ThS. VŨ THỊ QUÝ(*)
ThS. NGUYỄN LÝ BẰNG(**)

(*) và (**) Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Bài viết nhấn mạnh việc phản bác luận điệu sai trái và phản động liên quan đến định hướng và mục tiêu phát triển đất nước dưới góc độ nguồn lực kinh tế của Việt Nam. Sử dụng lập luận và dẫn chứng, bài viết chứng minh rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế. Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và có sự ổn định, được minh chứng bởi tăng trưởng GDP cao, GDP bình quân đầu người tăng lên và giảm tỷ lệ nghèo. Định hướng, mục tiêu phát triển đất nước đã được thiết lập một cách chiến lược và nhất quán, Việt Nam có đủ lực lượng và tiềm năng kinh tế để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Từ khóa: luận điệu xuyên tạc; nguồn lực kinh tế; thế lực thù địch; Việt Nam

1. Đặt vấn đề
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế. Định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước tập trung vào việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành trong nền kinh tế, đổi mới và ứng dụng công nghệ, hội nhập quốc tế, xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Để huy động sức mạnh đoàn kết từ trên xuống dưới, đồng thời phát huy hiệu quả tối ưu của các nguồn lực, trong những giai đoạn, tùy vào bối cảnh trong và ngoài nước, Đảng và Nhà nước đã đặt ra những định hướng và mục tiêu cụ thể cho quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, ngược lại với tinh thần đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hướng tới những mục tiêu đặt ra, các thế lực thù địch cố tình phá hoại bằng những luận điệu xuyên tạc, sai trái đối với định hướng, mục tiêu phát triển đất nước của Việt Nam.
Hiện nay, nội dung mà các đối tượng thù địch, phản động hướng đến chủ yếu là xuyên tạc, bóp méo sự thật, chống phá quan điểm và đường lối của Đảng cũng như các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, những “điểm nóng” khác để kích động người dân chống đối chính sách của Nhà nước. Các thế lực thù địch, phản động còn tận dụng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để phỉ báng và phủ nhận đường lối lãnh đạo cũng như thành tựu phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Chúng kích động tâm lý hoài nghi trong xã hội, cổ súy và tuyên truyền về hình thức kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa để làm mất phương hướng và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây ra sự bất ổn về tư tưởng và tạo ra tình thế mới về chính trị. Lợi dụng tình thế đó, các thế lực thù địch kêu gọi cho việc đòi hỏi “dân chủ kinh tế”, yêu cầu Đảng và Nhà nước phát triển kinh tế thị trường theo kiểu phương Tây; đồng thời, kêu gọi “dân chủ hóa chính quyền”, từng bước cô lập và tách các tổ chức đảng, đảng viên ra khỏi quần chúng, tạo áp lực về chính trị – xã hội và thậm chí đưa ra các ý đồ gây bạo loạn, lật đổ, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Chúng thực hiện chính sách “thân thiện giả hiệu” bằng cách thâm nhập sâu vào hoạt động của nền kinh tế, tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận rộng rãi với các đối tượng và tầng lớp nhân dân để xây dựng lực lượng, kích động và phá hoại nền tảng tư tưởng, thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ đất nước.
Các nền tảng mạng xã hội, như facebook, youtube, tiktok, đã và đang là môi trường thuận lợi cho các thế lực thù địch thực hiện hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng. Các thế lực thù địch đã đầu tư, nâng cấp kênh youtube, fanpage trên facebook nhằm chuyên biệt hóa việc tuyên truyền, thậm chí trả tiền quảng cáo cho các mạng xã hội. Chúng sử dụng tên, hình ảnh của các mục tiêu, hội nhóm theo các sự kiện chính trị, vấn đề phức tạp, tình hình nóng hoặc các đồng chí lãnh đạo cấp cao để thu hút dư luận. Thông tin phát tán được pha trộn giữa “thật – giả” và có thời cơ liên kết tổ chức “chiến dịch truyền thông” và “phong trào phản đối” trên mạng để tấn công chủ trương, chính sách của Nhà nước và các địa phương. Các thế lực thù địch cũng tìm cách thâm nhập vào những nhóm kín, nhóm công khai, cộng đồng mạng xã hội để thao túng, hướng lái đường hướng hoạt động hoặc tạo dựng các “trào lưu mạng xã hội” nhằm tạo lực lượng chống phá Đảng và Nhà nước.
Trước tình hình các thế lực thù địch hoạt động ngày càng tinh vi, nguy hiểm, len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, việc nhận diện những luận điệu xuyên tạc, sai trái và đưa ra những luận cứ phản bác đanh thép, kiên cường đấu tranh trên mọi phương diện, mọi “mặt trận” là hết sức cần thiết để chống lại những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ thành quả của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
2. Luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế và hệ lụy của nó
Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng ở khu vực Đông Nam Á. Nền kinh tế nước ta đã trải qua hơn 35 năm đổi mới và đạt được sự​ tăng trưởng ấn tượng. Quy mô GDP năm 1986 khoảng 26,34 tỷ USD đã nhân lên hơn 15 lần, đạt khoảng 409 tỷ USD vào năm 2022(1). GDP bình quân đầu người cũng tăng gần 10 lần, từ 430 USD/người (năm 1986) lên 4.163 USD/người (năm 2022). Giá trị xuất khẩu năm 1986 chỉ chiếm khoảng 6,6% GDP đã tăng lên 93,3% GDP vào năm 2021(2). Kể từ năm 2020, đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung đã tác động nặng nề tới mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 – 2020 vẫn đạt khoảng 6%/năm (riêng năm 2020 tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91%, là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới)(3). Nền kinh tế cũng đạt nhiều thành tựu trong việc giảm nghèo và cải thiện mức sống người dân. Tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong giai đoạn vừa qua, và người dân được cải thiện thu nhập và mức sống, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, như giáo dục và y tế…
Dựa trên cơ sở khoa học và những kết quả thực tiễn đã đạt được, nhận diện “đà” và “thế” của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa ra mục tiêu phát triển đất nước: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(4). Để đạt được mục tiêu trên, Đảng đã đưa ra các mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(5).
Trong khi đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng lòng, hợp sức, quyết tâm xây dựng đất nước, hướng tới mục tiêu Đảng đã đặt ra thì một số cá nhân, tổ chức phản động lại cố tình đưa ra những quan điểm sai trái, thù địch. Cụ thể, họ tỏ ra hoài nghi về các mục tiêu này và cho rằng: những mục tiêu đó không có tính khả thi vì hiện tại Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo nàn, kém phát triển nên chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ không thể nào đạt được những mục tiêu đã đề ra(!); đó là sự “viển vông”, “không có cơ sở để thực hiện”(!); mục tiêu đặt ra vào năm 2045, đất nước trở thành nước thu nhập cao là sự “ngẫu hứng”(!).
Với mục tiêu phá hoại, gây hoang mang, dao động, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và những định hướng, mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội lần thứ XIII đặt ra, nhìn từ góc độ kinh tế, các luận điệu sai trái, xuyên tạc và phản động đối với định hướng và mục tiêu phát triển đất nước có tác động đáng kể đến quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Cụ thể:
Thứ nhất, một trong những tác động chính là sự mất niềm tin và hoài nghi của người dân đối với Đảng và Nhà nước, các quyết định về phát triển kinh tế. Khi thông tin không chính xác và đánh đồng được lan truyền, người dân có thể không tin tưởng và hoài nghi về khả năng thực hiện mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin và đoàn kết trong xã hội, gây rối và cản trở quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ hai, những luận điệu sai trái và xuyên tạc có thể gây ra sự hoang mang và dao động trong tâm lý của người dân. Khi những thông tin không chính xác và tiêu cực về tình hình kinh tế được nhấn mạnh, người dân có thể trở nên lo lắng và bất an về tương lai kinh tế của mình. Sự lo ngại này có thể ảnh hưởng đến tinh thần và động lực của người dân trong việc tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, gây trì trệ và suy giảm hiệu quả của các hoạt động kinh tế.
Thứ ba, luận điệu sai trái và phản động còn có thể gây ra sự mất định hướng và tầm nhìn phát triển. Khi mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế bị xuyên tạc và coi thường, nguy cơ xảy ra sự lạc lối trong quyết định và hành động của chính quyền và các cơ quan chức năng. Điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ và đánh mất cơ hội phát triển kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, sự đánh đồng và xuyên tạc cũng gây ra sự hiểu lầm về các chính sách và biện pháp phát triển kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến sự tham gia và đóng góp của các thành viên trong xã hội.
Nhận diện và phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc và phản động là cực kỳ quan trọng để duy trì lòng tin và đoàn kết trong quá trình xây dựng đất nước. Việt Nam đã có những thành tựu đáng chú ý trong phát triển kinh tế và đã chứng minh được tiềm năng của mình. Thông qua lập luận và dẫn chứng, có thể chứng minh rằng, những mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra là khả thi và có cơ sở để thực hiện. Đồng thời, việc tạo ra những thông tin chính xác và tích cực về tình hình kinh tế cũng giúp xóa bỏ hoang mang và mất niềm tin trong xã hội.
3. Căn cứ đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam
Những nội dung đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch về định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế của nước ta xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới đất nước gần bốn thập kỷ vừa qua. Cơ sở lý luận bao gồm hệ thống quan điểm xuyên suốt và tầm nhìn nhất quán của Đảng và Nhà nước kể từ đổi mới cho tới nay. Cơ sở thực tiễn chính là thực trạng các nguồn lực bên trong và bên ngoài mà Việt Nam đã tích luỹ, được khái quát trên 03 phương diện: “lực”, “đà” và “thế” để sẵn sàng “cất cánh” hướng tới những mục tiêu đã đặt ra.
Thứ nhất, Đại hội lần thứ XIII của Đảng không phải lần đầu tiên đặt ra tầm nhìn phát triển đất nước chạm đến mốc thời gian 2035 – 2045. Mục tiêu này được đặt ra trên cơ sở tầm nhìn phát triển của Đảng tại Đại hội lần thứ XI (năm 2011), cụ thể là trong Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) đưa ra mục tiêu xây dựng đất nước đến giữa thế kỷ XXI với tầm nhìn 40 năm và xa hơn nữa, tới khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”(6). Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, Cương lĩnh đã cụ thể hóa 08 phương hướng cơ bản và 08 mối quan hệ lớn cần phải quán triệt thực hiện tốt.
Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục xác định các mục tiêu phát triển đất nước trong trung hạn và dài hạn gắn với những mốc thời gian cụ thể trên cơ sở tầm nhìn của Cương lĩnh năm 2011 và những thành tựu phát triển đất nước mà Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân đã phấn đấu xây dựng không chỉ trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng, không chỉ trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011 hay 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 mà toàn bộ quá trình hơn 35 năm đổi mới và phát triển đất nước. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa ra mục tiêu cụ thể tới năm 2035, tầm nhìn 2045 là rất cần thiết, là những định hướng lớn để xây dựng kế hoạch cho từng khoảng thời gian cụ thể. Rõ ràng, mục tiêu “đến năm 2030,… là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045,… trở thành nước phát triển, thu nhập cao” không phải là một mục tiêu dễ dàng, đặc biệt là sau sự tàn phá nặng nề của đại dịch COVID-19. Sau thời gian khó khăn vừa qua, những dấu mốc quan trọng này càng có ý nghĩa hơn trong việc huy động mọi nguồn lực phát triển, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp trí tuệ, sức lực, tài năng của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam đang trong trạng thái với “lực”, “đà” và “thế” để sẵn sàng bứt phá, hướng tới những mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra. Đây cũng là những căn cứ khoa học và căn cứ thực tiễn khẳng định những định hướng, mục tiêu đó không hề “viển vông”(!) hay “vô căn cứ”(!) như các thế lực thù địch rêu rao.
Về “lực”, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã gầy dựng, tích luỹ, nuôi dưỡng những nguồn lực bền vững để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng hiệu quả, chất lượng: Một, quy mô dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người gia tăng nhanh chóng, tầng lớp trung lưu đang hình thành với khoảng 13% dân số hiện tại và dự kiến tăng lên khoảng 1/3 dân số vào năm 2026(7), xu hướng tiêu dùng đa dạng và linh hoạt, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiêu dùng vô cùng tiềm năng. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 51.7 triệu người(8) và mỗi năm, lực lượng lao động được bổ sung khoảng 01 triệu người. Đây là lực lượng sản xuất đông đảo, tăng nhanh về chất lượng, là động lực trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế. Hai, tích lũy tài sản gia tăng hơn 23 lần, từ 130 nghìn tỷ đồng năm 2000 (chiếm 29,6% GDP) lên tới 3,18 triệu tỷ đồng năm 2022 (chiếm 33,4% GDP)(9). Với quy mô tích lũy tài sản gia tăng nhanh và liên tục, nền kinh tế gia tăng năng lực sản xuất, tạo động lực tiếp tục gia tăng quy mô kinh tế trong thời gian tới. Ba, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, tăng tính hấp dẫn, tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư. Quy mô FDI tăng từ hơn 400 triệu USD (năm 1991) lên tới gần 22,4 tỷ USD (năm 2022), tăng 52 lần. Tổng số dự án lũy kế đến nay đạt hơn 38 nghìn dự án, tổng vốn thực hiện lũy kế hơn 250 tỷ USD(10). Bốn, hiệu quả thể chế ngày càng được cải thiện và nâng cao, đặc biệt là trong việc giải quyết mối quan hệ giữa cơ chế thị trường và cơ chế kế hoạch của Nhà nước.
Về “đà”, nền kinh tế Việt Nam đã có giai đoạn giải phóng các nguồn lực, phát huy các thế mạnh để tăng trưởng với tốc độ cao liên tục và tương đối ổn định. Ở thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế đang chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả, việc phát huy nguồn lực theo chiều sâu, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao vẫn còn rất nhiều dư địa.
Trong thập kỷ gần đây, năng suất lao động của Việt Nam đang có mức tăng bình quân hằng năm cao nhất trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, vì vậy, dù tăng với mức cao nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực, đòi hỏi Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động hơn nữa. Với bối cảnh hiện nay, Việt Nam còn khá nhiều dư địa để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Một, với 3/4 lực lượng lao động chưa qua đào tạo(11), việc tập trung vào công tác giáo dục – đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn, tay nghề của người lao động, nâng cao tỷ trọng lao động qua đào tạo có thể góp phần tiếp tục gia tăng nhanh năng suất lao động. Hai, tỷ trọng các ngành sản xuất truyền thống trong cơ cấu ngành của nước ta còn ở mức cao (nông nghiệp và công nghiệp đóng góp 54,8% GDP năm 2022)(12). Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, các ngành có giá trị gia tăng cao cũng góp phần nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới. Ba, 63% lực lượng lao động hiện làm việc ở khu vực nông thôn, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cơ cấu lao động sẽ dịch chuyển sang khu vực thành thị với khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, khắc phục tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn, từ đó góp phần tiếp tục gia tăng năng suất lao động. Bốn, cơ cấu công nghệ cũng đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng gia tăng ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tạo ra một động lực lớn để gia tăng năng suất lao động nhanh hơn nữa. Lực lượng lao động chưa qua đào tạo lớn, tỷ trọng đóng góp của các ngành sản xuất truyền thống còn ở mức cao, lao động nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ cao và cơ cấu công nghệ đang chuyển biến tích cực, nên tiềm năng gia tăng năng suất lao động ở Việt Nam còn rất lớn. Đảng, Nhà nước và toàn dân vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế… nhằm phát huy tối ưu những vùng “dư địa” này, qua đó gia tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động.
Về “thế”, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thời cơ, vận hội chưa từng có trước đây, với những dòng chảy lớn có thể nương vào và tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Một, trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đã thiết lập ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, đối tác toàn diện với 13 nước, trong đó có tất cả 05 nước Ủy viên Thường trực Liên hợp quốc(13). Trên bình diện đa phương, Việt Nam có nhiều đóng góp hiệu quả và đảm nhiệm thành công vai trò chủ chốt tại các tổ chức và diễn đàn, đặc biệt là Liên hợp quốc, ASEAN. Việt Nam hiện là một mắt xích quan trọng trong liên kết kinh tế khu vực và quốc tế. Hai, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đem đến cơ hội “đứng trên vai những người khổng lồ” trên góc độ công nghệ, có thể học tập, tiếp thu những thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến trên thế giới, thu hẹp khoảng cách về công nghệ và chất lượng nhân lực. Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế “trẻ”, năng động, linh hoạt trước những xu thế mới, đặc biệt là xu thế về công nghệ. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có lượng người dùng điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, khoảng 62,8 triệu người vào năm 2022 và ước tính năm 2026 là 67,3 triệu người(14). Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 07 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia(15). Bối cảnh hiện nay cho phép kết hợp những tiềm năng bên trong và những vận hội bên ngoài để nền kinh tế Việt Nam cất cánh không thua gì “thần kỳ Singapore” hay “kỳ tích sông Hàn” bằng sức mạnh của kinh tế số và khoa học – công nghệ.
Có thể nói, định hướng và mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra từ nay tới năm 2030 và năm 2045 là những nhiệm vụ quan trọng, hoàn toàn nhất quán với tầm nhìn và chiến lược phát triển đất nước mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã và đang nỗ lực hướng tới kể từ khi giành được độc lập dân tộc và bắt đầu đổi mới toàn diện nền kinh tế nước ta. Trước những kết quả đã đạt được trong gần bốn thập kỷ vừa qua, cùng với “lực”, “đà” và “thế” ở thời điểm hiện tại, định hướng và mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao là những mục tiêu hoàn toàn có căn cứ. Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy khát vọng phồn vinh, đánh thức sức mạnh nội tại từ mỗi một con người Việt Nam là điều kiện tiên quyết để có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp từ “lực”, “đà” và “thế”, đưa nền kinh tế Việt Nam cất cánh, viết thêm một câu chuyện thần kỳ, tạo thêm một kỳ tích vươn mình ở Đông Nam Á./.

—————————

(1), (2) và (7) Số liệu thống kê công bố chính thức trên website của Ngân hàng Thế giới (https://data.worldbank.org)
(3), (4) và (5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.61, 112 và 112
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.71
(8), (9), 10), (11) và (12) Số liệu thống kê công bố chính thức trên website của Tổng cục Thống kê Việt Nam (https://www.gso.gov.vn/so-lieu-thong-ke/)
(13) Nguyễn Thị Thìn, Về khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 07/04/2023
(14) Insider Intelligence, Người dùng smartphone tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 – 2026, https://www.insiderintelligence.com/chart/255527/smartphone-users-southeast-asia-by-country-2021-2026-millions-change-of-internet-users, ngày 02/8/2023
(15) Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á – Tiếng gầm thập kỷ XX: Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á (E-Conomy SEA 2021-Roaring 20s: the SEA Digital Decade), năm 2021