TS. NGUYỄN HỒNG ĐIỆP(*)
(*) Trường Đại học Chính trị
Tóm tắt: Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt được Tổng Bí thư khẳng định đó là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là khát vọng hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của lịch sử, là mong muốn, nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta. Bài viết luận giải các đặc trưng, cơ sở của khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, từ đó xác định định hướng cơ bản để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Từ khóa: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; phồn vinh, hạnh phúc; chủ nghĩa xã hội
1. Đặc trưng và cách thức luận giải đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Phồn vinh là giàu có, thịnh vượng, phát triển tốt đẹp. Hạnh phúc có nhiều cách hiểu khác nhau, là sự cân bằng về cảm xúc, hài lòng trong cuộc sống, thỏa mãn đầy đủ những nhu cầu. Tựu trung lại, hạnh phúc là trạng thái cảm xúc được biểu thị bởi cảm giác vui vẻ, thỏa mãn, hài lòng và đủ đầy. Như vậy, đất nước phồn vinh, hạnh phúc là đất nước giàu có thịnh vượng, phát triển bền vững và ổn định, con người được hưởng đầy đủ những giá trị về vật chất và tinh thần, có điều kiện phát triển toàn diện, mọi chủ trương, chính sách đều hướng đến con người, vì con người và cho con người. Đối lập với phồn vinh, hạnh phúc là nghèo nàn, lạc hậu, bất bình đẳng, mất dân chủ,… Theo đó, bài viết xác định những đặc trưng cơ bản của đất nước phồn vinh, hạnh phúc là: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(1).
Về cách thức làm nổi bật những đặc trưng của đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã liệt kê các dấu hiệu nội hàm của đất nước phồn vinh, hạnh phúc, giúp người đọc thấy được cụ thể, đầy đủ, toàn diện các đặc trưng, mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Hệ thống đặc trưng là tất yếu khách quan của một chế độ xã hội ưu việt, xuất phát vừa từ nhu cầu thực tiễn, vừa từ quy luật phát triển tất yếu của loài người, thể hiện sự phủ định lại chế độ chính trị đã lỗi thời, lạc hậu cần phải thay thế bằng một chế độ xã hội mới, tốt đẹp hơn. Mặc dù các đặc trưng đó là khách quan, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nhưng trọng tâm vẫn là vấn đề con người, tất cả các đặc trưng khác đều hướng đến một xã hội thực sự vì con người, con người là trung tâm của mọi chủ trương, chính sách.
Ngoài phương pháp liệt kê, bài viết còn kết hợp sử dụng phương pháp tiểu đối trong từng câu và từng khổ, tạo nên sự tương phản giữa chế độ chính trị đã lỗi thời và chế độ chính trị tiến bộ. Theo đó, sự đối lập được thể hiện ở một xã hội phát triển thực sự vì con người, đối lập với vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, đối lập với gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn đối lập với cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, đối lập với khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường; một hệ thống chính trị quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.
Với những cách thức như trên, kết hợp với việc sử dụng ngôn từ ngắn gọn, súc tích, sống động với những minh chứng cụ thể trong từng nội dung, tạo nên sức hấp dẫn, giàu sự khơi gợi, tác động mạnh mẽ vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của người đọc. Như vậy, bài viết muốn khẳng định phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là lựa chọn tất yếu phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, là giá trị đích thực mà chúng ta hướng tới: “Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”(2).
2. Cơ sở vững chắc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Khát vọng được hiểu là mong muốn cao và bền bỉ nhằm đạt được mục đích mà con người theo đuổi. Khát vọng là trạng thái tinh thần ở dạng tiềm năng thôi thúc mỗi người hành động để vươn tới mục đích. Khát vọng được thực hiện bằng hệ thống các động lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của con người, gắn liền với sự nỗ lực, ý chí quyết tâm cao, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh để đạt tới mục đích. Khát vọng xuất hiện trong mối quan hệ giữa nhu cầu con người với thực tiễn xã hội và những điều kiện bảo đảm cho những mong muốn đó trở thành hiện thực. Khát vọng chính đáng luôn gắn liền với sự ý thức và tự ý thức sâu sắc về khả năng, bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ với bản thân, cộng đồng và xã hội. Khát vọng dân tộc thể hiện nhu cầu, ước vọng của đại đa số cộng đồng cư dân trong một quốc gia và nó chịu sự tác động bởi các điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Nội dung của bài viết của Tổng Bí thư khẳng định, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân ta không phải là ý muốn chủ quan, duy ý chí, mà hoàn toàn dựa trên cơ sở lý luận khoa học, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đúc kết trong thực tiễn lao động, sáng tạo của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, cơ sở vững chắc để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được Tổng Bí thư đưa ra như sau:
Thứ nhất, lịch sử dựng nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc đã hun đúc trong mỗi người dân Việt Nam khát vọng về một nền độc lập, một đất nước hùng cường. Trong bài viết, Tổng Bí thư đã khái quát lịch sử dân tộc Việt Nam: “Như chúng ta đều biết, nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ, hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do””(3). Theo đó, lịch sử hằng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trải qua các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, đã hun đúc khát vọng phát triển, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Đây chính là cơ sở thực tiễn đã được lịch sử dân tộc Việt Nam chứng minh. Mặc dù, ý niệm về đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi thời kỳ có nội hàm khác nhau, tùy theo điều kiện lịch sử, nhưng dấu hiệu nội hàm của nó ngày càng được bổ sung và phát triển đầy đủ. Trong thời kỳ phong kiến phương Bắc xâm lược, đó là khát vọng về độc lập chủ quyền quốc gia với “Sông núi nước Nam vua Nam ở” của Lý Thường Kiệt và khát vọng về một đất nước phú cường đời đời bền vững “Non sông nghìn thuở vững âu vàng” dưới thời vua Trần Nhân Tông. Tiếp nối khát vọng phát triển đất nước hùng cường, giàu mạnh của cha ông, đến thời đại Hồ Chí Minh là khát vọng độc lập dân tộc. Qua hơn 35 năm đổi mới, dấu hiệu nội hàm đó hoàn thiện đầy đủ hơn, Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(4). Như vậy, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nguồn lực tinh thần luôn thường trực trong tâm thức của các thế hệ người Việt Nam từ xưa đến nay. Đó là sức mạnh nội sinh, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình hằng nghìn năm dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Do vậy, cơ sở của khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc có nguồn gốc sâu xa từ những ngày đầu dựng nước, giữ nước của dân tộc, khát vọng này đang được tiềm ẩn, chất chứa trong mỗi người dân Việt Nam, khi có những tác động tích cực, trong những điều kiện thuận lợi, khát vọng này sẽ được khơi dậy.
Thứ hai, chế độ chính trị – xã hội mà chúng ta đang xây dựng, dựa trên học thuyết tiến bộ, cách mạng trong thời đại ngày nay. Chế độ chính trị – xã hội tiến bộ là mục tiêu vươn tới, là động lực tinh thần, đồng thời là điều kiện, môi trường thuận lợi để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội đề cập ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác – Lênin trong thời đại ngày nay”(5). Để luận chứng cho vấn đề này, Tổng Bí thư đã sử dụng phương pháp đối lập để khẳng định sự lựa chọn chế độ chính trị chúng ta là đúng đắn, khẳng định khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là hoàn toàn thực tế, không phải ảo tưởng, chủ quan duy ý chí. Theo đó, Tổng Bí thư phân tích những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, không thể tự khắc phục, chỉ có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, dựa trên học thuyết Mác – Lênin các mâu thuẫn đó mới mất đi. Trong xã hội tư bản, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa cao với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy trên tất các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là khủng hoảng kinh tế – tài chính dẫn đến suy thoái kinh tế, thất nghiệp, gia tăng khoảng cách giàu – nghèo; khủng hoảng năng lượng, lương thực, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường sinh thái. Chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất dẫn đến hệ thống quyền lực chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Đó là một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ 01% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng và do đó chi phối toàn xã hội, dẫn đến phong trào “99 chống lại 1” và rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó, dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng không thực chất,… Từ sự phân tích, luận chứng đó, Tổng Bí thư khẳng định: “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”(6). Như vậy, với sự lập luận chặt chẽ, minh chứng rõ ràng, thiết thực, Tổng Bí thư khẳng định chế độ chính trị – xã hội tốt đẹp là môi trường, điều kiện thuận lợi để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ ba, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội khẳng định vai trò chủ thể trực tiếp, là hạt nhân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã lựa chọn đúng học thuyết cách mạng làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(7). Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng luôn kiên trì lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Để giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, Đảng “thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa… trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”(8); Đảng thường xuyên nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bổ sung phát triển lý luận. Như vậy, trong quá trình khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cần định hướng, khơi gợi, phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, khắc phục những trở ngại tạo động lực cho quá trình phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam chính là hạt nhân nòng cốt đảm đương được sứ mệnh này.
Thứ tư, thành tựu qua hơn 35 năm đổi mới đất nước là cơ sở thực tiễn để củng cố vững chắc niềm tin vào khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nội dung bài viết đã đưa ra các số liệu so sánh trước đổi mới (năm 1986) và trong đổi mới, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Từ những thành tựu đạt được sau hơn 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(9).
3. Ý nghĩa của khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Khát vọng phát triển có vai trò rất quan trọng, là động lực trung tâm tạo nên sức mạnh vô địch cho dân tộc. Đó là sự cộng hưởng khát vọng của mỗi cá nhân, nếu được định hướng và hình thành dựa trên đường lối, chủ trương đúng đắn, sẽ trở thành nguồn lực nội sinh tiềm tàng cho toàn bộ quá trình phát triển của dân tộc. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện trên một số nội dung sau:
Một là, thống nhất về nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Sự thống nhất về nhận thức được thực hiện thông qua việc lý giải chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm vững chắc cho đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Theo tác giả Nguyễn Trọng Lượng: “Bài viết đã mang đến cho mỗi người dân Việt Nam những nhận thức khoa học và đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Bài viết đã lý giải cặn kẽ, thuyết phục lý do vì sao dân tộc Việt Nam kiên định, kiên trì với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội”(10). Bài viết khẳng định chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học – công nghệ. Tuy nhiên, những hạn chế, khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho sự phát triển bền vững của xã hội và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới khắc phục được những khiếm khuyết đó, thực sự đem lại cho nhân dân cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Sự thống nhất về nhận thức tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hai là, truyền cảm hứng, cổ vũ động viên tinh thần của toàn Đảng, toàn dân trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bài viết được công bố vào dịp Kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nỗ lực phấn đấu để đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, chuẩn bị và tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Do vậy, bài viết có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm, hành động của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tác giả Nguyễn Thị Phương Thủy khẳng định: “Với ngôn từ giản dị, dễ hiểu, với những luận cứ lý luận khoa học và thực tiễn sâu sắc, xác thực, bài viết Một số vấn đề lý luận thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã và hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư đã có sức truyền cảm, lan tỏa mạnh mẽ, củng cố vững chắc niềm tin của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(11).
Ba là, củng cố niềm tin, xây dựng ý chí quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không phải là ảo tưởng, hão huyền mà hoàn toàn có cơ sở. Theo tác giả Phùng Hữu Phú, đó “là một khát vọng bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; vào bản lĩnh và những kinh nghiệm dầy dạn mà Đảng, nhân dân ta đã kiểm nghiệm, đúc kết trong thực tiễn lao động, sáng tạo suốt mấy chục năm qua. Đó cũng không phải là khát vọng giản đơn, xuôi chiều, mà là khát vọng được bồi đắp trên cơ sở phân tích, dự báo, lường đoán kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi có thể nắm bắt, phát huy; đồng thời tỉnh táo cân nhắc, tính toán những khó khăn, thách thức bên ngoài, những yếu kém, trở ngại bên trong cần phải kiên quyết khắc phục, thích ứng, vượt qua với phương châm dĩ bất biến ứng vạn biến, nhạy bén chớp thời cơ, chủ động ứng phó với nguy cơ, chuyển hóa nguy cơ thành vận hội phát triển”(12).
Trong bài viết, Tổng Bí thư đã minh chứng các số liệu qua 35 năm đổi mới, đó là kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố với những số liệu cụ thể: “Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỉ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD”(13). Những thành tựu to lớn mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được là minh chứng sống động và đầy thuyết phục để củng cố niềm tin, xây dựng ý chí quyết tâm cho mọi người cùng tự nguyện, tự giác đem sức lực, tài năng, trí tuệ đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bốn là, khẳng định với bạn bè quốc tế về ý chí quyết tâm xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Tác giả Phuvông Ùnkhămxẻn, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào khẳng định: “Sau khi đọc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cảm thấy hết sức ấm lòng và như được tiếp thêm nguồn sức mạnh trong việc thực hiện vai trò của người chiến sĩ cách mạng theo con đường chủ nghĩa Mác – Lênin đi tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội”(14). Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp cũng thừa nhận: “Đảng Cộng sản Pháp vui mừng trước sự phát triển kinh tế tích cực của Việt Nam và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Pháp trong đó có đóng góp của quan hệ kênh Đảng”(15). Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Cuba, Đảng Cộng sản Hoa Kỳ,… đều bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những nhận định của bạn bè quốc tế năm châu về bài viết của đồng chí Tổng Bí thư là minh chứng thực tiễn thời sự, khẳng định giá trị tích cực, tiến bộ của chế độ chính trị – xã hội ở Việt Nam.
Năm là, đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, đòi phủ nhận khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân ta. Khi bài viết được đăng tải, các thế lực thù địch ra sức chống phá, suy diễn các nội dung trong bài viết bằng cách phát tán nhiều bài viết, bình luận xuyên tạc các nội dung trong bài viết, trên nền tảng mạng xã hội và một số website, tờ báo nước ngoài có tư tưởng phản động chống phá Việt Nam như: Danlambao, kênh VOA Tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do,… Thủ đoạn của các thế lực thù địch là phủ nhận con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang tiến hành và không thể hiện thực hóa được khát vọng về một đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Song, bằng lập luận chặt chẽ cả lý luận và thực tiễn, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót không thể khắc phục của chủ nghĩa tư bản từ ngày ra đời đến nay là minh chứng để phê phán các quan điểm sai trái. Với tinh thần biện chứng khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Tổng Bí thư khẳng định việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là quá trình vừa tìm tòi, vừa bổ sung, tổng kết, hoàn thiện, quanh co, phức tạp: “quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”(16). Theo đó, trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ khó tránh khỏi khó khăn, thậm chí có những lúc quanh co, nhưng đó không phải là lựa chọn sai lầm./.
—————————————–
(1), (2), (3), (5), (6), (8), (9), (13) và (16) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.21-22, 24, 22, 18, 22, 30, 34, 31 và 25
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.110
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289
(10) Nguyễn Trọng Lượng, “Bài viết có tính định hướng cao và giá trị thực tiễn sâu sắc”, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.37
(11) Nguyễn Thị Phương Thủy, “Vững chắc niềm tin vào con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội”, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Sđd, tr.86
(12) Phùng Hữu Phú, Khát vọng phát triển đất nước và đổi mới sáng tạo – điểm nhấn của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn, tr.31
(14) Phuvông Ùnkhămxẻn, “Cảm nhận về bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Sđd, tr.602
(15) Denis Rondepierre, “Đảng Cộng sản Pháp vui mừng trước sự phát triển kinh tế tích cực của Việt Nam”, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng , Sđd, tr.647