TS. NGUYỄN THỊ THANH DUNG(*)
(*) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Văn hóa chính trị là một trong những nội dung căn cốt khi nghiên cứu chính trị học. Những công trình nghiên cứu về chủ đề này đã được các học giả phương Tây và phương Đông đề cập đến từ sớm, ở các khía cạnh và cách hiểu khác nhau. Việc tổng quan các công trình nghiên cứu văn hóa chính trị giúp người đọc hình dung một phần những nghiên cứu trong và ngoài nước về chủ đề này. Trên cơ sở đó, tìm thấy “khoảng trống” và những vấn đề cấp thiết cần nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần xây dựng các tri thức chính trị học nói riêng và phát triển đời sống chính trị nói chung.
Từ khóa: chính trị học; văn hóa; văn hóa chính trị
1. Về khái niệm văn hóa chính trị
Văn hóa chính trị là phạm trù được các nhà tư tưởng bàn đến từ rất sớm. Trong tư tưởng chính trị phương Đông, văn hóa chính trị được hiểu là một cách cai trị có văn hóa, văn minh, điển hình như Mạnh Tử (372 – 289 TCN) với tư tưởng “văn trị giáo hóa”, tức là chính trị gắn với giáo dục: “Chính giỏi không thể tranh thủ được dân bằng giáo giỏi. Chính giỏi thì dân sợ, giáo giỏi thì dân yên. Chính giỏi thì được của cải của thiên hạ, của dân; giáo giỏi thì được lòng dân”(1).
Bằng cách tương tự, ở phương Tây, từ thời cổ đại cho đến thời đại khai sáng, vấn đề “văn hóa chính trị” được nghiên cứu như đối tượng của Triết học. Vấn đề “văn hóa chính trị” có trong tác phẩm Nền cộng hòa (The Republic) của Platôn (428 – 328 TCN), Chính trị (The Politic) của Arixtốt (384 – 322 TCN). Tuy nhiên, các quan niệm có liên quan tới văn hóa chính trị được biết đến nhiều hơn đối với người phương Tây trong một số công trình nghiên cứu của các nhà tư tưởng nổi tiếng, như John Locke, Denis Diderot, Montesquieu, Jean Jacques Rousseou… Văn hóa chính trị lần đầu tiên được biết đến trong tác phẩm Tư tưởng triết học lịch sử của loài người (1784 – 1791) của I.G.Gerzer, khi văn hóa chính trị được nghiên cứu trong mối quan hệ với tư tưởng, dư luận xã hội, tâm lý cá nhân và tính cách dân tộc. Điển hình cho việc nghiên cứu văn hóa chính trị ở phương Tây, chúng ta hãy lấy trường hợp Alexis de Tocqueville, khi ông nghiên cứu về văn hóa chính trị Mỹ. Để tìm câu trả lời cho những thành công của nước Mỹ, ông đã đưa ra những khái quát về các giá trị văn hóa chính trị Mỹ.
Đến những năm 50 của thế kỷ XX, nhờ sự nỗ lực của các nhà khoa học chính trị, mà trước hết phải kể đến là: G.Almond với tác phẩm So sánh các hệ thống chính trị (Comparative Political Systems, 1956); G.Almond và S.Verba với tác phẩm Văn hóa công dân (The Civic Culture, 1963); L.Pye với tác phẩm Văn hóa chính trị (Political Culture, 1961); D.Kavannagh, W.Rosenbaum với tác phẩm Văn hóa chính trị (Political Cuture, 1972) và các công trình nghiên cứu T.Pason và E.Silzer… khái niệm “văn hóa chính trị” (political culture), cùng với những vấn đề liên quan, như cấu trúc văn hóa chính trị, phân loại văn hóa chính trị,… mới được nghiên cứu và giảng dạy trong khoa học chính trị.
Về nội hàm của văn hóa chính trị, ở phương Tây cũng có ý kiến khác nhau. G.Almond và S.Verba giới hạn văn hóa chính trị trong lĩnh vực nhận thức; coi “văn hóa chính trị là tổng hợp trạng thái tâm lý của cá nhân, thể hiện dưới ba cấp độ: nhận thức, cảm xúc và giá trị”(2). Nói cách khác, “văn hóa chính trị” là tổng hợp những quan niệm, chính kiến, cảm xúc và đánh giá có tính bền vững.
Văn hóa chính trị có thể chứa đựng những mặt tích cực, bình thường hoặc tiêu cực. Ngoài ra, còn có các “tiểu văn hóa chính trị” (nhóm, tộc người, vùng…). Chúng không chỉ có đặc điểm khác nhau, mà còn có thể có trình độ khác nhau, đóng vai trò khác nhau trong phát triển văn hóa chính trị nói chung(3). Một số nhà nghiên cứu khác (E.Viatr và D.Pol, D.Tuker.…) cho rằng, nói tới “văn hóa chính trị” là nói tới nhận thức và hành vi của cá nhân, của các cộng đồng, cũng như của các giai cấp, dân tộc(4).
Các nhà nghiên cứu mác-xít, không bàn riêng về văn hóa chính trị, mà lồng ghép, thậm chí đồng nhất văn hóa chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với “văn hóa vô sản”. Trong các tài liệu khoa học mác-xít, chúng ta thấy cách phân loại “văn hóa tư sản” và “văn hóa vô sản”, quan điểm “hai nền văn hóa” (của giai cấp thống trị và của giai cấp bị trị) chi phối các nghiên cứu của giới nghiên cứu mác-xít từ trước đến nay. Từ sau khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ, các quan điểm này ít được nghiên cứu tiếp. Ở các nước thuộc Liên Xô trước đây, đặc biệt là ở Nga, các nghiên cứu về văn hóa chính trị, có những chuyển đổi mạnh mẽ và phân hóa theo hướng cấp tiến hay bảo thủ (tiếp thu nhiều hay ít kết quả nghiên cứu ở phương Tây), nhờ đó đã đưa đến một diện mạo mới cho chính trị học nước Nga nói riêng, cho nghiên cứu văn hóa chính trị nói chung(5).
Các nhà nghiên cứu chính trị học mác-xít ở Nga, Trung Quốc hay ở Việt Nam hiện đã chú ý tiếp thu những thành quả nghiên cứu văn hóa chính trị trên thế giới, nhất là của Mỹ và phương Tây. Hiện chưa có một tổng kết có tính “trường phái” của các nhà chính trị học mác-xít về văn hóa chính trị. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, họ đã kế thừa những giá trị đúng đắn của chính trị học mác-xít, từ bỏ những quan điểm có tính giáo điều, tiếp thu những thành quả nghiên cứu của khoa học thế giới, đang hình thành những phương pháp và luận điểm mới, mang tính tích hợp, nhằm tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn chính trị trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập.
Ở Việt Nam, vấn đề “văn hóa chính trị” chủ yếu được nghiên cứu lồng ghép trong các nghiên cứu về “văn hóa”. Những nghiên cứu văn hóa chính trị độc lập mới xuất hiện trong một vài thập kỷ trở lại đây(6). Các nghiên cứu chuyên về văn hóa chính trị sớm nhất có thể kể đến: Văn hóa chính trị, một bình diện hợp thành của đối tượng và nội dung nghiên cứu của chính trị học của Hoàng Chí Bảo trong Một số vấn đề về khoa học chính trị, Viện Mác – Lênin, 1992; GS. Nguyễn Hồng Phong: Văn hóa chính trị Việt Nam, truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1998; Trần Đình Huỳnh, Văn hóa chính trị – một cách nhìn trong thời kỳ đổi mới, Tạp chí Xây dựng Đảng, số 10, 11/1998. Từ sau năm 2000, các nghiên cứu chuyên về văn hóa chính trị xuất hiện nhiều hơn với các công trình: Về văn hóa chính trị của Văn Hải, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5/2004; Văn hóa Đảng và xây dựng văn hóa trong Đảng, Kết quả tọa đàm của Ban Tư tưởng – Văn hóa, số 12/2004 và số 1, 02/2005; Văn hóa Hồ Chí Minh và sự rèn luyện nhân cách văn hóa của thanh niên, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 12/2005 và Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh – giá trị và ý nghĩa của Phạm Hồng Chương, Tạp chí Cộng sản, số 15/2005; Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa của Phạm Xuân Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008; Hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập của Hoàng Chí Bảo, Tạp chí Cộng sản số 7(97)/2009; Tư tưởng về một nền chính trị pháp quyền trong văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam, của Nguyễn Hoài Văn, Tạp chí Lý luận chính trị, số 3/2010; Văn hóa chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hóa chính trị của Phạm Hồng Tung, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010; Chính trị học – những vấn đề lý luận và thực tiễn (2007 – 2012) của Viện Chính trị học, Học viện chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2012; Tính hiện đại và sự chuyển biến của văn hóa Việt Nam thời cận đại của Đỗ Quang Hưng và Trần Viết Nghĩa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013; Văn hóa giữ nước Việt Nam – Những giá trị đặc trưng của Vũ Như Khôi, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014; Văn hóa Việt Nam thời hội nhập của Vũ Nho, Nxb Quân đội nhân dân; Bản sắc văn hóa vùng miền ở Việt Nam của Ngô Đức Thịnh, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021; Các giá trị văn hóa Việt Nam chuyển từ truyền thống đến hiện đại của Đỗ Huy, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2021; Văn hóa ứng xử của người Việt Nam hiện nay trong không gian công cộng của Trịnh Văn Tùng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022;… “Văn hóa chính trị” cũng đã được lựa chọn làm đề tài các luận văn, luận án.
Các công trình khoa học trên tập trung nghiên cứu về sự hình thành, phát triển, cấu trúc, đặc điểm, vai trò, chức năng của văn hóa chính trị, vấn đề văn hóa chính trị của Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại; nghiên cứu thực trạng sự phát triển văn hóa chính trị Việt Nam; văn hóa chính trị của chủ thể là cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức ở các địa phương, các tổ chức khác nhau; từ đó đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa chính trị Việt Nam nói chung và văn hóa chính trị ở từng địa phương, đơn vị, tổ chức nói riêng, hướng tới xây dựng và phát triển nền văn hóa chính trị Việt Nam trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ nhiều cách tiếp cận và những kết quả nghiên cứu trên, có thể thấy, từ khi có chính trị thì văn hóa chính trị cũng được đặt ra. Tuy nhiên, việc nghiên cứu “văn hóa chính trị” phát triển dần dần, từ những mong muốn, quan niệm về việc cai trị có văn hóa, đến khái quát thành các chuẩn mực trong các lý thuyết về chính trị.
Nhà chính trị học người Mỹ G.Alomnd là người đầu tiên đưa ra khái niệm “văn hóa chính trị”. Trong bài So sánh các hệ thống chính trị đăng trên Tạp chí Chính trị học (The Journal of politics), số 8/1956, G.Alomnd đã định nghĩa: “Văn hóa chính trị của một dân tộc là cách chia sẻ riêng của các thành viên của dân tộc ấy những dạng thức của sự định hướng quan tâm tới các khách thể chính trị”(7).
Trong cuốn Bách khoa toàn thư khoa học xã hội quốc tế được biên soạn năm 1961, nhà khoa học chính trị người Mỹ, gốc Trung Quốc, Lucian W.Pye (tiếng Trung :白 魯 恂; 1921 – 2008) được coi là người đề xướng khái niệm văn hóa chính trị và tâm lý chính trị, đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa chính trị là hệ thống thái độ, niềm tin và tình cảm, nó đem lại ý nghĩa và trật tự cho quá trình chính trị; nó đưa ra tiền đề cơ bản và quy tắc, chế ước hành vi của hệ thống chính trị; nó bao gồm lý tưởng chính trị và quy phạm vận hành của một chính thể”(8).
Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã đưa ra các quan điểm khác nhau về văn hóa chính trị. GS. Song Thành cho rằng: “Văn hóa chính trị là một bộ phận cấu thành của văn hóa, kết tinh trong đó cả tri thức, lý tưởng, đạo đức và năng lực hoạt động chính trị, có ảnh hưởng đến thái độ, hành vi chính trị của một cá nhân hay một cộng đồng xã hội nhất định. Văn hóa chính trị được hình thành từ kinh nghiệm lịch sử của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa chính trị hiện đại, dưới sự chi phối của hệ tư tưởng chính trị của giai cấp hay đảng cầm quyền”(9).
GS, TS. Nguyễn Văn Huyên định nghĩa: “Văn hóa chính trị là một loại hình văn hóa, ở đó kết tinh toàn bộ giá trị, phẩm chất, năng lực, trình độ và phương thức hoạt động chính trị, được hình thành trên cơ sở một nền chính trị với thể chế, hệ thống và thiết chế đúng đắn, khoa học, thực hiện lợi ích giai cấp, dân tộc quốc gia, phù hợp với tiến bộ xã hội – con người”(10).
Về cơ bản, các định nghĩa như đã trình bày có điểm chung là (1) đều coi văn hóa chính trị là một bộ phận, lĩnh vực của văn hóa, (2) được cấu thành bởi các giá trị do con người sáng tạo trong quá trình hoạt động chính trị, (3) thể hiện ra bằng nhận thức và hành vi chính trị của cá nhân hoặc cộng đồng và luôn bị chi phối bởi tư tưởng của giai cấp thống trị xã hội, (4) các hoạt động chính trị được diễn ra trong một hệ thống thiết chế có khả năng hiện thực hóa các giá trị tiến bộ của nhân loại.
Từ các kết quả nghiên cứu trên, chúng ta có thể định nghĩa: Văn hóa chính trị là hệ thống các giá trị, chuẩn mực được hình thành trong thực tiễn chính trị, được cộng đồng chia sẻ và nó có thể chi phối, định hướng hoạt động của các cá nhân và tổ chức khi các chủ thể này tham gia vào đời sống chính trị(11).
Từ cách hiểu trên, có thể hiểu nội hàm của khái niệm văn hóa chính trị ở ba điểm: 1) hệ thống các giá trị; 2) được cộng đồng thừa nhận, chia sẻ; 3) có vai trò định hướng hành vi. Theo đó, văn hóa chính trị, trước hết, được hiểu là các giá trị, chuẩn mực, biểu hiện ở những quy tắc ứng xử, hệ tư tưởng đã được cộng đồng thừa nhận. Những giá trị ấy được cộng đồng chia sẻ, truyền từ đời này qua đời khác, trở thành đặc trưng riêng, bản sắc của mỗi cộng đồng. Đến lượt mình, chính những giá trị, chuẩn mực ấy là cơ sở để định hướng thái độ, niềm tin và hành vi của mỗi chủ thể.
2. Về nội hàm, cấu trúc, vai trò, đặc trưng của văn hóa chính trị Việt Nam
Ở mức độ cơ bản, các công trình nghiên cứu của tác giả Việt Nam đã có những tiếp cận khá gần với các nghiên cứu trên thế giới. Tuy nhiên, logic trình bày, cách sắp xếp vị trí, vai trò của các nội dung trong cấu trúc văn hóa chính trị còn khác nhau(12).
Trong khuôn khổ nghiên cứu này, nội hàm và cấu trúc của “văn hóa chính trị” được tác giả chia sẻ khái quát trong Giáo trình Chính trị học của tập thể tác giả Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, cấu trúc của “văn hóa chính trị” gồm 03 yếu tố: 1) tri thức chính trị; 2) hệ tư tưởng chính trị; 3) các giá trị, chuẩn mực chính trị. Cụ thể, thứ nhất, tri thức chính trị là sự thống nhất hữu cơ giữa tri thức lý luận chính trị với tri thức kinh nghiệm chính trị. Tri thức chính trị là cơ sở để nhận thức và lựa chọn các mục tiêu chính trị, cũng như các cách thức và con đường đi đến mục tiêu. Thứ hai, hệ tư tưởng chính trị là một hệ thống các tư tưởng tạo thành các mục tiêu, đường lối, chiến lược, sách lược chính trị của một chủ thể. Nó cũng là một tầm nhìn toàn diện, một cách thức nhìn nhận sự vật do các giai cấp trong xã hội đưa ra. Thứ ba, giá trị là những điều được tin là đúng đắn, có ý nghĩa, được cộng đồng thừa nhận và chia sẻ một cách rộng rãi. Chuẩn mực chính trị là hệ thống các quy định cụ thể về phương thức hành xử trong thực tiễn hoạt động chính trị. Từ những cấu trúc trên, văn hóa chính trị sẽ biểu hiện cụ thể thông qua các yếu tố, như: hành vi chính trị; các nghi thức và truyền thống chính trị; biểu tượng chính trị; các truyền thuyết, danh nhân văn hóa và các nhân vật anh hùng. Hướng tiếp cận này là cơ sở để định hướng nghiên cứu văn hóa chính trị Việt Nam từ khía cạnh chính trị học.
– Về văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống, trước hết phải nói đến GS. Nguyễn Hồng Phong với công trình Văn hóa chính trị Việt Nam, truyền thống và hiện đại Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1998. Đây là công trình nghiên cứu có tính tổng kết những truyền thống văn hóa chính trị Việt Nam. Các truyền thống “nhân văn”, “dân chủ”, “nhân nghĩa”, “yêu nước”, “trọng dân”… trong một quan hệ có tính thiết chế đặc trưng là Làng – Nước (chứ không phải là Nhà – Nước như Trung Hoa). Làng Việt được tác giả khẳng định như một hiện tượng nổi bật của văn minh Việt và lịch sử văn minh. Ông cho rằng, Việt Nam trong lịch sử hội đủ các điều kiện để phát triển, nhưng hiện Việt Nam vẫn là một nước lạc hậu về kinh tế. Cần tìm nguyên nhân lạc hậu trong văn hóa.
Cuốn Bước đầu tìm hiểu những giá trị văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam của cố GS, TS. Nguyễn Văn Huyên, PGS, TS. Nguyễn Văn Vĩnh và TS. Nguyễn Hoài Văn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009. Công trình đã khái quát 07 giá trị cốt lõi của văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống rất đáng chú ý. Đây có thể là những khái quát đầu tiên về các giá trị văn hóa chính trị ở Việt Nam. Tuy nhiên, các tác giả chưa đưa ra căn cứ về cách phân loại, cũng như chúng chưa thật khái quát về nội dung. Nếu thừa nhận các giá trị văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống đó, thì cần xem chúng sẽ đóng vai trò gì, biến đổi như thế nào trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
– Liên quan đến xây dựng văn hóa chính trị và việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay có các công trình tiêu biểu, như: Xây dựng văn hóa chính trị và việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các lĩnh vực ở nước ta hiện nay của PGS, TS. Phạm Ngọc Quang (chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995; Văn hóa Việt Nam – truyền thống và hiện đại của Lê Huy Hòa – Hoàng Đức Nhuận, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2000; Vai trò văn hóa trong hoạt động chính trị của Đảng ta hiện nay do GS, TS. Trần Văn Bính chủ biên, Nxb Lao động, Hà Nội, 2002; Nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay của TS. Lâm Quốc Tuấn, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2006… Ngoài giá trị học thuật cơ bản, những nghiên cứu này đều hướng đến đề xuất các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của các vị trí công tác. Khái niệm “văn hóa chính trị” ở các công trình này thường có chiều hướng đồng nhất với “đạo đức cách mạng”.
– Liên quan đến vai trò, đặc trưng của văn hóa chính trị trong phát triển đất nước có công trình nghiên cứu Phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 do PGS, TS. Phạm Duy Đức chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, mang tính tổng kết lý luận và thực tiễn, đưa ra những dự báo chiến lược và xác định tầm nhìn về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; đồng thời, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa và kinh tế tri thức cùng với sự đi sâu vào kinh tế thị trường sẽ tạo nên nhiều biến động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa. Công trình này nhằm góp phần xác định phương hướng và những giải pháp cụ thể để phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và đóng góp thực sự vào việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đối với nhân vật chính trị (heroes), có khá nhiều công trình nghiên cứu, sách xuất bản về các nhân vật lịch sử, các anh hùng cách mạng, từ Hai Bà Trưng đến Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các công trình này chủ yếu dưới dạng ký ức và ý thức về lịch sử, chứ chưa phải được công bố với ý thức về một nội dung cấu thành của văn hóa chính trị. Có lẽ, một trong những công trình có ý thức nghiên cứu nhân vật anh hùng như là một nội dung của văn hóa và văn hóa chính trị là luận án tiến sĩ chính trị học của Nguyễn Hữu Lập: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2015.
3. Một số kết luận
Thứ nhất, thành tựu nghiên cứu văn hóa chính trị trong chính trị học ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã đạt được rất sớm, toàn diện và có ảnh hưởng lớn đến các nghiên cứu cùng đề tài ở các nước khác. Nhìn chung, nghiên cứu văn hóa chính trị ở các nước tiên tiến đã làm rõ những vấn đề cơ bản: nội hàm, cấu trúc, chức năng, phân loại và tiêu chí đánh giá văn hóa chính trị.
Thứ hai, ở Việt Nam, giới nghiên cứu văn hóa đã cố gắng để tiếp cận thành tựu nghiên cứu của thế giới về những vấn đề cơ bản. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, còn nhiều khoảng trống tri thức phải lấp đầy, từ quan niệm, cấu trúc, mặt hạn chế của văn hóa chính trị Việt Nam, đến vị trí, vai trò của các yếu tố cấu thành văn hóa chính trị trong hội nhập cũng như sự biến đổi của văn hóa chính trị trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, nhận thức chung về văn hóa chính trị chưa thống nhất, chưa ổn định, khó ứng dụng trong nghiên cứu, giảng dạy và thực tiễn. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi, nguyên tắc chung và chuẩn mực rất khó chỉ ra để có thể xây dựng bộ quy tắc ứng xử của văn hóa chính trị.
Thứ ba, các nghiên cứu trong nước có cách nhìn “cởi mở” về văn hóa và hội nhập, khẳng định tính tất yếu khách quan của hội nhập quốc tế hiện nay, tính tất yếu giao lưu, tiếp biến văn hóa (integration) và văn hóa chính trị. Tuy nhiên, chúng ta chưa có những nghiên cứu cụ thể, đủ sâu về yếu tố, cơ chế, phương thức tác động, thực trạng, hệ quả (tích cực, tiêu cực), kinh nghiệm của hội nhập quốc tế đến văn hóa chính trị quốc gia và vai trò văn hóa chính trị quốc gia trong hội nhập quốc tế hiện nay, trong đó có Việt Nam.
Thứ tư, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về “xây dựng quyền lực mềm” như là một chiến lược phát triển văn hóa và văn hóa chính trị trong bối cảnh hội nhập. Các nghiên cứu mới dừng lại ở quảng bá văn hóa du lịch, xây dựng “sức đề kháng”, “sự phòng vệ” của văn hóa chính trị hơn là đưa văn hóa và văn hóa chính trị Việt Nam góp phần định hình văn hóa hội nhập của thế giới và khu vực. Vì vậy, kết quả nghiên cứu chưa đạt tới mức có thể trở thành những khái quát có tính học thuật hoặc tư vấn chính sách.
Thứ năm, chúng ta chưa có những nghiên cứu mang tính hệ thống và khái quát về các giải pháp cụ thể (mặc dù đã có đường lối, quan điểm, phương châm của Đảng và nhiều luận điểm học thuật của các cơ quan nghiên cứu, các cá nhân về vấn đề này) nhằm xây dựng và phát triển văn hóa chính trị Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Từ góc nhìn văn hóa chính trị chưa có các giải pháp nhằm khắc phục mâu thuẫn lớn giữa chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập” và sự chậm chạp hội nhập trong thực tế.
Từ những khoảng trống đó cho thấy, nghiên cứu văn hóa chính trị Việt Nam hiện đang đặt ra những nhiệm vụ đòi hỏi các nhà nghiên cứu tiếp tục luận giải. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước và dân tộc nên ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930), Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc, từ đó đến năm 1943, Đảng ta đã đề ra Đề cương văn hóa Việt Nam.
Tại Đại hội lần thứ VIII, Đảng đã đặt vấn đề phải “hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại”(13). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII cũng xác định: Những giá trị văn hóa bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc.
Sau hơn 35 năm đổi mới, những nghiên cứu đúc rút về hệ giá trị quốc gia được thực hiện qua hàng chục công trình nghiên cứu lớn và được tổng kết tại nghị quyết các kỳ đại hội Đảng. Đặc biệt, đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng, khái niệm “hệ giá trị quốc gia” chính thức được xác định là một trong bốn hệ giá trị quan trọng nhất, cùng với hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết 09 giá trị tiêu biểu của hệ giá trị quốc gia là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Chương trình cấp nhà nước về hệ giá trị Việt Nam thể hiện rõ tính cấp thiết của việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, trong đó có giá trị văn hóa chính trị, góp phần định hướng cho sự phát triển trường tồn của dân tộc. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa còn là dân tộc còn”. Văn hóa chính là sự kết tinh những giá trị được cả cộng đồng người Việt Nam chia sẻ, được truyền từ đời này qua đời khác; là mẫu số chung gắn kết người Việt Nam, tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam. Đó là hồn cốt của dân tộc, là “gen xã hội” tạo nên sự khác biệt của người Việt Nam. Chính đó là yếu tố tạo nên sự phồn vinh của dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, bản sắc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mà trong đó văn hóa chính trị là một phương diện của văn hóa Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu văn hóa, văn hóa chính trị để hình thành hệ giá trị được Đảng và nhân dân đặc biệt quan tâm trong bối cảnh xã hội có nhiều biến chuyển tác động. Đây là khoảng trống nghiên cứu cho các nhà khoa học trong giai đoạn hiện nay nhằm khái quát những giá trị làm nền tảng định hướng phát triển của dân tộc./.
————————————-
(1) Đoàn Trung Còn, Đại học – Trung dung, Nxb Thuận hóa, Huế, 1996, tr.308
(2) G.Almond and S.Verba, The Civc Culture. Political Attitudes and Democracy in Five Nations, Princeton, N.J. 1963, p.498
(3) Rosenbaum W. Political Culture, N.Y., 1995, p.151
(4) Tucker R. Political Culture and Leadership in Soviet Rusia. From Lenin to Gorbachev. N.Y., L.1987, pVII. Có thể tham khảo thêm: W. Lance Bennett, Public Opinion trong chính trị Mỹ (New York: Harcourt Brace Jovanovich, 1980); Daniel J. Elazar, The American Mosaic (Boulder, CO: Westview Press, 1994); Ronald Inglehart, Văn hóa phím Shift trong xã hội công nghiệp tiên tiến (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1990); Richard W. Wilson , Văn hóa chính trị Mỹ trong quan niệm so sánh, Tâm lý chính trị, 18, no. 2 (1997); John L. Sullivan, James Piereson, và George E. Marcus, Chính trị và Dân chủ Mỹ (Chicago: University of Chicago Press, 1982); Fred I. Greenstein, Trẻ em và Chính trị (New Haven, CT: Yale University Press, 1969); Daniel J. Elazar, Liên bang Mỹ: (New York: Thomas Y. Crowell, 1972); Delli Carpini, Michael X. Tính ổn định và thay đổi trong chính trị Mỹ. New York: New York University Press, 1986; Mc Closky, Herbert, và John Zaller. Các Ethos Mỹ. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1984; Niemi, Richard G., và Jane Junn. Civic Education. New Haven, CT: Yale University Press, 1998; Schmermund, Kathleen. Charles Gibson so với Jon Stewart. New York: Nhà xuất bản Lambert Academic, 2010; Youniss, James, và Miranda Yates. Dịch vụ cộng đồng và trách nhiệm xã hội trong thanh niên, Chicago, University of Chicago Press, 1997…
(5) Có thể nêu một số nghiên cứu của các tác giả Nga và Đức, như: Batalov E.Ia với Văn hóa chính trị của xã hội Mỹ hiện đại, Nxb Khoa học, Mátxcơva, 1990; Pivovarov Iu.S. với Văn hóa chính trị: phương pháp luận nghiên cứu, Nxb Inhion, Mátxcơva, 1994; Mayer G. với Nước Đức – một quốc gia hai nền văn hóa chính trị, Tạp chí khoa học Trường đại học Tổng hợp Mátxcơva, số 4, năm 1994, Chính trị học chung và chính trị học ứng dụng, Đại học Tổng hợp xã hội quốc gia Matxcơva 1987…
(6) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn hóa và phát triển – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2004; GS, TS. Nguyễn Văn Huyên, Văn hóa, mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006; PGS, TS. Phạm Duy Đức, Thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010; GS, TS. Đỗ Huy, Văn hóa Việt Nam trên con đường giải phóng, đổi mới, hội nhập và phát triển, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2013; Trần Thị Kim Cúc, Văn hóa Việt Nam, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014; GS, TS. Ngô Đức Thịnh, Giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống và biến đổi, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014; và nhiều tác giả khác
(7) Almond G. (1956), “Comparative Political System”, in: The journal of Politics (8), pp.12-15
(8) Pye L. (1968), Political Culture, in: International Encyclopedia of the Social Siences, 12, London, Macmillan
(9) Song Thành, Hồ Chí Minh nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.86
(10) Phan Xuân Sơn (chủ biên), Tập bài giảng dành cho cao học chuyên chính trị học, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2010
(11) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chính trị học, Giáo trình Chính trị học (Dành cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr.49
(12) Hoàng Chí Bảo, Một số vấn đề về khoa học chính trị, Hà Nội, tháng 4/1994; Lưu Văn Quảng, Khái niệm và phân loại văn hóa chính trị trong cuốn Chính trị học – những vấn đề lý luận và thực tiễn (2007 – 2012), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.146; Nguyễn Văn Huyên, Văn hóa chính trị trong cuốn Các chuyên đề bài giảng chính trị học, dành cho cao học chuyên chính trị học, (Phan Xuân Sơn chủ biên), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2010, tr.252
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.495
(Tạp chí Khoa học Chính trị Số 03/2023)