PGS, TS. VŨ THỊ THANH XUÂN(*)
TS. TRẦN THỊ KIM NINH(**)
(*) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(**) Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Hơn 75 năm trôi qua, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947 vẫn còn giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Về giá trị lý luận, tác phẩm thể hiện những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh. Về giá trị thực tiễn, tác phẩm không chỉ là cuốn cẩm nang cho cán bộ, đảng viên nói chung trong việc học tập, rèn luyện phong cách, đạo đức cách mạng mà còn là những chỉ dẫn sâu sắc, thiết thực để xây dựng phong cách làm việc khoa học, đổi mới, nêu gương của đội ngũ giảng viên Trường Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: “Sửa đổi lối làm việc”; phong cách làm việc; giảng viên
“Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản”(1), góp phần nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Hệ thống Trường Đảng bao gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các học viện khu vực, các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước, là nơi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ quy định. Trường Đảng còn là trung tâm nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong hệ thống Trường Đảng, đội ngũ giảng viên chính là lực lượng then chốt, quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Vì vậy, xây dựng đội ngũ giảng viên là những nhà khoa học am hiểu lý luận chính trị, có bản lĩnh vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, “phải có chí khí cao thượng”(2), có phong cách làm việc khoa học, đổi mới, nêu gương. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đáp ứng yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.
Học tập phong cách làm việc Hồ Chí Minh giúp mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ giảng viên trường Đảng nói riêng nâng cao năng lực, uy tín, trách nhiệm, khắc phục những hạn chế trong tư duy, phương pháp, phong cách làm việc. Vì vậy, phải thấm nhuần những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để xây dựng phong cách làm việc cho giảng viên Trường Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Nghiên cứu tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giảng viên Trường Đảng cần tập trung rèn luyện phong cách làm việc với các nội dung sau:
– Phong cách làm việc khoa học
Làm việc khoa học là làm việc có mục đích, kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Phong cách làm việc khoa học của người giảng viên Trường Đảng thể hiện trong quá trình giảng dạy với sự nghiên cứu, điều tra, phân tích toàn diện, sự sáng tạo, đổi mới, ham học, cầu tiến, không kiêu ngạo, tự mãn, duy ý chí.
Học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học Hồ Chí Minh, mỗi giảng viên cần thực hiện tốt nhiệm vụ sau:
Một là, giảng viên cần nghiên cứu kỹ chương trình, tài liệu môn học, nắm bắt đặc điểm, tình hình học viên, xây dựng giáo án và lựa chọn phương pháp giảng dạy sáng tạo, phù hợp. Nội dung bài giảng phải vừa sâu sắc về lý luận, vừa gắn liền với thực tiễn của đơn vị, địa phương, đất nước và thế giới, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, cần thiết và định hướng nhận thức đúng đắn cho người học. Theo Hồ Chí Minh: “Huấn luyện lý luận có hai cách: Một cách là chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế, tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích. Một cách là trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế. Lúc học rồi, họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích”(3). Vì vậy, giảng viên Trường Đảng cần có phong cách làm việc khoa học, am hiểu thực tiễn, không chỉ truyền thụ kiến thức cơ bản, mà còn tạo dựng niềm tin, thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng, giúp người học có tư duy, lý tưởng, nắm vững những giá trị cốt lõi của lý luận cách mạng. Đồng thời, giảng viên còn cung cấp hệ thống lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp học viên vận dụng sáng tạo trong thực tiễn, giải quyết công việc đạt hiệu quả cao.
Hai là, giảng viên phải thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương Trường Đảng. Mỗi giảng viên sử dụng hiệu quả thời gian giảng dạy, không bỏ giờ, cắt giảm thời gian lên lớp ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học viên, đồng thời, nêu gương trong thực hiện nội quy, quy chế để xây dựng, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật cho học viên. Trong các bài giảng, giảng viên phải đặc biệt cẩn trọng với từng câu chữ, thể hiện trách nhiệm trong từng lời nói, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, khách quan. Điều đó không chỉ thể hiện trách nhiệm, sự tâm huyết với nghề, mà còn thể hiện thái độ tôn trọng nghề, tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng học viên và tôn trọng chính mình.
Ba là, giảng viên cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết theo từng nhóm nhiệm vụ, từng thời gian nhất định với mục tiêu, tiến độ và biện pháp khả thi để thực hiện hiệu quả. Giảng viên Trường Đảng học tập phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh nhằm khắc phục lề lối, cách thức làm việc cảm tính, chủ quan, không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc; làm việc một cách tự do, tùy tiện, gặp chăng hay chớ, thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu kế hoạch; thiếu ngăn nắp, lề mề, tùy tiện, chậm chạp, lãng phí sức người sức của; làm việc thiếu cụ thể thiết thực; thiếu tầm nhìn xa trông rộng… Vì vậy, để đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện trên, đòi hỏi đội ngũ giảng viên Trường Đảng phải tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách làm việc của Hồ Chí Minh. Đây là yêu cầu khách quan, là mệnh lệnh từ thực tiễn.
– Phong cách làm việc đổi mới
Rèn luyện phong cách làm việc đổi mới cho mỗi giảng viên Trường Đảng là yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Bởi vì, đổi mới luôn yêu cầu tư duy sáng tạo, năng động, hướng tới cái mới, cái tiến bộ, đổi mới để khắc phục căn bệnh duy chí ý, kinh nghiệm chủ nghĩa, coi thường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu tổng kết lý luận.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh yêu cầu luôn phải đổi mới: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”(4). Bởi vì, cuộc sống luôn vận động, sản sinh ra những tri thức mới và luôn đặt ra những vấn đề mới cần nhận thức nên giảng viên phải nêu cao tinh thần tự học, nghiên cứu và khơi dậy cho người học kỹ năng tự học và ý thức học tập suốt đời. Hồ Chí Minh căn dặn rằng, học không bao giờ cùng; học mãi để tiến bộ, càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm. Giảng viên với kiến thức lý luận vững chắc, am hiểu thực tiễn sâu rộng sẽ truyền đến người học lòng đam mê tri thức và phương pháp tự học để họ tự tiếp cận tri thức trong suốt cuộc đời.
Hồ Chí Minh đã chỉ ra “xao nhãng việc học tập. Đó là một khuyết điểm rất to”(5). Đây là nguyên nhân “mẹ” đẻ ra biết bao các khuyết điểm “con”, do vậy phải “đột phá” vào nó tìm cách để sửa, phải có “tổ chức”, có “thời gian học tập”, “tài liệu học tập”, “cách thức học tập”, “cách phê bình”, “kiểm tra”, “báo cáo”. Soi lý luận dạy học hiện đại ngày nay vào đó sẽ thấy đây là một mô hình khoa học đầy đủ, trọn vẹn nhất của một quá trình học tập của một tổ chức, một tập thể và của mỗi cá nhân. Đó là yêu cầu tất yếu đòi hỏi giảng viên luôn phải tự đổi mới trong phong cách làm việc.
Để lý luận không trở nên khô cứng, trong cách huấn luyện lý luận, giảng viên Trường Đảng phải tự đổi mới phương pháp truyền đạt, tránh “thói ba hoa”: “Dài dòng rỗng tuếch”, “Thói cầu kỳ”, “Khô khan lúng túng” như Hồ Chí Minh đã chỉ ra… Giảng viên cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức, học cách tư duy. Trong quá trình làm việc, giảng viên phải đào sâu suy nghĩ, điều tra, nghiên cứu rõ, chín thì mới nói, mới viết; trước khi làm phải sắp đặt cẩn thận và có trách nhiệm với công việc đến cuối cùng. Đặc biệt, giảng viên Trường Đảng phải rèn ý thức “nói đi đôi với làm”, không khoe mẽ “lấy vẻ bề ngoài che đậy sơ sài bên trong”. Đây là biểu hiện tư cách đạo đức của mỗi giảng viên, khiêm tốn, thật thà, chân thành, luôn tôn trọng người khác, coi trọng việc học tập để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công việc và vị trí được giao.
Rèn luyện phong cách làm việc đổi mới, đòi hỏi giảng viên Trường Đảng, khi gặp vấn đề phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Giải quyết vấn đề này trên cơ sở lý luận của Đảng ra sao? “Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra thảo luận cho vỡ lẽ… tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”(6). Sau đó, phải nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn thận, không hấp tấp, thụ động hay tỏ thái độ lừng chừng, tránh chủ quan duy ý chí, giải quyết lý luận không thấu đáo, vô hình trung gây tâm lý hoài nghi cho người học.
Mỗi giảng viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, phát huy sự chủ động, sáng tạo, tích cực học tập của học viên; khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị ở chính mỗi giảng viên và học viên.
– Phong cách làm việc nêu gương
Trong sự nghiệp giáo dục, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nêu gương – nêu gương từ chính mỗi người thầy. Hồ Chí Minh ca ngợi sứ mệnh của người thầy bao nhiêu thì kỳ vọng vào họ bấy nhiêu, bởi “không phải ai cũng huấn luyện được”, tức không phải ai cũng làm thầy được. Vì vậy, giảng viên cần nêu gương trên các mặt sau:
Thứ nhất, giảng viên phải thực sự là tấm gương yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Giảng viên là nhà giáo dục, là người “hướng đạo” về mặt khoa học, cho nên họ phải không ngừng học tập theo phương châm “người đi giáo dục, phải được giáo dục”. Bởi, nếu người thầy non yếu về tri thức sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại, nhất là trong Trường Đảng – là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang. Vì vậy, đòi hỏi giảng viên Trường Đảng phải nêu gương về học tập, nghiên cứu khoa học để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có trình độ khoa học kỹ thuật cao, có nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, quản trị chất lượng theo yêu cầu của từng cấp (từ Trung ương đến địa phương), đảm đương trọng trách điều hành, quản lý đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Thứ hai, giảng viên phải nêu gương về phẩm chất đạo đức, lối sống, tự rèn luyện để xứng đáng với vị trí, vai trò của người thầy; là tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có lối sống giản dị, lành mạnh, trong sáng; gương mẫu từ lời nói đến việc làm; luôn giữ mối quan hệ chuẩn mực với cộng đồng, xã hội, được mọi người tôn trọng và yêu mến.
Thứ ba, nêu gương về tinh thần tự học và tự nghiên cứu khoa học. Học tập chính là quá trình tiếp thu tri thức, nên việc học tập ở trường, lớp trong những giai đoạn nhất định và tự học suốt đời là quan trọng, cần thiết và thường xuyên: “Học hành là vô cùng. Học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt”(7).
Tinh thần tự học của Hồ Chủ Tịch là tấm gương sáng để mỗi giảng viên Trường Đảng tự soi, tự ngẫm, tự thực hành. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp. Công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”(8). Vì vậy, việc tự học phải xuất phát chính từ nhu cầu của người giảng viên Trường Đảng. Mỗi giảng viên phải xác định tự học chính là con đường tốt nhất, nhanh nhất để nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, phong cách phục vụ tốt nhất nhiệm vụ chính trị.
Thứ tư, giảng viên nêu gương trong việc thực hiện nội quy, quy chế Trường Đảng. Để hoạt động giảng dạy trong nhà trường diễn ra thống nhất, thông suốt và hiệu quả đòi hỏi tất cả cán bộ, giảng viên, học viên phải thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế.
Hiện nay, thực hiện những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh để xây dựng phong cách làm việc cho đội ngũ giảng viên Trường Đảng, cần chú ý các giải pháp sau:
– Đối với giảng viên
Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong xây dựng phong cách làm việc gắn với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là giải pháp quyết định trực tiếp đến kết quả xây dựng phong cách làm việc của giảng viên Trường Đảng. Mỗi giảng viên phải xác định động cơ đúng đắn, có trách nhiệm cao trong việc phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo về phong cách làm việc. Đội ngũ giảng viên phải tự học tập, rèn luyện để không ngừng tiến bộ, trưởng thành về mọi mặt, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân.
– Đối với cơ quan chủ quản
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, trực tiếp là cấp ủy trong bồi dưỡng phong cách làm việc khoa học, đổi mới, nêu gương cho đội ngũ giảng viên
Để thực hiện được yêu cầu này, cấp ủy phải nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải bồi dưỡng phong cách làm việc khoa học; hiểu rõ những nội dung cơ bản về phong cách làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm chắc thực trạng phong cách làm việc khoa học của đội ngũ giảng viên; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm trong bồi dưỡng phong cách làm việc khoa học cho đội ngũ giảng viên.
Thứ hai, xây dựng văn hóa Trường Đảng
Trường Đảng có đặc thù khác với các ngôi trường khác trong hệ thống giáo dục, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập và lực lượng vũ trang. Xây dựng văn hóa Trường Đảng là xây dựng giá trị cốt lõi, bản sắc Trường Đảng, thể hiện trong việc xây dựng và thực hành chuẩn mực đạo đức, phong cách của giảng viên, học viên, trong các mối quan hệ ứng xử giữa giảng viên với giảng viên, giữa giảng viên với học viên và học viên với học viên. Đó là tiền đề, điều kiện và định hướng xây dựng phong cách làm việc cho đội ngũ giảng viên.
Thứ ba, chăm lo, xây dựng đội ngũ giảng viên
Cấp ủy cần có kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên theo lộ trình, thời gian (chú ý đến số lượng, chất lượng, cơ cấu). Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại theo hướng mở để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của giảng viên. Một mặt, cần tin tưởng, giao nhiệm vụ cho đội ngũ giảng viên; mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.
Xây dựng kế hoạch dự giờ thường xuyên hoặc đột xuất đối với giảng viên. Thông qua giải pháp này, vừa quản lý được đội ngũ giảng viên, vừa giúp họ nhận thức rõ điểm mạnh, điểm yếu để nhanh chóng trưởng thành, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao.
Cần có cơ chế, chính sách phù hợp với đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên Trường Đảng không chỉ trực tiếp tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, mà còn là lực lượng tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hoạt động giảng dạy của giảng viên Trường Đảng đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về công sức, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, nên giảng viên Trường Đảng cần được hưởng chính sách đãi ngộ đặc thù, xứng đáng với sự cống hiến của họ, làm động lực để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao./.
—————————————–
(1) và (6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.95 và 98-99
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.14, Sđd, tr.403
(3), (4), (5) và (7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Sđd, tr.311-312, 279, 271 và 349
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.13, Sđd, tr.273