Đại tá, PGS, TS. BÙI QUANG HUY(*)

(*) Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

Tóm tắt: Chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang là mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. Chúng chống phá đường lối, quan điểm của Đảng trên nhiều lĩnh vực, với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nham hiểm, trăm phương, ngàn kế. Một trong những lĩnh vực mà các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hòng làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam; các thế lực thù địch; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

1. Đặt vấn đề
Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, công tác phòng, chống tham nhũng, được coi là cuộc “tự cách mạng” triệt để nhất, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nâng cao vị thế, uy tín và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách chống phá Đảng và Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực. Vì thế, cần phải “đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị”(1) trên mọi lĩnh vực, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xác định là một trong những nội dung hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay.
2. Âm mưu, thủ đoạn, phương thức xuyên tạc của các thế lực thù địch về công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam
Thời gian qua, lợi dụng thực trạng một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, các thế lực thù địch, phản động đã và đang đưa ra những luận điệu xuyên tạc mục tiêu, phủ nhận kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta trên các phương diện tinh vi. Chúng ta có thể nhận diện một số âm mưu, thủ đoạn như sau:
Một là, các thế lực thù địch, phản động tìm mọi cách xuyên tạc mục tiêu của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Đảng luôn nhất quán quan điểm: kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thời gian qua, với quan điểm “không có vùng cấm’, “không có ngoại lệ”, việc xử lý những cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả những người từng giữ cương vị rất cao, là minh chứng cho quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước; đồng thời, mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân đối với Đảng trong cuộc chiến chống giặc nội xâm.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động đã luôn tìm mọi cách để xuyên tạc mục tiêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng cho rằng: công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý cán bộ, đảng viên ở Việt Nam hiện nay là “đấu đá nội bộ, phe cánh”, “thanh trừng phe phái”, “sự phân chia quyền lực” là “sự cùng quẫn của chế độ cộng sản” với mục đích kéo dài sự tồn tại của mình. Chúng cho rằng, đây là cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam “mị dân, lòe thiên hạ, che mắt thế gian”, “lập lờ theo kiểu đánh ai và ai đánh?”, “ta đánh mình, mình đánh ta?”, hay “cộng sản chỉ nói chứ không dám làm”, “làm chiếu lệ để rung cây dọa khỉ”, “đánh trống bỏ dùi”,… Chúng còn cho rằng, tình trạng tham nhũng như hiện nay là “tất yếu, không thể tránh khỏi”, là “căn bệnh vô phương cứu chữa” và “không thể chống được”,… Các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình quy chụp đó là “giơ cao đánh khẽ”, “sự thất bại nặng nề của công tác nhân sự mà Đảng lãnh đạo”. Cuối cùng, chúng tự lộ mục đích chống phá xấu xa là phủ nhận vai trò, sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, quan điểm của chúng là công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng “sẽ không có hiệu quả gì?” và “không có chuyển biến thật sự”,…
Hai là, các thế lực thù địch, phản động phủ nhận kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân
Những năm qua, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đạt được những kết quả quan trọng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhận định: “Chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng dần được hoàn thiện, trong đó lần đầu tiên đã mở rộng việc phòng, chống tham nhũng sang cả khu vực tư nhân. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, các tổ chức quốc tế ghi nhận”(2). “Trong 10 năm qua (2012 – 2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm”(3). Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay, “đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Đã kỷ luật 50 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”(4). Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự đã “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược” và “thu được nhiều kết quả quan trọng”, “không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước, hay các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc quan điểm và kết quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.
Dẫu vậy, các thế lực thù địch, phản động không những không thừa nhận thành tựu của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, mà còn sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn tuyên truyền, phủ nhận kết quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúng huy động nhiều lực lượng từ ngoài nước đến trong nước và sử dụng các công cụ mạng xã hội, như blog, fanpage, facebook, youtube, tiktok…, các diễn đàn, như Việt Tân, Chân Trời Mới Media, RFA Viet Nam, BBC News Tiếng Việt,… để chống phá công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Thủ đoạn của chúng đổi trắng, thay đen, bóp méo xuyên tạc thành quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây không phải chiêu trò mới, nhưng với thủ đoạn chống phá tinh vi hơn. Những luận điệu xuyên tạc được các thế lực thù địch sử dụng một số website, blog, tài khoản mạng xã hội “nhào nặn”, “vá víu” các sự kiện, tư duy ngụy biện xảo trá, đánh tráo khái niệm, suy diễn méo mó xuyên tạc quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là âm mưu, thủ đoạn và luận điệu hết sức thâm độc nhằm chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước; giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; gieo rắc tâm lý hoài nghi, dao động về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ba là, các thế lực thù địch, phản động cho rằng, cần thực hiện đa đảng, chuyển hóa theo chế độ dân chủ tư sản để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực
Đây là thủ đoạn cực kỳ nham hiểm với mục tiêu của chúng là nhằm chuyển hóa chế độ, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Chúng tìm mọi cách để bóp méo, bịa đặt với mục đích cản trở sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới; xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phá hoại Đảng và chế độ, làm tan rã mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Thông qua việc thiết lập các website, blog để truyền tải thông tin xấu, độc, nhằm phá hoại tư tưởng, đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, gây nhiễu loạn thông tin, làm phức tạp về chính trị – xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Theo chúng, nguồn gốc tham nhũng bắt nguồn từ “chế độ một đảng duy nhất ở Việt Nam”, “tham nhũng là bản chất của đảng cầm quyền”, “tham nhũng là căn bệnh nan y của chế độ độc tôn đảng cầm quyền”,… Chúng cho rằng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công; việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta thực chất chỉ là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, “để lòe thiên hạ, chia chác quyền lực trong hệ thống chính trị”…, càng hô hào phòng, chống thì tệ nạn này lại càng gia tăng,… Chúng còn lợi dụng các sự kiện chính trị – xã hội “nhạy cảm”, việc bắt, xử lý những cán bộ cao cấp về tội tham nhũng; xét xử số đối tượng chống đối vi phạm pháp luật, để lôi kéo, kích động người dân tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn, lật đổ; tuyên truyền kích động các hoạt động ly khai. Móc nối, lôi kéo các đối tượng cơ hội chính trị, có cả cán bộ đương chức, tướng lĩnh đã nghỉ hưu và thành phần chống đối là trí thức, văn nghệ sĩ, tăng cường chống Đảng, cổ xúy cho “dân chủ tư sản”, “xã hội dân sự”, “xã hội dân chủ” tư sản.
3. Giải pháp đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, thù địch về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay
Để đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nhận diện đúng, chủ động đấu tranh, phản bác có hiệu quả mọi luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đây là giải pháp cơ bản, quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong triển khai công tác đấu tranh, phòng, chống, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch về vấn đề này. Cần khẳng định quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đúng đắn và việc xử lý cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, tham ô, tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, cần thừa nhận đây là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp, là cuộc “tự cách mạng”. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, nhằm đập tan âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững ổn định chính trị đất nước và từng địa phương. Tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, để không thể, không dám, không cần, không muốn tham nhũng. Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá ta về vấn đề này. Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng phải nhận diện đúng, chủ động đấu tranh, không ngừng nâng cao nhận thức, kỹ năng, xây dựng chiến lược, sách lược, tổ chức lực lượng một cách bài bản, khoa học trong đấu tranh, phản bác; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả của hoạt động này. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, đi đầu là đội ngũ cán bộ, đảng viên, với lực lượng nòng cốt là Ban Chỉ đạo 35 các cấp, các ngành cùng hệ thống các cơ quan truyền thông và đội ngũ nhà khoa học, báo cáo viên, tuyên truyền viên,… tạo thành mạng lưới đấu tranh ngày càng đông đảo và hiệu quả phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.
 Thứ hai, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đây là giải pháp cơ bản tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao lập trường tư tưởng, có bản lĩnh chính trị vững vàng để nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm, sai trái thù địch, xuyên tạc, vu khống, phủ nhận thành tựu cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, những luận điệu sai trái đăng tải trên các trang mạng xã hội; không để thế lực thù địch kích động, lôi kéo vào các hoạt động biểu tình, khiếu kiện đông người hoặc vô tình bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị từ Trung ương tới địa phương cần chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, thường xuyên tuyên truyền các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Không ngừng củng cố, nâng cao nhận thức chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, giữ vững “thế trận lòng dân”; làm tốt công tác vận động quần chúng, tăng cường và nâng cao hiệu quả từ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện mỗi cán bộ, đảng viên là chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ quan điểm của Đảng về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.
Thứ ba, đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức, biện pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đổi mới, bổ sung nội dung đấu tranh trên cơ sở giữ vững quan điểm và nguyên tắc của Đảng và Nhà nước; mềm dẻo, linh hoạt, nhân văn trong phương pháp; công khai, minh bạch đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần tạo đồng thuận xã hội về vấn đề này. Trong đó, sử dụng các kênh truyền thông chính thống và các mạng xã hội để tiếp cận đông đảo quần chúng nhân dân, vừa tuyên truyền, vừa bóc trần những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề chính trị, xã hội để chống phá Đảng và Nhà nước. Nắm chắc tình hình, dự báo sớm âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; chủ động có biện pháp đấu tranh phù hợp. Cùng với đấu tranh “trực diện” cần không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác, tăng cường ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đa dạng hóa các hoạt động đấu tranh, thiết lập và sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn một cách có hiệu quả. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng và quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ngoài ra, thường xuyên tuyên truyền để nhân dân và bạn bè quốc tế thấy rõ quan điểm cũng như kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư, tổ chức, xây dựng lực lượng tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Hiệu quả của cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua còn không ít hạn chế, yếu kém. Vì vậy, cần phát huy vai trò đội ngũ nhà báo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, thông tin viên, tuyên truyền viên, lực lượng tác chiến trên không gian mạng. Cần xây dựng lực lượng này có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận cao, có hiểu biết sâu sắc về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta; có khả năng phân tích, luận chiến thuyết phục, có nhiệt huyết, dũng khí, quyết tâm đấu tranh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; chú trọng nâng tầm lý luận sắc sảo, kinh nghiệm thực tiễn, bảo đảm để lực lượng này là nòng cốt, xung kích trong đấu tranh, phản bác những thông tin bịa đặt, xuyên tạc về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Thường xuyên rà soát, nắm và quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nhất là về chính trị tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục củng cố “thế trận”, tổ chức lực lượng đấu tranh kịp thời, sắc bén và hiệu quả. Với sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, các cấp ủy đảng cần chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung đấu tranh; dự báo kịp thời sự phát triển của tình hình; phát huy triệt để các lực lượng, đội ngũ cán bộ đầu ngành, các nhà khoa học, nhà báo và đông đảo các cộng tác viên nhiệt huyết và bản lĩnh cùng tham gia đấu tranh. Đồng thời, thường xuyên đánh giá quá trình tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những tư tưởng lệch lạc, sai trái, không để các thế lực thù địch móc nối, lôi kéo quân nhân, quần chúng nhân dân tham gia vào hoạt động chống phá. Thực hiện phòng, chống từ cả hai phía từ “diễn biến hòa bình” chống bạo loạn lật đổ của thế lực thù địch và chống “tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên.
4. Kết luận
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, “không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”; đòi hỏi “phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại”(5)./.

———————————-

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.117
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Sđd, tr.54
(3) và (5) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.26 – 27 và tr.321
(4) Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23/7/2022 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022