TS. ĐOÀN THỊ HƯƠNG(*)
(*) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Đảng chủ trương phát huy vai trò của báo chí, truyền thông – bộ phận quan trọng của lực lượng tuyên truyền đối ngoại của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Các cơ quan báo chí, truyền thông cùng đội ngũ những người làm báo đóng vai trò quan trọng, xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng, là “binh chủng” đặc biệt, vũ khí sắc bén của Đảng trên trận tuyến đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hiện nay, các thế lực thù địch ra sức chống phá, tấn công nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng trên mọi phương tiện thông tin, báo chí, các trang mạng xã hội, do đó, cần phát huy những thành quả, kinh nghiệm, vai trò của báo chí đối ngoại vào công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đổi mới hoạt động báo chí với tiêu chí: chất lượng, hiệu quả, khoa học, thuyết phục, sức hấp dẫn và tính chiến đấu cao.
Từ khóa: báo chí; tuyên truyền đối ngoại; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
1. Báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại trong thời kỳ đầu đổi mới – vũ khí trên mặt trận tư tưởng của Đảng
V.I.Lênin chỉ rõ, trách nhiệm của báo chí là tuyên truyền, cổ động tập thể. Tại Đại hội lần thứ hai Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội… Những người làm báo (…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”(1); “Báo chí của ta… để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền và giải thích đường lối, chính sách của Đảng và chính phủ”(2). Do đó, trong mỗi giai đoạn cách mạng, báo chí luôn có vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực.
Với tinh thần đổi mới tư duy, Đảng chủ trương phát huy vai trò của báo chí, xem báo chí truyền thông là bộ phận quan trọng của lực lượng tuyên truyền đối ngoại của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, trong đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, các bộ, ngành, cơ quan chức năng và sự ủng hộ đồng tình của nhân dân. Trong trận tuyến đó, các cơ quan thông tấn, báo chí là lực lượng tiên phong đi đầu trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên cả ba phương diện: nhận diện, tuyên truyền, phản bác và trực tiếp đấu tranh, tác động tích cực vào quá trình xử lý sai phạm của các cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan báo chí truyền thông của Đảng cùng đội ngũ những người làm báo đóng góp xứng đáng vào công tác tuyên truyền đối ngoại, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo chí truyền thông có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trang bị cho thế hệ trẻ những hành trang kiến thức, nhận thức đúng đắn về chính trị, tư tưởng, niềm tin đối với Đảng và sự nghiệp đổi mới do Đảng và nhân dân tiến hành, tự giác tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Sự quan tâm của Đảng, bước đổi mới tư duy lãnh đạo báo chí, truyền thông phục vụ nhiệm vụ đối ngoại của Đảng, phục vụ nhiệm vụ đổi mới thể hiện rõ qua một số dấu mốc sau:
Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục chính sách bao vây cấm vận Việt Nam (vốn áp dụng từ năm 1975), ép buộc nhiều quốc gia phụ thuộc Mỹ chống phá cách mạng Việt Nam. Các thế lực đế quốc, thù địch đã xây dựng một lực lượng lớn phương tiện thông tin đại chúng và đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng cầm quyền, Nhà nước Việt Nam.
Trước tình hình đó, đối ngoại Việt Nam phải đương đầu với những khó khăn, thách thức chồng chất. Điều đó đặt ra yêu cầu Đảng phải chú trọng hơn nữa vai trò của công tác tuyên truyền đối ngoại, qua nhiều kênh, trong đó, vai trò của hệ thống báo chí, truyền thông cần được phát huy hiệu quả. Báo chí truyền thông phải đấu tranh hiệu quả với các hoạt động phản tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính trị, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trên thế giới. Đó là yêu cầu tất yếu đặt ra từ thực tiễn tình hình thế giới và trong nước. Đảng chủ trương đẩy mạnh một bước truyên truyền đối ngoại, sử dụng hiệu quả các phương tiện báo chí truyền thông. Các loại hình báo chí mở rộng những năm đầu đổi mới phục vụ thông tin đối ngoại chủ yếu gồm: báo nói, báo viết, báo hình (phát thanh, truyền hình, báo giấy ở Trung ương, địa phương)… Ngoài báo chí phục vụ công tác đối ngoại, trên các tờ báo, tạp chí, truyền thông khác đều có những mục, bài, chương trình chuyển tải thông tin đối ngoại của Đảng, Nhà nước và những hoạt động đối ngoại nhân dân.
Sau khi Ban Bí thư khóa VII ban hành Chỉ thị số 11 – CT/TW ngày 13/6/1992 về đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại, trực tiếp chỉ đạo đổi mới công tác thông tin đối ngoại, các ngành, các cấp đã có nhiều hoạt động tích cực, tiến hành định hướng, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều kết quả. Dù còn khó khăn, song Nhà nước đã dành ngân sách đáng kể cho các hoạt động và dịch vụ thông tin đối ngoại; bước đầu ưu tiên đổi mới, phát triển thông tin viễn thông và kết nối mạng internet toàn cầu, thông tin từ Việt Nam đến với thế giới và tình hình thế giới vào Việt Nam thuận lợi. Đội ngũ làm công tác thông tin đối ngoại được tăng cường. Cơ sở vật chất kỹ thuật được trang bị thêm. Nhận thức của các ngành, các cấp, các địa phương về công tác thông tin đối ngoại có một bước chuyển biến mới; vai trò của báo chí truyền thông được phát huy.
Các cơ quan chủ quản chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thông tin đối ngoại, gồm: Ban Đối ngoại Trung ương; Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương; Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (thuộc Bộ Ngoại giao); Bộ Văn hóa Thông tin – Thể thao và Du lịch… Các đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ thông tin truyên truyền: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam (ra đời từ năm 1945) là cơ quan thông tấn báo chí lớn của Đảng, đóng vai trò chủ đạo trọng trong công tác tuyên truyền đối ngoại. Để kịp thời phục vụ nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, Thông tấn xã Việt Nam đã thành lập các đơn vị chuyên trách: Ban Biên tập – Sản xuất ảnh báo chí, Ban Thư ký biên tập, Trung tâm Nghe nhìn Thông tấn và Nhà xuất bản Thông tấn(3) với nhiều sản phẩm thông tin đa dạng như: báo, tạp chí, sách, băng đĩa audio – video, trang âm thanh, trang video trên internet nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin tuyên truyền đối ngoại. Các đơn vị tham gia trực tiếp làm công tác thông tin đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam là: Ban Biên tập tin Đối ngoại, báo Việt Nam News, báo Le Courrier du Vietnam, tạp chí Vietnam Law&Legal Forum, Báo ảnh Việt Nam…
Trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới và mở cửa đất nước, với vai trò là cơ quan cung cấp thông tin đối ngoại quốc gia, Việt Nam News như một kênh thông tin chính thức của Việt Nam bằng tiếng Anh, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực truyền thông bằng Anh ngữ, cùng với các đơn vị thông tin đối ngoại khác tạo thành mặt trận thông tin đối ngoại quy mô và hiệu quả. Báo Việt Nam News đã đóng góp tích cực, quan trọng vào công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin kịp thời, toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đất nước, con người Việt Nam, những sự kiện lớn của quốc tế, khu vực, xứng đáng là kênh thông tin đối ngoại hữu hiệu của đất nước(4); góp phần tích cực, hiệu quả đấu tranh phản bác những thông tin trái triều, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về đường lối đối ngoại, về công cuộc đổi mới của Đảng trong giai đoạn đầu với nhiều khó khăn cả về lý luận và thực tiễn, hệ thống và mô hình xã hội chủ nghĩa trên thế giới sụp đổ.
Năm 1993, khi Việt Nam chuẩn bị tổ chức Hội nghị Pháp ngữ lần thứ VII (dự kiến tổ chức năm 1997), Báo Le Courrier du Vietnam(5) được cải tiến thành Tạp chí (64 trang), phát hành hằng tuần với nội dung phong phú. Le Courrier du Vietnam đã truyền tải tốt thông tin và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, phản ánh kịp thời, khách quan tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, xứng đáng là kênh thông tin đối ngoại quan trọng của quốc gia. Le Courrier du Vietnam là cầu nối giữa Việt Nam với cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp, góp phần tích cực truyên truyền chính sách đối ngoại của Việt Nam trên các lĩnh vực. Tờ báo cũng tích cực phản bác những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, sai trái và thù địch ở bên ngoài về tình hình trong nước; giúp độc giả nói tiếng Pháp tiếp cận, hiểu đúng về tình hình đất nước, con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới(6).
Tạp chí “Vietnam Law & Legal Forum” (Luật Việt Nam và Diễn đàn Pháp lý) đăng tải nhiều bài viết đặc sắc của các học giả, nhà hoạch định chính sách và luật gia trong và ngoài nước về hệ thống pháp luật Việt Nam, về chính sách, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước Việt Nam trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế. Đối với học giả nước ngoài, có thể tiếp nhận từ tờ tạp chí chuyên ngành những thông tin về các vấn đề pháp lý cụ thể liên quan đến môi trường đầu tư ở Việt Nam, các quy định về xuất, nhập khẩu, hải quan, thuế, thương mại…(7).
Báo ảnh Việt Nam(8) tích cực giới thiệu ra thế giới hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách, phát triển, năng động, mạnh mẽ với chính sách ngoại giao rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới.
Ngoài những tờ báo, tạp chí chuyên về phục vụ thông tin đối ngoại, còn có những tờ báo, tạp chí khác của Đảng, các Đảng bộ địa phương (tỉnh); đoàn thể tạo thành lực lượng báo chí hùng hậu tham gia vào trận tuyến đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Báo chí luôn nhận được sự định hướng tư tưởng, nội dung, phương thức đấu tranh từ Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) và các cơ quan chủ quản, thực sự là vũ khí sắc bén của Đảng trên trận tuyến đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng, phá hoại sự nghiệp đổi mới mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo toàn diện.
2. Một số kinh nghiệm cần tiếp tục vận dụng và phát huy vai trò của báo chí tuyên truyền đối ngoại trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay
Một là, coi trọng công tác truyền thông đối ngoại trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước
Ngay từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập dân tộc, Đảng và Nhà nước đã luôn nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền đối ngoại trên lĩnh vực báo chí truyền thông. Trong xây dựng và phát triển đất nước, cùng với sự triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ thông tin, trình độ dân trí ngày càng cao, người dân có yêu cầu và khả năng tiếp cận mọi thông tin trên thế giới thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội. Do đó, các đơn vị báo chí, truyền thông, nhất là những cơ quan thông tấn, báo chí của Đảng, cùng với thực hiện tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, phải có trách nhiệm phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại của Đảng. Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng thể hiện rõ quan điểm về thông tin truyền thông đối ngoại, chỉ đạo, định hướng cho báo chí, truyền thông. Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đến nay, công tác tuyên truyền đối ngoại của Đảng được thúc đẩy mạnh mẽ trên lĩnh vực báo chí truyền thông với những bước đi vững chắc.
Hai là, đề cao vai trò là vũ khí sắc bén của báo chí trên lĩnh vực truyền thông đối ngoại; là kênh hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và nhân dân Việt Nam
Báo chí phản ánh trung thực hai chiều thông tin: thông tin về tình hình trong nước ra nước ngoài và thông tin về tình hình thế giới, khu vực vào trong nước, quảng bá hình ảnh, thành tựu của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, về đường lối đổi mới mà Đảng Cộng sản Việt Nam cùng nhân dân tiến hành để thế giới hiểu đúng về Đảng, Nhà nước Việt Nam, trở thành vũ khí sắc bén trong công tác tuyên truyền, đối ngoại. Nhờ đó, công tác thông tin đối ngoại đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thực tiễn: “Chất lượng và số lượng các sản phẩm thông tin đối ngoại ngày càng được đổi mới; các sản phẩm thông tin đối ngoại được đầu tư thích đáng; hệ thống thông tin viễn thông và kết nối internet đổi mới, tạo điều kiện cập nhật thông tin về Việt Nam đến các vùng quan trọng trên thế giới”(9).
Đảng đã ban hành những chỉ thị quan trọng chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lý, phối hợp tổ chức hoạt động thông tin đối ngoại; mở rộng lực lượng; định hướng nội dung và phương thức thông tin đối ngoại. Do vậy, hệ thống các cơ quan báo chí, truyền thông đã từng bước đổi mới nội dung, thông tin về công cuộc đổi mới với cách tiếp cận, phản ánh đa chiều, gắn kết Việt Nam với cộng đồng khu vực và quốc tế; giới thiệu lịch sử và nền văn hóa của dân tộc Việt nam với bạn bè quốc tế. Chuyển tải thông tin về đường lối, quan điểm đối ngoại đổi mới của Đảng đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; phê phán, bác bỏ thông tin xuyên tạc, sai lệch về tình hình Việt Nam. Báo chí, truyền thông đối ngoại đã hướng vào cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, vận động đồng bào hướng về Tổ quốc.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động báo chí đối ngoại trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Đối với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, từ việc nghiên cứu chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền đối ngoại trên lĩnh vực báo chí, truyền thông và hoạt động của báo chí truyền thông đối ngoại những năm 1986 – 1996, cần chú trọng các nội dung sau:
– Hoạt động phục vụ công tác đối ngoại của Đảng, các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, chủ quản và các đơn vị báo chí truyền thông cần nhận diện rõ bối cảnh mới, những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, từ đó đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; giữ vững định hướng chính trị, đảm đương vai trò diễn đàn của nhân dân, đề ra định hướng, giải pháp phù hợp.
– Các cơ quan báo chí cần nêu cao tính Đảng, tính chiến đấu; đảm bảo nguyên tắc giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Đây là yêu cầu có ý nghĩa quyết định “tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu” trong hoạt động báo chí. Đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo, người đứng đầu.
– Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các loại hình báo chí truyền thông nói chung, báo chí lĩnh vực đối ngoại nói riêng. Đặc biệt, coi trọng cung cấp thông tin chính thống, lấy thông tin tích cực để đẩy lùi thông tin xấu độc, kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Đa dạng hóa phương thức, hình thức, tăng các thể loại chính luận, bình luận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mở rộng các hình thức đa phương tiện để chuyển tải thông tin phê phán, phản bác phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực và mỗi tầng lớp nhân dân.
– Đối với nhà báo, “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa” phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ trên mặt trận đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các biểu hiện, khuynh hướng xấu độc từ báo chí, truyền thông bên ngoài vào Việt Nam.
– Thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, hiện đại hóa phương tiện tuyên tuyền đối ngoại: Nâng cao chất lượng, hiệu quả; xây dựng phương thức truyền thông phù hợp, đưa thông tin đến với công chúng trong nước, ngoài nước nhanh nhất, chính xác. Chủ động, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống… ra nước ngoài thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và sản phẩm thông tin đối ngoại.
– Phát triển các loại hình báo chí, kênh truyền hình đối ngoại bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài, trong đó, xác định tiếng Anh là ngôn ngữ chính với chất lượng quốc tế để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người xem trong và ngoài nước. Phát triển phương thức truyền tải thông tin truyền thông đa phương tiện để công chúng thu nhận thông tin bằng cả văn bản, hình ảnh, âm thanh, nhất là đối với thế hệ trẻ tạo nên hiệu ứng tương tác mạnh mẽ so với các loại hình truyền thông truyền thống.
– Xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ làm công tác báo chí tuyên truyền đối ngoại một cách hệ thống, sát thực tiễn; cung cấp thông tin, kiến thức kịp thời. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, quan tâm chế độ, chính sách đối với các cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại.
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân và ngoại giao Nhà nước trên các phương tiện báo chí, phát thanh, truyền hình, thu hút sự ủng hộ quan tâm, yêu mến của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh các kênh truyền thông trong nước trên cơ sở phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là internet, phát thanh, truyền hình để nâng cao chất lượng công tác truyền thông đối ngoại; đẩy mạnh các kênh giao tiếp/tiếp xúc trực tiếp, như kênh Nhà nước, Chính phủ, trong đó cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài là một kênh quan trọng để truyền thông về đất nước, con người Việt Nam.
Với tư duy đổi mới của Đảng, cùng với tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, báo chí phản ánh sát thực tiễn về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cùng khát vọng hòa bình, phát triển được báo chí, truyền thông quảng bá ra thế giới tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam. Với sức mạnh được xem là “quyền lực thứ tư”, báo chí đối ngoại nói riêng, báo chí cách mạng nói chung, ngày càng đóng góp mạnh mẽ, hiệu quả, sắc bén vào công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với nhiều loại hình, lĩnh vực phong phú, đa dạng; bảo đảm các tiêu chí: chất lượng, hiệu quả, thuyết phục, hấp dẫn và tính chiến đấu cao./.
——————————–
(1) và (2) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phân viện Báo chí và tuyên truyền, Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, Hà Nội, 1995, tr.169-170 và 170
(3) Khảo sát công tác thông tin đối ngoại. Thông tấn xã Việt Nam, https://dhtn.ttxvn.org.vn , Quang Anh Theo Nội san Thông tấn, số 11 – 2007
(4) Từ số đầu với 04 trang in đen trắng, Việt Nam News đã không ngừng đổi mới, phát triển, tăng dần lên 08 trang, 28 trang và 32 trang in màu. Hiện nay, Việt Nam News đã gắn với một hệ thống các kênh truyền thông phổ biến, có chất lượng, kịp thời và chính xác, được đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế tin cậy, yêu mến. Việt Nam News đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. “30 năm báo Việt Nam News: Vững vàng vị thế báo đối ngoại quốc gia”, bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Trang thông tin tác nghiệp Thông tấn xã Việt Nam, https://dhtn.ttxvn.org.vn
(5) Thành lập từ năm những năm 50 của thế kỷ XX, trực thuộc Bộ Ngoại giao với khổ báo A3 với số lượng phát hành hạn chế
(6) Báo Le Courrier du Vietnam – 25 năm phát triển cùng Thông tấn xã Việt Nam, Trang thông tin điều hành tác nghiệp Thông tấn xã Việt Nam, https://dhtn.ttxvn.org.vn
(7) Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum, https://luatvietnam.vn
(8) Tiền thân là tờ Hình ảnh Việt Nam, ra đời từ sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Hiện nay, ngoài các chuyên trang, chuyên mục thế mạnh về phong cảnh, đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, Báo ảnh Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyên trang, chuyên mục mới mang tính cập nhật và chuyên sâu về các vấn đề quan trọng, nổi bật của đất nước, cũng như vấn đề tôn giáo, nhân quyền, biển đảo, biên giới… luôn được cập nhật, đăng tải kịp thời, đầy đủ, hấp dẫn và sinh động bằng 10 ngôn ngữ trên cả báo in và báo điện tử. Trang thông tin điều hành tác nghiệp Thông tấn xã Việt Nam, https://dhtn.ttxvn.org.vn
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.57, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.570
(Tạp chí Khoa học chính trị Số 05_2023)