TS. HOÀNG THỊ KIM OANH(*)
PGS, TS. VŨ THỊ THANH XUÂN(**)
(*) và (**) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc được hiểu là mong ước, khát khao của cả dân tộc Việt Nam về một đất nước phát triển tốt đẹp, thịnh vượng, dân chủ, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc. Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người dân Việt Nam, cần có những phương thức đúng đắn, phù hợp, hiệu quả. Những phương thức chủ yếu để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ở Việt Nam hiện nay là:
Thứ nhất, thông qua thể chế của Đảng và Nhà nước
Phương thức khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thông qua thể chế, nghĩa là thông qua chủ trương, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị,… của Đảng và hệ thống chính sách, Hiến pháp, pháp luật, quy định,… của Nhà nước để định hướng, chỉ đạo, tuyên truyền khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong nhân dân. Qua đó giúp người dân hiểu rõ và đồng hành với khát vọng phát triển của đất nước, đồng thời hình thành ý thức trách nhiệm công dân trong việc góp sức thực hiện khát vọng của đất nước, dân tộc.
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên khơi dậy trong nhân dân mong ước, khát khao về một đất nước hòa bình, độc lập, mọi người dân đều thoát kiếp nô lệ, được hưởng tự do, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Và cao hơn nữa là khát vọng về một đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh, tiến bộ, văn minh, xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa, tiếp sau là xã hội cộng sản chủ nghĩa, có nền kinh tế phát triển cao, của cải “vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”, xã hội “dân giàu, nước mạnh”, “đất nước phát triển rực rỡ một cách nhanh chóng chưa từng thấy, đưa quần chúng lao động đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh”(1), mọi người dân có “đời sống ấm no, hạnh phúc”(2), “sung sướng, vẻ vang”(3). Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tuyên truyền để người dân ghi nhớ khát vọng lớn của dân tộc, cũng là khát vọng của mỗi người dân Việt Nam; lấy đó là mục tiêu, động lực để cổ vũ, động viên toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, gian khổ quyết tâm giành lấy độc lập, tự do, vì một tương lai tốt đẹp, xây dựng nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai các cường quốc năm châu.
Tiếp nối tư tưởng của Người, trong suốt chặng đường phát triển, Đảng cũng luôn xác định rõ mục tiêu, khát vọng to lớn ấy của dân tộc, của đất nước; đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, quán triệt nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về khát vọng lớn của dân tộc, để mọi người dân thấy được ý nghĩa của những mục tiêu lớn ấy và cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện khát vọng chung của cả dân tộc. Ở mỗi kỳ đại hội, nhất là trong giai đoạn đổi mới, các văn kiện của Đảng luôn xác định mục tiêu, khát vọng xuyên suốt là phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, thịnh vượng, người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, Đảng chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân để khơi dậy khát vọng đó trong mỗi người dân. Điều đó tạo thành nguồn động lực to lớn cổ vũ, thôi thúc mọi người dân phát huy tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt huyết cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực cho công cuộc phát triển đất nước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đại hội lần thứ VI của Đảng nêu cao tinh thần “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”(4), tuyên truyền, vận động để mọi người dân nhận thức sâu sắc về khát vọng đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đại hội lần thứ VII của Đảng khẳng định mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa”, “làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh”, “vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”(5). Đại hội lần thứ VIII của Đảng nêu rõ làm sao để “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”(6). Qua các kỳ đại hội, Đảng ngày càng bổ sung khát vọng xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”(7);… Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được nhấn mạnh và coi là “động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước”. “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, một trong các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ của Đại hội(8).
Như vậy, có thể thấy, trong toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn nhận thức rõ mục tiêu, khát vọng lớn của dân tộc, đồng thời quán triệt để mọi người dân ghi nhớ và hiểu rõ ý nghĩa của khát vọng đó để từng bước hiện thực hóa khát vọng. Mặc dù, cách diễn đạt về khát vọng phát triển đất nước qua mỗi kỳ đại hội có thể không hoàn toàn giống nhau, nhưng quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là luôn hướng cả dân tộc tới mục tiêu, khát vọng to lớn, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc giàu mạnh, hùng cường, có thể sánh vai các cường quốc năm châu.
Quán triệt quan điểm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật… để mọi người dân hiểu về khát vọng phát triển đất nước; đồng thời, chỉ đạo các cấp bộ ngành, địa phương tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, để mọi người dân cùng hướng về khát vọng của dân tộc, biến khát vọng chung trở thành mong muốn, ước vọng của mỗi người dân Việt Nam, từ đó thôi thúc họ phấn đấu, tự giác, tích cực đóng góp trí tuệ, công sức vào tiến trình phát triển chung của đất nước. Hiến pháp năm 1959 nêu rõ: “xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(9). Hiến pháp năm 1980 khẳng định: “xây dựng một xã hội có kinh tế công – nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học, kỹ thuật tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, có đời sống văn minh và hạnh phúc”(10). Hiến pháp năm 1992 bổ sung: “xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”(11). Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) làm rõ hơn: “thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”(12). Hiến pháp năm 2013 đã điều chỉnh: “thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”(13).
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không chỉ được ghi nhận, thể chế hóa trong nội dung các bản Hiến pháp, mà còn được đưa vào nội dung của nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Điều này tạo cơ sở pháp lý để chỉ đạo các cấp bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung cụ thể nhằm khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước trong từng thời kỳ đến các tầng lớp nhân dân, hướng cả dân tộc tới mục tiêu, khát vọng lớn chung, đồng thời thực hiện các biện pháp phát huy sức mạnh toàn dân tộc để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Bên cạnh đó, nhiều chính sách quản lý, điều hành của Nhà nước ở các lĩnh vực cũng được ban hành nhằm chỉ đạo hoạt động thực tiễn, tổ chức các lực lượng triển khai thực hiện theo mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, như: chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chính sách phát triển văn hóa, y tế, giáo dục; chính sách an sinh xã hội; chính sách phát triển nguồn nhân lực…
Có thể thấy, những năm qua, với chủ trương, đường lối, nghị quyết đúng đắn của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được tuyên truyền, phổ biến rộng khắp đến mọi tầng lớp nhân dân, ghi dấu sâu đậm trong tâm thức mỗi người dân, đồng thời trở thành động lực thôi thúc cả dân tộc nỗ lực không ngừng để theo đuổi khát vọng cao đẹp đó. Vì vậy, chỉ sau mấy chục năm đất nước giành được độc lập, từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân cơ cực, Việt Nam đã vươn mình trở thành một quốc gia có những thành tựu phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế vĩ mô ổn định… Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP đạt 271,2 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD/người). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện”(14). “Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(15).
Thứ hai, thông qua cơ chế phối hợp, liên minh, đoàn kết giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị
Cơ chế khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ở Việt Nam được thể hiện thông qua sự phối hợp, liên minh, đoàn kết giữa các chủ thể, các thiết chế tổ chức xã hội, cụ thể là sự phối hợp, liên minh, đoàn kết, hợp tác… giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội luôn đoàn kết, phối hợp, liên kết, liên minh, hợp tác, gắn kết chặt chẽ trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Ở mỗi kỳ đại hội, căn cứ vào bối cảnh thực tiễn, Đảng đưa ra những quan điểm, chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển đất nước gắn với nhiệm vụ, đòi hỏi của cách mạng và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đất nước; đồng thời, thường xuyên khẳng định mục tiêu lớn xuyên suốt của đất nước là dân giàu, nước mạnh, xã hội phồn vinh, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Bên cạnh đó, Đảng luôn chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương, vùng miền phải quán triệt, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước trong mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời, đề ra những nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp thiết thực cần thực hiện trong mỗi kỳ đại hội để thực hiện thành công khát vọng của dân tộc trên tinh thần kết hợp khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước với phát huy hiệu quả các nguồn lực, sức mạnh của dân tộc. Trên cơ sở quan điểm, định hướng của Đảng, các cơ quan, ban ngành của Nhà nước đã nhanh chóng triển khai quán triệt, phổ biến, sớm đưa những quan điểm, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị… của Đảng vào cuộc sống, từ đó nâng cao nhận thức của người dân về mục tiêu, khát vọng phát triển của đất nước. Tăng cường tuyên truyền để mỗi người dân không chỉ biết về khát vọng phát triển đất nước, mà còn hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của những khát vọng đó, rằng: sự phát triển phồn vinh, hùng cường của dân tộc trực tiếp gắn với lợi ích của người dân, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Qua đó, mỗi người dân có thái độ tích cực đối với khát vọng phát triển của đất nước, tin tưởng, hướng theo khát vọng chung ấy, thậm chí còn có thể biến những khát vọng chung của dân tộc thành những khát vọng của bản thân về một cuộc sống đủ đầy, sung túc, hạnh phúc, ấm no. Bên cạnh đó, Nhà nước luôn nỗ lực điều hành, triển khai thực hiện nhiều biện pháp, cách thức, ban hành nhiều chính sách phát triển đất nước gắn liền với mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Điều này không chỉ để ghi dấu, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong nhân dân, mà còn từng bước hiện thực hóa khát vọng đó; cổ vũ, động viên, khích lệ, thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân tự giác, tích cực hành động, đóng góp tối đa trí tuệ, sức lực vào công cuộc phát triển đất nước, làm sao để nhanh chóng biến khát vọng phát triển của dân tộc thành hiện thực, đem lại sự phát triển giàu mạnh, phồn vinh cho đất nước và cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho toàn dân. Từ những quan điểm, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp tiếp nhận và nhanh chóng quán triệt, triển khai, tổ chức tuyên truyền, vận động khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong nhân dân. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn phụ trách, mỗi tổ chức chính trị – xã hội kịp thời xây dựng chương trình hành động, các phong trào thi đua, huy động sự tham gia của các thành viên, hội viên, đoàn viên để vận động, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện liên kết, liên minh, phối hợp thống nhất hành động nhằm quán triệt đúng, đầy đủ và nhanh chóng đưa quan điểm, nghị quyết của Đảng, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước tới mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời, phối hợp cùng các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước triển khai một cách hiệu quả các chủ trương, chính sách đó theo đúng tinh thần khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nhờ sự kết hợp, liên kết, đoàn kết, hợp tác thống nhất, đồng thuận từ trên xuống dưới giữa các tổ chức đảng với hệ thống các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội ở các địa phương trên cả nước trong nhiều năm qua mà những quan điểm, định hướng của Đảng về khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc đã được tuyên truyền, phổ biến rộng khắp đến mọi người dân trong cả nước, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước trong các tầng lớp nhân dân. Hầu hết người dân đều lạc quan, tin tưởng vào mục tiêu, khát vọng lớn của dân tộc, đồng lòng theo đuổi khát vọng cao đẹp của dân tộc và quyết tâm chung sức thực hiện cho được mục tiêu khát vọng đó, vì tương lai tốt đẹp, giàu mạnh, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc cho nước nhà.
Thứ ba, thông qua các thiết chế chính trị – xã hội (Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội)
Để có thể khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc một cách hiệu quả, rất cần thiết phải phát huy tốt vai trò của các chủ thể xã hội, đặc biệt là vai trò của các thiết chế chính trị – xã hội quan trọng của đất nước, như Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội.
Nhiều năm qua, Đảng ta luôn thể hiện và khẳng định được vai trò lãnh đạo đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước nói chung, đối với việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc nói riêng. Ngay từ khi nước nhà mới giành độc lập, Đảng đã luôn đồng hành cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra những chủ trương, đường lối kêu gọi toàn dân đoàn kết, chung lòng theo đuổi, thực hiện cho được khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc. Những giai đoạn tiếp sau đó, mặc dù phải lãnh đạo đất nước thực hiện nhiều nhiệm vụ cách mạng to lớn, nhưng Đảng ta không bao giờ bỏ qua mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong mỗi giai đoạn đều có nội dung đề cập đến khát vọng phát triển đất nước, đồng thời chỉ rõ những nhiệm vụ cần thực hiện, những nội dung cần chú trọng… để có thể hiện thực hóa khát vọng lớn của dân tộc. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, sự hoạt động tích cực của các tổ chức đảng và đảng viên trong nhiều năm qua mà việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được tiến hành thường xuyên, liên tục. Đến nay, các tầng lớp nhân dân đều hiểu rõ mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước, đồng thời có niềm tin lớn vào sự định hướng, lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, đồng lòng hướng về mục tiêu, khát vọng chung ấy, tích cực tham gia hành động để đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc phát triển đất nước để biến khát vọng của dân tộc thành hiện thực. Những thành tựu mà đất nước đã đạt được cho đến ngày nay có nguyên nhân quan trọng từ vai trò lãnh đạo, định hướng, chỉ đạo đúng đắn của Đảng trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong việc khơi dậy được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp nhân dân.
Nhà nước Việt Nam cũng luôn triển khai quán triệt quan điểm, định hướng của Đảng trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; chỉ đạo các lực lượng, cơ quan, bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện các công việc cụ thể để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước đến các tầng lớp nhân dân. Các tổ chức, cơ quan nhà nước tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng những chương trình hành động phù hợp để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước; chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan, bộ ngành thực hiện những công việc cụ thể để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Nhờ sự chỉ đạo, điều hành, quản lý tích cực, quyết liệt của Nhà nước trong việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai định hướng chỉ đạo của Đảng mà khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc đã được khơi dậy mạnh mẽ trong toàn dân. Đến nay, khát vọng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc đã không còn chỉ là khát vọng chung của đất nước, mà đã trở thành mục tiêu, khát vọng của mỗi người dân Việt Nam chân chính, đồng thời là nguồn động lực, sức mạnh nội sinh to lớn thúc đẩy mọi người dân nỗ lực phấn đấu để nhanh chóng đạt được mục tiêu khát vọng cao đẹp ấy.
Không chỉ có Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội cũng có vai trò không nhỏ trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội luôn tích cực phổ biến, tuyên truyền, vận động, giáo dục các tầng lớp nhân dân nắm rõ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giúp người dân hiểu đúng và đầy đủ về nội dung, ý nghĩa của khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, ấm no, phồn vinh, hạnh phúc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, như Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh ở các cấp, các địa phương căn cứ vào đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp để tuyên truyền, vận động, cổ vũ, khích lệ, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước đến từng thành viên, đoàn viên, hội viên, để họ thấu hiểu, đồng cảm và cùng tự giác hướng về mục tiêu khát vọng chung ấy. Đồng thời, tập hợp, kêu gọi các đoàn viên, hội viên tăng cường gắn kết, đoàn kết, đồng thuận theo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, tích cực phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm cao của công dân, cùng nhau nỗ lực thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm hiện thực hóa khát vọng to lớn của dân tộc. Nhờ sự tích cực phối hợp hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong thời gian qua, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được quán triệt và triển khai thực hiện khá tốt. Các thành viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị – xã hội đều hăng hái, hồ hởi, tin tưởng, hướng về khát vọng phát triển đất nước, mong muốn đóng góp công sức vào quá trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Kết hợp tốt các phương thức cơ bản trên sẽ giúp khơi dậy một cách hiệu quả khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mọi chủ thể xã hội. Nhờ đó sẽ giúp khai thác, huy động tốt mọi nguồn lực cho hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước phát triển ngày càng phồn vinh và hạnh phúc./.
——————————————————————
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.161
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.14, Sđd, tr.190
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.8, Sđd, tr.265
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vi/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-v-trinh-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-vi-cua-1491
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vii
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-viii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-viii-cua-dang-1549
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ix/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-viii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-ix-cua-dang-1545
(8), (14) và (15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.202-204, 60-61 và 103-104
(9) Lời nói đầu, Hiến pháp năm 1959
(10) Điều 15 Hiến pháp năm 1980
(11) Điều 3 Hiến pháp năm 1992
(12) Điều 3 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)
(13) Điều 3 Hiến pháp năm 2013
Tạp chí Khoa học chính trị Số 09/2022