ThS. NGUYỄN HỒNG NHUNG(*)

(*) Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Năng lượng và bảo đảm nguồn năng lượng luôn là vấn đề trung tâm trong quá trình hội nhập của các quốc gia châu Âu từ việc xây dựng Cộng đồng than thép châu Âu (EC) cho đến khi ra đời Liên minh châu Âu (EU) hiện nay. Trước những bất ổn chính trị trong khu vực và thế giới đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là cuộc chiến tranh Ukraine, đã ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng và sự thay đổi chính sách năng lượng của EU. Liên minh đã có những hành động kiên quyết hơn trong việc đưa ra những chính sách về năng lượng nhằm đa dạng nguồn cung ứng, giảm phụ thuộc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Bài viết phân tích an ninh năng lượng của EU trước tác động từ chiến tranh Ukraine và chỉ ra một số giải pháp mà EU đang hướng đến nhằm tháo gỡ những khó khăn trong ngắn hạn và dài hạn.
Từ khóa: an ninh năng lượng; chính sách năng lượng; chiến tranh Ukraine

1. Vấn đề an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu trước khi xảy ra chiến tranh Ukraine
Liên minh châu Âu (EU) được hình thành trên cơ sở là Cộng đồng than thép châu Âu (EC) để tiếp cận và quản lý hai nguồn năng lượng chính là than và thép sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. EU ra đời với mục tiêu tạo ra một thị trường với những nguyên tắc chung, thiết lập cơ chế hợp tác chung với một cơ quan quản lý chung cho các nước thành viên. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn năng lượng trở thành động lực cho quá trình hội nhập của EU theo thời gian(1). Tuy nhiên, trước thế kỷ XXI, dưới tác động của tình hình thế giới có nhiều bất ổn xung quanh vấn đề dầu mỏ ở Trung Đông (cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1974, cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, chiến tranh Iran – Iraq năm 1990) đã làm cho vấn đề năng lượng mất dần đi sự quan tâm trong chương trình nghị sự chính trị của EU.
Trải qua giai đoạn bất ổn này, vấn đề năng lượng dần trở lại trong chính sách của EU từ những năm 1990. Kể từ đây, Ủy ban châu Âu đã thể hiện vai trò lãnh đạo đặc biệt trong việc thúc đẩy thành lập một thị trường năng lượng nội bộ, sau đó bằng cách liên kết các vấn đề về biến đổi khí hậu, an ninh nguồn cung cấp và nhu cầu để phối hợp hành động bên ngoài khu vực. Thành quả của sự lãnh đạo này được phản ánh trong điều khoản năng lượng của Hiệp ước Lisbon năm 2007 – đây được xem là hiệp ước đầu tiên có bao gồm các điều khoản rõ ràng về vấn đề năng lượng(2). Cụ thể, vấn đề về năng lượng được đề cập trong Điều 176A của Hiệp ước Lisbon năm 2007 nhằm mục đích: (1) đảm bảo hoạt động của thị trường năng lượng, (2) đảm bảo “an ninh cung cấp” của Liên minh, (3) thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo, và cuối cùng (4) thúc đẩy sự liên kết của các mạng lưới năng lượng(3).
Ngoài ra, chính sách về năng lượng còn nằm trong nhiều văn bản khác có liên quan được ban hành từ đầu những năm 2000, như: Sách Xanh hướng tới Chiến lược châu Âu về an ninh cung cấp năng lượng (năm 2000); Sách Xanh chiến lược châu Âu về năng lượng bền vững, cạnh tranh và an toàn (năm 2006); Sách Xanh hướng tới một nguồn cung năng lượng an toàn, bền vững và mạng lưới năng lượng châu Âu (năm 2008); ba đánh giá năng lượng chiến lược (năm 2007, năm 2008 và tiếp theo là năm 2009). Từ những nguồn tài liệu trên đây cho thấy, chính sách năng lượng của EU hiện vẫn chưa được khái niệm hóa một cách cụ thể và rõ ràng, làm cho việc nghiên cứu về chính sách năng lượng của EU và tác động của chính sách đối với các quốc gia bên ngoài khu vực đòi hỏi tập hợp từ nhiều văn bản khác nhau được công bố.
Có nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này là: (1): Chính sách ngoại giao về năng lượng giữa các nước thành viên EU có nhiều điểm khác biệt cho nên việc thống nhất về quan điểm và lợi ích chung giữa các nước thành viên còn gặp nhiều khó khăn; (2): Sự chênh lệch về tiềm lực kinh tế và chính trị giữa các nước thành viên cũng khác nhau, đặc biệt khi EU mở rộng và kết nạp thêm những quốc gia thuộc Đông Âu cũ. Chính những nguyên nhân này đã làm cho việc soạn thảo một chính sách về năng lượng của EU còn gặp nhiều khó khăn(4). Tuy nhiên, có một điểm nổi bật nhất được đề cập trong Sách Xanh chiến lược châu Âu về năng lượng bền vững, cạnh tranh và an toàn (năm 2006) khi EU đã ám chỉ những sự kiện xảy ra Trung Đông trong thế kỷ trước cho thấy thực tại là EU đang thiếu quyền hạn và phương tiện để “đàm phán và gây áp lực” khi Liên minh không có năng lực và sự gắn kết cộng đồng trong các vấn đề năng lượng. Chính vì vậy, một chính sách năng lượng nhất quán để giúp EU đoàn kết, củng cố vai trò quốc tế hiệu quả hơn trong việc giải quyết các vấn đề chung với các đối tác năng lượng trên toàn thế giới; cung cấp năng lượng bền vững, cạnh tranh và an toàn là điều hết sức cần thiết. Nó sẽ là một bước đột phá so với thời kỳ trước và thể hiện cam kết của các quốc gia thành viên đối với các giải pháp cho các vấn đề chung(5).
2. Tác động từ cuộc chiến tranh Ukraine đến an ninh năng lượng của EU
Theo thống kê của Eurostat, năm 2020 tỷ lệ năng lượng được sử dụng của EU từ 05 nguồn: 35% từ dầu mỏ (cả dầu thô), 24% từ khí đốt tự nhiên, 17% từ năng lượng tái tạo, 13% từ năng lượng hạt nhân và 12% từ nhiên liệu hóa thạch rắn; đồng thời, mức độ tiêu thụ trong các lĩnh vực cụ thể là: 32% năng lượng được sử dụng vào ngành công nghiệp, 26% tiêu thụ trong ngành giao thông (đường sắt, đường bộ, hàng không nội địa hoặc vận chuyển nội địa), 25% năng lượng sử dụng trong các hộ gia đình (sưởi ấm), 12% năng lượng sử dụng trong ngành dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ thương mại và công cộng) và 3% năng lượng sử dụng trong nông lâm nghiệp(6). Cùng với sự phát triển của thế giới, nhu cầu về năng lượng của toàn cầu dự kiến sẽ tăng 27% vào năm 2030, riêng khu vực EU sẽ nhập khẩu một nửa lượng năng lượng mà họ tiêu thụ với chi phí hơn 01 tỷ Euro mỗi ngày. Trong bản Sách Xanh (Green Paper) đầu tiên do Ủy ban châu Âu phát hành vào đầu những năm 2000 đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt năng lượng sẽ làm EU phải nhập khẩu tới 70% khí đốt tự nhiên, 90% dầu mỏ và 100% than đá trong 02 hoặc 03 thập niên tới.
Thế nhưng, hiện an ninh năng lượng của EU phải đối mặt với những thách thức về nguồn nhiên liệu này vì mối đe dọa bị gián đoạn nguồn cung. Xung đột Nga – Ukraine diễn ra vào đầu những năm 20 của thế kỷ XXI đã tác động trực tiếp đến quan hệ thương mại năng lượng giữa EU – Nga, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của EU hiện nay.
Trước khi sự kiện Ukraine xảy ra vào năm 2006 (năm 2006, Nga lần đầu tiên đóng van vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua tuyến đường ống chạy ngang Ukraine), quan hệ hợp tác thương mại năng lượng với Nga được Ủy ban châu Âu đánh giá là “một sự phụ thuộc rõ ràng”, vì EU là thị trường chiếm 70% lượng dầu xuất khẩu của Nga. Một số quốc gia thành viên thuộc Trung và Đông Âu có sự phụ thuộc gần như tuyệt đối vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Cụ thể, năm 2014, Bulgaria, Slovenia, Slovakia, Phần Lan và 03 quốc gia vùng Baltic đã nhập khẩu khoảng 90% lượng khí đốt, khí đốt của Nga chiếm hơn 20% hỗn hợp năng lượng tổng thể đối với Slovakia, Hungary, gần 40% đối với Latvia và Litva(7).
Sau 02 sự kiện Nga cắt toàn bộ hoạt động cung cấp khí đốt qua lãnh thổ Ukraine tới châu Âu vào năm 2006 và năm 2009 thì Ủy ban châu Âu đã đánh giá lại nhà cung cấp năng lượng này thuộc “nguồn cung ứng không đáng tin cậy”, cùng nhiều lý do chủ quan tác động đến mối quan hệ giữa hai bên. Các nguyên nhân bao gồm: thứ nhất, sự mở rộng của NATO và EU vào năm 2004 được Nga xem là mối đe dọa; thứ hai, Nga thực hiện tái tổ chức dự án dầu khí khổng lồ ở Viễn Đông và loại trừ các công ty phương Tây khỏi dự án Sakhalin 2 đã làm cho châu Âu cảm thấy quan ngại hơn khi việc gián đoạn nguồn cung khí đốt ở Ukraine vào năm 2006 và năm 2009; thứ ba, khi Liên minh châu Âu kết nạp thêm những thành viên mới, dẫn đến có nhiều quốc gia thành viên phụ thuộc đến 100% năng lượng nhập khẩu từ Nga, điều này làm gia tăng mức độ phụ thuộc trung bình của EU vào Nga lên khoảng 20%; thứ tư, những mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ EU nảy sinh xuất phát từ sự nhạy cảm và dễ bị tổn thương khác nhau về vấn đề năng lượng(8).
Chính những lý do trên đã góp phần vào việc Ủy ban châu Âu nhìn nhận năng lượng là một vấn đề an ninh và bắt đầu có những những hành động kiên quyết hơn trong vấn đề năng lượng. Cụ thể, EU đã soạn thảo chiến lược năng lượng nhằm điều chỉnh các hoạt động phân phối và sản xuất khí đốt. Đây được coi là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên của EU đối với các kế hoạch đa dạng hóa năng lượng trong tương lai.
3. Giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng của EU trước tác động từ cuộc chiến tranh Ukraine
Năm 2015, Ủy ban châu Âu công bố chiến lược Liên minh Năng lượng (Energy Union Strategy) với mục đích xây dựng một liên minh năng lượng cung cấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp EU nguồn cung cấp năng lượng an toàn, bền vững, cạnh tranh và giá cả phải chăng với 05 mục tiêu chiến lược.
Tháng 5/2022, trước diễn biến phức tạp hơn ở Ukraine và nguy cơ thách thức về nguồn cung ứng năng lượng bị thiếu hụt trong mùa Đông kéo dài trong thời gian tới, Ủy ban châu Âu đã soạn thảo kế hoạch mang tên REPower EU (tạm dịch: khởi động năng lượng châu Âu) nhằm đưa EU dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch từ Nga cho đến trước năm 2030. Kế hoạch REPower EU nhằm tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống năng lượng trên toàn EU. Nhìn chung, kế hoạch này chú trọng vào việc loại bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ của Nga – những mặt hàng mà EU có nhiều nhà cung cấp tiềm năng hơn; thúc đẩy sản xuất những nguồn năng lượng khác và giảm nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt tập trung vào khí đốt vì nguyên liệu này ảnh hưởng lớn đến thị trường điện và thị trường toàn cầu kém thanh khoản hơn(9). Bản kế hoạch mới này kết hợp cùng những nội dung trọng yếu trong chính sách năng lượng của EU đã đề cập trước đó, thì những giải pháp đã được thực hiện để đối phó với hình tình khó khăn trước mắt. Cụ thể:
– Tăng dự trữ năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả
Để giải quyết tình trạng biến động giá năng lượng cao, Ủy ban châu Âu đã xem xét tất cả những lựa chọn khả thi và đưa ra những biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của giá khí đốt đối với giá điện. Ủy ban châu Âu đã tiến hành (1) điều chỉnh giá bán lẻ điện và hỗ trợ cho những công ty bị ảnh hưởng nặng nề và (2) chuẩn bị cho mùa Đông tới bằng cách bảo đảm đủ lượng khí dự trữ.
Vào cuối năm 2021, khi cuộc khủng hoảng Ukraine đang tiếp diễn thì châu Âu đã chuẩn bị cho tương lai bằng những chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ cho người dân, mặc dù nguồn cung cấp năng lượng lúc bấy giờ không gặp rủi ro và thị trường kỳ vọng giá sẽ ổn định vào tháng 4/2022. Giá năng lượng cao cũng là cú đánh vào nền kinh tế, các quy tắc viện trợ của Ủy ban châu Âu đã được áp dụng cho các quốc gia thành viên từ cấp hộ gia đình, các doanh nghiệp siêu nhỏ – nhỏ – vừa – lớn. Các nước thành viên đã theo chỉ thị về thuế năng lượng, tạm thời miễn hoặc áp dụng mức thuế giảm cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương đối với điện, khí đốt tự nhiên, than đá và nhiên liệu rắn(10). Những quy tắc này đưa ra các lựa chọn để cung cấp cứu trợ ngắn hạn cho các công ty và nông dân bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao, đồng thời giúp họ giảm mức độ tiếp xúc với biến động giá năng lượng trong trung và dài hạn. Ví dụ: Ủy ban sẽ ưu tiên chú ý đến các công ty cung cấp khí đốt và các trung gian phải đối mặt với chi phí cung cấp tăng do gián đoạn hợp đồng.
Bên cạnh đó, châu Âu đã đưa ra đề xuất lấp đầy những kho dự trữ khí đốt trên toàn lãnh thổ EU, cụ thể là những kho dự trữ phải được lấp đầy ít nhất 90% trước tháng 10 mỗi năm (vì đây là nhiên liệu được sử dụng chủ yếu trong mùa Đông). Việc dự trữ này sẽ làm cho EU không bị ảnh hưởng nặng nề khi thiếu nguồn cung, đặc biệt vào mùa Đông phải cung ứng 25% – 30% nhu cầu tiêu thụ. Vấn đề lưu trữ khí đốt của EU sẽ bảo đảm sự công bằng và cho phép sử dụng cơ sở hạ tầng thông minh hiện có, hạn chế nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng mới, vì không phải tất cả các quốc gia thành viên đều có cơ sở lưu trữ ngầm trong lãnh thổ của họ. Chính vì vậy, đề xuất pháp lý đề ra cơ chế phân bổ công bằng bảo đảm chi phí cung ứng cho những nước thành viên để bảo đảm dòng năng lượng không bị gián đoạn trong toàn bộ EU.
Ngoài biện pháp dự trữ năng lượng, EU còn đưa ra kế hoạch sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Đây cũng là cách để giúp giảm sự phụ thuộc của EU vào các nhà cung cấp dầu khí bên ngoài. Năng lượng tiêu thụ ở châu Âu được chuyển hóa thành 02 loại: sơ cấp và thứ cấp. Năng lượng sơ cấp là nhiên liệu hóa thạch được sử dụng trực tiếp cho mục đích sưởi ấm và nhiệt năng mặt trời cho nước nóng sinh hoạt. Năng lượng thứ cấp được chuyển hóa qua những lò luyện, nhà máy điện, quy trình công nghiệp để tạo ra điện, sản phẩm của dầu và than cốc trong những lò cao công nghiệp. Nói một cách cụ thể, sử dụng ít năng lượng hơn có nghĩa là giảm tiêu thụ năng lượng sơ cấp và sản phẩm thứ cấp của nó sau khi chuyển hóa thành điện cho người tiêu dùng cuối cùng(11).
– Đa dạng nguồn cung ứng
Đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt bằng cách giảm việc nhập khẩu khí tự nhiên từ Nga, tăng nhập khẩu từ những nguồn cung khác nhau. Bên cạnh đó, tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ những quốc gia khác. Năm 2022, EU đã cắt giảm nhập khẩu dầu mỏ 300.000 thùng/ngày từ Nga, và con số này sẽ còn tiếp tục giảm khi EU cấm nhập khẩu bằng đường biển đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế, như dầu diesel, của Nga(12). Để đa dạng hóa nguồn cung, EU thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế của mình. Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận trong G7 và với những người mua khí đốt lớn trên toàn cầu (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ) về sự phát triển thị trường trung hạn. Nguồn nhập khẩu được thay thế từ khí đốt sang khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Qatar… được đẩy mạnh. Tính riêng tháng 01/2022, số lượng LNG nhập khẩu từ Mỹ của châu Âu đã tăng 80% so với năm trước, ước tính khoảng 7,73 tỷ m3 khí đốt trong khi Nga cung ứng khoảng 7,5 tỷ m3 qua các đường ống giữa nước này với EU(13). Nhưng, chi phí nhập khẩu LNG từ Mỹ đắt gấp 10 lần so với mức giá tại Mỹ(14) làm cho chi phí về năng lượng vẫn còn khá cao.
Một sự thật cho thấy rằng, việc EU còn gặp nhiều khó khăn trong việc muốn giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng khí đốt từ Nga vì giá thành rẻ và hệ thống đường ống dẫn khí trực tiếp từ Nga sang châu Âu dầy đặc để cung cấp khí đốt cho những quốc gia thuộc Liên bang Xô viết cũ từ thế kỷ trước, như: 1) tuyến đường ống Brotherhood chạy qua Ukraine tới Slovakia, một nhánh tới Cộng hòa Czech, Đức, Pháp và Thụy Sĩ; nhánh còn lại tới Áo, Italy, Hungary cùng một số nước thuộc khu vực Balkan; 2) tuyến đường ống Yamal qua Ba Lan, Belarus và tới Đức; 3) tuyến đường ống TurkStream từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đến Serbia và Hungary; 4) tuyến đường ống Nord Stream I và II chạy xuyên qua lòng biển Bắc đến Đức. Bên cạnh đó, giữa Nga và EU còn có một hệ thống đường ống dẫn dầu thô Druzhba (nghĩa là “tình bạn” trong tiếng Nga) cung cấp dầu thô châu Âu. Đường ống dẫn dầu bao gồm 02 nhánh được chia tách ở Belarus thành một nhánh phía Bắc và phía Nam. Nhánh phía Bắc tiếp tục qua Belarus và Ba Lan đến Đức. Nhánh phía Nam chạy qua Ukraine, cung cấp dầu cho Slovakia, Cộng hòa Séc và Hungary không giáp biển. Cơ quan Năng lượng quốc tế dự kiến sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga sẽ tiếp tục ở mức độ cao ít nhất là đến năm 2040(15).
Việc cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách đẩy nhanh việc khai thác những nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường và giảm thiểu khí thải CO2 vào môi trường. Chuyển đổi sang khai thác nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo giúp định tình hình xã hội của các nước thành viên sẽ hạn chế được tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng năng lượng hóa thạch như hiện nay.
Theo Chỉ thị (EU) 2018/2001 về thúc đẩy sử dụng năng lượng từ các nguồn tái tạo (Chỉ thị về năng lượng tái tạo, RED II) được thông qua vào tháng 12/2018 thì “năng lượng từ các nguồn tái tạo” hay “năng lượng tái tạo” được định nghĩa là “năng lượng từ các nguồn không hóa thạch có thể tái tạo, cụ thể là gió, mặt trời (nhiệt mặt trời và quang điện mặt trời) và năng lượng địa nhiệt, năng lượng xung quanh, thủy triều, sóng và năng lượng đại dương khác, thủy điện, sinh khối, khí bãi rác, khí nhà máy xử lý nước thải và khí sinh học”(16). Những nguồn nhiên liệu được đề cập ở trên liên quan đến trong quá trình đa dạng năng lượng của EU.
Theo dữ liệu của Eurostat (năm 2019) thì năng lượng tái tạo chiếm 19,7% năng lượng tiêu thụ ở EU-27 (so với 9,6% năm 2004), chỉ thiếu 0,3% so với mục tiêu 20% năm 2020, đến năm 2030 thì sự tiêu thụ năng lượng tái tạo phải tăng lên 32%. Điều này được cụ thể hóa thành hai mục tiêu chính: 1) Tăng sản xuất khí mê-tan sinh học của EU. Để làm được điều này, EU cùng các quốc gia thành viên chuyển nguồn tài trợ cho những dự án khí mê-tan sinh học, được sản xuất từ các nguồn sinh khối bền vững (biomass), bao gồm cả ở chất thải nông nghiệp cụ thể và dư lượng; 2) Đầu tư và hỗ trợ cho những máy gia tốc hydro. Ủy ban sẽ tiếp tục phát triển khung pháp lý để thúc đẩy thị trường châu Âu cho hydro và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt và hydro tích hợp, cơ sở lưu trữ hydro và cơ sở hạ tầng cảng. Cơ sở hạ tầng biên giới cũng phải tương thích với sử dụng khí hydro. Mục tiêu năm 2030 có thể thay thế 25 – 50 bcm khí đốt nhập khẩu của Nga mỗi năm(17).
4. Kết luận
Năng lượng luôn đóng vai trò trung tâm của EU ngay từ khi bắt đầu thành lập Cộng đồng than thép châu Âu (EC) và cho đến ngày nay, nó vẫn là mối quan ngại chính. Vấn đề năng lượng nổi lên trong việc EU thiết lập và tăng cường hợp tác với những quốc gia bên ngoài khu vực.
Chiến tranh Ukraine vẫn chưa kết thúc nên sẽ có những tác động đến năng lượng của EU nếu Nga thay đổi chính sách trong tương lai. Tuy nhiên, những kế hoạch được đưa ra trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của EU đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua và nó đã trở thành một trong số ít câu chuyện chiến lược thành công của EU.
Với những chính sách về năng lượng được EU đề cập đến hiện nay thể hiện quan điểm mạnh mẽ và nguyên tắc, nâng cao tiếng nói của EU trong quan hệ với bên ngoài trong lĩnh vực ngoại giao năng lượng. Điều này sẽ giúp EU thể hiện được rõ vai trò trong các quan hệ quốc tế, đưa ra những chính sách hợp tác có lợi giữa hai bên và cứng rắn trong việc đưa ra những biện pháp nhằm bảo vệ EU, bao gồm cả những lệnh trừng phạt đối với nhà cung cấp năng lượng Nga.
Hơn nữa, những chính sách hiện nay của EU đều đề cập đến việc gia tăng nguồn năng lượng tái tạo. Điều này mang lại cho EU cơ hội phát triển các nguồn năng lượng sạch. Một điều không thể phủ nhận rằng, chính châu Âu là khởi nguồn đi đầu trong lĩnh vực công nghệ phát triển. Vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo sẽ tạo điều kiện cho những công nghệ mới ra đời. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy xu thế phát triển công nghệ năng lượng sạch trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào công nghệ và thúc đẩy sự lan truyền của làn sóng cạnh tranh công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của thế giới./.

——————————-

(1) O. Poiana, “An overview of the European energy policy evolution: From the European energy community to the European energy union”, (Tạm dịch: Tổng quan về sự phát triển của chính sách năng lượng châu Âu: Từ cộng đồng năng lượng châu Âu đến liên minh năng lượng châu Âu), On-line Journal Modelling the New Europe, 22, 2017, tr.175 – 189
(2) M. Jegen, “Energy policy in the European Union: The power and limits of discourse”, (Tạm dịch: Chính sách năng lượng ở Liên minh châu Âu: Quyền lực và giới hạn của diễn ngôn), Les Cahiers européens de Sciences Po., vol. 2, 2014, tr.1 – 21
(3) The Lisbon Treaty, “Official Journal of the European Union, C306”, Official Journal of the European Union, the European Community, Portugal, 2007
(4) N. V. Phu, Dầu mỏ trong quan hệ Nga – EU từ năm 2000 đến nay, Luận văn Thạc sĩ Quốc tế học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Hà Nội, 2016, tr.20
(5) Green Paper, “Towards a European strategy for the security of energy supply”, (Tạm dịch: Hướng tới một chiến lược châu Âu về an ninh cung cấp năng lượng), Commission of the European Communities, Brussels, 2000
(6), (11) và (12) Eurostat, “Shedding light on energy in the EU”, (Tạm dịch: Làm sáng tỏ vấn đề năng lượng ở EU), European Union, 2022
(7) và (15) P. Zeniewski, “A long-term view of natural gas security in the European Union” (Tạm dịch: Tầm nhìn dài hạn về an ninh khí đốt tự nhiên ở Liên minh châu Âu), International Energy Agency, https://www.iea.org/commentaries/a-long-term-view-of-natural-gas-security-in-the-european-union, ngày 13/3/2019
(8) C. Puntaru, “Energy security in Europe: how Is the EU dealing with it?”, (Tạm dịch: An ninh năng lượng ở châu Âu: EU giải quyết vấn đề này như thế nào?), E-International Relations, 2015, tr.1 – 4
(9) và (17) European Commission, “REPowerEU: Joint European Action for more affordable, secure and sustainable energy”, (Tạm dịch: REPowerEU: Hành động chung của châu Âu vì năng lượng hợp lý, an toàn và bền vững hơn), European Commission, Strasbourg, 2022
(10) European Commission, “Immediate measures to protect consumers and industry in Tackling rising energy prices: a toolbox for action and support”, (Tạm dịch: Các biện pháp trước mắt để bảo vệ người tiêu dùng và ngành công nghiệp trong việc giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao: hộp công cụ để hành động và hỗ trợ), European Commission, 2021, tr. 1 – 3
(13) Xuân Mai, Châu Âu đau đầu với an ninh năng lượng, https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chau-au-dau-dau-voi-an-ninh-nang-luong-20220218193018525.htm, ngày 19/02/2022
(14) Lê Ngọc, Nhìn lại cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, https://vov.vn/the-gioi/ho-so/nhin-lai-cuoc-khung-hoang-dau-mo-nam-1973-post929857.vov, ngày 13/3/2022
(16) European Parliament, “Renewable energy directive – Revision of directive (EU) 2018/2021”, (Tạm dịch: Chỉ thị năng lượng tái tạo – Sửa đổi chỉ thị (EU) 2018/2021), European Parliamentary Research Service, 2021

(Tạp chí Khoa học chính trị Số 04/2023)