TS. NGUYỄN ĐỨC TOÀN(*)
PGS, TS. ĐOÀN THẾ HÙNG(**)

(*) và (**) Trường Đại học Quy Nhơn

Tóm tắt: Quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đã có lịch sử lâu dài và trải qua nhiều thăng trầm. Hơn hai thập kỷ từ khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ không ngừng phát triển và đi vào thực chất trên nhiều lĩnh vực. Dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao có nhiều bước tiến mới trên cơ sở xác định lòng tin chiến lược và sự đồng thuận quan điểm trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, nhất là vấn đề biển Đông. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Từ khóa: chính trị – ngoại giao; quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ; Tổng thống Donald Trump

1. Dẫn nhập
Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, từ khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố về việc Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam thì sự cải thiện trong quan hệ giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực đã diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức (năm 2017), quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao tiếp tục có những bước tiến thuận lợi. Có thể thấy, những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước từ năm 2017 đến năm 2020, cũng như sự đồng thuận, tăng cường vai trò trên các diễn đàn song phương, đa phương đã góp phần nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở lòng tin đôi bên cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền, thể chế chính trị của nhau. Quan trọng hơn, nó còn thể hiện bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ với Việt Nam, từ đó mở đường cho sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác.
2. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao được khẳng định trên cơ sở lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau
Quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua đạt được những dấu ấn đặc biệt, trước hết được xác định dựa trên cơ sở lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thúc đẩy một cách thực chất quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, vì lợi ích giữa nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Có thể nói, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đã có lịch sử lâu dài và thăng trầm. Một trong những căn nguyên là giữa hai nước chưa xây dựng được niềm tin vững chắc. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ hơn hai thập kỷ trước, các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước đã tạm gác quá khứ, khắc phục sự khác biệt, xây dựng những điểm tương đồng, nhìn về tương lai và không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương. Động lực cho quan hệ đối tác toàn diện song phương Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục được duy trì và có những bước tiến mới dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Donald Trump. Hợp tác giữa hai nước trở nên hiệu quả và thực chất hơn trên nhiều phương diện, như chính trị, đối ngoại, kinh tế, thương mại, y tế, vấn đề nhân đạo, khoa học và công nghệ…
Trong khuôn khổ quan hệ song phương, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên của khu vực Đông Nam Á và là người thứ ba từ châu Á (sau Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) đến thăm Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức năm 2017(1). Từ chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD về trao đổi hàng hóa và dịch vụ công nghệ, mà Tổng thống Donald Trump mô tả là kết quả đôi bên cùng có lợi: “Việt Nam vừa thực hiện một đơn đặt hàng rất lớn ở Hoa Kỳ với nhiều tỷ đô la và chúng tôi đánh giá cao điều đó. Việc làm này một lần nữa tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Hoa Kỳ đến Việt Nam”(2). Hai bên ra Tuyên bố chung về tăng cường đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuyên bố nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đồng thời mang tính chiến lược. Theo đó, “Với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương có lợi ích và cam kết rộng khắp châu Á – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ chia sẻ với Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ thúc đẩy các cơ hội thông qua việc tăng cường quan hệ đối tác toàn diện dựa trên việc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau”(3).
Có thể nói, Tuyên bố chung về đối tác toàn diện của Việt Nam ký với Hoa Kỳ tiếp tục đánh dấu mốc quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, không chỉ có ý nghĩa quan trọng, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển song phương sâu rộng của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, mà còn vì lợi ích chung của nhân dân hai nước. Từ mối quan hệ “đối tác toàn diện” tới “đối tác chiến lược” hay “đối tác chiến lược toàn diện” có thể sẽ là tiến trình tiếp theo của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở lợi ích chung vì hòa bình, ổn định tại khu vực.
Về phía Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump cũng chọn Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên thăm và là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam ngay trong năm đầu nhiệm kỳ(4). Trong chuyến thăm 05 nước châu Á năm 2017, Việt Nam cũng là nước mà Tổng thống Donald Trump dành thời gian thăm lâu nhất, đồng thời được chọn để công bố chiến lược mới của Hoa Kỳ với khu vực. Những diễn biến này cho thấy, “mối quan tâm đặc biệt” và mong muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trái ngược với quan điểm khá tiêu cực về Chính quyền Tổng thống Donald Trump ở Hoa Kỳ và những nơi khác, công chúng Việt Nam duy trì nhận thức rất tích cực về vị Tổng thống này. Theo một khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu Pew (năm 2017), trong khi xếp hạng khả năng ưa thích đối với Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, ở hầu hết các quốc gia được khảo sát, Việt Nam là một trong sáu quốc gia nơi nhận thức về Hoa Kỳ được cải thiện, tăng từ 78% (năm 2015) lên 84% (năm 2017). Có đến 72% người Việt Nam được khảo sát coi Tổng thống Donald Trump là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, trong khi 71% tin rằng ông có đủ tư cách để trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Những tỷ lệ này rất đáng chú ý với mức trung bình toàn cầu tương ứng là 55% và 26%(5).
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump đại diện cho cột mốc quan trọng và là thời điểm tốt nhất trong lịch sử quan hệ song phương, mở ra tương lai rộng lớn cho những trang mới trong mối quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Qua đó, Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội trong việc xúc tiến các hoạt động thương mại để bảo đảm sự hỗ trợ cho quan hệ song phương. Hơn nữa, chính quyền của Tổng thống Donald Trump không quá chú trọng về ý thức hệ và các vấn đề nhân quyền, do vậy, quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ có thể tận dụng cơ hội thuận buồm xuôi gió, vì lợi ích của nhân dân hai nước, hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới(6). Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện cam kết Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi các quốc gia độc lập, tôn trọng chủ quyền của nhau, giữ vững luật pháp và thúc đẩy thương mại có trách nhiệm. Hoa Kỳ muốn các đối tác ở Ấn Độ – Thái Bình Dương tự hào và tự lực, không phải là một vùng đệm hay vệ tinh. Hoa Kỳ mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại song phương với các đối tác tuân thủ các nguyên tắc thương mại quan trọng là “công bằng và có đi có lại”. Để thương mại hoạt động, tất cả các quốc gia phải tuân thủ theo luật lệ”(7).
Trong khuôn khổ của chuyến thăm, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra Tuyên bố chung ngày 12/11/2017. Theo đó, lãnh đạo hai nước thảo luận về những biện pháp để củng cố và mở rộng quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai nước trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, các lợi ích và mong muốn chung thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thịnh vượng và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Lãnh đạo hai bên tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ trên cơ sở những tuyên bố chung trước đây giữa hai nước; tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đối với Việt Nam và khu vực: “Các nhà ngoại giao trước đây tin rằng chuyến thăm đã phản ánh sự tuyệt vời của Washington và là một dấu hiệu cho thấy sự đánh giá cao của Tổng thống Trump về vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”(8). Báo Nhân dân khẳng định: “Việt Nam khẳng định nhất quán coi trọng phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, hợp tác với chính quyền Tổng thống Donald Trump phát huy các kết quả hợp tác và tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương. Sự kiện quan trọng này một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”(9).
Tiếp đó, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội (ngày 27 và 28/02/2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, cũng như khẳng định chủ trương nhất quán trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đánh giá về quan hệ chính trị – ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian này, ông Anthony Nelson – Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại tập đoàn Albright Stonebridge, khẳng định: “Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã có các ưu tiên trong quan hệ với châu Á, trong đó có Việt Nam. Các quan chức Hoa Kỳ đã có nhiều công du tới châu Á. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ đang ưu tiên quan hệ với châu Á. Tôi cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam và rộng hơn là châu Á”(10).
3. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao đạt được sự đồng thuận quan điểm trong vấn đề biển Đông
Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, đặc biệt xu thế quốc tế hóa và khu vực hóa, hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục được duy trì và có những bước phát triển mới. Điều dễ nhận thấy là dù đi theo những con đường phát triển khác nhau, nhưng Việt Nam – Hoa Kỳ đã có nhiều điểm gặp gỡ trong cách nhìn nhận, đánh giá các vấn đề của khu vực và quốc tế. Ngay trong Chiến lược an ninh quốc gia Hoa Kỳ năm 2017, Tổng thống Donald Trump xác định Việt Nam là một quốc gia đang phát triển về an ninh, đối tác kinh tế và “đối tác hợp tác hàng hải” tiềm năng(11).
Với nhiều lợi ích song trùng, trên các diễn đàn đa phương, quan điểm của Việt Nam và Hoa Kỳ đều đánh giá cao vị trí, vai trò của nhau, hỗ trợ chân thành cùng phối hợp hiệu quả trong nhiều vấn đề, nhất là vấn đề biển Đông. Trong vấn đề này, quan điểm của Hoa Kỳ về cơ bản đồng thuận với Việt Nam, đồng thời phù hợp với lẽ phải, luật quốc tế và bởi thế về khách quan, Hoa Kỳ đã ủng hộ Việt Nam.
Những động thái mới của Trung Quốc trên biển Đông như đưa tàu khảo sát địa chấn và các tàu hộ tống vũ trang đến khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam vào tháng 7/2019 và tháng 4/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí trong biển Đông, bao gồm các hoạt động thăm dò và sản xuất lâu đời của Việt Nam(12). Trước hoạt động của Trung Quốc tại khu vực xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam năm 2019, Chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ đều lên tiếng. Ngày 26/7/2019, Hạ nghị sĩ Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ tuyên bố: “Các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở biển Đông là minh chứng cho việc một nước công khai đi ngược lại luật pháp quốc tế. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, hành động của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ngoài ra, cách hành xử của Trung Quốc đe dọa các công ty của Mỹ đang hoạt động trong khu vực”(13).
Tiếp đó, ngày 31/7/2019, bốn nghị sĩ có thế lực nhất của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là Jim Risch, Bob Menendez, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban; Cory Gardner và Edward Markey, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương cũng ra tuyên bố gọi hành động của Trung Quốc là có tính “cưỡng ép” và đề nghị Ngoại trưởng Hoa Kỳ xem biển Đông là nội dung “ưu tiên” trong các cuộc gặp ASEAN tại Thái Lan sau đó (ngày 03/8/2019)(14).
Quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề an ninh hành hải và biển Đông tiếp tục được nhắc tới trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper vào ngày 20/11/2019 (trong khuôn khổ chuyến thăm 4 nước châu Á, gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và cuối cùng là Việt Nam, nhân dịp dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Thái Lan. Chủ đề xuyên suốt trong các cuộc gặp của ông với các đối tác là việc cần thiết phải duy trì trật tự, an ninh, thịnh vượng dựa trên luật pháp quốc tế cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương truớc những thách thức đang nổi lên. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cáo buộc Trung Quốc sử dụng sức mạnh đe dọa các nước láng giềng, đồng thời kêu gọi sự hợp tác của các quốc gia chống lại sức mạnh đó: “Nhìn chung, chúng ta phải đoàn kết và hợp tác chống lại sự ép buộc và đe dọa từ phía họ (Trung Quốc), bảo vệ quyền của tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ”(15). Hoa Kỳ coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, mong muốn một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nêu vấn đề Biển Đông, ông tái khẳng định ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bộ trưởng khẳng định mạnh mẽ, Hoa Kỳ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề biển Đông. Hoa Kỳ sẽ nỗ lực đóng góp tích cực vào bảo đảm hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông.
Về lĩnh vực an ninh hàng hải, Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để cải thiện khả năng quốc phòng, bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông. Sự hiện diện của tàu sân bay USS Carl Vinson Hoa Kỳ tháng 3/2018 và tàu USS Theodore Roosevelt tháng 3/2020 tại cảng Đà Nẵng tiếp tục khẳng định quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Hoa Kỳ trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh, đồng thời sẽ “thúc đẩy lòng tin cũng như sự hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông”(16). Mặt khác, từ năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận quân sự Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Sự kiện này chứng tỏ khả năng hợp tác và ứng phó hiệu quả với các diễn biến phức tạp trên biển Đông giữa hai nước; đồng thời, mở ra cơ hội để Việt Nam từng bước tham gia vào các cơ chế song phương, đa phương hàng hải với các nước lớn trên thế giới.
Những diễn biến tình hình biển Đông trong năm 2020 tiếp tục khẳng định quan điểm Hoa Kỳ trong việc phản đối hành động của Trung Quốc ở khu vực, ủng hộ tự do an ninh hàng hải, chủ quyền Việt Nam. Trước hành động đánh chìm tàu cá của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (tháng 4/2020), Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc lợi dụng đại dịch COVID-19 nhằm tăng cường sức mạnh và các yêu sách hàng hải ở biển Đông. Theo đó, “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của các đồng minh và đối tác của chúng tôi để đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương”(17). Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng cấp cao Đông Á lần thứ 10 ngày 09/9/2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tiếp tục bày tỏ quan ngại về những hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông, đồng thời nhắc lại rằng Hoa Kỳ, dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về biển Đông năm 2016 coi các yêu sách hàng hải bành trướng của Bắc Kinh ở biển Đông là phi pháp(18).
Như vậy, quan điểm trong hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ về quốc phòng – an ninh không chỉ đơn thuần là khắc họa những lợi ích chung mà còn chỉ ra những mối đe dọa mà cả hai nước phải đối mặt trong một thế giới và khu vực nhiều biến động khó lường, nhất là vấn đề biển Đông. Giai đoạn hiện nay, để bảo vệ tốt hơn các vấn đề tự do hàng hải của mình trên biển Đông, Việt Nam có thể tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác quốc phòng – an ninh với các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ. Thế nhưng, đến nay chưa có quốc gia nào tích cực hơn trong việc lên tiếng ủng hộ Việt Nam về vấn đề biển Đông như Hoa Kỳ(19).
4. Kết luận
Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi được bình thường hóa. Có thể thấy, đây là mối quan hệ của hai dân tộc, hai quốc gia có nhiều thăng trầm trong quá khứ, nhưng được xây dựng trên nền tảng của lòng tin chiến lược, sự thấu hiểu lẫn nhau. Cùng thời gian này, mối quan hệ không ngừng được củng cố, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, ngày càng sâu rộng và hiệu quả, trở thành mối quan hệ hữu nghị điển hình, nhất là dưới thời kỳ của Tổng thống Donald Trump. Trước sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực, trong bối cảnh mới, quan hệ giữa hai quốc gia vẫn tiếp tục tiến triển thêm một bước. Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều có những lợi ích, lòng tin, tiềm năng, điểm tương đồng trong chính sách đối ngoại, trên các diễn đàn song phương, đa phương quốc tế. Mặc dù vẫn còn những khác biệt không thể phủ nhận là lực cản trong quan hệ giữa hai nước, song cùng với “sự tin cậy thay thế cho nghi ngờ, tôn trọng thay cho thù ghét”, những điểm tương đồng tự nhiên về lợi ích, nhất là những lợi ích chiến lược của hai bên sẽ thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển trong tương lai./.

——————————————

(1) Kế thừa kết quả tốt đẹp các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước trong những thập niên trước, khởi đầu cho thời kỳ mới, ngày 31/5/2017 theo giờ địa phương (sáng ngày 01/6/2017 giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã đón tiếp và hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng
(2) Roberta Rampton, David Brunnstrom, “Trump Hails Deals Worth ‘Billions’ with Vietnam”, Reuters, 1 June 2017, from https://www.reuters.com/article/us-usatrade-vietnam-trump/trump-hails-deals-worth-billions-with-vietnamidUSKBN18R30C, ngày đăng bài 01/06/2017
(3) https://vietnamconsulate-sf.org/vi/2017/06/01/tuyen-bo-chung-viet-nam-hoa-ky/, ngày đăng bài 01/06/2017
(4) Chiều ngày 11/11/2017, sau khi tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rời thành phố Đà Nẵng, tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong 2 ngày 11 và 12/11 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Donald Trump và diễn ra ngay trong năm cầm quyền đầu tiên, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới
(5) Pew Research Center, U.S. Image Suffers as Publics Around World Question Trump’s Leadership Retrieved 13 November, 2017, from http://www.pewglobal.org/2017/06/26/u-s-image-suffers-as-publics-around-worldquestion-trumps-leadership/, ngày đăng bài 26/06/2017
(6) Le Hong Hiep, Making Deals: President Trump’s Visit to Vietnam, ISEAS YUSOF ISHAK INSTITUTE, Singapore, 22 November 2017, pp.6
(7)https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/remarks-president-trump-president-quang-vietnam-joint-press-conference-hanoi-vietnam/, ngày đăng bài 12/11/2017
(8) Lê Hồng Hiệp, Đánh giá tác động chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump, http://nghiencuuquocte.org/2017/12/21/danh-gia-tac-dong-chuyen-tham-viet-nam-cua-tt-trump/, ngày đăng bài 21/12/2017
(9) https://nhandan.org.vn/chinhtri/item/34678002-buoc-phat-trien-moi-trong-quan-he-doi-tac-toan-dien-viet-nam-hoa-ky.html, ngày đăng bài 10/11/2017
(10) Hồng Vân, Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiêp tục phát triển ổn định, sâu rộng, https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/quan-he-viet-nam-hoa-ky-tiep-tuc-phat-trien-on-dinh-sau-rong-659851.vov, ngày đăng bài 09/07/2018
(11) The White House, The National Security Strategy (NSS), December 2017, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2017/12/NSS-Final-12-18-2017-0905.pdf, ngày đăng bài 18/12/2017
(12) U.S. State Department’s Press Statement on “Chinese Coercion on Oil and Gas Activity in the South China Sea”, from https://obamawhitehouse.archives.gov/the-pressoffice/2015/07/07/united-states-%E2%80%93-vietnam-joint-vision-statement, ngày đăng bài 07/07/2015
(13) Lê Đình Tĩnh, Chính sách đối ngoại Mỹ: tiếp cận từ thuyết hiện thực mới và trường hợp Việt Nam sau khi bình thường hóa quan hệ đến nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.230
(14)https://www.foreign.senate.gov/press/chair/release/risch-menendez-gardner-markey-statement-on-chinas-unlawful-activities-in-the-south-china-sea, ngày đăng bài 31/07/2019
(15) Phil Stewart, James Pearson, U.S. to provide ship to Vietnam to boost South China Sea patrols, Reuters, 20 November 2019, from https://www.reuters.com/article/us-vietnam-usa-military/usto-provide-ship-to-vietnam-to-boost-south-china-sea-patrols-idUSKBN1XU0UP, ngày đăng bài 20/11/2019
(16) Tomas Jevsejevas , Vietnam’s increasing Naval Diplomacy and future Possibilities, Maritime Issue, 20 May 2020, http://www.maritimeissues.com/politics/vietnams-increasing-navaldiplomacy-and-future-possibilities.html, ngày đăng bài 20/5/2020
(17) U.S. Department of Defense, China Coast Guard Sinking of a Vietnam Fishing Vessel, 9 April 2020, from https://www.defense.gov/Newsroom/Releases/Release/Article/2143925/china-coast-guardsinking-of-a-vietnam-fishing-vessel/, ngày đăng bài 09/04/2020
(18) U.S. Department of State, Secretary Pompeo’s Participation in the 10th East Asia Summit Virtual Foreign Ministers Meeting from https://www.state.gov/secretary-pompeos-participation-in-the-10th-east-asia-summit-virtual-foreign-ministers-meeting/, ngày đăng bài 09/09/2020
(19) Huynh Tam Sang, Vietnam Edging Towards America, ISEAS Yusof Ishak Institute, ISSUE: 2020, No.102, Singapore, 10 September 2020, 2020, pp.4

Tạp chí Khoa học Chính trị Số 07/2022