ThS. TRƯƠNG THỊ HOÀI(*)
ThS. DƯƠNG THỊ PHƯỢNG(**)
(*) Trường Sĩ quan Lục quân 2
(**) Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 là một chiến thắng oanh liệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh chống đế quốc của dân tộc Việt Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B.52 của đế quốc Mỹ vào thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc. Đây không chỉ là chiến thắng của ý chí quyết tâm chống xâm lược của một dân tộc vốn có truyền thống hàng nghìn năm đấu tranh bảo vệ nền độc lập mà còn là chiến thắng của trí tuệ Việt Nam, phát huy nhân tố con người, làm chủ khí tài hiện đại, biết đánh và biết thắng một kẻ thù lớn mạnh có tiềm lực khoa học kỹ thuật cao.
Từ khóa: Điện Biên Phủ trên không; B.52; làm chủ khí tài; trí tuệ Việt Nam
1. B.52 trong âm mưu của đế quốc Mỹ và sự chủ động của Trung ương Đảng trong chỉ đạo nghiên cứu cải tiến vũ khí, khí tài
Ngày 16/4/1952, nước Mỹ cho bay thử thành công chiếc máy bay B.52 đầu tiên do hãng Boeing sản xuất và tuyên truyền cho loại “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm” – loại vũ khí linh hoạt nhất trong ba nền tảng trụ cột của sức mạnh quân sự Hoa Kỳ. Với chiều dài 48,01m, chiều cao 12,39m, sải cánh 56,42m thì B.52 đúng là một loại pháo đài bay khổng lồ với 08 động cơ phản lực, nhờ vậy có thể mang được hơn 100 quả bom với tổng trọng lượng xấp xỉ 30 tấn. B.52 có thể bay cao tới 20km, ném bom ở độ cao 17km và có thể bay xa nhiều nghìn km mà không cần tiếp dầu. Đi kèm B.52 là một lực lượng máy bay F4 hộ tống tạo thành một “hàng rào không thể chọc phá”. Nhưng điều chủ yếu nhất, nguy hiểm nhất và gây nhiều khó khăn nhất cho đối phương là hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh tạo thành chiếc “áo giáp điện tử” che giấu toàn bộ lực lượng tiến công, biến mỗi chiếc B.52 thành một “máy bay tàng hình”. Đế quốc Mỹ cho rằng “Nếu Bắc Việt Nam không chịu đàm phán theo các điều kiện của Mỹ thì sẽ phải đứng trước khả năng bị xóa sạch bằng những cuộc tấn công ném bom tăng cường bằng B.52 vô cùng ác liệt”(1). Mỗi chiếc B.52 mang trên mình hai máy thu và 15 máy phát nhiễu với dải tần rộng từ băng A đến băng I (100MHz-10.000MHz) để nhiễu cả thông tin và ra đa, ra đa cảnh giới, ra đa hỏa lực cũng như ra đa trên máy bay của quân và dân ta…
Sau những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam và hai cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Chính quyền R.Nixon với dã tâm và mưu đồ đen tối đã bí mật chuẩn bị kế hoạch tập kích đường không chiến lược bằng B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng trên miền Bắc, nhằm hủy diệt, làm tê liệt ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, giành lại thế mạnh cả về quân sự và ngoại giao, buộc chúng ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà đế quốc Mỹ đưa ra ở Hội nghị Paris.
Phân tích những âm mưu và hành động của đối phương, Bộ Chính trị nhận định, Mỹ sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, có nhiều khả năng, chúng sẽ dùng máy bay B.52 đánh ồ ạt Hà Nội, Hải Phòng,… Nhiệm vụ của Quân chủng Phòng không – Không quân là tập trung mọi khả năng, nhắm trúng máy bay B.52 mà tiêu diệt.
Từ năm 1965, đế quốc Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B.52 đánh phá một số vùng căn cứ của ta ở miền Nam, sau đó tiến hành nhiều vụ ném bom rải thảm trên miền Bắc. Trên cơ sở nắm bắt quy luật khách quan, với tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy chính trị mẫn cảm thiên tài, quân sự sắc sảo, độc đáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Sớm muộn gì rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ và chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(2). Người khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”(3). Từ dự báo chiến lược đó, ngày 05/4/1972, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Quân chủng Phòng không – Không quân và các quân khu: “Phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc”(4).
Ngay sau khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân đã cử nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật theo dõi, nghiên cứu và nhận dạng máy bay B.52. Cuối năm 1971, phòng nghiên cứu kỹ thuật Quân chủng Phòng không – Không quân đã đề xuất công trình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật: dùng loại ra đa không bị máy bay B.52 phát hiện gây nhiễu ghép nối với đài điều khiển phục vụ bộ đội tên lửa đánh B.52. Tháng 01/1972, bản vẽ thiết kế hoàn thành, bộ mẫu khí tài mới được lắp ráp tại Tiểu đoàn 76, Trung đoàn tên lửa 257. Qua thử nghiệm, bộ khí tài này có thể giúp bộ đội ta phát hiện các loại máy bay địch, đặc biệt là B.52. Sau gần 02 tháng thử nghiệm, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đã chỉ đạo lắp thêm 06 bộ khí tài mới trang bị cho các đơn vị tên lửa tác chiến bảo vệ Hà Nội. Tháng 6/1972, nhà máy Z119 thuộc Cục Quân giới (Tổng cục Hậu cần) đã lắp ráp hoàn chỉnh 06 bộ khí tài đúng thời gian quy định, đảm bảo hệ số kỹ thuật, các bộ khí tài mới mang ký hiệu KX. Hội nghị tháng 10/1972 khẳng định: “chúng ta có đầy đủ tinh thần và trí tuệ để bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 là hoàn toàn có cơ sở”(5). Bộ khí tài KX là một thành tựu quan trọng về nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự của quân đội ta. Cùng với những bước cải tiến tên lửa có hiệu quả, khả năng “vạch nhiễu tìm thù” và phát hiện mục tiêu B.52 của khí tài KX đã góp phần bảo đảm cho bộ đội tên lửa nâng cao hiệu quả chiến đấu bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay” – niềm tự hào của không lực Hoa Kỳ.
2. Phát huy nhân tố con người, làm chủ khí tài hiện đại – đỉnh cao của trí tuệ Việt Nam trong trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”
Nhân tố con người và vũ khí là yêu cầu khách quan của hoạt động quân sự, có tác động biện chứng qua lại với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp, phát huy cao nhất sức mạnh của con người và uy lực của vũ khí để đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “vũ khí là quan trọng, nhưng con người mới quyết định”(6). Theo đó, hoạt động quân sự là hoạt động do con người tiến hành nhằm thực hiện các mục đích quân sự, được quyết định bởi trình độ, ý chí và quyết tâm của con người, vì thế “vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”(7). Trong thực tiễn chiến tranh giải phóng, “Đánh giặc, trước hết phải có vũ khí”(8). Nói cách khác là phải có vũ khí để đánh giặc, đặc biệt là trong chiến tranh hiện đại. Chủ trương này không chỉ nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của vũ khí trong hoạt động quân sự mà còn khẳng định tính tất yếu, sự cần thiết phải trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang và nhân dân đánh giặc, coi đó là một trong những điều kiện cơ bản, bảo đảm cho sự thành công của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, sức mạnh của vũ khí trang bị quân sự phải thông qua yếu tố con người để phát huy tác dụng. Trong trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972), bằng trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần quyết tâm cao, quân đội ta đã phát huy hết tính năng hiệu quả của vũ khí, nâng cao uy lực và sức mạnh của nó. Với sức mạnh tiềm ẩn sẵn có, vũ khí cũng giúp chiến sĩ quân đội ta có sức mạnh phi thường hơn, vượt xa khả năng sẵn có. Vì thế, sức mạnh “tinh thần của con người phải truyền qua súng”(9), khi và chỉ khi các chiến sĩ quân đội ta có trí tuệ, bản lĩnh, am hiểu nguyên lý hoạt động, nguyên tắc sử dụng, thành thạo trong thao tác, biết khai thác phát huy tối đa khả năng, thế mạnh và biết khắc phục những nhược điểm, hạn chế của vũ khí, làm chủ vũ khí, khí tài trong mọi tình huống để biến tinh thần, ý chí và sức mạnh của mình thành hiện thực thông qua sức mạnh của vũ khí.
Từ ngày 18 đến ngày 30/12/1972, Mỹ đã huy động 193 máy bay chiến lược B.52, một biên đội máy bay F.111 (khoảng 50 chiếc) và 1.077 máy bay tiêm kích, 6 liên đội tàu sân bay và 50 máy bay tiếp dầu KC.135(10),… mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trên miền Bắc, với mật danh “Linebacker II”. Chỉ trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B.52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 nghìn tấn bom đạn xuống các mục tiêu chúng đã xác định. Riêng Hà Nội, Mỹ huy động 441 lần chiếc B.52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném bom tàn phá Thủ đô(11).
Từ giây phút đầu tiên, vào tối ngày 18/12/1972, khi hàng trăm máy bay B.52 và các loại máy bay chiến thuật được hệ thống nhiễu dày đặc bảo vệ hùng hổ lao vào đánh phá, bao vây bốn phương tám hướng, hòng nuốt chửng Hà Nội… cũng là lúc chúng bị các chiến sĩ ra đa mắt thần của ta kịp thời phát hiện và thông báo, báo động từ xa. Ít phút sau, những loạt đạn tên lửa, cao xạ đầu tiên bắn thẳng vào đội hình những con “ngáo ộp”, làm 06 máy bay bị bắn rơi, trong đó 02 chiếc B.52 rơi tại chỗ. Trong đợt một chiến dịch (từ ngày 18 đến ngày 24/12/1972), tiểu đoàn 57 trung đoàn tên lửa 261 bố trí phía bắc sông Hồng và tiểu đoàn 79 trung đoàn tên lửa 257 bố trí nam sông Hồng sử dụng khí tài KX đã nhiều lần phát hiện máy bay B.52, chỉ dẫn mục tiêu trong 07 ngày đêm bắn rơi 04 máy bay B.52(12). Không phụ lòng tin của Trung ương Đảng, của quân và dân cả nước, Hà Nội càng đánh càng thắng lớn. Bom đạn của kẻ thù không những không thể khuất phục được ý chí, lòng quả cảm của quân và dân Thủ đô mà còn làm nổi bật trí thông minh, sáng tạo của con người Việt Nam, của bộ đội Phòng không – Không quân anh hùng. Bộ khí tài KX với khả năng “vạch nhiễu tìm B.52” đã phục vụ hiệu quả cho bộ đội tên lửa đánh tiêu diệt B.52 trên bầu trời Hà Nội. Trong 12 ngày đêm, cùng với bộ khí tài KX, phối hợp với các lực lượng phòng không ba thứ quân, bộ đội tên lửa đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B.52 và 05 máy bay F111(13), giáng đòn quyết định vào cố gắng cuối cùng – đồng thời là cố gắng cao nhất của Mỹ trong năm 1972, buộc chính quyền Nixon phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, quân và dân ta tổ chức và thực hành thắng lợi một chiến dịch phòng không – một loại hình chiến dịch của chiến tranh hiện đại – đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của địch, một chiến dịch phòng không độc nhất trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Đó là tác chiến phὸng không trong nhiễu. Lịch sử ghi nhận trận “Hà Nội – Điện Biȇn Phủ trȇn không” là một trong những trận chiến vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xȃm của dȃn tộc Việt Nam. Tướng E-đơ – Tham mưu phó không quân Mỹ ở châu Âu cho rằng: “Bắc Việt Nam đã phát triển các lực lượng phòng không dày kinh nghiệm nhất trên thế giới. Rõ ràng họ có kinh nghiệm hơn bất kỳ lực lượng quân sự nào trong việc điều khiển ra đa dẫn đường từ mặt đất”(14).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của trận “Hà Nội – Điện Biȇn Phủ trȇn không” (tháng 12/1972), trong đó không thể thiếu những yếu tố đặc biệt quan trọng. Đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu, không lúng túng mà bình tĩnh đánh trả quyết liệt. Cả về kế hoạϲh, chiến dịch, giải pháp, kỹ thuật, Việt Nam đềս giữ thế chủ động, sẵn sàng chuẩn bị, hạn chế những ᵭⅰểm mạnh, khoét sȃu những ᵭⅰểm yếu của B.52, phát huy những ᵭⅰểm mạnh của quân và dân ta để ᵭánh thắng đế quốc Mỹ. Chiến thắng B.52 của quân và dân Việt Nam trên bầu trời Hà Nội là một bất ngờ đối với Mỹ, bởi trong những “bộ óc điện tử” của người Mỹ thì việc sử dụng loại vũ khí chiến lược B.52 có thể đè bẹp được ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhận định của một học giả Nhật Bản khi nghiên cứu về chiến thắng của người Việt Nam trong 12 ngày đêm: “Không phải vũ khí mà là con người quyết định kết quả chiến đấu. Như thế không có nghĩa xem nhẹ vũ khí. Người Việt Nam rất coi trọng vũ khí… họ đã độc lập sử dụng những vũ khí mới nhất. Kết quả cố gắng của họ thấy rõ trong việc bắn rơi máy bay hiện đại nhất, trong đó có máy bay B.52”(15).
Về khoa học kỹ thuật: Đối phương dùng khoa học kỹ thuật để chế áp ta. Ta cũng sử dụng khoa học kỹ thuật để ᵭánh thắng lại. Quân và dân Việt Nam ᵭã cό một cách ᵭánh B.52 mưu trί, phát minh sáng tạo vừa ᵭánh thắng địch, vừa bảo vệ mὶnh. Mặc dù tác chiến trong một cuộc chiến tranh không cȃn sức, nhưng bằng trí tuệ, bản lĩnh và khả năng làm chủ khí tài hiện đại, Quân đội ta đã phát huy triệt để ý chί chiến đấu anh dũng và sáng tạo của một dân tộc bất khuất trong trận không chiến vĩ đại, chúng ta đã vượt trȇn và mạnh hơn đối phương, giành thắng lợi. Đại tá, cựu chiến binh Liên Xô N.Sherhnev, Giáo sư Đại học Không quân Kharkov (Ucraina), khẳng định: “Trong cuộc chiến tranh công nghệ cao đầu tiên của thế giới, sự trưởng thành rất nhanh chóng của bộ đội phòng không, không quân đã giúp Việt Nam chiến thắng”(16), chứng tỏ tài nghệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam trong việc khai thác, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại; tinh thần đoàn kết chiến đấu chống lại kẻ thù, cùng với sự ủng hộ rất to lớn của anh em, bè bạn quốc tế.
Như vậy, thắng lợi trong trận chiến đấu 12 ngày đêm là đỉnh cao trí tuệ Việt Nam, của khả năng nắm vững khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật tác chiến của cán bộ chiến sĩ và toàn dân ta. Chúng ta đã thắng Mỹ bằng cả ý chí kiên cường và trí tuệ trong chiến tranh hiện đại, là niềm tự hào, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam. Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ vùng trời của Tổ quốc đang đứng trước những thuận lợi và thách thức đan xen. Kế thừa bài học và phát huy nhân tố chính trị – tinh thần, khả năng làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại của Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, cần tập trung nghiên cứu nắm chắc âm mưu, thủ đoạn tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch, làm cơ sở để thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng, xây dựng động cơ chiến đấu cho bộ đội. Nâng cao chất lượng huấn luyện các chuyên ngành Phòng không – Không quân, làm chủ được vũ khí, trang bị kỹ thuật và cách đánh, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, xây dựng thế trận phòng không – không quân nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam trong mọi tình huống./.
(1) Lịch sử ngành vận tải Quân đội nhân dân Việt Nam 1945 – 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992, tr.240
(2) Hồ Chí Minh – Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1990, tr.204
(3) và (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.574 và 573
(4)“Điện Biên Phủ trên không”- Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, 2007, tr.106
(5) Hội nghị chuyên đề về cách đánh B.52 của Bộ đội Tên lửa (được tổ chức tại Hội trường Sư đoàn 361, ngày 30/10/1972)
(6) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Bộ Quốc Phòng, Hồ Chí Minh biên niên sự kiện quân sự (1919 – 1969), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.281
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, Sđd, tr.460
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.11, Sđd, tr.397
(10) Cục Chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân, Đề cương tuyên truyền 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2012), tr.9
(11) Trương Mai Hương: Đế quốc Mỹ tàn phá Thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, https://www.tapchicongsan.org.vn › de-quoc-my-tan-p…, truy cập ngày 26/12/2012
(12) và (13) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Chiến thắng B.52, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr.201 và 335
(14) Air force tháng 6/1993 Edgan Ubramer, “Những bài học của chiến tranh không quân ở Đông Nam Á”, tr.180, (Trích trong bài viết của TS. Trương Mai Hương http://www.nxbctqg.org.vn/binh-lun-ca-cac-nha-quan-s-va-d-lun-quc-t-v-trn-qin-bien-ph-tren-khongq.html: Bình luận của các nhà quân sự và dư luận quốc tế về trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, ngày 21/12/2012
(15) Shingo Shibata: “Chiến tranh Việt Nam và cách mạng khoa học kỹ thuật”, dẫn theo Đặc trưng công nghệ vũ khí trang bị kỹ thuật các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.143-144
(16) http://www. Wa.ogr/veteran/0606/Ukraine. Html
(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 10_2022)