PGS, TS. TRẦN THỊ MINH TUYẾT(*)
(*) Học viện Báo chí và Tuyên truyền,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Là trí tuệ lớn của dân tộc và thời đại, lãnh tụ Hồ Chí Minh không chỉ tìm ra con đường giải phóng dân tộc theo ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, mà còn chèo lái thành công con thuyền cách mạng Việt Nam nhờ năng lực tiên tri – phẩm chất chỉ có ở bậc thiên tài. Trong bài viết này, trên cơ sở chứng minh Hồ Chí Minh thật sự là nhà dự báo chiến lược thiên tài của cách mạng Việt Nam, tác giả phân tích ý nghĩa to lớn của dự báo về thời điểm Việt Nam giành độc lập mà Người đã viết trong tác phẩm nổi tiếng ra đời cách đây 80 năm – “Lịch sử nước ta”.
Từ khóa: Hồ Chí Minh; Lịch sử nước ta; Việt Nam độc lập
Lịch sử dựng nước và giữ nước hằng nghìn năm của dân tộc Việt Nam được tô thắm bởi bao chiến công hiển hách, nhưng chỉ có một cuộc cách mạng, đó là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đặc biệt, cuộc cách mạng đóng vai trò mở ra thời đại Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc được dẫn dắt bởi Đảng Cộng sản mới tròn 15 tuổi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kỳ tích đó là vai trò của Hồ Chí Minh với khả năng dự báo thiên tài mà tác phẩm Lịch sử nước ta là một minh chứng sống động. Qua tác phẩm, lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam được tái hiện, vai trò to lớn của lịch sử được khẳng định, nhưng điều đặc biệt làm nên nét độc đáo của tác phẩm này đó chính là lời dự báo “năm 1945 Việt Nam độc lập” của Hồ Chí Minh. Điều này góp phần to lớn vào việc thúc đẩy dự báo lịch sử trở thành hiện thực lịch sử.
1. Hồ Chí Minh – nhà dự báo chiến lược thiên tài
Là “linh hồn” của phong trào giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh không chỉ hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam với lộ trình khoa học, mà còn đưa ra các dự báo chính xác về những bước ngoặt lịch sử của thế giới và Việt Nam. Năng lực dự báo thiên tài của Người không phải một lần “xuất thần”, mà nó được thể hiện trong suốt cuộc đời. Nếu gọi Hồ Chí Minh là “nhà tiên tri” thì hoàn toàn không phải là sự “sùng bái cá nhân”, bởi “giấy trắng, mực đen” và các nhân chứng lịch sử đã chứng minh cho năng lực đặc biệt hiếm có của Người.
Khi còn ở độ tuổi thanh niên, đặt chân đến châu Âu chưa lâu, trong bức thư gửi cụ Phan Châu Trinh từ nước Anh vào tháng 8/1914, Nguyễn Tất Thành đã rất quan tâm đến tình hình thế giới và đưa ra tiên đoán về sự bùng phát, tính khốc liệt của Chiến tranh thế giới lần thứ I (1914 – 1918): “Tiếng súng đang rền vang. Thây người đang phủ đất. Năm nước lớn đang đánh nhau. Chín nước đã vào vòng chiến. Cháu bỗng nhớ cách đây vài tháng, cháu đã nói với Bác về cơn giông sấm động”(1).
Năm 1924, trong bài Đông Dương và Thái Bình Dương, Nguyễn Ái Quốc lại dự báo về nguy cơ bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ II. Người thấy rõ, “thế nào rồi cũng có ngày nước Nga cách mạng phải đọ sức với chủ nghĩa tư bản đó”(2). Nhận thấy chủ nghĩa đế quốc chính là nguồn cơn của cuộc chiến tranh thế giới mới và khu vực Thái Bình Dương sẽ bị “cuốn” vào cuộc chiến đó, Người đã khẳng định: “Vì đã trở thành một trung tâm mà bọn đế quốc tham lam đều hướng cả vào nhòm ngó, nên Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương, tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh”(3). Sự thật đã diễn ra đúng như vậy.
Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ và ở thời điểm thế lực phát xít đang “làm mưa, làm gió” thì Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Đồng minh sẽ thắng. Nhật và Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau”(4). Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), dưới sự chủ trì của Người, Trung ương Đảng nhận định “chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”(5).
Vào lúc phát xít Đức tấn công Liên Xô (tháng 6/1941) và cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên Xô còn ở giai đoạn hết sức khó khăn, nhiều lúc buộc phải rút lui chiến thuật, Hồ Chí Minh đã dự báo chính xác kết cục của Chiến tranh thế giới lần thứ II và tương lai của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Việt Nam: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh – Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta được độc lập, tự do”(6). Kết cục của Chiến tranh thế giới lần thứ II và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh sự chính xác trong dự báo của Người.
Đất nước giành được độc lập, với vai trò là nguyên thủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã kiên trì giải quyết xung đột Việt – Pháp để cứu vãn nền hòa bình, nhưng do dã tâm xâm lược của Pháp nên chiến tranh vẫn bùng nổ. Trong lúc giới quân sự Pháp rất tự tin về kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” thì từ đầu cuộc chiến, Hồ Chí Minh đã khẳng định, kháng chiến phải trường kỳ và thắng lợi nhất định thuộc về dân tộc ta. Người còn cảnh báo Chính phủ Pháp rằng, trong chiến tranh thì “nước Việt Nam có thể bị tàn phá, nhưng nước Việt Nam sẽ lại hùng mạnh hơn sau cuộc tàn phá đó. Còn nước Pháp chắc chắn sẽ mất hết và sẽ biến hẳn khỏi cõi Á châu”(7). Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ với điều khoản buộc Pháp phải rút lui ở Đông Dương đã chứng minh sự chính xác trong các tuyên bố của Người. Không chỉ vậy, sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ đúng một ngày, khi tất cả đang sống trong niềm vui chiến thắng, Người đã cảnh báo: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu”(8). Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa II (tháng 7/1954), Người chỉ rõ: “Đế quốc Mỹ thì đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp, mũi nhọn của ta phải chĩa vào đế quốc Mỹ”(9). Cần nhấn mạnh rằng, lúc này, đế quốc Mỹ vừa bị tổn thất nặng nề trong Chiến tranh Triều Tiên; ít ai nghĩ rằng Mỹ lại tiến hành ngay chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thế nhưng, lịch sử đã diễn ra như Người dự báo.
Dù phải tiến hành cuộc kháng chiến không cân sức với “siêu cường” là đế quốc Mỹ, nhưng Hồ Chí Minh không chỉ nhất quán trong việc khẳng định “ta thắng, địch thua”, mà còn nói rõ về thời điểm, phương thức kết thúc chiến tranh. Trong bản thảo Diễn văn mừng Quốc khánh 02/9/1960, Người viết: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc – Nam nhất định sẽ sum họp một nhà. Cụm từ “chậm lắm là 15 năm” đã được Người khoanh tròn như để nhấn mạnh nhưng lại không được đọc. Vì thế, bài diễn văn in trong Hồ Chí Minh toàn tập không có cụm từ này. Tuy nhiên, năm 1987, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã công bố bút tích của Người về nội dung trên và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng xác nhận như thế(10). Trong bản Di chúc được viết năm 1965 – thời điểm đế quốc Mỹ đang “leo thang” chiến tranh, Người khẳng định rằng, “cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa”(11), tức là chỉ trong vòng 10 năm đổ lại. Mặt khác, Người cũng cảnh báo trước là thắng lợi sẽ không đến một cách dễ dàng bởi “quân địch như con thú dữ đến bước đường cùng càng giãy giụa điên cuồng”(12). Chúng sẽ tiếp tục “leo thang” chiến tranh, sẵn sàng gây tội ác khủng khiếp nhất, sẽ sử dụng các vũ khí tối tân nhất, như B.52 để “đè bẹp” ý chí chiến đấu của ta. Vì thế, đầu năm 1968, khi làm việc với đồng chí Phùng Thế Tài (lúc đó là Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách Phòng không – Không quân), Hồ Chí Minh đưa ra dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi thua nó mới chịu thua… Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(13). Trong bài thơ chúc Tết năm 1969, phương thức kết thúc cuộc kháng chiến đã được Người chỉ rõ là “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”(14). Thực tiễn lịch sử đã diễn ra đúng như chỉ dẫn, tiên liệu của Người.
Sự chính xác đến kỳ lạ trong các dự báo đã khiến nhiều người cho rằng, Hồ Chí Minh nắm rõ “thuật chiêm tinh”, Hồ Chí Minh là “vị thánh” nên có đôi mắt của “thánh nhân”. Nhưng, đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói, Hồ Chí Minh trước hết là một con người và cuối cùng chỉ là một con người; mắt Hồ Chí Minh cũng như mắt mọi người nhưng sáng hơn nhiều lần vì “có tầm nhìn xa, trông rộng lạ thường, rất nhạy cảm với mọi tình hình thuận và nghịch”(15). Năng lực ấy không mang tính thần linh, huyền bí, duy tâm, mà là sự tổng hòa của trí tuệ mẫn tiệp, thế giới quan khoa học, phép tư duy biện chứng, sự am tường văn hóa Đông – Tây, sự trải nghiệm thực tiễn phong phú, sự tích lũy thông tin, tri thức của một danh nhân văn hóa. Tổng Bí thư Trường Chinh lý giải: “Thế giới quan chủ nghĩa Mác – Lênin và những kinh nghiệm đấu tranh lâu năm làm cho Người có thể dự đoán trước thời cuộc, mau lẹ nhận ra những bước ngoặt của lịch sử và đề ra những khẩu hiệu thích hợp nhằm xoay chuyển tình hình”(16). Không chỉ vậy, khả năng dự báo của Hồ Chí Minh còn xuất phát từ tình yêu sâu nặng mà Người dành cho dân tộc và nhân loại. Hiến dâng trọn vẹn khối óc, trái tim cho sự nghiệp giải phóng con người, trước mỗi biến cố lịch sử, đặc biệt là những gì liên quan đến vận mệnh dân tộc, khối óc ấy, trái tim ấy lại “rung lên” những dấu hiệu nhận biết để Hồ Chí Minh đưa ra những dự báo kỳ diệu. Con thuyền cách mạng Việt Nam được dẫn đường bằng những tiên lượng sớm, chính xác đã vượt qua bao “thác ghềnh” để cập bến thành công.
2. Ý nghĩa của dự báo thiên tài “1945 – Việt Nam độc lập” trong tác phẩm Lịch sử nước ta của Hồ Chí Minh
Một điều rất may mắn là trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, tháng 10/1938, Nguyễn Ái Quốc đã kịp rời Liên Xô về Trung Quốc để tìm đường về nước. Tháng 6/1940, khi Người đang ở Côn Minh thì được tin Pháp đầu hàng Đức. Người nói ngay với các đồng chí của mình: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”(17). Ngày 28/01/1941, Người đã về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) do Người chủ trì, Mặt trận Việt Minh đã được thành lập với chương trình hành động và niềm tin “Quyết làm cho nước non này/ Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền”(18). Thấm nhuần chân lý cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, ngày 06/6/1941, Nguyễn Ái Quốc có thư Kính cáo đồng bào với lời kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh Pháp, đuổi Nhật dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng lúc này đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh phần lớn đồng bào mù chữ, Nguyễn Ái Quốc đã chuyển tải những thông điệp chính trị thành thơ, chủ yếu là thể thơ lục bát để đồng bào dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền khẩu. Theo hồi ký của các đồng chí cùng làm việc với Người thời đó, bài thơ Lịch sử nước ta gồm 208 câu lục bát được Người viết vào nửa sau năm 1941 và được Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản nhiều lần, lần đầu vào tháng 02/1942(19). Ðể giới thiệu tác phẩm Lịch sử nước ta tới đông đảo công chúng, Người làm công tác “tiếp thị” rất bài bản. Trên báo Việt Nam độc lập (số 117, ngày 01/02/1942), Người có bài viết Nên học sử ta với dòng ghi chú: “Vừa mới xuất bản quyển “Sử nước ta” bằng thơ. Hay lắm, giá mỗi quyển 01 hào ai muốn mua hỏi cán bộ địa phương”(20).
Ngoài việc khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam và đề cao vai trò giáo dục của lịch sử, Lịch sử nước ta có hai điều đem lại sự thán phục cao độ cho bất cứ ai đọc tác phẩm này. Một là, khi viết Lịch sử nước ta, Nguyễn Ái Quốc đang ở hang Pác Bó, không có điều kiện tra cứu tư liệu lịch sử, đồng thời còn phải giải quyết muôn vàn công việc gian khó của cách mạng. Chỉ bằng trí nhớ, Người đã tái hiện toàn bộ tiến trình dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam với 30 mốc lịch sử quan trọng cùng thời gian trị vì của các triều đại – điều mà không phải sử gia nào cũng có thể “nằm lòng”. Hai là, về mốc lịch sử cuối cùng mà Người đưa ra: “1945 Việt Nam độc lập”. Lời dự báo ngắn gọn như một “đáp số” chắc chắn không cần luận giải đã làm cho không ít người ngạc nhiên, thậm chí hoài nghi. Đồng chí Lê Quảng Ba – người được giao nhiệm vụ phụ trách việc in Lịch sử nước ta kể lại: “Tôi nhớ lại, cuốn sử Việt Nam tóm tắt bằng thơ do đích thân Hồ Chí Minh viết cuối năm 1941 tại Pác Bó. Phần ghi những năm quan trọng của các thời kỳ, Hồ Chí Minh đề rõ: Việt Nam độc lập năm 1945. Chúng tôi thắc mắc không dám in, đưa bản thảo cho Bác xem lại, Bác xem rồi bảo: Được, cứ thế in. Nửa tin nửa ngờ, sau khi in xong tập thứ nhất, chúng tôi lại đưa Bác soát lại. Bác vẫn nhắc như lần trước: Được rồi, cứ thế in”(21). Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết rằng, trước lời tiên đoán của Hồ Chí Minh, “anh em người nói sớm, kẻ nói muộn. Bác nghe trao đổi chỉ nói: “Để rồi xem””(22). Dự báo kỳ lạ của Hồ Chí Minh chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa.
Thứ nhất, dự báo thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc mối quan hệ giữa chiến tranh đế quốc và thời cơ giải phóng dân tộc
Khi bàn về chiến tranh – một hiện tượng chính trị – xã hội có tính lịch sử, Ph.Ăngghen cho rằng: Chiến tranh là người bạn đường của chế độ tư hữu. Phát triển quan điểm đó, V.I.Lênin chỉ rõ: Chiến tranh là bạn đường của chủ nghĩa đế quốc; “chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những biện pháp khác” (cụ thể là bằng bạo lực(23). Vào đầu thế kỷ XX, trong nội bộ các nước đế quốc hình thành hai phe: Các nước đế quốc “già” như Anh, Pháp bị suy giảm địa vị kinh tế nhưng vẫn có nhiều thuộc địa và các nước đế quốc “trẻ”, như Đức, Ý, Nhật, đang phát triển mạnh về kinh tế và quân sự song lại không có hoặc có rất ít thuộc địa. Với tham vọng phân chia lại thế giới, các nước đế quốc “trẻ” đã phát xít hóa, quân phiệt hóa nền kinh tế, chính trị của đất nước mình và liên kết với nhau. Chủ nghĩa phát xít – một hình thức chuyên chính, quân phiệt, độc tài của chủ nghĩa tư bản, đã ra đời. Đây chính là thế lực “châm ngòi” cho hai cuộc chiến tranh thế giới. Để đối đầu với “phe Trục” gồm Đức, Ý, Nhật, phe Đồng minh gồm các quốc gia, như Anh, Pháp, Mỹ… đã hình thành. Bên cạnh mâu thuẫn trong nội bộ các nước đế quốc, sự ra đời của Liên Xô – nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, đã làm xuất hiện mâu thuẫn mới của thời đại: Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Các mâu thuẫn không thể dung hòa nói trên là nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh thế giới lần thứ II. Ngay khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939) của Đảng Cộng sản Đông Dương dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nhận định: Đây là một thứ chiến tranh cướp bóc, phản động, trái với công lý, nhưng nó cũng tạo cơ hội cho các dân tộc bị áp bức “vùng dậy tranh đấu liều sống liều chết đế quốc xâm lược để cởi vất cái ách tôi đòi”(24).
Quan hệ giữa các nước đế quốc vừa có mặt hợp tác để cùng cai trị, cướp bóc thuộc địa, vừa đối chọi, tìm cách “hất cẳng” nhau để độc chiếm thuộc địa. Về việc Pháp – Nhật cùng cai trị Đông Dương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Hiện nay, đế quốc Pháp và phát xít Nhật ở Đông Dương không khác gì hai con gà trống nhốt chung chuồng. Trước sau chúng cũng chọi nhau. Tất có con bị thương nặng, có con què. Lúc đó ta bắt mới dễ. Làm cách mạng phải biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mới chắc thắng”(25). Hơn nữa, tình cảnh “một cổ hai tròng” đã đẩy nhân dân Việt Nam vào sự cùng kiệt; lòng uất hận, ý chí cách mạng rất cao. Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc đã nhận định về thời cơ cách mạng: “Rồi đây những thắng lợi của Liên Xô, sự tan rã của phát xít quốc tế và sự cùng khổ của nhân dân các nước phát xít sẽ thúc đẩy cho cách mạng bùng nổ tại nhiều nước”(26). Thực hiện khẩu hiệu “biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng” của V.I.Lênin, trong Lịch sử nước ta, Hồ Chí Minh nói rõ về cơ hội giải phóng dân tộc: “Bây giờ Pháp mất nước rồi/ Không đủ sức, không đủ người trị ta/ Giặc Nhật Bản thì mới qua/ Cái nền thống trị chưa ra mối mành/ Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh/ Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà/ Ấy là nhịp tốt cho ta/ Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”(27). Cần lưu ý là, khi Chiến tranh thế giới lần thứ II đang đi vào hồi kết, tại hội nghị ở Tehran (năm 1943), lãnh đạo của Liên Xô, Mỹ, Anh – những người đang trực tiếp điều hành cuộc chiến, vẫn dự tính: Phải đến năm 1946 mới có thể hoàn toàn đánh bại lực lượng phát xít, kết thúc chiến tranh. Trong khi đó, Hồ Chí Minh – người đang ở “hang cùng, ngõ hẻm” với Mặt trận Việt Minh non trẻ, lại đưa ra tiên đoán chính xác về thời điểm thành công của cách mạng Việt Nam và cũng là thời điểm kết thúc chiến tranh thế giới: năm 1945. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “bị lôi cuốn vì công việc, anh em chúng tôi cũng chưa ai có dịp hỏi lại Bác vì sao Bác đã có được sự tiên đoán như vậy. Điều đó đã trở thành một trong những điều ta chưa hiểu hết được về con người và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại gần sáu mươi năm của Bác”(28).
Thứ hai, dự báo thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sự thành công của cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh
Là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, Hồ Chí Minh thấu hiểu sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Từ năm 1921, khi phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam đang rơi vào sự bế tắc về đường lối và giai cấp lãnh đạo, Nguyễn Ái Quốc vẫn khẳng định: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến… Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(29).
Với niềm tin mãnh liệt vào chính nghĩa, vào nhân dân, vào sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc chân chính, trong giai đoạn “nhóm lửa” hết sức khó khăn của Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng của cách mạng. Người động viên cán bộ: “Cách mạng phải gian khổ, việc cách mạng là việc lâu dài, nhưng cách mạng nhất định sẽ thắng”(30). Với nhân dân, không chỉ một lần, Người động viên, khích lệ: “Chúng ta có Hội Việt Minh/ Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh/ Mai sau sự nghiệp hoàn thành/ Rõ tên Nam Việt, rạng danh lạc hồng/ Dân ta xin nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”(31). Trong Lịch sử nước ta, lòng tin mãnh liệt của Người vào thắng lợi cách mạng đã được cụ thể hóa thành một mốc thời gian cụ thể: “1945 Việt Nam độc lập”.
Thứ ba, dự báo thúc đẩy Đảng và Mặt trận Việt Minh tích cực, chủ động chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Thực tế cho thấy, giữa dự báo và hiện thực luôn tồn tại nhiều “biến số”. Ở đây, muốn dự báo cách mạng trở thành hiện thực cách mạng thì Đảng – lực lượng lãnh đạo, phải nỗ lực chuẩn bị thời cơ, nhận đúng thời cơ và chớp lấy thời cơ. Chính vì vậy, với mốc thời gian cụ thể đã được Hồ Chí Minh định hướng, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nỗ lực chuẩn bị về mọi mặt.
Muốn giành chính quyền thì tất yếu phải có lực lượng. Để xây dựng lực lượng chính trị, các đoàn thể “cứu quốc” đã được tổ chức theo lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp và đều quy tụ trong Mặt trận Việt Minh. Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ: “Trong khi đi tổ chức một đoàn thể cứu quốc, điều cốt yếu là không phải những hội viên phải hiểu chủ nghĩa cộng sản, mà điều cốt yếu hơn hết là họ có tinh thần cứu quốc và muốn tranh đấu cứu quốc”(32). Trên nền tảng lực lượng chính trị rộng lớn, Đảng đã từng bước xây dựng lực lượng vũ trang, như Đội du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân… Để nâng cao sức chiến đấu của lực lượng vũ trang, tháng 8/1944, Mặt trận Việt Minh ra lời kêu gọi “Sắm vũ khí! Đuổi thù chung”. Ngày 22/12/1944, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng đã được thành lập. Đến tháng 4/1945, các tổ chức vũ trang cách mạng đã thống nhất hợp thành Việt Nam giải phóng quân. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đến thời điểm trước “thềm” Cách mạng Tháng Tám, Đảng đã có trong tay đội quân chính trị rộng lớn và lực lượng vũ trang quả cảm.
Trong quá trình chuẩn bị đón thời cơ, Hồ Chí Minh và Đảng đã rất chú trọng việc xây dựng căn cứ địa. Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn khởi nghĩa phải có căn cứ địa”(33). Trước khi về nước, Người nói rõ: “Chúng ta trở về Tổ quốc, việc trước tiên là phải có chỗ đứng chân. Lúc đầu là một điểm nhỏ, sau mở rộng thành một điểm to, rồi thành căn cứ”(34). Trên thực tế, chỉ từ hang Cốc Bó của bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, đến tháng 6/1945, khu giải phóng Việt Bắc gồm 06 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên) đã được hình thành.
Để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng còn kiên trì tập dượt cho quần chúng đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 – 1931, cuộc vận động dân chủ 1936 – 1939 và phong trào phá kho thóc giải quyết nạn đói ở giai đoạn tiền khởi nghĩa.
Để giải phóng dân tộc, Đảng không chỉ thực hiện nhiệm vụ là “trong thì vận động và tổ chức quần chúng”(35), mà còn phải thiết lập quan hệ quốc tế rộng rãi. Sự nỗ lực thiết lập quan hệ giữa Mặt trận Việt Minh với Quốc dân đảng Trung Hoa và đại diện giới quân sự của Mỹ ở Côn Minh – Trung Quốc của Hồ Chí Minh trước “thềm” Cách mạng Tháng Tám đã tạo thế pháp lý cho nền độc lập của Việt Nam vì “các nước đồng minh… quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”(36).
Đảng và Mặt trận Việt Minh đã nỗ lực chuẩn bị về mọi mặt theo dự đoán, chỉ đạo của Hồ Chí Minh nên khi điều kiện khách quan xuất hiện thì điều kiện chủ quan đã sẵn sàng. L.A.Patti – thiếu tá người Mỹ từng có mặt tại Hà Nội trong mùa thu lịch sử, đánh giá: “Chắc chắn là Ông Hồ sẽ không thể thành công nếu như Đảng Cộng sản Đông Dương của Ông đã không được tổ chức và chuẩn bị tốt cho việc giành chính quyền. Nhiều năm chuẩn bị không phải là vô bổ”(37).
Thứ tư, việc dự báo mốc thời gian cụ thể đã giúp Đảng chớp đúng thời cơ, tránh việc khởi nghĩa “non” hay để thời cơ qua đi
Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của khởi nghĩa chính là nghệ thuật chớp thời cơ. Trước khi Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc khởi nghĩa: Bắc Sơn (tháng 9/1940), Nam Kỳ (tháng 11/1940) và Đô Lương (tháng 1/1941), đã diễn ra ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Tuy nhiên, do điều kiện chưa chín muồi, các cuộc khởi nghĩa chỉ dừng ở quy mô địa phương, chưa thể thành công và chịu nhiều tổn thất (nhất là Khởi nghĩa Nam Kỳ).
Tháng 9/1944, sau khi về nước và được nghe báo cáo về Nghị quyết khởi nghĩa vũ trang của Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng, Hồ Chí Minh chỉ đạo hoãn ngay cuộc khởi nghĩa vì nhận thấy: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới”(38). Để chuẩn bị chu đáo hơn cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc (tháng 10/1944), Hồ Chí Minh tiếp tục dự đoán: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”(39). Với nhận định trên, Hồ Chí Minh lại gián tiếp khẳng định, thời điểm Việt Nam giành độc lập sớm nhất là năm 1945. Khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 09/3/1945, trong Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, Đảng nhận định: Cuộc đảo chính đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi; nhiệm vụ của Đảng lúc này là phát động một cao trào kháng Nhật làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Đảng cũng ý thức rõ rằng: Không phải cứ Nhật bại trận là Việt Nam giành được độc lập vì những kẻ chuẩn bị vào tước vũ khí của Nhật cũng nhăm nhe cướp luôn độc lập của dân tộc ta; chỉ bằng con đường khởi nghĩa ngay lập tức thì dân tộc Việt Nam mới có thể giành độc lập. Vì thế, ngay khi Nhật đầu hàng Đồng minh (ngày 14/8/1945), Đảng đã khẳng định: Tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện; ta phải giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Trong tình thế khẩn cấp, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã được thành lập; Quân lệnh số 1 về phát động toàn dân tổng khởi nghĩa đã được ban hành. Thực hiện ý chí của Hồ Chí Minh, “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(40), hơn 20 triệu đồng bào cả nước nhất tề đứng dậy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” với sức mạnh như “triều dâng, thác đố”. Lời dự báo “năm 1945 Việt Nam độc lập” của Hồ Chí Minh trong Lịch sử nước ta đã thành hiện thực.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Việc dự kiến chính xác, khoa học chiều hướng phát triển của sự vật, những tình huống lớn sẽ xảy ra trong tương lai vô cùng quan trọng trong công tác cách mạng”(41). Đây là yêu cầu, phẩm chất không thể thiếu của lãnh tụ cách mạng. Bằng sự thấu hiểu quy luật lịch sử, sự mẫn cảm chính trị đặc biệt, nghệ thuật “lọc và xử lý thông tin” của thế giới và trong nước, Hồ Chí Minh đã đưa ra “đáp số” chính xác về thời điểm kết thúc chiến tranh và thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc nước ta. Lời khẳng định “năm 1945 Việt Nam độc lập” đã thể hiện trí tuệ thiên tài của lãnh tụ Hồ Chí Minh và làm nên sự độc đáo, giá trị và sức sống bất hủ của tác phẩm Lịch sử nước ta trong muôn vàn tác phẩm thuộc dòng thơ ca tuyên truyền cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa./.
——————————————–
(1), (2), (3) và (29) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.4, 263, 264 và 40
(4) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.128
(5), (26) và (32) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.100, 279 và 125
(6), (18), (20), (27), (31) và (39) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.3, Sđd, tr.250 – 251, 242, 256, 265, 243 và 538
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Sđd, tr.24
(8) và (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.8, Sđd, tr.466 và 551
(10) và (15) Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh – Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.482 và 482
(11), (12) và (14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.15, Sđd, tr.612, 425 và 532
(13) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Sự nghiệp tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.506-507
(16) Trường Chính, Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1991, tr.6
(17) và (19) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.99 và 143
(21) và (25) A Voóc Hồ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1977, tr.24 và 76
(22), (30), (38) và (40) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.47, 89, 141 và 224
(23) V.I.Lênin, Toàn tập, t.26, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1981, tr.397
(24) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.6, Sđd, tr.515-516
(28) và (41) Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.62 và 60
(33) Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.173
(34) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.255
(35) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.2, Sđd, tr.289
(36) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Sđd, tr.3
(37) L.A.Patti, Tại sao Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 1995, tr.199
(Tạp chí Khoa học Chính trị số 01/2023)