TS. NGUYỄN THỊ THẢO(*)

Tóm tắt: Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các đảng cộng sản nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, chi phối tổ chức và hoạt động của Đảng, trong đó có hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và thực hiện quyền làm chủ của đảng viên. Trong công tác cán bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ có vai trò quyết định đến việc “bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị”(1). Vì vậy, cần có cơ chế bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Từ khóa: cơ chế bảo đảm; công tác cán bộ; tập trung dân chủ

1. Sự cần thiết của việc hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ
Theo Đại từ điển tiếng Việt, “cơ chế là cách thức sắp xếp tổ chức để làm đường hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện”(2). Cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ là hệ thống các quan điểm, quy chế, quy định, cách thức, biện pháp, điều kiện vừa bảo đảm phát huy dân chủ trong các tổ chức đảng, vừa bảo đảm tính tập trung, thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ trong từng nội dung, quy trình của công tác cán bộ. Cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ bao gồm cơ chế về thẩm quyền, trách nhiệm của các tập thể và cá nhân lãnh đạo, quản lý và quyền của đảng viên trong thực hiện các khâu, quy trình của công tác cán bộ và cơ chế xử lý đối với các tập thể và cá nhân vượt quyền, sai quyền, lộng quyền, vi phạm quyền của đảng viên. Cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên soi rọi và tổ chức thực hiện. Do đó, có thể thấy, sự cần thiết của việc hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ xuất phát từ:
Một là, bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ và vai trò của cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”(3). Các nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ được quy định tại Điều 9 Điều lệ Đảng(4), bao gồm: (1) quy định cách lập cơ quan lãnh đạo của Đảng và nguyên tắc Đảng lãnh đạo theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, vừa thể hiện tính dân chủ vừa bảo đảm sự tập trung trong tổ chức và hoạt động của Đảng; (2) quy định về các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng từ Trung ương đến cơ sở; (3) quy định về chế độ báo cáo trong Đảng bảo đảm sự tập trung thống nhất, song vẫn bảo đảm thảo luận tập thể, quyết định theo đa số; (4) quy định các mối quan hệ giữa các tổ chức đảng các cấp, giữa tổ chức đảng, đảng viên và nghị quyết của Đảng; giữa thiểu số và đa số; (5) quy định chế độ ra quyết định trong Đảng, quyền của đảng viên và ý kiến thuộc về thiểu số, thể hiện tính dân chủ và tập trung trong hoạt động của Đảng; (6) quy định thẩm quyền của tổ chức đảng cấp dưới đối với những vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình nhưng phải bảo đảm đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy cấp trên.
Các nội dung trên thể hiện bản chất của một nguyên tắc thống nhất, trong đó tập trung và dân chủ gắn bó chặt chẽ với nhau, làm tiền đề cho nhau. Tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung. Tập trung mà không có dân chủ sẽ trở thành tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; dân chủ không đi tới tập trung sẽ rơi vào tình trạng dân chủ vô tổ chức, hỗn loạn. Đặc điểm nổi bật của nguyên tắc tập trung dân chủ là quyết định theo đa số, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nên cần có cơ chế phân định rõ đâu là thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, đâu là thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân, tránh tình trạng vượt quyền, sai quyền. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ là yếu tố quyết định đến sự thống nhất về nhận thức và hành động, bảo đảm cho Đảng luôn là một tổ chức lãnh đạo, tổ chức chiến đấu, tổ chức hành động, lãnh đạo đất nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc, hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Công tác cán bộ có nội dung rất rộng gắn liền với thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ là việc thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ dựa trên nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, bảo đảm đúng, đủ thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thảo luận, bàn bạc và quyết định những vấn đề về công tác cán bộ, vừa phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, vừa bảo đảm quyền của đảng viên, nhất là đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số. Vì vậy, cần có cơ chế để các chủ thể thực hiện đúng, đủ thẩm quyền, trách nhiệm đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ.
Hai là, tình hình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ
Từ khi ra đời đến nay, Đảng luôn lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động. Đối với công tác cán bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện khá chặt chẽ, thống nhất về thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quyết định từng nội dung của công tác cán bộ. Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Đảng đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác cán bộ, trong đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành 19 văn bản, Bộ Chính trị ban hành 74 văn bản, Ban Bí thư ban hành 39 văn bản và Ban Tổ chức Trung ương ban hành 40 văn bản về công tác cán bộ…(5). Hầu hết các văn bản của Đảng đều yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, khẳng định tập trung dân chủ là một nguyên tắc có ý nghĩa chi phối, quyết định. Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ rõ: “Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ”(6). Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử cũng xác định nguyên tắc: “Bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ”(7).
Gần đây, Đảng, các cấp ủy đảng đã quan tâm xây dựng và ban hành quy chế làm việc với nội dung ngày càng đầy đủ và chặt chẽ, như các quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp; Bộ Chính trị bổ sung trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương trong việc định hướng xây dựng, thực hiện chiến lược cán bộ của hệ thống chính trị; xác định trách nhiệm của các cá nhân lãnh đạo, quản lý, như Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương gương mẫu thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương (08 nội dung xây, 08 nội dung chống); quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền… Các quy chế, quy định trong công tác cán bộ đều dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm, đội ngũ đảng viên thực hiện đầy đủ quyền dân chủ trong công tác cán bộ. Công tác tuyển chọn, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ được thực hiện theo đúng quy định, quy trình, được các cấp ủy, tổ chức đảng bàn bạc dân chủ và quyết định theo đa số, chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ được nâng lên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “các nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng quy định trong Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tuân thủ và thực hiện nghiêm túc”(8).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng thẳng thắn đánh giá: “Nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn vi phạm nghiêm trọng… Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong tổ chức và hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng có nội dung chưa được quy định cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, nhất là về mối quan hệ, trách nhiệm giữa tập thể, cá nhân và người đứng đầu, nên khó xác định trách nhiệm của cá nhân khi xảy ra sai phạm”(9). Ở một số nơi, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ còn mang tính hình thức, chưa được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, thiếu công khai, minh bạch. Người đứng đầu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, lợi dụng quyền lực, quyền được ủy quyền, giao quyền chi phối, lũng đoạn ý kiến của tập thể, thao túng cá nhân, dẫn đến công tác cán bộ ở đó mặc dù đúng quy trình, quy định, song kết quả không bảo đảm chất lượng.
Ở một số tổ chức đảng, cấp ủy, người đứng đầu không phát huy dân chủ, bảo đảm quyền của đảng viên trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, như quyền được thông tin, thảo luận, quyền được phê bình, chất vấn những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ (những thông tin liên quan đến chủ trương quy hoạch, luân chuyển, điều động, quyền được ứng cử, đề cử, bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng). Hoặc, không ít nơi, người đứng đầu thiếu tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đảng viên, phân biệt, đối xử, trù dập đối với ý kiến thuộc về thiểu số, trái với chủ trương của người đứng đầu, dẫn đến tình trạng đảng viên thờ ơ, vô cảm, ngại trình bày ý kiến về những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ.
Những vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ nói chung, nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ nói riêng dẫn đến nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, như chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy chức, chạy quyền, chạy tội gây bức xúc trong Đảng và xã hội. Thực tế kết quả kiểm tra, giám sát gần đây cho thấy, hầu hết tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật đều liên quan đến thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, trong đó có nguyên tắc tập trung dân chủ. Chính vì vậy, xây dựng và hoàn thiện cơ chế thực hiện công tác cán bộ nói chung, cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong cán bộ nói riêng là yêu cầu đặt ra đối với hoạt động của toàn Đảng hiện nay.
2. Giải pháp hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ hiện nay
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã chỉ rõ: “thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ”(10). Công tác cán bộ là khâu trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, quyết định đến vị thế, vai trò cầm quyền của Đảng. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ cần tập trung vào các nội dung sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện các quy định của Đảng về nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ và các cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ
Các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi đảng viên cần quán triệt đầy đủ các quy định của Đảng về nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ. Cần nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về công tác cán bộ và các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về quy trình tổ chức thực hiện. Cần nhận thức đúng về thẩm quyền, trách nhiệm và quyền dân chủ trong thảo luận, bàn bạc và quyết định theo đa số về công tác cán bộ. Nghiêm túc, gương mẫu thực hành phương pháp làm việc khoa học, chấp hành các quy chế, quy định về công tác cán bộ, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân đảng viên trong thảo luận, đóng góp ý kiến những vấn đề liên quan đến cán bộ. Cần bám sát Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, soi chiếu và nắm chắc các nội dung vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ, về công tác tổ chức, cán bộ và công tác đảng viên, công tác bầu cử để phòng, chống vi phạm.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, ban hành quy chế, quy định, quy trình, hướng dẫn thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong từng nội dung của công tác cán bộ
Nguyên tắc tập trung dân chủ có nội dung rất rộng, chi phối tổ chức và hoạt động của toàn Đảng. Tuy nhiên, đây là một nguyên tắc trừu tượng, chưa được cụ thể hóa gắn với từng nội dung, từng lĩnh vực công tác. Cho đến nay, ngoài Điều lệ Đảng và quy định thi hành Điều lệ Đảng, hầu hết các văn bản của Đảng không quy định riêng về việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ nói chung và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ nói riêng. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy chế, quy định, quy trình hướng dẫn đối với từng nội dung của công tác cán bộ bảo đảm tính thống nhất trong toàn Đảng, tránh tình trạng mỗi nơi vận dụng một kiểu, cụ thể hóa theo cách riêng, gắn với đặc thù làm sai lệch bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. “Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, quy định chặt chẽ nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ, quy trình công tác, khắc phục tình trạng bao biện, làm thay, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, áp đặt hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng”(11).
Ba là, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác cán bộ và bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”
Các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể và cá nhân lãnh đạo, quản lý là căn cứ để các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức thực hiện, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc, không trái với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ. Căn cứ các nghị quyết, quy định của Đảng, các cấp ủy đảng, tổ chức đảng có thẩm quyền xây dựng quy chế làm việc, quy chế hoạt động, trong đó quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu trong mối quan hệ với tập thể lãnh đạo, quản lý. Cần có cơ chế về thẩm quyền của người đứng đầu trong phát hiện, giới thiệu, đề cử nhân sự,… cho các vị trí cụ thể và chịu trách nhiệm khi không đáp ứng yêu cầu, trong đó có trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm kinh tế. “Tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ, nhất là trong đánh giá, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ”(12) và “xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để cấp phó, cán bộ dưới quyền trực tiếp tiêu cực, tham nhũng”(13).
Cần có cơ chế để bảo vệ cán bộ, nhất là cán bộ có ý kiến thuộc về thiểu số để phát huy vai trò của mỗi đảng viên trong công tác cán bộ, xây dựng cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Mỗi tổ chức đảng phải bảo đảm quyền của đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đảng viên, của cấp dưới, nhất là trong công tác cán bộ. Cơ chế bảo đảm quyền của đảng viên phải xác định rõ ràng, công khai, minh bạch, tránh tình trạng việc bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số chỉ mang tính hình thức hoặc hợp thức hóa khi có đoàn kiểm tra, giám sát.
Bốn là, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu
Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng vẫn chưa được cụ thể hóa, thiếu hướng dẫn thống nhất nên dễ xảy ra sai phạm nếu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu không đầu tư nghiên cứu kỹ các quy chế, quy định, quy trình công tác cán bộ hoặc thực hiện công tác cán bộ theo chủ ý cá nhân. Vì vậy, bên cạnh việc ban hành các quy chế, quy định, hướng dẫn cụ thể về từng khâu trong công tác cán bộ, cần kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm Quy định số 179-QĐ/TW ngày 25/02/2019 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. “Thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong công tác cán bộ và vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”(14). Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ người đứng đầu sử dụng quyền lực trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, tránh vượt quyền, sai quyền, tiếm quyền, lạm quyền, khắc phục tình trạng người đứng đầu sử dụng quyền lực, uy tín cá nhân chi phối tập thể và cá nhân trong công tác cán bộ./.

————————————————

(1), (10), (11), (12), (13) và (14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới
(2) Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.464
(3) và (4) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.4-5 và 16-19
(5) Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
(7) Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử
(8) và (9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.267-268 và 273

(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 02/2023)