TS. BÙI XUÂN THANH(*)
(*) Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Bài viết phân tích tư tưởng xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, nhìn từ quan điểm về quyền lực chính trị của Hồ Chí Minh, nhằm làm rõ cơ sở lý luận và tính khoa học trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền lực chính trị và tính tất yếu về sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Qua đó, luận chứng tư tưởng về quyền lực chính trị và chủ trương xây dựng đảng cầm quyền của Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng ấy đã chỉ ra tính tất yếu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị Việt Nam nhằm bảo đảm quyền lực chính trị thuộc về nhân dân.
Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam; quyền lực chính trị; nhân dân
1.Quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền lực chính trị của nhân dân
Xuất phát từ quan điểm về quyền con người, quyền dân tộc và mong muốn thực thi quyền lực chính trị mang lại hạnh phúc cho nhân dân, Hồ Chí Minh khẳng định, quyền lực chính trị là quyền lực của nhân dân. Trong tư tưởng chính trị của Người, quan điểm về mục tiêu, đường lối và quyền lực chính trị chi phối quan điểm về đảng cầm quyền. Chủ thể thực hiện ý chí chính trị không chỉ là một giai cấp, mà là toàn thể nhân dân lao động.
Cuộc đời hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh là một hành trình gian khó để tìm ra con đường giải phóng dân tộc và sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Trong quá trình tìm đường cứu nước, xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, Hồ Chí Minh đã xác định đấu tranh là để hiện thực hóa quyền lực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đối với Hồ Chí Minh, thực tế xã hội Xô viết sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 là một minh chứng điển hình về bản chất và con đường hình thành nên quyền lực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Khi tiếp xúc với tư tưởng chính trị của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã hiểu sâu sắc rằng, cần phải xây dựng bản chất mới ấy của quyền lực chính trị và bộ máy thực thi quyền lực chính trị của dân tộc Việt Nam. Kế thừa tư tưởng của V.I.Lênin, chuyên chính vô sản mang bản chất giai cấp công nhân, Hồ Chí Minh xác định chủ thể quyền lực của dân tộc Việt Nam là giai cấp công nhân Việt Nam và toàn thể nhân dân lao động. Bản chất của quyền lực chính trị ở Việt Nam chỉ trở thành hiện thực khi nhân dân ta giành được độc lập dân tộc, thiết lập Nhà nước của nhân dân lao động mang bản chất của giai cấp công nhân. Như vậy, có thể khẳng định rằng, trên nền tảng quan điểm cốt lõi: quyền lực chính trị là quyền lực của nhân dân, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về đảng cầm quyền nói chung, chủ trương xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền nói riêng; đồng thời, vấn đề cốt lõi trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh là vấn đề quyền lực chính trị của nhân dân. Tất cả vấn đề khác, như xây dựng đảng cầm quyền, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân hay xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, đều nhằm thực hiện quyền lực này.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền lực chính trị là quyền của nhân dân không chỉ bắt nguồn từ lòng yêu nước, thương dân, mà còn từ quan điểm của Người về vai trò của nhân dân trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, ngoại diên của khái niệm nhân dân không chỉ có công nhân, nông dân, trí thức, mà còn bao gồm các giai cấp, tầng lớp thúc đẩy sự phát triển của dân tộc, có đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Xuất phát từ quan điểm quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo ra lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin và với khát vọng giải phóng dân tộc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, Hồ Chí Minh khẳng định quyền lực chính trị là của nhân dân và quyền ấy thể hiện trong chế độ mới là: dân là chủ, dân làm chủ. Người khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức nhân dân làm chủ”(1) và “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(2). Điều đó cũng có nghĩa là nhân dân không chỉ có vị thế, mà còn có năng lực và trách nhiệm thực hiện quyền lực chính trị. Người chỉ rõ: “Nước ta là nước dân chủ/ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân./ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…/ Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra…/ Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(3). Như vậy, trên tinh thần dân chủ của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng “lấy dân làm gốc” mà Người kế thừa từ truyền thống văn hóa phương Đông lên bình diện hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng về quyền lực chính trị của Người, dân là gốc của nước, của cách mạng nên dân phải có quyền làm chủ thực sự. Chính vì thế trong nhà nước của dân, nhân dân là chủ, họ có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm. Nhà nước của dân phải hình thành được các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của nhân dân. Khi dân đã là chủ thì chính phủ, cán bộ, đảng viên phải là “công bộc” của dân theo ý nghĩa đúng đắn của từ này. Tư tưởng ấy cho thấy, thực chất quan điểm quyền lực chính trị của nhân dân của Hồ Chí Minh là tư tưởng dân chủ. Bởi vì, chỉ trong một xã hội thật sự dân chủ, thì quyền hành và lực lượng mới thuộc về dân; chỉ khi nào nội dung dân chủ được thể hiện ở mọi lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội thì quyền con người, quyền công dân mới được bảo đảm.
2. Xây dựng Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh trong sạch, vững mạnh là điều kiện để thực hiện quyền lực của nhân dân
Trong xã hội có giai cấp, quyền lực của chủ thể cầm quyền được thực hiện thông qua hoạt động của hệ thống chính trị. Xét về bản chất, các thành tố cơ bản trong hệ thống chính trị hợp thành một chỉnh thể mang tính hiến định, tác động qua lại với nhau nhằm tham gia vào quá trình hình thành các quyết sách nhà nước, thực thi quyền lực chính trị, bảo đảm quyền thống trị của giai cấp thống trị; đồng thời, đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển xã hội. Điều đó cũng có nghĩa, đối với bất kỳ quốc gia nào, quyền lực chính trị đều được thực hiện trên thực tế thông qua hoạt động của các thành tố trong hệ thống chính trị là: đảng chính trị, nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội; trong đó, đảng chính trị cầm quyền giữ vai trò lãnh đạo cả hệ thống chính trị. Cũng theo tinh thần đó, nhưng trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, quyền lực chính trị là quyền của nhân dân, nên muốn hiện thực hóa quyền lực chính trị của nhân dân, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, trong đó và trước hết là phải xây dựng đảng cầm quyền đại diện trung thành cho lợi ích của nhân dân.
Với tư cách là một trong những yếu tố cơ bản của hệ thống chính trị, đảng chính trị là tổ chức lãnh đạo cuộc đấu tranh giai cấp vì mục tiêu giành, giữ, sử dụng quyền lực nhà nước và định hướng chính trị cho sự phát triển của xã hội. Theo đó, vấn đề quyền lực chính trị và đảng chính trị không cô lập tách rời nhau, mà quy định, chi phối lẫn nhau, trong đó xét cho tới cùng, vấn đề quyền lực chính trị (của ai?) chi phối việc xây dựng cương lĩnh hành động và đường lối chính trị của đảng chính trị cầm quyền.
Mặc dù Hồ Chí Minh không sử dụng khái niệm hệ thống chính trị, nhưng lại xác định rất rõ về cơ cấu tổ chức cùng các thành tố của hệ thống chính trị và vai trò của từng thành tố đó trong việc thực thi quyền lực chính trị của nhân dân; trong đó, nhà nước có vai trò trực tiếp thực thi quyền lực chính trị. Tuy nhiên, để nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, thì sự lãnh đạo của đảng cầm quyền lại giữ vai trò quyết định, nên đảng này phải là Đảng Cộng sản vì chỉ có Đảng Cộng sản – đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân mới đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động. Với tinh thần đó, Hồ Chí Minh đã chủ trương làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam: cách mạng Việt Nam phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tính logic về mặt lý luận của vấn đề này là: nếu cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân thì muốn làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mang lại độc lập cho dân tộc và dân chủ cho nhân dân nhất định phải có một tổ chức tiên phong của nhân dân tập hợp, giáo dục và lãnh đạo nhân dân. Chính vì thế, khi đặt vấn đề: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?”(4), Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(5). Theo đó, sức mạnh của quần chúng nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo của đảng, và đối với cách mạng Việt Nam, muốn hiện thực hóa quyền lực của nhân dân đòi hỏi phải thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, và sự lãnh đạo của Đảng là nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình, Hồ Chí Minh luôn khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, có khả năng đoàn kết “tập hợp”, “lôi kéo” các tầng lớp nhân dân khác đứng lên làm cách mạng, bao giờ Đảng cũng tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân, trung thành tuyệt đối với lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, “ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”(6).
Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền là nhân tố tất yếu thực hiện quyền lực của nhân dân. Bởi vì, Đảng là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động. Tuy nhiên, để thực hiện được trọng trách đó, Đảng cần phải có năng lực lãnh đạo và thật sự trong sạch. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc rằng, mỗi đảng viên trong hàng ngũ của Đảng là những con người cụ thể với các nhu cầu, ham muốn và chịu ảnh hưởng tác động của điều kiện, hoàn cảnh…, nên rất quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Người luôn đòi hỏi Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc. Chính vì thế, trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, vấn đề quyền lực chính trị của nhân dân không tách rời vấn đề xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh.
Để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong sạch, vững mạnh, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cho các đảng viên. Theo quan điểm của Người, đạo đức chính là cái gốc, là nền tảng của người cách mạng; phẩm chất đạo đức quan trọng của người đảng viên là phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho lợi ích của Đảng, của dân tộc. Người đòi hỏi những người cộng sản phải có cả phẩm chất đạo đức và năng lực, có cả hồng và chuyên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người có lòng nhân ái, bao dung, trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục. Trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng trong sạch là điều kiện tiên quyết thực hiện quyền lực chính trị của nhân dân. Bởi vì, theo Hồ Chí Minh, chỉ khi Đảng trong sạch, có đạo đức thì Đảng mới thực sự tiêu biểu cho lương tâm, trí tuệ, danh dự của dân tộc; mới có thể làm tròn sứ mệnh lịch sử do nhân dân và dân tộc giao phó. Nếu Đảng không thực sự đạo đức, đảng viên bị thoái hóa biến chất, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, thì mọi thành quả cách mạng của Đảng sẽ tiêu tan, Đảng sẽ không còn đại diện cho lợi ích, quyền lực chính trị của nhân dân. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu phải luôn chú ý đề phòng, khắc phục những tiêu cực trong Đảng; mỗi đảng viên của Đảng phải gương mẫu trong công tác và trong cuộc sống. Người cũng đòi hỏi Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Mọi hoạt động của Đảng đều xuất phát từ yêu cầu phát triển của dân tộc, lấy lợi ích của dân tộc làm trọng.
Cùng với việc quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cho đảng viên, Hồ Chí Minh cũng quan tâm sâu sắc tới xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đối với Người, cán bộ là gốc công việc nên “công tác cán bộ là công tác gốc của Đảng”. Đảng phải hiểu, đánh giá đúng cán bộ, sử dụng, đề bạt cán bộ đúng với năng lực, chuyên môn, sở trường; phải phòng, chống các tiêu cực của cán bộ và trong công tác cán bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thành tuyệt đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đặt lợi ích của Đảng, tức lợi ích dân tộc và Tổ quốc lên trên hết. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm chỉnh thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng; luôn học tập để nâng cao trình độ, tu dưỡng, trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng; có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và có tinh thần phòng, chống những tiêu cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đến nguyên tắc xây dựng Đảng nhằm bảo đảm thực hiện quyền lực chính trị của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, quyền lực của Đảng ta không tự nhiên mà có. Quyền lực đó là của nhân dân, do nhân dân ủy thác cho Đảng và Đảng đại diện cho nhân dân lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Cơ sở xã hội quy định quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là giai cấp công nhân Việt Nam, mà còn là toàn thể nhân dân lao động. Chính vì thế, để quyền lực chính trị thực sự là quyền lực của nhân dân, Đảng phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, lấy ý kiến đó làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của mình. Muốn làm được điều đó, Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động nhưng phải biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta.
Đảng phải tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy nguyên tắc này làm nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Theo nguyên tắc tập trung dân chủ, dân chủ và tập trung là hai mặt có quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau; trong đó, dân chủ để đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung; còn tập trung phải trên cơ sở dân chủ theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, mọi đảng viên phải chấp hành vô điều kiện nghị quyết của Đảng. Bàn về vấn đề tập trung dân chủ, Hồ Chí Minh giải thích: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ./ Cá nhân phụ trách là tập trung./ Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”(7).
Với tinh thần coi trọng dân chủ và quyền lực của nhân dân, Người khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”(8). Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện và phát huy dân chủ trong Đảng. Bởi vì, Người hiểu sâu sắc rằng, chỉ khi có dân chủ trong Đảng mới có thể nói đến dân chủ trong xã hội, mới định hướng cho việc xây dựng một chế độ dân chủ thực hiện quyền lực của nhân dân. Người cũng đòi hỏi Đảng phải coi nguyên tắc phê bình và tự phê bình là nguyên tắc sinh hoạt và là vũ khí để rèn luyện đảng viên, nhằm làm cho mỗi đảng viên tốt hơn, tiến bộ hơn và để Đảng vững mạnh hơn, làm tròn trách nhiệm trước giai cấp và dân tộc. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(9). Ngoài ra, Người còn coi trọng nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác, đồng thời đòi hỏi Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới. Người nhấn mạnh, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng không có quyền lợi gì của riêng mình, ngoài quyền lợi của giai cấp, của dân tộc, nên Đảng không ở trên dân, cũng không ở ngoài dân, mà ở trong lòng dân, phải lấy dân làm gốc, không được tự cho phép mình đứng trên dân, trên Nhà nước, trên pháp luật. Mỗi đảng viên đứng trong hàng ngũ của Đảng thì phải theo tư tưởng, kỷ luật của Đảng. Khi các đảng viên tự giác chấp hành kỷ luật, thì kỷ luật của Đảng mới thực sự nghiêm minh và tạo ra sức mạnh cho Đảng. Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn vì quyền lực của Đảng là do nhân dân giao phó và Đảng hoạt động vì mục đích “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” chứ không có mục đích nào khác. Chỉnh đốn Đảng sẽ giúp cho mỗi đảng viên cũng như toàn Đảng làm tròn nhiệm vụ của mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.
Xây dựng Đảng cầm quyền thực hiện quyền lực chính trị của nhân dân cũng cần phải thực hiện nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng và liên hệ mật thiết với nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định, đoàn kết là truyền thống quý báu của Đảng, là nhân tố để Đảng ta lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Do đó, Đảng phải giữ gìn sự đoàn kết như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đảng thực hiện quyền lực của dân nên cố nhiên Đảng không được tách rời dân. Nếu không gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng sẽ không nắm được nhu cầu của quần chúng, dễ dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân và đánh mất lòng tin của dân.
3. Kết luận
Trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, quan điểm về quyền lực chính trị không tách rời quan điểm về đảng cầm quyền. Xuất phát từ quan điểm quyền lực chính trị là quyền lực của nhân dân, Hồ Chí Minh đã sáng lập, xây dựng và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam bằng những tư tưởng chỉ đạo và những việc làm cụ thể. Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn được thể hiện trong Hồ Chí Minh, tư tưởng không chỉ cho thấy tư tưởng chính trị của Người là một kiểu mẫu của chính trị hành động, trọng việc làm, đề cao sự thiết thực, mà còn mang tinh thần nhân văn, nhân bản. Có thể nói, với chủ trương thành lập và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền nhằm hiện thực hóa quyền lực của nhân dân, Hồ Chí Minh đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới số phận con người, số phận và cuộc sống của nhân dân lao động bằng những việc làm thiết thực. Trong tư tưởng chính trị của Người, giữa lý tưởng, mục đích chính trị và các phương pháp đạt đến mục đích đó có sự thống nhất chặt chẽ, nên giá trị của nó không chỉ ở mặt học thuật, mà còn ở tính ứng dụng thực tiễn. Tư tưởng ấy đã, đang và vẫn sẽ là nền tảng tưởng, soi đường cho Đảng Cộng sản Việt Nam, là tài sản tinh thần to lớn của dân tộc ta./.
————————————-
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.10
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, Sđd, tr.434
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, Sđd, tr.232
(4) và (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.2, Sđd, tr.289 và 289
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.12, Sđd, tr.402
(7) và (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Sđd, tr.620 và 301
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, Sđd, tr.378