PGS, TS. TRẦN THĂNG LONG(*)
ThS. NGUYỄN ĐỨC CHIẾN(**)
(*) Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
(**) Ủy ban nhân dân xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội
Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức pháp luật trong thực hiện pháp luật về bình đẳng giới tại Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả phân tích khái niệm ý thức pháp luật, ý thức pháp luật về bình đẳng giới và vai trò của ý thức pháp luật đối với việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới tại Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thực thi pháp luật về bình đẳng giới, chỉ ra những thành công và hạn chế, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao ý thức pháp luật về bình đẳng giới.
Từ khóa: ý thức pháp luật; bình đẳng giới; pháp luật về bình đẳng giới
1. Đặt vấn đề
Bảo đảm bình đẳng giới là một trong những mục tiêu cơ bản của bảo đảm công bằng xã hội. Bình đẳng giới là vấn đề quan tâm của mọi quốc gia và là một trong tám mục tiêu Thiên niên kỷ của toàn cầu(1), là chủ đề quan tâm trong các chương trình, dự án phát triển hợp tác song phương và đa phương giữa các quốc gia. Bình đẳng giới bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân của nam và nữ, không phân biệt đối xử trực tiếp hoặc gián tiếp đối với nam và nữ. Tại Việt Nam, sau khi Luật Bình đẳng giới năm 2006 được thông qua đã tạo ra cơ sở pháp lý để thực hiện bình đẳng giới. Các quy định về bình đẳng giới được triển khai và thực hiện khá nghiêm túc, đạt được những kết quả khả quan. Nhờ đó, việc thực hiện bình đẳng giới có nhiều phát triển quan trọng. Mặc dù vậy, bình đẳng giới tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ vẫn còn phổ biến. Định kiến giới vẫn còn tồn tại trong xã hội, cơ hội học tập, phát triển của phụ nữ còn nhiều hạn chế so với nam giới.
Do đó, để bình đẳng giới thật sự đi vào đời sống, trở thành nếp suy nghĩ hằng ngày cần thiết phải xây dựng ý thức pháp luật về bình đẳng giới, từ đó giúp việc thực hiện bình đẳng giới đạt hiệu quả.
2. Khái quát ý thức pháp luật và bình đẳng giới
– Khái niệm ý thức pháp luật
“Ý thức pháp luật” được hiểu là tổng hợp những quan điểm, quan niệm, tư tưởng thịnh hành trong xã hội về pháp luật, là thái độ, tình cảm, sự đánh giá của con người đối với pháp luật cũng như đối với hành vi pháp luật của các chủ thể trong xã hội(2).
Ý thức pháp luật có mối liên hệ với hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ý thức pháp luật là cơ sở để hoạch định chính sách xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ý thức pháp luật cao giúp các nhà làm luật có khả năng đánh giá đúng, chính xác, khách quan toàn diện đời sống xã hội, dự liệu diễn biến xu hướng vận động của các quan hệ xã hội, xác định nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật đối với các quan hệ xã hội, từ đó có cơ sở khoa học để xây dựng các quy định pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, xây dựng kế hoạch, chương trình, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới.
Ý thức pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện pháp luật. Hiểu biết pháp luật, có thái độ, tình cảm đúng đắn đối với pháp luật là cơ sở thực hiện pháp luật nghiêm chỉnh. Trái lại, sự thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu niềm tin vào pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến các chủ thể vi phạm pháp luật(3).
Như vậy, ý thức pháp luật là một khái niệm trong lĩnh vực pháp luật, dùng để chỉ khả năng nhận thức và chấp hành các quy định pháp luật của một cá nhân hoặc tập thể. Ý thức pháp luật bao gồm hiểu biết và ý thức về các quy định pháp luật, việc áp dụng và tuân thủ chúng.
– Khái niệm giới và bình đẳng giới
Theo từ điển Tiếng Việt “Giới là lớp người trong xã hội phân theo một đặc điểm rất chung nào đó, về nghề nghiệp, địa vị xã hội”(4). Theo tác giả Lê Thị Chiêu Nghi “Giới bao gồm các mối quan hệ và tương quan về địa vị xã hội của phụ nữ và nam giới trong một môi trường xã hội cụ thể, hay nói cách khác, giới là sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới trong quan hệ xã hội”(5). Tác giả Lê Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Mĩ Lộc cho rằng: “Giới dùng để chỉ các đặc điểm, vị trí, vai trò và mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ. Nói cách khác, giới là khái niệm dùng để chỉ những đặc trưng xã hội của nam và nữ”(6). Trong khoa học pháp lý, khái niệm “Giới” được quy định lần đầu tiên tại khoản 1 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006, theo đó “Giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội”.
Thuật ngữ “bình đẳng giới” lần đầu được quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật bình đẳng giới năm 2006. Theo đó, bình đẳng giới được hiểu “là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.
Theo tác giả Lê Thị Quế, bình đẳng giới là mục tiêu và thước đo tiến độ phát triển của xã hội. Bình đẳng giới thể hiện ở nhiều phương diện, như nữ và nam có điều kiện ngang nhau để phát huy khả năng và thực hiện các mong muốn; nữ và nam có cơ hội ngang nhau để tham gia, đóng góp và thụ hưởng các nguồn lực của xã hội trong quá trình phát triển; nữ và nam có các quyền lợi ngang nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội(7).
Như vậy, “bình đẳng giới” là khái niệm xã hội và pháp lý dùng để chỉ việc đối xử công bằng và không phân biệt đối xử dựa trên giới tính. Theo đó, mọi người đều có quyền được xem như nhau và được đối xử bình đẳng, không phân biệt đối xử dựa trên giới tính và có thể truy cập các cơ hội, quyền lợi và nguồn lực như nhau.
– Ý thức pháp luật về bình đẳng giới
Ý thức pháp luật về bình đẳng giới là tổng thể những tư tưởng, quan điểm, quan niệm của con người về bình đẳng giới, thể hiện thái độ, nhận thức pháp luật bình đẳng giới của con người, đồng thời thể hiện sự đánh giá về hành vi xử sự của con người, tổ chức, cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội. Ý thức pháp luật về bình đẳng giới thể hiện ở hai nội dung sau:
Thứ nhất, thái độ, nhận thức pháp luật bình đẳng giới. Thái độ, nhận thức về bình đẳng giới tác động đến việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới. Thái độ, nhận thức thấp dẫn đến ý thức pháp luật về pháp luật bình đẳng giới không cao. Những khác biệt về giới trong cách đối xử, ứng xử, nếp suy nghĩ đã thay đổi nhiều theo tiến trình lịch sử của dân tộc và đất nước, có sự khác nhau giữa các thế hệ. Chẳng hạn, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” tồn tại qua nhiều thế kỷ đã thể chế hóa thành những phong tục tập quán của gia đình, làng xã trong phân công lao động như nam giới làm việc ngoài xã hội, phụ nữ làm việc gia đình, chăm lo con cái, nội trợ, coi trọng con trai hơn con gái…
Thứ hai, việc chấp hành, thực hiện bình đẳng giới. Bình đẳng giới vừa là vấn đề cơ bản quyền con người, vừa là yêu cầu về sự phát triển xã hội một cách công bằng, hiệu quả và bền vững(8). Bình đẳng giới được cải thiện sẽ đưa đến trình độ phát triển kinh tế ở mức cao. Việc chú trọng và tăng cường bình đẳng giới góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cả nam giới và nữ giới.
3. Thực hiện ý thức pháp luật về bình đẳng giới tại Việt Nam
– Kết quả(9)
Một là, nhận thức bình đẳng giới đã có những chuyển biến tích cực, nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới và bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã được quan tâm nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lồng ghép giới. Đây là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện ý thức pháp luật về bình đẳng giới.
Hai là, Nhà nước đã tăng cường hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong công tác tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh công tác văn hóa, truyền thông cho phụ nữ; ban hành Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới đến năm 2020, Chương trình mục tiêu Bình đẳng giới đến năm 2015; Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ba là, Nhà nước đã chú trọng bảo đảm sự tham gia, đóng góp và hưởng lợi của nữ giới và nam giới trên mọi lĩnh vực đặc biệt là trong chính trị thể hiện ở các vị trí chức danh quản lý, lãnh đạo. Đây chính là thành quả của việc thực thi ý thức pháp luật về bình đẳng giới và cũng là biểu hiện của sự hình thành ý thức pháp luật.
Bốn là, cùng với lĩnh vực chính trị, kinh tế, bình đẳng giới còn được thể hiện trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, gia đình và các lĩnh vực khác(10). Điều này là kết quả của việc thay đổi, nâng cao nhận thức và hình thành ý thức pháp luật về bình đẳng giới(11).
– Bất cập, hạn chế(12)
Thứ nhất, định kiến giới vẫn còn phổ biến trong nhân dân, gây khó khăn cho việc nâng cao ý thức pháp luật về bình đẳng giới. Nam giới có đặc quyền đặc lợi còn phụ nữ bị yếu thế. Đây chính là lý do gây áp lực cho cả hai giới trong việc thực hiện vai trò, trách nhiệm và quyền lợi trong cuộc sống. Định kiến giới thể hiện rõ trong các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, nghề nghiệp việc làm… ảnh hưởng sâu sắc đến sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế cũng như thăng tiến(13).
Thứ hai, tỷ lệ nữ tham gia quản lý lãnh đạo còn thấp, không đồng đều ở các lĩnh vực, khu vực chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ trong xã hội(14). Báo cáo nghiên cứu thực trạng về bình đẳng giới của UNDP (Báo cáo Liên hợp quốc năm 2021), tỷ lệ phụ nữ tham chính còn hạn chế, đặc biệt, đối với các vị trí cấp chiến lược(15). Tỷ lệ nữ trong hội đồng quản trị của các công ty niêm yết công khai thấp 15,4% (Thái Lan 20,4%) và 47% công ty niêm yết tại Việt Nam không có phụ nữ tham gia hội đồng quản trị và chỉ có 17% doanh nghiệp lớn là do phụ nữ điều hành. Đồng thời, tỷ lệ phụ nữ tham gia trong các ngành, nghề liên quan đến quy hoạch đô thị, giao thông, xây dựng và năng lượng cũng như trong quá trình ra quyết định về quy hoạch đô thị là rất ít(16). Đặc biệt đối với các vị trí chủ chốt của chính quyền thì sự tham gia của phụ nữ còn thấp(17).
Thứ ba, chênh lệch về thu nhập giữa lao động nam và lao động nữ. Trên thực tế, thu nhập của nữ giới hiện vẫn còn kém hơn so với nam giới(18). Báo cáo cũng cho rằng, việc xóa bỏ khoảng cách giới trong giáo dục vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách giới về chất lượng việc làm, thu nhập hoặc các công việc ra quyết định. Thực trạng này bắt nguồn từ gánh nặng kép của phụ nữ, mà điều này có nguyên nhân từ định kiến giới, ý thức pháp luật về vị trí, vai trò và quyền bình đẳng của phụ nữ.
Thứ tư, thực trạng ngược đãi phụ nữ trong gia đình vẫn tồn tại trong tất cả các nhóm xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và những vùng kinh tế kém phát triển trở thành vấn đề nghiêm trọng(19). Bạo lực gia đình không chỉ là đánh đập, hành hạ về thể xác, mà còn về tinh thần, bạo lực về tình dục, bạo hành về mặt xã hội. Các số liệu trong Báo cáo Liên hợp quốc năm 2021 cho thấy, tình hình bạo lực gia đình hiện nay còn khá cao. Nguyên nhân chính là do các chuẩn mực giới truyền thống vẫn đang tồn tại cùng với sự kỳ thị từ phía xã hội và khuynh hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Đây là những yếu tố cản trở sự hình thành ý thức pháp luật đúng đắn về bình đẳng giới(20).
Thứ năm, việc triển khai quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế chưa đạt hiệu quả mong muốn. Việc xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình, thủ tục lồng ghép giới, vấn đề giới không được phân tích, xác định nên không có đánh giá tác động, cũng như đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề giới đặt ra trong giai đoạn xây dựng dự án và thẩm định dự án. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ công tác lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về bình đẳng giới.
4. Giải pháp nâng cao ý thức pháp luật về bình đẳng giới
Một là, nâng cao ý thức pháp luật bình đẳng giới trên cơ sở thay đổi nhận thức truyền thống về bình đẳng giới(21)
Vấn đề trọng tâm và mục tiêu hàng đầu là cần thay đổi quan niệm truyền thống về bình đẳng giới. Việc tạo ra và nâng cao ý thức pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện theo các giai đoạn, bắt đầu từ việc hiểu được bản chất bình đẳng giới sẽ dẫn đến tạo điều kiện để nhạy cảm giới (nhận thức giới), kết quả là nhận thức được vấn đề giới trong công việc, cách xử sự, hành động. Tiếp theo, từ nhạy cảm giới tiến đến mức độ cao hơn là trách nhiệm giới. Cuối cùng, từ nhận thức giới được thay đổi thông qua hình tượng giới, hành vi giới sẽ thay đổi dần theo hướng tiến bộ bình đẳng nam nữ(22).
Do đó, cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục thường xuyên về kiến thức giới và bình đẳng giới cho toàn dân. Đây phải là một trong những công cụ quan trọng và hiệu quả để xây dựng ý thức pháp luật về bình đẳng giới, góp phần chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới. Vấn đề bình đẳng giới cần được tiến hành lồng ghép trong nhiều hoạt động chuyên đề của từng cơ quan và trong nhiều chương trình, dự án kinh tế – xã hội khác ở các cấp, ngành, địa phương. Bám sát với từng đối tượng, khu vực đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và có thể đưa vào trường học, tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng và các hoạt động giao lưu, trao đổi, tư vấn…
Hai là, tổ chức thực hiện pháp luật bình đẳng giới thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao ý thức pháp luật
Đây là nhiệm vụ cần được tổ chức thực hiện đồng bộ. Ở cấp quốc gia, Chính phủ cần thiết phải xây dựng các kế hoạch, chương trình tổng thể có mục tiêu, lộ trình rõ ràng nhằm nâng cao ý thức pháp luật của toàn dân về bình đẳng giới. Đồng thời, cần xây dựng và thực hiện một chiến lược truyền thông quốc gia hướng đến tác động và làm thay đổi các chuẩn mực xã hội mang tính định kiến về giới thông qua việc chứng minh bằng các dữ liệu về tác động tiêu cực của các chuẩn mực đó đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Ở địa phương, cần xây dựng các kế hoạch thực hiện cụ thể. Trách nhiệm nâng cao ý thức pháp luật bình đẳng giới không tập trung ở bất kì cơ quan nào mà cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị(23).
Ba là, phổ cập kiến thức pháp luật và chú trọng nâng cao ý thức pháp luật thực hiện nghiêm túc bình đẳng giới
Thứ nhất, công tác phổ cập kiến thức pháp luật và năng cao ý thức pháp luật về bình đẳng giới phải được thực hiện hiệu quả từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thực hiện công tác bình đẳng giới. Do đó, các cơ quan, đoàn thể cần có kế hoạch, biện pháp tăng cường tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới cho cộng đồng.
Thứ hai, cần tăng cường đào tạo, tập huấn về giới và bình đẳng giới cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các ban ngành, đoàn thể, những cán bộ trực tiếp tiến hành các hoạt động liên quan đến việc bảo đảm và thực hiện quyền bình đẳng giới. Nắm vững kiến thức pháp luật sẽ giúp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới được thực hiên tốt và bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Thứ ba, các tổ chức chính phủ, xã hội dân sự và giới truyền thông giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả các chính sách và quy định về bình đẳng giới. Nhà nước cần coi việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới là yếu tố quan trọng để xây dựng ý thức pháp luật. Tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra và truy cứu trách nhiệm kịp thời, nghiêm minh đối với các vi phạm liên quan đến bình đẳng giới.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác thực hiện lồng ghép giới
Các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức cần quán triệt quan điểm giới trong công việc và tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo các chính sách không làm trầm trọng thêm sự cách biệt giới và đề ra được các biện pháp thúc đẩy giới. Cần có khung chính sách cụ thể trong phương pháp lồng ghép giới thể hiện rõ cam kết của Nhà nước đối với mục tiêu bình đẳng giới, đưa ra các cơ chế rõ ràng để đạt được mục tiêu, phân bổ nguồn lực để triển khai hoạt động, đưa ra các khung trách nhiệm, giám sát và đánh giá một cách hiệu quả(24).
Năm là, xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật phù hợp mục tiêu bình đẳng giới
Hệ thống luật pháp về bình đẳng giới sẽ xác định khả năng tiếp cận cơ hội của nữ giới trên mọi lĩnh vực, tạo lập “sân chơi” thể chế bình đẳng cho nữ giới và nam giới. Vì vậy, thời gian tới, cần đẩy mạnh củng cố và hoàn thiện khung pháp lý về bình đẳng giới, thông qua việc sửa đổi Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân, Gia đình và Luật Bảo hiểm xã hội… trong đó, cần chú trọng lồng ghép bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật. Tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Bình đẳng giới năm 2006, trên cơ sở đánh giá kết quả, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó đề xuất những nội dung cần được bổ sung và hoàn thiện.
5. Kết luận
Sau hơn 17 năm thi hành, Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã đạt được những kết quả khả quan, khoảng cách bình đẳng nam, nữ dần được rút ngắn, vị thế người phụ nữ được cải thiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định do ý thức pháp luật của người dân về bình đẳng giới là một rào cản lớn, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và công bằng xã hội. Chính vì vậy, việc nâng cao ý thức pháp luật bình đẳng giới là cơ sở quan trọng thực hiện bình đẳng giới đạt hiệu quả, từ đó tạo cơ hội và điều kiện phát triển về mọi mặt cho cả nam và nữ góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước. Do đó, cần thiết phải coi ý thức pháp luật bình đẳng giới là nội dung cốt lõi thực hiện bình đẳng giới đạt hiệu quả. Các giải pháp trên đã phân tích mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại từng mặt lẫn nhau của việc nâng cao ý thức pháp luật về bình đẳng giới./.
————————————————-
(1) Báo Điện tử Đảng Công sản Việt Nam, Nỗ lực hiện thực các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên phạm vi toàn cầu, 2011, https://dangcongsan.vn
(2) và (3) Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2013, tr.70 và 175
(4) Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2006, tr.405
(5) Lê Chiêu Nghi, Giới và dự án phát triển, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr.6
(6) Lê Hoàng Hải Liên, Thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018, tr.15-16
(7), (11) và (22) La Thị Quế, Xây dựng ý thức pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2013, tr.128, 64 và 86
(8) Báo Điện tử Chính phủ, Bình đẳng giới để hướng đến phát triển bền vững, https://baochinhphu.vn, 2022
(9) Báo Điện tử Chính phủ, Nhiều thành tựu từ bình đẳng giới ở Việt Nam, https://baochinhphu.vn, 2022; Trang Thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương, Bình đẳng giới – cốt lõi của sự phát triển bền vững, http://hdll.vn, 2021; Trương Thị Điệp, “Bình đẳng giới ở Việt Nam, thành tựu và thách thức trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Lao động và Xã hội, http://laodongxahoi.net, 2018
(10), (13) và (16) Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam 2021, https://asiapacific.unwomen.org, tr.21-25, 26-27 và 27-28
(12) Trương Thị Điệp, Bình đẳng giới ở Việt Nam, thành tựu và thách thức trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Lao động và Xã hội, http://laodongxahoi.net, 2018
(14) Báo Điện tử Chính phủ, Nhiều thành tựu từ bình đẳng giới ở Việt Nam, https://baochinhphu.vn; UNDP, “Sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và quản lý”, https://www.vn.undp.org, 2022
(15) Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa X đạt 26,2%, khóa XI đạt 27,3%, khóa XII đạt 25,7%, khóa XIII đạt 24,4%, khóa XIV đạt 26,8%, khóa XV đạt 30,26%. Theo Đỗ Thị Hiện (2022), “Phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn, 2022
(17) Hà Thị Khiết, Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị các cấp ở nước ta trong thời gian tới, https://www.tapchicongsan.org.vn, 2020
(18) và (20) Theo Báo cáo Liên hợp quốc năm 2021, tính trung bình, thu nhập của phụ nữ Việt Nam thấp hơn so hơn nam giới, Xem: Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam 2021, https://asiapacific.unwomen.org, 2021, tr.110 và tr.166-182
(19) Báo Điện tử Chính phủ, Nhiều thành tựu từ bình đẳng giới ở Việt Nam, https://baochinhphu.vn, 2022
(21) Tạp chí Lao động và Xã hội, http://laodongxahoi.net
(23) và (24) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Giới trong lãnh đạo, quản lý (Dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị), Nxb Lý luận chính trị, 2021, tr. 127 và 128
(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 03/2023)