến nhiều phương diện trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ. Sự hòa hợp giữa đạo đức của Phật giáo Nam tông Khmer với lối sống, tư tưởng, đạo đức của cộng đồng người Khmer đã trở thành triết lý sống, quy tắc trong giao tiếp, ứng xử giữa người với người trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Phật giáo Nam tông Khmer góp phần duy trì phong tục, tập quán của người Khmer, chăm lo phát triển giáo dục và an sinh xã hội, xây dựng tính cố kết cộng đồng và thiết lập sự đồng thuận xã hội. Đến nay, Phật giáo Nam tông Khmer đã ăn sâu, bén rễ và trở thành nhu cầu tôn giáo hằng ngày, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer.
2. Ảnh hưởng tích cực của Phật giáo Nam tông Khmer đến đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ
– Ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông Khmer đến quan niệm tư tưởng, đạo đức, lối sống của người Khmer
Đối với cộng đồng người Khmer, mỗi cá nhân từ lúc sinh ra đến lúc mất đi đều gắn bó với Phật giáo Nam tông, với ngôi chùa. Phật giáo Nam tông ảnh hưởng xuyên suốt đến đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer: “Do Phật giáo Nam tông có đặc điểm phù hợp với đạo đức, tâm lý, nếp sống, nếp nghĩ của người Khmer nên cộng đồng người Khmer xem triết lý của Đức Phật như triết lý sống của chính mình”(3). Với triết lý nhân sinh “sống gửi, thác về”, cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ luôn tin vào luật nhân quả, làm việc thiện để được hưởng ở kiếp sau. Xuất phát từ tinh thần ấy, người Khmer sống nhân ái, bao dung và coi việc bố thí, cúng dường, làm phúc, nghe thuyết pháp và giúp đỡ những người khó khăn trong phum, sóc là việc thiện để tu nhân tích đức. Người Khmer tâm niệm rằng, đóng góp của cải, vật chất để xây dựng, tu sửa chùa vừa là nghĩa vụ, bổn phận vừa là niềm vui, sự tự nguyện của các Phật tử. Người Khmer không sợ nghèo đói, chỉ sợ sau khi chết không được hỏa thiêu đem tro cốt vào chùa ở cạnh Đức Phật, vì vậy, họ không lo cho bản thân trong hiện tại, mà chỉ lo góp tiền xây chùa đồ sộ, làm phước, đám lễ để bảo đảm kiếp sau được lên Niết bàn. Cuộc sống của đồng bào Khmer hiền hòa, bình lặng với triết lý của Phật giáo Nam tông coi cuộc sống chỉ là cõi tạm nên họ bằng lòng, tin vào số phận và hướng về tương lai ở thế giới bên kia.
Bên cạnh đó, cộng đồng người Khmer luôn bình đẳng, hướng thiện, tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống. Mỗi người Khmer trong phum, sóc đều là con Phật nên như người trong một nhà, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, không phân biệt nam, nữ, giàu, nghèo. Trong gia đình vợ – chồng đều bình đẳng bàn bạc, quyết định những việc hệ trọng. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ là chủ gia đình không có trưởng tôn, trưởng tộc. Sau khi cha mẹ qua đời thì tài sản được chia đều cho các con. Như vậy, tư tưởng đạo đức Phật giáo ảnh trưởng rất lớn đến việc điều chỉnh hành vi của các tín đồ trong gia đình, trở thành tiềm thức, triết lý sống được kế thừa và tiếp nối trong cộng đồng người Khmer. Từ đó, góp phần tạo nên môi trường xã hội lành mạnh, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống và duy trì đời sống tinh thần phong phú cho đồng bào Khmer.
– Ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông Khmer đến phong tục, tập quán của người Khmer
Phong tục, tập quán là điểm riêng biệt của mỗi tộc người, thể hiện tính đặc thù của văn hóa dân tộc. Phong tục, tập quán của người Khmer ở Tây Nam Bộ chịu ảnh hưởng rất rõ nét của Phật giáo Nam tông. Các nghi lễ vòng đời của người Khmer đều có sự tham gia của các vị sư tăng và các Achar giữ vai trò tổ chức, hướng dẫn và thực hành nghi lễ. Các nghi lễ vòng đời được xem là chuẩn mực trong cộng đồng người Khmer đòi hỏi các thành viên phải tuân thủ: “…đây là các nghi lễ liên quan trực tiếp đến cá nhân và gia đình của người thụ hưởng nghi lễ nhưng đều có sự tham gia tích cực của các thành viên trong cộng đồng nhất là đối với lễ xuất gia tu học, hôn lễ, tang lễ. Điều này khẳng định, tính cố kết cộng đồng Khmer ở Nam Bộ được thể hiện rất cao do bởi yếu tố văn hóa tộc người và văn hóa tôn giáo chi phối”(4).
– Ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông Khmer đến tính cố kết cộng đồng của đồng bào Khmer
Đối với cộng đồng người Khmer, ngôi chùa là cầu nối giữa Phật giáo Nam tông Khmer và cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ: “Trên cơ sở tính cộng cư có được từ việc tổ chức cuộc sống của các thành viên trong phum sóc, ngôi chùa cùng với các hoạt động của các vị sư và tín đồ đã tạo ra tính cộng mệnh và cộng cảm. Tất cả các yếu tố đó tạo nên tính cố kết cộng đồng bền chặt của phum sóc dân tộc Khmer”(5). Ngôi chùa là nơi diễn ra các nghi lễ mang tính chất tôn giáo truyền thống và các lễ hội dân gian, như Lễ Phật Đản, Lễ Dâng y, Lễ Chol Chnăm Thmây, Lễ Dolta,… Hầu hết các lễ hội đều có sự tham gia của các sư và diễn ra trong không gian linh thiêng của ngôi chùa. Thông qua lễ hội, người Khmer gắn kết với cộng đồng phum, sóc và gắn kết với ngôi chùa. Bên cạnh đó, ngôi chùa còn là nơi tổ chức hội họp của đồng bào Khmer về việc đạo và việc đời. Do đó, ngôi chùa góp phần tạo sự gắn bó, liên kết giữa cá nhân với cộng đồng người Khmer.
Đồng bào Khmer chịu sự quản lý của bộ máy tự quản phum, sóc và sự quản lý của Ban quản trị chùa, không chỉ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tôn giáo, mà còn đảm đương cả những vấn đề văn hóa, giáo dục, xã hội khác: “Có thể nói, tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer ở Nam Bộ có sự đan xen giữa thiết chế xã hội tự quản truyền thống với tôn giáo. Mối quan hệ giữa hai yếu tố này đã duy trì sự ổn định và tạo cho phum, sóc Khmer một diện mạo riêng biệt với làng xã người Việt. Trong cơ chế kết hợp đó, người Khmer cảm thấy dễ chịu, bình yên và là chủ nhân của phum, sóc”(6). Thiết chế xã hội truyền thống của phum, sóc cùng với Phật giáo Nam tông Khmer đã xây dựng nên tính cố kết cộng đồng của người Khmer trong mối quan hệ giữa cá nhân – gia đình và phum, sóc – ngôi chùa. Tính cố kết cộng đồng đã trở thành chất keo kết dính, tạo nên sức mạnh cộng đồng của người Khmer chống lại thiên tai, địch họa và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống.
– Ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông Khmer đến giáo dục cộng đồng và an sinh xã hội
Đối với cộng đồng người Khmer cùng với hệ thống trường phổ thông các cấp thì trường chùa cũng trở thành nơi để dạy chữ, dạy người: “Đối với ngôi chùa ở Tây Nam Bộ không chỉ đơn thuần là nơi thực hiện chức năng hoạt động tôn giáo, tu học, thờ cúng ông bà tổ tiên, nơi hội tụ và lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng… mà còn có chức năng hoạt động là một trường học đa ngành, là một trung tâm đào tạo đa năng: rèn luyện đạo đức, giáo dục nhân cách, trao truyền kỹ năng sống, đào tạo Phật học thế học, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học công nghệ”(7). Trong hoạt động giáo dục, các nhà sư là người trực tiếp tổ chức, đứng lớp dạy chữ cho con em các gia đình Khmer. Bên cạnh việc dạy chữ Khmer, các nhà sư còn dạy chữ Pali nhằm chuyển tải nội dung quan trọng nhất trong kinh điển Phật pháp đến với các phật tử nhằm giáo dục đạo đức, truyền dạy đạo lý cho các tín đồ để họ thực hiện đúng đạo lý, tiết chế dục vọng, xa lánh tham, sân, si, thực hành vô ngã, vị tha và làm điều thiện, điều lành, tránh xa điều ác. Đồng thời, ngôi chùa còn là trường dạy nghề truyền thống cho con em đồng bào Khmer, như điêu khắc gỗ mỹ nghệ, hội họa, điêu khắc hoa văn, đắp tượng, làm gạch, may mặc, thợ hồ. Bên cạnh đó, ngôi chùa còn là nơi ăn, ở của người già neo đơn, trẻ em nghèo, mồ côi được các nhà sư, tín đồ bố thí, nuôi dưỡng và giáo dục. Đây là việc làm tâm đức hoàn toàn tự nguyện của sư tăng và Phật tử thực hiện theo giáo lý từ bi, phổ độ chúng sinh của Đức Phật.
Hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo Nam tông Khmer được thực hiện thông qua các hoạt động, như tham gia xây dựng cầu đường giao thông nông thôn, giúp đỡ các gia đình khó khăn, tổ chức đưa người nghèo đi khám, chữa bệnh, châm cứu và chữa thuốc nam cho bệnh nhân nghèo; xây dựng lò hỏa táng; tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ đồng bào thiên tai, lũ lụt. Như vậy, các hoạt động giáo dục và từ thiện xã hội đã góp phần phát triển giáo dục trong cộng đồng, xoa dịu nỗi đau của những hoàn cảnh bất hạnh, kém may mắn góp phần đáng kể vào sự ổn định, phát triển của cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ.
3. Ảnh hưởng tiêu cực của Phật giáo Nam tông Khmer đến đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ
Với Triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông Khmer “sống gửi, thác về” có nghĩa là “sống ở đời chỉ là tạm, khi chết mới trở về nhà, về với nơi chứa bản vị, bản ngã thật của con người. Nơi đó được định đoạt bởi hành vi của con người khi còn tại thế. Hành vi này sẽ quyết định nơi về của mỗi người khi còn sống ở cõi trần”(8) ảnh hưởng đến niềm tin của đồng bào, làm cho họ bằng lòng, tin vào số phận. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến động lực cạnh tranh vươn lên làm giàu và khả năng tích lũy vốn đầu tư cho sản xuất phát triển kinh tế cũng như hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo của cộng đồng người Khmer. Vì vậy, hộ nghèo người Khmer chiếm tỷ lệ cao: “Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 278.290 hộ nghèo, 256.420 hộ cận nghèo, trong đó số hộ nghèo người Khmer là 54.029 hộ, chiếm 19,41% so với tổng số hộ nghèo toàn vùng, chiếm 11,49% so với tổng số hộ dân tộc Khmer, hộ cận nghèo là 37.835 hộ, chiếm 14,75% tổng số hộ cận nghèo toàn vùng, chiếm 11,54% tổng số hộ dân tộc Khmer. Khoảng cách giàu nghèo giữa dân tộc Khmer với các dân tộc khác trong vùng còn lớn và tiếp tục tăng”(9).
Theo quan niệm của người Khmer, hạnh phúc được khẳng định ở cõi Phật, mỗi người phải tu luyện, giải thoát mình để vươn tới hạnh phúc dưới sự hướng dẫn của nhà chùa, cụ thể là tham gia góp công, góp của thực hiện các đám phước do nhà chùa tổ chức, cùng với các đám lễ dân gian có từ lâu đời. Tuy nhiên, lễ nghi của đồng bào Khmer khá nhiều và nghi thức cũng khá cầu kỳ, kéo dài nhiều ngày mặc dù hiện nay một số phong tục, lễ hội được cải tiến theo hướng đơn giản hóa, tiết kiệm nhưng đồng bào Khmer vẫn tốn khá nhiều thời gian và công của cho các lễ hội này. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của đồng bào Khmer trong tích lũy vốn để tái sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình.
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế với những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường dẫn đến một bộ phận người Khmer từ bỏ Phật giáo Nam tông Khmer theo tôn giáo khác: “Trong những năm gần đây đã có 4.794 đồng bào Khmer chuyển đạo theo Công giáo và Tin lành”(10). Hiện nay, địa phương có các tín đồ chuyển đổi tôn giáo lớn nhất là Kiên Giang “tính đến năm 2018, gần 19.000 Khmer (chiếm khoảng 10% dân số Khmer toàn tỉnh từ bỏ Phật giáo Nam tông để theo các tôn giáo khác”(11). Hiện tượng một bộ phận đồng bào Khmer chuyển đổi tôn giáo là tín hiệu cho thấy Phật giáo Nam tông Khmer không còn là lựa chọn duy nhất của cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ. Quá trình chuyển đổi tôn giáo trong cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ tuy chưa tạo ra những xung đột văn hóa gay gắt nhưng đã dẫn đến sự phân hóa giữa một bộ phận đồng bào Khmer theo tôn giáo mới và đa số đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông Khmer. Sự phân hóa này đã phá vỡ các quan hệ cộng đồng, gây ra các mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
Bên cạnh đó, do xu thế của thời đại mà nhiều thanh niên không vào chùa tu học theo phong tục, tập quán của dân tộc mình bởi quan niệm việc báo hiếu cho cha mẹ có nhiều cách khác thay vì vào chùa tu học. Tục đi tu chỉ còn mang tính hình thức với thời gian ngắn là một tháng, thậm chí vài ngày. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm tu sĩ trong các ngôi chùa. Bên cạnh đó, đa số sư cả và sư phó đều có tuổi đời rất trẻ vì vậy am hiểu về thế học và Phật học còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, chưa am hiểu sâu sắc về phong tục, tập quán truyền thống: “Nhiều người tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã làm trụ trì một ngôi chùa khiến cho đồng bào hoài nghi về năng lực và uy tín của những vị sư trụ trì ấy, không còn tha thiết gửi con em vào chùa tu học nữa”(12). Hạn chế này làm giảm uy tín cũng như vai trò của các nhà sư trong việc tiếp nhận và phổ biến giáo lý, tổ chức các hoạt động tôn giáo, hoạt động cộng đồng cho tín đồ.
4. Giải pháp phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Phật giáo Nam tông Khmer đến đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ
Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất của cộng đồng người Khmer
Cần phát huy vai trò của các đoàn thể, chức sắc và những người có uy tín trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào Khmer về phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống hiện thực. Vận động và hướng dẫn bà con chi tiêu tiết kiệm, hợp lý, đặc biệt trong những dịp lễ hội để vừa đảm bảo nhu cầu tinh thần, vừa không ảnh hưởng đến đời sống kinh tế. Đổi mới cách thức tổ chức lễ hội trong năm theo hướng tiết kiệm nhưng vẫn phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho đồng bào Khmer đổi mới cơ cấu kinh tế phá thế độc canh cây lúa, mở rộng ngành nghề sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch và tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Mặt khác, cần tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vùng đồng bào Khmer trong đó có đường giao thông nông thôn.
Thứ hai, tăng cường vai trò của các chức sắc và những người có uy tín trong cộng đồng người Khmer nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của Phật giáo Nam tông Khmer
Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho các chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer và những người có uy tín trong cộng đồng. Tuyên truyền, giáo dục và củng cố niềm tin của các chức sắc Phật giáo Nam tông đối với những quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vận động các chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer tích cực tham gia vào đời sống chính trị – xã hội. Quan tâm và tạo điều kiện để các chức sắc và những người có uy tín trong cộng đồng tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, từng bước chuẩn hóa về đức độ và năng lực của các vị sư trụ trì Phật giáo Nam tông Khmer, để nâng cao chất lượng sinh hoạt tôn giáo, quản lý cơ sở thờ tự, tổ chức và điều hành các lễ hội tôn giáo, lễ hội dân tộc hiệu quả và tiết kiệm.
Thứ ba, bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa cộng đồng người Khmer
Trước hết, cần nhận thức đầy đủ về vị trí của ngôi chùa trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, tôn tạo các ngôi chùa. Tăng cường đầu tư cho việc duy trì, bảo tồn các lễ hội truyền thống dân tộc, lễ hội Phật giáo diễn ra trong khuôn viên các ngôi chùa góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí mang đậm bản sắc dân tộc và tăng cường sự gắn kết giữa cá nhân, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích việc sưu tầm, sáng tác, lưu hành các ấn phẩm văn học, nghệ thuật ca ngợi truyền thống đoàn kết, phản ánh cuộc sống của đồng bào Khmer trong sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước. Khôi phục, củng cố và phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao truyền thống, phòng chống tệ nạn xã hội, ấn phẩm độc hại, mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu. Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình tiếng Khmer, báo chữ Khmer và báo ảnh Khmer./.

————————————

(1) và (3) Nguyễn Ngọc Trinh, Phạm Ngọc Hòa, Vai trò của Phật giáo Nam tông trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ, Nxb Hồng Đức, 2021, tr.219 và 220
(2) Trần Văn Bính, Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ, Thực trạng, giải pháp và những vấn đề đặt ra, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.224
(4) Danh Lùng, Chức năng xã hội trong nghi lễ vòng đời của người Khmer ở Nam Bộ, Tạp chí Khoa học xã hội, số 7, 2020, tr.63
(5) Trang Thiếu Hùng, Phật giáo Nam tông trong văn hóa Khmer Nam Bộ (Trường hợp tỉnh Trà Vinh), Nxb Khoa học xã hội, 2019, tr.180
(6) Nguyễn Khắc Cảnh, Các yếu tố văn hóa Phật giáo trong cơ chế quản lý xã hội truyền thống phum, sóc của người Khmer ở Nam Bộ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5, 2014, tr.59
(7) Đỗ Thu Hường, Phật giáo Nam tông Khmer góp phần thực hiện an sinh xã hội ở Tây Nam Bộ hiện nay, Phật giáo Nam tông tại vùng Nam Bộ, Nxb Hồng Đức, 2022, tr.290
(8) Huỳnh Ngọc Thu, “Sống gửi thác về” – Triết lý nhân sinh tác động đến hành vi tôn giáo và hoạt động kinh tế của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội, số 8, 2021, tr.75
(9) Nguyễn Thị Huệ, Kết quả khảo sát các nguyên nhân tác động đến đời sống của người Khmer Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, số 10, 2020, tr.1867
(10) Viện nghiên cứu Tôn giáo – Ban chỉ đạo Tây Nam bộ – Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ, Biến động tín ngưỡng, tôn giáo trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa, 2012, tr.211
(11) Hoàng Thị Lan, Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr.71
(12) Huỳnh Hiếu Trung, Tục đi tu báo hiếu của người Khmer ở Sóc Trăng: Giá trị và biến đổi, Tạp chí Khoa học và Phát triển công nghệ, số 20, 2017, tr.84

(Tạp chí Khoa học chính trị Số 04/2023)