ThS. BÙI THỊ HƯỜNG(*)
(*) Trường Đại học An ninh nhân dân
Tóm tắt: Đời sống tinh thần vùng dân tộc Chăm Nam Bộ chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của Islam giáo. Theo đó, Islam giáo, một mặt, làm cho đời sống tinh thần vùng dân tộc Chăm Nam Bộ thêm đa dạng, phong phú và mang nhiều giá trị nhân văn; mặt khác, do tính chất duy tâm và những giáo luật khắt khe của Islam giáo cũng khiến đời sống tinh thần của dân tộc này trở nên khép kín, gò bó, thiếu sáng tạo, cản trở sự giao lưu văn hóa với các dân tộc khác, đồng thời kìm chế sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của cộng đồng. Trên cơ sở làm rõ sự ảnh hưởng của Islam giáo đối với đời sống tinh thần vùng dân tộc Chăm Nam Bộ, bài viết đưa ra các kiến nghị nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho vùng dân tộc Chăm Nam Bộ.
Từ khóa: dân tộc Chăm; đời sống tinh thần; Nam Bộ; Islam giáo
1. Khái quát về Islam giáo trong vùng dân tộc Chăm Nam Bộ
Do biến động lịch sử, nhất là quá trình hình thành, phát triển, tiêu vong của “Vương quốc Chămpa cổ” và các cuộc di trú nên địa bàn cư trú của dân tộc Chăm không đồng nhất mà mang tính đặc thù cho từng khu vực, địa phương. Căn cứ điều kiện địa lý, môi trường, đặc điểm đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội, có thể chia địa bàn cư trú của người Chăm thành những vùng chính, đó là: Vùng dân tộc Chăm ở vùng cao Trung Trung Bộ; vùng dân tộc Chăm ở đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ; vùng dân tộc Chăm ở Nam Bộ.
Islam giáo là tôn giáo độc thần xuất hiện ở Ảrập vào đầu thế kỷ VII. Người sáng lập ra Islam giáo là Muhammad. Dù ra đời muộn hơn Cơ đốc giáo, Phật giáo, nhưng hiện nay, Islam giáo đã trở thành tôn giáo đầy sức sống, có số lượng tín đồ đông đảo và hiện diện ở mọi nơi trên thế giới. Hiện nay, Islam giáo là tôn giáo có tín đồ đông thứ hai trên thế giới với 1.926.005 tín đồ (số liệu thống kê năm 2020)(1).
Islam giáo là tôn giáo ngoại sinh được du nhập vào Việt Nam và phát triển chủ yếu trong vùng dân tộc Chăm. Do những biến động về lịch sử, khi du nhập vào dân tộc Chăm đã tạo nên hai dòng Islam giáo khác nhau: Islam giáo cũ chủ yếu trong dân tộc Chăm ở miền Nam Trung Bộ (còn gọi là Chăm Bà ni) và Islam giáo mới trong vùng dân tộc Chăm Nam Bộ (còn gọi là Chăm Islam). Ở nước ta, tính đến năm 2020 có 85.452 tín đồ Islam giáo(2).
Ở Nam Bộ, người Chăm theo Islam giáo tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố: An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai; trong đó, số lượng tín đồ Islam giáo trong người Chăm ở An Giang là đông nhất. Ở An Giang, người Chăm theo Islam giáo là 11.167 người (chiếm 33,18% tín đồ Islam giáo của cả nước – số liệu thống kê năm 2020)(3).
Mốc thời gian Islam giáo du nhập vào vùng Chăm Nam Bộ hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu. Theo PGS, TS. Nguyễn Phú Lợi trong cuốn Sự chuyển biến của tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 thì Islam giáo du nhập vào dân tộc chăm ở An Giang và Tây Ninh đều ở cuối thế kỷ XVIII do một số người Chăm theo Islam giáo hồi cư từ Campuchia. Sau đó, một số người di tản lên Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước(4). Theo tác giả Trần Thị Minh Thu trong cuốn Hồi giáo và văn hóa Hồi giáo thì: “Vào năm 1840, quân nhà Nguyễn do Trương Minh Giảng là quan bảo hộ nước Chân Lạp bị quân An Dương (Chân Lạp) đánh bại, phải kéo quân lui về vùng thượng nguồn sông Tiền – vùng An Giang ngày nay. Cùng thời kỳ này (1854 – 1858) cũng nổi lên cuộc dấy binh ở Campuchia do Tuon Set It – người Malaysia lãnh đạo cũng bị đánh bại đã kéo quân sang lánh nạn ở vùng đất An Giang ngày nay. Vì vậy, số đông binh sĩ của hai lực lượng này đều là những tín đồ Hồi giáo người Chăm và Malaysia cũng tin theo Hồi giáo. Từ Châu Đốc, người Chăm Hồi giáo đã chuyển đến nhiều vùng khác ở Nam Bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Tiền Giang… dần dần hình thành các cộng đồng người Hồi giáo ở các tỉnh miền Nam gọi là Chăm Islam”(5). Như vậy, dù thời điểm du nhập Islam giáo vào người Chăm Nam Bộ chưa thống nhất, nhưng chắc chắn Islam giáo du nhập vào Nam Bộ muộn hơn nhiều so với vùng Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận (Islam cũ). Đồng thời, tín đồ Islam giáo trong vùng Chăm Nam Bộ đều là dòng Islam giáo chính thống (còn gọi là Islam mới để phân biệt dòng Islam cũ trong vùng chăm Ninh Thuận, Bình Thuận – TG).
2. Tác động của Islam giáo đến đời sống tinh thần vùng dân tộc Chăm Nam Bộ
Trong 03 vùng dân tộc Chăm ở nước ta thì người vùng Chăm Nam Bộ chủ yếu theo Islam giáo nên ảnh hưởng Islam giáo đến đời sống tinh thần của vùng Chăm Nam Bộ rất rõ nét. Có thể khái quát trên những biểu hiện cơ bản như sau:
Một là, ảnh hưởng đến tư tưởng của vùng dân tộc Chăm Nam Bộ
Trên phương diện triết học, tư tưởng của một cộng đồng, dân tộc được thể hiện cơ bản ở quan niệm về thế giới (thế giới quan) và quan niệm về con người (nhân sinh quan) của họ. Về thế giới quan, người Chăm ở Nam Bộ với 95% theo Islam giáo nên có niềm tin tuyệt đối vào đấng tạo hóa (Allah) sản sinh ra thế giới và con người, vì thế con người phải tin vào Allah và sứ giả của Allah, vào thiên Kinh Qur’an; tội lỗi không thể dung tha đối với các tín đồ Islam giáo là tin vào một thần linh đặt bên cạnh hoặc khác hơn Allah. Câu kinh mà người Chăm ở Nam Bộ luôn phải tâm niệm là: “1. Hãy bảo họ: Ngài, Allah, là Một (duy nhất)… 4. Và không một ai (cái gì) có thể so sánh với Ngài đặng”(6). Vì vậy, đời sống tinh thần của họ tương đối khép kín, luôn hướng sự thành kính của mình đến Đấng tối cao một cách tuyệt đối đến hết cuộc đời và tâm niệm sẽ sống chết vì Allah, vì sứ giả Muhammad và Kinh Qur’an. Về nhân sinh quan, người vùng Chăm Nam Bộ quan niệm cuộc đời chỉ là cõi tạm mà con người chỉ là người khách lữ hành dạo qua mà thôi. Họ tin rằng, cuối cùng cũng sẽ đến ngày tận thế, tất cả mọi người đều phải chịu sự phán xử của Allah, được thưởng hay phạt là tùy vào những hành động của con người khi còn sống. Có thể thấy, nhân sinh quan của người Chăm theo Islam giáo ở Nam Bộ thể hiện tính duy tâm và hướng nội rất rõ ràng. Tư tưởng này hướng đến sự giải thoát con người ra khỏi những khổ ải, phiền não trong cuộc đời, nhưng đây không phải là sự giải thoát trong đời sống hiện thực mà là giải thoát ở một thiên đường xa xăm nào đó.
Hai là, ảnh hưởng đến quan niệm và hành vi đạo đức của vùng dân tộc Chăm Nam Bộ
Đạo đức chịu sự tác động từ nhiều phương diện khác nhau của đời sống xã hội, trong đó có cả sự tác động từ các tôn giáo, bởi bất cứ tôn giáo nào, trong đó có Islam giáo, cũng có một hệ thống chuẩn mực và giá trị đạo đức nhằm điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức của các tín đồ. Qua nghiên cứu cho thấy, Islam giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến những quan niệm và hành vi đạo đức của người Chăm ở Nam Bộ. Về quan niệm đạo đức, người Chăm ở Nam Bộ cho rằng, tôn giáo của mình (tức Islam giáo) là con đường duy nhất, đích thực giúp con người xử lý đúng đắn những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Tuân thủ theo lời dạy của Allah, người Chăm ở Nam Bộ luôn tâm niệm vai trò của con người là bảo vệ lẽ phải, đấu tranh chống sai trái, tìm kiếm những chân lý cao đẹp, sự yêu thương giữa người với người để hướng đến sự an bình trong tâm hồn. Dưới sự tác động của Islam giáo, cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ đã xây dựng, định hình nên các quan niệm về đạo đức cơ bản, như quan niệm về tội lỗi, quan niệm về ngay chính, quan niệm về tự do và bình đẳng, quan niệm về an bình, quan niệm về cộng đồng… Về hành vi đạo đức, đối với người vùng Chăm Nam Bộ, hành vi đạo đức thể hiện thường xuyên trong đời sống sinh hoạt, trong cách ứng xử với những người xung quanh và với xã hội. Những hành vi này đều được điều chỉnh bởi những chuẩn mực xã hội, đặc biệt là các quy định của Islam giáo, bao gồm những điều mà Allah răn dạy các tín đồ Islam giáo được làm và không được làm, như: bố thí rộng rãi cho người nghèo; không giết người; không ngoại tình; bảo vệ và chu cấp trẻ mồ côi; cư xử công bằng với mọi người; trong sạch trong tình cảm và tinh thần; không uống rượu, cờ bạc, gian dâm,… Phần đông người Chăm ở Nam Bộ đều tuân thủ nghiêm túc những quy định này. Chẳng hạn, xóm người Chăm ở hẻm 157 Dương Bá Trạc, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh chưa bao giờ có người uống rượu bia(7). Đây chính là cách để họ hiện thực hóa những quan niệm đạo đức của mình, gắn kết cộng đồng, xa rời tội lỗi để hướng tới sự an bình (hạnh phúc trong tâm hồn) của mình.
Ba là, ảnh hưởng đến lối sống trong vùng dân tộc Chăm Nam Bộ
Người Chăm ở Nam Bộ là những tín đồ Islam giáo nhiệt thành, vì thế lối sống của họ chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Islam giáo. Họ tâm niệm rằng, lẽ sống chân chính là tin tưởng, phụng sự và sống theo lời dạy bảo của Allah. Lẽ sống này đã tạo nên phong cách sống của người Chăm ở Nam Bộ là luôn tin và làm theo tín điều, giữ nghiêm giới luật, sống hiền hòa, cởi mở tấm lòng với người khác. Cuộc sống của họ luôn gắn liền với các nghi lễ tôn giáo, với thánh đường và Kinh Qur’an. Bên cạnh những hoạt động thường ngày, lối sống của cộng đồng vùng Chăm Nam Bộ được biểu hiện qua hình thức sinh hoạt cộng đồng, điển hình là các lễ hội truyền thống mang đậm màu sắc Islam giáo, như Lễ hội Ramadan (đây chính là mùa ăn chay của những người theo Islam giáo); Lễ Roya Haji – còn gọi là lễ hành hương đi Thánh địa Mecca…
Sự ảnh hưởng của Islam giáo đến lối sống của người Chăm ở Nam Bộ còn thể hiện rõ nét qua những tập tục diễn ra từ lúc sinh đến khi lìa đời, bao gồm: nghi lễ trong giai đoạn sinh, nghi lễ trong giai đoạn trưởng thành, nghi lễ trong giai đoạn tử. Những nghi lễ này đều mang đậm màu sắc Islam giáo, như câu kinh “tôi chỉ tin có một thượng đế, thượng đế đó là Allah” luôn được đọc lên trong khi một người sinh ra hay lìa đời; lễ đặt tên theo các vị thánh của Islam giáo cho trẻ; lễ mừng học trò đọc thuộc Kinh Qur’an, Lễ Kho tanh; việc chôn thi thể người chết cũng phải theo hướng về phía Tây (phía Thánh địa Mecca). Chẳng hạn, cộng đồng người Chăm khoảng 200 người sống tại chung cư 86/1, đường Phan Văn Hân, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 20 năm nay vẫn giữ những bản sắc văn hóa, lối sống riêng, sử dụng 01 căn hộ tầng trên làm thánh đường trong khu(8). Ảnh hưởng này làm cho cộng đồng người Chăm khá khép kín.
Như vậy, những ảnh hưởng của Islam giáo đến đời sống tinh thần đã tạo ra cho cộng đồng dân tộc Chăm Nam Bộ những biểu hiện riêng có, bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, Islam giáo là chỗ dựa tinh thần của vùng dân tộc Chăm Nam Bộ, định hướng cho mọi hoạt động của họ; Islam giáo cũng làm những quan niệm, hành vi đạo đức của cộng đồng này thể hiện những giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người đến cái tốt, cái thiện. Ảnh hưởng của Islam giáo cũng khiến lối sống của người vùng Chăm Nam Bộ về cơ bản là lành mạnh, hiền hòa, thể hiện tính cộng đồng cao. Về mặt tiêu cực, thế giới quan, nhân sinh quan duy tâm Islam giáo khiến đời sống tinh thần của người vùng dân tộc Chăm Nam Bộ trở nên khép kín, thiếu sáng tạo; luôn tìm kiếm sự giải thoát và hạnh phúc tại thiên đường hư ảo. Islam giáo cũng làm họ chậm hòa nhập với những giá trị đạo đức của xã hội mới; lối sống tương đối gò bó, nhiều nghi thức phức tạp, cản trở sự giao lưu văn hóa giữa họ với các dân tộc khác, đồng thời kìm chế sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của cộng đồng. Sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo với những mặt tiêu cực đã nêu cũng phần nào làm nảy sinh tâm lý kỳ thị, cực đoan, từ đó trở thành mảnh đất để các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Những phân tích trên cho thấy, ảnh hưởng của Islam giáo đến đời sống tinh thần của vùng dân tộc Chăm Nam Bộ rất sâu sắc, tạo nên bản sắc riêng trong văn hóa của dân tộc Chăm. Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực thì vẫn còn những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của người Chăm ở Nam Bộ. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: 1) Đặc thù thế giới quan có tính chất duy tâm của giáo lý Islam giáo đã phần nào hạn chế tính tích cực, tự giác của tín đồ; 2) Niềm tin tôn giáo vốn đã sâu sắc, hơn nữa niềm tin trong tín đồ Islam giáo còn sâu sắc hơn, nâng lên tầm đức tin, tin tưởng tuyệt đối vào thánh Alah và Mohammad, tạo nên sự sùng đạo tuyệt đối, đồng thời tạo nên sự khép kín, không muốn tiếp nhận những yếu tố khác với niềm tin tôn giáo của mình; 3) Quy định nghi lễ chặt chẽ của giáo luật Islam giáo bắt buộc tín đồ phải tuân theo trong đó có những quy định, như hành hương về Thánh địa Mecca cũng tạo nên sự phức tạp nhất định khi bối cảnh Islam giáo trên thế giới hiện nay cũng khá nhạy cảm từ những vấn đề chính trị, khủng bố…
3. Giải pháp phát huy ảnh hưởng tích cực, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của Islam giáo nhằm nâng cao đời sống tinh thần vùng dân tộc Chăm Nam Bộ
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của người Chăm ở Nam Bộ được cải thiện và ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Bên cạnh những thành tựu đạt được, đời sống tinh thần của người vùng dân tộc Chăm Nam Bộ cũng chứa đựng những hạn chế nhất định, tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng. Để phát huy ảnh hưởng tích cực, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của Islam giáo nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người Chăm ở Nam Bộ, cần thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ các nội dung sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vấn đề tôn giáo nói chung và Islam giáo trong vùng dân tộc Chăm Nam Bộ nói riêng
Vùng Nam Bộ là nơi hội tụ của nhiều tôn giáo cả nội sinh và du nhập từ bên ngoài. Điều đó thể hiện sự đa dạng trong văn hóa, đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ. Mặt khác, tạo nên sự phức tạp khi tôn giáo lại thường gắn liền dân tộc như Islam giáo luôn gắn liền với dân tộc Chăm và lịch sử dân tộc Chăm. Đây là vấn đề khá phức tạp nên các thế lực thù địch thường tập trung lợi dụng để khoét sâu mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết giữa dân tộc Chăm với các dân tộc khác trong vùng. Do đó, cần nâng cao nhận thức, chủ động cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch để xây dựng vùng dân tộc Chăm Nam Bộ với đời sống tinh thần gắn liền sinh hoạt của Islam giáo lành mạnh, tuân thủ quy định của pháp luật.
Thứ hai, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất tạo tiền đề nâng cao đời sống tinh thần cho vùng dân tộc Chăm Nam Bộ
Thực tế cho thấy, đời sống kinh tế ở vùng dân tộc Chăm Nam Bộ vẫn còn nhiều khó khăn. Người Chăm Nam Bộ vẫn chủ yếu dựa trên sản xuất nông nghiệp hiệu quả còn thấp, một số nghề thủ công truyền thống, như nghề dệt, nghề gốm, vẫn được duy trì nhưng chủ yếu còn ở quy mô nhỏ, tự phát nên chưa đem lại giá trị kinh tế cao. Do đó, cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế của những sản phẩm đặc trưng của vùng dân tộc Chăm Nam Bộ để từng bước nâng cao đời sống vật chất cho người Chăm vùng Nam Bộ. Khi điều kiện vật chất được nâng cao sẽ tạo điều kiện, tiền đề để nâng cao đời sống tinh thần, làm phong phú thêm những nét đặc sắc trong giá trị tinh thần của Islam giáo người Chăm vùng Nam Bộ.
Thứ ba, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Chăm và những ảnh hưởng tích cực của Islam giáo; kết hợp với việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, ý thức công dân cho người Chăm vùng Chăm Nam Bộ
Giáo lý Islam giáo có nhiều giá trị, chứa đựng những chuẩn mực đạo đức rất cần được phát huy; đồng thời, các hoạt động văn hóa tinh thần trong vùng Chăm Nam Bộ theo nghi lễ Islam giáo cũng rất đặc sắc như Lễ Tạ ơn, Lễ Ramandan, Lễ hội Roya (Tết dân tộc)… rất cần được phát huy. Cùng với quá trình này, cần loại trừ dần các tập tục lạc hậu, những ảnh hưởng tiêu cực của Islam giáo trong vùng dân tộc Chăm Nam Bộ, như yêu cầu khắc khe trong lối sống của người phụ nữ, tâm lý tự ti dân tộc… Cần tăng cường giao lưu văn hóa giữa vùng Chăm Nam Bộ với các dân tộc khác để dần mở rộng, tiếp thu những giá trị tinh thần trong cộng đồng các dân tộc ở Nam Bộ.
Thứ tư, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng trong vùng dân tộc Chăm Nam Bộ
Để làm được điều này, cần nâng cao vai trò của hệ thống chính trị cơ sở nhằm hiện thực hóa tốt hơn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, truyền thông và có những hình thức phù hợp để tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo trong vùng Nam Bộ.
Tóm lại, Islam giáo là tôn giáo ngoại sinh và được du nhập chủ yếu vào cộng đồng người Chăm ở Việt Nam, đặc biệt trong vùng dân tộc Chăm Nam Bộ. Người Chăm vùng Nam Bộ là những tín đồ theo Islam giáo hết sức nhiệt thành. Dưới ảnh hưởng của Islam giáo, đời sống tinh thần của vùng dân tộc Chăm Nam Bộ biểu hiện hết sức phong phú với những nét riêng có, bao gồm cả mặt tích cực và mặt tiêu cực nên cần phải thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ các nội dung nêu trên để xây dựng vùng dân tộc Chăm Nam Bộ với những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng./.
————————————————
(1), (2), (3) và (4) PGS, TS. Nguyễn Phú Lợi, Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2022, tr.31, 31, 253 và 261
(5) Ban Tôn giáo Chính phủ – Trần Thị Minh Thu (chủ biên), Hồi giáo và văn hóa Hồi giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2022, tr.205
(6) Trung tâm ấn loát Quốc Vương Fahad về việc xuất bản Thiên kinh Qur’an, Thiên kinh Qur’an và bản dịch ý nghĩa nội dung bằng Việt ngữ (Hassan Bin Abdul Karim, Abdul Halim Ahmed dịch). Madina. K.S.A. tr.604
(7)https://thanhnien.vn/noi-doc-nhat-sai-gon-co-xom-khong-nhau-nhin-an-1-thang-185758569.htm
(8)https://vnexpress.net/cuoc-song-cua-nguoi-cham-trong-chung-cu-o-sai-gon-3629834.html