HỒ TỐ ANH(*)
(*) Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Một số đặc điểm về lễ Vu lan tại chùa Phước Tường
– Về khái niệm Vu lan
Theo Từ điển Phật học Hán Việt: Vu lan bồn: Uilambana (Hành sự). Dịch là Đảo huyền, chỉ nỗi đau khổ cùng cực. Vu lan bồn Kinh sớ của Tông Mật nói: “Vu lan là từ ngữ của Tây Vực, nghĩa là đảo huyền, bồn là âm của Đông Hạ vẫn là đồ dùng cứu chữa. Nếu nói theo cách địa phương thì phải nói là Cứu đảo huyền bồn”(1).
Theo Wiki, Vu lan (chữ Hán: 盂蘭; sa. ullambana) là từ viết tắt của Vu-lan-bồn (盂蘭盆), cũng được gọi là Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏), là cách phiên âm Phạn-Hán từ danh từ ullambana. Ullambana có gốc từ động từ ud-√lamb, nghĩa là “treo (ngược) lên”. Như vậy, Vu lan bồn hay “Giải đảo huyền (解倒懸), có thể được các “đại sư Trung Quốc lấy ý từ câu: Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã trong Mạnh Tử, chương 3 Công Tôn Sửu Thượng, chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng ở cảnh giới Địa ngục”; Vu lan còn được gọi là lễ Báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo (Đại thừa Bắc tông) và phong tục Việt Nam cũng như một số quốc gia có tín ngưỡng Phật giáo, như Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Vu lan Thắng Hội: Theo HT. Thích Giác Hạnh, thắng hội là lễ hội thù thắng và tối thắng. Bởi lẽ, ngày rằm tháng bảy là ngày “Phật đà hoan hỷ”: (1) tuổi đạo của mỗi vị tỷ kheo được tính sau kỳ mãn hạ; (2) ngày cha mẹ/ông bà hoan hỷ; (3) Pháp Vu lan bồn có hai vị Thánh Tăng tham dự lễ hội: một là Tôn giả Mục Kiên Liên – người đương cơ, hai là Đệ nhất La Hán là Tân Đồ Lô Phả La Đọa Xà Tôn giả tác đại chứng minh. Do đó, Đại lễ Vu lan được gọi là Thắng Hội…
– Về khái niệm chữ Hiếu
Theo Đại từ điển tiếng Việt, chữ Hiếu: (1) hiếu chỉ lòng kính yêu và biết ơn đối với cha mẹ, như: người con có hiếu, có hiếu, hiếu dưỡng, hiếu đạo; hiếu thảo, hiếu thuận, hiếu hạnh…; (2) hiếu chỉ sự ham thích như: hiếu học, hiếu danh, hiếu sinh, hiếu kỳ, hiếu thắng(2)…; theo Từ điển tiếng Việt, chữ Hiếu bắt nguồn từ việc yêu kính cha mẹ, kính trên nhường dưới, tri ân với những ai đã cưu mang, giúp đỡ mình và biết quý trọng sinh mệnh, sự sống của vạn vật(3).
Theo Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh, Hiếu: hết lòng thờ cha mẹ; Hiếu đạo: phụng dưỡng cha mẹ; Hiếu Hạnh: lòng kính yêu đối với cha mẹ; Hiếu thuận: hiếu thảo và phục tùng cha mẹ; Hiếu tử: con biết kính yêu cha mẹ…
Về tính lịch sử, lễ Vu lan bồn có thể lấy mốc từ năm 538 ở Trung Hoa, du nhập vào Việt Nam chưa có công bố cụ thể thời gian nào. Đến nay, mùa Vu lan trở thành lễ hội báo hiếu trong phạm vi cả nước, nhằm: (1) ôn những giá trị truyền thống của Kinh Vu lan – Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi cái khổ treo ngược; (2) giá trị Hiếu đạo của văn hóa dân tộc; (3) những vấn đề về việc thực hành chữ Hiếu thời công nghiệp.
Lễ Vu lan bồn, theo GS. Seishi Karashima, “tên của lễ hội này được dựa vào kinh Vu lan bồn… được cho là do Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa, khoảng 265?-311 TL) dịch, rõ ràng là phỏng theo kinh Vu lan bồn”(4). Theo Phật Tổ thông kỷ (được biên soạn giữa 1258 – 1269), Lương Võ Đế đã thăm viếng chùa Đông Thái – ngôi chùa ông ra lệnh xây dựng, và tổ chức trai lễ Vu lan bồn ở đó vào năm 538 TL…”; “sự phổ biến của bản kinh và lễ hội Vu lan ở cả hai bên bờ sông Trường Giang từ thế kỷ VI trở về sau”(5).
Theo HT. Thích Nguyên Hiền, trong bài viết Nguồn gốc lễ Vu lan, nghĩa của Vu Lan bồn: “Chén bát là bồn, bách vị ngũ quả là thức ăn, giải cái khổ treo ngược nơi ngạ quỷ. Nhiếp tâm là bồn, mười chi là thức ăn, giải cái khổ nơi ngũ dục… Nhất tâm là bồn, bất tư nghì quán là thức ăn, giải cái khổ nơi Nhị biên…; Vô minh là cha, tham ái là mẹ, ngay nơi đó được giải thoát. Trí độ là mẹ, phương tiện là cha, nhậm vận tự tại mà nhập vào trí huệ Vô công dụng, cho nên gọi là Vu lan bồn”(6).
Giải nghĩa Kinh, theo Ngài Trí Húc đại sư, dụng đủ cả thể, dụng, tướng, tông, giáo nhằm bảo đảm “sự – lý viên dung”, vì “nếu không sự thì lý quán biết dựa vào đâu? Nếu không lý quán thì lực dụng của sự sẽ không sâu sắc”. Như vậy, “nếu không quán tâm để phân biệt rõ cái thể ấy của Kinh thì làm sao nói rằng trong mỗi sát na đều nhớ nghĩ đến cha mẹ mà tu Hiếu từ đây”?(7); “Giới tuy có nhiều vô lượng, nhưng lấy Hiếu làm Tông. Vạn hạnh tuy nhiều, nhưng Hiếu hạnh vẫn là đứng đầu”. Chư Phật và Bồ tát cũng vì “muốn báo đáp thâm ân mà tu Thánh đạo”.
Ở một số quốc gia, như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…, có tín ngưỡng/đạo thờ cúng cha mẹ/ông bà/tổ tiên, quan niệm rằm tháng bảy âm lịch là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân được thoát sanh về cảnh giới an lành. Như vậy, giữa lễ cúng vong nhân và lễ Vu lan bồn có gì khác và tương đồng?
Về nét tương đồng: thời gian, không gian là rằm tháng bảy âm lịch hằng năm và chủ thể thực hành lễ nghi (theo quan niệm dân gian) cùng mục đích là muốn báo đáp công ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên… Về nét khác biệt: (1) lễ Vu lan có nguồn gốc, xuất xứ từ Kinh Vu lan – lời Đức Phật chỉ dạy về nguyên nhân và cách thức thực hành Hiếu đạo; (2) tính chân lý: giải cứu đảo huyền khỏi cái khổ cùng cực là thoát sinh tử luân hồi theo nhân sinh quan và vũ trụ quan Phật giáo.
Như vậy, lễ Vu lan có: (1) nguồn từ sự tích về Mục Kiền Liên báo ân cha mẹ; (2) thời gian và không gian của mùa Vu lan: rằm tháng bảy âm lịch; (3) thực hành Hiếu Hạnh, nhằm báo ân cha mẹ, ông bà, cộng đồng…; riêng, ở các chùa Việt Nam nói chung và chùa Phước Tường nói riêng đều thực hiện nghi thức “hoa hồng cài áo”, được “cử hành khoảng 50 năm trở lại đây(8).
Chùa Phước Tường tọa lạc tại số 13/32 đường 102 Phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập năm 1741, do Thiền sư Linh Quang (Phật chiếu 1763 – 1788) đời thứ 35 thiền phái Lâm Tế khai sơn. Chùa Phước Tường được trùng tu nhiều lần dưới thời nhà Nguyễn. Kiến trúc ngôi chùa ngày nay là kết quả của những đợt trùng kiến vào những năm 1930; năm 1950 (do đệ tử là Hồng Điệp – Bửu Ngọc trùng tu); các công trình hiện nay do HT. Thích Nhựt An xây dựng.
Từ cơ sở này để nhận định rằng, lễ Vu lan là một trong lễ hội quan trọng của Phật giáo và là hoạt động văn hóa tâm linh của Phật tử và người dân khu vực thành phố Thủ Đức nói chung và chùa Phước Tường nói riêng.
– Các nghi thức thực hành lễ
Trước lễ: (1) chuẩn bị trang nghiêm nơi thờ cúng, gồm: hương/đăng/quả/phẩm; (2) thanh tịnh nơi thân tâm: vệ sinh thân thể/trang phục…; (3) nghi thức thắp hương/niệm hương… để ổn định tinh thần/thanh tịnh thân tâm.
Hiện lễ gồm các nghi thức như: (1) xướng – khởi lễ (ngôn từ-mật niệm/khẩu): (2) hành vi lễ – thân thực hành các pháp lễ Phật/Tam bảo…, theo cư sỹ Khánh Vân, có bốn cách: (3) lễ nép thân mình sát đất (ngũ thể đầu địa – năm điểm thân thể tiếp đất, tức hai chân, hai tay và đầu)(9); (4) lễ đứng là một trong tư thế lễ, nếu cung kính thì lợi lạc không kém. Trong Kinh Phương Quảng Bảo Kháp: “nếu thấy Kinh, sách, phải coi như thấy Phật, thân phải nghiêm chỉnh, không nghiêng, không vẹo, không lay, không động. Tâm vắng lặng không khởi lên một mảy may phiền não. Dù đứng mà lễ nhưng với sự thành kính, tịch tĩnh thì như thế chính là lễ Phật.
Phần Khai đàn Vu lan bồn hội, thực hành các nghi thức:
(1) Nghi thức mở đầu: “Đóng đại hồng chung”(10); đánh trống Bát Nhã; Tịnh Pháp giới chân ngôn; kết giới đàn; Tịnh tam nghiệp chân ngôn…;
(2) Nghi thức khai lễ: cúng hương; xá; đọc/tụng/niệm các bài kệ: tán thán Phật, kỳ nguyện, kệ quán tưởng…; đảnh lễ; đọc/tụng/niệm bài tán hương; đọc/tụng/niệm các Thần chú Phật giáo; kết phần khai lễ (do chủ lễ thực hiện); đọc/tụng/niệm danh hiệu của vị Phật/Bồ tát theo nội dung kinh.
(3) Nghi thức thực hành chính lễ Vu lan: Nghi thức đọc/tụng bản kinh Vu lan: âm lượng (vừa phải)/âm tiết (rõ ràng, mạch lạc) và âm vực hòa với đạo tràng; tâm ý theo kịp lời kinh để hòa hợp giữa khẩu đọc/tụng/niệm, tâm suy tư, tiếp nhận ý nghĩa kinh điển; Thực hành nghi thức lễ dâng hoa cúng Phật; Lễ cúng dường Tam bảo: là sự tổng hòa các hành vi từ thân đến tâm ý; Lễ cúng dường Trai tăng/Tự tứ – kiết hạ mùa An cư.
Buổi chiều của ngày Đại lễ là thực hành lễ Mông Sơn Thí Thực để tiến thí chư vị Cô Hồn, chú trọng đến việc siêu độ các oan hồn, uổng tử, chiến sỹ trận vong… không nơi nương tựa. Sau lễ Mông Sơn Thí Thực là lễ Truy Tiến Tiên Linh.
Kết lễ: thực hành nghi thức lễ Tạ Phật Hoàn Kinh. Tất cả những ai tham gia phục vụ trong suốt thời gian lễ, từ vị Chứng Minh đến người làm công quả đều phải tạ lỗi của mình trước mười phương chư Phật, Thánh Hiền Tăng, cùng chư vị Thiện Thần, Hộ Pháp, Giám Trai, Giám Đàn về những lỗi, dù rất nhỏ hoặc vô tình hay cố ý gây ra, như: khi tán, tụng, xướng, bạch, thất nghi, các pháp khí chuông, mõ, tang, linh, khánh… không hòa với nhau; hương đèn nhang cắm không ngay thẳng; Công Văn viết lỡ sót chữ, sai dấu…; đọc sớ, điệp không đúng; nhà bếp nấu đồ cúng, đồ ăn không tinh khiết; người bưng dọn không cẩn thận, ngay ngắn, đàng hoàng, nói chuyện, gây ồn ào trong lúc hành lễ…; trai chủ (Ban Hộ Trì Tam Bảo) lòng thành nhưng chưa tinh tấn… Tất cả mỗi thành viên đều xin tạ lỗi về thiếu sót để Phật sự viên thành.
Kết quả khảo sát, thực hành lễ Phật/cúng dường Tam bảo, Trai tăng, làm từ thiện… nhằm cầu nguyện cho cha mẹ/ông bà, gia đạo bình an chiếm 80%; việc cầu phước điền cho gia đình/bản thân chiếm 80%; việc học giáo pháp chiếm 66,67%; các hoạt động mang tính đặc thù, như cúng Trai Tăng/Tự tứ/Kỳ An/Kỳ Siêu… chiếm tỷ lệ 50%; việc gieo nhân duyên xuất Tam giới gia chỉ chiếm tỷ lệ 13% (chủ yếu là Tăng/Ni là 03 phiếu; Phật tử là 01 phiếu)(11).
Như vậy, thông qua kết quả khảo sát việc thực hành nghi thức trong lễ Vu lan tại chùa Phước Tường cho thấy, (1) nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Phật tử, Tăng Ni và khách tham dự; (2) tính giao thoa văn hóa giữa tín ngưỡng dân gian và nghi lễ đạo Phật, đạo Lão…; (3) chức năng tâm lý cá nhân và cộng đồng đối với chữ Hiếu trong bối cảnh hiện nay.
2. Giá trị của lễ Vu lan tại chùa Phước Tường đối với người dân thành phố Thủ Đức
Về tính chất của nghi lễ, theo Khổng Tử(12), thái độ sống và nghi lễ là biểu kế của đời sống văn hóa. Khảo cứu về nghi lễ cần: (1) ý nghĩa về nghi thức đối với đời sống con người; (2) quan sát hành vi, cử chỉ, thái độ của mỗi cá nhân/cộng đồng thông qua thực hành nghi thức trong lễ hội và trong đời sống hằng ngày.
Về chức năng nghi lễ, theo Ronald Grimes, “hoạt động nghi lễ thể hiện rõ nét bốn chức năng cơ bản, gồm: (1) duy trì kết nối với cái thiêng, đáp ứng nhu cầu tinh thần – tâm linh của con người; (2) góp phần kết nối và củng cố quan hệ xã hội và quản lý xã hội; (3) phản ánh triệu chứng của vấn đề thuộc thần kinh chưa được giải quyết triệt để; và (4) gắn kết tự nhiên với thần thoại (huyền thoại)(13).
Về đặc điểm nghi lễ, (1) nguồn gốc của nghi lễ, theo Honigmann, “xuất hiện từ thuở bình minh của nhân loại, nó gắn liền với quá trình tiến hóa của con người”(14); (2) “nghi lễ được diễn giải thành một ‘công cụ’ giúp tiến hóa văn hóa – xã hội diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn”; “yếu tố đức tin ở vị trí ưu tiên hơn nghi lễ (E.B Tylor); “nghi lễ hàm chứa ma thuật, vốn là “phương thức khoa học sai” (James Fraze); “một hệ thống thống nhất về tín ngưỡng và thực hành (nghi lễ) liên quan đến cái thiêng”, trong đó, các nghi lễ là các quy tắc ứng xử quy định cách con người ‘gọt giũa’ bản thân trước sự hiện diện của những vật biểu thiêng dùng trong nghi lễ” (Durkheim)(15).
Về mối quan hệ giữa nghi thức và thực hành nghi lễ, theo E.B. Tylor, một mặt sự thực hành theo “kịch bản” được soạn sẵn, mặt khác là “phương tiện giao tiếp với những thực thể linh hồn”(16); “giáo lý và thờ cúng có quan hệ với nhau như lý thuyết và thực tiễn… tôn giáo phải thích nghi với những điều kiện trí tuệ và đạo đức mới của môi trường”(17).
(1) Theo Malinowski, “thực hành tín ngưỡng, tôn giáo,… có chức năng tâm lý rất quan trọng đối với bất cứ cá nhân trong việc thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần”(18). Các thành tố văn hóa của một nền văn hóa đều có sự kết nối chặt chẽ mang tính hữu cơ với nhau và mỗi thành tố đều có giá trị, chức năng nào đó trong tổng thể nền văn hóa”(19); “bất cứ văn hóa nào trong tiến trình phát triển của nó đều có thể tạo ra hệ thống cân bằng ổn định, trong đó mỗi bộ phận chỉnh thể đều thực hiện chức năng của nó”(20).
(2) Theo R. Brown, quan niệm về tôn giáo, tín ngưỡng là một phần thiết yếu của đời sống xã hội, tính liên kết cộng đồng, tạo quy củ và trao truyền giá trị. Yếu tố chức năng lễ hội duy trì sự liên kết; điều chỉnh xung đột xã hội – “các xung đột về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân mới được giải quyết theo hướng không phá vỡ cấu trúc” (1970: xiii)(21). “Một truyền thống văn hóa hay một tổ chức xã hội là một thể thống nhất của các thực hành văn hóa… một thể chế văn hóa xã hội chỉ “khỏe mạnh” khi các thành tố cấu thành của nó làm tốt chức năng và phối hợp tốt với nhau”(22). Do đó, việc thực hành nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo có chức năng quan trọng đối với cá nhân đối với sự cân bằng tâm lý; thỏa mãn nhu cầu tinh thần trong điều kiện thực tế cuộc sống.
Từ cơ sở này, việc đánh giá mối quan hệ giữa nghi lễ và đời sống, theo Moore& Myerhoff, “thông qua cảm nhận và tư duy của người tham dự hơn là của nhà tổ chức và nhà quản lý xã hội”/“nghi lễ là dạng thức phản ánh xã hội trong thế giới tinh thần… là dịp để thể hiện quan điểm bình luận, đánh giá và gửi gắm những hy vọng”(23)…; “có thể nắm giữ định hướng cho cái thiêng được trình bày và được tận dụng trong hoạt động của nghi lễ”; “Nghi lễ và hành vi nghi lễ cũng là cách thức con người đánh giá, “thương lượng” với chính sự tồn tại của mình trong thế giới này (Seligman et al)… Do đó, hoạt động nghi lễ “hướng đến tính liên tục và sự gắn kết cộng đồng (Gluckman)(24).
Như vậy, từ góc nhìn từ cơ sở lý thuyết trên, việc thực hành nghi lễ trong mùa Vu lan nói chung và tại chùa Phước Tường nói riêng có những chức năng và giá trị như sau: Đạo Hiếu trong lễ Vu Lan của Phật giáo(25) và giá trị của nó đối với việc xây dựng đạo đức con người Việt Nam, theo tác giả Nguyễn Thị Phương Hà: (1) Ý nghĩa của đạo Hiếu trong lễ Vu lan, bao gồm các tiểu mục như: (1.1) giá trị nhân bản; (1.2) giá trị giải thoát; (1.3) ý nghĩa của Đạo Hiếu. (2) Giá trị Đạo Hiếu trong lễ Vu lan đối với việc xây dựng đạo đức cho con người Việt Nam hiện nay.
Về “Mùa lễ Vu lan – báo hiếu ở miền Tây”(26), theo tác giả Nguyễn Thiện Đức: “lễ hội mang nhiều ý nghĩa nhân văn theo tinh thần Phật giáo và truyền thống dân tộc đã dần hình thành, và được duy trì, phát triển trong cộng đồng người Kinh ở miền Tây”(27); “có giá trị lịch sử đặc biệt, phản ánh tâm lý, tình cảm của các cộng đồng dân cư cùng sinh tụ trên mảnh đất này… vừa là sự tri ân đối với những lớp người đi trước, vừa thể hiện lòng trắc ẩn đối với những thân phận tha hương…”(28); “hội tụ đầy đủ giá trị đặc trưng của tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử và xã hội… vừa mang yếu tố truyền thống, bản địa, vừa giao thoa văn hóa với các cộng đồng cư dân cùng cộng cư trên mảnh đất này”(29); “cuộc đời con người là một quá trình, trong đó, con người với tư cách là một thực thể tự nhiên khi sinh ra… trải qua một số nghi lễ như hình thành trong bào thai mẹ và được sinh ra, tuổi thanh xuân… chết và tang lễ”(30).
Theo tác giả Minh Nguyên, Lễ hội Vu lan: những nét chung và riêng ở một số quốc gia(31), đặc điểm của lễ Vu lan của một số quốc gia có tín đồ theo Phật giáo, như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Lào, Việt Nam… thực hành pháp tri ân, báo ân – tinh thần Hiếu đạo đối với cha mẹ/tổ tiên và quốc gia.
Trong tác phẩm Chữ Hiếu trong đạo Phật và ý nghĩa hiện thời của nó(32), tác giả Lê Thị Minh Phương đã khái quát tính triết lý nhân sinh của Phật giáo và quan niệm của Phật giáo về chữ Hiếu: (1) đạo lý nhân luân; (2) giáo pháp xuất gia. Về tính chất Hiếu đạo, yêu thích sự sống là đạo Đức của vũ trụ, của nhân sinh. Thoát khổ, cần hiểu và nhận diện rõ chân lý của khổ đau – Khổ Đế (trong Tứ Diệu Đế – nhân sinh quan vũ trụ quan Phật giáo) là do “bất giác vô minh”(33). Vô minh là nguồn của sinh tử luân hồi khổ.
Theo Jung, “cái thiêng liêng là cảm giác về một cái gì đó toàn năng, bí ẩn,… thu hút mãnh liệt và hứa hẹn sự tồn tại viên mãn”(34); theo Turner, “mối quan hệ giữa nghi lễ và đời sống xã hội” là “một dạng thức phản ánh xã hội trong thế giới tinh thần”, có “vai trò củng cố các mối quan hệ xã hội truyền thống”, tăng cường các trật tự xã hội” và “định hướng và truyền cảm hứng cho những thay đổi xã hội tốt hơn”(35). Ở góc độ khác, Max Gluckman cho rằng, “hoạt động nghi lễ tái tạo trạng thái cân bằng tâm lý – văn hóa” và “hướng đến tính liên tục và gắn kết cộng đồng”(36).
Về tâm lý cá nhân/gia đình hoặc cộng đồng, theo Malinowsky, thực hành “nghi lễ bắt nguồn sâu xa từ kinh nghiệm và đức tin cá nhân hơn là hiện tượng xã hội”; “đáp ứng nhu cầu tình cảm và tâm lý con người”(37); “hoạt động lễ tục nói chung mang tính tĩnh, là mô thức thể hiện mang tính tập thể phản ánh xã hội và duy trì đoàn kết xã hội”(38); theo quan niệm Phật giáo, “Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì…”(39) để có thể giao cảm/cộng cảm hay giao thoa tâm thức giữa chủ lễ và đối tượng được lễ (Đức Phật; cha mẹ/ông bà…). Cổ Đức: “Bách thiện Hiếu vi tiên”; theo P.A.Xorokin, “khi con người còn sống thì văn hóa sẽ không chết… một nền văn hóa mới, vĩ đại, dựa trên những giá trị của tình yêu vị tha và tình đoàn kết”(40).
Hơn thế, trong bối cảnh hiện nay của “thời, phương, tốc số”; đất nước và thế giới, người dân ở khu vực thành phố Thủ Đức nói riêng và công dân Việt Nam nói chung cần nội lực để có thể “tổng hòa các mối quan hệ”(41). Về nội lực, thông qua nghi lễ biểu thị (1) thái độ sống của mỗi cá nhân/cộng đồng đối với quy luật tâm lý, sinh lý và vật lý của tự thân và thế giới để (2) giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa dân tộc và văn minh thời đại; cần thực hành trong đời sống hằng ngày để mỗi cá nhân, gia đình và nhân loại luôn là mùa “Vu lan Thắng hội”. Xu hướng này nên được bồi dưỡng và nhân rộng./.
———————————
(1) Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr.1546-1547
(2) Hoàng Phê (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, 1995, tr.805-806
(3) Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học Hà Nội – Đà Nẵng, (Hoàng Phê chủ biên), Nxb Đà Nẵng, 1995, tr.424
(4) và (5) Nguồn: GS. Seishi Karashima, Những giải thích khác nhau về nghĩa của từ Vu lan bồn, Nguyệt san giác ngộ, số 281-08, 2019, tr.7 và 7
(6) HT. Thích Nguyên Hiền, Nguồn gốc lễ Vu lan, phatgiao.org.vn
(7) Thích Nguyên Hiền, Tìm hiểu về Vu Lan, phatgiao.org.vn
(8) Tâm Huy (2004), Về nguồn gốc lễ “bông hồng cài áo”, www://thuvienhoasen.org
(9) Cách/pháp lễ này có ý nghĩa chiết phục tâm kiêu mạn và biểu lộ lòng tôn kính tuyệt đối với Đức Phật. Khi lễ, Phật tử nên phát nguyện lớn, theo như Kinh Hoa Nghiêm Tùy Sớ diễn nghĩa: “khi gối phải con quỳ xuống đất, nguyện cho chúng sinh theo đường chính giác; khi gối trái con quỳ xuống đất, nguyện cho ngoại đạo bỏ hết tà kiến theo về chính đạo. Khi tay phải con chống xuống đất, nguyện được vững chắc như Phật ngồi tòa Kim Cương, hiện điềm lành chứng đạo Bồ đề; khi tay trái con áp xuống đất, nguyện chúng sinh khó điều phục xa lìa ngoại đạo, dùng bốn nhiếp pháp (rộng cho, nói năng êm dịu, làm việc lợi ích, đồng tâm hiệp lực cùng sống thân cận) mà đưa nhau dần vào chính Đạo; khi đầu con sát đất, nguyện cùng chúng sinh bỏ tâm kiêu mạn, thành tựu Đạo Vô thượng Bồ đề”.
(10) Tu viện Quảng Đức, Nghi thức đóng Đại hồng chung, http://trangnhaquangduc.com.au
(11) Kết quả của nhóm khảo sát trong mùa Vu lan tháng Bảy năm 2023
(12) Khổng Tử, Luận ngữ – Tứ thư
(13), (14), (15), (23), (24), (35), (36), (37) và (38) Nguyễn Ngọc Thơ, Nghi lễ và biểu tượng trong nghi lễ, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr.17, 22, 22-23, 29, 31, 29-30, 31, 43 và 51
(16) và (17) Nguồn: E.B.Tylor, Văn hóa nguyên thủy, Nxb Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 2001, tr.946 và 947
(18), (19), (21) và (22) Phạm Quỳnh Phương, Hoàng Cầm, Một số khuynh hướng lý thuyết nghiên cứu văn hóa và các hướng tiếp cận nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Đề tài cấp Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa, Hà Nội, 2013, tr.25, 25, 27 và 27-28
(20) A.A. Belik, Văn hoá học: Những lý thuyết Nhân học văn hóa, Nxb Hà Nội, 2004, tr.106
(25) Nguyễn Thị Phương Hà, Đạo Hiếu trong lễ Vu lan của Phật giáo, Luận văn Thạc sỹ Triết học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014
(26), (27), (28) và (29) Nguyễn Thiện Đức, Mùa lễ Vu lan – Báo hiếu ở miền Tây, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán, Huế, 2017, tr.6-10, 10, 10 và 10
(30) Vũ Minh Chi, Nhân học văn hóa, con người, thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên, Nxb Chính trị quốc gia, 2004, tr.315
(31) Minh Nguyên, Lễ hội Vu lan: những nét chung và riêng ở một số quốc gia, Báo Nguyệt san Giác ngộ, số 185, tháng 8/2011, tr.101-107
(32) Lê Thị Minh Phương, Chữ Hiếu trong đạo Phật và ý nghĩa hiện thời của nó, Luận văn Thạc sỹ Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr. 26
(33) HT. Thích Tâm Thanh: (1) Đam trước thế gian ngũ dục lục trần danh vô minh; (2) Tham, sân, si phiền não chướng trọng danh vô minh; (3) Vi ngũ uẩn sở thú danh vô minh; (4) Bất ngộ tự TÁNH danh vô minh; (5) Bất giác, bất liễu, bất tri đệ nhất nghĩa đế danh vô minh.
(34) và (40) A.A. Radughin (chủ biên), Văn hóa học – Những bài giảng, Viện Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Hà Nội, 2004, tr.79 và 95
(39) HT. Thích Minh Thời biên soạn, Kinh Nhật tụng, Nghi thức Quán tưởng, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr.10
(41) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.11
(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 8_2023)