PGS, TS. NGÔ VĂN MINH(*)
(*) Học viện Chính trị khu vực III,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký ngày 27/01/1973 là kết quả đàm phán trực tiếp của các nhà ngoại giao theo quan điểm, chủ trương đấu tranh ngoại giao của Đảng, trong đó có dấu ấn quan trọng của đồng chí Lê Đức Thọ. Bài viết đề cập đến vai trò “Cố vấn đặc biệt” và những nét nổi bật về sự kiên định lập trường, tư duy chiến lược, bản lĩnh vững vàng và nghệ thuật đàm phán khôn khéo, vừa kiên quyết, vừa linh hoạt của đồng chí Lê Đức Thọ trong quá trình đấu trí, đấu lý tại Hội nghị Paris.
Từ khóa: Lê Đức Thọ; Hội nghị Paris; đấu tranh ngoại giao
1. Vai trò “Tư lệnh” của đồng chí Lê Đức Thọ trên mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris
Đồng chí Lê Đức Thọ là một cán bộ lãnh đạo có tài năng về nhiều mặt, được Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng ở Tân Trào (tháng 8/1945) cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách công tác tổ chức sau Cách mạng tháng Tám. Đồng chí là một trong những lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ giai đoạn 1948 – 1954; được bổ sung vào Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối năm 1955; là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III); Ủy viên Quân ủy Trung ương (năm 1967), Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Đồng chí được Bộ Chính trị xem là người thích hợp nhất để giao nhiệm vụ làm “Cố vấn đặc biệt” của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris và trực tiếp đàm phán với đại diện của Chính phủ Mỹ trong các cuộc nói chuyện riêng giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 22/4/1968, khi bàn về việc đàm phán với Mỹ đã đề xuất: “Việc tiếp xúc với Mỹ phải chuẩn bị kỹ, lấy anh Sáu (tức Lê Đức Thọ) tham gia đoàn, có thể làm cố vấn”(1). Sau khi trao đổi thống nhất với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết thư gửi Bộ Chính trị về việc phân công đồng chí Lê Đức Thọ nhận trọng trách này.
Tại Hội nghị Paris, trên danh nghĩa kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam tuy có hai đoàn đàm phán là Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng đoàn và Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do đồng chí Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn (sau là Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thị Bình làm Trưởng đoàn), nhưng về mặt chính trị thì đây là một thế trận, “tuy hai mà một, tuy một vẫn là hai”(2) nên người lãnh đạo cao nhất, giữ vai trò “Tư lệnh” của cả hai đoàn là Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ. Trong quá trình đàm phán, đồng chí Lê Đức Thọ giữ vai trò là người lãnh đạo và truyền đạt ý kiến của Trung ương cho cả hai đoàn, trực tiếp đàm phán với đại diện của Chính phủ Mỹ trong các cuộc họp riêng, bí mật là những cuộc tiếp xúc giải quyết thực chất cuộc đàm phán. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí hết sức sâu sát. Đồng chí nghe báo cáo, trực tiếp đọc biên bản các phiên họp công khai; nhận xét phát biểu của phía Mỹ và của phái đoàn ta; gợi ý cần tìm hiểu ý đồ, thăm dò thái độ, quan điểm của Mỹ. Sau khi thảo luận nhất trí phương án trong đoàn, đồng chí tự chuẩn bị nội dung phát biểu cho từng phiên họp; chỉ đạo ra thông cáo báo chí góp phần làm cho nhân dân Mỹ, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới thấy được tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, sự thiện chí mong có được giải pháp thật sự cho hòa bình của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại các cuộc hội đàm, đồng thời vạch trần cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, sự thiếu thiện chí, lắt léo, kể cả lật lọng của phía Mỹ trong đàm phán. Đặc biệt, qua các cuộc đàm phán riêng, bí mật với Henry Kissinger (Giáo sư Đại học Harvard, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng – được xem là “bộ óc thông thái” của nước Mỹ), đồng chí Lê Đức Thọ trực tiếp đấu trí trên những vấn đề thực chất để đi đến thỏa thuận, tìm ra những giải pháp thích hợp nhất để đạt được mục tiêu đàm phán của ta mà phía Mỹ vẫn chấp nhận, kể cả đấu trí từng điều, từng điểm, từng con chữ để bảo đảm thật kín kẽ khi đưa vào dự thảo Hiệp định. Không chỉ là người truyền đạt chỉ thị của Bộ Chính trị, đồng chí còn là người đề ra sáng kiến để cùng Bộ Chính trị đưa ra những quyết sách trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris.
2. Dấu ấn Lê Đức Thọ qua những cuộc đấu trí, đấu lý tại Hội nghị Paris
Những cuộc đấu trí, đấu lý trực diện với phái đoàn Mỹ, nhất là với Henry Kissinger cho thấy sự kiên định lập trường, bản lĩnh vững vàng, tư duy và nghệ thuật đàm phán khôn khéo của đồng chí Lê Đức Thọ.
Một là, luôn giữ vững lập trường nguyên tắc trong đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris
Đó là phía Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn không điều kiện ném bom và các hành động chiến tranh khác ở miền Bắc, phải rút hết quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam mà không được đặt điều kiện nào; phải tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam. Trong quá trình đàm phán, có những vấn đề cần phải nhân nhượng, nhưng mỗi khi phía Mỹ đụng đến những vấn đề có tính nguyên tắc này, đồng chí Lê Đức Thọ kiên quyết, thẳng thừng phản bác. Trên bàn hội nghị công khai hoặc các cuộc đàm phán riêng, đồng chí luôn bình tĩnh, sáng suốt xem xét từng hàm ý, từng câu chữ của đối phương để không bị sơ hở. Khi phía Mỹ đặt vấn đề “việc rút quân khỏi miền Nam mọi lực lượng không phải Nam Việt Nam” với hàm ý cả quân Mỹ và quân đội miền Bắc cũng phải rút khỏi miền Nam vì đều là “lực lượng không phải Nam Việt Nam”, đồng chí Lê Đức Thọ đã chỉ đạo cho CP50 (Tiểu ban về Việt Nam) nghiên cứu công thức để trình Bộ Chính trị duyệt: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Chiến đấu để bảo vệ nước Việt Nam là quyền thiêng liêng của mọi người Việt Nam từ Nam đến Bắc. Sau khi Mỹ rút hết quân và chấm dứt can thiệp vào miền Nam, vấn đề các lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam do các bên Việt Nam cùng giải quyết”(3). Đồng chí luôn khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam, nói thẳng với Henry Kissinger: “Muốn đặt vấn đề một cách đúng đắn thì phải xuất phát từ nguyên nhân của cuộc chiến tranh chính nghĩa và nhân dân Việt Nam là nạn nhân của sự xâm lược”(4). Từ đó, đồng chí khẳng định một bên là quân Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa, một bên là lực lượng của cả dân tộc Việt Nam chống xâm lược, là chính nghĩa, vì vậy, phía Mỹ phải rút quân, không thể đánh đồng về điều kiện đặt ra giữa kẻ xâm lược và người chống xâm lược đòi hỏi quân đội miền Bắc thuộc lực lượng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam cũng phải rút quân khỏi miền Nam. Do lập trường vững vàng với tính nguyên tắc và lập luận sắc bén của đồng chí Lê Đức Thọ trong hội đàm, cuối cùng phía Mỹ phải chấp nhận những yêu cầu cao nhất của ta.
Hai là, luôn có nhiều phương án, lập luận sắc bén, chủ động tấn công đối phương trong đàm phán
Đồng chí Lê Đức Thọ luôn có nhiều phương án nhằm đạt được mục tiêu chiến lược trong đàm phán với phía Mỹ. Đồng chí nhắc nhở bộ phận nghiên cứu giải pháp: “Các cậu vẽ ra bao nhiêu phương án cũng được, càng nhiều phương án càng tốt, nhưng phải nhớ lời Bác “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, cái bất biến là Mỹ phải rút hết quân, còn quân miền Bắc thì vẫn tiếp tục ở lại miền Nam”(5). Đồng chí Lê Đức Thọ luôn giữ thế chủ động, đưa đối phương vào thế bị động. Nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi, nguyên Cố vấn pháp lý của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris viết rằng: “Hầu như muốn phác họa bức tranh của cuộc đàm phán, ông chủ động nêu một loạt vấn đề: về việc rút quân Mỹ, việc gạt bỏ chính quyền Thiệu – Kỳ – Hương, việc công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời; việc thành lập chính phủ liên hiệp, cách thảo luận là bàn cả vấn đề quân sự và vấn đề chính trị. Gọi đó là một chương trình nghị sự cũng được”(6).
Với những phân tích sắc sảo của mình, đồng chí Lê Đức Thọ đã phê phán những sai lầm của Mỹ. Kể từ khi Mỹ dựng lên chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm đến việc phát động “chiến tranh đặc biệt” rồi thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” ồ ạt đưa quân vào miền Nam với ảo tưởng có thể đè bẹp được ý chí chống Mỹ của nhân dân Việt Nam; dùng áp lực quân sự tối đa trên chiến trường để gây sức ép trên bàn hội nghị; sai lầm trong việc thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”; mở rộng chiến tranh sang Lào, Campuchia; ý đồ tách vấn đề quân sự ra khỏi vấn đề chính trị trong đàm phán, tiếp tục duy trì chính quyền Sài Gòn để bảo đảm cho ý đồ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới,…đồng chí kết luận, dù phía Mỹ có tiếp tục chiến tranh như thế nào đi nữa cũng không thể thay đổi được chiều hướng của cuộc chiến tranh là đế quốc Mỹ sẽ thất bại. Kể cả việc Mỹ muốn âm thầm giải quyết vấn đề Việt Nam thông qua các nước lớn khác cũng bị đồng chí Lê Đức Thọ bóc trần, khi nói thẳng với Henry Kissinger: “Không có cách thần kỳ nào để giải quyết vấn đề Việt Nam ngoài cách đàm phán nghiêm chỉnh với chúng tôi ở Hội nghị Paris trên cơ sở những đề nghị của chúng tôi và những đề nghị của các ông. Trong một ván cờ, quyết định thắng bại phải là người trong cuộc, không có cách nào khác. Chúng tôi độc lập giải quyết vấn đề của chúng tôi”(7). Những phân tích sắc sảo và lập luận sắc bén của đồng chí Lê Đức Thọ khiến Henry Kissinger – người trực tiếp đàm phán với đồng chí Lê Đức Thọ trong những cuộc gặp riêng, bí mật từ tháng 02/1970 đến tháng 01/1973 phải thừa nhận là “đúng và khôn ngoan”. Sự chủ động đấu tranh của đồng chí Lê Đức Thọ khiến Henry Kissinger cảm thấy mình như một thí sinh bị thầy giáo hỏi bài xem có trả lời đúng với đáp án của thầy không. Henry Kissinger đã viết: “Lê Đức Thọ tỏ ra đáng gờm trong nghệ thuật tạo nên các thế không lối thoát” cho phía Mỹ, và sau mỗi cuộc thương lượng thành công, “người thương lượng của chúng ta đã kéo chúng ta vào mê cung bất tận, vì mặc dầu chúng ta đã giải quyết Lê Đức Thọ lại sắp xếp để ít nhất vung ra một vấn đề mới vào mỗi cuộc họp”(8).
Ba là, luôn theo dõi chiến trường, tình hình đối phương, đặt vấn đề quân sự trong mối quan hệ với vấn đề chính trị khi đàm phán
Quán triệt phương châm vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ lưu ý Đoàn đàm phán phải luôn theo dõi tình hình chiến trường, xem “mặt trận ngoại giao là tấm gương phản chiếu diễn biến quân sự trên chiến trường, đồng thời lại phối hợp với chiến trường hỗ trợ cho chiến trường”(9), cùng với nghiên cứu tình hình nước Mỹ, chiến lược, kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam để gắn thực tế chiến trường với đàm phán; gắn vấn đề quân sự với vấn đề chính trị; gắn diễn biến tình hình nước Mỹ với đấu tranh ngoại giao đối phương trên bàn Hội nghị. Phương châm đấu tranh ngoại giao của đồng chí là giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt về sách lược, giữ kín kế sách của ta, vừa thăm dò, vừa tìm hiểu ý đồ của Mỹ, chủ động dẫn đối phương theo hướng của ta.
Khi phía Mỹ xảo quyệt muốn tách vấn đề quân sự ra khỏi vấn đề chính trị, lấy đề nghị quân sự để ép ta về vấn đề chính trị trong đàm phán, đồng chí Lê Đức Thọ nói thẳng với Henry Kissinger rằng đó là một đề nghị không thực tế, bởi “Không có cuộc chiến tranh nào mà không có mục đích chính trị. Quân sự chỉ là một thủ đoạn, một phương tiện để đạt mục đích chính trị mà thôi. Nếu tách vấn đề quân sự với vấn đề chính trị thì không giải quyết được vấn đề. Nếu cuộc chiến đấu của chúng tôi không đạt được mục đích hòa bình, tự do, độc lập thật sự, thì cuộc chiến đấu đó còn tiếp tục. Các ông đề nghị giải quyết vấn đề chính trị là nhằm mục đích củng cố ngụy quyền tay sai. Các ông dùng bọn tay sai tiếp tục thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt, dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới”(10).
Mặt dù trên chiến trường miền Nam, đợt 3 cuộc tổng công kích của quân ta đã chững lại, chúng ta không có ưu thế về quân sự, nhưng nhờ phân tích chính xác lý do phía Mỹ nôn nóng muốn nâng cấp cuộc gặp riêng giữa hai bên là do nội bộ của nước Mỹ đang có khủng hoảng sâu sắc, cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ đang đi vào giai đoạn gay gắt, trong đó, vấn đề Việt Nam đang nổi lên như là chủ đề số một của nội dung tranh cử giữa các ứng cử viên của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, Tổng thống Johnson rất cần có tiến triển trong đàm phán Paris để có điểm trong bầu cử, đồng chí nhận thấy đó là cơ hội thuận lợi và chấp thuận đàm phán để ép Mỹ phải sớm ngả bài trong vấn đề chấm dứt ném bom miền Bắc. Sau gần hai tháng tranh cãi, cuối cùng phía Mỹ phải bỏ hết các yêu sách đã đưa ra, tuyên bố chấm dứt mọi hành động liên quan đến dùng vũ lực đối với miền Bắc.
Bốn là, tranh thủ dư luận hỗ trợ cho ta trên bàn đàm phán, biết thắng từng bước, thể hiện cương – nhu đúng lúc
Trước khi Đoàn đàm phán lên đường đi Paris, đồng chí Lê Đức Thọ đã chỉ đạo một trong những nhiệm vụ của Đoàn là phải tranh thủ dư luận, cô lập Mỹ, phục vụ chiến trường(11). Trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris, đồng chí rất chú trọng tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, phối hợp cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam với cuộc đấu tranh của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, tranh thủ bạn bè, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là với Đảng Cộng sản, nhân dân và chính giới Pháp, tranh thủ nhân dân Mỹ qua những lần tiếp đoàn của các tầng lớp nhân dân Mỹ có phong trào phản chiến mạnh mẽ. Theo đồng chí, “Muốn tranh thủ dư luận tốt, lý lẽ của ta phải thật sắc bén, có sức thuyết phục, nhằm các vấn đề lớn, vạch Mỹ xâm lược, đề cao chính nghĩa và lập trường của ta”(12), và “Ta có chính nghĩa, đó là một mặt của sức mạnh, ta phải làm cho chính nghĩa của ta tỏa sáng khắp thế giới”(13).
Quán triệt phương châm “thắng địch từng bước” của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ chỉ đạo trong đàm phán phải đi từng bước: từng bước thăm dò ý đồ của Mỹ, từng bước buộc phía Mỹ phải rút dần các điều kiện đưa ra, từng bước đưa ra các điều kiện của ta từ thấp đến cao để cuối cùng đạt được mục tiêu quyết định.
Trong đàm phán với phía Mỹ, đồng chí Lê Đức Thọ luôn thể hiện sự cương – nhu đúng lúc, kiên nhẫn nghe đối phương nhưng vẫn kiên quyết giữ vững lập trường. Trong trường hợp đối phương chưa chịu chấp nhận những điều kiện do phía ta đưa ra, đồng chí chuyển sang vấn đề khác, sau đó quay lại vấn đề cũ. Một khi phía Mỹ có dấu hiệu xuống thang chiến tranh, chấp nhận những điều kiện do phía ta đưa ra, đồng chí Lê Đức Thọ cũng tỏ rõ thiện chí của phía Việt Nam trong đàm phán. Henry Kissinger đã nhận xét rằng Lê Đức Thọ bao giờ cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được, trừ một hai lần. “Một hai lần” mà Kissinger nói đến ở đây chính là những lúc phía Mỹ sử dụng lối “đàm phán đe dọa” hoặc vi phạm vào quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam. Khi Mỹ thực hiện chiến dịch không kích mang tên Linebacker II đưa máy bay B.52 ra đánh phá miền Bắc suốt 12 ngày đêm tháng 12/1972 bị thất bại, gặp lại Kissinger, đồng chí Lê Đức Thọ đã kịch liệt phê phán thái độ tráo trở, lật lọng, “trắng trợn và thô bạo” của Mỹ đã làm cho “danh dự nước Mỹ bị hoen ố”(14). Đồng chí cũng đã đập tay xuống bàn thẳng thừng, cứng rắn tuyên bố với Kissinger về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam (thể hiện ở Chương IV Dự thảo Hiệp định) là một tối hậu thư yêu cầu phía Mỹ phải tôn trọng, chấp nhận(15).
Đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ với vai trò lãnh đạo cao nhất của cả hai đoàn đàm phán và trực tiếp đấu tranh với đại diện phái đoàn Mỹ qua những cuộc đàm phán riêng, bí mật là đã thực hiện thành công hai mục tiêu cụ thể chủ yếu, như lời đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng căn dặn đồng chí vào năm 1972: “Anh sang bây giờ, anh sẽ là Tư lệnh ở mặt trận ngoại giao, làm thế nào thì làm, nhưng anh phải đạt được là “Mỹ rút, quân ta ở lại”(16). “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và 4 Nghị định thư được đồng chí ký tắt cùng với Kissinger vào ngày 23/01/1973 đến ngày 27/01/1973 được ký chính thức tại Paris bởi Ngoại trưởng 4 bên: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa là một thắng lợi rất to lớn của ta sau gần 5 năm vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh, đạt được mục tiêu chiến lược mà Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra.
Lê Đức Thọ là “Nhà thương thuyết tầm cỡ lớn”(17), “Nhà ngoại giao chiến lược tài ba” có tầm nhìn xa trông rộng về chiến lược và khôn khéo, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược(18). Dấu ấn về sự kiên định lập trường, tư duy chiến lược, bản lĩnh vững vàng và phương châm, phong cách đàm phán của đồng chí Lê Đức Thọ trong quá trình Hội nghị Paris là những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ ngoại giao về sau./.
—————————————
(1) và (5) Nguyễn Xuân, Nhà Ngoại giao Lê Đức Thọ và Hiệp định Paris về Việt Nam chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.435 và 439-440
(2) Nguyễn Thị Bình và tập thể tác giả: Mặt trận dân tộc giải phóng – Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam (Hồi ức), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.46
(3) Đinh Nho Liêm, Nhà ngoại giao xuất sắc Lê Đức Thọ, Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.412
(4), (6), (7), (10), (14) và (15) Lưu văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại Paris, Nxb Công an nhân dân, 2002, tr.482, 401, 411, 394, 592 và 406
(8) Henry Kissinger, Những năm bão táp (Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng), Hồi ký, Nxb Công an nhân dân, 2004, tr.689
(9) và (13) Nguyễn Việt, Anh Sáu Thọ, Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.473 và 473
(11) và (12) Hà Văn Lâu, Từ chiến trường đến bàn đàm phán, Nhớ về anh Sáu, Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.381 và 381
(16) Xuân Lộc, Đòn cân não dai dẳng https://www.vnu.edu.vn/btdhqghn/?C2460/N14368/don-can-nao-dai-dang.htm, truy cập ngày 23/12/2022
(17) Nguyễn Thị Bình, Lê Đức Thọ – Nhà thương thuyết tầm cỡ lớn, Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.369
(18) Nguyễn Dy Niên, Lê Đức Thọ – Nhà ngoại giao chiến lược tài ba, Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.375-376
(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 02/2023)