PGS, TS. LÝ VIỆT QUANG – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Đồng chí Võ Văn Ngân là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những trang sử vẻ vang của Đảng và cách mạng Việt Nam thời dựng Đảng. Đặc biệt, đồng chí Võ Văn Ngân đã có nhiều đóng góp to lớn với việc xây dựng hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở Nam Kỳ, để lại những dấu ấn sâu đậm trong cao trào cách mạng 1930 – 1931 và cao trào cách mạng dân chủ 1936 – 1939 ở Nam Kỳ.
Từ khóa: cách mạng Việt Nam; đồng chí Võ Văn Ngân; nhà lãnh đạo
Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902 trong gia đình nông dân nghèo tại làng Bình Tả, xã Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, từ thực tiễn trải nghiệm của bản thân và được chứng kiến cảnh sống khổ cực của người dân dưới chế độ thực dân, Võ Văn Ngân cùng người anh Võ Văn Tần và các anh chị em trong gia đình sớm tham gia các hoạt động yêu nước, nhằm cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và có nhiều cống hiến đối với cách mạng Việt Nam, nổi bật nhất là đóng góp với việc xây dựng hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng Nam Kỳ.
Từ năm 1926, đồng chí Võ Văn Ngân cùng người anh Võ Văn Tần đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – một trong những tổ chức tiền thân của Đảng và trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở tỉnh Chợ Lớn khi đó. Cuối năm 1929, sau khi An Nam Cộng sản Đảng ra đời, đồng chí Võ Văn Ngân cùng đồng chí Võ Văn Tần và 5 chiến sĩ cộng sản khác lập ra Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng làng Đức Hòa – Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở quận Đức Hòa, do đồng chí Võ Văn Tần là Bí thư. Đầu năm 1930, sau khi các tổ chức cộng sản hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam, việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên địa bàn Đức Hòa được xúc tiến khẩn trương. Ngày 06/3/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Văn Tần, đồng chí Võ Văn Ngân cùng các đảng viên Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng họp tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Thỏ (Hương bộ Thỏ) ở làng Đức Hòa tuyên bố chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, gồm 07 đồng chí: Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Thỏ, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Sậy, do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở quận Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn. Khoảng cuối tháng 5/1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập, cả bốn anh em Võ Văn Mẫn, Võ Văn Tần, Võ Văn Tây, Võ Văn Ngân đều được bầu là Quận ủy viên, đồng chí Võ Văn Tần là Bí thư Quận ủy. Chi bộ làng Đức Hòa lúc này giao lại cho đồng chí Võ Văn Tây phụ trách. Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành, đồng chí Võ Văn Ngân đã trở thành chiến sĩ cộng sản thế hệ đầu tiên của Đảng ta, góp phần to lớn vào sự hình thành hệ thống tổ chức đảng ở Đức Hòa và Chợ Lớn.
Sau khi tham gia thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Đức Hòa, hưởng ứng cao trào đấu tranh cách mạng do Đảng phát động và lãnh đạo trên toàn quốc, ngày 04/6/1930, đồng chí Võ Văn Ngân cùng với các đồng chí Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần đã trực tiếp tham gia tổ chức cuộc đấu tranh của nông dân ở Đức Hòa đòi giảm sưu, giảm thuế, phản đối đưa lính về đàn áp. Đây là cuộc đấu tranh lớn nhất của nhân dân Đức Hòa và có tiếng vang rộng khắp các tỉnh Nam Kỳ trong cao trào cách mạng 1930 – 1931.
Sau cao trào cách mạng 1930 – 1931, trong bối cảnh phong trào cách mạng bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương bị phá vỡ, nhiều cán bộ ưu tú của Đảng bị bắt giam, hoặc anh dũng hy sinh, đồng chí Võ Văn Ngân cùng đồng chí Võ Văn Tần và các chiến sĩ cộng sản ở Đức Hòa vẫn kiên định, bám sát cơ sở, gây dựng lại phong trào. Từ Đức Hòa, đồng chí cùng người anh trai là Võ Văn Tần từng bước gây dựng lại cơ sở ở Gia Định. Điều này đã giúp cho cơ sở cách mạng ở Gia Định dần được khôi phục. Năm 1931, Tỉnh ủy Gia Định được tái lập và đồng chí Võ Văn Ngân được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Giữa năm 1932, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí Võ Văn Ngân là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Với sự tích cực của hai đồng chí, các cơ sở cách mạng ở Gia Định, Chợ Lớn dần được phục hồi. Đặc biệt, trong bối cảnh phong trào cách mạng trong nước đang bị khủng bố đẫm máu, cơ quan Trung ương và Xứ ủy lần lượt bị địch phá vỡ, nhiều cán bộ bị bắt giam, hy sinh, nhiều người cũng lo lắng trước sự đàn áp của chính quyền thực dân, nhưng đồng chí Võ Văn Tần, đồng chí Võ Văn Ngân vẫn kiên cường bám sát cơ sở, kiên nhẫn chắp nối lại hệ thống phong trào cách mạng. Với ý thức trách nhiệm cao của một cán bộ lãnh đạo, đồng chí Võ Văn Ngân đã có nhiều đóng góp to lớn vào việc gây dựng, phát triển cơ sở đảng ở Nam Kỳ. Sự phát triển vững chắc của các cơ sở đảng ở cả miền Đông và miền Tây Nam Kỳ trong những năm 30 của thế kỷ XX đã đóng vai trò nòng cốt cho việc phát triển phong trào cách mạng trên địa bàn rộng lớn và quan trọng này.
Với những cống hiến quan trọng trong phong trào cách mạng ở Gia Định, Chợ Lớn, cuối năm 1934, đồng chí Võ Văn Ngân cùng với đồng chí Trần Văn Giàu, Nguyễn Chánh Nhì được cử thay mặt Đảng bộ Nam Kỳ đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất của Đảng (tháng 3/1935, ở Ma Cao, Trung Quốc). Tại Đại hội, đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là sự ghi nhận của tổ chức đảng và các đảng viên đối với vai trò và cống hiến của đồng chí Võ Văn Ngân trong phong trào cách mạng. Tháng 11/1935, trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân triệu tập Hội nghị lập lại Xứ ủy lâm thời Nam Kỳ, do đồng chí làm Bí thư. Đồng chí vừa lãnh đạo Đảng bộ Nam Kỳ lập lại tổ chức đảng từ cấp Xứ ủy đến các tỉnh, vừa chỉ đạo tích cực xây dựng nơi đứng chân của Trung ương Đảng tại 18 thôn Vườn Trầu, Hóc Môn, Gia Định, để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước.
Như vậy, với những hoạt động tích cực sau ngày Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm trước sự khủng bố, đàn áp tàn bạo của thực dân Pháp, đồng chí Võ Văn Ngân đã kiên trì bám sát cơ sở, gây dựng, khôi phục phong trào và trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy Nam Kỳ và là một trong những cán bộ lãnh đạo của Trung ương Đảng, góp phần quan trọng tạo cơ sở thuận lợi cho sự phát triển của phong trào cách mạng ở Nam Kỳ trong Cao trào dân chủ 1936 – 1939.
Từ năm 1935, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển, tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng Đông Dương. Trước nguy cơ chủ nghĩa phát xít ráo riết chuẩn bị gây chiến tranh thế giới, tại Đại hội lần thứ VII (từ tháng 7 đến tháng 8/1935), Quốc tế Cộng sản đã chỉ rõ: lúc này kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân thế giới không phải là chủ nghĩa tư bản hoặc chủ nghĩa đế quốc nói chung mà là chủ nghĩa phát xít. Do tình hình này, nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân quốc tế chưa phải là đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh đế quốc, đòi tự do, dân chủ và hòa bình cho các dân tộc, đồng thời đấu tranh bảo vệ Liên Xô. Để thực hiện được nhiệm vụ này, đảng cộng sản ở các nước phải dựa trên cơ sở mặt trận thống nhất của giai cấp công nhân đoàn kết, liên minh với các lực lượng dân chủ, tiến bộ thành lập mặt trận nhân dân rộng rãi chống chủ nghĩa phát xít.
Thực hiện chủ trương của Quốc tế Cộng sản, tại Pháp, tháng 01/1936, Mặt trận bình dân Pháp được thành lập, gồm: Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, Đảng Cấp tiến, Tổng Liên đoàn Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động thống nhất. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4/1936, Mặt trận bình dân Pháp đã giành được thắng lợi. Mặc dù vẫn nằm trong khuôn khổ của chính phủ tư sản, nhưng do ra đời từ phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân chống phát xít, đòi tự do, dân chủ, hòa bình nên Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp buộc phải thi hành một số chính sách đã từng nêu trong cương lĩnh lúc tranh cử mang lại lợi ích cho nhân dân lao động Pháp và nhân dân các thuộc địa. Đối với các thuộc địa, nhất là Đông Dương và Bắc Phi, cương lĩnh Mặt trận bình dân Pháp đề ra việc thành lập phái đoàn của Quốc hội để điều tra tình hình, toàn xá tù chính trị, ban hành một số quyền tự do dân chủ, tự do nghiệp đoàn, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.
Trong khi đó, tại Đông Dương, Đại hội toàn quốc lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3/1935) đánh dấu sự phục hồi của Đảng và phong trào cách mạng trong nước. Tuy nhiên, do chưa nhạy bén với tình hình thế giới và lại diễn ra trước Đại hội VII Quốc tế Cộng sản nên Đại hội Đảng đã xác định: chỉ có công nhân, nông dân và dân nghèo thành thị là động lực chính của cách mạng Đông Dương; kẻ thù chủ yếu của cách mạng Đông Dương vẫn là đế quốc Pháp; giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản, phú nông, tiểu thương, tiểu chủ, đại trí thức là đồng minh của đế quốc Pháp(1). Đại hội chưa thấy rõ nguy cơ chủ nghĩa phát xít trên thế giới và tình hình chính trị ở Pháp để chĩa mũi nhọn đấu tranh cách mạng vào chủ nghĩa phát xít và bọn phản động thuộc địa, đòi những quyền dân sinh, dân chủ trong khuôn khổ pháp chế tư sản. Do đó, yêu cầu cấp thiết của cách mạng Việt Nam thời điểm này là phải vận dụng đường lối của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đề ra chủ trương sách lược mới sát hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là tập trung mũi nhọn đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, cải thiện đời sống cho các giai tầng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và tranh thủ điều kiện thuận lợi khi Mặt trận bình dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ở Pháp, tại Hội nghị ngày 26/7/1936, Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương(2), với lực lượng được xác định gồm các giai cấp, đảng phái, dân tộc, đoàn thể chính trị – xã hội, tôn giáo ở Đông Dương có một vài điểm tương đồng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và bọn phản động ở thuộc địa, chống nguy cơ chiến tranh thế giới, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình; đồng thời quyết định chuyển những hình thức tổ chức bí mật, không hợp pháp của các đoàn thể quần chúng sang hình thức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp để nhanh chóng tập hợp đông đảo quần chúng đấu tranh từ thấp lên cao(3).
Hội nghị đã đánh dấu sự điều chỉnh về chủ trương sách lược đấu tranh của Đảng trước tình hình mới của cách mạng nước ta. Sự điều chỉnh này đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng và mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đó là thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên một cao trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp, với sự tham gia đông đảo của các giai tầng xã hội – Cao trào cách mạng dân chủ 1936 – 1939.
Sau Hội nghị, đồng chí Hà Huy Tập về Nam Kỳ và đến tháng 10/1936, triệu tập hội nghị thành lập Ban Chấp hành Trung ương mới. Đồng chí Võ Văn Ngân được cử tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương mới, kiêm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Đồng chí đã giúp Trung ương xây dựng nơi đứng chân của Trung ương tại 18 thôn Vườn Trầu, huyện Hóc Môn.
Thực hiện chủ trương mới của Trung ương Đảng, phong trào Đông Dương Đại hội được phát động trên toàn quốc. Tại Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Ngân, nhiều ủy ban hành động ra đời. Mặc dù thực dân Pháp và các phần tử tờ-rốt-kít ra sức phá hoại, nhưng phong trào quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn phát triển mạnh mẽ. Ngày 13/8/1936, Hội nghị trù bị Đông Dương Đại hội được tổ chức tại Sài Gòn, với sự tham dự của 400 đại biểu đại diện cho các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, trong đó phần lớn là người lao động. Hội nghị đã cử ra Ủy ban trù bị Đông Dương Đại hội gồm 08 đại biểu của công nhân, 03 đại biểu của nông dân, 03 đại biểu của phụ nữ, 04 đại biểu của báo giới, 06 đại biểu của trí thức và tư sản. Đến tháng 9/1936, sau một tháng thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, riêng tỉnh Gia Định đã có 70 ủy ban hành động được thành lập. Các ủy ban hành động được thành lập cả trong các nhà máy, xí nghiệp, các khu phố ở thành phố và các làng quê ở nông thôn.
Cùng với phong trào Đại hội Đông Dương, đồng chí Võ Văn Ngân và Xứ ủy Nam Kỳ cũng chú ý tổ chức các cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ tối thiểu, nhất là đối với những người lao động, đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, cúp phạt lương; thực hiện tự do ngôn luận; tự do hội họp; giảm thuế. Trước áp lực của phong trào đấu tranh của các giai cấp, tầng lớp, đặc biệt là của công nhân và nông dân với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền thuộc địa đã phải thực hiện một số cải cách dân sinh, dân chủ, như trả lại tự do cho một số tù chính trị; ban hành nghị định tiến tới thực hiện ngày làm việc 08 giờ; được nghỉ ngày chủ nhật và hằng năm người lao động được nghỉ 10 ngày phép có lương. Một số đảng viên cộng sản trúng cử vào Hội đồng Quản hạt của thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Những thành tựu nổi bật đó của phong trào cách mạng ở Nam Kỳ ghi dấu ấn nổi bật của đồng chí Võ Văn Ngân với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.
Từ sau Hội nghị Trung ương tháng 3/1937, đồng chí Võ Văn Ngân bị ốm nặng, Trung ương Đảng cử đồng chí Võ Văn Tần thay đồng chí làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Trong thời gian dưỡng bệnh, đồng chí vẫn theo sát tình hình, không ngừng quan tâm, đóng góp ý kiến cho Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ngày 29/10/1938, đồng chí Võ Văn Ngân qua đời. Đây là một tổn thất to lớn đối với Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam.
Suốt cuộc đời, đồng chí Võ Văn Ngân luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, sâu sát cơ sở, bám sát phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào và đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên. Đồng chí là tấm gương sáng về nói đi đôi với làm, lý luận gắn thực tiễn. Dù công tác ở đâu, trên cương vị nào, đồng chí Võ Văn Ngân đều nhận được tình cảm trân trọng, quý mến, sự giúp đỡ tận tình của đồng chí, đồng bào và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Cuộc đời đồng chí Võ Văn Ngân là tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, về ý chí và tinh thần cách mạng của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm. Đồng chí trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho các đảng viên và quần chúng nhân dân trong những thời điểm khó khăn, thách thức nhất của cách mạng. Tinh thần kiên trung của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo. Đồng chí xứng đáng là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam./.
——————————————————-
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr 82-83
(2) và (3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, t.6, Sđd, tr.144 và 153-155
(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 08_2022)